Trợ giá năng lượng vào túi “nhà giàu”

Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam cho rằng chính sách trợ giá nhiên liệu hóa thạch tại Việt Nam không mang lại lợi ích cho người nghèo mà thật ra là “rót” vào tập đoàn lớn. Đây là nhận định trong báo cáo “Tăng trưởng xanh và chính sách tài khóa về nhiên liệu hóa thạch ở Việt Nam – Các kiến nghị về lộ trình cải cách chính sách” vừa được tổ chức này công bố.

Trợ giá 1,2 – 4,5 tỉ USD/năm

Theo tính toán của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong giai đoạn 2007-2011, trợ giá nhiên liệu hóa thạch ở Việt Nam dao động từ 1,2-4,49 tỉ USD/năm, tương ứng với tỉ lệ trợ giá trung bình là 15,5% (khoảng 46,7 USD/người/năm).

EVN là một trong những doanh nghiệp được hưởng giá đầu vào than và khí đốt trong nước thấp hơn nhiều giá thị trường thế giới. Trong ảnh: Thi công lưới điện trên đường Thoại Ngọc Hầu, quận Tân Phú, TP HCM (Ảnh: Tấn Thạnh/nld.com.vn)

EVN là một trong những doanh nghiệp được hưởng giá đầu vào than và khí đốt trong nước thấp hơn nhiều giá thị trường thế giới. Trong ảnh: Thi công lưới điện trên đường Thoại Ngọc Hầu, quận Tân Phú, TP HCM (Ảnh: Tấn Thạnh/nld.com.vn)

Phần lớn trợ giá nhiên liệu hóa thạch ở Việt Nam là gián tiếp dưới nhiều dạng cung cấp khác nhau cho các nhà sản xuất và phân phối năng lượng, chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Ví dụ, các DNNN nhận được tín dụng lãi suất thấp cho hoạt động đầu tư và đầu vào giá rẻ như đất đai và than. Thế nhưng, các tập đoàn năng lượng lớn hiện nay sử dụng nguồn tài chính trợ giá không chỉ để đầu tư vào năng lượng mà còn đầu tư ngoài ngành. Chẳng hạn, theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2014 của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), tổng vốn đầu tư ngoài ngành trên 500 tỉ đồng vào các ngành ngân hàng và chứng khoán hay vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thời gian qua cũng “mắc kẹt” trong các dự án bất động sản…

Dân gánh chịu

Trợ giá nhiên liệu hóa thạch tại Việt Nam chủ yếu cho than đá và các nhiên liệu sử dụng cho phát điện. EVN được hưởng giá đầu vào than và khí đốt trong nước thấp hơn nhiều giá thị trường thế giới. Giá than bán cho các nhà sản xuất điện chỉ bằng khoảng 60% giá xuất khẩu và bằng 70% chi phí sản xuất năm 2012. Đến năm 2013, giá than bán cho phát điện đã đủ bù đắp chi phí sản xuất nhưng vẫn thấp hơn giá thị trường thế giới. Than và khí đốt vẫn là năng lượng phát điện chủ yếu. Hai nhiên liệu này do Vinacomin và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sản xuất nên  cuối cùng, Chính phủ và người dân phải gánh chịu các chi phí đó cũng như các chi phí cơ hội của các khoản trợ giá gián tiếp này.

Mặt khác, các DNNN chi phối thị trường năng lượng, do vậy khi buộc phải hạ thấp lợi nhuận hoặc thua lỗ do chính sách giá trần cũng như hoạt động không hiệu quả, họ rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất. Chính phủ (và người đóng thuế) không những mất đi thu nhập kinh doanh mà còn phải bù lỗ. Theo các số liệu chính thức, trong năm 2012, tổng số nợ của 3 tổng công ty năng lượng lớn gồm EVN, Vinacomin và Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam lên tới 315.693 tỉ đồng(tương đương 15 tỉ USD), chiếm 1/4 tổng số nợ của tất cả DNNN ở Việt Nam.

Kìm hãm tăng trưởng xanh

Trợ giá nhiên liệu hóa thạch ngày càng được cộng đồng quốc tế thừa nhận là kìm hãm tăng trưởng xanh và giảm thiểu cường độ năng lượng của nền kinh tế. Các khoản trợ giá kìm hãm sử dụng các nguồn năng lượng sạch, khuyến khích tiêu thụ lãng phí nhiên liệu hóa thạch cũng như cột chặt các nước trong các phương thức phát triển kinh tế sử dụng nhiều năng lượng và từ đó có thể làm cho họ trở nên không thể cạnh tranh khi giá năng lượng tăng theo thời gian.

