Doanh nghiệp dệt may cần chuyển đổi xanh để xuất khẩu lâu bền sang EU

“Để có thể xuất khẩu lâu bền sang EU, doanh nghiệp bắt buộc phải tính đến sản xuất hàng hóa bằng các nguồn năng lượng sạch gắn với các tiêu chuẩn về môi trường”, TS. Lê Xuân Thịnh – Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) chia sẻ.

TS. Lê Xuân Thịnh

PV: Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng tiết kiệm năng lượng của ngành Dệt may Việt Nam?

TS. Lê Xuân Thịnh: Ngành Dệt may đã phát triển rất nhanh trong hơn 20 năm qua. Tính đến nay, sản phẩm của ngành Dệt may đã xuất khẩu sang 66 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Riêng thị trường EU, chúng ta đã xuất khẩu vào 26/27 quốc gia.

Các doanh nghiệp, tiêu biểu là các thương hiệu quốc gia của dệt may Việt Nam đã có những đổi mới để bắt kịp xu hướng dệt may thế giới. Bên cạnh việc nâng cao năng lực sản xuất, tự chủ nguồn nguyên liệu, doanh nghiệp đã chuyển đổi công nghệ để tiết kiệm năng lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn của sản xuất và tiêu dùng bền vững. Mặc dù vậy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của ngành Dệt may còn nhiều, khoảng 20%. Con số này đòi hỏi các doanh nghiệp phải tiếp tục thực thi các giải pháp tiết kiệm năng lượng để giảm chi phí đầu vào, gia tăng các lợi thế cạnh tranh.

PV: Theo ông, có thể áp dụng những giải pháp nào để thực hành tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp trong ngành Dệt may?

TS. Lê Xuân Thịnh: Tôi cho rằng, về chính sách, cần xây dựng định mức sử dụng năng lượng cho ngành Dệt may, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, cũng cần các chương trình ưu đãi để doanh nghiệp tiếp cận vốn cho đổi mới công nghệ. Kiểm toán năng lượng cũng là một bước tiếp theo để giúp doanh nghiệp nhìn ra vấn đề của mình để xác định mức đầu tư cho tiết kiệm điện, nước, than…

Trên thực tế, tiêu thụ năng lượng của ngành Dệt may chủ yếu do việc vận hành các thiết bị như: lò hơi và hệ thống hơi, hệ thống chiếu sáng, máy may và các máy chuyên dụng, hệ thống nước và máy nén khí. Do đó, khi doanh nghiệp tìm ra đúng khâu gây lãng phí năng lượng, sẽ có được sơ đồ chi tiết và dùng đúng giải pháp để tiết kiệm năng lượng.

Tôi lấy ví dụ, một doanh nghiệp có công suất thiết kế hơn 2 triệu mét vải/năm, mỗi tháng tiêu thụ khoảng 50.000kWh điện, 60 tấn than. Nhưng khi cải tạo hệ thống lò hơi, lắp thêm bộ tụ bù cho các máy dệt, quản lý phụ tải thì lượng điện tiêu thụ có thể giảm xuống còn 30.000-33.000 kWh/tháng.

Mặt khác, cần tăng cường tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn tiết kiệm năng lượng hiệu quả cho các doanh nghiệp; tổ chức các triển lãm về công nghệ xanh cho ngành Dệt may gắn với mục tiêu xuất khẩu.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp dệt may đã vào cuộc tiết kiệm năng lượng hiệu quả, chủ động dành nguồn tiền để kiểm toán năng lượng, thay mới thiết bị, cập nhật công nghệ tiết kiệm điện của hệ thống chiếu sáng… bên cạnh thực hiện quy trình quản trị doanh nghiệp tinh gọn.

Hiện nay, VNCPC với sự hỗ trợ của Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH – Hà Lan) và Viện Dệt may toàn cầu (Aii) đang hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may thực hiện các giải pháp hiệu quả tài nguyên – sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng thông qua chương trình “Vươn tới đỉnh cao” (Race to the Top) nay gọi là “Clean By Design”. Nhiều doanh nghiệp thực hiện chương trình đã mang lại hiệu quả cao. Cụ thể, năm 2022, bốn doanh nghiệp dệt nhuộm đã tiết kiệm tới 1,97 triệu kWh điện, 3.150 tấn than, 203.400 Sm3 khí CNG, 595.000 kg gỗ, 228.450 m3 nước và qua đó giảm được 10.480 tấn CO2 tương đương.

