Tín dụng xanh – xanh hóa môi trường

Giải pháp về tài chính, trong đó có chính sách tín dụng xanh được xem là có hiệu quả lớn trong việc khuyến khích các doanh nghiệp hướng tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh sạch, an toàn hơn. Từ đó, góp phần xanh hóa những mảng nâu hướng tới phát triển bền vững kinh tế.

GCTF logo - 360-1030

 Cơ hội đổi mới công nghệ

 Hiện, các kênh về tín dụng xanh chủ yếu được tiếp cận qua Quỹ ủy thác tín dụng xanh do Chính phủ Thụy Sỹ (SECO) thành lập tại Việt Nam nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư các công nghệ sản xuất có hiệu suất cao và thân thiện với môi trường. Quỹ được vận hành có sự phối hợp của cơ quan tài trợ SECO, Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam và các ngân hàng ACB, Techcombank và VIB. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ được bảo lãnh tín dụng (50%) và hoàn trả một phần (tới 25%) vốn vay ngân hàng để đầu tư cho công nghệ thân thiện với môi trường tùy theo tác động cải thiện môi trường của công nghệ đó.

 Nếu các dự án đổi mới thiết bị, công nghệ của doanh nghiệp đạt được các tiêu chí về giảm thiểu tác động đến môi trường doanh nghiệp sẽ nhận được hỗ trợ tài chính từ quỹ theo 2 hình thức là bảo lãnh tối đa 50% tổng giá trị khoản vay và thưởng từ 15 – 25% tổng giá trị khoản vay.

 Thời gian xem xét cho một dự án là 75 ngày, triển khai đầu tư trong 3 – 6 tháng. Đối tượng, ngành nghề được hỗ trợ là các DN sản xuất công nghiệp, dịch vụ và thương mại muốn thay đổi phương thức sản xuất, đầu tư thiết bị mang lại hiệu quả môi trường. Những loại hình công nghiệp tiềm năng là sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất giấy, chế biến thực phẩm, sản xuất thép, luyện kim, da và sản xuất hóa chất…

 Hiện có trên 60 doanh nghiệp tại Việt Nam gửi hồ sơ tham gia chương trình hỗ trợ của GCTF, trong đó 40 hồ sơ đã đạt đủ các điều kiện sàng lọc ban đầu, 30 dự án đã được phê duyệt kỹ thuật và 12 dự án đã được ngân hàng giải ngân cho vay.

Gctf

 Thiếu thông tin về tín dụng xanh

 Tín dụng xanh chỉ những khoản tín dụng mà ngân hàng cấp phát cho các dự án sản xuất kinh doanh không gây rủi ro hoặc nhằm mục đích bảo vệ môi trường – xã hội. Những lợi ích về tín dụng xanh đối với công tác bảo vệ môi trường là rất lớn, tuy vậy, tại Việt Nam hoạt động này còn mới mẻ, thậm chí giải pháp về tài chính xanh còn ít, chưa có giải pháp ngân hàng xanh trong chiến lược tăng trưởng xanh. Các ngân hàng thương mại truyền thống chưa sẵn sàng cung ứng sản phẩm và dịch vụ tài chính xanh.

 Theo kết quả khảo sát của Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiến hành khảo sát thực tiễn về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trên 54 tổ chức tín dụng có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Khảo sát của IFC tập trung vào các vấn đề chính như: Nhận thức, hiểu biết của các tổ chức tín dụng về vấn đề môi trường xã hội; việc xây dựng chính sách và quy trình quản lý rủi ro môi trường xã hội; so sánh hoạt động quản lý rủi ro môi trường xã hội ở Việt Nam với các thông lệ quốc tế…

 Kết quả chỉ ra rằng, 89% số ngân hàng tham gia khảo sát không biết đến bất kỳ tài liệu hướng dẫn hay tiêu chí nào về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong ngành tài chính. 93% các ngân hàng cũng cho rằng cần phải có hướng dẫn về vấn đề này.

 Cần hành lang pháp lý

 Pháp luật hiện hành chưa có một quy định hay hướng dẫn nào đối với việc các ngân hàng phải cân nhắc đến những rủi ro về môi trường và an sinh xã hội trước khi cấp tín dụng. Văn bản pháp lý cao nhất quy định về các hoạt động bảo đảm an toàn môi trường là Luật Bảo vệ môi trường với nguyên tắc xuyên suốt là “Bảo vệ môi trường gắn hài hòa với phát triển kinh tế” và “Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn xã hội, quyền và trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân”.

