Ngành dệt may: Triển khai sản xuất sạch hơn nhằm tăng sức cạnh tranh

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của xã hội, ngành Dệt may (NDM) gia tăng nhanh chóng sản lượng sản xuất. Đây là ngành thu hút một lượng lớn lao động, khoảng hơn 2,5 triệu, với hơn 5.000 doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, sự phát triển của NDM cũng kéo theo các hệ lụy về ô nhiễm môi trường.

Để nâng cao năng lực sản xuất và giảm thiểu chất thải, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, NDM đã áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn (SXSH), nhằm thay đổi mô hình sản xuất theo hướng bền vững và thân thiện môi trường.

​NDM Việt Nam hiện đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường do nước thải nhuộm có dư lượng hóa chất lớn. Theo nghiên cứu, trong nước thải dệt nhuộm có cả những chất dễ phân giải vi sinh như bột sắn dùng hồ sợi dọc và những chất khó phân giải vi sinh như polyvinyl axetat, thuốc nhuộm phân tán, thuốc nhuộm hoạt tính và các chất dùng tẩy trắng vải.

Với các loại vải càng sử dụng nhiều xơ sợi tổng hợp như polyester thì càng dùng nhiều thuốc nhuộm và các chất phụ trợ khó phân giải vi sinh, dẫn tới lượng chất gây ô nhiễm môi trường trong nước thải càng cao. Để đảm bảo lợi ích kinh tế và môi trường, việc áp dụng SXSH đã giúp các DN dệt may tiết kiệm năng lượng, giảm chất thải, đồng thời, giảm chi phí đầu vào và chi phí xử lý môi trường, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.

Trên thực tế, nhiều DN dệt may đã giảm từ 20 – 30% tải lượng ô nhiễm mà không tốn khoản chi phí đầu tư nào do áp dụng công nghệ xử lý khí thải thông qua bộ phận thu khí lò hơi; sử dụng định mức tiêu hao hợp lý nguồn nguyên liệu dệt nhuộm.


Thực hiện SXSH giúp các DN dệt may tiết kiệm năng lượng và giảm chất thải.

Trong đó, Tổng Công ty Dệt may Hà Nội (Hanosimex) với hoạt động sản xuất sợi – dệt may, nên vấn đề môi trường chủ yếu là khí thải, bụi và tiếng ồn khi kéo sợi. Để giảm thiểu ô nhiễm, từ năm 2014, Hanosimex đã đầu tư 500 triệu đồng lắp đặt các biến tần cho quạt thông gió, sử dụng bóng đèn tiết kiệm năng lượng.

Nhờ đó, Hanosimex đã tiết kiệm trên 4 triệu kWh điện/năm, giảm 4.000 tấn CO2/năm. Tại các phân xưởng dệt, Hanosimex đầu tư hệ thống hút bụi, tại các lò cấp hơi sử dụng nước, nên giảm được 3 – 5% ô nhiễm không khí và tăng hiệu suất lò hơi. Tương tự, Công ty May Tiên Hưng (Hưng Yên) đã lắp đặt 2 bơm nhiệt để thay thế lò hơi; sử dụng 35 đèn LED thay thế đèn compact; lắp đặt biến tần cho hệ thống bơm… Các thiết bị này đã giúp Công ty tiết kiệm được 177,6 triệu đồng/năm chi phí năng lượng.

Tuy nhiên, hiện tỷ lệ áp dụng SXSH tại các DN dệt may chưa cao, nguyên nhân là do vẫn còn một số hạn chế về nhận thức của DN. Một số DN dệt may nhận định, SXSH chỉ đơn thuần liên quan đến vệ sinh môi trường nên không quan tâm và cho rằng, SXSH có thể gây tốn kém cho DN. Bên cạnh đó, do nguồn lực đầu tư vào sản xuất (đặc biệt là nước và nhân công) còn thấp so với nhiều nước trong khu vực, nên các DN chưa nhìn nhận được tầm quan trọng của việc tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên.

Hơn nữa, nhiều DN chưa hiểu rõ nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền và xem BVMT là việc của Nhà nước. Các DN cũng chưa nhận thấy lợi ích của SXSH và cho rằng, SXSH là việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải sẽ làm tăng chi phí. Ngoài ra, nhiều DN vẫn duy trì hệ thống công nghệ sản xuất cũ, tiêu tốn năng lượng, cùng với hạn chế về năng lực kỹ thuật, dẫn đến không tiết kiệm năng lượng, gây phát thải cao. Mặt khác, việc hướng dẫn kỹ thuật trong thực hiện SXSH thường dựa trên mạng lưới các nhà tư vấn, nhưng ngay cả các chuyên gia tư vấn về SXSH cũng thiếu về số lượng và chất lượng.

