Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam

Sáng kiến khu công nghiệp sinh thái (KCNST) phù hợp với kế hoạch chiến lược chung của Liên hợp quốc tại Việt Nam trong giai đoạn 2017 – 2021, đặc biệt ưu tiên 2 lĩnh vực trọng tâm là đảm bảo khả năng chống chịu với khí hậu và bền vững về môi trường.

Nhằm thúc đẩy quá trình chuyển giao, triển khai, nhân rộng các công nghệ, giải pháp sạch để giảm thiểu rác thải độc hại, phát thải khí nhà kính cũng như các chất gây ô nhiễm nguồn nước và quản lý tốt hóa chất tại các KCN, từ năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện Dự án “Triển khai sáng kiến KCNST hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam”. Dự án được thí điểm tại các KCN Khánh Phú và Gián Khẩu (Ninh Bình), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng) và KCN Trà Nóc 1 & 2 (Cần Thơ).

Khu công nghiệp sinh thái sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của các khu công nghiệp.

Sau 5 năm thực hiện, Dự án đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các khái niệm, đặc điểm, lợi ích… của mô hình KCNST đã được phổ biến đến các bộ, ngành liên quan, địa phương, KCN thí điểm, doanh nghiệp tham gia Dự án.

Thông qua hỗ trợ kỹ thuật của Dự án, mô hình KCNST lần đầu tiên được thể chế hóa tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý KCN và khu kinh tế, đặt nền móng pháp lý cho việc chuyển đổi các KCN thông thường sang KCNST, thực hiện các hoạt động liên quan và nhân rộng mô hình này trong thời gian tới. Việc triển khai mô hình KCNST đã góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, 72 doanh nghiệp tại 4 KCN thí điểm tham gia trực tiếp vào các hoạt động của Dự án và hưởng lợi từ các kết quả hết sức cụ thể, góp phần nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường của các doanh nghiệp. Dự án đã tư vấn hơn 900 giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch cho các doanh nghiệp.

Thông qua việc thực hiện các giải pháp này, các doanh nghiệp đã tiết kiệm tổng thể được hơn 76 tỉ đồng/năm, tương đương hơn 3 triệu USD/năm do cắt giảm lượng tiêu thụ tài nguyên và vật liệu. Cụ thể là giảm tiêu thụ hơn 22.000 Mwh điện, giảm 600.000 m3 nước sạch, giảm hơn 140TJ (Têrerun) nhiên liệu hóa thạch và giảm gần 3.600 tấn hóa chất và chất thải. Về mặt môi trường, các cắt giảm này giúp giảm được 32kt (ki-lô-tấn) khí CO2 hàng năm.

Thông qua các hoạt động tăng cường năng lực và chuyển giao công nghệ của dự án, các doanh nghiệp trong KCN đã được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ thuật để thực hiện cải tiến quy trình sản xuất. Cùng với đó, các doanh nghiệp đã đóng góp vào Dự án hơn 207 tỷ đồng, đầu tư thực hiện các giải pháp. Qua đó cho thấy, việc triển khai thực hiện các sáng kiến KCNST có thể huy động được nguồn lực to lớn từ khu vực kinh tế tư nhân nếu được triển khai đúng.

Tiếp nối các kết quả tích cực của giai đoạn 1 và mở rộng các hoạt động trên quy mô lớn hơn khi cơ sở pháp lý về KCNST đã được xác lập, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất xây dựng, thực hiện Dự án giai đoạn 2, thời gian thực hiện tối thiểu 3 năm, gồm 6 hợp phần về tăng cường chính sách và hướng dẫn về KCNST, tăng cường năng lực, thể chế, nghiên cứu khả thi việc xây dựng công cụ quản lý KCNST, thúc đẩy tiếp cận tài chính đầu tư cho KCNST, thực hiện KCNST, quản lý Dự án và chia sẻ kiến thức.

Phạm Đình

http://tapchimoitruong.vn/pages/article.aspx?item=Tri%E1%BB%83n-khai-s%C3%A1ng-ki%E1%BA%BFn-khu-c%C3%B4ng-nghi%E1%BB%87p-sinh-th%C3%A1i-h%C6%B0%E1%BB%9Bng-t%E1%BB%9Bi-m%C3%B4-h%C3%ACnh-khu-c%C3%B4ng-nghi%E1%BB%87p-b%E1%BB%81n-v%E1%BB%AFng-t%E1%BA%A1i-Vi%E1%BB%87t-Nam-50937

Thư điện tử là nguyên nhân hủy hoại môi trường hàng đầu

Có một điều mà nhiều không hề hay biết là các email vô nghĩa mỗi người nhận được hàng ngày không chỉ nhàm chán mà thậm chí còn đang hủy hoại môi trường.

