Gameshow đầu tiên và duy nhất trên truyền hình về chủ đề môi trường

Theo nhận định của các chuyên gia, mỗi năm, Việt Nam thải ra môi trường hàng trăm triệu tấn rác thải, tuy nhiên, chỉ có khoảng 10% trong số đó được tái chế. Vì thế, chỉ cần con số này tăng thêm 1%, có nghĩa là hàng triệu tấn rác thải sẽ được tái sử dụng, góp phần đẩy lùi ô nhiễm trong tương lai.

Đó là một trong những nội dung chính vừa được đưa ra tại chương trình họp báo ra mắt chương trình truyền hình thực tế (gameshow) “Sống xanh-Ai là chuyên gia?” do Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chiều nay (2/6), tại Hà Nội.

“Sống xanh-Ai là chuyên gia” là gameshow đầu tiên và duy nhất trên truyền hình về chủ đề môi trường. Gameshow này có thời lượng 30 phút sẽ được phát sóng vào 20 giờ 30 phút thứ 6 hàng tuần trên kênh VTV2, bắt đầu từ tối ngày 6/6/2014.

Gameshow “Sống xanh-Ai là chuyên gia?” được thiết kế nhằm mang đến cho khan giả truyền hình những giải pháp tái chế, tái thiết kế sáng tạo, nhằm biến những vật liệu bỏ đi thành những sản phẩm hữu ích, mà còn nhằm tôn vinh những cá nhân có đóng góp to lớn trong công tác bảo vệ môi trường.

Sản phẩm tái chế góp phần bảo vệ môi trường (Ảnh: Sống xanh/VTV)

Bà Lê Hải Anh, Phó trưởng ban Khoa giáo cho biết, gameshow “Sống xanh-Ai là chuyên gia?” lựa chọn đối tượng khán giả từ 14-35 tuổi, với tham vọng họ sẽ truyền đi cảm hứng bảo vệ môi trường sống.

Trong mỗi chương trình, gameshow này cũng sẽ tôn vinh một nhân vật “Người hùng bảo vệ môi trường”, đó là người tiên phong và có nhiều đóng góp tích cực cho công tác bảo vệ môi trường, đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm.

Với tư cách là MC chương trình, nghệ sỹ ưu tú Chí Trung cho biết, “Sống xanh-Ai là chuyên gia?” là gameshow truyền hình hấp dẫn, phù hợp với đa số khán giả và mang lại nhiều thông tin về môi trường, sử dụng và tái chế có giá trị tích cực cho xã hội.

“Tham gia chương trình, được đồng hành cùng các bạn trẻ làm ra các sản phẩm tái chế, tôi như được truyền thêm lòng nhiệt huyết, sự sang tạo. Tôi cũng hy vọng chương trình này sẽ lan tỏa được thông điệp bảo vệ môi trường đến với nhiều người vì một tương lai trong lành, tốt đẹp hơn,” nghệ sỹ Chí Trung chia sẻ.

Đồng hành cùng gameshow, nhà báo Đăng Bền, Nhà sản xuất chương trình cho biết sẽ tổ chức một cuộc thi đồng hành có tên gọi “Đi tìm Nhà tái chế,” nhằm tìm kiếm những tài năng thiết kế những sản phẩm tái chế hữu ích cho cuộc sống và phổ biến trong cộng đồng.

“Đi tìm Nhà tái chế” sẽ được tổ chức lien tục trong năm trên fanpage http://facebook.com.vtv.songxanh, với nhiều phần quà và giải thưởng hấp dẫn cho “Nhà tái chế” của tuần, của tháng và của năm.

