Sản xuất sạch hơn thúc đẩy phát triển bền vững

Hơn lúc nào hết, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) công nghiệp đang trở thành yêu cầu bức thiết. Nhiều chuyên gia cho rằng, để thực hiện điều này, các DN cần mở rộng áp dụng mô hình sản xuất sạch hơn (SXSH) trong công nghiệp. 

Sản xuất sạch hơn thúc đẩy phát triển bền vững

Tại tỉnh Nam Định, năm 2014, tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt 9,69%, trong đó dệt may, cơ khí, chế biến thực phẩm… được xem là ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh. Nhiều DN đã chủ động đổi mới công nghệ, áp dụng các công cụ quản lý, các giải pháp SXSH vào sản xuất.

Tiêu biểu như Công ty CP May Sông Hồng từ năm 2012 đã chủ động di dời nhà xưởng từ nội thành Nam Định ra Khu công nghiệp Mỹ Trung, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) và đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống nhà xưởng, thiết bị máy móc theo hướng hiện đại với tổng vốn đầu tư 300 tỷ đồng. Công ty tiếp tục xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO và hệ thống trách nhiệm xã hội theo tiêu chuẩn SA-8000 và WRAP, hệ thống an ninh nhà máy theo tiêu chuẩn C-TPAT của Mỹ. Chủ động hướng đến mục tiêu đạt thẻ xanh quốc tế về môi trường xanh – sạch trong sản xuất để hội nhập bền vững, công ty đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt và xử lý nước thải sản xuất tại Nhà máy May Sông Hồng 4, thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường). Hiện nay, công ty đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại khu sản xuất xã Hải Phương (Hải Hậu) và đang tiếp tục triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải ở tất cả các khu vực sản xuất với mục tiêu tạo môi trường làm việc xanh – sạch – đẹp.

Công ty CP Bia NaDa là một trong những DN tiên phong của tỉnh ứng dụng chương trình SXSH trong toàn bộ quá trình sản xuất. Theo đó, công ty đã lắp đặt hệ thống thu hồi nước ngưng và tuần hoàn trở lại nồi hơi, tái sử dụng xút trong quá trình nấu bia và rửa chai bia, góp phần giảm lượng chất thải ra môi trường, tiết kiệm xút. Nhằm giảm lượng nước tiêu thụ, tổn thất bia tại khâu bão hòa do CO2 bị quá áp làm trào bia theo đường xả áp, DN đã tiến hành kiểm tra, sửa chữa các đường ống, van, vòi bị rò rỉ, lắp đặt thùng chứa trung gian và thiết bị tách bia để thu hồi lượng bia chảy tràn, áp dụng công nghệ chiết bom tự động. Đồng thời, việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm triệt để các nguồn tài nguyên trong quá trình sản xuất như lắp tụ bù, biến tần cho động cơ làm lạnh đã giúp công ty tiết kiệm từ 5-10% chi phí điện năng, toàn bộ nước thải trong quá trình sản xuất đều được điều tiết qua trạm xử lý nước thải công suất 800m3/ngày đêm. Đặc biệt, công ty đã chuyển đổi lò hơi đốt than thay cho lò hơi đốt dầu để tiết kiệm 1/3 chi phí sử dụng nhiên liệu vận hành lò hơi.

Tại Công ty TNHH Đúc thép Thắng Lợi (Nam Định), ngoài đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại và đồng bộ của châu Âu, công ty đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000 và phương pháp quản lý 5S để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Phương pháp quản lý 5S đã giúp ngăn chặn sự xuống cấp của nhà xưởng, tạo sự thông thoáng cho nơi làm việc, tạo môi trường làm việc ngăn nắp, sạch sẽ, gọn gàng, do đó năng suất lao động của công ty đã được nâng lên 1,5-2 lần, tương đương với 1.200 tấn sản phẩm/năm; tỷ lệ sản phẩm lỗi giảm từ 5% xuống còn 1,5%, nhờ đó mỗi năm công ty tiết kiệm được từ 3,5-4 tỷ đồng, đem lại lợi ích kinh tế, môi trường không nhỏ.

Theo Thu Hường – ven.vn

Ngành than trên chặng đường sản xuất “sạch”

Song song với phát triển khai thác, sản xuất, kinh doanh than, công tác bảo vệ môi trường luôn được Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) coi trọng và có định hướng phát triển bền vững bằng việc triển khai đồng bộ, tổng thể nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, vì mục tiêu sản xuất ngày càng “sạch” hơn.

