VNCPC và những đóng góp vào thành công của dự án EIP

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đang lên kế hoạch tổ chức hội nghị tổng kết dự án EIP tại Hà Nội, vào giữa tháng 6/2019. Hội nghị sẽ nêu bật những câu chuyện thành công và tác động của Dự án Triển khai Sáng kiến ​​Khu công nghiệp Sinh thái hướng tới Khu công nghiệp Bền vững tại Việt Nam (EIP) đối với các doanh nghiệp tham gia.

Dự án EIP được triển khai từ tháng 10/2014, tại 5 khu công nghiệp thí điểm gồm: Khánh Phú, Gián Khẩu (Ninh Bình), Hòa Khánh (Đà Nẵng) và Trà Nóc 1 & 2 (Cần Thơ), với sự tham gia của 72 doanh nghiệp.

Thông qua các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn do Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam (VNCPC) cung cấp, dự án đã giúp các doanh nghiệp giảm tiêu hao nguyên liệu đầu vào, giảm chi phí năng lượng, nước, hóa chất…, góp phần đáng kể vào việc giảm phát thải khí thải nhà kính (GHG), các hợp chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP), cùng các chất gây ô nhiễm nguồn nước và quản lý an toàn hóa chất.

Chuyên gia VNCPC đo đạc và hướng dẫn cho cán bộ kỹ thuật tại nhà máy.

Những yếu tố trên đã góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ môi trường địa phương, cũng như tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đặc biệt, một số doanh nghiệp tham gia dự án còn bắt đầu phát triển việc thực hiện các giải pháp cộng sinh công nghiệp, một bước đi quan trọng góp phần xây dựng các khu công nghiệp bền vững.

Làm việc với doanh nghiệp về các giải pháp giúp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn.

Ngoài ra, kết quả của dự án cũng đã đóng góp một phần không nhỏ vào việc ban hành các hướng dẫn để triển khai nội dung về phát triển khu công nghiệp sinh thái trong Nghị định số 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Không chỉ có vậy, dự án còn có những hướng dẫn về cách tiếp cận nguồn tài chính xanh; những việc cần làm để phòng ngừa và ứng phó với các sự cố môi trường.

Đào tạo cho các cán bộ kỹ thuật của các nhà máy về công sinh công nghiệp.

Từ những thành công này, giai đoạn 2 của dự án đang được xem xét để tiếp tục thực hiện nhằm giúp các khu công nghiệp hiện có tại Việt Nam hướng tới sự phát triển bền vững.

VNCPC

Liên hợp quốc kêu gọi đánh thuế ô nhiễm

Tại Hội nghị thường niên của liên minh R20 (Các khu vực hành động vì khí hậu) tại Vienna (Áo), Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã kêu gọi các chính phủ đánh thuế ô nhiễm, chứ không phải dân số, để chống biến đổi khí hậu.

R20, được thành lập năm 2011 bởi cựu Thống đốc bang California Arnold Schwarzenegger với sự hỗ trợ của Liên hợp quốc, là một liên minh của các chính phủ khu vực, các doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức phi chính phủ, các trường đại học và các tổ chức tài chính với sứ mệnh đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

Tại Hội nghị thường niên của liên minh R20 (Các khu vực hành động vì khí hậu) tại Vienna (Áo), ngày 28/5, ông Guterres tuyên bố nêu rõ: “Chúng ta phải đánh thuế ô nhiễm, chứ không phải dân số, và ngừng trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch”. Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, nhiều người vẫn lầm tưởng rằng “việc trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch là một cách để cải thiện điều kiện sống của người dân”.

“Không có gì sai hơn thế. Chúng ta sử dụng tiền của người nộp thuế – tiền của chúng ta – để tăng cường các cơn bão, hạn hán lan rộng, làm tan chảy sông băng, làm trắng san hô. Nói một cách dễ hiểu – phá hủy thế giới” – ông nói thêm.


