Hội thảo Công nghệ nhiệt phân cải thiện chất lượng cà phê

Trong khuôn khổ Chương trình toàn cầu của UNIDO-UNEP về ‘Hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn” do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ, Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đã chọn công ty TNHH trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) trường Đại học Bách Khoa Hà Nội là đơn vị thực hiện dự án “Giảm thiểu chất thải công nghiệp vì nền sản xuất các bon thấp trong ngành chế biến lúa-gạo và cà phê ở Việt Nam” (2013 -2017) với sự hỗ trợ kỹ thuật của công ty Sofies, Thụy Sỹ.

Mục tiêu của dự án này là: (i) Cải thiên môi trường địa phương; (ii) Giảm phát thải khí nhà kính và (iii) Mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp.

Để giới thiệu và thảo luận các biện pháp nhân rộng các kết quả đã đạt được của dự án trong ngành cà phê, đặc biệt là kết quả chuyển giao công nghệ, sáng ngày 10/11/2017, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đak Lak, UNIDO đã phối hợp với công ty Viết Hiền, VNCPC, Sofies và Neumann Group tại Việt Nam đồng tổ chức hội thảo “Công nghệ nhiệt phân cải thiện chất lượng cà phê”. Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của 130 đại biểu. Dự hội thảo có ông Nguyễn Hải Ninh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đak Lak, ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng cục Trồng trọt và Phát triển nông thôn, Lãnh đạo sở, ngành, các doanh nghiệp, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh cùng đại diện hộ nông dân được hưởng thụ trực tiếp lợi ích từ dự án.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe giới thiệu kết quả áp dụng đánh giá hiệu quả sử dụng tài nguyên và sản xuất sạch hơn tại các doanh nghiệp chế biến cà phê, đặc biệt là thành công trong chuyển giao công nghệ nhiệt phân từ Thụy Sỹ cho công ty Viết Hiền nhờ sự kết nối của dự án với dự án REPIC của Sofies đang thực hiện ở Peru.

Bà Nguyễn Thị Huệ – Giám đốc Công ty TNHH Viết Hiền phát biểu khai mạc Hội thảo

Để triển khai thực hiện dự án, VNCPC và Sofies đã phối hợp Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) và Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Tổng công ty lương thực I & II nghiên cứu tổng quan hai ngành này, triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn cho các doanh nghiệp trong ngành, đồng thời đào tạo xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp điển hình tham gia dự án.

Trong 4 năm qua, dự án đã hướng dẫn và hỗ trợ 10 doanh nghiệp chế biến gạo và 10 công ty chế biến cà phê thực hiện đánh giá hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, giúp các doanh nghiệp này tiết kiệm 1,08 triệu kwh/năm tương đương 80.000 USD, cắt giảm 621 tấn CO2/năm.

Đại diện nhà tài trợ UNIDO (giữa) và các chuyên gia thảo luận cùng đại biểu

Thành công nổi bật của dự án là đã thực hiện được mục tiêu của chương trình về chuyển giao công nghệ thân thiện môi trường. Công ty Viết Hiền ở thành phố Buôn Ma Thuột không chỉ thành công trong tiếp nhận công nghệ nhiệt phân mà đã tự chế tạo thành công lò đốt quy mô công nghiệp theo công nghệ này để đốt vỏ cà phê. Sản phẩm của quá trình đốt này là nhiệt năng phục vụ quá trình sấy khô cà phê và than sinh học (biochar) có khả năng cải tạo đất cao.

Hệ thống lò đốt nhiệt phân và sấy do công ty Viết Hiền chế tạo được lắp đặt và đưa vào hoạt động thành công tại hợp tác xã Bình Minh, huyện Cư M’gar, đã giúp các xã viên của HTX này đạt hiệu quả cao trong vụ thu hoạch cà phê năm 2016 nhờ sấy sản phẩm khô kịp thời ngay sau thu hoạch. Hệ thống lò đốt nhiệt phân này cũng đã được xuất khẩu sang Brazil để thử nghiệm. Bên cạnh đó, công nghệ còn tiềm năng áp dụng để xử lý vỏ cà phê chế biến theo công nghệ ướt hoặc thu hồi nhiệt từ chất thải các ngành nông lâm nghiệp như bã mía, ngô, cây lương thực, v.v… Công ty đã nhận được yêu cầu thiết kế dây chuyền thiết bị theo công nghệ nhiệt phân cho một số khách hàng tiềm năng trong nước và nước ngoài.

