Bình Thuận: Thành quả từ công tác tư vấn sản xuất sạch hơn

Bình Thuận hiện có trên 6000 cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động, chủ yếu là các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ với công nghệ sản xuất lạc hậu, gây thất thoát lớn về tài nguyên, năng lượng cũng như các nguyên nhiên vật liệu. Để giúp các doanh nghiệp thay đổi nhận thức và từng bước chủ động áp dụng các giải pháp hướng đến sản xuất sạch hơn (SXSH), Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận đã đẩy mạnh công tác tư vấn cũng như đánh giá SXSH. Hoạt động này bước đầu đã mang lại nhiều kết quả khả quan. 

Nhằm đạt mục tiêu đến năm 2015 có 50% cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhận thức được lợi ích của SXSH trong công nghiệp; 25% cơ sở áp dụng SXSH, tiết kiệm được từ 5-8% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, vật liệu trên đơn vị sản phẩm, Trung tâm Khuyến công Bình Thuận thuộc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách về SXSH, đã tiến hành rà soát các cơ sở sản xuất, DN trọng điểm, có năng lực để tư vấn trực tiếp, giải thích cặn kẽ để cơ sở sản xuất, DN mạnh dạn áp dụng SXSH.

Theo Quyết định số 2107/QĐ-UBND ngày 25/10/2012 của Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Bình Thuận về thực hiện Chương trình SXSH trong công nghiệp, UBND tỉnh hỗ trợ 50% chi phí tư vấn đánh giá nhanh về SXSH trong công nghiệp cho 05 cơ sở sản xuất, DN trên địa bàn tỉnh. Quyết định này khuyến khích các DN quan tâm đến SXSH.

Ông Hồ Sơn Hùng – Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho biết: “Các chính sách ưu tiên của tỉnh góp phần nâng cao số lượng các DN trên địa bàn tỉnh áp dụng SXSH, giúp các DN tiết kiệm chi phí sản xuất. Sở cũng giao cho Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp nhanh chóng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư vấn, đánh giá và triển khai mạnh mẽ hoạt động tư vấn những giải pháp tích cực để giúp DN cải thiện mức độ ô nhiễm trong môi trường làm việc, nguồn phát thải, tiến tới kiểm soát ô nhiễm tại nguồn”.

Cũng theo ông Hùng, trên cơ sở kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện Chương trình SXSH trong công nghiệp năm 2014-2015 được UBND tỉnh phê duyệt, từ đầu năm 2015 đến nay sở đã tiến hành thu thập thông tin, số liệu; giới thiệu phương pháp luận SXSH; đánh giá hiện trang môi trường; định lượng đánh giá đầu vào/đầu ra; đánh giá sơ bộ cũng như nhận dạng chi phí thấp và cao tại 03/05 cơ sở sản xuất công nghiệp.

Qua công tác đánh giá nhanh, bước đầu các chuyên gia đã nhận dạng các lỗi và tồn tại có thể khắc phục để tiết kiệm chi phí sản xuất cho DN.

Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện, phía Sở Công Thương nhận định hiện năng lực tài chính của các DN còn hạn chế do đa phần là DN vừa và nhỏ nên khả năng để đầu tư áp dụng các giải pháp chuyên sâu về SXSH còn hạn chế. Do vậy, để công tác SXSH đạt hiệu quả cao, ngoài các chế tài quy định về hoạt động này cần cụ thể hơn thì các DN cũng mong muốn có cơ chế tài chính hỗ trợ cho các DN để thực hiện tốt công tác trên.

Theo Thu Hường – ven.vn

 

