EU nghiên cứu phát triển điện mặt trời trên đường cao tốc

Học viện Công nghệ Áo (AIT) hợp tác với Viện các hệ thống điện mặt trời Đức (Fraunhofer ISE) và Công ty Forster Industrietechnik GmbH tiến hành dự án nghiên cứu thử nghiệm “PV-SUD” nhằm đánh giá triển vọng lắp đặt các nhà máy điện mặt trời trên các tuyến đường cao tốc trong Liên minh châu Âu.

Xuất phát từ việc quỹ đất cho phát triển điện mặt trời châu Âu hạn hẹp, các nhà khoa học đã đưa ra ý tưởng phát triển các dự án điện mặt trời đóng vai trò như mái che cho các tuyến đường cao tốc hiện nay.

Tại Đức hiện có gần 13.000 km đường cao tốc (Autobahn), chiếm khoảng 2,6% diện tích lãnh thổ của nước này. Nếu như lắp đặt hệ thống mái che, cấu thành từ các tấm pin mặt trời có độ trong suốt cao có thể che phủ toàn bộ đường cao tốc trên diện tích 337 km2.

Hệ thống mái che pin mặt trời sẽ không chỉ sản xuất điện năng mà còn có thể có tác dụng bảo vệ mặt đường khỏi mưa, bão và tình trạng quá nóng, góp phần tăng tuổi thọ của mặt đường. Bên cạnh đó, với thiết kế thích hợp, hệ thống mái che mặt trời có thêm khả năng chống ồn.

Theo tính toán, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời trên đường cao tốc tại Đức có thể đại 56 GW, cao hơn tổng công suất điện mặt trời hiện tại của nước này. Giải pháp này có thể góp phần tạo thêm 47 tỷ kWh, đáp ứng khoảng 9% nhu cầu tiêu thụ điện năng tại Đức.

Viễn Đông

https://petrotimes.vn/eu-nghien-cuu-phat-trien-dien-mat-troi-tren-duong-cao-toc-576075.html

Công nghệ đặc biệt biến nước biển thành nước uống chỉ trong 30 phút

Một nhóm nghiên cứu quốc tế vừa phát triển thành công công nghệ đặc biệt giúp biến nước lợ và nước biển nhiễm bẩn thành nước sạch trong 30 phút.

Theo công trình nghiên cứu của Trường Đại học Monash (Australia), công nghệ mới được tích hợp trong bộ lọc với thiết kế đặc biệt, có khả năng lọc hàng trăm lít nước để uống được mỗi ngày mà chỉ cần sử dụng ánh sáng mặt trời trực tiếp để lọc. Quy trình này hứa hẹn nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, chi phí thấp và bền vững.

Bộ lọc sử dụng các vật liệu khung hữu cơ-kim loại (MOFs). Khung hữu cơ – kim loại là một nhóm các hợp chất bao gồm các ion kim loại tạo thành vật liệu tinh thể, có diện tích bề mặt lớn nhất so với bất kỳ vật liệu nào được biết đến từ trước đến nay. Trên thực tế, MOFs rất xốp nên chúng có thể nhét vừa toàn bộ bề mặt sân bóng trong một thìa cà phê.

Trong quá trình khử muối, bước đầu, một bộ lọc MOF chuyên dụng sẽ tách hoàn toàn muối từ nước biển, quy trình này không tiêu thụ năng lượng. Sau đó, bộ lọc MOF sẽ được đưa ra dưới ánh nắng mặt trời trực tiếp trong chưa đầy 4 phút để tái tạo chức năng trước khi được đưa trở lại để thực hiện quy trình tách muối thêm một lần nữa.


Quy trình lọc nước

“Nghiên cứu này đã chứng minh rằng MOFs phản ứng quang là một chất hấp phụ hiệu quả, tiết kiệm năng lượng và bền vững cho quá trình khử muối. Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp một lộ trình mới cho việc thiết kế các vật liệu chức năng sử dụng năng lượng mặt trời nhằm giảm mức tiêu thụ năng lượng và cải thiện tính bền vững của quá trình khử muối trong nước. Các MOF phản ứng với ánh sáng mặt trời này có thể được ứng dụng cho các phương pháp khai thác khoáng sản cần ít năng lượng và thân thiện với môi trường, để khai thác bền vững cũng như phát triển các ứng dụng liên quan khác”, GS. Huanting Wang từ Khoa Kỹ thuật Hóa học, Đại học Monash cho hay.