Theo bà Pratibha Mehta, điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và tiến tới một quỹ đạo tăng trưởng bền vững, việc cải cách chính sách tài khóa nhiên liệu hóa thạch đòi hỏi phải cải cách ngành năng lượng một cách tổng thể, bao gồm giá năng lượng và chiến lược truyền thông để tham vấn, kêu gọi sự ủng hộ trên diện rộng đối với cải cách. Đặc biệt, cần có các biện pháp để bảo vệ người nghèo và dễ tổn thương cũng như các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhất từ việc tăng giá năng lượng. Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) cũng đề xuất lợi ích của cải cách trợ giá có thể được khuếch đại bằng việc đưa vào giá carbon thông qua thuế hoặc kinh doanh hạn ngạch carbon.

Vinacomin lại xin giảm thuế, phí

Vinacomin vừa kiến nghị Chính phủ xem xét cho tập đoàn này được vay vốn từ nguồn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước, một phần vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư phát triển ngành than. Cụ thể, Vinacomin kiến nghị Chính phủ bảo lãnh vay vốn nước ngoài do tập đoàn hiện nay không có đủ phần vốn đối ứng từ 20%-30% để thực hiện vay đầu tư phát triển các mỏ mới. Vinacomin cũng cho rằng các loại thuế, phí đối với sản xuất than rất cao trong khi điều kiện khai thác ngày càng khó khăn làm cho giá thành than tăng cao. Vì thế, kiến nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh giảm thuế, phí đối với tài nguyên than.

Theo Minh Khanh/nld.com.vn

Khởi động chương trình kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội (SME Hanoi 2014)

30 doanh nhân trẻ xuất sắc sẽ được cố vấn và chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia kinh tế, giám đốc doanh nghiệp từ những tập đoàn lớn của Việt Nam trong khoảng thời gian 6 tháng từ 10/2014 đến 3/2015 trong khuôn khổ chương trình kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) Hà Nội (SME Hanoi 2014).

 Poster của chương trình (Ảnh: BTC cung cấp)

Được biết, Dự án “Kết nối và Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ” (SME Networking and Mentoring) là dự án phi lợi nhuận, chính thức ra đời vào tháng 11/2011 dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Hoa Kỳ.

 Mục tiêu của chương trình là cầu nối tập hợp và tạo cơ hội cho các startup trẻ giao lưu và học hỏi từ những doanh nhân thành đạt đi trước thông qua hình thức cố vấn truyền thụ. Đồng thời, SME cũng xây dựng được một mạng lưới các các doanh nhân và chuyên gia sẵn sàng chia sẻ bài học, tư vấn khó khăn cũng như hợp tác để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam và tăng khả năng thành công và mức độ cạnh tranh cho các DNVVN.

Bốn hoạt động hấp dẫn và thiết thực mà chương trình mang đến cho những người tham gia bao gồm: Group café; SATUS café; Company visit và Networking event. Thông qua các hoạt động, doanh nghiệp có thể chia sẽ những vướng mắc, tìm kiếm giải pháp cho các vẫn đề hiện tại, truyền lửa kinh doanh, thiết lập mối quan hệ hợp tác lâu dài, từ đó giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và mang đến những đóng góp tích cực cho cộng đồng.

Ban cố vấn của SME Hanoi năm nay đến từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Le Bros, Eurowindow, Vietsoftware, Goldsun, CMC, Citibank Việt Nam… Các lĩnh vực xuất hiện trong chương trình năm nay rất đa dạng, từ sản xuất chế biến, vận tải, tài chính, công nghệ, xây dựng đến các ngành sáng tạo như truyền thông, du lịch, giáo dục.

SME Hà Nội đã bắt đầu nhận đơn đăng ký và hạn nộp cuối là trước ngày 22/10/2014. Đối tượng tuyển chọn là các DNVVN của Việt Nam, thuộc tất cả các lĩnh vực kinh doanh khác nhau, đã đi vào hoạt động không quá 5 năm và có đam mê, nhiệt huyết sẵn sàng học hỏi kĩ năng kinh doanh và có phát triển cá nhân.

Theo dangcongsan.vn

Giới thiệu Trung tâm Sản xuất sạch hơn (VNCPC) – Bản tin Công nghệ và Đời sống – VTV1

Xã “năng lượng mới”

Ngoài hệ thống biogas, xã ven biển này còn sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời, đèn bão năng lượng mặt trời, đèn LED tiết kiệm điện và trang bị hệ thống lọc nước công nghệ RO cho người dân
Story
Hệ thống xử lý RO cung cấp nước uống cho người dân xã Nam Cường

Một xã nông thôn “sinh sau đẻ muộn” nằm ven biển của huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình nhưng lại được sử dụng tích hợp khá nhiều mô hình năng lượng mới – một điều mà ngay cả các đô thị hiện đại ở Việt Nam cũng khó thực hiện. Cũng như lịch sử hình thành vùng đất lấn biển khai hoang này, xã Nam Cường tiếp tục “khai khẩn” triệt để các nguồn năng lượng tự nhiên cho đời sống, sản xuất.