Tăng cường hỗ trợ chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp

Sáng 18-9, Sở Công Thương tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện công tác khuyến công trên địa bàn giai đoạn 2005 – 2015. Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết và Giám đốc Sở Công Thương Phan Văn Kha đồng chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo của Sở Công thương, từ năm 2005 đến 2015, hầu hết các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn đã phát huy hiệu quả tốt sau khi tiếp nhận hỗ trợ từ Chương trình khuyến công, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước tăng đóng góp cho ngân sách. Số lượng các cơ sở công nghiệp nông thôn từ 667 cơ sở đã tăng lên 990 cơ sở; giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp huyện Hòa Vang cũng có sự chuyển dịch tăng từ 338 tỷ đồng (năm 2005) đến 1.532 tỷ đồng (năm 2014). Với tổng kinh phí khuyến công 7.400 triệu đồng, Sở Công thương chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp phối hợp các cơ sở công nghiệp nông thôn tổ chức đào tạo nghề với nhiều ngành nghề đa dạng: chạm khắc đá mỹ nghệ, sản xuất chổi đót, sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, may công nghiệp, sản xuất mây tre đan. Số lao động có việc làm đạt khoảng 85% với mức thu nhập bình quân trên 2 triệu đồng/ người/ tháng. Đặc biệt, 24 mô hình trình diễn kỹ thuật chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc hiện đại , xây dựng mô hình thí điểm về sản xuất sạch hơn… đã thu hút 44 tỷ đồng vốn đầu tư của doanh nghiệp, tập trung các lĩnh vực cơ khí sửa chữa, chế biến nông sản, thủy sản, sản xuất bao bì cacton, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ…Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Kha – Giám đốc Sở Công Thương cho biết hiện hoạt động khuyến công tại Đà Nẵng chủ yếu tập trung tại Huyện Hòa Vang. Với kinh phí khá khiêm tốn (bình quân 160 triệu đồng/năm), một số đề án không thực hiện được hoặc tiến độ chậm do các cơ sở không đủ vốn, không vay được vốn hoặc do bị ảnh hưởng bởi tiến độ đầu tư nhà xưởng, mặt bằng sản xuất kéo theo việc triển khai thiết bị chậm lại. Công tác xây dựng kế hoạch, đề án khuyến công còn nhiều khó khăn do doanh nghiệp còn tâm lý e ngại, chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, hiệu quả của hoạt động khuyến công mang lại đối với đơn vị, nên chưa mặn mà phối hợp triển khai đề án. Công tác tuyên truyền giới thiệu các mô hình sản xuất sản phẩm mới, công nghệ sản xuất mới, nhân rộng mô hình còn hạn chế.

Cũng theo ông Kha, trong giai đoạn 2016 -2020, công tác khuyến công thành phố sẽ  tập trung đẩy mạnh phát triển cơ sở công nghiệp nông thôn trên cơ sở hỗ trợ thúc đẩy các ngành nghề, sản phẩm đang có lợi thế, khôi phục, phát triển những ngành nghề truyền thống, ngành nghề phù hợp với địa phương: hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo, hàng đặc sản, hàng lưu niệm phục vụ du lịch và xuất khẩu. Đặc biệt, đa dạng hóa các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ áp dụng mô hình sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu và giảm thiểu phát thải, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm. Hỗ trợ mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp nhằm tạo sức lan tỏa trong việc ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp.

Nhân dịp này, 7 tập thể, cá nhân được Sở Công thương thành phố và 3 tập thể được UBND thành phố trao tặng bằng khen vì những đóng góp trong hoạt động khuyến công giai đoạn 2005 – 2015.

Theo danang.gov.vn

 

Nâng cao chất lượng sản phẩm nhờ đổi mới công nghệ

Với sự hỗ trợ một phần kinh phí từ Bộ Công Thương thông qua nguồn Quỹ Khuyến công Quốc gia, năm 2014, công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (Đông Triều, Quảng Ninh) đã đầu tư đổi mới toàn bộ dây chuyền sản xuất nhằm cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu các sản phẩm gốm mỏng có chất lượng và thẩm mỹ cao. Đây là dự án được hình thành dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học từ sáng chế, giải pháp hữu ích đạt giải Nhất tại Hội thi sáng tạo tỉnh Quảng Ninh năm 2012 của kỹ sư Lê Ngọc Thạch – Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh. 

Nâng cao chất lượng sản phẩm nhờ đổi mới công nghệ

Ông Hoàng Đức Khá – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Quảng Ninh cho biết: “Dựa trên nghiên cứu đã đạt được và mục tiêu nâng cao chất lượng, đổi mới sản phẩm, hướng đến sản xuất xanh, phát triển bền vững, từ tháng 9/2013 đến tháng 4/2014, Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh đã triển khai dự án ứng dụng thiết bị, công nghệ  kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất gốm sứ gia dụng chất lượng cao với tổng kinh phí gần 9,8 tỷ đồng, quy mô sản xuất trên 3 triệu sản phẩm/năm. Đề án sau khi hoàn thành sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm nguyên liệu đầu vào và giảm chi phí tới 30% so với công nghệ truyền thống nhưng lại có được giá bán sản phẩm cao hơn gần 20%, đem lại doanh thu khoảng 250 tỷ mỗi năm cho doanh nghiệp”.

Cụ thể, công ty đã đầu tư 4 lò nung gốm bằng khí gas với công nghệ tiên tiến của Cộng hòa Liên bang Đức, khi nung gốm mỏng sẽ giảm bớt được khoảng 30% lượng khí gas, đây chính là yếu tố giúp giảm giá thành sản phẩm, tiết kiệm chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, việc tạo hình các sản phẩm gốm mỏng làm cho lượng đất sét nguyên liệu giảm đi rất nhiều.

