Sản xuất than sinh học giúp giảm phát thải

Tại Hội thảo trực tuyến “Ứng dụng than sinh học trong phát triển nông nghiệp bền vững” vừa diễn ra, các chuyên gia trong và ngoài nước đã giới thiệu tiềm năng sản xuất, ứng dụng than sinh học tại Việt Nam và đóng góp cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp.

Hội thảo trực trực tuyến có sự tham dự của nhiều đại diện quốc tế, chia sẻ về các tiềm năng ứng dụng than sinh học.

Theo ông Nguyễn Hà Huế – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN&PTNT), than sinh học được tạo ra từ các loại phế, phụ phẩm trong nông nghiệp. Tại Việt Nam, nguồn nguyên liệu này rất dồi dào, khoảng trên 120 triệu tấn/năm nhưng vẫn chưa được khai thác triệt để.

Việc ứng dụng than sinh học tại Việt Nam sẽ giúp hướng đến mục tiêu “Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải nhà kính 10% so với năm 2020”, cùng với đó là thúc đẩy thương mại hóa công nghệ nhiệt phân tại Việt Nam, chuyển đổi chất thải nông nghiệp (vỏ trấu, vỏ cà phê) thành năng lượng sạch và than sinh học có giá trị cao – ông Huế khẳng định.

Tại Hội thảo, đại biểu được nghe các chuyên gia chia sẻ những nội dung về nhu cầu và xu hướng thế giới về than sinh học, cụ thể tại Việt Nam; than sinh học và các mô hình ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu ở Việt Nam; kinh tế tuần hoàn than sinh học từ vỏ cà phê ở Việt Nam; kinh nghiệm phát triển than sinh học trên thế giới.

Than sinh học còn được mệnh danh là “vàng đen”

Than sinh học còn được mệnh danh là “vàng đen” vì những tác dụng quý báu của nó đối với nông nghiệp và môi trường. Với đặc tính như một bể chứa Cacbon tự nhiên, than sinh học giúp cô lập và giữ khí CO2 trong đất và đặc tính xốp giúp đất giữ nước, dưỡng chất và bảo vệ vi khuẩn có lợi cho đất. Khi chôn dưới đất, sau phân hủy sẽ cho ra một loại phân bón hữu cơ, đây là một loại phân bón tốt và thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, than sinh học còn có tác dụng khử mùi và khử trùng hoặc có thể sử dụng kết hợp với chế phẩm vi sinh để làm lớp thảm sinh học cho các trại chăn nuôi gia cầm.

Theo đó, than sinh học có đặc tính là cải thiện dinh dưỡng dễ tiêu cho cây trồng; đẩy mạnh quá trình rửa trôi muối, ức chế sự xâm nhập của Na+ cải thiện và phục hồi đất nhiễm mặn, tăng sức chống chịu của cây trồng; tăng giữ nước, giữ dinh dưỡng trong đất. Đồng thời, việc sử dụng TSH trong trồng trọt cho thấy việc bón phân TSH sản xuất từ nguồn phụ phẩm rơm rạ, trấu, lõi bắp, thân, lá, cành các loại cây trồng… có sẵn làm tăng độ phì nhiêu đất, tăng năng suất cây trồng và giảm chi phí đầu tư phân bón, góp phần giảm phát thải nhà kính…

Hiện nay, nguồn nguyên liệu sản xuất than sinh học ở Việt Nam rất phong phú và giá thành rẻ như: Xương động vật, vỏ cua, vỏ ốc hến, tro bếp, xác của các loại động thực vật, các loại cây thủy sinh (tảo, bèo..), vỏ trấu, vỏ cà phê, vỏ đậu phụng, bã mía, vỏ dừa, vỏ ca cao cho đến cây tre, lau sậy, phế thải từ khai thác rừng, cùng rất nhiều các chất thải xanh khác. Tận dụng được nguồn nguyên liệu phong phú, sẵn có, rẻ tiền, đáp ứng được nhu cầu trong nước và tiến tới xuất khẩu sang các nước dựa trên yếu tố cạnh tranh về chi phí.

Đại diện UNIDO đã giới thiệu công nghệ nhiệt phân của Thụy Sĩ là giải pháp tiên tiến, chi phí thấp được thiết kế để sử dụng tại Viêt Nam, áp dụng cho mô hình hợp tác xã và nhà máy chế biến nông sản tại Đắk Lắk. Sản phẩm đầu ra của công nghệ nhiệt phân không chỉ là than sinh học mà còn cả năng lượng phục vụ quá trình sấy, sản xuất điện và tạo ra doanh thu cho các nông hộ.

