Hà Nội: Nồng độ ô nhiễm gia tăng, người dân cần lưu ý bảo vệ sức khỏe

Trong tuần qua, từ ngày 23-31/8, chất lượng không khí tại các quận nội thành Hà Nội đa phần đều ở mức tốt và trung bình. Tuy nhiên, chất lượng không khí có giảm hơn so với tuần trước đó.

Theo kết quả phân tích của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), từ ngày 23-31/8, chất lượng không khí tại các quận nội thành đa phần đều ở mức tốt và trung bình. Tuy nhiên, chất lượng không khí có giảm (xấu) hơn so với tuần trước, trong đó có một ngày chất lượng không khí ở mức kém.

Cụ thể, trong tuần qua, Hà Nội chỉ có khu vực Tây Mỗ 100% số ngày có chỉ số chất lượng không khí (AQI) được xác định ở mức tốt.

Chất lượng không khí ở Hà Nội giảm mạnh trong hai ngày 26 và 27/8. (Nguồn: Chi cục BVMT Hà Nội)

Các khu vực khác như Chi cục Bảo vệ môi trường, Minh Khai, Phạm Văn Đồng và Hàng Đậu, 100% số ngày trong tuần có chỉ số AQI ở mức trung bình (từ 51-100).

Riêng khu vực Hàng Đậu có 2 ngày (26 và 27/8) chỉ số AQI lên mức kém, 108.

Trong đêm 26 và sáng 27/8, nhiều khu vực trên địa bàn thành phố cũng có chỉ số AQI ở mức kém, trong đó cao nhất là khu vực Hàng Đậu với chỉ số 132; Chi cục Bảo vệ môi trường 125, Minh Khai 121, Phạm Văn Đồng 120, Thành Công 117…

Với chỉ số AQI ở mức kém, những người nhạy cảm có thể sẽ gặp phải các vấn đề về sức khỏe, những người bình thường ít ảnh hưởng.

Lý giải nguyên nhân khiến chất lượng không khí những ngày cuối tháng Tám có xu hướng giảm, đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường cho rằng tuần vừa qua có mưa trên toàn thành phố, ngày có sương mù nhẹ, trời âm u, nhiều mây, nhiệt độ thấp, lặng gió nên đã gây bất lợi cho việc khuếch tán các chất ô nhiễm, khiến nồng độ ô nhiễm tích tụ trong lớp khí quyển sát mặt đất gia tăng…


Ô nhiễm không khí. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Trước thực trạng nêu trên, Chi cục Bảo vệ Môi trường khuyến cáo người dân cần hạn chế đốt rác, giảm thiểu đun nấu bằng than tổ ong; rác cần được thu gom và xử lý theo quy định, người dân không tự ý đốt rác thải tại nơi mình sinh sống.

Các khu vực ngoại thành, người dân cần hạn chế đốt rác và phụ phẩm nông nghiệp.

Ngoài ra, để bảo vệ sức khỏe bản thân, mọi người hạn chế ra ngoài trời và thường xuyên đeo khẩu trang đạt chuẩn an toàn khi ra đường; thường xuyên cập nhật tình hình chất lượng không khí tại các trang công bố công khai của cơ quan nhà nước, để biết được mức độ ảnh hưởng và có các biện pháp bảo vệ sức khỏe./.

Hùng Võ (Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/ha-noi-nong-do-o-nhiem-gia-tang-nguoi-dan-can-luu-y-bao-ve-suc-khoe/660335.vnp

Giải pháp để người thu nhập thấp sử dụng điện mặt trời mái nhà

Tại tọa đàm Phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam: Lợi ích, nút thắt và giải pháp tháo gỡ hôm 28/8, các chuyên gia đã đưa ra những giải pháp để người thu nhập thấp tiếp cận nguồn năng lượng mặt trời.

Phó trưởng Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam Trần Viết Nguyên cho biết, mặc dù đạt được kết quả tích cực trong phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) nhưng hiện vẫn có nhiều bất cập. Đó là, chi phí lắp đặt hệ thống ĐMTMN cao so với thu nhập bình quân của người dân Việt Nam.

Đại diện EVN lấy ví dụ: Lắp đặt hệ thống ĐMTMN có công suất 1 kWh tốn từ 15-20 triệu đồng. Như vậy là cao, đặc biệt là với các hộ gia đình có thu nhập trung bình hoặc thấp.

“Vướng mắc này đặt ra vấn đề là có giải pháp nào để hỗ trợ các hộ gia đình có thu nhập thấp có nhu cầu muốn sử dụng ĐMTMN?” – ông Nguyên đặt câu hỏi.

