Chúc mừng năm mới 2020!

Chúc Quý vị và gia đình Năm mới An Khang – Thịnh Vượng!

Giám đốc 

Lê Xuân Thịnh

Khi biến đổi khí hậu không còn là câu chuyện của tương lai

Những hình thái thời tiết “chưa từng có tiền lệ” cùng những tác động tàn phá môi sinh cũng đã khiến con người nhận thức và hành động quyết liệt hơn để chống biến đổi khí hậu.

Ảnh minh họa. (Nguồn: ethailand)

“Tình trạng khẩn cấp về khí hậu” – từ điển tiếng Anh uy tín hàng đầu thế giới Oxford đã chọn đây là “Từ của năm 2019,” khi biến đổi khí hậu không còn là mối nguy cơ, không còn là chuyện sẽ xảy ra trong tương lai, mà là những gì người dân trên toàn thế giới, cả nước phát triển lẫn nước nghèo, đã và đang phải hứng chịu từng ngày.

Những hình thái thời tiết “chưa từng có tiền lệ” cùng những tác động tàn phá môi sinh cũng đã khiến con người nhận thức và hành động quyết liệt hơn để chống biến đổi khí hậu.

Năm 2019, một trong 20 năm nóng nhất lịch sử, cũng phản ánh sức “nóng” của các phong trào bảo vệ Trái Đất, từ các mặt báo cho tới đường phố.

Tuy nhiên, đây cũng là năm chứng kiến những bước thụt lùi trong cuộc chiến ngăn nhiệt độ toàn cầu nóng lên khi Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, trong khi Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25) lún sâu vào chia rẽ sâu sắc trong những nỗ lực cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Nói 2019 là năm của những thảm họa thiên nhiên không có gì là quá khi hầu hết các vùng trên toàn cầu đều trải qua những hình thái thời tiết đáng báo động nhất từ trước tới nay, như Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã cảnh báo rằng loài người đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.

Những đợt cháy rừng có tàn phá khủng khiếp tại “lá phổi Xanh” Amazon hay Australia đều được cho là nghiêm trọng hơn do tác động của biến đổi khí hậu.

Ít nhất 74.155 vụ cháy rừng đã xảy ra tại Brazil chỉ trong 8 tháng đầu năm, con số cao kỷ lục kể từ năm 2013.

Hơn một nửa trong số này lan rộng ở khu rừng nhiệt đới Amazon đã phát đi tín hiệu cảnh báo nguy cấp và là bằng chứng rõ ràng nhất về sức tàn phá do hoạt động của con người gây ra đối với thiên nhiên.

Biến đổi khí hậu khiến mùa cháy rừng năm 2019 tại Australia bắt đầu sớm hơn mọi năm và diễn biến khắc nghiệt hơn. Ít nhất 3 triệu ha rừng đã bị thiêu rụi trong vài tháng gần đây.


Một nhân viên chữa cháy tại New South Wales. (Ảnh: Stuff.co.nz)

Chìm trong màn khói bụi ô nhiễm từ các đám cháy, thành phố Sydney phải ban bố cảnh báo y tế khẩn cấp. Hỏa hoạn nghiêm trọng hơn do tình trạng hạn hán kéo dài thời gian trước đó, lại càng như được “tiếp sức” khi diễn ra trong những ngày nóng nhất từ trước tới nay tại quốc gia này.

Thiên tai khắc nghiệt, dường như bởi mang theo sự tức giận của thiên nhiên, trút lên những chủ nhân của hành tinh. Nước Mỹ mở đầu năm 2019 với một đợt lốc xoáy vùng cực làm tê liệt toàn bộ khu vực Trung Tây và duyên hải phía Đông trong vài ngày.

Khi đó, hàng chục triệu người Mỹ đã trải qua một đợt lạnh giá sâu, nhiệt độ tương đương Bắc cực và có lúc còn rơi xuống -49 độ C.

Khoảng hai tháng sau, một trận “bom bão tuyết” với những đợt tuyết tan chảy nhanh đã nhấn chìm các vùng đất rộng lớn ở 9 bang thuộc vùng Đồng bằng Mỹ và Trung Tây trong ngập lụt, gây thiệt hại tới hàng trăm triệu USD.

Siêu bão Kenneth hồi tháng 4 san phẳng nhiều vùng ở Mozambique khiến hơn 40 người thiệt mạng và hàng chục nghìn nhà cửa tan biến.