Theo Hùng Võ/VietnamPlus, 02/06/2014

Tìm kiếm sáng kiến quản lý ô nhiễm công nghiệp ở Hà Nội: Huy động sức mạnh cộng đồng

​Với mục đích tìm ra những sáng kiến, ý tưởng hay có thể áp dụng vào thực tiễn trong công tác quản lý ô nhiễm công nghiệp thành phố Hà Nội, lần đầu tiên, cuộc thi “Sáng kiến, giải pháp quản lý ô nhiễm công nghiệp thành phố Hà Nội” năm 2014 đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phát động vào ngày 15-5-2014 với thông điệp “Sáng kiến hay – Bắt tay hành động – Phòng ngừa ô nhiễm”.
Thách thức lớn với môi trường Thủ đô
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1081 ngày 6-7-2011, thành phố sẽ phát triển 15 khu công nghiệp, trong đó có 8 khu công nghiệp và 49 cụm công nghiệp đang hoạt động với hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Công nghiệp phát triển mạnh mẽ đã tạo ra nhiều sản phẩm phong phú, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động. Tuy nhiên, kéo theo đó là lượng lớn chất thải công nghiệp phát sinh mỗi ngày gây sức ép cho công tác quản lý. Theo thống kê, mỗi ngày có trung bình 750 tấn rác thải công nghiệp và 75.000m3 nước thải công nghiệp phát sinh trên địa bàn thành phố và những con số này đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Đứng trước những thách thức lớn đối với công tác quản lý ô nhiễm môi trường công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tham mưu cho UBND thành phố trong việc ban hành Kế hoạch số 75/KH-UBND về quản lý ô nhiễm môi trường công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2015, phối hợp với các sở, ban, ngành và các cơ quan chức năng có liên quan để triển khai nhiều chương trình, dự án, đề án như:
  • Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy;
  • Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng;
  • Dự án xử lý nước thải Yên Sở công suất 200.000 m3/ngày đêm;
  • Dự án đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải sinh hoạt và làng nghề tại xã Vân Canh (huyện Hoài Đức);
  • Hệ thống xử lý chất thải công nghiệp để phát điện tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn)…
Công tác đăng ký chủ nguồn thải, thanh tra, kiểm tra và xử lý các cơ sở sản xuất có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường cũng được tăng cường.
Tìm kiếm giải pháp thiết thực
Để công tác quản lý ô nhiễm công nghiệp trên địa bàn thành phố được thực hiện hiệu quả, hướng tới phát triển bền vững, bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, sự tham gia, chung tay đóng góp của cộng đồng là rất quan trọng. Nhận thức rõ vấn đề này, ngày 15-5-2014, lần đầu tiên, cuộc thi “Sáng kiến, giải pháp quản lý ô nhiễm công nghiệp thành phố Hà Nội” năm 2014 đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phát động với thông điệp “Sáng kiến hay – Bắt tay hành động – Phòng ngừa ô nhiễm”. Mục tiêu của cuộc thi nhằm thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan thông qua triển khai các sáng kiến, hoạt động truyền thông, thay đổi hành vi về quản lý ô nhiễm công nghiệp trên địa bàn thành phố. Đồng thời huy động sự tham gia đóng góp ý tưởng, sáng kiến và sự tham gia, chung tay của cộng đồng trong quản lý ô nhiễm công nghiệp nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung.Các tổ chức, cá nhân 18 tuổi trở lên (trừ thành viên ban tổ chức, hội đồng giám khảo, tổ thư ký và những bộ phận trực tiếp tham gia vào quá trình tổ chức cuộc thi) không vi phạm pháp luật đều có quyền tham gia dự thi. Những sáng kiến xuất sắc trong cuộc thi của các cá nhân, tổ chức sẽ được xem xét và hỗ trợ triển khai trong thực tế nhằm hiện thực hóa các ý tưởng, sáng kiến, cải thiện công tác quản lý ô nhiễm công nghiệp thành phố Hà Nội và huy động hơn nữa sự chung tay của cộng đồng trong quản lý ô nhiễm công nghiệp nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung của Thủ đô.
– Thời gian nộp bài dự thi: Từ ngày 15-5 đến hết ngày 15-8-2014.
– Cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 5 giải khuyến khích.
– Địa chỉ nhận bài thi: “Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội – Tầng 9, Cung Trí thức – lô D25, Khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội – Điện thoại: 04 37868248 – Fax: 04 37833926”