Một loạt giải pháp tiết kiệm năng lượng mà các doanh nghiệp đã áp dụng như: Cải tạo thông gió phòng máy nén khí, khắc phục rò rỉ khí nén, giảm áp suất cài đặt máy cho nén khí; Cải thiện hiệu suất lò dầu, lắp hệ thống thu hồi nhiệt khí thải để gia nhiệt cho không khí cấp lò dầu; tối ưu hóa chế độ vận hành các máy móc thiết bị tiêu thụ điện của hệ thống lò hơi /lò dầu; Tăng cường bảo ôn nhiệt bề mặt nóng hệ thống dầu tải nhiệt, hệ thống hơi tải nhiệt; Thay thế máy nhuộm Jet (dung tỷ 1:10; tiêu thụ nước 45 lít/kg vải) bằng máy nhuộm tròn tiết kiệm nước (dung tỷ 1:5; tiêu thụ nước 24 lít/kg vải).

Như vậy, không chỉ tiết kiệm chi phí, mà còn định hình con đường chuyển đổi phương thức từ “nâu” sang “xanh” cho mỗi doanh nghiệp. Qua đó, sản phẩm dễ dàng tiếp cận được với khách hàng ngày càng đòi hỏi khắt khe về tính thân thiện, bền vững với môi trường.

Doanh nghiệp dệt may cần chuyển đổi xanh để xuất khẩu lâu bền sang EU. Nguồn ảnh: congthuong.vn

PV: Ngành Dệt may Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 53 quốc gia, mở rộng biên độ thị trường rất lớn. Nhưng các FTA thế hệ mới cũng đặt ra thách thức khi yêu cầu về tăng trưởng xanh ngày càng khắt khe. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may phải chuyển đổi sản xuất như thế nào, thưa ông?

TS. Lê Xuân Thịnh: Để tận dụng các cơ hội mà FTA mang lại, theo tôi, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần nỗ lực hơn để đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Bởi chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được xem là giấy thông hành của hàng hóa xuất nhập khẩu trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Đồng thời, các doanh nghiệp cần quan tâm đúng mức về phát triển bền vững, kết nối, hợp tác: tăng cường mối liên kết trong ngành giữa các nhà sản xuất may với các nhà sản xuất nguyên phụ liệu, phụ trợ để tận dụng được các thành phẩm của nhau làm nguyên liệu sản xuất cho dệt may.

Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, các doanh nghiệp dệt may cần chủ động cải tiến chất lượng sản phẩm, mẫu mã thiết kế, tiếp cận thị trường, chuẩn bị tâm thế, nội lực để bước vào sân chơi lớn toàn cầu. Cần chuyển đổi từ phương thức gia công CMT (cắt, may, hoàn thiện sản phẩm) sang phương thức OEM (phương thức mua nguyên liệu, bán thành phẩm) và ODM (phương thức bao gồm cả sản xuất và thiết kế), tiến tới là phương thức OBM (phương thức sản xuất có thương hiệu riêng), từ đó sẽ giúp nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu dệt may của Việt Nam.

Để có thể xuất khẩu lâu bền sang EU, doanh nghiệp buộc phải tính đến sản xuất hàng hóa bằng các nguồn năng lượng sạch gắn với các tiêu chuẩn về môi trường. Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tuân thủ quy trình sản xuất xanh để có được các sản phẩm xanh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo các tiêu chí về môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ môi trường sinh thái và giải quyết tốt các vấn đề xã hội, qua đó cũng giúp phát triển xuất khẩu bền vững hơn.

PV: Vốn đầu tư cho chuyển đổi sản xuất xanh cũng là một thách thức. Các doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn vốn như thế nào, thưa ông?

TS. Lê Xuân Thịnh: Hiện nay, có nhiều nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh gồm cả nguồn trong nước và ngoài nước. Các nguồn vốn trong nước gồm các nguồn vay ưu đãi của các định chế tài chính cho tín dụng xanh theo Chỉ thị 03/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước năm 2015 và đến nay đã có nhiều các ngân hàng tham gia hỗ trợ doanh nghiệp. Một số nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế khác như: Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Pháp (AFD), Cục kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO),…

Trong Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong đó có giao Ngân hàng Nhà nước xây dựng các cơ chế huy động và hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn thay đổi công nghệ, sản xuất xanh. Một trong những ưu tiên của Chiến lược là xây dựng thị trường tín chỉ các bon để các doanh nghiệp có thể dễ dàng huy động các nguồn vốn thông qua cơ chế buôn bán, trao đổi tín chỉ khi đầu tư công nghệ cho giảm sử dụng năng lượng qua đó giảm phát thải khí nhà kính.

