Mối nguy hiểm từ ô nhiễm không khí

Theo một đánh giá toàn cầu được công bố trên Tạp chí Chest mới đây, ô nhiễm không khí có thể gây tổn hại cho mọi cơ quan và hầu như mọi tế bào trong cơ thể con người.

Nghiên cứu cho thấy, tác hại từ đầu đến chân, từ bệnh tim, phổi đến bệnh tiểu đường và chứng mất trí, từ các vấn đề về gan, ung thư bàng quang đến xương giòn và da bị tổn thương. Đánh giá phát hiện không khí độc hại cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, thai nhi và trẻ em.

Thiệt hại toàn thân là kết quả của các chất ô nhiễm gây viêm sau đó tràn qua cơ thể và các hạt siêu mịn xâm nhập vào khắp cơ thể theo dòng máu.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí là vấn đề khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, với hơn 90% dân số toàn cầu hứng chịu không khí độc hại ngoài trời. Phân tích mới chỉ ra rằng 8,8 triệu người chết sớm mỗi năm – gấp đôi ước tính trước đó, làm cho ô nhiễm không khí trở thành “thủ phạm” giết người lớn hơn cả hút thuốc lá.

Ô nhiễm không khí có thể gây tổn hại cho mọi cơ quan và hầu như mọi tế bào trong cơ thể con người

Nhưng tác động của các chất gây ô nhiễm khác nhau đối với nhiều căn bệnh vẫn đang được tìm kiếm.

“Ô nhiễm không khí có thể gây hại nghiêm trọng, cũng như mãn tính, ảnh hưởng đến mọi cơ quan trong cơ thể”, các nhà khoa học đến từ Diễn đàn của Hiệp hội Hô hấp quốc tế kết luận.

Theo các nhà khoa học, các hạt Ultrafine có thể đi qua phổi, các tế bào sẽ dễ dàng nhặt chúng và mang qua dòng máu để xâm nhập hầu hết các tế bào trong cơ thể.

Giáo sư Dean Schraufnagel tại Đại học Illinois ở Chicago – người dẫn đầu các đánh giá cho biết: “Tôi không thấy ngạc nhiên khi hầu hết mọi cơ quan đều bị ảnh hưởng…”

“Đây là đánh giá lớn về sức khỏe mang tính khoa học. Có hơn 70.000 bài báo khoa học chứng minh rằng ô nhiễm không khí đang ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta” – Tiến sĩ Maria Neira, Giám đốc của Ban Các yếu tố xã hội và môi trường ảnh hưởng tới Sức khỏe cộng đồng của WHO cho biết.

Tiến sĩ Maria Neira dự đoán ​​sẽ còn tác động nhiều hơn nữa đến ô nhiễm không khí trong các nghiên cứu trong tương lai.

Theo An Vi/tapchimoitruong.vn

WWF: Năng lượng tái tạo có thể thay thế đập thủy điện

Trong bối cảnh hàng nghìn đập thủy điện đang được quy hoạch trên toàn cầu, trong đó có cả khu vực Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng, một báo cáo mới đây của WWF và Ủy ban Bảo vệ thiên nhiên khẳng định năng lượng tái tạo có thể giải quyết thách thức toàn cầu về năng lượng và khí hậu mà không cần phải hy sinh những dòng sông chảy tự nhiên cũng như những lợi ích đa dạng mà chúng mang lại cho con người và thiên nhiên.

Năng lượng tái tạo có thể làm giảm áp lực lên các dòng sông. Ảnh: WWF.

Phát hành ngày 13-5, trước ngày khai mạc Hội nghị Thủy điện Thế giới tại Paris, báo cáo: Kết nối và Dòng chảy: Một tương lai tái tạo cho các dòng sông, khí hậu và con người mô tả chi tiết những thay đổi đang xảy ra và làm thế nào chúng ta có thể nắm bắt cơ hội này để đạt được một hệ thống năng lượng bền vững.

Đập thủy điện trên sông Mê Công sẽ nhấn chìm một nửa đồng bằng

Nhờ chi phí sản xuất năng lượng mặt trời và gió giảm, công nghệ dự trữ điện phát triển, quản lý lưới điện được cải tiến và năng lượng được sử dụng hiệu quả hơn – giờ đây chúng ta có thể sản xuất điện đủ để cung cấp cho hàng tỷ người, những người mà trước đó không thể tiếp cận với lưới điện, đồng thời giảm thiểu phát thải khí nhà kính và bảo tồn hàng chục cho tới hàng trăm nghìn km những dòng chảy tự nhiên.