Ở góc độ pháp lý, đại diện EVN cho biết, hiện chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các thiết bị, hệ thống ĐMTMN; chưa có quy định về việc xin giấy phép xây dựng, về tải trọng kết cấu mái khi lắp đặt ĐMTMN; nhà đầu tư phát triển dự án tập trung tại một khu vực dẫn tới khả năng đấu nối và giải tỏa công suất bị hạn chế…


Phó trưởng Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam Trần Viết Nguyên.

Từ những bất cập trên, đại diện EVN đề xuất và kiến nghị cần tuyên truyền, quảng bá thêm về ĐMTMN để người dân hiểu rõ lợi ích lâu dài và góp phần bảo vệ môi trường khi lắp đặt hệ thống ĐMTMN. Ngoài ra, đề xuất Chính phủ khuyến khích các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố lắp đặt ĐMTMN.

Ông cũng kiến nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư ban đầu; khuyến khích các ngân hàng, nhà đầu tư và các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước tham gia sâu rộng vào thị trường ĐMTMN tại Việt Nam.

Ngoài ra, các nhà đầu tư, nhà sản xuất cung cấp vật tư thiết bị, lắp đặt phối hợp với EVN, các đơn vị điện lực cung cấp các giải pháp, gói dịch vụ hấp dẫn cho khách hàng. Bộ Công Thương, Bộ KH&CN cũng cần sớm ban hành tiêu chuẩn ĐMTMN; Bộ Công Thương sớm ban hành chính sách khuyến khích phát triển ĐMTMN hộ gia đình, khu công nghiệp, trung tâm thương mại, cơ sở hành chính sự nghiệp… giai đoạn sau 31/12/2020.


Toàn cảnh tọa đàm.

Đồng thuận với việc cần có hỗ trợ kinh phí lắp đặt ĐMTMN cho người dân, Thạc sỹ, Kỹ sư Phạm Nam Phong – Tổng giám đốc Công ty Vũ Phong Solar tiết lộ, đơn vị có kế hoạch cùng một số quỹ đầu tư đưa ra những gói tài chính để các gia đình có thu nhập thấp có thể tiếp cận, đầu tư và có lợi nhuận trên mái nhà của mình cũng như làm giảm áp lực thiếu điện của Việt Nam.

Ông Phan Đình Nam – đại diện Solartech thì cho hay, Solartech đang lắp đặt khá nhiều hệ thống ĐMTMN nhưng hồ sơ lắp, đồng hồ, giấy tờ chưa đồng nhất. Dự án, thiết bị ở các tỉnh khác nhau thì các hồ sơ cũng khác nhau. Ông Nam đề xuất, với hệ thống ĐMTMN nói chung cần phải đồng bộ, hồ sơ hòa lưới ở Đồng Nai thì ở các nơi khác cũng phải hòa lưới được và nên giao cho đơn vị lắp đặt hoàn thiện các thủ tục giấy tờ để tránh gây khó dễ cho người dân. Bên cạnh đó, cũng cần có danh sách các thiết bị đạt chuẩn, đã được chấp thuận để tránh những thiết bị không đảm bảo dẫn đến các sự cố trong quá trình sử dụng.

Theo Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Xuân Hòe, thị trường ĐMTMN tại Việt Nam rất tiềm năng và kinh phí từ 15-20 triệu đồng để lắp đặt ĐMTMN là không quá lớn. “Các ngân hàng như HDBank, TPBank đã vào cuộc hỗ trợ tài chính để tạo ra ĐMTMN. Với gói 11.000 tỷ đồng thì các doanh nghiệp có diện tích mái lớn có thể được hỗ trợ hàng chục tỷ đồng hoặc các hộ dân cũng sẽ được hỗ trợ” – ông Hòe nhận định.


Một dự án ĐMTMN.

Tọa đàm Phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam: Lợi ích, nút thắt và giải pháp tháo gỡ là một trong những hoạt động thuộc chương trình Tuần lễ Năng lượng tái tạo do Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) cùng Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam tổ chức.

Đại diện GreenID cho hay, Tuần lễ Năng lượng tái tạo được khởi xướng từ năm 2016 với nỗ lực đóng góp cho quá trình chuyển dịch sang năng lượng sạch ở Việt Nam. Sau 4 năm tổ chức, chương trình đã trở thành diễn đàn cho các bên liên quan từ trung ương tới địa phương và cả người dân trong cộng đồng cùng tương tác, trao đổi và đóng góp sáng kiến, ý tưởng, hành động và đề xuất cho phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam.

Sáng 25/8 vừa qua, tọa đàm “Phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam: Lợi ích, nút thắt và giải pháp tháo gỡ” đã được tổ chức với 3 phiên thảo luận: Hiện trạng phát triển điện mặt trời mái nhà; Chính sách dài hơi để khai thác tiềm năng điện mặt trời mái nhà ở Việt Nam; Khơi thông tài chính cho điện mặt trời mái nhà.