Tuy nhiên, để có thể tham gia vào việc tiếp cận các nguồn vốn này, doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ cả thông tin tài chính của dự án đầu tư lẫn thông tin về công nghệ để dễ dàng đáp ứng các tiêu chí và yêu cầu của các bên cho vay vốn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

https://www.evn.com.vn/d6/news/Doanh-nghiep-det-may-can-chuyen-doi-xanh-de-xuat-khau-lau-ben-sang-EU-100-653-124048.aspx

Nhật Bản phát triển thành công nhựa sinh học có thể hòa tan trong nước biển

Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã phát triển thành công loại nhựa sinh học mới không chỉ bền mà còn có khả năng phân hủy nhanh chóng trong nước biển và có thể sản xuất hàng loạt trong tương lai.

Tạp chí khoa học ACS Bền vững Hóa học và Kỹ thuật Mỹ công bố, các nhà khoa học tại Đại học Kobe (Nhật Bản) và một số tổ chức khác đã thành công trong việc tạo ra loại nhựa sinh học mới được làm từ axit polylactic, một loại polyester có nguồn gốc từ các loại tinh bột như mía và ngô.

Axit polylactic còn được biết đến là polylactide có thể làm vật liệu thay thế cho nhựa từ dầu mỏ. Tuy nhiên, vật liệu này khá giòn và khó tạo hình, đồng thời không dễ phân hủy. Để giải quyết vấn đề này, nhóm nghiên cứu đã phát triển một loại polylactide có khả năng phân hủy, được gọi là LAHB, nhưng khó sản xuất hàng loạt.


Nhựa sinh học có thể tan trong nước biển. (Ảnh: Kyodo)

Để vượt qua những hạn chế này, nhóm đã sử dụng một loại vi khuẩn được gọi là dehydrogenase lactate để sản xuất nhựa, thông qua việc biến đổi gene, họ đã thành công trong việc sản xuất hàng loạt LAHB. Kết quả là một loại nhựa sinh học mới, trong suốt và có khả năng phân hủy nhanh chóng trong môi trường nước biển.

Giáo sư Seiichi Taguchi thuộc Đại học Kobe, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, sự phát triển của nhựa sinh học mới “sẽ giúp ngăn chặn nóng lên toàn cầu và đã đưa sáng kiến ​​sản xuất sinh học của chính phủ lên cấp độ công nghiệp.

Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Kobe mang lại hy vọng một ngày nào đó các đại dương trên thế giới có thể sẽ không còn rác thải nhựa.

Chính phủ Nhật Bản hy vọng sẽ tăng mức sử dụng nhựa sinh học của nước này lên khoảng 2 triệu tấn vào năm 2030. Đồng thời đặt mục tiêu giảm 25% lượng rác thải nhựa có thể phân hủy và đến năm 2035, tái chế hoặc tái sử dụng 100% các loại rác thải nhựa, bao gồm rác thải nhựa sinh hoạt và rác thải nhựa công nghiệp.

Theo Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), với hơn 400 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm và chỉ khoảng 10% được tái chế, việc phát triển nhựa sinh học có thể là một bước quan trọng trong việc giảm ô nhiễm nhựa toàn cầu. Mức độ phát thải khí nhà kính từ sản phẩm nhựa được dự báo sẽ tăng lên 19% của ngân sách carbon toàn cầu vào năm 2040, nhưng với những nỗ lực như nghiên cứu này, chúng ta có thể hướng tới một tương lai sạch hơn và bền vững hơn.

Duy Trinh (t/h)
https://vietq.vn/nhat-ban-phat-trien-thanh-cong-nhua-sinh-hoc-co-the-hoa-tan-trong-nuoc-bien-d220389.html

Nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam

Sáng 12-4, tại TPHCM, Bộ KH-ĐT và Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) phối hợp tổ chức hội thảo tổng kết dự án triển khai khu công nghiệp (KCN) sinh thái tại Việt Nam.

Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu” được phê duyệt và triển khai thực hiện từ tháng 5-2020 và sẽ kết thúc vào ngày 30-4-2024. Một số KCN tham gia chương trình gồm: Hiệp Phước (TPHCM), Đình Vũ (Hải Phòng), Trà Nóc (Cần Thơ), Amata – Biên Hoà (Đồng Nai), Hòa Khánh (Đà Nẵng).