Để trở thành một ngành kinh tế mạnh với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, trong những năm tới, NDM cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp SXSH như tăng cường triển khai thực hiện hỗ trợ tư vấn về SXSH cho các DN NDM thông qua các Trung tâm Khuyến công. Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích các DN dệt may sử dụng các công nghệ, quy trình sản xuất sạch, từng bước thực hiện nghiệm các giải pháp quản lý môi trường.

Đối với các công ty, đơn vị sản xuất, đặc biệt là các đơn vị tư nhân, liên doanh, hoặc 100% vốn nước ngoài thuộc lĩnh vực nhuộm, cần áp dụng các chế tài quản lý định mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu dệt nhuộm, kiểm soát nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu, nhất là các chất trơ và thuốc nhuộm.

Bên cạnh đó, NDM phải xây dựng Báo cáo đánh giá tác động môi trường phù hợp với Chiến lược phát triển của ngành và các quy định pháp luật về môi trường; tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; triển khai xây dựng các khu, cụm công nghiệp dệt may có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt tiêu chuẩn môi trường để di dời các cơ sở dệt may có nguy cơ gây ô nhiễm. Đồng thời, cần khuyến khích các DN áp dụng tiêu chuẩn quản lý môi trường theo ISO 14000, tạo môi trường lao động tốt cho người lao động theo Tiêu chuẩn SA 8000.


Trạm xử lý nước thải dệt nhuộm của Công ty TNHH Chyang Sheng Việt Nam (thị xã Thuận An – Bình Dương).

Đặc biệt, NDM cần xây dựng và thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường, tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học – công nghệ về môi trường… nhằm đáp ứng các yêu cầu môi trường và rào cản kỹ thuật để hội nhập kinh tế quốc tế.

Ngoài ra, khi Việt Nam gia nhập TPP, “giấy thông hành” đối với các DN dệt may không chỉ là tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, mà còn bao gồm cả các tiêu chuẩn về môi trường; trong đó, phổ biến nhất là tiêu chuẩn sản xuất xanh, xử lý nước thải, giải pháp tái chế phụ phẩm phát sinh trong sản xuất… Ngoài ra, cần khuyến khích các DN dệt may tạo môi trường lao động tốt cho nhân viên.

Tuy nhiên, để thực hiện thành công chương trình SXSH, một trong những yếu tố quan trọng là các DN dệt may cần lập nhóm SXSH. Đối với các DN lớn, nhóm SXSH có thể bao gồm một đội nòng cốt (gồm đại diện các phòng ban khác nhau) và một số thành phần khác chịu trách nhiệm về từng nhiệm vụ cụ thể.

Đối với các DN vừa và nhỏ, nhóm SXSH có thể chỉ gồm chủ DN và một quản đốc – người giám sát các hoạt động thường nhật. Nhóm này sẽ chịu trách nhiệm khởi xướng, phối hợp và giám sát hoạt động đánh giá SXSH. Để hoạt động có hiệu quả, về cơ bản, nhóm phải có đủ kiến thức để phân tích và rà soát thực hành sản xuất hiện tại của DN. Các chuyên gia trong nhóm cần có khả năng sáng tạo để khám phá, phát triển và đánh giá những cải tiến trong thực hành sản xuất, cũng như triển khai các biện pháp giám sát, kiểm tra để tăng cường việc giảm thiểu chất thải.

Theo Tapchimoitruong.vn

RECP: Giúp doanh nghiệp tăng năng suất, giảm tiêu thụ tài nguyên

Tăng năng suất, giảm tiêu thụ tài nguyên… là mục tiêu của tất cả các doanh nghiệp sản xuất, song không phải doanh nghiệp nào cũng tìm ra hướng đi đúng.

Mục đích của đánh giá RECP (hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn) chính là giúp cho các doanh nghiệp công nghiệp có thể tăng năng suất và giảm tiêu thụ tài nguyên, cũng như ô nhiễm môi trường. Đây là một hợp phần quan trọng trong dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam”.

Hợp phần thực hiện RECP trong doanh nghiệp là một bước đi ở cấp doanh nghiệp góp phần chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang mô hình khu công nghiệp sinh thái.

