Phú Thọ: Làng nghề mỳ, bún Hùng Lô bứt phá nhờ sản xuất sạch hơn

Làng nghề bún, mỳ sợi Hùng Lô (xã Hùng Lô, Tp.Việt Trì, Phú Thọ) đang có những bước tiến dài về kinh tế và đời sống của người dân. Hiệu quả tích cực từ việc áp dụng chương trình “sản xuất sạch hơn” (SXSH) đang mang lại hiệu quả cao trong sản xuất và giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường.

Theo UBND xã Hùng Lô, xã có tổng diện tích khoảng 2 km2, dân số hơn 5.000 nhân khẩu, với khoảng 2.000 hộ. Với diện tích đất nông nghiệp nhỏ, nhưng nhờ phát triển sản xuất các ngành nghề TTCN, đặc biệt là nghề bún, bánh truyền thống giúp Hùng Lô trở thành một trong những “mũi nhọn” kinh tế của Tp.Việt Trì.

Kinh tế phát triển mạnh

Ông Nguyễn Tiến Đức – Chủ tịch UBND xã Hùng Lô, cho biết: “Hùng Lô là xã “đất chật, người đông”, các ngành TTCN theo hình thức làng nghề. Trong đó, làng nghề bún, bánh Hùng Lô là một điển hình về kinh tế. Nhờ sự phát triển mạnh của các làng nghề, Hùng Lô luôn là một trong những địa phương đóng góp ngân sách lớn cho thành phố”.

Theo thống kê của UBND xã, trong nhiều năm trở lại đây, tổng giá trị sản xuất toàn xã Hùng Lô luôn đạt trên 120 tỷ đồng/năm. Trong đó, các ngành TTCN và dịch vụ luôn chiếm tỷ trọng trên 80% (còn lại là nông nghiệp, dưới 20%).

Với hơn 80% người dân làm nghề bún, bánh, mỳ gạo, địa bàn khu 8 và khu 9 là hai khu vực sản xuất phát triển mạnh nhất của xã Hùng Lô. Anh Phan Văn Minh – một chủ cơ sở sản xuất mỳ gạo, cho biết trong khoảng 5 năm trở lại đây, làng nghề đã được hiện đại hóa lên nhiều. Máy móc, thiết bị được đầu tư mạnh, nguồn vốn và thị trường ổn định. Nhờ vậy mà kinh tế người dân làm nghề ổn đỉnh hơn nhiều.

“Cơ sở của tôi thành lập từ năm 2007, trước đây chỉ sản xuất nhỏ tại nhà. Sau khi nhận được nguồn vốn đầu tư từ quỹ TDND trong xã, tôi đã mạnh dạn mở rộng sản xuất. Đến nay, xưởng hoạt động khá tốt với trang bị máy móc tại nhiều khâu sản xuất, tạo việc làm ổn định cho 4 công nhân, với mức lương từ 3,5 – 4 triệu đồng/người/tháng”, anh Minh chia sẻ.

Nhờ sản xuất sạch hơn

Theo ông Nguyễn Tiến Đức, có nhiều nguyên nhân để Hùng Lô có được thành quả như ngày nay. Đầu tiên, là tiềm lực con người. Người dân Hùng Lô khá năng động, tự chủ trong sản xuất, có ý thức tự vươn lên, phát triển kinh tế gia đình. Thứ hai là hoạt động rất hiệu quả của quỹ TDND trong xã, giải quyết tốt vấn đề vốn sản xuất cho người dân. Quỹ TDND không chỉ cung cấp vốn, mà còn giám sát việc sử dụng đồng vốn của người dân.

Thứ ba là hoạt động gây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường. Chính quyền và người dân làm nghề luôn có ý thức cao trong việc bảo đảm chất lượng sản phẩm, bảo đảm uy tín của làng nghề, đồng thời, tích cực quảng bá sản phẩm, mở rộng thêm thị trường tiêu thụ. Trong đó, chợ Hùng Lô với quy mô ngày càng lớn, thu hút khách hàng, tạo đầu ra cho sản phẩm.