Với sự tài trợ của Cục Kinh tế Liên Bang Thụy Sĩ (SECO), giai đoạn 2020-2022, UNIDO ưu tiên tập trung nhân rộng mô hình công nghệ nhiệt phân giữa các nhóm áp dụng tiềm năng và thúc đẩy thương mại hóa công nghệ xanh này tại Việt Nam.

https://baotainguyenmoitruong.vn/san-xuat-than-sinh-hoc-giup-giam-phat-thai-339458.html

Ứng dụng than sinh học trong phát triển nông nghiệp bền vững

Chiều ngày 28/4, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tổ chức Hội thảo trực tuyến: Ứng dụng than sinh học trong phát triển nông nghiệp bền vững”.

Hội nghị do Ông Nguyễn Hà Huế, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Bà Nguyễn Lê Hằng – Phó Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNPCP), đơn vị đầu mối thực hiện dự án “Thúc đẩy mô hình nhiệt phân hệ thống quy mô nhỏ tại Việt Nam” do UNIDO triển khai tại Việt Nam đồng chủ trì.

Hội thảo được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về lợi ích và tiềm năng ứng dụng của than sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, giảm phát thải khí nhà kính, chia sẻ tri thức, kết nối hợp tác để thúc đẩy việc chuyển đổi các phụ phẩm nông nghiệp thành nguồn năng lượng sạch và than sinh học có giá trị đồng thời thúc đẩy thị trường than sinh học tại Việt Nam.

Sự kiện này cũng là một trong chuỗi sự kiện được Chương trình hỗ trợ quốc tế – Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các đối tác quốc tế tổ chức để kết nối tri thức và tăng cường năng lực cho các cán bộ ngành nông nghiệp nhằm triển khai thực hiện tốt mục tiêu “Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính…Sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững. Phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, ít phát thải, thân thiện với môi trường và thích ứng với khí hậu…” đã đề ra trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hội thảo đã thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp, các hội, hiệp hội, các hợp tác xã, các cơ quan quản lý và các Sở nông nghiệp và PTNT với hơn 200 lượt truy cập trực tuyến. Gần 50 câu hỏi đã được đặt ra trao đổi và thảo luận về các vấn đề có liên quan đến phát triển than sinh học và các công nghệ có thể ứng dụng để biến các phụ phẩm nông nghiệp thành “vàng đen”.

Tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe 4 bài trình bày từ các chuyên gia trong nước và quốc tế về nhu cầu và xu hướng phát triển than sinh học trên thế giới và ở Việt Nam, đặc tính và ứng dụng của than sinh học, các mô hình ứng dụng than sinh học trong sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Theo http://www.isgmard.org.vn/Detailnews.aspx?NewsID=999&CM=CM002&CategoryID=CA001&subCategoryID=SC002

Lần đầu tiên năng lượng tái tạo ở Hoa Kỳ tạo ra nhiều điện hơn hạt nhân

Theo báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), các nguồn năng lượng tái tạo tạo ra nhiều điện hơn năng lượng hạt nhân ở Hoa Kỳ vào năm 2021.

Năng lượng tái tạo, bao gồm điện gió, thủy điện, năng lượng mặt trời, sinh khối và địa nhiệt, đã tạo ra 795 triệu MWh điện vào năm 2021, trong khi năng lượng hạt nhân tạo ra sản lượng điện là 778 triệu MWh.

Năng lượng mặt trời và gió ở quy mô tiện ích mới góp phần tăng công suất phát điện cho năng lượng tái tạo. Dữ liệu do EIA công bố cũng không tính bất kỳ hoạt động phát điện mặt trời quy mô nhỏ hoặc phân tán nào.

Khí đốt tự nhiên vẫn là nguồn phát điện phổ biến nhất ở Hoa Kỳ với 1.474 MWh vào năm 2021. Sản lượng điện từ than tăng lần đầu tiên kể từ năm 2014 và tạo ra nhiều điện hơn cả năng lượng tái tạo và hạt nhân.

Năng lượng gió đã tăng 12% vào năm ngoái trong khi năng lượng mặt trời quy mô tiện ích tăng 28%. Cũng trong năm 2021, sản lượng điện từ thủy điện đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015 do điều kiện hạn hán ở miền Tây ảnh hưởng đến sản xuất.

PV
https://petrotimes.vn/lan-dau-tien-nang-luong-tai-tao-o-hoa-ky-tao-ra-nhieu-dien-hon-hat-nhan-649447.html

Khảo sát: Giá năng lượng tăng khiến gần một nửa số công ty Đức muốn cắt giảm đầu tư mới

Reuters ngày 25/4/2022 đưa tin hôm thứ Hai, một cuộc khảo sát cho thấy khoảng 40% công ty Đức đã và đang cảm thấy tác động của giá năng lượng tăng và gần một nửa muốn giảm đầu tư do chi phí năng lượng tăng.