Xây dựng cơ chế, bố trí nguồn lực bảo vệ môi trường

Để có nguồn vốn thực hiện các dự án, công trình khắc phục ô nhiễm môi trường do quá trình khai thác khoáng sản trước đây để lại và xử lý, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường mới phát sinh, TKV đã thành lập Quỹ môi trường tập trung bằng 1% – 1,5% chi phí sản xuất, đồng thời cho phép các đơn vị thành viên trực tiếp chi 0,3% – 0,5% chi phí sản xuất cho các hoạt động bảo vệ môi trường thường xuyên.

TKV cũng đã xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường trong nội bộ (gồm: Quy chế bảo vệ môi trường, quy chế sử dụng quỹ môi trường tập trung, cơ chế ưu tiên sử dụng dịch vụ của các đơn vị làm công tác bảo vệ môi trường trong TKV…) làm cơ sở pháp lý cho các hoạt động bảo vệ môi trường, tạo điều kiện để chuyên môn hóa, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong toàn TKV.

Hệ thống chỉ đạo, quản lý công tác môi trường trong TKV được xây dựng và phát triển. Cấp Tập đoàn có Ban Môi trường; tại các đơn vị thành viên có bộ phận môi trường chuyên trách và đều phân công 1 đồng chí lãnh đạo phụ trách công tác bảo vệ môi trường. Để có lực lượng chuyên nghiệp nắm vững thực tế sản xuất làm nòng cốt thực hiện các công tác bảo vệ môi trường, TKV đã thành lập các đơn vị chuyên ngành làm công tác bảo vệ môi trường (Công ty Cổ phần Tin học, Công nghệ, Môi trường; Công ty TNHH MTV Môi trường; Công ty Cổ phần Xây lắp môi trường Nhân Cơ).

Hàng năm, nguồn kinh phí của TKV dành cho công tác bảo vệ môi trường tương đối lớn. Tổng chi phí cho công tác bảo vệ môi trường hàng năm của TKV đến nay gần 1.000 tỷ đồng, trong đó 70% dành cho đầu tư các công trình bảo vệ môi trường, 30% dành cho các công việc bảo vệ môi trường thường xuyên.

Song song với đó, TKV thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao hiểu biết, nhận thức về bảo vệ môi trường cho cán bộ quản lý và cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường. TKV cũng đã triển khai hợp tác trong và ngoài nước nghiên cứu công nghệ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, như: Rame (Đức), Mireco (Hàn Quốc) và Jogmec (Nhật Bản).

Triển khai các biện pháp khắc phục, ngăn ngừa ô nhiễm

Trong những năm qua, TKV đã cải tạo, phục hồi môi trường được trên 800 ha bãi thải, khai trường đã kết thúc khai thác và phấn đấu đến năm 2020 sẽ cơ bản hoàn thành việc cải tạo, phục hồi môi trường, cảnh quan các khu vực bãi thải gần khu dân cư, đô thị. Đối với những bãi thải đang hoạt động, TKV chỉ đạo các đơn vị thực hiện đổ thải tầng thấp theo đúng thiết kế để ngăn ngừa nguy cơ sạt lở bãi thải, giảm phát sinh bụi, giảm chi phí cải tạo, phục hồi môi trường sau này. Ngoài ra, TKV cũng đã xây dựng 12 đập chắn đất, đá lớn tại các vị trí tụ nước chân các bãi thải để chống trôi, sạt đảm bảo an toàn cho dân cư.

Đến hết năm 2014, TKV đã hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành 40 trạm xử lý nước thải mỏ than và khoáng sản. Hiện đang tiếp tục triển khai xây dựng tiếp 12 trạm, để đến hết năm 2015 sẽ có khoảng 52 trạm xử lý nước thải mỏ, đảm bảo nước sau khi được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường, được tái sử dụng tối đa cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt.

Trước những khó khăn trong việc xử lý các chất thải rắn, đặc biệt là chất thải nguy hại, TKV đã đầu tư 1 nhà máy xử lý tại Cẩm Phả và đang tiếp tục nghiên cứu, đầu tư giai đoạn 2 của nhà máy để xử lý các chất thải khó phân hủy, như: cao su, polyme… Hiện nay, toàn bộ chất thải nguy hại phát sinh trong sản xuất của TKV tại Quảng Ninh được thu gom, xử lý, tái chế tập trung đảm bảo tiêu chuẩn môi trường; sản phẩm sau xử lý được thu hồi tối đa phục vụ cho sản xuất và cung cấp cho các ngành kinh tế khác. Những chất thải rắn thông thường khác được thu gom, đổ thải theo đúng quy hoạch, thiết kế và đúng quy định.