Tuy nhiên, theo ông Đức, lý do quyết định cho sự đột phá hiện tại của Hùng Lô là nhờ hoạt động SXSH. Mô hình SXSH, sau hơn 5 năm triển khai, đã tạo động lực lớn cho hoạt động sản xuất và đặc biệt là giảm thiểu đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng nghề, giúp làng nghề phát triển bền vững.

“Trước đây, 80% cơ sở sản xuất tại Hùng Lô không có hệ thống xử lý chất thải, gần 70% máy móc thô sơ lạc hậu, lượng chất thải gia tăng, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhưng kể từ khi áp dụng SXSH, ý thức người dân được nâng cao, máy móc được hiện đại hóa, góp phần tăng năng suất lao động và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường”, ông Đức, cho biết.

Các hộ làm nghề tại Hùng Lô chia sẻ, việc áp dụng mô hình SXSH giúp tiết kiệm gần 10% chi phí nguyên liệu, năng xuất tăng lên hơn 20%. Đặc biệt, lượng chất thải và khí thải đã được giảm thiểu nhờ hệ thống thoát nước, và xử lý khói bụi được trang bị tại từng cơ sở.

“Mô hình SXSH không chỉ phát huy hiệu quả tại Hùng Lô, mà đang được triển khai tại nhiều làng nghề tại Phú Thọ. Đây là một mô hình tiên tiến, có hiệu quả rất cao, vì vậy, nếu được đầu tư triển khai rộng rãi thì đây là lối thoát cho vấn đề ô nhiêm làng nghề hiện tại”, ông Nguyễn Tiến Đức, nói.

Theo sxsh.vn

Hải Phòng: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sản xuất sạch hơn

Công tác tuyên truyền được xác định là một trong những hoạt động quan trọng giúp triển khai có hiệu quả kế hoạch hành động sản xuất sạch hơn (SXSH) trong công nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Sản xuất sạch hơn Hải Phòng đã xây dựng và đưa ra được nhiều giải pháp tuyên truyền hữu hiệu nhằm nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và các cơ quan, cán bộ quản lý trên địa bàn thành phố.

Thực hiện các nhiệm vụ được giao, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Sản xuất sạch hơn Hải Phòng đã tổ chức đa dạng các hình thức tuyên truyền như: tổ chức xây dựng phóng sự phát trên đài truyền hình, thực hiện tuyên truyền trên các ấn phẩm báo giấy, báo mạng cũng như tổ chức nhiều hội nghị hướng dẫn áp dụng sản xuất sạch hơn trong những cơ sở sản xuất thuộc các làng nghề, các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.Qua đó, Trung tâm đã tổ chức 08 lớp tập huấn với nội dung phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật; kiến thức cơ bản, các phương pháp áp dụng SXSH phù hợp với từng loại đối tượng doanh nghiệp nhằm nâng cao sự hiểu biết, nhận thức, kiến thức và kỹ năng của đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật ; cho Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho cán bộ chuyên trách trong lĩnh vực SXSH của các quận, huyện trên địa bàn thành phố, các ngành sản xuất trọng điểm của Hải Phòng như : Ngành thép, hóa chất, vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm, sản xuất gia công gỗ và giấy trên địa bàn Hải Phòng từng bước áp dụng sản xuất sạch hơn vào sản xuất tại cộng đồng doanh nghiệp. đồng thời tổ chức tham quan thực tế cho các học viên tại những doanh nghiệp áp dụng mô hình SXSH.

Ngoài ra Trung tâm còn tổ chức 02 hội thảo về SXSH và thực hiện dự án hợp tác Quốc tế JICA cấp cơ sở về “hỗ trợ cải thiện môi trường thông qua ứng dụng SXSH tại Hải Phòng” thu hút hơn 250 khách quan tham dự.
Bên cạnh đó Trung tâm còn xây dựng thực hiện 02 bộ phim tài liệu và phóng sự về hiện trạng SXSH trong công nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng phát trên đài phát thanh truyền hình của thành phố.