Một công ty thủy sản tại Cần Thơ tham gia dự án đã nhận được rất nhiều những tư vấn hữu ích về giải pháp công nghệ từ phía các chuyên gia của Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn (VNCPC).

Công ty thủy sản này được thành lập năm 2008 và chính thức đi vào hoạt động năm 2009, với số lượng công nhân là 350 người. Sản phẩm chính của công ty là cá tra phi-lê nguyên con, cắt khúc đông lạnh xuất khẩu sang các thị trường EU, Canada, Brazil, Trung Đông, Hồng Kông, Autralia…

Hợp phần thực hiện RECP trong doanh nghiệp là một bước đi ở cấp doanh nghiệp góp phần chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang mô hình khu công nghiệp sinh thái.

Qua khảo sát, các chuyên gia VNCPC nhận thấy mặc dù định mức tiêu thụ cá tra và điện của doanh nghiệp ở mức trung bình trong ngành, song vẫn có thể tối ưu quá trình sản xuất để giảm các tiêu hao này dựa vào việc theo dõi thông số định kỳ.

Bên cạnh đó, tại nhà máy còn có nhiều vị trí điện bị rò rỉ lên đến 16V, tổn thất điện do rò rỉ tương đương 23.133 kWh/năm

Ngoài ra, nhiệt độ đo được tại một số đầu cốt lên tới trên 60oC, có khả năng gây ra sự cố cho một số thiết bị điện.

Hệ số công suất tại các máy nén lạnh và trạm xử lý nước thải thấp cũng làm tăng tổn thất trên đường dây. Chỉ tính riêng, dây curoa tại các máy nén lạnh bị chùng, gần đứt, lắp thiếu có thể làm tổn hao tới 7% lượng điện tiêu thụ của các máy nén lạnh.

Quá nhiều cặn trong bình ngưng cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng áp suất nén và áp suất ngưng tăng khiến máy nén tiêu thụ nhiều điện hơn.

Về lượng nước tiêu thụ của công ty cũng đang ở mức cao, khi so sánh với các doanh nghiệp chế biến cá tra khác. Vì vậy, cần phải quản lý việc sử dụng nước, đặc biệt là các công đoạn tiêu thụ nhiều nước như rửa nguyên liệu, vệ sinh nhà xưởng và thiết bị.

Theo đó, trong quá trình thực hiện RECP tại công ty, tổng cộng đã có 31 giải pháp RECP được đề xuất, trong đó có 10 giải pháp quản lý nội vi, 10 giải pháp kiểm soát quá trình, 05 giải pháp cải tiến thiết bị, 05 giải pháp thay thế công nghệ và thiết bị mới, 01 giải pháp tái sử dụng tại chỗ.

Trong số các đề xuất này, phần lớn các giải pháp có thể thực hiện ngay và mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, tham gia dự án, công ty còn được đào tạo để nâng cao nhận thức của công nhân về chương trình sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn RECP; hướng dẫn để công nhân vận hành đúng quy trình, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và tiết kiệm nguyên vật liệu, điện, nước, dầu FO… trong quá trình sản xuất.

VNCPC

Thư cảm ơn từ doanh nghiệp gửi tới cán bộ VNCPC

Chỉ một thời gian ngắn tham gia dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái, hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững”, Công ty Phân bón và Hóa chất Cần Thơ đã tiết kiệm được rất nhiều năng lượng do vô tình lãng phí trong quá trình sản xuất.

Tổng giám đốc Công ty Phân bón và Hóa chất Cần Thơ đã có thư cảm ơn Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), đặc biệt là người phụ trách chính, ông Đinh Mạnh Thắng.

Dưới đây là nội dung của thư cảm ơn:

“Trước hết, Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Cần Thơ cảm ơn Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam đã cho công ty tham gia vào dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái, hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững” tại công ty.

Vào ngày 04 – 05/10/2017, đoàn công tác của VNCPC đã đến và làm việc, sau thời gian hỗ trợ đào tạo cán bộ của công ty, ban lãnh đạo công ty chúng tôi đã cho thực hiện các yêu cầu của đoàn công tác, phụ trách chính là ông Đinh Mạnh Thắng. Đoàn công tác đã giúp đỡ nhiệt tình và phân tích cụ thể những tổn thất và lãng phí về năng lượng điện và  nhiệt từ hệ thống sản xuất của công ty.