Tuần đầu tiên của tháng 9, bão cấp 5 Dorian với sức gió lên tới 320km/h tấn công quần đảo Bahamas, khiến ít nhất 70 người thiệt mạng trong khi 250 người khác mất tích, tàn phá hàng nghìn nhà cửa và cơ sở sản xuất.

Đây là một trong những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử trên biển Caribbe và là thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng nhất trong lịch sử quần đảo này.

Tháng 10, Nhật Bản “oằn mình” hứng chịu hậu quả của bão Hagabis. Cơn bão mạnh đã cướp đi sinh mạng của gần 40 người và khiến hơn 200 người mất tích.

Trong khi đó, các nước châu Á khác như Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh, Hàn Quốc, Thái Lan, Sri Lanka và Philippines… đều hứng chịu các trận bão mạnh, khiến hàng chục người thiệt mạng, hàng trăm nghìn người phải đi sơ tán và chịu thiệt hại hàng triệu USD.

Lũ lụt và hạn hán ở các quốc gia như Somalia và Cộng hòa dân chủ Congo, khiến hàng triệu người dân rơi vào cảnh đói ăn khi vụ mùa bị mất trắng. Những trận lụt lịch sử, mưa lớn chưa từng có tàn phá hàng triệu ngôi nhà, đẩy người dân vào cảnh “màn trời chiếu đất.”

Các đợt thiên tai liên tiếp nối nhau, thảm họa chồng thảm họa, người dân tại các quốc gia này thậm chí không có thời gian để xây lại nhà cửa hay tìm kiếm nguồn thực phẩm khác.

Hồi tháng 5, Liên hợp quốc phải huy động nguồn quỹ hỗ trợ khắc phục hạn hán tại Somalia thì tới tháng 11, cơ quan này lại tiếp tục phải kêu gọi một đợt khác để khắc phục lũ lụt.

Không chỉ riêng Somaila, cả vùng Đông Phi trải qua tháng 10 với những ngày mưa tầm tã, khiến hàng trăm người thiệt mạng và hàng triệu người mất nhà cửa.

Tình trạng hạn hán nghiêm trọng nhất từ năm 1982 đã khiến hàng triệu người dân ở Nam Phi, Angola, Zambia… thiếu nước uống và thiếu lương thực.

Trong năm nay, các vụ lũ lụt, lở đất do mưa lớn gây ra đã tàn phá Ấn Độ, Nepal, Pakistan và Bangladesh, khiến hàng trăm người thiệt mạng.

Ở châu Âu, tháng 7/2019 là tháng đáng nhớ trong ký ức người dân khi nhiều quốc gia tại châu lục này trải qua hình thái thời tiết “nóng như đổ lửa.”

Nhiệt độ lên mức kỷ lục trên 45 độ C ở nhiều nước; Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan… liên tục ban hành báo động đỏ vì nắng nóng bất thường.

Nền nhiệt tăng cao khiến cháy rừng ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha khó kiểm soát. Theo báo cáo của tổ chức World Weather Attribution, biến đổi khí hậu nhiều khả năng đã khiến cho mức tăng nhiệt độ cao hơn ít nhất gấp 5 lần so với trước đây.

Phía bên kia Đại Tây Dương, một đợt sóng nhiệt gây nắng nóng bất thường trên diện rộng thiêu đốt các khu vực Trung Tây, duyên hải phía Nam và Đông nước Mỹ khi nhiệt độ có lúc lên tới 37,8 độ C, cướp đi sinh mạng của hơn 20 người.

Tháng 7/2019 được ghi nhận là tháng nóng nhất trên Trái Đất trong 140 năm qua.

Những diễn biến trên đã thực sự làm thay đổi nhận thức của các công dân toàn cầu, từ đó thổi bùng phong trào đấu tranh chống biến đổi khí hậu.

Điển hình là chiến dịch mang tên “Thứ Sáu vì tương lai” do nữ sinh trẻ tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg khởi xướng, đã nhận được sự ủng hộ của hàng triệu người bạn trên toàn thế giới, với hàng trăm cuộc tuần hành hằng tuần ở khắp nơi, yêu cầu chính phủ các nước có hành động và kế hoạch khí hậu cụ thể.

Không chỉ một chiến dịch đơn lẻ, năm 2019 còn chứng kiến làn sóng tuần hành của phong trào “Extinction Rebellion” khởi phát từ Anh và sau đó lan rộng trên toàn thế giới.