Đập thủy điện là một nguồn cung cấp điện chính cho các nước trong khu vực sông Mê Công nhưng các nghiên cứu cho thấy việc tiếp tục xây dựng các đập thủy điện hiện nay sẽ khiến cho gần một nửa lượng cá di cư bị mất đi và hơn nửa đồng bằng sẽ bị chìm dưới nước vào cuối thể kỷ này.

Ông Marc Goichot, Quản lý Chương trình Nước của WWF-Greater Mê Công cho biết: “Dòng Mê Công, Irrawaddy và Salween có vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực, sinh kế và là nhà của hàng triệu người dân và những loài quý hiếm và đặc hữu như cá tra khổng lồ và cá heo Irrawaddy. Nếu như đầu tư vào năng lượng mặt trời và gió ngay bây giờ, chúng ta có thể cung cấp năng lượng cho khu vực với giá thấp và tạo thêm thu nhập cho hàng triệu người dân. Bằng cách đó, chúng ta sẽ tránh được những tác động phụ nguy hiểm của các dự án đập lớn như Sambor hoặc Stung Treng.”

Ông Jeff Opperman, chuyên gia Tài nguyên nước của WWF và là trưởng nhóm nghiên cứu phát biểu “Chúng ta không phải hình dung về một tương lai trong đó mọi người đều có thể sử dụng điện sạch với giá thành phải chăng và có khả năng đáp ứng về kinh tế cho nhiều nguồn năng lượng tái tạo khác nhau. Giờ đây, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng một tương lai như vậy. Bằng cách thúc đẩy cách mạng năng lượng tái tạo, chúng ta có thể bảo đảm một tương lai tươi sáng hơn cho con người và thiên nhiên với hệ thống năng lượng phát thải các-bon thấp, chi phí sản xuất thấp và ít gây ra tác động.”

Chỉ còn 37% sông trên thế giới duy trì dòng chảy tự nhiên

Ngày càng hiếm những dòng chảy tự nhiên tuyệt đẹp thế này. Ảnh; WWF.

Theo số liệu của WWF, chi phí để sản xuất ra điện gió và mặt trời hiện nay khoảng 0.05 USD/kWh, giá cạnh tranh so với chi phí cận đáy của nhiên liệu hóa thạch và chi phí trung bình của thủy điện. Các nguồn năng lượng tái tạo, chủ yếu là năng lượng mặt trời và gió có thể cung cấp 2/3 khả năng sản xuất điện năng toàn cầu mới trong năm 2018.

Với sự đóng góp của nhiều học giả, báo cáo cho thấy việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo có thể ngăn chặn sự phân mảnh cho gần 165.000km chiều dài của các con sông, đồng thời đóng góp vào mục tiêu hạn chế nhiệt độ trên trái đất tăng vượt mức 1.5⁰ C. Cùng với việc góp phần chống biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp làm chậm lại quá trình suy giảmnghiêm trọng quần thể các loài nước ngọt vốn đã giảm 83% kể từ năm 1970.

Ông Mark Lambrides, Giám đốc chương trình Năng lượng và cơ sở hạ tầng của Ủy ban Bảo vệ thiên nhiên nói: “Tuần trước, trong bản đánh giá toàn cầu của Hội đồng Liên chính phủ về Đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái, một khuyến nghị quan trọng đã được đưa ra nhằm bảo vệ và phục hồi sự kết nối của các dòng sông. Đây là lần đầu tiên một báo cáo cho thấy cuộc cách mạng năng lượng tái tạo mang đến cơ hội quy hoạch các nguồn năng lượng tái tạo vào trong các hệ thống điện. Điều này sẽ giúp chúng ta tránh phải chia cắt các dòng sông, ngăn các cuộc tái định cư và tránh sự mất mát nguồn lợi thuỷ sản nuôi sống hàng triệu người.”