Giáo sư Huanting Wang nói thêm, công trình này đã mở ra một hướng mới cho việc thiết kế các vật liệu phản ứng với kích thích từ môi trường bên ngoài để khử muối và lọc nước một cách hiệu quả, bền vững.

“Phương pháp khử muối đang được sử dụng để giải quyết tình trạng thiếu nước ngày càng nghiêm trọng trên toàn cầu. Do nước lợ và nước biển luôn sẵn có ở nhiều nơi và khử mặn là phương pháp đáng tin cậy, nước đã qua xử lý có thể được tích hợp trong các hệ thống thủy sinh hiện có với những rủi ro sức khỏe tối thiểu.

Tuy nhiên, quy trình khử muối nhiệt bằng bay hơi tiêu tốn nhiều năng lượng và một số công nghệ khác như thẩm thấu ngược có những hạn chế như tiêu thụ nhiều năng lượng, sử dụng hóa chất để làm sạch màng và khử clo. Ánh sáng mặt trời là nguồn năng lượng dồi dào và có tính tái tạo nhất trên Trái đất. Việc chúng tôi phát triển một quy trình khử mặn mới, tận dụng ánh sáng mặt trời mang lại một giải pháp khử mặn tiết kiệm năng lượng và bền vững với môi trường”, vị giáo sư này cho hay.

Bảo Lâm

http://vietq.vn/cong-nghe-dac-biet-bien-nuoc-bien-thanh-nuoc-uong-chi-trong-30-phut-d177319.html

Biến rác thải thành… năng lượng sạch

Công ty HomeBiogas (Israel) đã tạo ra một hệ thống giúp tận dụng thực phẩm thừa và rác thải hữu cơ để biến nó thành khí gas nấu ăn sạch.

Cách biến rác thải thành khí biogas là mô hình quen thuộc đã được áp dụng tại nhiều quốc gia. Các loại phân động vật, rác thải được ủ trong hầm kín và sản sinh ra các loại khí đốt phục vụ cho đun nấu, sinh hoạt hàng ngày,

Hệ thống HomeBiogas được phát triển từ mẫu hầm biogas có thể lắp ráp và có kích thước 165 x 100 x 127 cm (dài x rộng x cao), đặt ngay trong sân hoặc vườn nhà.

Hệ thống HomeBiogas biến rác hữu cơ thành khí đốt.

Nguyên liệu đầu vào của hệ thống khí sinh học này có thể là tất cả các loại rác hữu cơ, bao gồm thịt, sữa và thậm chí cả chất thải của mèo. Khi được cho vào bên trong, các vi khuẩn yếm khí trong hầm lên men sẽ phân hủy các vật liệu hữu cơ và giải phóng ra khí sinh học.

Có giá thành là 995 USD và hoạt động không cần điện, hệ thống HomeBiogas có thể xử lý đến 5 kg thức ăn thừa hoặc 15 lít phân động vật mỗi ngày. Lượng khí đốt do hệ thống sinh ra mỗi ngày tương đương với lượng điện 6 kW giờ. Ngoài ra sản phẩm phụ của hệ thống này còn có thể sử dụng làm phân bón dạng lỏng cho cây.

Mỗi kilogram rác thải hữu cơ có thể được chuyển đổi trung bình thành 200 lít nhiên liệu và sử dụng trong một giờ đun nấu. Phát minh này có thể hạn chế tới 6 tấn khí thải CO2 mỗi năm.