Theo một nghiên cứu mới về thói quen, việc gửi email có lượng khí thải carbon cao đến mức chỉ cần cắt một email mỗi ngày, chẳng hạn như email rác, có thể có tác dụng tương tự như loại bỏ hàng ngàn xe hơi khỏi đường phố nước Anh.

Nghiên cứu được ủy quyền bởi OVO Energy, công ty cung cấp năng lượng hàng đầu của Anh, đã sử dụng Vương quốc Anh như một trường hợp nghiên cứu và phát hiện ra rằng bớt một email nội dụng “cảm ơn” sẽ cắt giảm 16.433 tấn carbon do các máy chủ năng lượng cao sử dụng để gửi tin nhắn trực tuyến. Nghiên cứu cho biết, năng lượng này tương đương với 81.152 chuyến bay đến Madrid hoặc đưa 3.334 xe diesel ra đường.

Theo nghiên cứu, hơn 64 triệu email không cần thiết của Google được gửi hàng ngày ở Anh, đóng góp tới 23.475 tấn carbon mỗi năm cho hậu quả của nó.

Theo nghiên cứu, những email hàng đầu có nội dung không cần thiết nhất của người dùng bao gồm: “Cảm ơn bạn”, “Cảm ơn”, “Cuối tuần vui vẻ”, “Buổi tối vui vẻ”, “Chúc mừng”, “Bạn cũng vậy”.

OVO Energy hiện đang kêu gọi những người am hiểu về công nghệ nên nghĩ kỹ trước khi phản hồi một lời cảm ơn để tiết kiệm hơn 16.433 tấn carbon mỗi năm.

Nghiên cứu đã tiết lộ rằng 71% người Anh sẽ không nhận lời cảm ơn qua email, nếu họ biết rằng đó là vì lợi ích của môi trường và giúp chống lại khủng hoảng khí hậu. Ngoài ra có tổng cộng 87% người dân của Vương quốc Anh sẽ rất vui khi giảm lưu lượng email của họ để giúp hỗ trợ cho cùng một nguyên nhân.

Một trong những nhà nghiên cứu – Mike Berners-Lee, giáo sư tại Đại học Lancaster ở Lancashire, Anh, cho biết trong một tuyên bố: “Một email gây ra lượng carbon không lớn, nhưng đó là minh họa tuyệt vời cho nguyên tắc rộng lớn hơn là cắt giảm chất thải ra khỏi cuộc sống của chúng ta là tốt cho sức khỏe và môi trường.

Mỗi khi thực hiện bước nhỏ để thay đổi hành vi của mình, như gửi ít email hơn hoặc mang theo một chiếc cốc có thể tái sử dụng, mỗi người cần coi nó như một lời nhắc nhở với chính mình và những người khác rằng chúng ta nên quan tâm nhiều hơn đến các quyết định có thể tạo ra lượng carbon thực sự lớn”.

Hương Giang (Theo: nypost)
http://vietq.vn/thu-dien-tu-la-mot-nguyen-nhan-huy-hoai-moi-truong-hang-dau-d166425.html

Thấy gì trong chính sách điện gió, mặt trời thay thế thủy điện ở Campuchia?

Trong khi Lào muốn trở thành trung tâm năng lượng ở Đông Nam Á với việc đẩy mạnh xây dựng đập thủy điện, thì Campuchia lại chú trọng phát triển năng lượng tái tạo (gió, mặt trời). Theo đó, quốc gia này chủ trương không xây dựng thêm nhà máy thủy điện dọc sông Mê Kông.

Nhu cầu điện tại Campuchia đang tăng mạnh đến mức “không thể đáp ứng nổi”. Năm 2019, lượng điện tiêu thụ quốc gia này đạt mức cao nhất trong lịch sử (tăng 32% so với mức tăng 16% của năm ngoái).