Trước đó vài ngày, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature (Thiên nhiên) cho thấy hiện nay chỉ còn 37% các con sông lớn trên thế giới còn duy trì được dòng chảy tự nhiên. Việc xây dựng các con đập và hồ chứa nước đã ngắt kết nối của các con sông.

Mặc dù các dự án phát triển năng lượng tái tạo lớn sẽ không thể chấm dứt sự phát triển thủy điện, nhưng nó báo trước sự sụt giảm đáng kể các con đập mới và một sự dịch chuyển sang các dự án ít gây tác động như các dự án năng lượng gió và mặt trời.

Báo cáo kêu gọi các chính phủ tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển cuộc cách mạng năng lượng tái tạo. Các chính phủ cũng nên đánh giá lại các dự án đập thuỷ điện hiện có bằng cách xem xét toàn bộ giá trị của các con sông – bao gồm các dịch vụ hệ sinh thái chúng cung cấp – và tính đến các giải pháp thay thế ít gây tác động. Trong khi đó các nhà phát triển và đầu tư tài chính nên hỗ trợ kế hoạch xây dựng các dự án ít gây tác động.

Theo nhandan.com.vn

Amiăng: “Sát thủ” đứng sau hàng nghìn ca ung thư mỗi năm

Dù được biết đến là một trong những chất gây ung thư nhiều nhất đối với con người nhưng tại Việt Nam, amiăng vẫn được sử dụng rất phổ biến, đặc biệt là tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Việt Nam trong top 5 nước sử dụng amiăng nhiều nhất

Amiăng được biết đến là một trong những chất gây ung thư nhiều nhất đối với con người nhưng vẫn được sử dụng rất nhiều. Mười năm trở lại đây, Việt Nam là một trong 5 nước sử dụng amiăng nhiều nhất thế giới.

Tại Việt Nam, amiăng được dùng để sản xuất tấm lợp fibro xi măng và được xem như là loại chất lợp rẻ tiền, dễ sản xuất và sử dụng. Bên cạnh đó, amiăng còn được sử dụng rộng rãi để sản xuất các loại vật liệu chống cháy, cách âm, cách nhiệt dùng trong xây dựng, đóng tàu biển, chế tạo vỏ bọc cho các thiết bị chịu nhiệt, các đường ống ngầm…

Tuy nhiên, từ những năm 1980, tính độc hại và khả năng gây ra một số dạng ung thư của amiăng đã được phát hiện và cảnh báo. Amiăng trắng được khẳng định là có hại cho sức khỏe, chủ yếu là xâm nhập qua đường hô hấp. Người tiếp xúc thường xuyên với amiăng có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến phổi, ung thư biểu mô, thanh quản… Trong đó, những nơi sử dụng vật liệu có chứa amiăng phổ biến là vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.


Tấm lợp fibro xi măng hiện vẫn đang được nhiều vùng dân tộc thiểu số sử dụng. Ảnh: Báo Công thương

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), amiăng (kể cả amiăng trắng), là một trong những chất gây ung thư nghề nghiệp, là nguyên nhân gây ung thư phổi, ung thư trung biểu mô, bệnh bụi phổi amiăng, ung thư vòm họng và ung thư buồng trứng. Hàng năm thế giới có trên 107.000 người chết vì các bệnh ung thư này.

Trước những hậu quả về sức khỏe, tính mạng do amiăng gây ra, WHO thống kê (đến tháng 7/2017) đã có 64 nước cấm sử dụng amiăng toàn bộ hoặc một phần, 56 nước cấm hoàn toàn amiăng trong sản xuất và sử dụng. Nhiều nước đã cấm mọi sản phẩm có chứa amiăng và hiện chỉ còn 35 nước sử dụng, trong đó có Việt Nam.

Trước thực trạng này, ngày 01/01/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch Phát triển kinh tế- xã hội, trong đó giao cho Bộ Xây dựng “Nghiên cứu, xây dựng và phát triển vật liệu xây dựng sử dụng cho các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025; xây dựng lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiăng từ năm 2023”.

Theo hướng này, Bộ Xây dựng đã xây dựng dự thảo Đề án “Lộ trình dừng sử dụng amiăng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiăng từ năm 2023”.