Ông Lê Ngọc Thạch – Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh cho biết: “Hiện nay trên 60% sản phẩm gốm của chúng tôi sử dụng công nghệ tiên tiến và được nhiều đối tác nước ngoài yêu thích, đánh giá rất cao bởi ưu điểm của các sản phẩm là có độ mỏng hơn từ 50-70% so với sản phẩm gốm truyền thống. Công nghệ lò đốt bằng gas không gây ô nhiễm môi trường, trong khi đó nguyên liệu đất sét được lựa chọn ngay từ ban đầu nên các tạp chất hầu như không có, do đó không để lại rác thải ra môi trường”.

Đặc biệt, việc thu hồi hơi nóng dư thừa ở lò nung gốm sứ để cho công đoạn sấy hàng mộc đã được công ty tận dụng tối đa. Quá trình vận hành và hoạt động của hệ thống hoàn toàn tự động. Giải pháp này là một trong nhiều công đoạn quan trọng trong sản xuất gốm sứ vì nó quyết định đến hiệu quả, năng suất, chất lượng của các công đoạn sau đó và liên quan đế tỷ lệ hàng đạt tiêu chuẩn cũng như giá thành sản phẩm hàng hóa được bán ra thị trường.

Với 3 lò sấy hàng mộc có tổng công suất 192m3, một ngày sấy 2 lượt bằng 5.500-6.000 sản phẩm, doanh nghiệp đã tiết kiệm được nhiên liệu than trị giá mỗi tháng là 108 triệu đồng và tăng năng suất lao động 200%. Giải pháp này không những góp phần tạo ra những sản phẩm đẹp, chất lượng cao, giảm tỷ lệ sản phẩm lỗi, hỏng, mà còn cải thiện tích cực điều kiện làm việc cho người lao động cũng như bảo vệ môi trường sản xuất và khu vực xung quanh nhà máy.

Ông Thạch khẳng định công tác giáo dục ý thức công nhân trong việc bảo vệ môi trường, vệ sinh nhà xưởng, khu vực sản xuất… nhằm hướng đến sản xuất sạch hơn sẽ luôn được công ty quan tâm và thực hiện thường xuyên trong thời gian tới.

Theo Minh Kỳ – ven.vn

Hà Nội trình Kế hoạch hành động sản xuất sạch hơn trong công nghiệp giai đoạn 2016-2020

Thông tin từ Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng Hà Nội (ECC Hà Nội) cho biết ECC Hà Nội đã trình dự thảo Kế hoạch hành động sản xuất sạch hơn trong công nghiệp giai đoạn 2016-2020 lên UBND thành phố.

Theo đó, giai đoạn 2016-2020 Hà Nội sẽ tập trung vào 4 nhiệm vụ chính gồm: Phổ biến, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho các cấp, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố; hỗ trợ kỹ thuật về áp dụng sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao và ứng dụng thiết bị công nghệ tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật và sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp cho các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố; Nâng cao năng lực cán bộ các cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ các cơ sở sản xuất công nghiệp về sản xuất sạch hơn thông qua những hoạt động tư vấn, tập huấn, đào tạo, hội thảo, diễn đàn, tham quan, khảo sát; Xây dựng vận hành trang thông tin điện tử về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn thành phố..

Đồng thời 4 dự án cũng được xây dựng gồm: Đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; Tuyên truyền nâng cao nhận thức về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; Đẩy mạnh áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn thành phố; Xây dựng, vận hành trang thông tin điện tử về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.

Theo Thu Hường – ven.vn

Hội nghị tập huấn tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn tại Quảng Bình

Ngày 18/9, Sở Công thương tỉnh Quảng Bình tổ chức hội nghị tập huấn về sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng. Tham dự có đại diện lãnh đạo và công chức các phòng, ban, đơn vị trực thuộc các sở, ngành, đoàn thể liên quan, UBND các huyện, thị, thành phố và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ trên địa bàn.

 Tại hội nghị tập huấn, các đại biểu đã được phổ biến các văn bản pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như: Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả số 50/2010/QH12, ngày 17-6-2010 của Quốc hội; Nghị định số 21/2011/NĐ-CP, ngày 29-3-2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg, ngày 12-9-2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu quả năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện; Thông tư số 09/2012/TT-BTC, ngày 20-4-2012 của Bộ Công Thương quy định về việc lập kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Nghị định số 134/2013/NĐ-CP, ngày 17-10-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Quyết định số 1427/QĐ-TTg, ngày 2-10-2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012-2015.