Theo đánh giá của các tổ chức và đối tác, công nghệ này là một giải pháp hiệu quả phục vụ sự phát triển bền vững của ngành cà phê trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Hệ thống công nghệ nhiệt phân chuyển giao thành công từ Thụy Sỹ đang được sử dụng để sấy cà phê tại HTX Bình Minh, huyện Cư M’gar, Đaklak

Để đưa công nghệ này đến gần hơn với doanh nghiệp trong nước, nhiều chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp cần tiếp tục hoàn thiện sản phẩm để hạ giá thành; đánh giá tiềm năng áp dụng rộng rãi công nghệ nhiệt phân và sản phẩm phụ của công nghệ này trong ngành cà phê và ngành nông sản khác. Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh đánh giá cao sự nỗ lực của các đối tác và khuyến nghị từ các chuyên gia đóng góp cho việc hoàn thiện sản phẩm. Để nhân rộng công nghệ này đến với doanh nghiệp, UBND tỉnh sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tỉnh đưa ra giải pháp hỗ trợ tín dụng cho đơn vị sản xuất, sử dụng, góp phần nâng cao giá trị sản xuất của ngành cà phê trong tương lai.

 VNCPC

Đào tạo về nâng cao Hiệu quả Sử dụng Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn trong khuôn khổ Dự án “Triển khai sáng kiến Khu Công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam”

Cần Thơ, ngày 7/9/2017 – Lớp đào tạo “Nâng cao hiệu quả sản xuất thông qua áp dụng tiếp cận Hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP)” được tổ chức để khởi động cho đợt 3 của hợp phần “Đào tạo và tư vấn tại doanh nghiệp về RECP” thuộc khuôn khổ dự án “Triển khai sáng kiến Khu Công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam”.

Tham gia khóa đào tạo lần này có 22 học viên tới từ 10 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất ở khu công nghiệp Trà Nóc 1 và 2, thành phố Cần Thơ. Nội dung khóa đào tạo do chuyên gia của Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) thực hiện nhằm mục đích cung cấp các khái niệm cơ bản, phương pháp luận triển khai và những kỹ thuật phổ biến trong quá trình thực hiện RECP tại doanh nghiệp.

Thông qua các ví dụ thực tiễn, bài tập minh họa, các học viên nắm được bước đầu nội dung lý thuyết cũng như phác thảo được kế hoạch cho 8 tháng áp dụng tại thực tiễn doanh nghiệp của mình. Từ tháng 10/2017 đến hết tháng 4/2018, nhóm chuyên gia tư vấn của VNCPC sẽ đồng hành cùng nhóm cán bộ RECP của từng doanh nghiệp để trực tiếp hướng dẫn và tư vấn xuyên suốt một chu kỳ triển khai RECP. Kinh nghiệm và kiến thức tích lũy được trong thời gian này sẽ được nhóm áp dụng trong hoạt động liên tục cải thiện của doanh nghiệp để mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp về giảm chi phí sản xuất thông qua tăng cường hiệu suất sử dụng nguyên vật liệu, hóa chất, nước, năng lượng bên cạnh giảm lượng phát thải cũng như chi phí xử lý môi trường.

Dự án “Triển khai sáng kiến Khu Công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam” do Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) và Tổ chức Phát triển LIên hợp quốc (UNIDO) tài trợ. Cơ quan chủ quản dự án về phía Việt Nam là Vụ Quản lý các khu kinh tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 3 tỉnh thành mục tiêu của dự án bao gồm Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ. Các khu công nghiệp đã được lựa chọn là Phú Khánh ở Ninh Bình, Hòa Khánh ở Đà Nẵng và Trà Nóc 1 & 2 ở Cần Thơ. Với cấp độ doanh nghiệp, dự án sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và sản xuất sạch hơn. Ở cấp độ khu công nghiệp, dự án sẽ đưa ra những giải pháp cộng sinh công nghiệp kết dòng nguyên nhiên liệu giữa các doanh nghiệp trong khu để tối ưu hóa tài nguyên sử dụng toàn khu. Ở cấp độ chính sách quốc gia, dự án sẽ đề xuất những quy định pháp lý và cơ chế phù hợp để hỗ trợ và thúc đẩy sự chuyển đổi của các khu công nghiệp hiện tại trên cả nước chuyển đổi thành khu công nghiệp sinh thái. Dự án được thực hiện từ trong khoảng thời gian 5 năm từ 6/2014 đến 6/2019.