Chất thải chứa amiăng làm tăng nguy cơ ung thư

Liên quan tới vấn đề trên, đã có nhiều nhà khoa học đã nêu rõ sự độc hại của amiăng trắng và các bệnh liên quan đến amiăng, đặc biệt là bệnh ung thư, các giải pháp phòng chống tác hại của amiăng.

Các nhà khoa học cũng nhấn mạnh tính cấp thiết của tuyên truyền, nâng cao nhận thức về độc hại của amiăng; áp dụng giải pháp thay thế vật liệu có amiăng; tính pháp lý của quyết định cấm sử dụng amiăng, tiến tới ngừng sử dụng amiăng trắng ở Việt Nam trong tương lai gần.

Cụ thể, theo GS.TS Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật An toàn vệ sinh lao động Việt Nam, mặc dù amiăng có nhiều công dụng, nhưng nghiên cứu độc lập của các nhà khoa học tại Anh, Mỹ, Đức, Nhật, Thụy Điển, Canada, Đan Mạch và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chứng minh rằng amiăng (gồm cả amiăng trắng) là một trong những chất gây ung thư nghề nghiệp, là nguyên nhân gây ra ung thư phổi, ung thư trung biểu mô, bệnh bụi phổi amiăng, ung thư vòm họng và ung thư buồng trứng.

Tại Việt Nam, từ những năm 1960, amiăng đã được sử dụng để sản xuất tấm lợp, phân lân nung chảy, các loại má phanh, vật liệu cách nhiệt. Trong đó, trên 90% amiăng nhập khẩu về được sử dụng để sản xuất tấm lợp (thường được gọi là tấm lợp fibro xi măng). Đáng lưu ý là, hiện có khoảng 95% tấm lợp có chứa amiăng đang được sử dụng tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

“Chúng ta cần tuyên truyền rộng rãi để người dân nâng cao hiểu biết về amiăng và các bệnh do amiăng gây ra, giúp người dân có biện pháp phòng ngừa, tự bảo vệ mình. Kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước có chính sách ưu đãi về thuế để nhập nguyên liệu sản xuất tấm lợp không amiăng; giảm thuế cho doanh nghiệp sản xuất tấm lợp không sử dụng amiăng”, GS. TS Lê Vân Trình nói.


PGS.TS Nguyễn Văn Sơn – Phó viện trưởng Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế). Ảnh: GDVN

PGS.TS Nguyễn Văn Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cũng cho rằng, hiện nay, tại nước ta có khoảng 40 cơ sở sản xuất tấm lợp có amiăng.

Tại cộng đồng, người dân sử dụng tấm lợp amiăng để lợp mái nhà, bếp, chuồng trại chăn nuôi. Người sử dụng tấm lợp fibro xi măng có nguy cơ nhiễm amiăng từ hoạt động khoan, cắt, lắp đặt, tháo dỡ tấm lợp Fibro xi măng, từ nguồn phế thải từ tấm lợp fibro xi măng.

Các chất thải có chứa amiăng có khả năng làm tăng tỷ lệ mắc ung thư do sợi amiăng xâm nhập cơ thể qua đường ăn uống, hô hấp hoặc qua da. Thí dụ, khi sợi amiăng được hít vào cơ thể qua đường hô hấp, sợi amiăng sẽ xâm nhập vào phổi, gây tổn thương tế bào biểu mô, dẫn tới các bệnh về phổi như ung thư phổi, ung thư biểu mô. Thời gian ủ bệnh từ 10-40 năm.

Tại Việt Nam, bệnh bụi phổi animăng từ năm 1976 được công nhận là bệnh nghề nghiệp được đền bù. Kết quả nghiên cứu khoa học của Bộ Y tế giai đoạn 2010-2011 khẳng định đến 80% ca ung thư trung biểu mô ở Việt Nam có liên quan đến amiăng.

Tại Hàn Quốc, ca bệnh đầu tiên ung thư trung biểu mô liên quan đến amiăng được xác định là một nữ công nhân, năm 1993. Một năm sau, ca bệnh này được công nhận là có liên quan đến công việc. Bệnh nhân có 19 năm làm việc tại một nhà máy dệt amiăng.

Mỗi năm, Hàn Quốc chi khoảng 8 tỷ USD để đền bù cho các bệnh nhân mắc bệnh liên quan amiăng. Đầu năm 2018, có hơn 2.800 người được bồi thường. Năm 2015, Hàn Quốc đã cấm triệt để dùng chất này trong mọi lĩnh vực.