Tự cung, tự cấp

Ngoài việc hỗ trợ các hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ tự lắp đặt hệ thống biogas sử dụng trong gia đình, từ năm 2012, xã Nam Cường đã triển khai mô hình biogas cộng đồng. Với sự hỗ trợ của nhiều đơn vị trong và ngoài nước, xã đã xây dựng một đường ống dẫn khí gas (gồm máy hút đẩy khí và hệ thống các van tự động, an toàn) nối từ trang trại chăn nuôi heo của ông Trần Sinh Bảo dẫn đến tận nhà 25 hộ dân thôn Hoàng Môn và đồn biên phòng Cửa Lân, cung cấp gas miễn phí.

Ông Bảo cho biết trang trại mỗi năm nuôi 2 lứa heo, khoảng 2.400 con/lứa. Ngày trước, phân thải ra được dẫn vào bể lắng, phần mùn cho người dân lân cận sử dụng, nước được xử lý và xả ra sông vẫn không tránh khỏi tình trạng ô nhiễm. Năm 2012, được sự hướng dẫn từ một số tổ chức và sự khuyến khích của chính quyền xã, ông Bảo đầu tư 200 triệu đồng xây dựng hệ thống biogas vừa phục vụ người dân vừa cải thiện môi trường trang trại. Với bể chứa gần 5.000 m3, lượng gas có thể đủ dùng cho khoảng 100 hộ. Chị Trần Thị Lý, một trong những hộ dân được hưởng thụ lợi ích của mô hình này, cho biết trước kia, gia đình chị dùng than rồi bình gas, mỗi tháng tốn khoảng 150.000 – 200.000 đồng nhưng từ khi có hệ thống biogas, chị chỉ tốn 25.000 đồng/tháng để đóng tiền điện bơm gas. Theo các chuyên gia, hiện trên thị trường đã có hệ thống khử mùi dùng cho hộ gia đình với giá khoảng 500.000 đồng, người dân lắp thêm hệ thống này có thể sử dụng biogas thoải mái hơn.

Trường mầm non của xã Nam Cường cũng được trang bị hệ thống biogas. Bà Trần Thị Hoa, hiệu trưởng, cho biết tất cả chất thải và thức ăn thừa hằng ngày đều dồn xuống hệ thống với hầm chứa dung tích 16 m3. Hệ thống biogas đã cơ bản cung cấp đủ gas sinh hoạt cho trường mà môi trường lại trong lành. Theo bà Hoa, ước tính trung bình mỗi ngày giảm được 10.000 đồng tiền nhiên liệu so với trước kia. Bên cạnh hệ thống biogas, trường mầm non này còn được trang bị hệ thống bình nước nóng năng lượng mặt trời để tiết kiệm nhiên liệu đun nấu và thân thiện hơn với môi trường.

Tiết kiệm và bền vững

Ông Bùi Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Cường, cho biết trang trại lớn là một trong những mô hình kinh tế chủ lực của xã nhưng xử lý chất thải lại là một vấn đề đau đầu. Hầu hết người dân trong xã đều dùng than và củi làm nhiên liệu đun nấu. Số tiền chi cho việc sử dụng nhiên liệu và năng lượng chiếm đến 10% thu nhập bình quân của người dân. Vì thế, với sự giúp sức của nhiều tổ chức, xã đã xây dựng kế hoạch sử dụng năng lượng ở địa phương, trong đó hệ thống biogas được xem như lời giải hài hòa cho bài toán năng lượng và môi trường. “Để thuyết phục người dân và xây dựng một hệ thống ống dẫn gas từ bên này sông qua bên kia sông thật chẳng dễ dàng gì. Nhưng với quyết tâm của xã và sự giúp đỡ nhiệt tình của các tổ chức, chúng tôi đã lắp đặt được hệ thống ống dẫn dài hơn 1,2 km. Hiệu quả của mô hình đã thuyết phục được người dân, do vậy chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng” – ông Tiến khẳng định.