Để giảm thiểu công tác phát tán bụi trong quá trình vận chuyển than, TKV tập trung xây dựng các tuyến đường vận chuyển chuyên dùng. Từ năm 2008, TKV đã chấm dứt vận chuyển than trên các tuyến quốc lộ, từ năm 2013 chỉ vận chuyển than ra cảng bằng ô tô vào ban ngày. Cùng với đó, TKV đã đầu tư 06 tuyến băng tải thay thế ô tô vận chuyển than ra các cảng và đến các nhà máy nhiệt điện. Cùng với đó, TKV cũng đã đầu tư các hệ thống phun sương dập bụi, tường chắn, từng bước kiên cố hóa nền các bãi khu vực sàng tuyển, kho chứa than; xây dựng thử nghiệm 02 trạm rửa xe ô tô, 04 trạm rửa toa xe; thu dọn vật liệu rơi vãi, tưới nước chống bụi bằng ô tô, phủ bạt trên các phương tiện vận chuyển.

Một trong những những việc làm thiết thực, được cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh ghi nhận, đó là ngành than đã chủ động quy hoạch, sắp xếp lại các công trình sản xuất, di dời các nhà máy ra khỏi khu vực đô thị, đông dân cư, như: di dời nhà máy cơ khí Hòn Gai, cơ khí Cẩm Phả, nhà máy tuyển than Hòn Gai, kho than I, II, III tại TP Hạ Long, cảng xuất than Hòn Gai, đường sắt Hà Lầm – Hòn Gai, đường sắt Cột 8 – Hòn Gai…

Hướng đến mục tiêu thành ngành sản xuất “sạch”

Với mục tiêu sản xuất sạch hơn, dự kiến trong giai đoạn 2015 – 2020, TKV sẽ dành từ 1.130 – 1.370 tỷ đồng cho công tác bảo vệ môi trường hàng năm, tăng gấp đôi so với nguồn kinh phí mà ngành than đã bỏ ra trong năm 2010. Như vậy, ngành than đã biết chú trọng hơn trong công tác bảo vệ môi trường, phát triển sản xuất một cách bền vững.

Dự kiến trong giai đoạn tới, bên cạnh đẩy mạnh áp dụng công nghệ khai thác cơ giới hóa như: cột chống thủy lực, dàn chống thủy lực, máy khấu… trong khai thác mỏ than hầm lò; đổi mới đồng bộ thiết bị khai thác than lộ thiên theo hướng hiện đại, công suất lớn, góp phần tăng năng suất, tiết kiệm năng lượng tiêu hao, ngành than tiếp tục đầu tư xây dựng đập chắn đất đá tại chân các bãi thải mỏ; nạo vét, cải tạo hệ thống suối thoát nước; tăng cường phủ xanh các vùng đất trống nhằm hạn chế xói mòn.

Ngành than cũng sẽ tiếp tục đầu tư các tuyến băng tải, phấn đấu đến năm 2020 sẽ thay thế hoàn toàn việc vận chuyển than ngoài mỏ đến các cảng và nhà máy nhiệt điện trên địa bàn tỉnh nhằm hạn chế phát sinh bụi, tiếng ồn, khí thải ra môi trường. TKV đầu tư mở rộng, nâng cấp, đổi mới công nghệ các trạm xử lý nước thải mỏ, nhà máy xử lý chất thải nguy hại và các công trình bảo vệ môi trường khác theo yêu cầu phát triển sản xuất; đầu tư thiết bị lọc ép bùn công suất lớn tại các nhà máy sàng tuyển để tăng tỷ lệ thu hồi khoáng sản, tăng lượng nước sử dụng tuần hoàn, giảm xả thải ra môi trường.

Với những nỗ lực của mình, TKV đang từng bước hướng đến mục tiêu trở thành ngành sản xuất “sạch”, phát triển hài hòa, thân thiện với môi trường và cộng đồng, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Quảng Ninh trên chặng đường dài phía trước.

Theo sxsh.vn

Điều phối viên Quỹ Tín dụng xanh (GCTF) trả lời phỏng vấn tạp chí Thời báo Kinh tế Việt Nam (VET)

Bà Nguyễn Lê Hằng, đến từ Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam – Điều phối viên Quỹ Uỷ thác Tín dụng xanh (GCTF) trả lời phỏng vấn tạp chí Thời báo Kinh tế Việt Nam (VET) về tăng trưởng tín dụng xanh và tương lai phát triển của mô hình này tại Việt Nam.

IMG_5107

 

  • Bà đánh giá thế nào về phát triển tăng trưởng xanh dưới dạng các chính sách và những khó khăn có thể gặp phải tại Viêt Nam?