Càng về cuối năm, các cuộc tuần hành càng được tổ chức nhiều hơn tại khắp nơi từ châu Âu đến châu Á, thúc ép hành động để ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu.

Trước những bằng chứng không thể chối cãi và áp lực từ các phong trào, nhiều chính phủ cũng đã bắt đầu điều chỉnh chính sách dù còn chậm. Liên minh châu Âu (EU) và tổng cộng 66 quốc gia đã lên kế hoạch đạt mục tiêu triệt tiêu carbon trước năm 2050. Các thành phố London và Paris cũng đã ban bố các cơ chế khẩn cấp khí hậu và sinh thái chính thức.

Tuy nhiên, vẫn không ít quan ngại rằng những tiến triển trên có thể suy yếu khi các nền kinh tế đang phát triển vẫn cần tới nhiên liệu hóa thạch để thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng.

Nhiều nước có lượng khí phát thải lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Brazil “mập mờ” về việc thực hiện các cam kết về khí hậu trong ngắn hạn.

Ngày 4/11, chính quyền Tổng thống Donald Trump bắt đầu tiến trình chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đưa Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên rời khỏi thỏa thuận toàn cầu này.

Đây được cho là một bước thụt lùi không hề nhỏ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu bởi Mỹ từng là quốc gia phát thải nhiều nhất trong lịch sử.

Hội nghị COP 25 diễn ra từ 2/12-15/12 cũng đã kết thúc với một tuyên bố chung chung vì các bên tham gia không ngừng tranh cãi về trách nhiệm và cách phân chia gánh nặng tài chính cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Khi tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu đã trầm trọng tới “điểm không thể cứu vãn,” chỉ có con người mới có khả năng cứu hành tinh, cũng là tự cứu chính mình. Năm 2020 được kỳ vọng sẽ là một năm của “sự thay đổi,” của hành động thực chất vì khí hậu trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn./.

Theo Lê Ánh (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/khi-bien-doi-khi-hau-khong-con-la-cau-chuyen-cua-tuong-lai/615057.vnp

Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi: Siết quản lý các nguồn thải khí bụi

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, đề nghị các các Bộ, ngành, địa phương góp ý, trong đó đề xuất quy định về bảo vệ môi trường không khí.

Ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn đang ngày càng “xấu”. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất các nguồn phát thải khí vào môi trường phải được đánh giá và kiểm soát. Tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát thải khí tác động xấu đến môi trường, có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý theo quy định của pháp luật.

Nguồn phát thải khí phải được xác định về lưu lượng

Theo đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát tán bụi, khí thải phải kiểm soát và xử lý bụi, khí thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Phương tiện giao thông, máy móc, thiết bị, công trình xây dựng phát tán bụi, khí thải phải có bộ phận lọc, giảm thiểu khí thải, thiết bị che chắn hoặc biện pháp khác để giảm thiểu bụi.

Đặc biệt, nguồn phát thải khí phải được xác định về lưu lượng, tính chất và đặc điểm của khí thải. Việc xem xét, quyết định đầu tư dự án và hoạt động có phát thải khí phải căn cứ vào sức chịu tải của môi trường không khí, bảo đảm không có tác động xấu đến con người và môi trường.

“Trường hợp bụi, khí thải có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng quy định phải được quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại,” dự thảo nêu rõ.

Theo nội dung dự thảo, kế hoạch quản lý chất lượng không khí là cơ sở để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đánh giá công tác quản lý, chất lượng môi trường không khí và công khai thông tin trên địa bàn; trường hợp môi trường không khí bị ô nhiễm thì phải cảnh báo, xử lý kịp thời.

Nội dung của kế hoạch quản lý chất lượng không khí tập trung đánh giá chất lượng không khí; xác định quan điểm, mục tiêu quản lý chất lượng không khí; đánh giá hiện trạng quản lý chất lượng không khí bao gồm quan trắc chất lượng không khí, xác định và đánh giá các nguồn phát thải khí thải chính, kiểm kê phát thải, mô hình hóa chất lượng không khí, tổ chức nhân sự, nguồn lực, thanh tra, kiểm tra.

Ngoài ra, kế hoạch quản lý chất lượng không khí cũng sẽ góp phần đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng; phân tích, nhận định các vấn đề còn tồn tại; xem xét, đánh giá, phân tích chi phí lợi ích của các giải pháp quản lý chất lượng không khí, từ đó xác định giải pháp ưu tiên thực hiện.