Các nhà máy nhiệt điện đã hoạt động và đang được xây dựng đe dọa ảnh hưởng đến mục tiêu ngăn chặn sự ấm dần lên của Trái Đất.

Nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc ước tính rằng người nộp thuế có thể muốn thu hồi tiền của họ hơn là xem nó được sử dụng để phá hủy thế giới. “Chúng ta cần giải phóng cơ sở hạ tầng đô thị, đặc biệt là giao thông và các tòa nhà, và ngừng xây dựng các nhà máy than mới gây độc cho không khí chúng ta hít thở” – ông nhấn mạnh.

“Chúng ta cần thúc đẩy tiêu thụ và sản xuất bền vững, hỗ trợ nông nghiệp thông minh với các giải pháp dựa trên tự nhiên chứ không dựa trên các đầu vào hóa học”.

Bên cạnh đó, Tổng thư ký Guterres cũng một lần nữa nhắc lại rằng, chính vì lý do này mà ông tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu vào tháng 9 ở New York (Mỹ).

Tổng thư ký Liên hợp quốc yêu cầu các nhà lãnh đạo không đi kèm với những bài phát biểu hay mà hãy đưa ra những kế hoạch cụ thể để thúc đẩy hành động khí hậu mà chúng ta cần.

“Tôi muốn thế giới đoàn kết để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu xuống 1,5 độ C và giữ lời hứa của Thỏa thuận Paris (về khí hậu)” – ông nêu rõ.

Trong đó, liên minh R20 có vai trò rất lớn. “Hành động khí hậu ở cấp độ khu vực là điều cần thiết để giải quyết khủng hoảng khí hậu, không chỉ bởi vì chính quyền khu vực gần gũi nhất với người dân, mà còn bởi vì các khu vực và thành phố là động lực chính của nền kinh tế toàn cầu” – Tổng thư ký nhấn mạnh.

80 quốc gia sẵn sàng tăng cường cam kết về khí hậu

Cũng trong ngày 28/5, Đặc phái viên Liên hợp quốc về khí hậu Luis Alfonso de Alba tuyên bố bảo đảm rằng khoảng 80 quốc gia đã sẵn sàng đáp ứng các cam kết giảm lượng khí thải carbon theo thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Theo thỏa thuận, các nước ký kết cam kết sẽ công bố vào năm 2020 những nỗ lực mới nhằm tăng cường kế hoạch quốc gia để giảm phát thải khí nhà kính, trong nỗ lực ngăn chặn sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

“Có 80 quốc gia đã chỉ cho chúng tôi thấy rằng họ đã sẵn sàng” để điều chỉnh lại tham vọng của mình – ông Luis Alfonso de Alba tuyên bố với các phóng viên.

Liên hợp quốc đang thúc đẩy các chính phủ giảm 45% khí thải nhà kính trong 10 năm tới và đạt được tính trung lập carbon vào năm 2050.

Theo Đặc phái viên Luis Alfonso de Alba, chúng ta cần tăng đáng kể tham vọng của mình. Thay vì tiếp cận dần dần, chúng ta cần tăng cường quyết tâm một cách mạnh mẽ.

Theo VietnamPlus (30/5/2019)

Làm sao tiêu hủy pin điện mặt trời?

Tuổi thọ pin điện mặt trời từ 20 – 25 năm, có loại pin tuổi thọ chỉ 15 năm. Vậy phải xử lý tiêu hủy pin này như thế nào để không ảnh hưởng môi trường?

Nhiều dự án nhà máy điện mặt trời đang thi công xây dựng tại tỉnh Ninh Thuận – Ảnh: MINH TRÂN

Đây là vấn đề được đặt ra tại Hội thảo quốc gia phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo (NLTT) của cả nước, vào chiều 24-5, do Bộ Công thương, Viện Hàn lâm khoa học – xã hội Việt Nam và UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp tổ chức.