Hiện tại, Trung tâm đang phối hợp với Sở Ngoại Vụ, Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam thực hiện Dự án “Thành phố Hải Phòng tăng cường năng lực phòng chống biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai” (HRCD). Thông qua việc thúc đẩy việc tìm hiểu, áp dụng các kiến thức và giải pháp về áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn có khả năng ứng dụng thực tế tại doanh nghiệp, để giúp giảm nhẹ rủi ro thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường nâng cao nhận thức của cộng đồng về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, Trung tâm cũng đang tích cực triển khai thực hiện Dự án “Chuyển hóa Cacbon thấp trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng” do Bộ Ngoại giao Đan Mạch tài trợ và Bộ Công Thương chỉ đạo. Dự án đã nhận được quan tâm lớn của các doanh nghiệp trong 03 nghành Sản xuất gạch, gốm sứ và chế biến thực phẩm. Qua việc triển khai dự án sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp cải tiến dây truyền công nghệ, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm  giúp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Theo http://ecchaiphong.gov.vn

Trà Vinh: Sản xuất sạch hơn – Giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại hội nhập

Sản xuất sạch hơn (SXSH) đã trở thành một trong những xu thế, chiến lược quan trọng của ngành công nghiệp của các nước trên thế giới, để hướng tới mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguyên vật liệu và năng lượng.

Thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn (SXSH) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1419/QĐ-TTg của Chính phủ ngày 07/9/2009 về việc thực hiện chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020. Từ năm 2010 đến nay, Sở Công Thương  đã phối hợp với các đơn vị tư vấn triển khai thực hiện 01 cuộc Hội thảo, 03 lớp tập huấn, in ấn 2.800 tờ rơi tuyên truyền SXSH và hỗ trợ đánh giá SXSH cho 11 doanh nghiệp, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến tôm khô, cá khô theo công nghệ mới. Với tổng kinh phí thực hiện là 2,114,365,000 đồng. Trong đó, vốn khuyến công hỗ trợ là 819.468.500 đồng, vốn đối ứng của doanh nghiệp là 1.294.896.500 đồng. Hoạt động này đã giúp cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của Chương trình sản xuất sạch hơn, những chủ trương, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ cho doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Từ đó, giúp các doanh nghiệp của tỉnh thay đổi cách nhìn về chương trình Sản xuất sạch hơn, vì chương trình này sẽ mang lại hiệu quả trực tiếp cho doanh nghiệp về mặt kinh tế, xã hội và thân thiện với môi trường.

Đặc biệt sau khi được hỗ trợ đánh giá nhanh SXSH, các doanh nghiệp đã được chuyên gia tư vấn và chỉ ra những thất thoát, lãng phí trong quá trình sản xuất cũng như các vấn đề liên quan đến việc tuân thủ môi trường và đề ra các giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp có thể áp dụng SXSH để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nguyên liệu, nhiên liệu, giảm thiểu phát thải và chi phí sản xuất. Điển hình như: Công ty CP thủy sản Cửu Long đã tiết kiệm được 5,2% lượng điện năng tiêu thụ, 27% nước, 33% dầu đốt lò hơi; Công ty TNHH MTV Mía đường Trà Vinh tiết kiệm được 5% điện, 10% nước, 5% nhiên liệu…, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Để tiếp tục thực hiện chiến lược sản xuất sạch hơn, ngày 21/12/2015 Sở Công Thương Trà Vinh xây dựng và đã được UBND tỉnh đã ban hành tại Quyết định số 2377/QĐ-UBND về phê duyệt “Kế hoạch hành động về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đến năm 2020”, những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện được nêu cụ thể như sau:

Một là: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về SXSH trong công nghiệp

Tuyên truyền nâng cao nhận thức về SXSH thông qua các phương tiện thông tin đại chúng với nhiều hình thức và đa dạng về các loại bài viết. Đồng thời, Tổ chức các cuộc thi truyền thông về SXSH; Tổ chức hội thảo, hội nghị để giới thiệu và phổ biến SXSH, giới thiệu các mô hình điển hình áp dụng SXSH, chia sẽ kinh nghiệm về việc áp dụng SXSH giữa các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Tổ chức các lớp tập huấn tại địa phương cử tham gia các lớp tập huấn do trung ương tổ chức nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ để phổ biến, tư vấn và thực hiện SXSH và tổ chức tham quan học tập các mô hình áp dụng SXSH  ở ngoài tỉnh

Hai là: Hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật thúc đẩy phát triển SXSH trong công nghiệp

Xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Ủy ban nhân dân tỉnh về áp dụng SXSH trong công nghiệp. Đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy sản xuất sạch hơn trong công nghiệp phát triển; Thực hiện lồng ghép SXSH  vào quy hoạch phát triển ngành công nghiệp; chiến lược phát triển kinh tế xã hội; chương trình, kế hoạch bảo vệ môi trường của tỉnh.

Ba là: Xây dựng mạng lưới triển khai, hỗ trợ áp dụng SXSH 

Nhằm tạo được sự đồng bộ và hoạt động có hiệu quả, Sở Công thương sẽ thành lập Tổ tư vấn và áp dụng SXSH cho các cơ sở sản xuất công nghiệp tại Sở Công Thương và xây dựng mạng lưới hỗ trợ thực hiện SXSH tại các huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, hình thành các bộ phận phụ trách về SXSH tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ để áp dụng, duy trì thực hiện SXSH.

Bên cạnh đó, để giảm bớt thủ tục hành chính và tạo sự thông thoáng cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, Sở Công thương cũng sẽ xây dựng hệ thống báo cáo đánh giá thực hiện SXSH: Mẫu biểu, quy trình báo cáo, xây dựng cơ sở dữ liệu về báo cáo, hệ thống đánh giá thực hiện SXSH.

Bốn là: Hỗ trợ kỹ thuật về áp dụng SXSH cho các cơ sở sản xuất công nghiệp 

Để có cơ sở triển khai các hoạt động áp dụng SXSH, sở công thương xây dựng bộ dữ liệu về tiềm năng áp dụng SXSH cho một số ngành công nghiệp chủ yếu trên địa bàn tỉnh. Từ đó, tùy theo ngành nghề và quy mô của cơ sở CNNT để lựa chọn kỹ thuật cho phù hợp, như: Kỹ thuật tích hợp SXSH với các công cụ quản lý môi trường, các công cụ quản lý khác tại doanh nghiệp; Kỹ thuật đánh giá nhanh và chi tiết SXSH; Kỹ thuật áp dụng công nghệ SXSH và các hướng dẫn kỹ thuật khác có liên quan. Ưu tiên cho các ngành công nghiệp mũi nhọn và các ngành nghề, làng nghề sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm cao;

Năm là: Xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu và chuyên mục về SXSH trong công nghiệp

Đây là bộ dữ liệu để cơ sở công nghiệp nông thôn tham khảo và chia sẽ kinh nghiệm và lựa chọn những phương pháp thích hợp; Vì vậy, Sở Công thương sẽ ây dựng, duy trì, cập nhật chuyên mục về SXSH trên Webisite của Sở Công Thương. Các nội dung của mục này bao gồm:

Cập nhật cơ sở dữ liệu đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch hành động SXSH trong công nghiệp đến năm 2020; Các giải pháp ứng dụng SXSH; các mô hình trình diễn, tài liệu tham khảo về SXSH; thường xuyên cập nhật bộ cơ sở dữ liệu hỗ trợ việc thực hiện SXSH.