Hội thảo tổ chức tại TPHCM với sự tham gia của nhiều đại biểu trong và ngoài nước. Ảnh: M.HOA

Phát biểu khai mạc, ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ quản lý các khu kinh tế, Bộ KH-ĐT cho biết, trong quá trình triển khai, mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch Covid-19 nhưng đến nay, về cơ bản dự án đã hoàn thành các mục tiêu đề ra ban đầu. Cụ thể là việc khuyến khích phát triển và lồng ghép KCN sinh thái trong thể chế, chính sách; xác định và triển khai thực hiện các cơ hội KCN sinh thái nhằm đem lại lợi ích môi trường, lợi ích kinh tế và xã hội cho doanh nghiệp trong các KCN.

Theo ông Quân, năm 2015, khi bắt đầu triển khai dự án thí điểm KCN sinh thái tại Việt Nam, đây là một khái niệm hoàn toàn mới mẻ. Đến nay, mô hình này đã được thể chế hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật, cao nhất là ở cấp nghị định của Chính phủ; lồng ghép vào nhiều chính sách quan trọng của quốc gia về sản xuất, tiêu dùng bền vững, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam và đang tiếp tục từng bước được hoàn thiện. Đây là kết quả hết sức quan trọng, đặt nền tảng cho việc triển khai thực hiện chuyển đổi cũng như xây dựng mới các KCN theo mô hình sinh thái tại Việt Nam.

Bà Lê Thị Thanh Thảo, đại diện quốc gia của UNIDO tại Việt Nam đánh giá cao cam kết của Chính phủ Việt Nam trong phát triển KCN sinh thái và mối quan hệ hợp tác gắn bó chặt chẽ với Bộ KH-ĐT. Bà Thảo tin tưởng những lợi ích đáng kể về kinh tế, môi trường và xã hội từ dự án sẽ góp phần nhân rộng lan tỏa việc thực hiện mô hình KCN sinh thái để phát triển công nghiệp toàn diện và bền vững ở Việt Nam.

Bà Sibylle Bachmann, Trưởng Cơ quan Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam nhấn mạnh vai trò quan trọng của dự án trong việc tạo điều kiện phát triển công nghiệp bền vững và thịnh vượng. Với sự hỗ trợ của dự án, Việt Nam đã ban hành các quy định liên quan đến quản lý chất thải rắn công nghiệp, tái sử dụng và tái chế nước thải. Trong giai đoạn sắp tới, Chính phủ Thụy Sĩ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thông qua UNIDO trong việc hiện thực hóa các chính sách vào thực tiễn.

Tại hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đã trình bày nhiều ý kiến về phát triển cộng sinh công nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi sang KCN sinh thái…

Tổng kinh phí triển khai dự án từ 2020-2024 là hơn 1,8 triệu USD do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) tài trợ. Dự án có mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của ngành công nghiệp và lồng ghép quy định để phát triển mô hình KCN sinh thái trong các cơ chế, chính sách có liên quan.

Thực hiện dự án này, Bộ KH-ĐT và UNIDO đã hợp tác để hỗ trợ chuyển đổi các KCN hiện có sang KCN sinh thái với 603 giải pháp sản xuất sạch hơn và hiệu quả tài nguyên. Trong đó, 217 giải pháp đã được 88 doanh nghiệp triển khai, góp phần tiết kiệm 69,2 tỷ đồng/năm tương đương 2,9 triệu USD thông qua việc giảm tiêu thụ năng lượng, tài nguyên và vật liệu, giảm 8.910 tấn CO2/năm.

MAI HOA
https://www.sggp.org.vn/nhan-rong-mo-hinh-khu-cong-nghiep-sinh-thai-tai-viet-nam-post735008.htmla

Trái Đất đang trong thời kỳ nóng kỷ lục – “Hậu quả” của hiệu ứng nhà kính

Cơ quan quan sát khí hậu Châu Âu cho biết, tháng 3 vừa qua là tháng Trái Đất nóng nhất trong lịch sử và là tháng thứ 10 liên tiếp phá kỷ lục nhiệt độ mà nguyên nhân chính là do tình trạng hiệu ứng nhà kính.

Kể từ tháng 6/2023, kỷ lục về mức nhiệt cao liên tục bị phá vỡ và tháng 3/2024 không phải là ngoại lệ. AFP ngày 9/4 dẫn số liệu của Dịch vụ biến đổi khí hậu Copernicus (C3S), cơ quan theo dõi thời tiết của Liên minh Châu Âu (EU), cho thấy nhiệt độ toàn cầu trong tháng 3 vừa qua được ghi nhận nóng hơn 1,68 độ C so với mức nhiệt trung bình trong tháng 3 từ năm 1850-1900, thời kỳ tiền công nghiệp.