Hội thảo quốc gia phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước – Ảnh: MINH TRÂN

Ông Nguyễn Minh Trứ, trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Thuận, đại biểu HĐND tỉnh, cho hay các đợt tiếp xúc cử tri huyện Ninh Phước, cử tri đều hỏi tuổi thọ pin ĐMT từ 20 – 25 năm, có loại pin tuổi thọ chỉ 15 năm.

“Sau đó pin này thải ra được xử lý tiêu hủy ra sao để không ảnh hưởng môi trường sống của người dân” – ông Trứ đặt câu hỏi.


Tuổi thọ pin điện mặt trời từ 20 – 25 năm, có loại chỉ 15 năm. Hiện chưa có công nghệ xử lý tiêu hủy khi các pin đến hạn – Ảnh: MINH TRÂN

Ông Đỗ Đức Quân, cục phó Cục Điện lực và NLTT Bộ Công thương, trả lời: “Các tấm pin điện mặt trời không gây ô nhiễm môi trường. Chúng tôi hy vọng 20 năm tới, thế giới sẽ có công nghệ xử lý tiêu hủy các tấm pin đến hạn”.

Thế nhưng, theo PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng, viện phó Viện Kinh tế Việt Nam, điện mặt trời có gây ô nhiễm, vì những tấm pin được sản xuất có nhiều hóa chất carrium, arsenic và silicon tetrachloride. Đây là những chất rất độc hại cho công nhân chế tạo cũng như thẩm thấu nguồn nước, khuếch tán vào không khí.

Việc thu gom, tái chế các tấm pin điện mặt trời cũng chưa tiến hành nghiêm túc, có nguy cơ gây ô nhiễm cao.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu đề nghị trong khi chờ đến tuổi thọ pin điện mặt trời, bộ ngành trung ương cần nghiên cứu đưa ra công nghệ tối ưu để xử lý tiêu hủy các tấm pin này.

“Hiện Bộ Công thương đang rất khuyến khích các nhà đầu tư tham gia nghiên cứu xây dựng công nghệ xử tiêu hủy các pin điện mặt trời đến hạn và sẽ được bộ hỗ trợ kinh phí” – ông Đỗ Đức Quân, cục phó Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, nói.

Cần có Luật năng lượng tái tạo

PGS.TS Bùi Nhật Quang, phó chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học – xã hội Việt Nam, cho rằng tuy năm 2018, Chính phủ có ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP chấp thuận chủ trương phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước với một số cơ chế đặc thù.

Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa có Luật năng lượng tái tạo để có nền tảng pháp lý đủ mạnh về quy định hàng loạt cơ chế chính sách cần thiết như giá, yêu cầu về công nghệ, vấn đề thành lập các quỹ phát triển năng lượng tái tạo, chế tài xử lý các vi phạm nếu có.

“Đây là đòi hỏi cấp thiết để Ninh Thuận thực hiện thuận lợi cơ chế đặc thù và sớm trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước” – ông Quang nói.

Theo Minh Trân/tuoitre.vn (25/5/2019)

Ngày 27/5, Công ty CP thủy điện Đa Nhim- Hàm Thuận- Đa Mi (DHD) đã đóng điện trạm Inverter B, nâng công suất phát điện của Nhà máy điện mặt trời Đa Mi lên lưới 38,2 MWp.

Công ty CP thủy điện Đa Nhim- Hàm Thuận- Đa Mi (DHD) đã đóng điện trạm Inverter B, nâng công suất phát điện của Nhà máy điện mặt trời Đa Mi lên lưới 38,2 MWp. Ảnh: Ngọc Hà – TTXVN

Ngày 27/5, tại khu vực hồ thủy điện Đa Mi (tỉnh Bình Thuận), Công ty CP thủy điện Đa Nhim- Hàm Thuận- Đa Mi (DHD) và các nhà thầu đã đóng điện trạm Inverter B, nâng công suất phát điện của Nhà máy điện mặt trời Đa Mi lên lưới 38,2 MWp.