Tín dụng xanh là một chính sách của ngành tài chính ngân hàng nhằm hỗ trợ các hoạt động đầu tư kinh doanh có tác động tích cực tới chất lượng môi trường. Vì vậy tín dụng xanh góp phần mang tới cho xã hội những lợi ích to lớn cả về tăng trưởng, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân cũng như bảo vệ môi trường.

Vấn đề tín dụng xanh được nhiều nước trên thế giới đặc biệt quan tâm từ nhiều năm nay. Sản phẩm tín dụng xanh của các ngân hàng thường hướng vào các dự án tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch. Các lĩnh vực ưu tiên này tùy thuộc vào chính sách tín dụng xanh ở từng quốc gia và khu vực.

  • Mô hình tín dụng xanh hiện đang được phát triển như thế nào tại Việt Nam? Tiêu chuẩn như thế nào để một dự án có thể nhận được hỗ trợ từ GCTF? 

Trách nhiệm của ngành ngân hàng là giữ vai trò quan trọng trong việc điều tiết và cấp vốn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Do đó, nếu các ngân hàng có những yêu cầu nhất định đối với các dự án vay vốn khi thực hiện phải bảo đảm những quy định về môi trường và an sinh xã hội thì sẽ góp phần hạn chế các dự án gây ô nhiễm, gây ảnh hưởng xấu đến người dân và khuyến khích các doanh nghiệp hướng tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh sạch, an toàn hơn. Tuy nhiên, cho đến trước khi có Nghị định 03 thì hầu hết các ngân hàng trong nước chưa quan tâm nhiều tới tiêu chí bảo vệ môi trường khi xem xét phê duyệt các dự án nào vay vốn của doanh nghiệp.

Hiện đã có một số tổ chức quốc tế đang hoạt động ở Việt Nam như Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) đã có bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội mà các dự án và đối tác vay vốn hoặc tư nhân tài trợ phải tuân theo.

Để lựa chọn một dự án được hỗ trợ tài chính theo dòng tín dụng xanh của GCTF, có một số tiêu chí được đưa ra đối với doanh nghiệp liên quan quy mô, loại hình, ngành nghề doanh nghiệp, loại dự án, chỉ số môi trường của dự án. Các doanh nghiệp cần tham khảo các lựa chọn công nghệ để có thể đề xuất một phương án phù hợp nhất với quỹ (1 chỉ số về tác động môi trường sau dự án đầu tư được đánh giá đạt giảm ít nhất 30% so với hiện tại).

  • Xin bà chia sẻ thêm về những thành quả mà GCTF đã đạt được trong quá trình hoạt động tại Việt Nam? GCTF gặp những khó khăn gì trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp không

Quỹ Ủy thác tín dụng xanh (GCTF) do Chính phủ Thụy Sĩ (SECO) thành lập ở Việt Nam nhằm hỗ trợ các DN đầu tư các công nghệ sản xuất có hiệu suất cao và thân thiện với môi trường. Được thành lập vào cuối 2007, đây là một trong những hoạt động tín dụng xanh đầu tiên ở Việt Nam nhằm tới ngành sản xuất công nghiệp và một số ngành dịch vụ để đầu tư phát triển gắn liền với bảo vệ môi trường.Bên cạnh đó, GTF cũng có mong muốn quan trọng là hỗ trợ các ngân hàng thương mại thấy được sự cần thiết để phát triển một loại hình sản phẩm tín dụng mới dành cho khối doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thực tế cho thấy cũng có một số khó khăn nhất định, ví dụ: khả năng tiếp cận thông tin và chính sách (tài chính và công nghệ) của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế; một số doanh nghiệp tiếp cận với Quỹ nhưng lại không được Ngân hàng phê duyệt khoản vay vì nợ xấu, v.v…

  • Theo bà, tín dụng xanh liệu có phải mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam không? Tại sao? 

Theo ý kiến cá nhân tôi thì tín dụng xanh là một công cụ để giúp tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.

Đặc thù của rất nhiều doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay là vẫn vận hành nhiều công nghệ thiết bị cũ, vừa tiêu hao nhiều tài nguyên đồng thời gây phát thải tác động xấu tới môi trường. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất đối với các DN để đổi mới trang thiết bị theo hướng thân thiện với môi trường hơn chính là mức đầu tư cần thiết thường khá cao. Phần lớn các DN vừa và nhỏ ở Việt Nam thường gặp khó khăn về vốn và không đủ tài sản thế chấp để tiếp cận được với nguồn cho vay tín dụng tại các NH. Khó khăn này đã làm DN giảm động lực đổi mới công nghệ nhằm tăng cường hiệu quả sản xuất và giảm tác động môi trường. Khi ngân hàng triển khai dòng tín dụng xanh thì rào cản này sẽ giảm nhẹ đi rất nhiều.