Giá khí đốt tự nhiên và dầu tăng vọt sau cuộc khủng hoảng Ukraine đã đẩy lạm phát hàng năm của Đức lên mức cao nhất trong 40 năm vào tháng Ba. Giá khí đốt tự nhiên và dầu


Trung tâm tài chính tại thành phố Franfurt, Đức. Ảnh: Reuters.

Một cuộc khảo sát của Viện Ifo, do báo Augsburger Allgemeine công bố, cho thấy 46% công ty được khảo sát cho biết muốn giảm đầu tư do giá năng lượng tăng và 25% các công ty Đức dự kiến ​​sẽ phải chịu gánh nặng từ cú sốc giá trong nửa cuối năm.

Cuộc khảo sát đặt câu hỏi với 1.100 công ty, hầu hết là các doanh nghiệp gia đình, cho thấy rằng cứ mười công ty thì có một công ty đang xem xét từ bỏ hoàn toàn các hoạt động kinh doanh sử dụng nhiều năng lượng, trong khi 14% đang cân nhắc việc cắt giảm việc làm do chi phí năng lượng tăng. Gần 90% các công ty cho biết họ có thể sẽ phải tăng giá để chống lại chi phí tăng cao, trong khi 75% có kế hoạch mở rộng đầu tư vào việc nâng cao hiệu quả năng lượng.

Rainer Kirchdoerfer, thành viên hội đồng quản trị của Tổ chức các công ty gia đình ủy nhiệm cuộc khảo sát, cho biết họ cần một chính sách để điều chỉnh sự méo mó trong cạnh tranh và ngăn cản giá năng lượng tăng vọt.

Tháng trước, liên minh cầm quyền của Đức đã công bố các biện pháp cứu trợ trị giá khoảng 16 tỷ Euro (17,3 tỷ USD) để giúp người tiêu dùng đối phó với chi phí năng lượng tăng cao và giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga./.

Thanh Bình
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/khao-sat-gia-nang-luong-tang-khien-gan-mot-nua-so-cong-ty-duc-muon-cat-giam-dau-tu-moi-648980.html

Hội thảo trực tuyến: Ứng dụng than sinh học trong phát triển nông nghiệp bền vững

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trân trọng kính mời: Quý đại biểu

Tham dự “Hội thảo trực tuyến: Ứng dụng than sinh học trong phát triển nông nghiệp bền vững” do Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tổ chức.

Hội thảo này được tổ chức nhằm hướng đến mục tiêu “Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020” đã được đề ra trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022.

  1. Mục tiêu hội thảo:

– Nâng cao nhận thức về lợi ích và tiềm năng ứng dụng của than sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp.

– Kết nối và hợp tác để thúc đẩy ứng dụng và thương mại hóa công nghệ nhiệt phân tại Việt Nam trong chuyển đổi chất thải nông nghiệp (vỏ trấu, vỏ cà phê) thành nguồn năng lượng sạch và than sinh học giá trị.

  1. Thời gian: 14h00 – 16h00, thứ Năm, ngày 28/04/2022
  2. Đầu cầu chính: Phòng 101 B6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số 2 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội.
  3. Chủ trì: Lãnh đạo Vụ HTQT và đại diện UNIDO
  4. Hình thức:

– Trực tiếp tại đầu cầu chính: Đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, đại diện UNIDO

– Trực tuyến: Lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và PTNT, các doanh nghiệp, hiệp hội, hội, hợp tác xã, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; các cơ quan truyền thông, báo chí.Quý đại biểu tham dự Hội thảo xin đăng ký tham dự trước ngày 27/04/2022 theo đường link sau: https://forms.gle/q2K1yeHjLQDtsgxo6.

Thông tin về phòng họp trực tuyến, ID và mật khẩu sẽ được gửi đến Quý đại biểu tham dự trực tuyến sau khi nhận được đăng ký. Chi tiết liên hệ với Văn phòng ISG, Vụ Hợp tác quốc tế (Đ/c Nhung: Tel: 024.3771.1736/0392.992.235; [email protected])

VNCPC

Tín dụng xanh: Làm sao để tiếp cận?

Vào ngày 30/3 và 1/4, chương trình tập huấn “Các nguồn vốn ưu đãi cho sản xuất bền vững và lập hồ sơ vay vốn” đã được Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), phối hợp với chuyên gia tài chính tổ chức theo hình thức trực tuyến. Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của hàng trăm doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau.

Chương trình tập huấn là hoạt động thuộc khuôn khổ dự án “Xúc tiến cung cầu cho các sản phẩm chế biến nông sản sinh thái – công bằng tại Việt Nam” – (Ecofair). Dự án do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ cho các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ (SMEs) tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản thuộc 6 tiểu ngành: Chế biến gạo; Chế biến hạt điều; Chế biến rau, củ; Chế biến trái cây; Chế biến thịt và Thủy sản.