Chiều cùng ngày, đã diễn ra phiên thảo luận về chuyển dịch năng lượng công bằng qua thúc đẩy phát triển các giải pháp ĐMT kết hợp nông nghiệp và ĐMT nổi.

Xuân Hinh
https://petrotimes.vn/giai-phap-de-nguoi-thu-nhap-thap-su-dung-dien-mat-troi-mai-nha-576951.html

Những công nghệ tiên tiến nào hỗ trợ đắc lực việc quản lý nhà máy điện mặt trời?

Trong ngành năng lượng tái tạo, cụ thể là trong lĩnh vực điện mặt trời, trí tuệ nhân tạo đã đóng góp một phần không nhỏ vào quá trình vận hành và quản lý nhà máy điện mặt trời.

Hiện nay việc sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất như drones (thiết bị bay không người lái), máy học và trí tuệ nhân tạo sẽ giúp tiết kiệm nhiều chi phí và thời gian trong quá trình thực hiện dự án. Cụ thể, công việc hỗ trợ từ việc khảo sát, theo dõi tiến độ xây dựng tới việc kiểm tra xác định những nguyên nhân làm giảm hiệu suất của nhà máy điện trong khi vận hành.

Thiết bị không người lái (drone)

Ở Việt Nam, khi nhắc đến thiết bị không người lái (drone) thường mọi người sẽ đơn thuần nghĩ đến thiết bị Flycam, tuy nhiên, trong thực tế các drone được sử dụng trong khảo sát điện mặt trời là những thiết bị chuyên dụng có gắn camera chụp ảnh nhiệt với độ phân giải cao và chất lượng ảnh luôn ổn định.


Trí tuệ nhân tạo đã đóng góp một phần không nhỏ vào quá trình vận hành và quản lý nhà máy điện mặt trời

Đối với bất thường cần phải xác định bằng máy ghi nhiệt và không thể xác định bằng mắt thường, thiết bị bay với camera nhiệt có thể tìm ra các bất thường về nhiệt như tấm pin quá nóng và đo được nhiệt độ chính xác của các tấm pin lỗi này. Dữ liệu này cho phép biết mô – đun nào đang hoạt động không hiệu quả.

Dữ liệu được thu thập bằng thiết bị bay nhiệt cũng cho phép bạn xác định vị trí các lỗi trong nhà máy điện mặt trời ở các mô – đun. Thiết bị bay tuân theo tiêu chuẩn IEC 62446-3 cho phép đo nhiệt độ trên không của nhà máy điện mặt trời, chụp ảnh với độ phân giải 3-3,5cm/Px giúp đưa ra các chi tiết cụ thể trong báo cáo. Độ phân giải hình ảnh nhiệt càng cao thì độ chính xác của lỗi càng lớn.

Máy học (Machine clearning) và công nghệ Trí tuệ nhận tạo (AI)

Trí tuệ nhân tạo (AI) là công nghệ sẽ đưa ra và thực hiện các quyết định dựa trên dữ liệu thông tin một cách độc lập liên quan đến các mục tiêu đề ra. Trí tuệ nhân tạo AI sử dụng công cụ là Machine clearning và khả năng tự động hóa hành vi thông minh để phân tích và đưa ra quyết định có độ chính xác cao.

Trong ngành năng lượng tái tạo, cụ thể là trong lĩnh vực điện mặt trời, trí tuệ nhân tạo đã đóng góp một phần không nhỏ vào quá trình vận hành và quản lý nhà máy điện mặt trời. Có thể thấy, nếu những phát hiện nhờ ảnh nhiệt của một drone được xem là phần nổi của vấn đề thì gốc rễ của vấn đề sẽ được tìm ra nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo AI.

Bằng cách thu thập thông tin sơ đồ khu vực nhà máy, tạo phần mềm để tiếp nhận lượng dữ liệu dòng điện từ hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu của một hoặc nhiều tháng kết hợp với ảnh nhiệt chụp bằng drone, công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ phân tích, tổng hợp giúp tìm ra được các lỗi một các chính xác nhất, các bất thường không chỉ nằm ở module, string mà có thể nằm ở inverter, cáp. Từ đó các chuyên gia phân tích sẽ đưa ra cách khắc phục hiệu quả cho nhà máy.

Việt Nam có tiềm năng về nguồn năng lượng mặt trời, có thể khai thác sử dụng cho các mục đích như: Đun nước nóng; Phát điện; Các ứng dụng khác như sấy, nấu ăn… Với tổng số giờ nắng trung bình của cả nước lên đến trên 2.500 giờ/năm và cường độ bức xạ trung bình 4,6 kWh/m2/ngày, theo hướng tăng dần về phía Nam là cơ sở tốt cho phát triển các công nghệ năng lượng mặt trời.