  • Bà nhận xét như thế nào về các chính sách hỗ trợ tín dụng xanh? 

Để đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh ở Việt Nam cần có sự vào cuộc của cả cơ quan quản lý là Ngân hàng nhà nước, các tổ chức tín dụng và đặc biệt cần tăng cường nhận thức cho doanh nghiệp về bảo vệ môi trường, đặc biệt là quan điểm “một mũi tên trúng 2 đích” nghĩa là có nhiều giải pháp bảo vệ môi trường mang lại các lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp chứ không đơn thuần là tăng gánh nặng chi phí. Do đó, cần tăng cường năng lực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho nhóm các chuyên gia tư vấn kỹ thuật; tăng cường năng lực xem xét thẩm định các dự án tăng trưởng xanh cho khối NH; tăng cường sự kết nối giữa 3 khối trên với sự gắn kết và thông tin từ cơ quan quản lý nhà nước.

  • Bà dự đoán như thế nào về sự phát triển tín dụng xanh trong 3 năm tới đây?

Với chỉ thị 03 đã đi vào thực thi, cũng như các dự thảo chính sách, chiến lược, chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu thụ bền vững, bảo vệ môi trường hay phát triển bền vững đang được xây dựng và sớm đi vào thực tiến thì Tín dụng xanh là một công cụ tài chính không thể thiếu trong giai đoạn phát triển tới đây của đất nước.

Theo Tạp chí Thời báo Kinh tế Việt Nam

Source: gctf.vn

Việt Nam và những cam kết ở COP-21

Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP-21) diễn ra từ ngày 30-11 đến 11-12 tại Paris đặt mục tiêu đi đến một hiệp định quốc tế về khí hậu có hiệu lực từ năm 2020, nhằm giới hạn nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng không quá 20C vào cuối thế kỷ 21.

Biến đổi khí hậu gây hạn hán ở Ninh Thuận -Thuận Thắng
Biến đổi khí hậu gây hạn hán ở Ninh Thuận -Thuận Thắng

Để chuẩn bị cho việc xây dựng dự thảo hiệp định quốc tế về khí hậu này, các quốc gia được yêu cầu trình nộp báo cáo “Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định” (INDC) cho Ban thư ký Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), trong đó thể hiện cam kết pháp lý trong việc cắt giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn sau năm 2020.

Việt Nam cần tham vọng hơn

Báo cáo INDC của Việt Nam đưa ra các đóng góp dự kiến trong hai hợp phần chính là cắt giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các đóng góp dự kiến trong hợp phần cắt giảm phát thải khí nhà kính tập trung vào lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải.

Riêng đối với lĩnh vực năng lượng, các hoạt động giảm phát thải bao gồm các quá trình đốt nhiên liệu, cụ thể là công nghiệp sản xuất năng lượng, công nghiệp chế biến, xây dựng, giao thông và các dịch vụ về dân dụng, nông nghiệp, thương mại.

Các đóng góp về thích ứng với biến đổi khí hậu tập trung vào nông nghiệp, tài nguyên nước, lâm nghiệp ở vùng đồng bằng, ven biển, đồi núi và đô thị nhằm giúp tăng khả năng chống chịu, tạo điều kiện để có thể đóng góp nhiều hơn cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Về chỉ tiêu cắt giảm phát thải, INDC của Việt Nam thể hiện rằng bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường vào năm 2030. Tuy nhiên, Việt Nam có thể giảm tiếp đến 25% nếu nhận được sự hỗ trợ quốc tế từ các hợp tác song phương và đa phương.

Theo ông Nguyễn Khắc Hiếu – phó cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và môi trường), tổ trưởng xây dựng INDC, trong tổng dự kiến tài chính 21 tỉ USD Việt Nam chỉ có thể bố trí 3,2 tỉ USD để hoàn thành mục tiêu 25% này, phần còn lại (17,8 tỉ USD) cần quốc tế hỗ trợ.

Bảng tổng hợp các cam kết cắt giảm phát thải của các quốc gia ASEAN (xem bảng đính kèm) cho thấy một số quốc gia đặt mục tiêu cao, như Thái Lan 20%, Indonesia 26%, Campuchia 36,5% và đặc biệt Philippines cam kết cực kỳ mạnh mẽ với 70%.