Chất lượng không khí ở thành phố Hà Nội có những thời điểm lên đến ngưỡng “màu nâu” – cảnh báo khẩn cấp về sức khỏe. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Gây ô nhiễm phải có trách nhiệm phục hồi

Để đảm bảo việc quản lý chất lượng môi trường không khí, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ban hành tài liệu hướng dẫn kỹ thuật tính toán chỉ số chất lượng không khí (AQI) để đánh giá chất lượng môi trường không khí; hướng dẫn việc lập kế hoạch quản lý chất lượng không khí của các địa phương.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí; chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng không khí và thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về chất lượng môi trường không khí.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức thực hiện các hoạt động phòng ngừa, kiểm tra, giám sát, xử lý các nguồn bụi, khí thải gây ô nhiễm không khí, quản lý chất lượng môi trường không khí trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý…

Về phía địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và tổ chức triển khai kế hoạch quản lý chất lượng không khí trên địa bàn; thường xuyên đánh giá, theo dõi chất lượng môi trường không khí và công khai thông tin; trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm thì phải cảnh báo, xử lý kịp thời.

Trường hợp “tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái chất lượng môi trường không khí phải có trách nhiệm xử lý, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường,” dự thảo nêu rõ./.

Hùng Võ (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/luat-bao-ve-moi-truong-sua-doi-siet-quan-ly-cac-nguon-thai-khi-bui/613971.vnp

IEA & Kịch bản phát triển bền vững

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) khuyến cáo: Tăng cường tiết kiệm năng lượng, giảm phụ thuộc vào dầu mỏ, phát triển năng lượng tái tạo – hệ thống năng lượng toàn cầu phải nhanh chóng và đồng loạt thực hiện những điều đó để hạn chế biến đổi khí hậu.

Fatih Birol, Giám đốc điều hành IEA, khẳng định trong báo cáo thường niên ngày 13-11-2019: “Thế giới cần khẩn trương tập trung vào việc giảm khí thải toàn cầu. Điều này đòi hỏi một sự đoàn kết to lớn từ các chính phủ, giới đầu tư, doanh nghiệp và tất cả những người cam kết giải quyết biến đổi khí hậu”.

Fatih Birol, Giám đốc điều hành IEA.

Năm 2018, nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng đáng kể, kéo theo lượng khí thải CO2 tăng theo, xu hướng này có thể sẽ tiếp tục trong năm 2019.

Như mọi năm, IEA công bố một số kịch bản: Kịch bản thứ nhất ngoại suy về các chính sách năng lượng hiện có. Kịch bản thứ hai tính đến những thay đổi do các mục tiêu chính trị đưa ra trong tương lai, nhưng vẫn chưa đủ. Chỉ có kịch bản thứ ba cho thấy những gì nên được thực hiện để hạn chế lượng khí thải theo các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, nhằm ngăn chặn trái đất nóng lên không quá 2 độ C so với các mức của thời kỳ tiền công nghiệp. “Kịch bản phát triển bền vững này đòi hỏi những thay đổi nhanh chóng và rộng khắp trong toàn bộ hệ thống năng lượng, không có giải pháp đơn lẻ hay đơn giản nào để chuyển đổi các hệ thống năng lượng toàn cầu”, ông Fatih Birol nhấn mạnh.

Giả định rằng nhu cầu năng lượng vào năm 2040 thấp hơn so với hiện nay thông qua các nỗ lực tăng hiệu quả năng lượng. Nhưng việc tăng hiệu quả năng lượng không tiến triển đủ nhanh, IEA đã cảnh báo trong một báo cáo được công bố vào đầu tháng 11-2019. Theo đó, mức tăng của hiệu quả năng lượng chưa bao giờ chậm như năm 2018: Chỉ tăng 1,2%, thấp hơn mức 3% cần thiết.

Theo IEA, để đạt được các mục tiêu khí hậu đòi hỏi giảm sử dụng dầu mỏ và than, trong khi khí đốt phải tăng nhẹ trước khi bắt đầu giảm. Nhu cầu dầu mỏ phải giảm xuống còn 65 triệu thùng/ngày vào năm 2040, so với 97 triệu thùng/ngày vào năm 2018.

Mặt khác, điện phải phát triển và chiếm vị trí quan trọng nhất trong việc tiêu thụ năng lượng cuối cùng, để thay thế cho dầu mỏ vào năm 2040. Công suất điện lắp đặt mới chỉ nên dành cho các dự án năng lượng tái tạo – điện gió và điện mặt trời.