VNCPC

Hội thảo “Giảm thiểu và tăng giá trị chất thải trong ngành sản xuất lúa gạo các bon thấp”

Ngày 31 tháng 8 năm 2017, tại Cần Thơ, Dự án “Giảm thiểu và tăng giá trị chất thải trong ngành sản xuất lúa gạo các bon thấp” tổ chức hội thảo tham vấn các đối tác liên quan và các nhà máy xay xát tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự án do Tổ chức Phát triển Hà Lan thực hiện trong khuôn khổ “Mạng lưới và trung tâm công nghệ khí hậu (CTCN)” do Công ty TNHH Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam (trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) xây dựng đề xuất và đệ trình lên cơ quan đầu mối quốc gia của CTCN tại Việt Nam là Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu (Cục KTTV BĐKH). Dự án do Tổ chức công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tài trợ.

Hội thảo có sự tham gia của trên 50 đại biểu đại diện nhà tài trợ (UNIDO), Cục KTTV BĐKH, SNV, VNCPC, các doanh nghiệp chế biến lúa gạo, Sở ban ngành địa phương, các doanh nghiệp cung cấp công nghệ sử dụng trấu, trường đại học, viện nghiên cứu…

Tổng quan về dự án, thông tin chung về các đơn vị, tổ chức tham gia dự án cũng như kỳ vọng của các bên hữu quan về mục tiêu hội thảo đã được giới thiệu và trao đổi ở phần đầu tiên của hội thảo. Tiếp đó, đại diện đơn vị thực hiện dự án SNV Việt Nam lần lượt trình bày các kết quả của dự án như công cụ lựa chọn công nghệ để tận dụng trấu một cách hiệu quả nhất, mô hình kinh doanh than sinh học và amorphous silica ash, mô hình kinh doanh củi trấu và các lựa chọn tiếp cận về tài chính cho các mô hình kinh doanh này. Sau các phần tham luận, các đại biểu tham gia hội thảo đã thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến bổ ích giúp cho đơn vị thực hiện hoàn thiện các sản phẩm của dự án cũng như các phương án hữu ích để các đơn vị trong ngành chế biến lúa gạo có thể lựa chọn để triển khai có hiệu quả.

Thông tin về dự án

Mạng lưới và trung tâm công nghệ khí hậu (CTCN) là cơ quan thực hiện của Cơ chế Công nghệ thuộc Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC), được phối hợp thực hiện bởi Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO). Mạng lưới này được hỗ trợ bởi 11 cơ quan đối tác có chuyên môn về công nghệ khí hậu. Sứ mệnh của CTCN là đẩy mạnh phát triển và chuyển giao công nghệ khí hậu theo yêu cầu của các quốc gia đang phát triển với mục tiêu phát triển hiệu quả năng lượng, phát thải thấp và thích nghi với biến đổi khí hậu.

Dự án “Giảm thiểu và tăng giá trị chất thải trong ngành sản xuất lúa gạo các bon thấp” được CTCN phê duyệt dựa trên yêu cầu của Cơ quan đầu mối quốc gia (NDE) thuộc Cục KTTV BĐKH – Bộ Tài nguyên Môi trường. Mục đích của dự án là tìm hiểu các công nghệ khác nhau để làm tăng giá trị của trấu nhằm giảm thiểu chất thải và hỗ trợ cải thiện hiệu quả kinh tế của các nhà máy xay xát, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính.

VNCPC

Nền kinh tế tuần hoàn ở các nước đang phát triển: Giải quyết chất thải là điểm bắt đầu

Từ 26 – 29 tháng 7 năm 2017, Diễn đàn Nghiên cứu Toàn cầu (Global Research Forum – GRF) về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (SCP) đã diễn ra tại thành phố Brighton (Vương quốc Anh) với sự tham dự của các nhà nghiên cứu phát triển, đại diện của giới kinh doanh, cơ quan chính phủ, các tổ chức xã hội.

Mục đích của diễn đàn năm 2017 này nhằm xác định các vấn đề kết nối giữa nền kinh tế tuần hoàn, lối sống bền vững và các vấn đề sinh kế với mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Diễn đàn do Viện Nghiên cứu phát triển và Khoa Nghiên cứu Chính sách Khoa học (Trường Đại học Sussex – Anh) với sự hỗ trợ của Chương trình SWITCH-Asia và sự tham gia của hơn 130 đại biểu từ các nước trên thế giới.

