Xã “năng lượng mới”

Ngoài hệ thống biogas, xã ven biển này còn sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời, đèn bão năng lượng mặt trời, đèn LED tiết kiệm điện và trang bị hệ thống lọc nước công nghệ RO cho người dân
Story
Hệ thống xử lý RO cung cấp nước uống cho người dân xã Nam Cường

Một xã nông thôn “sinh sau đẻ muộn” nằm ven biển của huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình nhưng lại được sử dụng tích hợp khá nhiều mô hình năng lượng mới – một điều mà ngay cả các đô thị hiện đại ở Việt Nam cũng khó thực hiện. Cũng như lịch sử hình thành vùng đất lấn biển khai hoang này, xã Nam Cường tiếp tục “khai khẩn” triệt để các nguồn năng lượng tự nhiên cho đời sống, sản xuất.

Tự cung, tự cấp

Ngoài việc hỗ trợ các hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ tự lắp đặt hệ thống biogas sử dụng trong gia đình, từ năm 2012, xã Nam Cường đã triển khai mô hình biogas cộng đồng. Với sự hỗ trợ của nhiều đơn vị trong và ngoài nước, xã đã xây dựng một đường ống dẫn khí gas (gồm máy hút đẩy khí và hệ thống các van tự động, an toàn) nối từ trang trại chăn nuôi heo của ông Trần Sinh Bảo dẫn đến tận nhà 25 hộ dân thôn Hoàng Môn và đồn biên phòng Cửa Lân, cung cấp gas miễn phí.

Ông Bảo cho biết trang trại mỗi năm nuôi 2 lứa heo, khoảng 2.400 con/lứa. Ngày trước, phân thải ra được dẫn vào bể lắng, phần mùn cho người dân lân cận sử dụng, nước được xử lý và xả ra sông vẫn không tránh khỏi tình trạng ô nhiễm. Năm 2012, được sự hướng dẫn từ một số tổ chức và sự khuyến khích của chính quyền xã, ông Bảo đầu tư 200 triệu đồng xây dựng hệ thống biogas vừa phục vụ người dân vừa cải thiện môi trường trang trại. Với bể chứa gần 5.000 m3, lượng gas có thể đủ dùng cho khoảng 100 hộ. Chị Trần Thị Lý, một trong những hộ dân được hưởng thụ lợi ích của mô hình này, cho biết trước kia, gia đình chị dùng than rồi bình gas, mỗi tháng tốn khoảng 150.000 – 200.000 đồng nhưng từ khi có hệ thống biogas, chị chỉ tốn 25.000 đồng/tháng để đóng tiền điện bơm gas. Theo các chuyên gia, hiện trên thị trường đã có hệ thống khử mùi dùng cho hộ gia đình với giá khoảng 500.000 đồng, người dân lắp thêm hệ thống này có thể sử dụng biogas thoải mái hơn.

Trường mầm non của xã Nam Cường cũng được trang bị hệ thống biogas. Bà Trần Thị Hoa, hiệu trưởng, cho biết tất cả chất thải và thức ăn thừa hằng ngày đều dồn xuống hệ thống với hầm chứa dung tích 16 m3. Hệ thống biogas đã cơ bản cung cấp đủ gas sinh hoạt cho trường mà môi trường lại trong lành. Theo bà Hoa, ước tính trung bình mỗi ngày giảm được 10.000 đồng tiền nhiên liệu so với trước kia. Bên cạnh hệ thống biogas, trường mầm non này còn được trang bị hệ thống bình nước nóng năng lượng mặt trời để tiết kiệm nhiên liệu đun nấu và thân thiện hơn với môi trường.

Tiết kiệm và bền vững

Ông Bùi Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Cường, cho biết trang trại lớn là một trong những mô hình kinh tế chủ lực của xã nhưng xử lý chất thải lại là một vấn đề đau đầu. Hầu hết người dân trong xã đều dùng than và củi làm nhiên liệu đun nấu. Số tiền chi cho việc sử dụng nhiên liệu và năng lượng chiếm đến 10% thu nhập bình quân của người dân. Vì thế, với sự giúp sức của nhiều tổ chức, xã đã xây dựng kế hoạch sử dụng năng lượng ở địa phương, trong đó hệ thống biogas được xem như lời giải hài hòa cho bài toán năng lượng và môi trường. “Để thuyết phục người dân và xây dựng một hệ thống ống dẫn gas từ bên này sông qua bên kia sông thật chẳng dễ dàng gì. Nhưng với quyết tâm của xã và sự giúp đỡ nhiệt tình của các tổ chức, chúng tôi đã lắp đặt được hệ thống ống dẫn dài hơn 1,2 km. Hiệu quả của mô hình đã thuyết phục được người dân, do vậy chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng” – ông Tiến khẳng định.

Theo ông Hoàng Ngọc Sang, Chủ tịch UBND xã Nam Cường, hệ thống biogas không chỉ bớt ô nhiễm, giảm chi tiêu cho người dân mà còn củng cố mối quan hệ đoàn kết giữa các hộ dân. Ông Sang cho biết để khuyến khích người dân sử dụng biogas, từ năm 2015, xã có kế hoạch hỗ trợ cho mỗi hộ lắp đặt 1 triệu đồng. Không chỉ biogas, nhiều giải pháp năng lượng tái tạo khác cũng đang được sử dụng và nhân rộng tại xã Nam Cường: bình nước nóng năng lượng mặt trời (hiện có 16 hộ sử dụng, mỗi hộ được hỗ trợ 2 triệu đồng tiền lắp đặt), đèn bão năng lượng mặt trời, đèn LED tiết kiệm điện… Đến nay, hơn 50% dân số của xã đã được tiếp cận và sử dụng các giải pháp năng lượng mới và xã Nam Cường tiếp tục duy trì mục tiêu sử dụng tiết kiệm và bền vững các nguồn năng lượng.

Uống chung nguồn nước
Từ năm 2012, UBND xã Nam Cường đã sử dụng hệ thống lọc công nghệ RO để cung cấp nước uống trực tiếp cho người dân. Hệ thống gồm 4 máy lọc nước công suất 150 lít/giờ/máy cung cấp nước uống trực tiếp cho gần 3.500 người toàn xã, bán giá 5.000 đồng/20 lít, miễn phí sử dụng đối với trường mầm non, trạm y tế. 
Điện vận hành hệ thống lọc nước lấy từ dàn pin năng lượng mặt trời đặt trên nóc trụ sở UBND xã. Dàn pin này có công suất 1,5 KW nên vẫn bảo đảm nguồn nước cả khi mất điện. Hiện tại, chất lượng nước rất ổn định và được kiểm soát qua hệ thống theo dõi, ghi chép hằng ngày của xã.
Theo nld.com.vn