Nhiều phần rộng lớn trên Trái Đất từ Châu Phi cho đến Greenland, Nam Mỹ và châu Nam cực trong tháng 3 có nhiệt độ cao hơn mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. Đó cũng là tháng thứ 10 liên tiếp có mức nhiệt phá vỡ kỷ lục và là đỉnh điểm của một năm nóng nhất lịch sử, cao hơn mức tiền công nghiệp 1,58 độ C.

Phó giám đốc C3S Samantha Burgess nhận xét đây là xu hướng đáng báo động và cảnh báo thế giới đang ở cực gần với việc vượt qua ngưỡng giới hạn mà các nhà lãnh đạo thế giới đạt được vào năm 2015 tại Paris (Pháp).

Theo bà Burgess, tình hình nhiệt độ biển cũng gây sốc không kém khi mức nhiệt kỷ lục đo được trên bề mặt các đại dương trong tháng 2 tiếp tục bị phá vỡ trong tháng 3. Điều này là cực kỳ bất thường.

Dữ liệu của C3S bắt đầu được tổng hợp từ năm 1940 nhưng những nguồn thông tin khác về khí hậu như từ lõi băng, vòng gỗ trên thân cây và san hô giúp các nhà khoa học có được thêm thông tin từ xa hơn trong quá khứ. “Chúng tôi biết rằng giai đoạn mà chúng ta đang sống có thể là ấm nhất trong ít nhất 100.000 năm qua”, bà Burgess nói.


Trái Đất ngày càng nóng lên là do hậu quả của hiệu ứng nhà kính. Ảnh minh họa

Một trong những nguyên nhân khiến Trái Đất nóng lên là do tình trạng hiệu ứng nhà kính. Hiệu ứng nhà kính có tên tiếng Anh là “Greenhouse Effect”. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học giải thích, hiệu ứng nhà kính là hiệu ứng làm cho không khí của Trái Đất nóng lên do bức xạ sóng ngắn của Mặt Trời có thể xuyên qua tầng khí quyển chiếu xuống mặt đất và mặt đất hấp thu nóng lên lại bức xạ sóng dài vào khí quyển để CO2 hấp thu làm cho không khí nóng lên.

CO2 trong khí quyển giống như một tầng kính dày bao phủ Trái Đất, làm cho Trái Đất không khác gì một nhà kính lớn. Theo tính toán, nếu không có lớp khí quyển, nhiệt độ trung bình ở lớp bề mặt Trái Đất sẽ xuống tới -230C, nhưng nhiệt độ trung bình thực tế là 150C, có nghĩa là hiệu ứng nhà kính đã làm cho Trái Đất nóng lên 380C.

Ngoài khí CO2 ra, các khí CH4, CFC, SO2, metan, ozôn, các halogen và hơi nước cũng là nguyên nhân tác động và gây lên hiện tượng hiệu ứng nhà kính. Cộng với sự phát triển dân số và công nghiệp với tốc độ gia tăng chóng mặt cũng tác động trực tiếp tới nhiệt độ của Trái Đất.

Theo các chuyên gia, những tác hại mà hiệu ứng nhà kính để lại không ít hệ lụy đến sức khỏe con người, sinh vật và môi trường sống. Do đó cần tăng cường trồng nhiều cây xanh. Đây chính là một trong những công việc tuy đơn giản, dễ thực hiện nhưng lại là phương pháp vô cùng hiệu quả và được ưu tiên hàng đầu để giảm hiệu ứng nhà kính. Có cây xanh sẽ gia tăng sự hấp thụ khí CO2 thông qua quá trình quang hợp của cây xanh, từ đó, giúp làm giảm lượng khí CO2 trong khí quyển một cách đáng kể, sẽ khắc phục hiệu quả hiệu ứng nhà kính.

Nâng cao ý thức tiết kiệm điện. Điện năng được sản xuất từ việc đốt các nguyên liệu cũng như nhiên liệu hóa thạch. Khi các nguyên – nhiên liệu này đốt sẽ sinh ra một lượng rất lớn CO2 và thải ra môi trường. Không chỉ là nguyên nhân lớn gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường mà còn làm tăng hiệu ứng nhà kính ảnh hưởng xấu đến cuộc sống con người, sinh vật.