 Tuy nhiên, Luật BVMT cũng chỉ tập trung làm rõ trách nhiệm của khối doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các ngành nghề quan trọng (Điều 35 – 49), ngoài ra không nhắc đến trách nhiệm của ngành tài chính, ngân hàng. Các chế tài về xử lý ô nhiễm quy định trong Luật BVMT cũng như trong Bộ luật Hình sự – phần quy định về tội phạm môi trường cũng chỉ áp dụng với các tổ chức, cá nhân trực tiếp gây ô nhiễm.

 Chính điều này đã dẫn đến việc các cán bộ tín dụng ngân hàng hầu như không chú trọng tới việc đánh giá các rủi ro về môi trường, xã hội khi thẩm định tín dụng. Theo nghiên cứu Trung tâm Con người và Thiên nhiên thực hiện trên 19 ngân hàng thương mại Việt Nam lớn nhất hiện nay, hầu hết các cán bộ tín dụng chỉ kiểm tra trong hồ sơ xin vay vốn xem có bản đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt hay chưa, một số sẽ kiểm tra công nghệ xả thải và kế hoạch di dân (nếu có) của công trình/dự án, nhưng hầu hết đều dựa vào kinh nghiệm của người thẩm định chứ không có những quy định cụ thể của ngân hàng về vấn đề này.

 Các chuyên gia cho rằng, các ngân hàng hoàn toàn có thể góp phần hạn chế những rủi ro về mặt môi trường, xã hội, thông qua việc không cho vay vốn đối với những dự án gây ô nhiễm hoặc có tác động xấu tới môi trường và cuộc sống của người dân. Mặt khác, việc kiểm soát chặt ngay từ khâu thẩm định tín dụng còn khuyến khích các doanh nghiệp hướng tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh sạch và an toàn hơn.

 Theo tainguyenmoitruong.com.vn

Xe đạp Elf: Tương lai của giao thông đô thị bền vững

Một chiếc xe đạp điện có tên gọi “Elf” được phát triển bởi các nhà nghiên cứu thuộc công ty Organic Transit bang Bắc Carolina, Mỹ được đánh giá là tương lai của giao thông đô thị bền vững.

 Cấu tạo của chiếc xe đạp Elf gồm một phần giống xe đạp, một phần chạy bằng điện. Hệ thống bánh răng của xe đạp có khả năng vừa giúp tối đa hóa lực của bàn đạp vừa có khả năng giảm nhẹ sức đạp tối đa thông qua cân bằng lực với hệ thống mô tơ chạy bằng năng lượng mặt trời.

xemy_250614

Các nhà phát minh cho biết sản phẩm của họ mang đến những tác động tích cực với môi trường. Phát minh này được hy vọng sẽ mang đến một giải pháp thay thế hiệu quả cho những người muốn sử dụng phương tiện đi lại thân thiện với môi trường.

Ông Rob Cotter, người sáng lập công ty Organic Transit nói: “Nếu tất cả mọi người sử dụng Elf hàng ngày để đi lại, lượng CO2 có thể giảm 6 tấn mỗi năm”.

Chiếc xe đạp điện này có thể di chuyển với vận tốc lên tới 48km/giờ và chịu được tải trọng ở mức 159kg.

Giá thành của một chiếc Elf là hơn 5.000 USD. Trong vòng 2 năm qua, hơn 400 chiếc Elf đã được bán tại 7 quốc gia trên thế giới và công ty sáng lập chiếc xe đạp này cho biết, doanh số bán hàng ngày càng tăng.

Hiện, công ty Organic Transit đang tập trung phát triển chiếc xe đạp điện lớn hơn Elf, có tên gọi Ox với tải trọng lên tới 850kg.

 Theo VTVonline

Sản xuất điện từ khí cacbonic

Tiến sỹ người Hà Lan, Bert Hamelers và các đồng nghiệp vừa công bố về một phương pháp sản xuất điện với nhiên liệu đầu vào là khí CO2. Phương pháp này cho phép tận thu nguồn khí thải từ các nhà máy, vốn được cho là nguyên nhân chính gây ra hiệu ứng nhà kính, để biến chúng thành sản phẩm hữu ích khi tạo ra điện.

Theo TS.Bert Hamelers, mỗi năm các nhà máy nhiệt điện trên thế giới thải ra khoảng 12 tỷ tấn khí CO2 từ việc đốt than, dầu và khí đốt. Nhà ở và các trung tâm thương mại thải ra khoảng 11 tỷ tấn CO2 khi sử dụng điều hòa và máy sưởi.