“Đưa hệ thống điện vào một con đường phát triển bền vững sẽ đòi hỏi nhiều hơn là chỉ lắp đặt thêm các nguồn năng lượng tái tạo”, IEA cảnh báo. IEA nhấn mạnh, trong năm 2019, các nguồn phát thải trong hệ thống năng lượng hiện tại, cụ thể là than, gây ô nhiễm cao, cần được tập trung giải quyết. Các nhà máy nhiệt điện than rất nhiều và chủ yếu mới mọc lên ở châu Á, có khả năng tiếp tục phát thải trong một thời gian dài.

Báo cáo công bố ngày 13-11-2019 của IEA tập trung vào vấn đề đó và xác định một số giải pháp. Đầu tiên là trang bị cho các nhà máy nhiệt điện than khả năng thu hồi và hấp thụ carbon. Nhưng công nghệ hiện tại làm được điều này vô cùng đắt đỏ, với 1 tỉ euro/gigawatt (GW). Thứ hai, các nhà máy nhiệt điện than chỉ nên giữ vai trò sản xuất bổ trợ để bảo đảm tính linh hoạt của hệ thống điện. Triệt để hơn là đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than sớm hơn dự kiến.

Trong kịch bản bền vững, hầu hết 2.080 GW công suất điện than hiện tại của thế giới sẽ phải tuân thủ một trong những giải pháp trên, đó là cảnh báo của IEA.

Theo IEA, để đạt được các mục tiêu khí hậu đòi hỏi giảm sử dụng dầu mỏ và than, trong khi khí đốt phải tăng nhẹ trước khi bắt đầu giảm. Nhu cầu dầu mỏ phải giảm xuống còn 65 triệu thùng/ngày vào năm 2040, so với 97 triệu thùng/ngày vào năm 2018.

Theo S.P

https://nangluongquocte.petrotimes.vn/iea-kich-ban-phat-trien-ben-vung-556029.html

Chất lượng không khí xấu đi, người dân nên hạn chế ra khỏi nhà

Trước thực trạng ô nhiễm không khí như hiện nay, Bộ Y tế đưa ra hướng dẫn dự phòng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước tác động của ô nhiễm không khí.

Theo đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông chính thống của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đó, hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt).

Ảnh minh họa

Người dân vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ. Với người hút thuốc lá, nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút thuốc lá. Với người không hút thuốc lá nên tránh xa khói thuốc lá.

Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm. Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.

Đối với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, già yếu cần lưu ý: Thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn. Đồng thời, hạn chế tối đa đi ra ngoài đặc biệt là vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng. Cần tuân thủ và duy trì điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu có dấu hiệu khó chịu, tăng nặng nên khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

Trong thời điểm này nếu mắc các bệnh cấp tính như sốt, viêm mũi họng, phổi phế quản, tim mạch… cần đến khám tại các cơ sở y tế và điều trị kịp thời. Tăng cường dinh dưỡng nâng cao thể trạng và sức đề kháng.

Trước đó, theo thông tin từ Tổng cục Môi trường, trong tuần này (từ ngày 7-13/12), mức độ ô nhiễm không khí có xu hướng tăng hơn so với tuần trước (từ ngày 30/11-6/12). Đặc biệt là trong các ngày từ 10 – 13/12 chỉ số chất lượng không khí (AQI) ngày tại Hà Nội đã chạm ngưỡng rất xấu (giá trị từ 201-300). Giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 tại các thành phố từ đầu tháng 12 tới nay nhìn chung có xu hướng tăng.

Trong các ngày từ 7/12 đến 12/12, tại Hà Nội, Việt Trì, Phú Thọ, Tp Hồ Chí Minh đã ghi nhận giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 vượt quá giới hạn cho phép. Riêng tại Hà Nội, có trạm đo được giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 vượt quá giới hạn cho phép gần 2-3 lần. Số liệu quan trắc tại các trạm ở Khánh Hòa và Đà Nẵng cũng có xu hướng tăng nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Kết quả tính toán AQI ngày cho thấy, tại Hà Nội, chất lượng không khí ở mức xấu trong các ngày từ 9-12/12, tại Việt Trì và Huế, chất lượng không khí đã chạm ngưỡng xấu trong ngày 12/12, còn tại Hạ Long, TP.Hồ Chí Minh, chất lượng không khí cũng ở mức kém.