G.Minh
https://petrotimes.vn/bien-rac-thai-thanh-nang-luong-sach-575791.html

Dự án điện mặt trời lớn nhất thế giới qua tuyến cáp ngầm dưới biển

Chính phủ Úc mới đây phê duyệt dự án điện Sun Cable trở thành dự án ưu tiên quốc gia, có vốn đầu tư ước tính 26 tỷ USD. Sun Cable là dự án sản xuất điện tái tạo và xây dựng tuyến cáp ngầm dưới biển, vận chuyển điện năng từ phía Bắc Úc (Darwin) đến Singapore với chiều dài 3.700 km.

Ngoài tuyến cáp ngầm, trong khuôn khổ dự án sẽ bao gồm việc xây dựng nhà máy điện mặt trời quy mô lớn với tổng công suất thiết kế lên tới 10 GW và hệ thống lưu trữ điện năng với tổng công suất thiết kế 30 GWh nhằm đảm bảo cung cấp lượng điện năng ổn định cho thị trường Singapore.

Sun Cable dự kiến được đưa vào vận hành từ năm 2027, sẽ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu tiêu thụ điện của Singapore và mang lại doanh thu cho Úc từ 1,4 – 1,5 tỷ USD mỗi năm. Dự án cũng sẽ góp phần giúp Singapore giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu LNG.

Viễn Đông
https://petrotimes.vn/du-an-dien-mat-troi-lon-nhat-the-gioi-qua-tuyen-cap-ngam-duoi-bien-575446.html

Điện gió sẽ dẫn đầu ngành năng lượng toàn cầu

Dự kiến năm 2020 công nghiệp điện gió ngoài khơi thế giới sẽ đạt mức tăng công suất hơn 6 GW, bất chấp tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19. Công suất điện gió ngoài khơi đến năm 2030 sẽ vượt 234 GW, dẫn đầu là các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ngày 5/8, Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) công bố báo cáo về điện gió ngoài khơi toàn cầu cho thấy công suất điện gió ngoài khơi toàn cầu sẽ tăng vọt từ 29.1 GW vào cuối năm 2019 lên đến mức hơn 234 GW vào năm 2030, nhờ sức tăng trưởng theo cấp số nhân ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và đà phát triển mạnh vẫn được duy trì ở châu Âu.

Hôm nay GWEC phát hành số thứ hai bản Báo cáo Điện gió ngoài khơi toàn cầu. Tài liệu cung cấp bức tranh toàn diện về ngành điện gió ngoài khơi trên toàn thế giới, với dữ liệu và phân tích mới nhất về tăng trưởng thị trường, cùng dự báo ngành đến năm 2030 và những đánh giá dựa trên dữ liệu về các thị trường mới nổi. Báo cáo cũng bao gồm các bài học kinh nghiệm về các chương trình hỗ trợ, phát triển ngành và tạo việc làm, kết nối lưới điện, giảm chi phí và chuỗi cung ứng, cũng như đảm bảo sức khỏe và an toàn để thúc đẩy tăng trưởng thị trường điện gió ngoài khơi toàn cầu.

Báo cáo chỉ ra năm 2019 là năm phát triển mạnh mẽ nhất ngành điện gió ngoài khơi từng ghi nhận, với mức tăng 6,1 GW công suất mới trên toàn thế giới, nâng tổng lắp đặt tích lũy toàn cầu lên 29,1 GW. Trung Quốc hai năm liên tiếp đứng ở vị trí số một về công suất lắp đặt mới, đạt công suất lắp đặt kỷ lục 2,4 GW, theo sau là Vương quốc Anh ở mức 1,8 GW và Đức ở mức 1,1 GW. Trong khi châu Âu tiếp tục là khu vực đi đầu về điện gió ngoài khơi, các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, như Đài Loan, Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc, cùng với thị trường Mỹ cũng đang nhanh chóng tăng tốc và sẽ là khu vực tăng trưởng mạnh mẽ trong thập kỷ tới.

Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng mới của công nghiệp điện gió ngoài khơi.