Theo sxsh.vn

Phát triển khu công nghiệp sinh thái – xu hướng xanh hóa công nghiệp tại Việt Nam

Khu công nghiệp sinh thái (KCNST) là một “cộng đồng” các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ có mối liên hệ mật thiết trên cùng một lợi ích, cùng hướng tới một hoạt động mang tính xã hội, kinh tế và môi trường chất lượng cao, thông qua sự hợp tác trong quản lý các vấn đề môi trường và tài nguyên.

KCNST kiểu mẫu trên thế giới 

Kalundborg ở Đan Mạch được xem là một ví dụ điển hình để hình thành hệ thống lý luận sinh thái học công nghiệp và các KCNST trên thế giới. Thành phần chính tham gia vào KCN này bao gồm: Nhà máy nhiệt điện lớn nhất tại Đan Mạch – Nhà máy điện Asnaes; Nhà máy lọc dầu Staltoil, Nhà máy sản xuất dược phẩm và enzym Novo Nordisk; Nhà máy sản xuất ván trát tường Gyproc – nhà máy lớn nhất vùng Scandinavia, đô thị Kaludborg, phân phối nước, điện cho 20.000 người dân. Sự cộng sinh đã phát triển qua nhiều năm bao gồm các đối tác từ các huyện khác, cũng như nông trại. Các công ty tham gia trao đổi nguyên liệu và năng lượng vì lợi ích chung, trên cơ sở đó phế thải từ một công ty này có thể được sử dụng như là đầu vào chi phí thấp cho công ty khác.Những nguyên tắc cơ bản làm nền tảng cho sự hình thành quan hệ cộng sinh trong KCN Kalundborg bao gồm: Sự phù hợp giữa các ngành công nghiệp trên phương diện “Trao đổi chất thải”; Khoảng cách (về vị trí địa lý giữa các nhà máy không quá lớn; Mỗi nhà máy đều nắm được thông tin liên quan đến các nhà máy khác trong KCN; Động cơ thúc đẩy các nhà máy tham gia vào KCNST là sự phát triển kinh tế bền vững; Sự phối hợp giữa các nhà máy là
trên tinh thần tự nguyện và phù hợp với quy định của cơ quan chức năng.

Thực tế vận hành KCNST từ năm 1972-2003 cho thấy mang lại lợi ích thiết thực như sau (Côté và Hakk, 1995; Cohenrosenthal và McGalliard, 2003): Giảm tiêu thụ nguồn tài nguyên (Dầu:19.000 tấn/năm, than đá: 30.000 tấn/năm, nước: 600.000 m3/năm); Giảm lượng khí thải phát sinh: CO2: 130.000 tấn/năm, SO2: 3.700 tấn/năm: Tái sử dụng phế phẩm (Tro: 135 tấn/năm, Sulphua: 2.800 tấn/năm, Thạch cao: 80.000 tấn/năm, Nito trong bùn: 800.000
tấn/năm).

Theo “Sổ tay phát triển KCNST cho các nước đang phát triển châu Á” của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), KCNST cần tập trung vào 7 lĩnh vực cơ bản sau:

  • Hài hòa với thiện nhiên;
  • Hệ thống năng lượng;
  • Quản lý dòng nguyên liệu và chất thải;
  • Cấp thoát nước;
  • Quản lý KCNST hiệu quả;
  • Xây dựng/cải tạo;
  • Hòa nhập với công đồng địa phương

Có thể phân loại KCNST thành 5 nhóm sau:

  • KCNST nông nghiệp;
  • KCNST tái tạo tài nguyên;
  • KCNST năng lượng tái sinh;
  • KCNST nhà máy điện;
  • KCNST lọc hóa dầu hay hóa chất.