Ban lãnh đạo Công ty chúng tôi đã cho cán bộ thực hiện ngay những tổn thất lớn và đang rà soát tiếp tục thực hiện những lãng phí nhỏ.

Công ty chúng tôi gửi đến Ban dự án và Trung tâm Sản xuất sạch hơn lòng biết ơn và hứa sẽ toàn tâm, toàn ý đầu tư, giải quyết sớm những đề xuất của đoàn công tác do các chuyên gia phân tích và gửi hình ảnh.

Hy vọng trong thời gian tới tiếp tục nhận được những ý kiến từ đoàn công tác VNCPC để phát triển tốt dự án “Triển khai sáng kiến khi công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khi công nghiệp bền vững”.

Trân trọng cảm ơn!

Tổng giám đốc”

VNCPC

Sản xuất sạch hơn có cần đầu tư lớn không?

Khi nào cần đầu tư cho sản xuất sạch hơn (SXSH)? Chi phí đầu tư cho SXSH có lớn không… đó là những câu hỏi thường được các doanh nghiệp đặt ra khi tiếp cận với SXSH.

Doanh nghiệp có quy mô nào thì nên đầu tư cho SXSH?

Trên thực tế, các doanh nghiệp tuỳ thuộc quy mô, trình độ công nghệ, văn hoá quản lý đều có thể áp dụng SXSH ở các cấp độ khác nhau sao cho phù hợp với mình.

Qua triển khai, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng SXSH với các giải pháp đơn giản nhất như là thực hiện các biện pháp quản lý nội vi (sắp xếp hợp lý trong dây chuyền sản xuất), thực hiện tốt các quy trình công nghệ, quy trình vận hành thiết bị, các dụng cụ đo lường được hiệu chỉnh chính xác để quản lý tốt quá trình sản xuất, giảm chi phí tiêu hao nguyên nhiên liệu, điện, nước,…

Những giải pháp này không tốn chi phí đầu tư hoặc chi phí rất ít, nhưng mang lại lợi ích rất lớn về kinh tế. Theo đánh giá, nếu doanh nghiệp thực hiện quản lý nội vi tốt, hợp lý có thể giảm 20% – 30% tải lượng ô nhiễm mà không tốn khoản chi phí đầu tư nào và khoảng 20% tải lượng ô nhiễm có thể thu được với các khoản đầu tư mà thời gian hoàn vốn rất ngắn (tính bằng tháng).

Trên thực tế, các doanh nghiệp tuỳ thuộc quy mô, trình độ công nghệ, văn hoá quản lý đều có thể áp dụng SXSH ở các cấp độ khác nhau sao cho phù hợp với mình.

Tiếp theo doanh nghiệp có thể thực hiện các giải pháp đầu tư lớn hơn như thay đổi sản phẩm, thiết kế lại sản phẩm, cải tiến hoặc đổi mới công nghệ, thiết bị, thay đổi nguyên liệu thân thiện với môi trường,… Cho dù kinh phí đầu tư ít hay nhiều thì các chi phí đầu tư cho SXSH đều có thời gian thu hồi vốn nhanh và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Khi nào cần đầu tư cho SXSH?

Như trên đã trình bày, SXSH là một hành trình với các cấp độ khác nhau, từ các giải pháp SXSH đơn giản, không cần đầu tư, tiến tới các giải pháp phải đầu tư. Song khác hẳn với đầu tư xử lý cuối đường ống, các chi phí đầu tư cho SXSH đều cho thời gian thu hồi vốn nhanh và mang lại hiệu quả kinh tế.

Dưới đây là một số kết quả về việc thực hiện các giải pháp SXSH tại một số nước trên thế giới và Việt Nam:

Trong Dự án Desire (Ấn Độ) thực hiện từ năm 1993 -1995 tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kết quả thu được:

Tại Úc, một công ty dệt đang nhuộm một số lượng lớn sợi dệt kim, đặc biệt là sợi 100% bông hoặc pha bông. Khi doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn, hai quá trình mới đã được đưa vào sử dụng là nhuộm lạnh gián đoạn và sử dụng thuốc nhuộm Cibacron C.

Nhuộm lạnh gián đoạn là phương pháp nhuộm chất lượng cao và hiệu quả về mặt môi trường. Quá trình này tách được lượng muối khỏi dòng thải, giảm lượng nước và năng lượng sử dụng,giảm tải lượng dòng thải và giảm diện tích sử dụng nơi sản xuất. Đồng thời, quá trình này cũng cũng sử dụng ít hoá chất hơn và làm giảm nhiều hơn lượng màu trong dòng thải. Kết quả đã giảm 12% lượng nước sử dụng; với kinh phí đầu tư là 400.000 USD, số tiền tiết kiệm hàng năm là 619.000USD và thời gian hoàn vốn là 8 tháng.