Tổng giám đốc Công ty Điện lực Campuchia (EDC) Keo Rattanak cho biết: Campuchia sẽ tăng đầu tư cho điện mặt trời thêm 12% vào cuối năm 2020 và tăng 20% tổng đầu tư cho ngành này trong ba năm tới.

Đa dạng hóa nguồn năng lượng

Trong mấy năm trở lại đây, đầu tư cho năng lượng mặt trời liên tục tăng tại Campuchia nhờ đầu tư nước ngoài và các ngân hàng quốc tế cho vay phát triển các trang trại điện mặt trời.

Giữa năm nay, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã thông qua khoản cho vay 7,64 triệu USD để hỗ trợ xây dựng công viên điện mặt trời có công suất 100 MW tại Campuchia.

ADB tin tưởng rằng, động thái trên sẽ giúp Campuchia phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đa dạng hóa nguồn năng lượng, cũng như cải thiện tính cạnh tranh của nền kinh tế.

Dự án Công viên Mặt trời Quốc gia sẽ nhận 11 triệu USD vốn vay và 3 triệu USD tài trợ từ Quỹ chiến lược khí hậu, đặc biệt thông qua Chương trình thúc đẩy năng lượng tái tạo.

Nguồn năng lượng tái tạo dồi dào

Trong báo cáo mới công bố, chuyên gia về biến đổi khí hậu hàng đầu của ADB Pradeep Tharakan cho biết: Phát triển nguồn năng lượng bền vững, giá thành đầu tư vừa phải và dồi dào như năng lượng mặt trời là vấn đề sống còn đối với tăng trưởng kinh tế của Campuchia.

Tuy vậy, sản lượng điện mặt trời mới chỉ đạt 10 MW, so với mức công suất 1.330 MW từ thủy điện, chiếm 62% nguồn cung điện tại Campuchia.

Quy định mới về điện mặt trời được EDC công bố đầu năm nay là đòn bẩy tích cực đối với phát triển điện mặt trời trong tương lai. Trong khi thủy điện sẽ gặp khó bởi lượng nước tại các đập xuống thấp vì hạn hán kéo dài.

Công ty Năng lượng Tái tạo Cleantech Solar, có trụ sở tại Singapore, hồi đầu năm nay đã thử nghiệm dự án năng lượng mặt trời tại Campuchia với công suất 9,8 MW, trong đó các tấm pin nổi trên mặt nước có công suất 2,8 MW sẽ sớm cấp điện cho Nhà máy ximăng Chip Mong Insee Cement Corp (CMIC) của Campuchia.

Theo CMIC, dự án năng lượng mặt trời nổi này có thể giảm chi phí vận hành đồng thời giảm tình trạng bay hơi nước.

Năng lượng từ gió cũng là giải pháp được Campuchia tính đến. Tuy nhiên, điện gió ở đây mới chỉ trong giai đoạn khởi đầu và chỉ có một công ty tham gia – đó là Blue Circle Pte Ltd có trụ sở tại Singapore.

Tháng 11/2019, Blue Circle đã bàn thảo với Chính phủ Campuchia về kế hoạch xây dựng một trang trại điện gió tại tỉnh Kampot, miền Nam nước này.

Blue Circle gần đây cũng đã hoàn thành nghiên cứu khả thi dự án điện gió ở tỉnh Mondulkiri, phía Đông Campuchia.

Với kế hoạch lắp đặt ít nhất 10 tua bin gió trên núi Bokor thuộc tỉnh Kampot, dự án này dự kiến đạt công suất 80 MW.

Trả lời tờ Capital Cambodia, Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (thuộc Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchia) Victor Jona cho biết: Trong cuộc gặp giữa Bộ này và The Blue Circle ngày 19/11 vừa qua, dự án của The Blue Circle tại Kampot đã được thông qua.

Hiện Công ty này đang xác định ngày đàm phán với EDC về giá bán điện. Dự án khi đi vào khai thác sẽ cung cấp điện cho khoảng 180.000 hộ gia đình ở Kampot.

The Blue Circle tính toán rằng, họ có thể phát triển điện gió tại Campuchia với công suất hơn 250 MW trong thời gian ngắn nhất có thể trước khi hướng tới mục tiêu tăng thêm 500 MW trong những năm tới.

Tại Việt Nam, dự án điện gió của The Blue Circle – Nhà máy điện gió Đầm Nại tại thôn Láng Me, xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận phải mất ba năm – từ lúc lên khung tới hoàn tất xây dựng.