Sử dụng phương tiện di chuyển bảo vệ môi trường. Thực tế, những phương tiện di chuyển phổ biến nhất hiện nay như xe máy, ô tô,… khi hoạt động sẽ thải ra khí CO2 rất nhiều và gây ô nhiễm môi trường, cũng như tăng hiệu ứng nhà kính. Vì lẽ đó, nếu có thể bạn hãy tăng cường sử dụng các phương tiện công cộng, đi xe đạp hay đi bộ sẽ là những cách bảo vệ môi trường và trái đất hiệu quả nhất.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường. Trên cơ sở đẩy mạnh các công tác truyền thông để bảo vệ môi trường để mỗi người dân tự có ý thức để giảm hiện tượng hiệu ứng nhà kính.

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/trai-dat-dang-trong-thoi-ky-nong-nhat-trong-100000-nam–hau-qua-do-hieu-ung-nha-kinh-d220320.html

5 cách hiệu quả giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính

Phát triển nền kinh tế các-bon thấp, hướng tới giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 đã trở thành xu thế phát triển tất yếu của nhân loại. Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã đưa ra lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ này. Để thực hiện theo lộ trình đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ, song không thể bỏ qua những cách hiệu quả dưới đây để giúp giảm thiểu phát thải  khí nhà kính.

Khí nhà kính là những khí có khả năng hấp thụ bức xạ sóng dài (hồng ngoại) phản xạ từ bề mặt trái đất sau khi được mặt trời chiếu sáng. Nhiệt sau đó được tỏa trở lại trái đất, gây ra hiệu ứng nhà kính. Loại khí này chủ yếu bao gồm: CO2, CH4, N2O, O3 và CFC… Vậy để giảm thiểu các loại khí nhà kính cần:

1. Chuyển dịch năng lượng theo hướng sạch và xanh

Ngành điện nước ta hiện nay đang phụ thuộc khá nhiều vào các nguồn điện sử dụng nguyên liệu hóa thạch (chỉ riêng nhiệt điện than đã chiếm khoảng 45% tổng sản lượng điện hệ thống). Do đó, cần đẩy mạnh phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời…) với giá thành hợp lý gắn với bảo đảm an toàn vận hành và tính kinh tế chung của hệ thống điện. Ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán điện vào lưới điện quốc gia. Ưu tiên phát triển các loại hình điện sinh khối, điện đồng phát, điện sản xuất từ rác, chất thải rắn nhằm tận dụng phụ phẩm nông lâm nghiệp, chế biến gỗ, thúc đẩy trồng rừng và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, xử lý môi trường. Khai thác tối đa tiềm năng thuỷ điện của đất nước trên cơ sở bảo đảm môi trường, bảo vệ rừng, an ninh nguồn nước. Đẩy mạnh phát triển các loại hình thủy điện tích năng, thủy điện trên các hồ thủy lợi, hồ chứa nước để điều hòa phụ tải, dự phòng công suất, tận dụng nguồn thủy năng.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu phát triển các loại hình năng lượng tái tạo khác như địa nhiệt, sóng biển… Ưu tiên tối đa phát triển các dự án nhiệt điện sử dụng nguồn khí tự nhiên trong nước; Phát triển nguồn điện sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở quy mô phù hợp để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, sử dụng công nghệ hiện đại, hiệu suất cao. Không phát triển nguồn điện sử dụng LNG mới sau năm 2035. Các nhà máy điện sử dụng LNG định hướng chuyển dần sang sử dụng nhiên liệu hydro. Đến năm 2050, đa số các nhà máy nhiệt điện khí chuyển hoàn toàn sang sử dụng hydro.

2. Thực hiện kiểm kê khí nhà kính

Để thực hiện các mục tiêu, cam kết giảm phát thải khí nhà kính, lãnh đạo Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) cho rằng: cần thực hiện giảm phát thải khí nhà kính đối với các cơ sở phát thải hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tđ trở lên từ 2022, 2.000 tấn CO2tđ trở lên từ năm 2030; 500 tấn CO2tđ trở lên từ năm 2040; 200 tấn CO2tđ trở lên từ năm 2050, Xây dựng tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính quốc gia và tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các cơ sở từ năm 2026; Xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến, hệ số phát thải đặc trưng quốc gia, Xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm 30% khí mê tan, thực hiện lộ trình giảm phát thải ròng về “0”, loại trừ các chất làm cạn ozone (ODS).