Nhật Bản cấm sử dụng amiăng từ năm 2012 ở tất cả ngành công nghiệp. Trên thế giới, từ năm 2013 đến nay có hơn 60 nước đã cấm sử dụng tất cả các dạng amiăng.

Trước gánh nặng bệnh tật và tài chính do các bệnh liên quan đến amiăng, WHO và Tổ chức Lao động quốc tế đều khuyến nghị cấm hoàn toàn sử dụng mọi dạng amiăng. Đây là cách hiệu quả nhất để loại bỏ các bệnh liên quan đến chất này.

Theo Bảo Lâm/vietq.vn (17/5/2019)

Cách tính lượng khí thải từ hoạt động sản xuất hydro

Ngày 13/5/2019, Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) cho biết, đã nhất trí về những quy định cập nhật để tính toán chính xác hơn đối với lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của các nước, trong đó có cách tính lượng khí thải từ hoạt động sản xuất hydro.

Các quy định trên được IPCC thông qua sau cuộc họp của đại hội đồng ICPP diễn ra từ ngày 8 – 12/5 tại thành phố Kyoto (Nhật Bản), trước khi Hiệp định Pari về biến đối khí hậu bắt đầu được thực thi chính thức vào năm 2020.

Cách tính khí thải trên bổ sung cách tính trước đó được đưa ra từ năm 2006, theo đó bao gồm cả các cách tính lượng khí thải từ hoạt động sản xuất hydro được dùng trong các pin nhiên liệu và các sản phẩm khác, cũng như lượng khí thải xuất phát từ hoạt động khai thác than đá và khí đốt tự nhiên. Cách tính mới này cũng giúp các nước ước tính chính xác hơn về lượng khí phát thải từ hoạt động chôn lấp rác thải và xử lý nước thải.

Quy định mới sẽ được ban hành sau khi được thông qua tại hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu dự kiến diễn ra vào cuối năm nay.

Theo Hồng Cẩm/tapchimoitruong.vn 

Bọt sinh học giúp kiểm soát ô nhiễm dầu

Khi hỗn hợp dầu-nước đi qua bọt polypropylene, nước tinh khiết có thể nhanh chóng thấm qua, còn dầu sẽ bị bọt hấp thụ trong vài giây.

Các nhà khoa học đến từ Viện Công nghệ Vật liệu và Kỹ thuật Ninh Ba (Viện Khoa học Trung Quốc) đã phát triển loại bọt sinh học mới có tên là polypropylene. Loại bọt này có thể giúp việc tách dầu và nước đạt hiệu quả hơn, ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm dầu.

Nhờ bề mặt gồ ghề và cấu trúc hình ống rỗng giống như tổ ong, bọt polypropylene có khả năng hấp thụ và lọc hiệu quả hơn.

Khi hỗn hợp dầu-nước đi qua bọt polypropylene, nước tinh khiết có thể nhanh chóng thấm qua, còn dầu sẽ bị bọt hấp thụ trong vài giây.

Bọt polypropylene có thể được chế tạo dễ dàng, giá rẻ và thân thiện với môi trường, do đó có tiềm năng ứng dụng cao để tách dầu và nước ở quy mô lớn.

Việc tách dầu và nước là thách thức toàn cầu do tình trạng gia tăng lượng nước thải chứa dầu công nghiệp và sự cố tràn dầu thường xuyên xảy ra. Do đó, nghiên cứu về các vật liệu, công nghệ giúp việc tách dầu và nước đạt hiệu quả cao có ý nghĩa khoa học và giá trị ứng dụng.

Một số phương pháp khắc phục ô nhiễm dầu thông thường như đốt và lọc dầu có nhiều hạn chế như tiêu tốn nhiều năng lượng, thời gian dài và có thể dẫn tới ô nhiễm thứ cấp.

Theo Chinhphu.vn (15/5/2019)

Bộ nào chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về chất thải rắn?

Mới đây, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) là đầu mối quản lý nhà nước về chất thải rắn.

Sau nhiều năm trong tình trạng bảy bộ cùng quản lý chất thải rắn, gây chồng chéo, kém hiệu quả, Nghị quyết số 09 của Chính phủ đã thống nhất giao Bộ TN&MT đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn. Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn.