Thủy điện bộc lộ nhiều điểm yếu?

Một trong những thiệt hại lớn nhất do các dự án thủy điện dọc sông Mê kông gây ra là tác động tới hệ sinh thái, môi trường, kéo theo đó là ảnh hưởng tới sinh kế của người dân và nền văn hóa dọc con sông này.

Theo The Isaan Record, một tổ chức truyền thông ở Đông Bắc Thái Lan, người dân sống dọc sông Mê Kông phụ thuộc vào nghề đánh bắt để mưu sinh và đây là một phần văn hóa của họ từ thời xa xưa.

Nguồn cá dồi dào ở lưu vực sông Mê Kông từng là nguồn thức ăn, đồng thời mang lại thu nhập tốt cho người Lào và người Thái Lan sống hai bên bờ con sông này.

Tuy nhiên, với việc xây dựng các đập thủy điện và tình hình hạn hán kéo dài hiện nay, người dân sống bằng nghề đánh bắt cá tại đây lâm vào cảnh khó khăn.

Ủy ban Sông Mê Kông (MRC) cho biết, giao thông đường thủy trên sông này đang bị ảnh hưởng do mực nước thấp, khiến nhiều tàu bè phải thay đổi lộ trình.

MRC tiếp tục kêu gọi các nước có dự án đập thủy điện trên sông Mê Kông tính toán lại quy hoạch và dự án thủy điện.

Trong bối cảnh thủy điện bộc lộ nhiều yếu điểm như vậy, các chuyên gia nhận định, việc Campuchia chuyển hướng sang đa dạng hóa nguồn điện từ năng lượng tái sinh và không xây thêm đập thủy điện dọc sông Mê Kông là bước đi vô cùng hợp lý, giúp bảo vệ môi trường sinh thái và gìn giữ nền văn hóa gắn liền với dòng sông này của người dân.

Nguồn: TTXVN
http://nangluongvietnam.vn/news/vn/nhan-dinh-phan-bien-kien-nghi/thay-gi-trong-chinh-sach-dien-gio-mat-troi-thay-the-thuy-dien-o-campuchia.html

Tưởng giúp bảo vệ môi trường, xe điện lại có thể gây ra khủng hoảng ô nhiễm

Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng nếu không nhanh chóng tái chế pin xe điện đúng cách thì chúng sẽ làm rò rỉ các hóa chất nguy hiểm vào môi trường.

Các nhà khoa học cảnh báo rằng pin xe điện bị loại bỏ đang tạo ra một núi rác thải khổng lồ có thể gây ra cuộc khủng hoảng ô nhiễm.

Xe điện được ca ngợi là một trong những công nghệ chính trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nhưng một nghiên cứu mới tuyên bố rằng công nghệ tái chế đang vật lộn để theo kịp.

Điều này dẫn đến hàng ngàn tấn chất thải của pin chưa được xử lý tích tụ lại và có khả năng làm rò rỉ các hóa chất nguy hiểm vào môi trường.

Trong báo cáo, các nhà khoa học từ Đại học Birmingham kêu gọi các chính phủ và ngành công nghiệp phải “hành động ngay để phát triển một kế hoạch tái chế mạnh mẽ, có thể đáp ứng nhu cầu trong tương lai”.


Các nhà nghiên cứu cho biết hiện tại không có giải pháp nào để xử lý việc tái chế đúng cách những pin xe điện đã hết. (Ảnh minh họa)

Tiến sĩ Gavin Harper, tác giả nghiên cứu cho biết, nếu không có sự phát triển công nghệ tái chế lớn, hàng triệu chiếc xe điện được bán trong năm 2017 sẽ tạo ra 250.000 tấn chất thải pin chưa được xử lý trong suốt tuổi đời của chúng.

Ông nói thêm rằng, việc tái chế không hề đơn giản vì có sự đa dạng to lớn về hóa học, hình dạng và thiết kế của pin lithium-ion được sử dụng bởi xe điện. Để tái chế các pin này một cách hiệu quả, chúng phải được tháo rời và các dòng chất thải được phân tách thành các bộ phận cấu thành của chúng.

Cũng như lithium, pin cũng chứa một số kim loại có giá trị khác như coban, niken và mangan có thể được tái sử dụng, Tiến sĩ Harper cho biết.