Theo kết quả nghiên cứu đánh giá sơ bộ của cơ quan Trợ giúp năng lượng MOIT/GIZ thì tổng tiềm năng kinh tế của các dự án điện mặt trời trên mặt đất, nối lưới tại Việt Nam khoảng 20.000 MW, trên mái nhà từ 2000 đến 5000 MW. Theo Quy hoạch điện VIII, công suất nguồn điện mặt trời sẽ đạt 850 MW vào năm 2020, 4000 MW năm 2025 và 12.000 MW năm 2030.

Đ.M
https://petrotimes.vn/nhung-cong-nghe-tien-tien-nao-ho-tro-dac-luc-viec-quan-ly-nha-may-dien-mat-troi-576714.html

Sắp diễn ra Tuần lễ Năng lượng tái tạo 2020

Chương trình Tuần lễ Năng lượng tái tạo là một sự kiện thường niên do GreenID cùng Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam khởi xướng từ năm 2016 với nỗ lực đóng góp cho quá trình chuyển dịch sang năng lượng sạch ở Việt Nam.

Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) cho hay, từ ngày 25 đến 29/8/2020 sẽ diễn ra Tuần lễ Năng lượng bền vững 2020: Đột phá để phục hồi và phát triển Xanh vì cuộc sống an lành. Chương trình được tổ chức theo cả hai hình thức online và offline.

Chương trình Tuần lễ Năng lượng tái tạo là một sự kiện thường niên do GreenID cùng Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam khởi xướng từ năm 2016 với nỗ lực đóng góp cho quá trình chuyển dịch sang năng lượng sạch ở Việt Nam. Sau 4 năm tổ chức, chương trình đã trở thành diễn đàn cho các bên liên quan từ trung ương tới địa phương và cả người dân trong cộng đồng cùng tương tác, trao đổi và đóng góp sáng kiến, ý tưởng, hành động và đề xuất cho phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam.

Năm 2020 là một dấu mốc lịch sử đáng nhớ của cả nhân loại. Tác động ngày càng khốc liệt của biến đổi khí hậu và hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19 đang thôi thúc chúng ta cần chuyển đổi đột phá về tư duy và hành động hướng tới nền kinh tế ít carbon.

Chương trình Tuần lễ Năng lượng tái tạo là một sự kiện thường niên.

Trong bối cảnh đó, Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam cùng phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các đối tác tổ chức Tuần lễ Năng lượng tái tạo 2020 với tiêu đề “Đột phá để phục hồi và phát triển Xanh vì cuộc sống an lành”. Chương trình được tổ chức nhằm thúc đẩy các bên liên quan thảo luận và đưa ra đề xuất đóng góp cho việc thực hiện Nghị Quyết 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị và Quy hoạch Điện VIII mà Bộ Công Thương đang xây dựng để trình Chính phủ trong vài tháng tới.

Chương trình gồm 04 chuỗi tọa đàm được tổ chức theo cả hai hình thức online và offline, hướng tới các nhà hoạch định chính sách cấp trung ương và địa phương; đại biểu Quốc hội; chuyên gia, viện nghiên cứu trong nước và quốc tế; doanh nghiệp, các nhà đầu tư về năng lượng tái tạo; các tổ chức xã hội dân sự; các cơ quan báo chí, truyền thông và mọi người quan tâm đến lĩnh vực Năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

Mục tiêu của các buổi tọa đàm là cập nhật tiến bộ về chuyển dịch năng lượng sạch trên thế giới và Việt Nam; Thảo luận các thách thức và rào cản cho phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam và các địa phương; Nhấn mạnh lợi thế, cơ hội, lợi ích của phát triển năng lượng bền vững đối với đảm bảo an ninh năng lượng, thu hút đầu tư, tạo việc làm, phục hồi và tăng trưởng kinh tế Xanh; Đề xuất giải pháp, sáng kiến đột phá để thúc đẩy năng lượng sạch đảm bảo công bằng và bền vững ở Việt Nam.

M.L
https://petrotimes.vn/sap-dien-ra-tuan-le-nang-luong-tai-tao-2020-576666.html

Điện một giá – Ai hưởng lợi

Bộ Công Thương mới đây đã có dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để sửa đổi Quyết định 28/2014/QĐ-TTg quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Tại dự thảo, Bộ Công Thương đề xuất giá bán lẻ điện một giá bên cạnh phương án tính giá 5 bậc thang để thuận tiện cho khách hàng điện sinh hoạt tự chọn lựa.

Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt là tỷ lệ phần trăm (%) của giá bán lẻ điện bình quân (hiện là 1.864,44 đồng/kWh).