GWEC Market Intelligence dự báo đến năm 2030, hơn 205 GW công suất điện gió ngoài khơi mới sẽ được bổ sung trên toàn cầu, trong đó sẽ có ít nhất 6,2 GW điện gió nổi ngoài khơi. Con số này cao hơn 15 GW so với mức triển vọng mà GWEC Market Intelligence dự báo thời kỳ tiền Covid, chứng minh khả năng phục hồi có thể giúp ngành này đóng vai trò làm động lực chính cho cả công cuộc phục hồi xanh và quá trình chuyển đổi năng lượng.

Ben Backwell, Giám đốc điều hành của GWEC đánh giá: “Điện gió ngoài khơi đang thực sự mở rộng trên toàn cầu, đó là nhờ chính phủ các nước trên thế giới nhận ra vai trò của công nghệ trong việc khởi động phục hồi kinh tế hậu Covid thông qua đầu tư quy mô lớn, tạo công ăn việc làm và phát triển kinh tế cho các cộng đồng ven biển. Trong thập kỷ tới, chúng ta sẽ thấy các thị trường điện gió ngoài khơi mới nổi như Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam được triển khai một cách toàn diện, đồng thời sẽ chứng kiến các turbine ngoài khơi đầu tiên được lắp đặt tại một số quốc gia khác ở châu Á, châu Mỹ Latinh và châu Phi.

Báo cáo cho thấy khu vực điện gió ngoài khơi sẽ tạo ra 900.000 việc làm trong thập kỷ tới – và con số này chắc chắn sẽ còn tăng lên nếu các nhà hoạch định chính sách đưa ra các chiến lược phục hồi giúp đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tăng trưởng của ngành. Hơn nữa, 1 GW năng lượng gió ngoài khơi đồng nghĩa chúng ta tránh được 3,5 triệu tấn CO2 – cho thấy đây là công nghệ quy mô lớn có hiệu quả nhất hiện có giúp tránh phát thải khí carbon và thay thế nhiên liệu hóa thạch tại nhiều nơi trên thế giới”.

Thị trường điện gió ngoài khơi toàn cầu mỗi năm tăng trưởng trung bình 24% kể từ năm 2013. Châu Âu vẫn là thị trường lớn nhất cho điện gió ngoài khơi tính đến cuối năm 2019, chiếm 75% tổng công suất lắp đặt toàn cầu. Châu lục này sẽ tiếp tục dẫn đầu về điện gió ngoài khơi, với mục tiêu đầy tham vọng 450 GW vào năm 2050, đến từ các dự án lắp đặt mới tại Anh, Hà Lan, Pháp, Đức, Đan Mạch và Ba Lan, với một số thị trường EU khác cũng đạt sản lượng hai chữ số.

Bắc Mỹ hiện chỉ có 30 MW công suất điện gió ngoài khơi đang hoạt động vào cuối năm 2019, nhưng khu vực này sẽ tăng tốc triển khai trong những năm tới, với 23 GW dự báo sẽ được lắp đặt vào năm 2030. Phần lớn của mức tăng trưởng này sẽ đến từ Hoa Kỳ nơi ngành công nghiệp này vừa chớm nở, và chúng ta có thể hy vọng được chứng kiến các dự án quy mô lớn sẽ hoà lưới vào năm 2024 tại quốc gia này.

Báo cáo nhấn mạnh ngành công nghiệp này phát triển sôi động ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhờ các quốc gia nâng tham vọng, dẫn đầu là Trung Quốc, với 52 GW công suất điện gió ngoài khơi mới dự kiến ​​sẽ được lắp đặt vào năm 2030. Đài Loan sẽ trở thành thị trường điện gió ngoài khơi lớn thứ hai tại châu Á sau Trung Quốc đại lục, với mục tiêu 5,5 GW vào năm 2025 và thêm 10 GW vào năm 2035. Các thị trường khác trong khu vực cũng bắt đầu mở rộng quy mô, với Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc dự kiến ​​sẽ lắp đặt lần lượt là 5,2 GW, 7,2 GW và 12 GW công suất điện gió ngoài khơi.

Thành Công
https://petrotimes.vn/dien-gio-se-dan-dau-nganh-nang-luong-toan-cau-575523.html

Rào cản nào trên con đường chuyển đổi theo cơ chế thị trường của ngành năng lượng?