Sáng 8/5 tại Bộ TN&MT diễn ra Hội thảo quản lý Nhà nước về chất thải rắn. Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT nêu thực trạng, có tới 7 bộ cùng quản lý chất thải rắn trong nhiều năm qua. Ngoài Bộ TN&MT còn có Bộ Xây dựng, quản lý chất thải từ hoạt động xây dựng và chất thải rắn sinh hoạt.

​Bộ Y tế phụ trách hoạt động bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế. Bộ KH&CN quản lý nhiên liệu hạt nhân, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn, chất thải phóng xạ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý chất thải trong nông nghiệp.

Bộ Giao thông Vận tải có chức năng quy định chi tiết chất thải nguy hại, chất thải rắn phát sinh từ hoạt động GTVT. Bộ Công thương ban hành Thông tư về quản lý môi trường trong lĩnh vực công thương.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân chia sẻ, việc quản lý chất thải rắn còn phân công quản lý từng công đoạn cho các bộ, ngành khác nhau, thiếu thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Chất thải rắn thực sự là vấn đề lớn đối với môi trường.

Theo ông Đồng Phước An, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội. Quy định của Nghị định 38 của Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố chủ động phân công các sở, ngành quản lý chất thải rắn. Mỗi địa phương giao cho một sở, ngành khác nhau dẫn đến thiếu thống nhất.

Ông An chia sẻ, đã có giai đoạn tại Hà Nội, việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở các quận giao cho Sở Xây dựng, các huyện giao cho Sở TN&MT, vừa rồi tạm thống nhất giao cho một đầu mối là Sở Xây dựng. Ông An kiến nghị nên giao cho Sở TN&MT là đầu mối quản lý nhà nước về chất thải rắn.

“Sở TN&MT có cả Chi cục Bảo vệ Môi trường, còn Sở Xây dựng chỉ có một Phòng Quản lý Hạ tầng kỹ thuật. Phòng này quản lý tới 5 lĩnh vực là rác thải sinh hoạt, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh. Bộ phận giao làm quản lý chất thải rắn chỉ có 3 đồng chí cán bộ”, ông An nêu thực tế.

Theo bà Đỗ Thị Hương, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hải Phòng chia sẻ, ngoài chất thải nguy hại và chất thải công nghiệp thông thường được giao cho ngành Tài nguyên và Môi trường quản lý, các chất thải còn lại đang rất chồng chéo, khó khăn trong quản lý, nhất là quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn.

Chất thải rắn nông thôn giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhưng năng lực của cán bộ cũng là vấn đề. Khi phân cấp tới cấp huyện, một số huyện giao cho Phòng Môi trường, một số huyện giao cho Phòng Nông nghiệp.

Để giải quyết tình trạng này, bà Hương kiến nghị cần sửa đổi Luật bảo vệ môi trường, đảm bảo thống nhất với các Luật thuộc lĩnh vực xây dựng, đấu thầu, thực hiện sửa đổi chức năng của các bộ, cơ quan ngang bộ để đảm bảo thống nhất quản lý, tránh chồng chéo như hiện nay.

Trước đó, Nghị quyết số 09 ngày 3/2/2019 của Chính phủ đã thống nhất giao Bộ TN&MT đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn. Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn. Tuy nhiên, để có thể thống nhất quản lý, vẫn còn nhiều việc làm trước mắt.

Bộ TN&MT cho biết, để thực hiện Nghị quyết 09, Bộ đang tiến hành rà soát các bất cập về cơ chế chính sách, đề xuất hướng sửa đổi phù hợp. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành kế hoạch và đang tích cực triển khai các nhiệm vụ nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về CTR, trong đó tập trung đánh giá tình hình thực hiện các chiến lược, kế hoạch về CTR; tổ chức kiểm tra, đánh giá thực trạng công tác quản lý CTR trên phạm vi cả nước; chuẩn bị nội dung để tổ chức Hội nghị toàn quốc về CTR. Bộ cũng đang xây dựng các Đề án tăng cường năng lực quản lý CTR tại Việt Nam, tăng cường quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam.

Theo Hùng Linh/scp.gov.vn