Các nhà nghiên cứu, đại diện đến từ các tổ chức, doanh nghiệp, các cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức xã hội tham dự Diễn đàn toàn cầu lần thứ 3 tại thành phố Brighton (Vương quốc Anh). (Nguồn: Institute for Development Studies)

Phát biểu khai mạc, Ông Janez Potočnik, Cựu Cao ủy viên về Môi trường của Liên minh Châu Âu và cũng là chủ tọa của phiên thảo luận đã đưa ra các yếu tố chính nhằm kết nối các vấn đề toàn cầu trong mối tương quan lớn như xóa đói giảm nghèo và mất cân bằng xã hội, các vấn đề môi trường, đô thị hóa và toàn cầu hóa có ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển bền vững như thế nào. Ông Janez cũng nhấn mạnh sự cần thiết để chuyển đổi sang mô hình kinh tế mới mà có thể tích hợp được tất cả các trụ cột của sự phát triển bền vững, trong đó SCP được xác định là chiến lược có hiệu quả nhất để tạo ra sự hiệp lực nhằm tạo nên các mục tiêu phát triển bền vững. Trong bối cảnh này, nền kinh tế tuần hoàn là một khái niệm có tính khả thi để đưa SCP vào trong thực tiễn.

Ông. Potočnik điểm lại các vấn đề thực hiện mục tiêu phát triển bền vững SDGs là ưu tiên của các quốc gia (Nguồn: Institute for Development Studies)

Ngoài ra Ông Janez cũng nhấn mạnh thêm việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững là ưu tiên của các quốc gia được xác định trong các văn kiện có tính chiến lược trong đó các chỉ số đều liên quan đến các quyết định chính sách cơ bản. Điều này có nghĩa rằng, tất cả các chính sách liên quan đều sẽ bị điều chỉnh một cách có hệ thống hướng đến giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, quản lý nguồn lực và tuần hoàn nền kinh tế.

Nền kinh tế tuần hoàn và lối sống bền vững

Để thực hiện nền kinh tế tuần hoàn trong cuộc sống thường ngày, các diễn giả và đại biểu đều thống nhất về sự quan trọng của việc quảng bá cho lối sống bền vững. Ông Lewis Akenji, Nghiên cứu viên về Chính sách thuộc Viện Chiến lược môi trường toàn cầu (IGES) giải thích ba thành tố có thể sẽ được các bên liên quan khai thác và phát triển thêm là vai trò của các tổ chức, trách nhiệm rõ ràng của các bên liên quan và bài học kinh nghiệm từ các dự án thử nghiệm.

Ông Jeffrey Barber, Chủ tịch Diễn đàn Chiến lược tổng hợp (Integrative Strategies Forum) cũng đưa ra những ý kiến về cấp độ của nền kinh tế tuần hoàn phía sau những quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua câu hỏi “Liệu nó có bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi tư duy tuyến tính (tạo ra, sử dụng và bỏ) hay bởi tư duy nền kinh tế tuần hoàn?”. Để thực hiện nền kinh tế tuần hoàn chúng ta cần phải biết cái gì thực sự thúc đẩy con người và làm thế nào để chúng ta có thể tác động đến họ để chuyển sang lối sống bền vững. Ngoài ra Ông Jeffrey còn nhấn mạnh sự suy nghĩ của con người là mấu chốt nhất là đối với những người ra quyết định chiến lược.

Phụ nữ và nền kinh tế tuần hoàn

Khép kín vòng tuần hoàn đối với nguyên vật liệu và tài nguyên yêu cầu một phương thức quản lý chất thải phù hợp ở quy mô đô thị. Ở những nước đang phát triển những người thu gom chất thải có vai trò không thể thiếu trong phân loại rác. Bà Sonia Dias từ tổ chức WIEGO có trụ sở ở Brazil đã đề cập đến những thách thức là làm thế nào để có thể kết nối mọi người đang làm việc ở những lĩnh vực không chính thức (đa phần là phụ nữ) như thu gom chất thải trong các vấn đề của nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Những người đang làm việc ở bên lề xã hội thường có xu hướng bị bỏ quên khi đề cập trong các vấn đề chính sách. Do đó nếu có thể, bà ủng hộ việc chính thức hoá những người thu gom rác để công việc của họ có thể được công nhận và họ cũng có thể được hưởng một mức độ bảo trợ xã hội thông qua chính phủ.