Có 2 phương án biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến, gồm:

Phương án 1: Ghép bậc 1 và bậc 2 hiện hành thành bậc 1 mới (từ 0-100 kWh), giá bậc 1 mới được giữ nguyên bằng bậc 1 hiện hành; giữ nguyên giá cho các hộ có mức sử dụng điện phổ biến 101-200 kWh; ghép các bậc

201-300 kWh với 301-400 kWh thành bậc mới; tách bậc thang trên 401 kWh thành 2 bậc mới: 401-700 kWh và trên 700 kWh.

Phương án 2: Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc như trên và giá bán lẻ điện một giá. Khách hàng sử dụng điện được quyền lựa chọn áp dụng giá sinh hoạt 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá; trong đó, giá 4 bậc đầu tiên của biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc tại phương án 1 được giữ nguyên để không tác động đến các hộ sử dụng ở mức dưới 700 kWh là các khách hàng có mức thu nhập thấp hoặc trung bình.

Ở phương án 2, Bộ Công Thương đưa ra 2 kịch bản (2A và 2B).

Với kịch bản 2A, Bộ Công Thương trình 5 bậc giá, lần lượt bằng 90% (bậc 1), 108% (bậc 2), 141% (bậc 3), 160% (bậc 4), 274% (bậc 5) so với giá bán lẻ điện bình quân. Nếu không chọn tính theo bậc thang, khách hàng có thể chọn điện một giá với mức giá bán bằng 145% so với giá bán lẻ điện bình quân.

Với kịch bản 2B, Bộ Công Thương chia các bậc tương tự như phương án 1, nhưng giá bán thay đổi, lần lượt là: 90% (bậc 1), 108% (bậc 2), 141% (bậc 3), 160% (bậc 4), 185% (bậc 5) so với giá bán lẻ điện bình quân. Phương án điện một giá được đề xuất với giá bán lẻ bằng 155% so với giá bán lẻ điện bình quân.

Theo tính toán, ở kịch bản 2A, giả sử một hộ gia đình dùng dưới 99 kWh mỗi tháng, số tiền phải trả là 166 nghìn đồng (theo bậc thang) và 267 nghìn đồng (nếu chọn điện một giá). Như vậy, người dùng ít điện sẽ được hưởng lợi rất nhiều (chênh lệch gần 100 nghìn đồng) nếu chọn dùng điện theo giá bậc thang.

Trường hợp hộ gia đình dùng 800 kWh mỗi tháng, số tiền phải trả là 2,3 triệu đồng (tính theo bậc thang) và 2,162 triệu đồng (nếu tính theo điện một giá). Như vậy, điện một giá giúp tiền điện phải trả giảm khoảng 140 nghìn đồng.

Ở kịch bản 2B, khách hàng sử dụng nhiều điện, nếu áp một giá lại phải trả khá đắt, khi tính bằng 155% mức giá bán lẻ điện bình quân. Trong khi đó, mức tính bậc cao nhất là 185% lần, thấp hơn nhiều mức 274% lần của kịch bản 2A. Giả sử một hộ dùng 800 kWh mỗi tháng, nếu tính theo điện một giá của kịch bản 2B thì phải trả 2,311 triệu đồng, nhưng nếu trả theo bậc thang là 2,134 triệu đồng. Như vậy, dùng điện bậc thang giúp tiết kiệm khoảng 180 nghìn đồng.

Theo Bộ Công Thương, các phương án sửa đổi giá điện nêu trên nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại chính của biểu giá điện, phù hợp hơn với thực tế sử dụng điện của các khách hàng hiện nay.

Ông Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, không nên đưa ra 2 mức tính bằng 145% và 155% giá bán lẻ điện bình quân như dự thảo. Bởi mức giá này ở sát với mức cao của biểu giá bậc thang, chứ không phải trung bình bậc 3, sẽ khiến những người dùng ít điện chịu thiệt. Có thể xem xét từ 5 bậc giảm xuống một phương án biểu giá điện 3 bậc thang trước khi chuyển ngay xuống một giá. Điện một giá trước sau gì chúng ta cũng phải tính đến khi hoàn thiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, nhưng từ nay đến khi đó còn nhiều năm nữa. Do vậy, thời điểm này chưa thích hợp để áp dụng điện một giá, ông Long cho hay.

Theo ý kiến của ông Long, phương án 3 bậc sẽ bao gồm: bậc 1 1-100kWh cho những gia đình khó khăn ở mức giá được hỗ trợ; bậc tiếp theo 101- 499 kWh với mức giá bình quân; còn lại khách hàng dùng trên 500 kWh thì sẽ phải giá cao hơn, bởi đây là mức dùng nhiều điện của các hộ khá giả.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho hay, phương án điện một giá sẽ giúp người tiêu dùng có thêm quyền lựa chọn, nhưng chỉ khoảng 20-30% tổng số khách hàng sử dụng lượng điện nhiều thì có lợi. Nhưng người dùng điện mức thấp, chiếm tới 70-80% tổng số khách hàng, sẽ thiệt thòi nếu chọn phương án điện một giá, dù dùng ít hay dùng nhiều.

Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, mỗi phương án đưa ra đều có điểm mạnh, điểm yếu. Phương án giá điện bậc thang sẽ giúp người có thu nhập thấp, dùng ít điện được hưởng lợi, đồng thời, khuyến khích người dùng tiết kiệm điện hơn.

Với phương án điện một giá, ông Phú cho rằng, ưu điểm là dễ tính toán, dễ theo dõi, nhưng không có sự phân biệt người dùng ít và nhiều. Điện được sản xuất từ nguồn tài nguyên không tái tạo vẫn chiếm tỷ lệ lớn, như than, dầu, khí. Những nguồn tài nguyên này đang có nguy cơ cạn kiệt, không vô hạn nên cần khuyến khích sử dụng tiết kiệm. Người tiêu dùng có thể căn cứ mức sử dụng điện nhiều – ít của mình để cân nhắc lựa chọn điện một giá hay bậc thang.

Còn theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, áp dụng điện một giá, ngoài việc chỉ có một phần nhỏ người tiêu dùng có lợi thì cũng không tạo ra áp lực để khuyến khích tiêu dùng tiết kiệm điện trong bối cảnh nguồn cung điện đang gặp khó.

Lan Anh
https://petrotimes.vn/dien-mot-gia-ai-huong-loi-576355.html

Tạo “miễn dịch” cho Trái Đất trước virus biến đổi khí hậu

Việc nồng độ khí thải CO2 trong khí quyển Trái Đất đã trở lại mức kỷ lục trong tháng Năm cho thấy sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 không phải là “liều thuốc” cho vấn đề ô nhiễm khí thải toàn cầu.

Những nhà máy đóng cửa, phương tiện giao thông “ngủ đông,” các hãng hàng không ngừng hoạt động, hàng tỷ người hạn chế ra ngoài… Những điều khó tưởng tượng này diễn ra khi “cơn bão” dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 càn quét toàn cầu, được cho sẽ giúp giảm đáng kể lượng khí thải làm nhiệt độ Trái Đất nóng lên, nhờ đó giảm ô nhiễm môi trường và làm chậm tốc độ biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, báo cáo mới của Chính phủ Mỹ cho thấy nồng độ khí thải CO2 trong khí quyển Trái Đất đã trở lại mức kỷ lục trong tháng Năm, bất chấp việc đại dịch COVID-19 khiến các hoạt động kinh tế ngưng trệ.

Mặc dù lượng khí thải trên toàn thế giới ước tính đã giảm tới 26% tại một số nước trong giai đoạn cao điểm áp lệnh phong tỏa do dịch COVID-19, song báo cáo trên cho thấy sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 không phải là “liều thuốc” cho vấn đề ô nhiễm khí thải toàn cầu.

Thực tế thì trong giai đoạn đầu, các biện pháp hạn chế đi lại hay ngừng hoạt động kinh tế để ngăn chặn lây lan dịch cũng có tác dụng khiến những “điểm đen” ô nhiễm trở nên trong lành hơn. Tại các quốc gia có mức độ ô nhiễm hàng đầu thế giới, lượng khí thải giảm đột ngột.

Nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch ở Phần Lan cho thấy lượng khí thải carbon của Trung Quốc đã giảm ít nhất 100 triệu tấn trong 2 tuần của tháng Hai, tương ứng gần 6% lượng khí thải toàn cầu trong cùng thời điểm năm ngoái.

Mật độ tập trung khí NO2 tại các tỉnh miền Đông và Trung Trung Quốc đã giảm 10-30% so với mức bình thường được ghi nhận cùng thời điểm năm ngoái.

Cư dân thủ đô New Delhi của Ấn Độ – một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới – và nhiều thành phố khác của đất nước hơn 1,3 tỷ dân này cũng được hưởng không khí trong lành hơn kể từ sau khi nhà chức trách áp đặt biện pháp giãn cách xã hội trên toàn quốc ngày 24/3.

Số liệu phân tích cho thấy trong ngày đầu tiên áp đặt lệnh phong tỏa, mật độ bụi mịn PM 2.5 trung bình ở nước này giảm 22% và khí NO2 – sinh ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch – cũng giảm 15%.

Tại châu Âu, các nhà nghiên cứu ước tính mật độ NO2 trong khoảng thời gian từ ngày 14-25/3, sau khi một loạt quốc gia áp đặt lệnh phong tỏa, giảm ít nhất 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng khí thải CO2 tại châu Âu cũng giảm tới 27%.