Tại Việt Nam, trong thời gian qua, Công ty TNHH Trung tâm sản xuất sạch hơn đã triển khai dự án đến một số doanh nghiệp sản xuất tại các lĩnh vực sản xuất khác nhau và đã thu được các kết quả rất thuyết phục.

Số tiền các đơn vị tiết kiệm được trong năm đối với ngành dệt là 2.800 – 73.000 USD, ngành sản xuất giấy là 91.000 – 159.000 USD, ngành sản xuất thực phẩm là 6.700 – 24.600 USD, ngành chế biến gia công kim loại là 9.900 – 261.600 USD.

Về môi trường, đã giảm được 20- 43% phát thải khí do tiết kiệm nhiên liệu đốt; giảm khoảng 20% tổng lượng nước thải, giảm 20 – 30 % tổng các thành phần ô nhiễm hữu cơ trong nước thải; giảm 5-30% chất thải rắn; giảm đáng kể tiêu thụ nguyên, nhiên liệu thô, than, dầu và nước.

VNCPC

Những rào cản khi doanh nghiệp tham gia sản xuất sạch hơn

Lợi ích của áp dụng sản xuất sạch hơn (SXSH) là điều không ai có thể phủ nhận. Song khi bắt tay vào triển khai SXSH, doanh nghiệp vẫn gặp phải không ít khó khăn.

Doanh nghiệp nào có thể áp dụng SXSH?

SXSH có thể áp dụng cho mọi doanh nghiệp, với các quy mô và hình thái hoạt động khác nhau như: sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp, du lịch và các dịch vụ khác. Tuỳ trình độ công nghệ và trình độ quản lý mà các doanh nghiệp có thể triển khai áp dụng SXSH cho phù hợp, hiệu quả.

SXSH có thể áp dụng cho mọi doanh nghiệp, với các quy mô và hình thái hoạt động khác nhau.

Những khó khăn thường gặp khi doanh nghiệp áp dụng SXSH

SXSH được nhìn nhận là một phương pháp luận mà việc áp dụng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường và rất phù hợp với các nước đang phát triển. Tuy nhiên, một số nguyên nhân sau vẫn còn làm hạn chế quá trình áp dụng SXSH.

Nguyên nhân từ bên ngoài công ty:

Hệ thống khung thể chế về sản xuất sạch hơn chưa được xây dựng đồng bộ;
Nguồn nhân lực về áp dụng SXSH của nhà máy còn bị hạn chế;
Khó khăn trong việc tiếp cận các công nghệ sạch hơn; và
Khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tài chính bên ngoài

Khó khăn đến từ nội bộ công ty:

Nhận thức về sản xuất sạch hơn còn hạn chế, đặc biệt là sức ỳ của lãnh đạo;
Thiếu thông tin và trình độ chuyên môn;
Nguồn lực về áp dụng SXSH của các doanh nghiệp còn yếu;
Thách thức về tài chính; và
Ganh đua để đạt được lợi thế kinh doanh, đặc biệt là sức ép về lợi nhuận trước mắt, chưa chú ý đúng mức về môi trường.

Vai trò của các thành viên khi doanh nghiệp thực hiện SXSH?

SXSH yêu cầu sự tham gia của mọi thành viên trong doanh nghiệp, hay nói cách khác là phải lôi cuốn mọi người cùng tham gia.

Chuyên gia của Trung tâm Sản xuất sạch hơn tập huấn về SXSH cho các doanh nghiệp.

Đặc biệt SXSH cần có sự cam kết và chỉ đạo thực hiện tích cực từ người đứng đầu doanh nghiệp. Một đánh giá SXSH thành công nhất thiết phải có sự cam kết mạnh mẽ từ phía ban lãnh đạo. Cam kết này thể hiện qua sự tham gia và giám sát trực tiếp. Sự nghiêm túc được thể hiện qua hành động, không chỉ dừng lại ở lời nói.

Cán bộ giám sát và công nhân vận hành cần phải tham gia một cách tích cực ngay từ thời điểm ban đầu của chương trình SXSH. Công nhân là những người đóng góp đáng kể trong việc xác định, thực hiện và phát triển các giải pháp SXSH.