Phân tích của Viện Faraday – viện nghiên cứu lưu trữ năng lượng điện hóa của Vương quốc Anh cho biết, nhu cầu về bộ pin xe điện có thể là cơ hội cho Vương quốc Anh.

Họ phát hiện ra rằng Vương quốc Anh có thể cần phải xây dựng 8 nhà máy Gigafactory (nơi sản xuất pin và động cơ xe điện) vào năm 2040 để phục vụ nhu cầu về pin xe điện.

Gigafactory là từ đầu tiên được sử dụng bởi chủ sở hữu Tesla Elon Musk để mô tả nhà máy khổng lồ sản xuất một lượng pin đáng kể được đo bằng giờ giga-watt.

Tiến sĩ Harper nói rằng Vương quốc Anh sẽ cần phát triển các nguồn cung cấp cho những vật liệu quan trọng cần thiết cho các loại pin này và vật liệu tái chế có thể đóng vai trò quan trọng.

Giáo sư Andrew Abbott, Đại học Leicester, cho biết: “Điện khí hóa chỉ 2% của đội xe ô tô toàn cầu hiện tại sẽ đại diện cho một dòng xe có thể trải dài quanh chu vi Trái đất – khoảng 140 triệu xe”.

Giáo sư Abbott cho biết việc tái chế pin sẽ tránh đặt gánh nặng lớn lên các bãi rác và giúp đảm bảo việc cung cấp nguyên liệu quan trọng cần thiết cho sản xuất pin trong tương lai.

Các nhà nghiên cứu đề nghị phát triển các phương pháp sửa chữa và tái chế nhanh chóng, đặc biệt là việc lưu trữ pin điện quy mô lớn có khả năng không an toàn.


Đến năm 2040, các nhà nghiên cứu nói rằng Vương quốc Anh có thể có 8 nhà máy Gigafactory, tương tự như nhà máy Tesla được thấy ở đây, để sản xuất và tái chế pin xe điện.

Giáo sư Paul Christensen, thuộc Đại học Newcastle đang hợp tác với dịch vụ Cứu hỏa và Cứu hộ của Anh để phát triển các cách đối phó với các vụ cháy pin lithium-ion. Giám đốc Christensen nói: “Những pin này chứa lượng điện năng lớn và hiện tại chúng tôi vẫn chưa chuẩn bị kịch bản khi chúng đã hết.

Một trong những lĩnh vực nghiên cứu cho dự án này là xem xét tự động hóa và làm thế nào để có thể tháo dỡ pin một cách an toàn, hiệu quả và thu hồi các vật liệu có giá trị như lithium và coban.

Nhưng cũng có một vấn đề an toàn công cộng cần giải quyết khi pin EV đời thứ hai trở nên phổ biến rộng rãi hơn. Những gì chúng ta cần là một cái nhìn khẩn cấp về toàn bộ vòng đời của pin – từ việc đào các vật liệu lên khỏi mặt đất cho đến xử lý chúng một lần nữa ở khâu cuối cùng”.

Hương Giang (Theo dailymail)

http://vietq.vn/tuong-nhu-giup-bao-ve-moi-truong-nhung-xe-dien-lai-co-the-gay-ra-mot-cuoc-khung-hoang-o-nhiem-d165669.html

Sản xuất thịt từ khí CO2

Dựa trên ý tưởng có từ hơn nửa thế kỷ trước của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), Air Protein – một công ty khởi nghiệp ở Vịnh San Francisco (Mỹ) đã thành công trong việc tái sử dụng khí CO2 do các phi hành gia thải ra trong không gian kín của tàu con thoi để chế biến lại thành thực phẩm phục vụ lại cho chính những phi hành gia này.

Giải pháp làm ra thịt từ không khí không chỉ giúp bảo vệ Trái đất mà còn tốt cho sức khỏe.

Để tạo ra loại thịt từ không khí, Air Protein đã dựa vào vi khuẩn hydrogenotrophic, loại vi khuẩn có thể tổng hợp ra tế bào sợi từ khí CO2. Quá trình chuyển hóa này gần giống quá trình lên men làm sữa chua hoặc ủ men bia.