Tại hội thảo “Hành động về biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam” do phái đoàn EU tại Việt Nam đồng tổ chức với đại sứ quán các nước Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh ngày 21-11-2015, ông Bruno Angelet – đại sứ, trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam – phát biểu:

EU muốn khuyến khích Việt Nam cam kết một mục tiêu khí hậu tham vọng hơn cho Paris COP-21 so với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính hiện thời là 8%”. Để hỗ trợ và khuyến khích Việt Nam cam kết về một mục tiêu cao hơn, EU rất trông đợi và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam lồng ghép các hành động giảm nhẹ, ứng phó cụ thể vào những kế hoạch hành động của mình, trong đó một trong những ưu tiên của EU là hỗ trợ Việt Nam cải cách ngành năng lượng.

EU và Chính phủ Việt Nam đang xúc tiến thảo luận các vấn đề liên quan tới cơ chế thị trường, cơ chế định giá, trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch và đánh giá sự độc quyền.

Giải pháp nào để tăng 
mục tiêu cắt giảm phát thải?

Theo Bộ Tài nguyên và môi trường, Việt Nam xem ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Tuy nhiên, mục tiêu cắt giảm 8% phát thải không điều kiện của Việt Nam dường như chưa tương xứng với việc góp phần giảm nhẹ hậu quả tác động của biến đổi khí hậu trước hết cho chính mình, như EU đã khuyến cáo.

Có hai điều cực kỳ quan trọng mà báo cáo INDC không tập trung sâu vào, đó là khả năng cắt giảm phát thải trong ngành sản xuất năng lượng và huy động tài chính tư nhân cho việc cắt giảm phát thải.

Theo ước tính của Bộ Tài nguyên và môi trường, trong kịch bản phát triển thông thường, phát thải khí nhà kính của chỉ riêng việc đốt nhiên liệu trong ngành sản xuất năng lượng (nhiệt điện) của Việt Nam đã chiếm đến 31,1% tổng phát thải khí nhà kính năm 2020 và lên đến 51% tổng phát thải khí nhà kính năm 2030, chủ yếu đến từ nguồn nhiệt điện than.

Do vậy, có thể thấy tiềm năng cắt giảm phát thải trong sản xuất năng lượng của Việt Nam là vô cùng lớn. Nếu chỉ giảm phát thải thêm 20% trong ngành sản xuất năng lượng như là mức tự nguyện giảm phát thải năm 2030 theo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thì đã dẫn đến giảm phát thải thêm 10,2% trong toàn bộ phát thải khí nhà kính của Việt Nam năm 2030, lúc đó mức giảm phát thải không điều kiện của Việt Nam đã nâng lên 18,2%.

Tiếc rằng báo cáo INDC của Việt Nam đã bỏ qua điều này. Việc cắt giảm phát thải trong ngành sản xuất năng lượng có thể được thực hiện thông qua việc nâng cao hiệu suất của các nhà máy nhiệt điện than hiện hữu, sử dụng than sạch hơn và lựa chọn công nghệ nhiệt điện than hiệu suất cao khi đầu tư mới, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc phát triển năng lượng tái tạo để thay thế nhiệt điện.

Về vấn đề tài chính, báo cáo INDC của Việt Nam chỉ đề cập đến nguồn lực nội tại mang tính chất đầu tư công của Việt Nam và các hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương mà bỏ quên nguồn tài chính tư nhân.

Theo báo cáo Bối cảnh toàn cầu về tài chính khí hậu năm 2015 do Sáng kiến chính sách khí hậu (Climate Policy Inititative) công bố tháng 11-2015, tổng hợp các nguồn tài chính đầu tư cho khí hậu trong giai đoạn năm 2012-2014 là 391 tỉ USD, trong đó tài chính tư nhân đóng góp đến 243 tỉ USD, chiếm 62% trong tổng số các nguồn tài chính huy động, chủ yếu đầu tư vào các giải pháp nhằm hỗ trợ cắt giảm phát thải khí nhà kính là phát triển năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng.

Với Việt Nam, tiềm năng đầu tư vào năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng là vô cùng lớn, nhưng việc huy động nguồn vốn tư nhân đến nay vẫn còn cực kỳ hạn chế, chủ yếu do những rào cản về pháp lý.

Với việc hoàn thiện khung pháp lý nhằm huy động tối đa tài chính tư nhân đầu tư vào các dự án liên quan đến công nghệ sạch, công nghệ tiết kiệm năng lượng, khi đó nguồn vốn không còn là một trở ngại để Việt Nam cam kết mạnh mẽ hơn trong việc cắt giảm phát thải khí nhà kính, thể hiện trách nhiệm cùng với cộng đồng quốc tế đóng góp vào việc giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam.