Làm thế nào để đạt được sự cam kết của lãnh đạo về SXSH?

• Ước tính giá trị của lượng tài nguyên mất mát dưới dạng chất thải;
• Chỉ rõ hậu quả môi trường (và tính pháp lý) của việc phát sinh dòng thải này; và
• Nhấn mạnh việc sản xuất sạch hơn có thể cải thiện hiện trạng như thế nào.

VNCPC

Sản xuất sạch hơn giúp doanh nghiệp tiết kiệm khoảng 500 triệu đồng/năm

Đó là con số một nhà máy kính nổi ở miền Bắc đã tiết kiệm được nhờ giảm 1% tổng tiêu thụ điện năng mỗi tháng và giảm số lượng bóng đèn cháy mỗi năm là 500 bóng.

Đây cũng là một trong những mục tiêu mà dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới khu công nghiệp bền vững” hướng tới.

Dự án được đồng hành bởi các nhà tài trợ gồm Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), Quỹ môi trường toàn cầu (GEF), Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI).

Nhà máy sản xuất kính nổi này được khởi công xây dựng vào năm 2006. Hiện nhà máy có sản lượng 300 tấn/ngày đêm.

Tham gia dự án, sau quá trình khảo sát, nhà máy đã được các chuyên gia của Công ty TNHH Trung tâm sản xuất sạch hơn (VNCPC) đánh giá có rất nhiều tiềm năng về tiết kiệm năng lượng điện, hóa chất trong quá trình sản xuất.

Giảm điện áp, tiết kiệm 30 triệu đồng/tháng

Tại các thời điểm đo đạc, đoàn chuyên gia cùng cán bộ kỹ thuật điện nhà máy nhận thấy điện áp cấp cao hơn khoảng 7,1 – 11,1% so với điện áp tiêu chuẩn. Điều này không chỉ gây ra tổn thất điện năng mà còn làm giảm tuổi thọ thiết bị do quá nóng. Thực tế tại công ty cũng đã ghi nhận một năm có khoảng 500 bóng đèn bị cháy.

Theo ước tính của các chuyên gia, khi giảm điện áp về tiêu chuẩn, nhà máy sẽ tiết kiệm được khoảng 1% tổng điện năng tiêu thụ, tương đương 30 triệu đồng/tháng.

Theo ước tính của các chuyên gia, khi giảm điện áp về tiêu chuẩn, nhà máy sẽ tiết kiệm được khoảng 1% tổng điện năng tiêu thụ, tương đương 30 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, tại một số tủ điện trong nhà máy có hiện tượng tăng nhiệt do mo-ve đầu code. Tình trạng trên nếu kéo dài rất dễ dẫn đến nguy cơ chập cháy điện.

Một số động cơ như máy nghiền, quạt, … tại nhà máy có dây curoa bị chùng, làm giảm hiệu suất hoạt động của động cơ và lãng phí điện. Bên cạnh đó, việc sử dụng nhiều loại bóng đèn chiếu sáng như đèn halogen, đèn sợi đốt, đèn cao áp trực tiếp, đèn siêu sáng… cũng là nguyên nhân làm tăng lượng điện năng tiêu thụ.

Cần tận dụng và thu hồi nhiệt lượng

Qua quá trình khảo sát tại nhà máy, đoàn chuyên gia còn nhận thấy: mặc dù đã tận dụng nhiệt thải để vận hành lò, nhưng nhà máy vẫn đang tổn thất lượng nhiệt lớn qua thành lò. Việc lãng phí nhiệt không chỉ gây tổn hao nhiên liệu vô ích, không kiểm soát được nhiệt độ quá trình sản xuất mà còn làm tăng nhiệt độ môi trường nơi làm việc.

Ngoài ra, nhà máy còn đang có một nguồn nhiệt thải ống khói khoảng 300oC mà nếu thu hồi được một phần nhiệt lượng này thì cũng sẽ góp phần giảm tiêu hao nhiên liệu toàn nhà máy.

Trên đây chỉ là một vài dẫn chứng điển hình về những lợi ích mà doanh nghiệp có thể nhận được khi tham gia vào dự án sản xuất sạch hơn. Không những vậy, doanh nghiệp còn nhận được rất nhiều những tư vấn hữu ích về việc quản lý hiệu quả hóa chất, chất thải nguy hại, khí thải, nước thải, cũng như nâng cao ý thức của người lao động… Tất cả những điều này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, nhờ đó tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

VNCPC