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) ước tính lượng khí thải CO2 toàn cầu trong năm nay sẽ giảm 6% vì hoạt động giao thông và sản xuất năng lượng công nghiệp giảm. Đây sẽ là mức giảm mạnh nhất hằng năm kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai.

Những số liệu trên cho thấy hoạt động của con người tác động lớn như thế nào đến môi trường. Tình trạng chặt phá rừng, đốt rừng, sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tất cả những hoạt động khác gây phát thải khí nhà kính là “thủ phạm” gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu.

Giống như sự lây lan của virus từ người sang người, biến đổi khí hậu xảy ra với mức độ nhỏ nhưng tăng dần và dễ dàng bị “phớt lờ” cho đến khi con người đo lường được những con số cụ thể, như nhiệt độ trung bình hằng năm tăng, cường độ của các cơn bão mạnh hơn, hạn hán kéo dài hơn, cháy rừng dữ dội hơn, tốc độ tuyệt chủng của các loài động, thực vật diễn ra nhanh hơn…

Sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đang bộc lộ rõ hơn những tác động “tàn phá” của con người đối với môi trường.

Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), sự xuất hiện ngày càng thường xuyên của các dịch bệnh xuất phát từ động vật thường có liên quan tới những thay đổi về môi trường hay xáo trộn sinh thái, do hoạt động thâm canh nông nghiệp và định cư của con người, hay do tình trạng xâm lấn rừng và các môi trường sống khác.

Bà Anne Larigauderie, Thư ký điều hành IPBES, ủy ban các chuyên gia về đa dạng sinh học của Liên hợp quốc, cảnh báo rằng con người, thông qua hành động của mình, tạo cơ hội cho vi khuẩn, virus tiếp cận gần hơn với nhân loại. Mức độ thay đổi toàn cầu về tự nhiên trong 50 năm qua là “chưa từng có trong lịch sử con người” và dịch COVID-19 có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm.”

Giới chuyên gia y tế cũng cảnh báo đại dịch này báo trước nhiều mối đe dọa sức khỏe toàn cầu khi Trái Đất ngày càng nóng lên, bởi các nhà khoa học đã chứng minh biến đổi khí hậu đang làm gia tăng dịch bệnh.

Giám đốc phụ trách bộ phận HIV, y tế và phát triển của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, chuyên gia Mandeep Dhaliwal cho biết nạn phá rừng và mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp đều đang thúc đẩy biến đổi khí hậu và đưa con người tiếp xúc gần hơn với các loại bệnh xuất phát từ động vật hoang dã.

Hiện tượng nóng lên toàn cầu, thời tiết thay đổi bất thường do biến đổi khí hậu càng tạo điều kiện để đại dịch bùng phát mạnh mẽ.

Đặc biệt, khi mầm bệnh thích ứng với nhiệt độ tăng cao trong môi trường tự nhiên, chúng cũng sẽ dễ dàng thích nghi và tồn tại trong cơ thể người. Điều đó đồng nghĩa với hệ miễn dịch của con người bị suy yếu.

Nồng độ CO2 đo được tại Đài quan sát Mauna Loa ở Hawaii, Mỹ, trong tháng 5/2020 là 417/1 triệu đơn vị không khí (ppm), cao hơn mức kỷ lục 414,8 ppm vào năm ngoái.

Điều đó cho thấy tình trạng giảm ô nhiễm cũng như khí thải trong thời kỳ dịch COVID-19 chỉ mang tính chất tạm thời.

WMO cho rằng dịch COVID-19 có tác động rất ít đến biến đổi khí hậu.

Khi đại dịch qua đi và người dân thế giới bắt đầu trở lại “guồng quay” công việc, khí thải CO2 trong bầu khí quyển sẽ tăng trở lại, có thể bằng, thậm chí hơn mức khí thải trước giai đoạn dịch bệnh này.

Tổ chức này lưu ý kinh tế phục hồi sau các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây thường gắn với mức phát thải cao hơn trước thời kỳ khủng hoảng.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng nhấn mạnh: “Chúng ta không nên đánh giá quá cao tình trạng khí thải giảm trong một vài tháng vừa qua bởi chúng ta không thể chống lại sự biến đổi khí hậu bằng loại virus này.”

Virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và vấn đề biến đổi khí hậu đều cần sự nỗ lực chung tay phối hợp của cộng đồng quốc tế, song hai thách thức này hoàn toàn khác nhau.

Đối với COVID-19, cả cộng đồng quốc tế đều mong đợi đó chỉ là căn bệnh tạm thời và tác động của nó cũng chỉ tạm thời. Còn đối với biến đổi khí hậu thì đây là vấn đề đã tồn tại nhiều năm qua và sẽ song hành với con người trong nhiều thập niên, đòi hỏi cộng đồng cần phải có những hành động mang tính liên tục.