Hội nghị cũng đã dành thời gian cho các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về việc áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.

Theo tietkiemnangluong.com.vn

Sản xuất công nghiệp sạch hơn, hiệu quả hơn

Tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm luôn là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp (DN). Sản xuất sạch hơn (SXSH) được xem là một giải pháp khả thi vừa tiết kiệm chi phí sản xuất vừa bảo vệ môi trường, từ đó có điều kiện tích lũy được vốn để đầu tư đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường. SXSH phù hợp mọi qui mô sản xuất nên tất cả các mô hình sản xuất từ DN lớn đến DN nhỏ, công ty xuyên quốc gia hay cơ sở sản xuất nhỏ đều thực hiện được.

Nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu đề ra tại Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược SXSH trong công nghiệp (CN) đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và nâng cao nhận thức, ý nghĩa của việc áp dụng SXSH vào hoạt động sản xuất CN trên địa bàn, Sở Công thương đã xây dựng đề tài “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh”.

Mục tiêu của SXSH là tránh ô nhiễm bằng cách sử dụng tài nguyên, nguyên vật liệu và năng lượng một cách có hiệu quả nhất. Thay vì bị thải bỏ sẽ có thêm một tỷ lệ nguyên vật liệu nữa được chuyển vào thành phẩm hoặc để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm thì cần có sự điều chỉnh sản xuất hợp lý để tiết kiệm nguyên vật liệu, năng lượng. Để đạt được điều này cần phải phân tích, đánh giá SXSH một cách chi tiết hệ thống trình tự vận hành cũng như thiết bị sản xuất hay môi trường làm việc. Do đó, đề tài tập trung đánh giá khả năng áp dụng SXSH cho một số DN, cơ sở sản xuất CN có tiềm ẩn ô nhiễm môi trường, thất thoát nhiều nguyên, nhiên, vật liệu, sử dụng nhiều tài nguyên… Đồng thời, xây dựng mô hình áp dụng SXSH tại 1 đơn vị để theo dõi về việc giảm chi phí về nguyên, nhiên vật liệu, năng lượng, giảm chỉ số về môi trường, tăng năng suất lao động, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của DN được áp dụng. Từ đó làm cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm, triển khai nhân rộng áp dụng SXSH trong CN từ nay đến năm 2020. DN lựa chọn khảo sát và thống nhất các cơ hội triển khai áp dụng SXSH được tiến hành từ quản lý nội vi, cải tiến, khắc phục một số chi tiết hoặc thay đổi một số thiết bị, chi tiết… Thực hiện các giải pháp SXSH như: xây dựng các kế hoạch cụ thể; triển khai thực hiện các kế hoạch, giải pháp; giám sát quá trình thực hiện. Đo lường và đánh giá kết quả về mức độ tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, mức độ giảm ô nhiễm và hiệu quả kinh tế.

Đây là đề tài đầu tiên trên địa bàn tỉnh ứng dụng KHCN vào SXSH trong CN, sử dụng đồng thời nhiều phương pháp nghiên cứu đánh giá phân tích, dựa vào các tài liệu, tư liệu, thông tin đã có và tình hình áp dụng thực tế của các DN trên địa bàn để khuyến nghị các giải pháp xác đáng nhất cho việc áp dụng SXSH trong thời gian tới. Từ kết quả thực tế mang lại của mô hình áp dụng SXSH sẽ lan tỏa, tuyên truyền tính hữu ích của hoạt động SXSH đến mọi đối tượng, nhất là các DN có quy trình sản xuất tương tự. Kết quả nghiên cứu là cơ sở dữ liệu để lựa chọn đơn vị đánh giá khả năng áp dụng SXSH các năm tiếp theo; giúp thay đổi tư duy quản lý, điều hành sản xuất tại các DN, mở ra tiềm năng cải tiến công nghệ, đầu tư máy móc, sắp xếp lại quy trình sản xuất, điều chỉnh quản lý nội vi tốt hơn… Thông qua việc thực hiện đề tài này góp phần nâng cao năng lực kỹ năng tư vấn hỗ trợ DN trong áp dụng SXSH và phổ biến và tuyên truyền, giới thiệu trên thông tin đại chúng về lợi ích của việc áp dụng SXSH trong CN.