San xuat dien tu CO2

 Mỗi năm thế giới có thể sản xuất được 1.570 tỷ kWh điện từ khí CO2

Trước tình trạng đó, nhóm nghiên cứu của TS.Bert Hamelers quyết định tìm cách tận dụng nguồn khí thải khổng lồ này. Theo đó, khí CO2 được cho phản ứng với các một số chất lỏng hóa học để tạo ra dòng điện.

Nếu sử dụng lượng khí CO2 thu được từ các nhà máy điện, nhà ở và các trung tâm thương mại, mỗi năm cả thế giới có thể sản xuất được khoảng 1.570 tỷ kWh điện. Lượng điện này lớn gấp 400 lần sản lượng điện của nhà máy thủy điện nối tiếng thế giới Hoover Dam (Mỹ).

Với cách sản xuất điện kiểu mới này, thế giới sẽ không cần xây dựng thêm các công trình thủy điện hay những nhà máy nhiệt điện. Nhờ đó, giảm các tác động tiêu cực đến môi trường, cũng như tiết kiệm đáng kể nguồn năng lượng hóa thạch đang cạn kiệt.

Theo tietkiemnangluong.com.vn

Việt Nam thuộc 3 nước tổn thương nhất do biến đổi khí hậu

Cùng với Campuchia, Việt Nam và Bangladesh là những quốc gia bị tổn thương nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, theo đánh giá mới nhất của hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s.

bien doi khi hau(3)

Nhà dân bị đổ sập do lốc, chìm trong lũ ở xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) – Ảnh: Lam Giang

Theo International Business Times, Standard & Poor đã sử dụng ba bộ dữ liệu để đưa ra bảng đánh giá, gồm tỷ lệ phần trăm dân số sống ở khu vực trên và dưới 5m so với mực nước biển; sản lượng nông nghiệp quốc gia so với nền kinh tế tổng thể (do nông nghiệp chịu ảnh hưởng rất lớn của thời tiết) và khả năng thích ứng của mỗi quốc gia.

Kết quả, trong số 116 quốc gia, có 20 nước nằm trong nhóm dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, phần lớn là những nước ở châu Á hoặc châu Phi và là những thị trường mới nổi. Trong đó, Campuchia, Việt Nam và Bangladesh là những nước dễ bị tổn thương nhất – trong khi Luxembourg, Thụy Sĩ và Áo là những nước ít bị ảnh hưởng nhất.

Theo bảng đánh giá, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là lũ lụt, sẽ gia tăng thiệt hại lên cơ sở hạ tầng của quốc gia bị ảnh hưởng. Hạn hán, nắng nóng kéo dài và lặp đi lặp lại cũng làm giảm sản lượng nông nghiệp, gây cháy rừng…

Năng suất của lực lượng lao động cũng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực nếu các sự kiện thời tiết ảnh hưởng tiêu cực đến điều kiện vệ sinh, làm lây lan dịch bệnh hoặc loài gây hại, tăng tỷ lệ mắc bệnh.

Trước đó, tại “Hội thảo quốc tế về biến đổi khí hậu và sự kiện khí hậu cực đoan tại Việt Nam” diễn ra tháng 8-2012 ở Hà Nội (do Bộ Tài nguyên – môi trường và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tổ chức), ông Rajendra K. Pachauri – chủ tịch Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, nhận định Việt Nam là đất nước rất dễ bị tổn thương từ thiên tai, điều này đồng nghĩa với việc sẽ chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu.

Theo ông, có tới 95% các ca tử vong do thiên tai nằm ở các nước đang phát triển, vì vậy Việt Nam cần phải có những chính sách, giải pháp để giảm nhẹ tác động từ thiên tai.

Theo TTO

Triển khai dự án “Thùng rác sinh học”

Dự án “Thùng rác sinh học” của nhóm sinh viên Trường Đại học Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh nhận giải đặc biệt trong cuộc thi Holcim Prize 2013 vừa được triển khai ứng dụng tại tỉnh Bình Thuận.

120613_thungrac

 Dự án “Thùng rác sinh học” giúp người nông dân có thể xử lý, tận dụng rác thải từ cây thanh long để sinh lợi và bảo vệ môi trường (Ảnh: Doanh nhân Sài Gòn)

Theo đó, giun được nuôi trong các thùng rác sẽ ăn xác cây thanh long, phân giun thải ra sẽ được dùng để bón cây, sau khi hết vụ, giun sẽ được bán làm thức ăn cho gia cầm và gia súc.

