Nhiều cơ hội cộng sinh công nghiệp đã được VNCPC nhận diện và triển khai tại Đà Nẵng

Tại buổi hội thảo được tổ chức ở Đà Nẵng vào trung tuần tháng 4 vừa qua, đại diện Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) đã trình bày 6 giải pháp cộng sinh công nghiệp được lựa chọn để thực hiện tại Đà Nẵng, nhằm chuyển đổi các khu công nghiệp (KCN) tại địa phương này thành KCN bền vững ở Việt Nam.

Hội thảo là hoạt động trong dự án “Triển khai sáng kiến ​​KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện, với vốn tài trợ từ Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) và Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF).

Các giải pháp cộng sinh công nghiệp do VNCPC nghiên cứu và trình bày đã nhận được sự đánh giá cao của các bên liên quan.

Theo ông Đinh Mạnh Thắng – chuyên gia tư vấn của VNCPC, qua các buổi thảo luận và khảo sát chuyên sâu tại 57 doanh nghiệp ở Đà Nẵng, 22 cơ hội cộng sinh công nghiệp đã được xác định. Trong đó có 6 giải pháp được lựa chọn sau khi phân tích tất cả các điều kiện cần thiết với tất cả các bên liên quan, bao gồm:

  • Thu hồi biogas tại Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam – Đà Nẵng để sử dụng làm nhiên liệu cho nồi hơi của Công ty Năng lượng xanh;
  • Lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời trên mái nhà của Nhà máy Giấy bao bì Tân Long;
  • Công ty Năng lượng xanh cung cấp nhân lực vận hành nồi hơi chuyên nghiệp cho Nhà máy Giấy bao bì Tân Long;
  • Sử dụng tro thải làm gạch không nung tại KCN Hòa Khánh;
  • Thu gom, phân loại giấy và bìa thải để làm nguyên liệu đầu vào cho các công ty sản xuất giấy Kraft; và
  • Sử dụng gỗ phế liệu từ Công ty TNHH Lâm Sản Việt Lang làm nhiên liệu cho nồi hơi của Công ty Năng lượng xanh

Cũng tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp liên quan cùng với đại diện của Ban quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng; Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng; các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước đến từ VNCPC và Tổ chức Sofies (Thụy Sĩ) cùng Ban quản lý dự án đã thảo luận về những lợi thế và rào cản khi thực hiện các giải pháp này.

Chuyên gia tư vấn quốc tế Luc Jaquet chia sẻ về các mô hình cộng sinh đã được thực hiện thành công ở các quốc gia như Đan Mạch, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Chuyên gia tư vấn quốc tế Luc Jaquet – thuộc Tổ chức Sofies đã chia sẻ về các mô hình cộng sinh đã được thực hiện thành công ở các quốc gia như Đan Mạch, Hàn Quốc và Nhật Bản. Ông cũng nêu rõ những thách thức và rào cản khi triển khai đó là: các công ty không sẵn sàng đầu tư tài chính để mua và áp dụng các công nghệ tiên tiến hay vấn đề bảo mật trong kinh doanh, rào cản pháp lý…

Tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng, hầu hết các doanh nghiệp đều phải đối mặt là nguồn tài chính chưa sẵn có để đầu tư vào các công nghệ tiên tiến và đào tạo nguồn nhân lực; cùng cơ chế hợp tác giữa các công ty liên quan đến việc thực hiện cộng sinh công nghiệp, thêm vào đó là những rào cản pháp lý trong các quy định về tái sử dụng chất thải và nước thải đã được xử lý.

Ông Lê Hoàng Đức – Phó trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng khẳng định chính quyền thành phố Đà Nẵng sẽ hỗ trợ hoạt động cộng sinh công nghiệp.

Ông Lê Hoàng Đức – Phó trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng khẳng định chính quyền thành phố Đà Nẵng sẽ hỗ trợ hoạt động cộng sinh công nghiệp vì lợi ích đem lại không chỉ cho bản thân các doanh nghiệp mà cho cả môi trường trong các khu công nghiệp trong thành phố.

VNCPC