3. Trồng thêm nhiều cây xanh

Trồng cây xanh, phát triển rừng là một trong những biện pháp giúp giảm thiểu hiệu ứng nhà kính vô cùng hiệu quả và cần được ưu tiên hàng đầu hiện nay. Bởi cây xanh sẽ hấp thụ CO2 thông qua quá trình quang hợp.

4. Sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường

Các phương tiện giao thông phổ biến nhất hiện nay như xe máy, ô tô,… khi đi vào hoạt động đều thải ra rất nhiều khí CO2 và gây ô nhiễm môi trường, cũng như làm gia tăng hiệu ứng nhà kính. Do đó, nếu có thể hãy tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt là các phương tiện thân thiện với môi trường.

5. Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên

Không chỉ trong sản xuất mà trong hoạt động sinh hoạt hàng ngày mỗi người cũng sử dụng rất nhiều tài nguyên và gây ra những phát thải nhất định. Do đó, hãy sử dụng thật tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên thông qua những việc làm đơn giản như tắt điện khi không sử dụng, vặn nhỏ vòi nước và sửa chữa ngay khi vòi nước có hiện tượng rò rỉ…

VNCPC

Tiêu chuẩn tín chỉ carbon: Giải pháp quan trọng để bảo vệ rừng, giảm thiểu phát thải khí nhà kính

Bằng việc tuân thủ các tiêu chuẩn tín chỉ carbon rừng không chỉ đảm bảo tính minh bạch và tin cậy cho thị trường tín chỉ carbon mà còn khuyến khích và thúc đẩy đầu tư vào các dự án bảo vệ rừng, từ đó giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Diện tích rừng trên thế giới đang ngày càng thu hẹp do nhiều nguyên nhân như khai thác gỗ, cháy rừng, và canh tác. Điều này dẫn đến lượng khí CO2 trong khí quyển tăng cao, đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu với những hậu quả nghiêm trọng như: hạn hán, lũ lụt, mực nước biển dâng cao, ảnh hưởng đến đời sống con người và hệ sinh thái. Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng, tiêu chuẩn tín chỉ carbon hiện đang được coi là giải pháp quan trọng.

Tín chỉ carbon là chứng nhận để giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải lượng khí nhà kính, cụ thể là khí CO2. Nó đại diện cho quyền phát thải một tấn CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2 (tCO2e) vào bầu khí quyển.

Tín chỉ carbon là giấy phép hoặc chứng chỉ có thể mua bán, cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn carbon dioxide hoặc tương đương với một loại khí nhà kính khác. Mục tiêu chính của việc tạo ra tín chỉ carbon là giảm lượng khí thải carbon dioxide và các loại khí nhà kính khác từ các hoạt động công nghiệp, nhằm giảm tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu.


Tín chỉ carbon là chứng nhận để giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải lượng khí nhà kính. Ảnh minh họa

Theo đó, thị trường tín chỉ carbon được coi là một trong những công cụ quan trọng hướng đến thực hiện mục tiêu trung hòa carbon trong cam kết của các nền kinh tế tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc. Nhu cầu tín chỉ carbon trên thế giới trong những năm gần đây đang tăng lên, thúc đẩy sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của thị trường này.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, thị trường carbon tạo ra nguồn thu nhập mới cho các dự án và hoạt động giảm phát thải, chẳng hạn như trồng rừng, bảo vệ rừng và phát triển năng lượng tái tạo. Khuyến khích hợp tác quốc tế trong việc giải quyết biến đổi khí hậu. Các quốc gia có thể mua bán tín chỉ carbon với nhau, giúp các quốc gia đang phát triển có thêm nguồn lực để thực hiện các cam kết khí hậu của mình.

Thị trường carbon còn tạo ra động lực kinh tế cho các doanh nghiệp giảm phát thải khí nhà kính. Doanh nghiệp có thể mua tín chỉ carbon từ các nguồn khác nếu họ vượt quá hạn ngạch phát thải được cấp. Điều này khuyến khích họ đầu tư vào các công nghệ sạch và hiệu quả hơn để giảm lượng khí thải.

Thị trường carbon cũng giúp chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon. Khi giá carbon tăng, các doanh nghiệp sẽ có xu hướng chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo và các phương thức sản xuất ít phát thải hơn.

Liên quan tới thị trường tín chỉ carbon, tại Việt Nam, việc phát triển thị trường tín chỉ carbon sẽ giúp nắm bắt những cơ hội trong lộ trình thực hiện cam kết giảm phát thải carbon. Theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, “tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2 hoặc một tấn khí CO2 tương đương”.