Theo ông Hoàng Ngọc Sang, Chủ tịch UBND xã Nam Cường, hệ thống biogas không chỉ bớt ô nhiễm, giảm chi tiêu cho người dân mà còn củng cố mối quan hệ đoàn kết giữa các hộ dân. Ông Sang cho biết để khuyến khích người dân sử dụng biogas, từ năm 2015, xã có kế hoạch hỗ trợ cho mỗi hộ lắp đặt 1 triệu đồng. Không chỉ biogas, nhiều giải pháp năng lượng tái tạo khác cũng đang được sử dụng và nhân rộng tại xã Nam Cường: bình nước nóng năng lượng mặt trời (hiện có 16 hộ sử dụng, mỗi hộ được hỗ trợ 2 triệu đồng tiền lắp đặt), đèn bão năng lượng mặt trời, đèn LED tiết kiệm điện… Đến nay, hơn 50% dân số của xã đã được tiếp cận và sử dụng các giải pháp năng lượng mới và xã Nam Cường tiếp tục duy trì mục tiêu sử dụng tiết kiệm và bền vững các nguồn năng lượng.

Uống chung nguồn nước
Từ năm 2012, UBND xã Nam Cường đã sử dụng hệ thống lọc công nghệ RO để cung cấp nước uống trực tiếp cho người dân. Hệ thống gồm 4 máy lọc nước công suất 150 lít/giờ/máy cung cấp nước uống trực tiếp cho gần 3.500 người toàn xã, bán giá 5.000 đồng/20 lít, miễn phí sử dụng đối với trường mầm non, trạm y tế. 
Điện vận hành hệ thống lọc nước lấy từ dàn pin năng lượng mặt trời đặt trên nóc trụ sở UBND xã. Dàn pin này có công suất 1,5 KW nên vẫn bảo đảm nguồn nước cả khi mất điện. Hiện tại, chất lượng nước rất ổn định và được kiểm soát qua hệ thống theo dõi, ghi chép hằng ngày của xã.
Theo nld.com.vn

Bầu khí quyển hứng 1.000 tấn C02 từ con người trong 40 năm

Thế giới chỉ còn “rất ít thời gian” để đạt mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C, ngoài ra cần giảm lượng khí phát thải CO2 từ 40-70% từ năm 2010 đến 2050, tiến tới xuống mức 0% vào năm 2100.

Đó là một số nội dung trong báo cáo tổng hợp đánh giá về thực trạng biến đổi khí hậu toàn cầu trong 7 năm qua do Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) công bố ngày 2/11 tại Copenhagen, Đan Mạch.

Báo cáo khẳng định thế giới đang trong tình trạng nóng lên toàn cầu và phần lớn là do lỗi của con người.

Kể từ cuộc Cách mạng công nghiệp năm 1750 đến nay, con người đã thải ra gần 2.000 tỷ tấn CO2 vào không khí, trong đó có đến một nửa lượng khí này thải ra trong 40 năm vừa qua.

Lượng khí CO2, methane hiện đang ở mức cao nhất trong ít nhất 800.000 năm qua. Một số tác động hiện đã được ghi nhận rõ như nước biển dâng cao, tăng 19cm từ năm năm 1901 đến 2010, ngoài ra nước các đại dương ấm hơn và có nồng độ axít cao hơn, cũng như tình trạng tản chảy của các sông băng vĩnh cửu và Bắc Băng Dương.

Biện pháp cấp bách để giảm nhẹ tác động của tình trạng theo IPCC đề xuất là hạ mức khí thải, tối ưu nếu xuống 0% ngay trong thế kỷ này.

hân loại cần phải nỗ lực để ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu. (Ảnh: www.thinkglobalgreen.org)

Phân loại cần phải nỗ lực để ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu. (Ảnh: www.thinkglobalgreen.org)

Bên cạnh đó bản báo cáo cũng đưa ra những hy vọng trong cuộc chiến đối phó với biến đổi khí hậu.

Chủ tịch IPCC Rajendra Pachauri khẳng định thế giới có đầy đủ phương tiện để hạn chế biến đổi khí hậu mà không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và nhân đạo.

Trước hết, cần chấm dứt xu hướng sử dụng quá nhiều dầu mỏ, than và khí đốt trong ngành năng lượng toàn cầu, đây là nguồn phát thải khí CO2 trực tiếp vào bầu khí quyển.

Theo IPCC, đến năm 2030, cần tập trung đầu tư vào các nguồn năng lượng ít khí thải CO2, cũng như phát triển các phương tiện giao thông, công nghiệp và các tòa nhà tiết kiệm năng lượng, cho dù định hướng đó sẽ cần đến hàng trăm tỷ USD đầu tư mỗi năm.

IPCC cũng chú trọng đến dự án thử nghiệm tách CO2 khỏi lượng khí thải của các nhà máy trước khi lượng khí này đi vào bầu khí quyển.

IPCC do Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) thành lập năm 1988.

IPCC chuyên cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách những đánh giá định kỳ mang tính khoa học liên quan biến đổi khí hậu, tác động của tình trạng này, các nguy cơ trong tương lai, cũng như các phương án để thích nghi và giảm nhẹ hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu.

Theo TTXVN, 02/11/2014