Chỉ khi tư nhân tham gia thì mới tạo ra thị trường, phát triển theo tư duy thị trường và tính cạnh tranh trong ngành năng lượng sẽ cao hơn nhiều. Khi các “nút thắt” dần được tháo gỡ bằng những giải pháp đồng bộ, ngành năng lượng hứa hẹn sẽ có những bước đột phá.

Những chuyển biến tích cực

Theo đánh giá chung, đến nay thị trường điện của Việt Nam phát triển qua ba cấp độ: thị trường phát điện cạnh tranh, thị trường bán buôn điện cạnh tranh và thị trường bán điện lẻ cạnh tranh. Từ năm 2012 đến nay, việc phát triển thị trường phát điện cạnh tranh và thị trường bán buôn điện cạnh tranh đã đạt được những kết quả khả quan. Thị trường phát điện cạnh tranh đã được hoàn thành về cơ bản và đến nay EVN không còn giữ vai trò độc quyền trong khâu mua buôn điện mà đã có thêm 5 tổng công ty điện lực.

Ngành Điện Việt Nam đã hoạt động theo mô hình thị trường bán buôn điện cạnh tranh từ năm 2019. Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện đã thực thiện theo cơ chế thị trường, có sự kiểm soát của Nhà nước. Thủ tướng Chính Phủ cũng đã chỉ đạo xây dựng và sớm hoàn thiện Đề án phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh vào năm 2030, tầm nhìn 2035; đảm bảo bám sát chủ trương, định hướng, giải pháp của Nghị quyết 55, trong đó sớm hoàn thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào thí điểm năm 2022, vận hành hoàn chỉnh vào năm 2023…

Những chuyển biến trên cho thấy thị trường ngành năng lượng trong những năm gần đây đã có hướng phát triển tích cực hơn. Tại Diễn đàn cấp cao Năng lượng Việt Nam 2020 vừa được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Bình – Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh đến hai quan điểm có ý nghĩa then chốt của Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Trước hết, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia vừa là tiền đề, vừa là động lực phát triển KT-XH. Ưu tiên phát triển ngành năng lượng nhanh, bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo đảm môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bên cạnh đó, phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và xu thế hội nhập quốc tế. Nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch với nhiều hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh. Áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng. Khuyến khích tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh thiếu bình đẳng, minh bạch trong ngành năng lượng…

Như vậy có thể thấy, quyết tâm xóa bỏ mọi rào cản để thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng trong và ngoài nước, chú trọng những dự án phát điện và các hoạt động bán buôn, bán lẻ điện theo cơ chế thị trường đã được Chính phủ thể hiện rất rõ.

Làm sao để “gỡ” các rào cản?

Được biết, hiện Bộ Công Thương đang nghiên cứu để triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, sẽ thực hiện thí điểm và từ sau năm 2023, chuyển dần việc Nhà nước điều tiết giá điện sang cơ chế giá thị trường. Như vậy, việc phát triển thị trường điện tại Việt Nam phù hợp tinh thần với Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị trong việc từng bước áp dụng giá thị trường, tạo môi trường cạnh tranh thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển ngành điện, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng, xóa bỏ độc quyền trong các khâu sản xuất kinh doanh điện.

Bộ Công Thương cũng đang nghiên cứu cơ chế bán điện trực tiếp từ các nhà sản xuất điện cho các đơn vị tiêu thụ điện. Cơ chế này sẽ tạo động lực để khuyến khích thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế vào phát triển các nguồn điện, nhất là năng lượng tái tạo; tiến tới nhân rộng cơ chế trong thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, tạo lập môi trường bảo đảm theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 55.

Tuy nhiên, bên cạnh quyết tâm của Chính phủ cũng như nỗ lực của bộ ngành, phát triển ngành năng lượng vẫn đối mặt với vô vàn trở ngại khiến dù được đánh giá tiềm năng nhưng các nhà đầu tư tư nhân vẫn rụt rè “rót” vốn.