Hiện trạng và xu hướng phát triển các KCNST tại Việt Nam

Tại Việt Nam, với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Việt Nam đã và đang chú trọng đầu tư và phát triển các KCN. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các KCN, cụm công nghiệp hiện tại không tuân theo quy hoạch thống nhất, một số nơi thiếu cơ sở khoa học do chưa được giải quyết đồng bộ giữa đầu tư cơ sở hạ tầng và bảo vệ môi trường. Hiện tại, chỉ có một số KCN, KCX ở phía Nam hoạt động theo mô hình KCNST.

Ví dụ: KCX Linh Trung I (TP.HCM) có tổng diện tích 62 ha hoạt động từ năm 1995 với 26 công ty. Đây là nơi tập hợp của các cơ sở sản xuất và dịch vụ cùng hướng tới một mục đích là nâng cao chất lượng môi trường và nguồn tài nguyên. Tất cả các cơ sở sản xuất trong KCX đều thực hiện trao đổi chất thải với Công ty Liên doanh Sepzone hoặc với các cơ sở thu mua phế liệu, tái sinh, tái chế hoặc xử lý chất thải bên ngoài KCX;
KCN Nhơn Trạch 2 (Đồng Nai) thành lập năm 1997 trên địa bàn 2 xã Hiệp Phú và Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, với diện tích 347 ha, với các ngành công nghiệp như: dệt may, cơ khí chế tạo, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến sản phẩm gỗ, thực phẩm, hóa chất và hóa mỹ phẩm, điện tử, điện gia dụng… KCN hình thành một mạng lưới trao đổi chất thải, giấy caton được sử dụng để sản xuất hộp cát tông, nguyên liệu vải, sợi phế liệu được sử dụng để sản xuất các sản phẩm như giẻ lau, bụi bông… Còn mạng lưới trao đổi chất thải bên ngoài KCN được thiết lập đối với tái chế phế liệu như: nhựa, giấy và cát tông… Chất thải rắn, khí thải đều được xử lý, còn nước thải được xử lý và tái sử dụng cho các thiết bị vệ sinh ở khu lưu trú của công nhân (240 m³/ngày), tưới cây (500 m³/ngày) ngoài ra nước thải sau xử lý là 7.500 m³/ngày.

Có thể nói, việc áp dụng KCNST tại Việt Nam là một trong những giải pháp để hướng đến Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Phát triển KCNST có thể cải thiện hoạt động kinh tế, đồng thời giảm thiểu các tác động tới môi trường bởi nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên và giảm thải bỏ chất thải, thích hợp cho phát triển công nghiệp xanh. Tuy nhiên, để phát triển và nhân rộng mô hình này tại Việt Nam thì hệ thống chính sách đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) chuyển giao công nghệ, áp dụng phương thức sản xuất sạch hơn, để giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng năng lượng hiệu quả, đặc biệt là kết nối các DN với nhau, góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường và giảm chi phí sản xuất.

Với 5 hợp phần, thời gian tới, Dự án sẽ tập trung vào những nhiệm vụ sau:

  • Xây dựng các chính sách và quy định, tiêu chí của KCNST;
  • Tăng cường năng lực lập quy hoạch và quản lý KCNST cho các cơ quan quản lý KCN ở Trung ương và địa phương;
  • Thúc đẩy chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ sạch, phát thải ít các-bon, phương thức sản xuất an toàn và sử dụng hiệu quả tài nguyên cho các DN trong KCN;
  • Xác định, hỗ trợ kỹ thuật và tiếp cận tài chính ưu đãi để đầu tư ứng dụng công nghệ sạch và sử dụng hiệu quả tài nguyên cho các DN tại những KCN thực hiện thí điểm;
  • Triển khai thí điểm các dự án chuyển đổi thành KCNST;
  • Nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển KCNST.