Nguồn: Tác giả tổng hợp
Nguồn: Tác giả tổng hợp

Tác giả: Nguyễn Đăng Anh Thi

Theo tuoitre.vn

Thông qua Tuyên ngôn Davos về Thúc đẩy Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất Sạch hơn (RECP) tại các nước đang phát triển

Davos (Thụy Sĩ), 12-16 tháng 10 năm 2015 – Hội thảo mạng lưới toàn cầu về Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất Sạch hơn được tổ chức dưới sự phối hợp của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp Quốc (UNIDO) và chương trình Môi trường Liên hợp Quốc (UNEP). Các thành viên trong mạng lưới đã thông qua Bản tuyên ngôn về Thúc đẩy Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất Sạch hơn (RECP) tại các nước đang phát triển.

davos-big

 

Bản tuyên ngôn kêu gọi việc thúc đẩy, lồng ghép và nhân rộng RECP để hỗ trợ chương trình nghị sự 2030 cho Phát triển Bền vững. Hơn thế, bản tuyên ngôn kêu gọi việc đẩy mạnh hoạt động và vai trò của mạng lưới toàn cầu về RECP (RECPnet), và khuyến khích các chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức tài chính, học viên và các tổ chức dân sự xã hội tham gia vào RECPnet nhằm nỗ lực hành động vì mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc áp dụng, thực hiện RECP nhanh chóng và rộng khắp.

Hội nghị đã giới thiệu các hoạt động trong 20 năm cung cấp dịch vụ RECP trong công nghiệp tại các khu vực trên thế giới và giải quyết các chủ đề bao gồm sản xuất các-bon thấp, quản lý hóa chất an toàn, tài nguyên nước, khu công nghiệp sinh thái, quản lý rác thải và lồng ghép vấn đề giới. Bên cạnh việc đánh giá hiện trạng của RECP, hội nghị đã xác định những chuyên đề đang được quan tâm và đối tác tiềm năng trong các tổ chức phát triển ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Hội nghị thu hút khoảng 200 người tham dự từ hơn 60 quốc gia, từ những cán bộ chính phủ cấp cao, những chuyên gia quốc tế hàng đầu vể RECP, các đại diện của các tổ chức tài chính phát triển, cùng với các chuyên gia RECP từ các việc nghiên cứu và học viện.

Trong số những người tham gia hội nghị có Janez Potocnik, Đồng chủ tịch của Hội đồng tài nguyên quốc tế và cựu Ủy viên châu Âu về môi trường; Mariano Castro, Thứ trưởng Bộ quản lý môi trường, Peru; Bruno OBERLE, Giám đốc Văn phòng Liên bang về Môi trường, Thụy Sĩ; Rolph Payet, Thư ký điều hành cho các Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm; Helge Wendeberg, Tổng Giám đốc, quản lý nước và bảo tồn tài nguyên, Bộ Liên bang về Môi trường, bảo tồn thiên nhiên, xây dựng và an toàn hạt nhân, Đức; Jutta Emig, Unit Head, quốc tế An toàn hóa chất và Hóa học bền vững, Bộ Liên bang về Môi trường, bảo tồn thiên nhiên, xây dựng và an toàn hạt nhân, Đức; Walker Smith, Giám đốc, Văn phòng Nội vụ toàn cầu và chính sách, Hoa Kỳ Cơ quan Bảo vệ môi trường; và Viera Feckova, Giám đốc Chương trình châu Âu và Trung Á, Tổng công ty Tài chính Quốc tế.

Hội nghị cũng đã thông qua chiến lược hoạt động cho RECPnet trong giai đoạn hậu năm 2015.

Để biết thêm thông tin, xin vui lòng liên hệ:

Bà Petra Schwager

Cán bộ Phát triển Công nghiệp

Bộ phận Hiệu quả Tài nguyên Công nghiệp

[email protected]

(Nguồn: recpnet.org)

VNCPC Admin

Tuyên Ngôn Davos Về Thúc đẩy Hiệu Quả Tài Nguyên Và Sản Xuất Sạch Hơn Tại Các Nước đang Phát Triển
Tuyên Ngôn Davos Về Thúc đẩy Hiệu Quả Tài Nguyên Và Sản Xuất Sạch Hơn Tại Các Nước đang Phát Triển » Post
Tuyên ngôn Davos về Thúc đẩy Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất Sạch hơn tại các nước đang phát triển.pdf
229 KiB
712 Downloads
Details

Bếp khí hoá sinh khối – Giải pháp tiết kiệm năng lượng

Sáng ngày 27/11/2015, tại Trung tâm Việt Đức, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Hội thảo “trình bày kết quả nghiên cứu, thiết kế, chế tạo mẫu thử và triển khai sử dụng Bếp khí hóa sinh khối hiệu suất cao sử dụng nhiên liệu viên nén sinh khối” đã được Trung tâm nghiên cứu, tư vấn sáng tạo và phát triển bền vững (CCS) tổ chức.