Một trong những khó khăncủa ngành năng lượng chính cơ chế thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành năng lượng. Công tác tái cơ cấu ngành năng lượng để từng bước hình thành thị trường năng lượng cạnh tranh lành mạnh thực hiện còn chậm, còn tình trạng độc quyền nhà nước trong một số lĩnh vực.

Bên cạnh đó, việc hình thành thị trường điện triển khai còn chậm và nhiều vướng mắc, chưa thực sự cung cấp tín hiệu khách quan cho các nhà đầu tư cũng như người sử dụng. Do vậy, yêu cầu xây dựng cơ chế chính sách thông thoáng, phù hợp với thực tiễn để phát triển mạnh mẽ hơn nữa thị trường năng lượng cạnh tranh đang là đòi hỏi cấp thiết hiện nay.

Ông Nguyễn Tâm Tiến – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam tại Diễn đàn Năng lượng mới đây đã chia sẻ rằng, Nghị quyết 55 đã tạo đòn bẩy cho tư nhân tham gia ngành năng lượng, đặc biệt là xóa bỏ độc quyền để tư nhân tham gia xây dựng truyền tải. Tuy nhiên, việc phát triển các dự án năng lượng vẫn vướng nhiều khó khăn, chẳng hạn như điện gió đang gặp trở ngại về chính sách.

Cụ thể như, giá ưu đãi mua điện ưu đãi (8,5-9,8 cent/kWh tùy dự án) chỉ kéo dài đến năm 2021, trong khi 100% thiết bị điện gió phải nhập khẩu nên các nhà cung cấp thiết bị tìm cách ép giá nhà đầu tư. Do đó, theo ông Tiến, cần sớm ban hành khung giá mua bán điện cố định (giá FIT) sau 2021, đồng thời kéo dài giá mua điện ở mức 9,8 cent/kWh đối với các dự án điện gió gần bờ để thu hút các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, cơ chế vay vốn đối với các dự án năng lượng cũng đang gặp phải không ít rào cản đặc biệt là các dự án năng lượng tái tạo. Do vốn đầu tư lớn, thời gian thực hiện lâu, độ rủi ro cao… nên rất nhiều dự án khó khăn trong việc thuyết phục các tổ chức tín dụng duyệt hồ sơ vay vốn.

Bộ Công thương cho biết, từ nay đến năm 2030, ngành điện cần 148 tỷ USD. Ông Ousmane Dione, nguyên Giám đốc Quốc gia World Bank tại Việt Nam cho rằng, tài chính từ khu vực công và nguồn vốn ODA sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu đầu tư rất lớn của ngành điện. Bởi vậy, Việt Nam phải tăng cường huy động các nguồn vốn thay thế.

Có thể thấy, cải cách thị trường năng lượng là yêu cầu cấp thiết nhằm đảm bảo tính linh hoạt và khả năng dự báo, vai trò trung tâm của người tiêu dùng và tối ưu hóa các chi phí. Thị trường năng lượng vận hành hiệu quả hơn sẽ giúp các doanh nghiệp tư nhân hoạt động ổn định.

Chỉ khi tư nhân tham gia thì mới tạo ra thị trường, phát triển theo tư duy thị trường và tính cạnh tranh sẽ cao hơn nhiều. Để thu hút được khối tư nhân, cần phải bình đẳng trong đối xử và để bình đẳng, cạnh tranh rõ ràng thì phải công khai, minh bạch. Tư nhân tham gia sâu hơn vào ngành năng lượng không chỉ bảo đảm vững chắc hơn cho an ninh năng lượng đất nước, mà còn tạo môi trường minh bạch để nền kinh tế thực sự phát triển bền vững.

Khi các “nút thắt” dần được tháo gỡ bằng những giải pháp đồng bộ, ngành năng lượng hứa hẹn sẽ có những bước đột phá, tạo đà để KT-XH đất nước tiếp tục phát triển, đi lên.

Đức Minh
https://petrotimes.vn/rao-can-nao-tren-con-duong-chuyen-doi-theo-co-che-thi-truong-cua-nganh-nang-luong-575343.html