Từ năm 2009, tỉnh đã triển khai thực hiện các nội dung và nhiệm vụ của Chiến lược SXSH trong CN đến năm 2020, bước đầu đã nâng cao nhận thức, hiểu biết về lợi ích của chiến lược này trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu, năng lượng, giảm lượng phát thải ra môi trường, góp phần phát triển CN bền vững. Ông Đoàn Ngọc Tính, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương cho biết: Thời gian qua, bằng nguồn vốn hỗ trợ của trung ương, nguồn vốn khuyến công tỉnh và các nguồn vốn sự nghiệp khác, Sở Công thương đã tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo cho cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ kỹ thuật. Đồng thời, tiến hành điều tra lấy phiếu các mô hình và phân tích, lựa chọn các mô hình sản xuất CN trên địa bàn tỉnh để khảo sát theo các lĩnh vực, ngành nghề như khai khoáng; chế biến nông sản; sản xuất rượu, bia, nước giải khát; chế biến thủy sản; may mặc; sản xuất nhựa; cao su; phân bón; xi măng, gạch ngói, tấm lợp; chế tạo cơ khí, đúc gang và thép… đánh giá khả năng áp dụng SXSH. Từ kết quả khả sát, tư vấn các giải pháp áp dụng và hỗ trợ triển khai áp dụng một số nội dung từ đơn giản đến phức tạp, nội dung có thể áp dụng ngay mà không đòi hỏi nhiều kinh phí… để đánh giá, so sánh hiệu quả mang lại bước đầu, trên cơ sở đó hoàn thiện khuyến nghị các giải pháp căn cơ. Đồng thời, hỗ trợ, hướng dẫn các DN thực hiện việc kiểm toán năng lượng để đưa ra những giải pháp sử dụng năng lượng một cách hiệu quả, cùng với chính sách hỗ trợ DN về đổi mới ứng dụng tiến bộ KHCN, chính sách khuyến công, chính sách môi trường để nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ góp phần tiết kiệm nguyên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm được chi phí sản xuất, đặc biệt góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh tại các cơ sở chế biến thực phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về SXSH cũng được chú trọng nhằm tăng cường và nâng cao nhận thức, hiểu biết về lợi ích của việc áp dụng SXSH vào hoạt động sản xuất CN-TTCN cho đội ngũ cán bộ quản lý và lãnh đạo, các chủ DN, cán bộ kỹ thuật, công nhân trực tiếp sản xuất tại các nhà máy.

Trong những năm qua, sản xuất CN trên địa bàn tỉnh có mức tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của tỉnh, có vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện CNH, HĐH đất nước. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường do quá trình sản xuất CN gây ra ngày càng có chiều hướng gia tăng do hầu hết các DN, cơ sở sản xuất CN trên địa bàn thuộc loại hình DN nhỏ và vừa, công nghệ sản xuất ở mức trung bình, lạc hậu, khả năng đổi mới công nghệ tiên tiến, đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác đa số DN chưa quan tâm xử lý cuối đường ống để đáp ứng các quy định của pháp luật về môi trường. Chính vì vậy, SXSH được xem là một giải pháp quản lý môi trường theo hướng chủ động, giảm thiểu phát thải từ đầu vào sản xuất, tối ưu hoá tài nguyên và sử dụng tiết kiệm năng lượng…

Để phát triển CN bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường thì SXSH là giải pháp cần thiết giúp cơ sở sản xuất CN cải tiến từng bước các thiết bị và sắp xếp lại quy trình sản xuất phù hợp, nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu, năng lượng. Nhưng hiện nay chỉ có một số ít DN sản xuất CN nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích của việc áp dụng SXSH. Lợi ích của SXSH chưa được cộng đồng DN nhận thức đầy đủ để nó trở thành nhu cầu cấp thiết trong quá trình sản xuất của DN. Do đó, việc áp dụng SXSH vào thực tiễn cần có sự tiếp sức từ phía nhà nước bắt đầu từ thí điểm áp dụng SXSH tạo hiệu ứng, lan toả đến các cơ sở khác, hình thành mạng lưới áp dụng SXSH tại tỉnh phù hợp với điều kiện và lợi thế của tỉnh. Khi DN nâng cao nhận thức và được tiếp sức áp dụng SXSH sẽ góp phần cải thiện hiệu suất sản xuất; sử dụng nguyên liệu, nước, năng lượng có hiệu quả hơn; tái sử dụng phế thải; giảm ô nhiễm môi trường; giảm chi phí xử lý chất thải; cải thiện sức khỏe nghề nghiệp và an toàn môi sinh, môi trường làm việc, góp phần phát triển CN của tỉnh một cách bền vững.

Theo baoquangtri.vn