Tham dự hội thảo có đại diện của Trung tâm nghiên cứu, tư vấn sáng tạo và phát triển bền vững; đại diện của dự án chuyển hóa các-bon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ, công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tổ chức bảo tồn thiên nhiên.

Đại diện của Trung tâm CCS trình bày kết quả nghiên cứu và triển khai dự án bếp khí hóa

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, tại các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, hàng năm có 1,5 triệu người chết và nhiều người mắc bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí trong nhà mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc đun nấu và sinh hoạt hàng ngày. Trong khi đó, tiềm năng sản xuất viên nhiên liệu sinh khối chưa được khai thác hiệu quả. Hơn nữa, người tiêu dùng lại có xu hướng sử dụng bếp bền, giá rẻ, chi phí vận hành thấp, an toàn và thân thiện với môi trường. Trên cơ sở đó, giải pháp bếp khí hóa sinh khối đã được Trung tâm CCS nghiên cứu, triển khai sử dụng thử nghiệm ở Hà Giang, Đà Nẵng và Ba Vì (Hà Nội) và thu được các kết quả tích cực về mặt tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và đáp ứng nhu cầu sử dụng của xã hội.

Loại bếp khí hóa sinh khối có chi phí đun nấu rẻ (1.500 đồng cho một bữa ăn gia đình) nhờ hiệu suất cao, gấp 10 lần so với cách đun nấu truyền thống, dễ sử dụng với tuổi thọ các chi tiết lên tới 10 năm. Phụ phẩm của loại bếp này là than sinh học có giá trị cao, được dùng để cải tạo đất và lọc nước. Nhiên liệu sử dụng gọn nhẹ, dễ mua và dễ cất trữ. Đồng thời, loại bếp này rất sạch và an toàn cho sức khỏe của người sử dụng do không tạo ra mùi, không cháy nổ, không bỏng và giật điện.

Ông Nguyễn Minh Hải – Trưởng nhóm Công nghệ và Năng lượng Tái tạo, Trung tâm CCS giải thích quá trình hoạt động của bếp khí hóa sinh khối  

Loại bếp khí hóa sinh khối đem lại hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường do sử dụng các viên nhiên liệu được làm bằng các phế phẩm nông nghiệp và rừng, giảm thải trực tiếp ra môi trường như đốt bỏ hoặc phân hủy tự nhiên ra khí metan (gây ra hiệu ứng nhà kính gấp 25 lần CO2). Việc sử dụng loại bếp này giảm thiểu ô nhiễm trong nhà do khói bếp và các loại nhiên liệu rắn, đồng thời cải thiện môi trường sống tốt hơn cho cộng đồng. Hơn nữa, một hệ sinh thái về bếp khí hóa sinh khối bao gồm sản xuất, bảo dưỡng bếp, sản xuất phân phối viên nhiên liệu, thu gom than sinh học, … sẽ tạo ra rất nhiều việc làm.

Tuy nhiên, việc triển khai dự án bếp khí hóa sinh khối và nhân rộng sản phẩm này trên thị trường còn gặp nhiều khó khăn và rào cản. Ông Nguyễn Minh Hải – Trưởng nhóm Công nghệ và Năng lượng tái tạo của Trung tâm CCS cho biết một số khó khăn của việc nhân rộng mô hình bếp này là nhận thức của cộng đồng về công nghệ khí hóa sinh khối còn hạn chế; thứ hai, hệ sinh thái về sản phẩm này hoàn toàn mới trên thị trường và việc đồng bộ triển khai các bộ phận của hệ sinh thái này trên thực tế gặp nhiều khó khăn.

Cũng tại buổi hội thảo này, đại diện của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp vừa và nhỏ đã đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh việc sản xuất và sử dụng loại bếp này, góp phần hoàn thiện việc nghiên cứu và triển khai của dự án bếp khí hóa sinh khối.

Giải pháp bếp khí hóa sinh khối đã tạo ra tiền đề và cơ sở công nghệ cho sự dịch chuyển xã hội từ cách thức đun nấu gây ô nhiễm, có hại cho sức khỏe sang sử dụng năng lượng Xanh và Sạch với chi phí thấp hơn năng lượng hóa thạch trong tương lai gần.

Theo Ngọc Ánh – tietkiemnangluong.com.vn