Các nguồn vốn/cơ chế tài chính hiện có

Theo PGS.TS. Lê Thu Hoa (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân): Hiện có những nguồn có khả năng cấp vốn đầu tư cho dự án của các doanh nghiệp SMEs đó là: Quỹ nội bộ; Vốn cổ phần; Các quỹ/ngân hàng phát triển, Các ngân hàng thương mại; Nhà cung cấp thiết bị/các công ty tài chính; Các chương trình của chính phủ; Các nguồn khác…

Đại diện VNCPC và PGS. TS. Lê Thu Hoa (ngồi giữa) trong chương trình tập huấn.

Cụ thể, Quỹ bảo vệ Môi trường Việt Nam đang hướng tới đối tượng là các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình có công trình bảo vệ môi trường; xử lý chất thải; sản xuất sạch hơn; công nghệ và sản phẩm thân thiện với môi trường; sản phẩm từ hoạt động tái chế; xử lý chất thải… Với vốn đối ứng tối thiểu 30%, các doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu sẽ được vay với lãi suất ưu đãi 2,6%, trong thời gian cấp vốn 7 năm. Hiện quỹ đã có mặt tại 46 tỉnh/thành trên khắp cả nước.

Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa với cơ chế tài trợ lãi suất ngắn hạn là 2,16%/năm, trung và dài hạn là 4%/năm. Thời gian cấp vốn 7 năm…

Ngoài ra còn có hình thức cho thuê tài chính trong nước là phương thức cấp tín dụng trung và dài hạn cho dự án đầu tư mua sắm máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất, phương tiện vận chuyển của doanh nghiệp.

Các hình thức cho thuê tài chính khác gồm: Cho thuê tài chính nhập khẩu; Cho thuê tài chính mua và cho thuê lại; Cho thuê vận hành: Khách hàng sử dụng tài sản (máy móc, thiết bị…) của công ty cho thuê tài chính trong một thời gian nhất định và hoàn trả lại tài sản đó cho bên thuê khi kết thúc thời hạn thuê tài sản.

Bên cạnh đó, còn có mô hình dịch vụ năng lượng (ESCO) cung cấp các dịch vụ năng lượng và/hoặc các biện pháp cải thiện hiệu quả năng lượng tại doanh nghiệp dưới  dạng các hợp đồng (EPC).

Quy trình vay vốn

Về quy trình vay vốn và phê duyệt các khoản vay, GS. Hoa cho biết: Khi muốn tiếp cận nguồn tài chính tiềm năng, các doanh nghiệp cần: Thu thập thông tin về những phương cách cho vay/tài trợ trong các năm trước của các nguồn tài chính tiềm năng. Xem xét động cơ thúc đẩy việc cho vay của nguồn cấp vốn khi chuẩn bị đơn xin vay vốn. Dự đoán trước các yêu cầu thông tin cần cung cấp cho các nguồn cấp vốn.

Theo đó, quy trình chung vay vốn và phê duyệt khoản vay sẽ trải qua 11 bước đó là: Tìm kiếm và tiếp cận các nguồn cấp vốn; Thảo luận sơ bộ chính thức với cán bộ tín dụng; Điền đơn xin vay vốn và thu thập các thông tin cần thiết; Nộp đơn xin vay vốn và các tài liệu liên quan cho Ngân hàng/Tổ chức tín dụng; Ngân hàng/tổ chức tín dụng thẩm định hồ sơ; Thỏa thuận các điều khoản cụ thể về khoản vay; Ngân hàng/Tổ chức tín dụng gửi thư cam kết; Ngân hàng/Tổ chức tín dụng gửi bản điều khoản xác định các điều khoản cho vay cụ thể; Ký hợp đồng vay vốn; Giải ngân và nhận vốn; Thực hiện dự án.

Lập hồ sơ vay vốn: Làm sao để nhận được sự hỗ trợ từ chuyên gia?

Bà Tô Hải Yến – Giám đốc dự án Eco-fair chia sẻ: Nằm trong chuỗi các hoạt động của dự án Eco-fair, tiếp sau hoạt động tập huấn này, dự án sẽ dành nguồn lực kỹ thuật tư vấn trực tiếp miễn phí với các doanh nghiệp thuộc 6 tiểu ngành chế biến nông sản nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hồ sơ tiếp cận nguồn vốn cho 20 dự án đầu tư theo hướng sản xuất bền vững.

Mong rằng thông qua các buổi tập huấn, các doanh nghiệp sẽ nắm bắt được các thông hữu ích và đăng ký tham gia các phiên tư vấn trực tiếp về lập hồ sơ vay vốn phù hợp với các nhu cầu đầu tư xanh hiện có.

Thông tin về dự án vui lòng liên hệ:

Ms Hằng: 0912.467.692;  Email: [email protected]

Ms Nhung: 0905.674.739; Email: [email protected]

VNCPC