Tháng Năm vừa qua, thế giới cũng ghi nhận tháng nóng kỷ lục trên toàn thế giới. Nhiệt độ trong tháng 5/2020 đã tăng 0,68 độ C so với mức trung bình trong tháng Năm của giai đoạn 1981-2010. Nhiệt độ trung bình trong vòng 12 tháng tính đến tháng 5/2020 đã tăng gần 1,3 độ C so với mức trước khi cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra.

Thậm chí nhiệt độ tại vùng đất nổi tiếng lạnh giá Siberia của Nga đã tăng 10 độ C so với mức trung bình…

Kể từ năm 2002, nhiệt độ đã tăng đều đặn so với mức trung bình, trong đó 5 năm vừa qua là các năm nóng kỷ lục và thập niên vừa qua cũng là thập niên nóng kỷ lục.

Trong thông điệp nhân Ngày Trái Đất (22/4) năm nay, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres cho rằng các chính phủ nên sử dụng các gói kích thích kinh tế đối phó với dịch COVID-19 để chuyển từ nền kinh tế “xám sang xanh,” Các nguồn ngân sách nên được “rót” vào tương lai chứ không phải vào quá khứ, kinh phí để cứu các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 cần được đầu tư vào những việc làm “thân thiện với môi trường” cũng như tăng trưởng bền vững.

Một số chuyên gia cho rằng đại dịch này có thể giúp “mở một lối tắt” đến tương lai xanh với mức carbon thấp nếu các chính phủ biết “biến nguy thành cơ.”

Cùng với giá dầu và khí đốt giảm, giai đoạn này là một cơ hội thích hợp để điều chỉnh lại các khoản đầu tư và trợ cấp của nhà nước.

Với kịch bản sáng sủa nhất, cuộc khủng hoảng COVID-19 sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển sang nguồn năng lượng sạch.

Các bộ trưởng khí hậu và môi trường của 13 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Đan Mạch, Áo, Đức, Pháp…, đã kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) sử dụng “Thỏa thuận Xanh” làm lộ trình cho kế hoạch phục hồi kinh tế toàn diện của liên minh sau cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra.

Với cương vị Chủ tịch luân phiên EU từ ngày 1/7 tới, Chính phủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố, trong thời gian 6 tháng giữ trọng trách này, các vấn đề khí hậu “sẽ được chú trọng như các vấn đề y tế trong chương trình nghị sự.”

Một dấu hiệu tích cực khác, là kết quả cuộc khảo sát trực tuyến được thực hiện từ ngày 1/1-24/3 đối với 40.000 người tại 186 quốc gia trên thế giới cho thấy biến đổi khí hậu và môi trường sẽ là mối quan tâm hàng đầu trong tương lai, bên cạnh các mối quan tâm về xung đột và rủi ro sức khỏe sau khi đại dịch COVID-19 xuất hiện.


Khói bốc lên từ đám cháy rừng ở Bumbalong, Australia ngày 2/2/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

95% số ý kiến khảo sát cũng đánh giá hợp tác quốc tế là “cần thiết” hoặc “rất quan trọng” để giải quyết các vấn đề trên.

Những thay đổi mạnh mẽ của môi trường và khí hậu thời gian qua đủ cho thấy chống biến đổi khí hậu là vấn đề cấp bách. Mối đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe và cả mạng sống của con người đâu chỉ là những căn bệnh như COVID-19, mà còn là không khí ô nhiễm và biến đổi khí hậu.

Nếu không thể đạt được các mục tiêu về khí hậu như hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu dưới 2 độ C, con người cũng sẽ đối mặt với hết đại dịch này đến đại dịch khác.

Đại dịch COVID-19 tới ngày 15/6 cướp đi sinh mạng của hơn 435.000 người trên thế giới có thể kéo dài vài tháng hoặc vài năm, cuối cùng sẽ được khống chế.

Với khoa học công nghệ phát triển, các nhà nghiên cứu sớm muộn sẽ tìm ra vắcxin ngừa virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, nhưng không thể điều chế được loại vắcxin ngừa “virus” biến đổi khí hậu. Vấn đề ở đây là tăng khả năng miễn dịch của Trái Đất.

Hoạt động của con người gây ra biến đổi khí hậu, nhưng chính hành động của con người lại có thể tạo ra “hệ miễn dịch” cho Trái Đất trước những “virus nguy hiểm” như tình trạng nóng lên toàn cầu./.

Nguyễn Hằng (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/tao-mien-dich-cho-trai-dat-truoc-virus-bien-doi-khi-hau/645764.vnp