Trước đó, ngày 13/5, DHD đã đóng điện trạm Inverter A với công suất điện phát lên lưới là 20,5 MWp và đóng điện đường dây 110kV đồng bộ với nhà máy.

Dự án Nhà máy điện mặt trời Đa Mi được xây dựng nổi tại hồ thủy điện Đa Mi. Ảnh: Ngọc Hà – TTXVN

Dự án Nhà máy điện mặt trời Đa Mi được xây dựng nổi tại hồ thủy điện Đa Mi với công suất 47,5 MWp, sử dụng công nghệ tấm pin quang điện, với quy mô: 2 trạm inverter trung tâm và máy biến áp nâng áp trung thế 0,6/22kV; trong đó, trạm inverter A đặt trên bờ với công suất 17,5 MW, trạm inverter B đặt ngoài đảo nổi với công suất 25 MW; 1 trạm biến áp nâng áp 22/110kV, công suất 63 MVA cho toàn nhà máy; 1 đường dây 110kV mạch kép, dài khoảng 3,33 km từ trạm nâng áp 22/110kV của nhà máy điện mặt trời đến đấu nối chuyển tiếp đồng bộ vào đường dây 110kV Hàm Thuận – Đức Linh hiện có…

Nhà máy điện mặt trời Đa Mi có tổng diện tích mặt bằng sử dụng 56,65 ha, không phải di dân tái định cư.

Trong đó, diện tích mặt nước là 50 ha (thuộc quyền sử dụng đất của DHD) và tổng diện tích trên đất liền khoảng 6,65 ha; trong đó 0,77 ha thuộc DHD, còn lại 5,88 ha chủ yếu là đất nghèo trồng cây lâu năm của các hộ dân đã được đền bù theo quy định.

Dự án Nhà máy điện mặt trời Đa Mi có tổng mức đầu tư khoảng 1.438,8 tỷ đồng (vốn đối ứng của DHD là 30%, còn lại là vốn vay thương mại); giá bán điện 9,35 UScent/kWh và thời gian hoàn vốn là 14,5 năm.

Với công suất 47,5 MWp, năm đầu tiên vào vận hành, Nhà máy điện mặt trời Đa Mi bổ sung cho hệ thống điện quốc gia 69,9 triệu kWh.

Nhà máy điện mặt trời tại hồ thủy điện Đa Mi, tỉnh Bình Thuận được xây dựng với mục tiêu bổ sung một nguồn năng lượng sạch vào hệ thống điện Quốc gia, đáp ứng cung cấp điện cho hệ thống điện nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng.

Các kỹ sư trong Nhà điều hành. Ảnh: Ngọc Hà – TTXVN

Dự án điện mặt trời Đa Mi là một trong những dự án điện mặt trời đầu tiên tại Việt Nam được lắp đặt trên mặt hồ, góp phần tạo tiền đề, cơ sở để phát triển nguồn năng lượng sạch, phù hợp với định hướng phát triển nguồn điện của Chính phủ.

Tháng 4/2019, mực nước tại hồ thủy điện Hàm Thuận- Đa Mi giảm xuống mực nước chết, nên sản lượng điện của các nhà máy thủy điện Hàm Thuận- Đa Mi đã giảm 80 triệu kWh so với cùng kỳ năm 2018.

Dự báo, tháng 5/2019, mực nước tại các hồ này tiếp tục duy trì ở mức thấp, dẫn đến tiếp tục thiếu hụt sản lượng điện.

Việc Nhà máy điện mặt trời Đa Mi đưa vào vận hành sớm hơn 33 ngày so với tiến độ đã góp phần bổ sung thiếu hụt sản lượng điện từ các nhà máy thủy điện Hàm Thuận- Đa Mi, đồng nghĩa với việc giảm phát điện bằng nguồn nhiên liệu dầu trong tình trạng công suất hệ thống điện Quốc gia tăng đột biến do nắng nóng.