Những mối quan tâm tương tự đã được bà Nalini Shekar, Giám đốc Hasiru Dala, một tổ chức phi chính phủ (NGO) có trụ sở tại Bangalore, Ấn Độ, chủ yếu làm việc với người thu gom rác thải. Cho đến nay, Hasiru Dala đã tiếp cận khoảng 7.000 người thu gom không chính thức để hỗ trợ thu gom chất thải của thành phố Bangalore. Hasiru Dala giúp tổ chức những người thu gom rác, từ đó cho họ cơ hội để nói lên nhu cầu của họ với chính phủ. Hiện có nhiều phụ nữ và nam giới làm việc như những người thu gom rác ở thành phố có khoảng 8 triệu người sinh sống.

Cơ chế tài chính xanh

Trong hội nghị, nhiều phiên họp song song đã cung cấp cho người tham gia hiểu rõ hơn về nhiều dự án nghiên cứu khác nhau và kết quả của họ. Trong một cuộc họp song song, ông Galib Ibn Anwarul Azim từ Quỹ Phát triển Vốn Liên hợp quốc tại Bangladesh đã giải thích kế hoạch tài chính xanh mới, “kế hoạch tái cấp vốn cho các sản phẩm / sáng kiến ​​xanh” do chính phủ Bangladesh phát triển. Trong chương trình này, có 51 sản phẩm / sáng kiến ​​từ tám lĩnh vực được liệt kê, trong số đó là năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả và quản lý chất thải rắn. Bên cạnh kế hoạch tài trợ này, Quỹ Chuyển đổi Xanh (GTF) là cơ chế cho vay mới nhất cho hai ngành xuất khẩu chính, dệt may và thuộc da bắt đầu từ tháng 1 năm 2016. Đây là quỹ quay vòng 200 triệu USD có nguồn gốc từ Ngân hàng Bangladesh. GTF sẽ hỗ trợ 10 loại sáng kiến ​​xanh, thân thiện với môi trường như sử dụng hiệu quả tài nguyên và tái chế, năng lượng tái tạo, hiệu suất năng lượng và quản lý chất thải.

Nguồn: switch-asia.eu

Toạ đàm về Sản xuất sạch hơn và Định hướng phát triển Công nghiệp xanh với đoàn nghiên cứu thực tế của CHDCLB Ethiopia

Ngày 15/5/2007, Cục Kiểm lâm Hoa Kỳ (The US Forest Service) phối hợp với Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) đã tổ chức tiếp đón đoàn đại biểu cấp Bộ của nước Cộng hoà Dân chủ Liên bang Ethiopia và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn triển khai Sản xuất sạch hơn và định hướng phát triển Công nghiệp xanh.

Nằm trong khuôn khổ chuyến đi nghiên cứu thực tiễn của đoàn đại biểu cấp Bộ nước Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia gồm Bộ  Môi trường, Lâm nghiệp và Biến đổi khí hậu (MEFCC), Bộ Công nghiệp (MOI) và Tổng Công ty Phát triển Khu Công nghiệp (IPDC) từ 15 – 19/5 tại Việt Nam, ngày 15/5, đoàn đã có buổi tọa đàm học hỏi và trao đổi kinh nghiệm với VNCPC và đại diện Bộ Công Thương Việt Nam.

Đại diện trường Đại học Bách Khoa HN, đơn vị chủ nhà buổi tọa đàm, PGS. Nguyễn Phú Khánh, Trưởng phòng HTQT đã có bài chào mừng đoàn và chia sẻ quan điểm của Nhà trường về định hướng phát triển bền vững và công nghiệp xanh.