Hiện nay, khái niệm KCNST vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam, các quy định, văn bản pháp quy về KCNST hầu như chưa có, do vậy, bên cạnh mang lại các lợi ích cho DN, Dự án cũng tổ chức các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý nhà nước liên quan, đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể cho việc chuyển đổi từ KCN cũ sang KCNST. Từ việc thực hiện thí điểm của các KCN, sẽ xây dựng, ban hành văn bản pháp quy quy định về mô hình KCNST, trong đó sẽ bao gồm khái niệm KCNST, các điều kiện cụ thể để chuyển đổi thành KCNST, quy định các cơ chế, chính sách để khuyến khích các DN, công ty phát triển hạ tầng KCN chuyển đổi thành KCNST.

Đây là những bước đi đầu tiên để phát triển các KCNST theo hướng hiện đại, thân thiện với khí hậu tại Việt Nam, hi vọng dự án này sẽ là tiền để để nhân rộng các mô hình KCNST trên toàn quốc.

Theo sxsh.vn

 

Chi 22 triệu đô để giảm phát thải cacbon từ chung cư cao tầng VN

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục Dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam”.

Dự án được Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ không hoàn lại từ nguồn viện trợ của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF).

Dự án trên được thực hiện 4 năm với tổng hạn mức vốn 22.476.550 USD; trong đó, vốn ODA do GEF viện trợ không hoàn lại thông qua UNDP 3.198.000 USD, vốn đối ứng và đồng tài trợ của các cơ quan phía Việt Nam 19.278.550 USD.

Chi 22 triệu đô để giảm phát thải cacbon từ chung cư cao tầng VN - 1

Ảnh minh họa

Mục tiêu của Dự án là giảm lượng phát thải Cacbon bằng cách nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Mức giảm phát thải trực tiếp CO2eq ước tính khoảng 37.680 tấn CO2 tính đến thời điểm Dự án kết thúc và tổng lượng phát thải CO2 trực tiếp giảm được trong cả chu kỳ dự án là 236.382 tấn CO2eq. Mức giảm phát thải gián tiếp ước tính giảm 6% lượng phát thải hàng năm cộng dồn trong 10 năm sau khi Dự án kết thúc.

Theo khampha.vn

Việt Nam xây dựng lộ trình tham gia thị trường các-bon

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ.

Dự án nhằm tăng cường năng lực xây dựng, thực hiện và phổ biến các chính sách, công cụ quản lý nhà nước đối với các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA), hình thành công cụ thị trường, thí điểm NAMA tạo tín chỉ các-bon và xây dựng lộ trình tham gia thị trường các-bon trong nước và thế giới.

Dự án sẽ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về phát thải khí nhà kính, công cụ thị trường các-bon và lộ trình tham gia thị trường các-bon trong lĩnh vực chất thải rắn; xây dựng và triển khai thí điểm NAMA tạo tín chỉ các-bon, hệ thống báo cáo các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và lộ trình tham gia thị trường các-bon trong lĩnh vực sản xuất thép; tăng cường năng lực quản lý, kiểm tra, giám sát và thực hiện các hoạt động về NAMA và NAMA tạo tín chỉ các-bon.

1445869021-3

Khí thải từ một nhà máy gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh minh họa)

Tổng mức vốn của Dự án là 3,6 triệu USD, trong đó, vốn ODA 3 triệu USD do Chương trình “Sẵn sàng tham gia thị trường các – bon quốc tế” viện trợ không hoàn lại và ủy thác thông qua WB tại Việt Nam.

Theo kế hoạch, nguồn vốn cụ thể cho các cơ quan tham gia thực hiện Dự án được phân bổ như sau: Bộ Tài nguyên và Môi trường 1,26 triệu USD; Bộ Công Thương 760.000 USD; Bộ Xây dựng 700.000 USD; Bộ Kế hoạch và Đầu tư 140.000 USD; Bộ Tài chính 140.000 USD. Vốn đối ứng 600.000 USD (tương đương 13 tỷ VNĐ).

Thời gian thực hiện Dự án là 36 tháng sau khi Văn kiện Dự án được phê duyệt. Bộ Tài nguyên và Môi trường là Cơ quan chủ quản Dự án.

Theo khampha.vn