Theo TTXVN (27/5/2019)

Startup làm giấy từ đá vôi đặt mục tiêu doanh thu 9 tỉ đô la

Sản xuất giấy từ đá vôi không chỉ là ý tưởng đột phá vì giúp tiết kiệm nước mà còn giúp tận dụng nguồn tài nguyên khoáng chất Cacbonat canxi (CaCO3) có sẵn ở bất cứ đâu trên trái đất.

TBM, công ty khởi nghiệp (startup) có trụ sở ở Tokyo (Nhật Bản), nổi tiếng với công nghệ biến đá vôi thành danh thiếp, giấy bìa và hộp đựng thực phẩm, bản đồ…, đang lên kế hoạch cho vòng gọi vốn mới để có nguồn tài chính giúp mở rộng kinh doanh ở nước ngoài trước khi tiến hành bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong vòng hai năm tới.

Ngân hàng Goldman Sachs, Tập đoàn thương mại Itochu Corp và Công ty in lớn nhất Nhật Bản Toppan Printing đã đầu tư vào TBM. Cho đến nay, TBM đã huy động được 4,7 tỉ yen trong hai vòng gọi vốn gần nhất.


Nobuyoshi Yamasak, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành TBM, cầm một mẩu đá vôi tại văn phòng của công ty ông ở Tokyo. Ảnh: Bloomberg.

Giám đốc điều hành TBM Nobuyoshi Yamasaki nói công ty đang đặt mục tiêu huy động thêm vài tỉ yen nữa. Mục đích là để thành lập các đối tác liên doanh ở nước ngoài trước khi tiến hành IPO.

“Vòng gọi vốn tiếp theo của chúng tôi là nhằm mở rộng sự hiện diện ở nước ngoài trên phương diện sản lượng lẫn doanh thu. Chúng tôi muốn mở rộng quyết liệt ở nước ngoài và để thực hiện kế hoạch này, chúng tôi cần nguồn lực tài chính để tuyển dụng thêm nhân sự”, ông nói.

Yamasaki cho biết công ty TBM được định giá 56,3 tỉ yen trong vòng gọi vốn mới đây. Dù TBM không tiết lộ doanh thu của năm ngoái, Yamasaki tự tin doanh thu sẽ tăng trưởng ít nhất gấp năm lần trong năm tới. Gần đây, công ty đã giành được hợp đồng cung cấp sản phẩm giấy đá vôi limex cho chuỗi nhà hàng Yoshinoya để in thực đơn. Một nhà máy mới của TBM ở gần TP. Sendai, thủ phủ của tỉnh Miyagi, sẽ đi vào vận hành vào năm 2020 để sản xuất 30.000 tấn sản phẩm limex mỗi năm.

Vào thời gian ban đầu sau khi thành lập, TBM chủ yếu bán giấy đá vôi limex để làm danh thiếp vì nó không thấm nước, có độ dai cứng nên rất khó để xé rách hay bẻ cong. Tính chất này của giấy đá vôi limex cũng giúp nó trở thành sự lựa chọn lý tưởng để in các cuốn thực đơn, giúp các nhà hàng không cần phải thường xuyên thay thế chúng.

Hơn 400 nhà hàng sushi trên khắp Nhật Bản của công ty Sushiro Global Holdings đã sử dụng giấy đá vôi limex để in các cuốn thực đơn. Giấy đá vôi có thể tái chế để sản xuất các sản phẩm giấy trở lại hoặc các vật dụng có độ bền cao hơn như cặp giấy, chén dĩa.

Một nhược điểm của giấy đá vôi limex là nó vẫn còn đắt hơn một chút so với giấy thông thường nhưng khoản đầu tư gần đây của Goldman Sachs sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh của loại giấy này trên thị trường.


Danh thiếp, giấy bìa và hộp đựng thực phẩm làm bằng giấy đá vôi limex của TBM. Ảnh: Bloomberg.