Bên cạnh đó, Dự thảo của Đề án “Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam” xây dựng dựa trên cơ sở Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn (Nghị định số 06/2022/NĐ-CP) đã đưa ra mục tiêu từ nay đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ hoàn thiện các quy định trong quản lý tín chỉ carbon, các giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính; quy chế trong vận hành sàn giao dịch; thí điểm cơ chế giao dịch, bù trừ trong các lĩnh vực có tiềm năng; tổ chức hướng dẫn việc thực hiện cơ chế giao dịch trong nước và cả quốc tế, đảm bảo sự phù hợp với các quy định trong các điều ước quốc tế; tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch vào năm 2025.

Từ 2028, Việt Nam chính thức sẽ đưa vào vận hành thị trường giao dịch tín chỉ carbon. Đối với các chủ thể tham gia thị trường, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định: Các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính là cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên, hoặc thuộc một trong các trường hợp sau: nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng mức tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên; công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng tiêu thụ nhiên liệu hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên.

Việt Nam hiện có khoảng 1.912 cơ sở đang thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính theo quy định trong Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Đây chính là các khách hàng sẽ tham gia thị trường trong thời gian tới.

Theo ông Tăng Thế Cường – Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính là cam kết lâu dài của Việt Nam tại COP26. Đây cũng là xu hướng tiêu dùng xanh ngày càng phổ biến tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, EU. Chuyển đổi sang sản xuất xanh cũng là xu thế mà nhiều nước đang theo đuổi để hướng tới mục tiêu phát thải carbon bằng 0 vào giữa thế kỷ này.

Theo đó Việt Nam lựa chọn vận hành thị trường carbon để giảm phát thải khí nhà kính hướng tới một thị trường carbon tuân thủ, có sàn giao dịch, bắt buộc các đối tượng liên quan phải thực thi. Mặt hàng chính trên sàn giao dịch carbon là hạn ngạch phát thải khí nhà kính áp cho từng doanh nghiệp và tín chỉ carbon chỉ là mặt hàng bù đắp.

Ông Nguyễn Võ Trường An- Công ty CP Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN (CCTPA) cho rằng, thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam còn có tiềm năng phát triển ở các lĩnh vực khác như năng lượng tái tạo từ mặt trời, gió và thủy điện. Bên cạnh đó, trồng cây xanh đô thị cũng có thể giúp giảm thiểu hiệu ứng nhiệt đô thị, giảm phát thải khí nhà kính.

ISO 14065 – Tiêu chuẩn quốc tế về phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính

ISO 14065 là tiêu chuẩn quốc tế được xây dựng bởi nhóm làm việc gồm 70 chuyên gia quốc tế đến từ 30 quốc gia và một số tổ chức liên lạc, bao gồm: Diễn đàn Công nhận Quốc tế, tuân thủ Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), tổng hợp ý kiến của giới chuyên môn từ Ủy ban đánh giá sự phù hợp của ISO (CASCO) và Ủy ban kỹ thuật ISO/TC 207, quản lý môi trường.

Trong khi ISO 14064 đưa ra các yêu cầu đối với các tổ chức và cá nhân kiểm định và hợp chuẩn số lượng thải khí gây hiệu ứng nhà kính, ISO 14065 quy định các yêu cầu công nhận đối với các tổ chức hợp chuẩn và kiểm định các kết quả yêu cầu hoặc xác nhận thải khí gây hiệu ứng nhà kính(GHG).

Mục tiêu của ISO 14064 và ISO 14065 bao gồm: Xây dựng các biện pháp theo thể chế trung lập, linh hoạt áp dụng tự nguyện hoặc các hệ thống quy phạm GHG; Thúc đẩy và hài hòa việc thực hiện; Hỗ trợ tính toàn vẹn về mặt môi trường của các xác nhận GHG; Trợ giúp các tổ chức nắm bắt được các cơ hội cũng như nguy cơ liên quan đến GHG; Hỗ trợ xây dựng thị trường và các chương trình GHG. “ISO 14064 và ISO 14065 là những ví dụ tiêu biểu về nỗ lực không ngừng nghỉ của ISO trong việc xây dựng và thúc đẩy các biện pháp thiết thực góp phần vào sự phát triển bền vững của hành tinh” là nhận định của Tổng thư ký ISO – Alan Bryden.

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/tieu-chuan-tin-chi-carbon-giai-phap-quan-trong-de-bao-ve-rung-d219908.html