Bột protein nâu thu được từ quá trình lên men theo công thức bí mật của Air Protein (Ảnh: AIR PROTEIN)

Quy trình “làm ra thịt từ không khí” của Air Protein như sau: Đưa hỗn hợp khí CO2 cùng với nước và nhiều khoáng chất vào trong các bình ủ men có vi khuẩn để tạo ra một sản phẩm là loại bột màu nâu nhạt chứa đến 80% protein, nhưng không có mùi vị. Sau đó, từ nguyên liệu protein này, nhà sản xuất pha chế với một số thành phần khác để tạo ra nhiều loại thực phẩm khác nhau, như làm ra thịt heo, thịt gà tây, bánh protein, nhân thịt cho bánh hamburger…

Air Protein khẳng định, phát minh của họ sẽ tạo ra cuộc cách mạng trong phương thức sản xuất thực phẩm tương lai, bởi sản xuất trong bình chứa nên không lệ thuộc vào điều kiện đất đai, nguồn nước và điều kiện thời tiết như cách con người đang nuôi trồng hiện nay. Điều đó sẽ không gây hại mà còn góp phần BVMT. Xét về mặt dinh dưỡng, “thịt từ không khí” này được tạo thành với 9 axit amin chính như của thịt thật, vì thế nó đầy đủ chất hơn loại thịt chay làm từ đậu nành hay đậu Hà Lan hạt (petit pois). Chưa kể loại thịt của Air Protein còn chứa nhiều vitamin như B12, hơn hẳn các loại thịt chay hiện có vốn gây thiếu chất cho những người chọn chế độ ăn chay.

Công ty dự kiến sẽ đưa loại thịt này tham gia thị trường vào năm 2020.

Theo Phương Tâm

http://tapchimoitruong.vn/pages/article.aspx?item=S%E1%BA%A3n-xu%E1%BA%A5t-th%E1%BB%8Bt-t%E1%BB%AB-kh%C3%AD-CO2-50996

Australia tái sử dụng rác thải thủy tinh để xây đường

Các thử nghiệm ban đầu cho kết quả rất khả quan, song chưa rõ loại vật liệu này có thể chống đỡ được các trận mưa lớn mùa Hè hay cái nắng nhiệt đới chói chang tại vùng này hay không.

Thành phố Cairn, miền Bắc Australia đã tìm ra một cách mới độc đáo xử lý rác thải thủy tinh bằng cách nghiền thành bột dùng trong xây dựng đường và vỉa hè.

Với công suất nghiền khoảng 10 tấn thủy tinh mỗi ngày, Hội đồng Vùng Cairn đã bắt đầu biến rác thải thủy tinh thành một loại bột cực mịn thay thế cát trong xây dựng.

Quan chức phụ trách về giáo dục rác thải thuộc Hội đồng Vùng Cairn, Scott Paterson cho biết khoảng 200 tấn bột thủy tinh hiện đang được sử dụng xây vỉa hè dài 110m dành cho người đi bộ bên ngoài một trường học ở địa phương.

Các thử nghiệm ban đầu cho kết quả rất khả quan, song chưa rõ loại vật liệu này có thể chống đỡ được các trận mưa lớn mùa Hè hay cái nắng nhiệt đới chói chang tại vùng này hay không.

Ông Paterson cho biết nhà chức trách đang theo dõi có xuất hiện vết nứt trên đường xây bằng bột thủy tinh hay không, song vào thời điểm hiện nay, kết cấu này rất vững chắc.

Trước đó, vào tháng Chín vừa qua, Hội đồng Cairn và Công ty vận tải Pioneer North Queensland đã chế ra 120 tấn nhựa đường bằng bột thủy tinh để xây đường mới ở khu vực Portsmith.

Ông Paterson khẳng định không có gì phải lo ngại về an toàn của loại vật liệu này đối với chân người đi bộ trên đường hoặc lốp ôtô vì thủy tinh đã được nghiền thành bột nhỏ li ti, kích thước không quá 3mm và hòa lẫn vào bê tông.

Nếu thử nghiệm thành công, ông Paterson hy vọng dự án này có thể được nhân rộng trong toàn thành phố, giúp giảm chi phí vật liệu mới cũng như lượng rác thải thủy tinh.

Ông Paterson kêu gọi người dân tiếp tục tìm các biện pháp tận dụng rác thải vừa mang lại lợi ích kinh tế vừa giúp giảm lượng rác thải gây ô nhiễm.

Minh Châu (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/australia-tai-su-dung-rac-thai-thuy-tinh-de-xay-duong/609369.vnp