Giải pháp để người thu nhập thấp sử dụng điện mặt trời mái nhà

Tại tọa đàm Phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam: Lợi ích, nút thắt và giải pháp tháo gỡ hôm 28/8, các chuyên gia đã đưa ra những giải pháp để người thu nhập thấp tiếp cận nguồn năng lượng mặt trời.

Phó trưởng Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam Trần Viết Nguyên cho biết, mặc dù đạt được kết quả tích cực trong phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) nhưng hiện vẫn có nhiều bất cập. Đó là, chi phí lắp đặt hệ thống ĐMTMN cao so với thu nhập bình quân của người dân Việt Nam.

Đại diện EVN lấy ví dụ: Lắp đặt hệ thống ĐMTMN có công suất 1 kWh tốn từ 15-20 triệu đồng. Như vậy là cao, đặc biệt là với các hộ gia đình có thu nhập trung bình hoặc thấp.

“Vướng mắc này đặt ra vấn đề là có giải pháp nào để hỗ trợ các hộ gia đình có thu nhập thấp có nhu cầu muốn sử dụng ĐMTMN?” – ông Nguyên đặt câu hỏi.

Ở góc độ pháp lý, đại diện EVN cho biết, hiện chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các thiết bị, hệ thống ĐMTMN; chưa có quy định về việc xin giấy phép xây dựng, về tải trọng kết cấu mái khi lắp đặt ĐMTMN; nhà đầu tư phát triển dự án tập trung tại một khu vực dẫn tới khả năng đấu nối và giải tỏa công suất bị hạn chế…


Phó trưởng Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam Trần Viết Nguyên.

Từ những bất cập trên, đại diện EVN đề xuất và kiến nghị cần tuyên truyền, quảng bá thêm về ĐMTMN để người dân hiểu rõ lợi ích lâu dài và góp phần bảo vệ môi trường khi lắp đặt hệ thống ĐMTMN. Ngoài ra, đề xuất Chính phủ khuyến khích các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố lắp đặt ĐMTMN.

Ông cũng kiến nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư ban đầu; khuyến khích các ngân hàng, nhà đầu tư và các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước tham gia sâu rộng vào thị trường ĐMTMN tại Việt Nam.

Ngoài ra, các nhà đầu tư, nhà sản xuất cung cấp vật tư thiết bị, lắp đặt phối hợp với EVN, các đơn vị điện lực cung cấp các giải pháp, gói dịch vụ hấp dẫn cho khách hàng. Bộ Công Thương, Bộ KH&CN cũng cần sớm ban hành tiêu chuẩn ĐMTMN; Bộ Công Thương sớm ban hành chính sách khuyến khích phát triển ĐMTMN hộ gia đình, khu công nghiệp, trung tâm thương mại, cơ sở hành chính sự nghiệp… giai đoạn sau 31/12/2020.


Toàn cảnh tọa đàm.

Đồng thuận với việc cần có hỗ trợ kinh phí lắp đặt ĐMTMN cho người dân, Thạc sỹ, Kỹ sư Phạm Nam Phong – Tổng giám đốc Công ty Vũ Phong Solar tiết lộ, đơn vị có kế hoạch cùng một số quỹ đầu tư đưa ra những gói tài chính để các gia đình có thu nhập thấp có thể tiếp cận, đầu tư và có lợi nhuận trên mái nhà của mình cũng như làm giảm áp lực thiếu điện của Việt Nam.

Ông Phan Đình Nam – đại diện Solartech thì cho hay, Solartech đang lắp đặt khá nhiều hệ thống ĐMTMN nhưng hồ sơ lắp, đồng hồ, giấy tờ chưa đồng nhất. Dự án, thiết bị ở các tỉnh khác nhau thì các hồ sơ cũng khác nhau. Ông Nam đề xuất, với hệ thống ĐMTMN nói chung cần phải đồng bộ, hồ sơ hòa lưới ở Đồng Nai thì ở các nơi khác cũng phải hòa lưới được và nên giao cho đơn vị lắp đặt hoàn thiện các thủ tục giấy tờ để tránh gây khó dễ cho người dân. Bên cạnh đó, cũng cần có danh sách các thiết bị đạt chuẩn, đã được chấp thuận để tránh những thiết bị không đảm bảo dẫn đến các sự cố trong quá trình sử dụng.

Theo Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Xuân Hòe, thị trường ĐMTMN tại Việt Nam rất tiềm năng và kinh phí từ 15-20 triệu đồng để lắp đặt ĐMTMN là không quá lớn. “Các ngân hàng như HDBank, TPBank đã vào cuộc hỗ trợ tài chính để tạo ra ĐMTMN. Với gói 11.000 tỷ đồng thì các doanh nghiệp có diện tích mái lớn có thể được hỗ trợ hàng chục tỷ đồng hoặc các hộ dân cũng sẽ được hỗ trợ” – ông Hòe nhận định.


Một dự án ĐMTMN.

Tọa đàm Phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam: Lợi ích, nút thắt và giải pháp tháo gỡ là một trong những hoạt động thuộc chương trình Tuần lễ Năng lượng tái tạo do Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) cùng Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam tổ chức.

Đại diện GreenID cho hay, Tuần lễ Năng lượng tái tạo được khởi xướng từ năm 2016 với nỗ lực đóng góp cho quá trình chuyển dịch sang năng lượng sạch ở Việt Nam. Sau 4 năm tổ chức, chương trình đã trở thành diễn đàn cho các bên liên quan từ trung ương tới địa phương và cả người dân trong cộng đồng cùng tương tác, trao đổi và đóng góp sáng kiến, ý tưởng, hành động và đề xuất cho phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam.

Sáng 25/8 vừa qua, tọa đàm “Phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam: Lợi ích, nút thắt và giải pháp tháo gỡ” đã được tổ chức với 3 phiên thảo luận: Hiện trạng phát triển điện mặt trời mái nhà; Chính sách dài hơi để khai thác tiềm năng điện mặt trời mái nhà ở Việt Nam; Khơi thông tài chính cho điện mặt trời mái nhà.

Chiều cùng ngày, đã diễn ra phiên thảo luận về chuyển dịch năng lượng công bằng qua thúc đẩy phát triển các giải pháp ĐMT kết hợp nông nghiệp và ĐMT nổi.

Xuân Hinh
https://petrotimes.vn/giai-phap-de-nguoi-thu-nhap-thap-su-dung-dien-mat-troi-mai-nha-576951.html