Ethiopia cũng như Việt Nam được xem là một trong số những quốc gia nhạy cảm nhất với biến đổi khí hậu trên thế giới. Chính vì vậy, với mong muốn học tập thực tế về mô hình phát triển công nghiệp xanh, đoàn đã được nghe các bài tham luận về kinh nghiệm triển khai Sản xuất sạch hơn ở Việt Nam, thực tiếp cận chuỗi giá trị bền vững sản phẩm cá tra (SUPA), cơ chế hỗ trợ tài chính cho đầu tư công nghệ thân thiện hơn với môi trường (GCTF) và đặc biệt là chiến lược Sản xuất sạch của Việt Nam tới năm 2020 cũng như kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh 2015 – 2020 của ngành Công Thương Việt Nam. Đáp lại những thông tin chia sẻ từ phía Việt Nam thông qua các diễn giả là ông Chu Văn Giáp (Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương), bà Kiều Nguyễn Việt Hà (Văn phòng giúp việc Ban Điều hành Chiến lược SXSH trong Công nghiệp), ông Trần Văn Nhân, ông Lê Xuân Thịnh và bà Nguyễn Lê Hằng (VNCPC), các thành viên của đoàn Ethiopia cũng đã giới thiệu về Chiến lược Nền kinh tế xanh phục hồi khí hậu (Ethiopia’s Climate Resilient Green Economy) với tiếp cận theo ngành trong cách thức triển khai.

Trong khuôn khổ hoạt động chuyên sâu về xúc tiến nâng cao hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, cũng như xây dựng các mẫu hình sản xuất và tiêu thụ bền vững ở Việt Nam, VNCPC luôn chú trọng kết nối mạng lưới với các bên liên quan hoạt động trong cùng lĩnh vực và hỗ trợ lẫn nhau, để góp phần tích cực trong sự nghiệp xanh hóa nền sản xuất công nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển nền kinh tế xanh, hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước.

PGS. Nguyễn Phú Khánh, Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế trường Đại học Bách Khoa Hà Nội chào mừng đoàn.

Các đại diện từ Bộ Công Thương và VNCPC đang trao đổi kinh nghiệm với đoàn

Đoàn đại biểu Ethiopia và Cục Kiểm lâm Hoa Kỳ chụp ảnh lưu niệm với VNCPC

Admin VNCPC

Phụ phẩm trong nông nghiệp là một tài nguyên

Nhiều người dân, doanh nghiệp vẫn xem nguồn phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp là rác thải nên bỏ đi, gây ô nhiễm môi trường, trong khi chúng có thể là một nguồn tài nguyên giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào.

Hội thảo “Hướng đến chuỗi giá trị lúa gạo bền vững ở ĐBSCL” (Nguồn: VNCPC)

Đó là một phần nội dung được đưa ra tại Hội thảo hướng đến hệ sinh thái công-nông nghiệp bền vững, tập trung vào chuỗi giá trị lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long, do Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), Công ty TNHH Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), Trường đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức ngày 3-3-2017 tại TPHCM.

Theo ông Miroslav Delporte – Cục Kinh tế hợp tác của Thụy Sĩ (SECO) – đơn vị tài trợ cho dự án Giảm thiểu chất thải công nghiệp vì một nền sản xuất các-bon thấp – hiện tại, trong các lĩnh vực nông nghiệp, ngành chế biến lúa gạo của Việt Nam là một mắt xích rất cần những cải tiến để nâng cao hiệu quả sử dụng, đặc biệt là vấn đề giảm thải khí thải thông qua ứng dụng những công nghệ tiên tiến.

Ông Martin Fritsh, một chuyên gia của dự án, cho rằng sản xuất sạch hơn là kiểm soát quy trình tốt hơn và làm sao có thể thu hồi được phụ phẩm.

Theo SECO, trong bốn năm thực hiện dự án trên, các bên có liên quan đã chứng minh được những phụ phẩm trong nông nghiệp là một nguồn tài nguyên. Các chuyên gia phát hiện ra rằng, có rất nhiều nhà máy xay xát lúa gạo đã lãng phí rất nhiều điện năng. Điều này làm cho giá thành một tấn gạo thành phẩm cao hơn. Vấn đề này có thể khắc phục được nếu những người đứng đầu các doanh nghiệp muốn tận dụng phụ phẩm để giảm thiểu chi phí đầu vào.

Dự án đã thực hiện đánh giá hiệu quản tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) cho 16 nhà máy chế biến gạo và 10 công ty chế biến cà phê, giúp tiết kiệm gần 1,1 triệu kWh điện/năm, tương đương 80.000 đô la Mỹ, cắt giảm  621 tấn CO2/năm. Qua đó, giúp giảm chi phí đầu vào, nâng cao sức cạnh tranh của mặt hàng lúa gạo, đặc biệt trong bối cảnh, xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam đang gặp khó về thị trường như hiện nay.

Theo thesaigontimes.vn