Mô hình khép kín này không những giải quyết được vấn đề xử lý xác cây thanh long mà còn giúp nông dân có thêm thu nhập. Trước đây, việc xử lý xác cây thanh long sau thu hoạch là một trong những mối lo của nông dân và địa phương, vì nếu để xác cây thanh long tự phân hủy sẽ mất thời gian khá lâu và gây ô nhiễm môi trường.

Với khả năng ứng dụng như trên, đề tài sẽ góp phần bảo vệ môi trường và cải thiện cuộc sống cho bà con nông dân trồng thanh long trên cả nước.

Theo Quốc Định/Đại Đoàn Kết

Kêu gọi đề xuất cho chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp xã hội

Trung Tâm Tia Sáng (Spark) rất vui được thông báo và trân trọng kính mời các doanh nghiệp tham gia gửi đề xuất về chương trình “Doanh thu cao hơn – Nhiều Tác động Xã hội hơn” tìm kiếm và thúc đẩy các doanh nghiệp xã hội đang thực hiện các giải pháp cải thiện doanh thu và lợi nhuận nhằm tạo nhiều tác động xã hội tại địa phương. Các doanh nghiệp có đề xuất đạt yêu cầu sẽ nhận được các hỗ trợ sau:

  • Tư vấn hoàn thiện kế hoạch kinh doanh để phục vụ mục tiêu tăng trưởng và tạo tác động xã hội
  • Hỗ trợ tài chính không hoàn lại trị giá tới 140 triệu VNĐ/doanh nghiệp
  • Tư vấn nâng cao năng lực về quản lý, điều hành và bán hàng
  • Kết nối với các đối tác kinh doanh tiềm năng hoặc các nhà cung cấp dịch vụ nhằm phát triển và thực hiện kế hoạch kinh doanh đã đề ra

Điều kiện đăng ký tham gia chương trình:

  • Là các doanh nghiệp dân doanh (có tỷ lệ sở hữu vốn tư nhân >51% vốn điều lệ) đã đăng ký kinh doanh và có thời gian sản xuất kinh doanh ít nhất 3 năm
  • Đang có mô hình kinh doanh tạo doanh thu từ các sản phẩm dịch vụ, tạo tác động xã hội và có tiềm năng mở rộng
  • Có khả năng đầu tư tối thiểu 30% ngân sách dự án
  • Đang trong quá trình thực hiện Kế hoạch cải tiến doanh thu và hoàn thiện Kế hoạch kinh doanh

Các lĩnh vực ưu tiên:

  • Nông nghiệp bền vững
  • Dịch vụ y tế và đào tạo thân thiện, có chất lượng và chi phí phù hợp
  • Dịch vụ hạ tầng xã hội cơ bản quy mô nhỏ cho cộng đồng có chất lượng và chi phí phù hợp
  • Tiết kiệm năng lượng

Tiêu chí lựa chọn xét duyệt:

  • Mô hình kinh doanh tạo ra sản phẩm dịch vụ giải quyết một hoặc nhiều vấn đề giảm nghèo được xã hội quan tâm tại Việt Nam hiện nay
  • Mô hình/giải pháp có tính sáng tạo và bền vững cao
  • Mô hình/giải pháp có khả năng triển khai ở quy mô lớn hơn tại địa phương hoặc nhân rộng ra các địa phương khác
  • Doanh nghiệp có năng lực thực hiện đề xuất trong vòng 12 tháng

Các doanh nghiệp quan tâm xin gửi hồ sơ đăng ký theo mẫu (đính kèm bên dưới) tới email: [email protected]hoặc theo đường bưu điện tới địa chỉ:

                                 Trung tâm Phát triển Doanh nghiệp xã hội Tia Sáng

                    P.207-208, Nhà A2, Khu Ngoại giao đoàn Vạn Phúc, 298 Kim Mã, Hà Nội

Hạn nộp hồ sơ: Thứ năm, ngày 10 tháng 7 năm 2014.

Để biết thêm thông tin hoặc được tư vấn về chương trình, vui lòng xem tại file đính kèm hoặc liên hệ với chị Thái Thị Huyền Nga (Cán bộ chương trình) theo email: [email protected] hoặc sđt: 0983.661.908

 Attachments: 

Đính kèm Dung lượng
 keu_goi_de_xuat_spark_updated_june_2014.pdf 640.69 KB
 mau_tom_tat_du_an_spark_june_2014.doc 91 KB

 

Theo spark.org.vn