Theo Tổng cục Môi trường, tại Hà Nội, từ ngày 7/12 đến 12/12, giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 liên tục vượt quá giới hạn cho phép tại tất cả các trạm. Số liệu đo tại một số trạm đặt tại Minh Khai, Đại sứ quán Pháp cho thấy giá trị vượt quá giới hạn cho phép trên 3 lần trong các ngày từ 11/12 đến 12/12. Kết quả tính toán AQI ngày tại các trạm cho thấy, từ ngày 8/12 đến 12/12, chất lượng không khí liên tục ở mức xấu. Trong ngày 11/12 và 12/12, kết quả quan trắc tại một số trạm cho thấy AQI đã chạm ngưỡng rất xấu (AQI >200).

Kết quả tính toán AQI giờ (thông báo chất lượng không khí tức thời) cho thấy tại trạm đặt tại Đại sứ quán Mỹ, giá trị AQI đã lớn hơn 300 (mức nguy hại) vào thời điểm từ 3-6 giờ sáng ngày 10/12 và 13/12. Đối với hầu hết các trạm khác, giá trị AQI đo được ở mức rất xấu (từ 201-300) trong khoảng thời gian từ 22 giờ đêm hôm trước đến 8 giờ sáng ngày hôm sau. Sau 12 giờ trưa, AQI có giảm nhưng vẫn nằm ở mức kém. Trong các ngày từ 10/12 đến 13/12, AQI giờ ở mức rất xấu (từ 201-300), chiếm đến 32,5% số giờ trong ngày.

“Diễn biến hàm lượng PM2.5 trong ngày cho thấy, hàm lượng PM2.5 thường cao hơn vào buổi đêm và sáng sớm. Vì vậy nên hạn chế các hoạt động ngoài trời trong các khoảng thời gian này”, Tổng cục cho hay.

Bảo Lâm
http://vietq.vn/chat-luong-khong-khi-xau-di-nguoi-dan-nen-han-che-ra-khoi-nha-d167084.html

Đã tìm ra cách giảm tổn thất điện năng trên đường dây cao thế

Các nhà nghiên cứu đã tìm ra một cách hoàn toàn mới để giảm tổn thất điện năng khi chúng truyền đi trên đường dây cao thế. Kết quả này sẽ có thể giúp việc sử dụng dây cáp tải điện hiện hữu trong 20 hoặc 40 năm mà không cần thay thế.

Các chuyên gia của Đại học Nghiên cứu Hạt nhân Quốc gia Pháp (MEPhI) cùng với các đồng nghiệp người Kazakhstan và Mỹ đã tạo ra một cách mới để giảm tổn thất điện trên các đường dây cao thế: đó là bọc cáp điện bằng vật liệu nano-composit chứa các hạt nano carbon. Kết quả nghiên cứu của họ đã được công bố trên Tạp chí Journal of Physics D: Applied Physics.

Theo các chuyên gia, tổn thất năng lượng chính trên các đường dây cao thế ngày nay có liên quan đến hiệu ứng corona, sự tự phóng điện của các điện cực có độ cong đáng kể trong không khí, chủ yếu là trong thời tiết ẩm ướt. Theo ước tính, những thiệt hại trên lên tới 3 tỷ đô la mỗi năm. Vấn đề này đã được biết đến từ khi phát minh ra đường dây cao thế, nhưng vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn.

“Chúng tôi đã có thể giảm tổn thất do hiệu ứng corona gây ra từ 20 đến 40%, bằng cách phủ lên cáp dẫn diện nhôm một lớp vật liệu bao gồm các hạt nano carbon”, Zinetoula Insepov, giáo sư tại Đại học MEPhI và đồng tác giả của nghiên cứu giải thích.

Theo các tác giả, công trình nghiên cứu của họ sẽ tạo ra một hiệu quả kinh tế đáng kể trong việc sử dụng các đường dây cao thế hiện có trong 20 hoặc 40 năm mà không cần thay thế cáp. Công nghệ phủ lớp chống phóng điện còn có thể được sử dụng trong nhiều lĩnh vực cơ điện, vốn rất cần giảm tổn thất corona.

Các nhà khoa học có kế hoạch mở rộng phạm vi nghiên cứu và làm việc với các công ty sản xuất cáp điện cao thế.

Theo Nh.Thạch

https://nangluongquocte.petrotimes.vn/da-tim-ra-cach-giam-ton-that-dien-nang-tren-duong-day-cao-the-557625.html