Mặc dù nó không lý tưởng để sản xuất tạp chí hoặc sách vì có trọng lượng nặng, công ty TMB đang nghiên cứu cách để có thể sử dụng giấy limex sản xuất các văn phòng phẩm và vật dụng hàng ngày khác.

Một đặc điểm quan trọng của giấy đá vôi limex là nó có thể được sản xuất mà không cần nước. Trong khi đó, phải mất 100 tấn nước để sản xuất một tấn giấy thông thường làm từ bột gỗ được khai thác từ 20 cây. Để sản xuất một tấn giấy limex, TBM sử dụng chưa đến một tấn đá vôi cùng với 200kg nhựa polyolefin.

TBM cho biết lượng khí thải nhà kính phát ra trong quá trình sản xuất giấy đá vôi ít hơn 20% so với hoạt động sản xuất giấy truyền thống.

Yamasaki bỏ học năm 15 tuổi và lần lượt làm thợ mộc và nhân viên kinh doanh xe cũ để mưu sinh. Tò mò với sản phẩm giấy sản xuất từ đá vôi có xuất xứ từ Đài Loan, Yamasaki và các cộng sự đã nghiên cứu kỹ hơn về công nghệ sản xuất loại giấy này. Yamasaki đã nhập khẩu giấy đá vôi từ Đài Loan và sau đó phát triển công nghệ sản xuất giấy đá vôi limex.

Thách thức của Yamasaki và các cộng sự là phải bảo đảm tính thân thiện với môi trường, chất lượng giấy và tính hiệu quả chi phí trong sản xuất. Khi đủ tự tin với sản phẩm đang nghiên cứu, ông đã thành lập công ty IBM để giới thiệu giấy đá vôi ra thị trường. Limex được sản xuất bằng cách phối trộn bột đá vôi với nhựa polyolefin ở nhiệt độ và áp suất cao.

Mục tiêu của Yamasaki là đưa TBM cán mức tổng doanh thu tích lũy 1.000 tỉ yen (9 tỉ đô la Mỹ) vào giữa thập niên 2030. Ông đang lên kế hoạch cấp phép sử dụng công nghệ sản xuất limex cho các nhà sản xuất bên ngoài Nhật Bản, đặc biệt là ở những nơi thiếu nước và giàu đá vôi như bang California (Mỹ) hay Saudi Arabia.

Theo Moitruongvadothi.vn (27/5/2019)

Lọc sạch không khí bằng công nghệ lá quang sinh học

Các nhà khoa học phát triển công nghệ Lá quang sinh học có khả năng làm sạch, cải thiện chất lượng không khí từ quá trình quang hợp của các cây siêu nhỏ.

Hệ thống Biosolar Leaf bao gồm các cấu trúc giống như tấm pin năng lượng Mặt trời có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi tảo, thực vật phù du và tảo cát.


Các mái nhà được phủ bằng lá quang sinh học. (Ảnh: Arborea)

Những cấu trúc lớn này sẽ được lắp đặt trên các mái nhà, mặt đất và nhiều cơ sở hạ tầng khác. Chúng hấp thụ khí nhà kính carbon dioxide (CO2) và thải khí oxy vào khí quyển hiệu quả hơn gấp 100 lần so với cây xanh thông thường.

Ngoài ra, hệ thống Biosolar Leaf cũng tạo ra một nguồn sinh khối hữu cơ dồi dào có thể được sử dụng để làm phụ gia thực phẩm.

“Ô nhiễm không khí là một trong những thách thức cấp bách nhất của thủ đô London. Chúng tôi đang tạo ra các giải pháp bền vững và tiên tiến để cải thiện môi trường không khí của Vương quốc Anh và toàn thế giới”, Neil Alford, thành viên của nhóm nghiên cứu tại trường Imperial College London, cho biết.

Theo Moitruong.vn (22/5/2019)