Posts

Hội thảo tham vấn chuyên gia về phòng chống rò rỉ nhựa: Chung tay bảo vệ môi trường

Ngày 28/3, tại Hà Nội, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) đã phối hợp cùng đối tác tổ chức hội thảo Tham vấn Kỹ thuật và Lấy ý kiến Chuyên gia về Phòng chống rò rỉ nhựa”. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của các đại diện đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, trường đại học, các viện nghiên cứu và các tổ chức có liên quan.

Khi không có những biện pháp can thiệp phù hợp, nhựa thải hằng năm vào đại dương được dự đoán sẽ tăng gần gấp ba từ mức 11 triệu tấn hiện nay lên 29 triệu tấn vào năm 2040.

Trước thực trạng sản xuất và tiêu thụ nhựa liên tục gia tăng ở cả phạm vị quốc gia và trên toàn cầu, kéo theo đó là tình trạng môi trường đất, nước, không khí ngày càng bị ô nhiễm do rác thải nhựa, dự án “Xây dựng và phổ biến hướng dẫn kỹ thuật về phòng chống rò rỉ nhựa và mảnh nhựa từ các nhà máy và khu vực tái chế phi chính thức trong khối ASEAN” đã ra đời.

Đây là dự án được tài trợ bời Trung tâm Giáo dục Khu vực về chất thải nhựa đại dương (RKC-MPD) thuộc Viện nghiên cứu Kinh tế ASEAN (ERIA). Kể từ khi dự án được triển khai, Trung tâm Tài nguyên Khu vực châu Á và Thái Bình Dương thuộc Viện Công nghệ Châu Á (AIT RRCAP) đã phối hợp với các đối tác để triển khai tại 6 thành phố bao gồm: Manila và Iloilo (Philippines), Viên Chăn (Lào), Pattaya và Nothaburi (Thái Lan) và thủ đô Hà Nội.

Tại Việt Nam, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) đã được lựa chọn là đối tác của dự án. Thời gian qua, hai bên đã phối hợp triển khai các hoạt động như: Tham vấn các bên liên quan, xây dựng báo cáo đánh giá thực trạng, tham quan trực tiếp tại các cơ sở tái chế nhựa để tìm hiểu về tình trạng rò rỉ nhựa từ các nhà máy tái chế chính thức và phi chính thức tại Hà Nội.

Theo đó, hội thảo “Tham vấn Kỹ thuật và Lấy ý kiến Chuyên gia về Phòng chống rò rỉ nhựa” được tổ chức có mục đích tham vấn kỹ thuật và lấy ý kiến chuyên gia và các bên liên quan cho hai bản dự thảo được xây dựng trong khuôn khổ dự án, bao gồm: 1) Báo cáo đánh giá thực trạng rò rỉ nhựa tại thành phố Hà Nội và 2) Hướng dẫn kỹ thuật về phòng chống rò rỉ nhựa và mảnh nhựa từ các nhà máy và khu vực tái chế không chính thức trong khối ASEAN.

Tại hội thảo các địa biểu đã đồng tình về những hạn chế, bất cập về các quy định trong phòng chống rác thải nhựa tại Việt Nam. Không chỉ có vậy, quá trình thu gom nhựa đã qua sử dụng còn có nhiều khó khăn do người dân chưa có ý thức cao trong việc phân loại tại nguồn cũng như thói quen sử dụng túi nylon và sản phẩm nhựa dùng một lần đang rất phổ biến. Các cơ sở tái chế phi chính thức vẫn trong tình trạng manh mún, công nghệ lạc hậu, chưa đáp ứng được với nhu cầu.

Do đó, theo ông Phạm Hồng Hiệp Viện nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương – Bộ Công Thương cho rằng các hướng dẫn kỹ thuật đối với các cơ sở tái chế phi chính thức cần dựa trên thực tế, chi phí đầu tư phù hợp để dễ triển khai bên cạnh các hướng dẫn mang tính khuyến khích.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã có chuyến đi khảo sát thực tế tại làng tái chế nhựa Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội).

Một số hình ảnh về hội thảo:

Và chuyến khảo sát thực tế tại làng tái chế nhựa Triều Khúc:

VNCPC

Thư mời tham gia Hội thảo tham vấn kỹ thuật và lấy ý kiến chuyên gia về phòng chống rò rỉ nhựa

Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) cùng đối tác trân trọng kính mời quý vị đăng ký tham gia hội thảo Tham vấn kỹ thuật và lấy ý kiến chuyên gia về phòng chống rò rỉ nhựa”.

Trung tâm Tài nguyên Khu vực châu Á và Thái Bình Dương trực thuộc Viện Công nghệ Châu Á (AIT RRCAP), được thành lập từ năm 1989 với phạm vi hoạt động tại khu vực ASEAN. Trong những thập kỷ qua, RRC.AP luôn đi đầu trong việc thúc đẩy phát triển các chính sách, thực hành quản lý tài nguyên và chất thải bền vững trong khối ASEAN thông qua mô hình 3R, nền kinh tế tuần hoàn, quản lý chất thải, khoa học công nghệ, v.v.

Hiện tại, AIT RRCAP đang phối hợp với các đối tác tại khu vực ASEAN thực hiện dự án “Xây dựng và phổ biến hướng dẫn kỹ thuật về phòng chống rò rỉ nhựa và mảnh nhựa từ các nhà máy và khu vực tái chế phi chính thức trong khu vực ASEAN”. Dự án được tài trợ bởi Trung tâm Kiến thức Khu vực về Rác thải Nhựa Biển (RKCMPD) trực thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA).

Mục tiêu chung của dự án nhằm góp phần ngăn chặn rò rỉ nhựa và mảnh nhựa từ các hoạt động tái chế nhựa chính thức và phi chính thức ra đại dương thông qua việc thúc đẩy áp dụng các hướng dẫn kỹ thuật và thực hành tốt nhất phù hợp tại các nhà máy sản xuất và cơ sở tái chế nhựa phi chính thức ở các quốc gia thành viên ASEAN. Dự án đang được triển khai tại 6 thành phố trong khu vực ASEAN bao gồm: thành phố Manila và Iloilo (Philippines), Viên Chăn (Lào), Hà Nội (Việt Nam) và thành phố Pattaya và Nothaburi (Thái Lan).

Với mục đích tham vấn kỹ thuật và lấy ý kiến từ chuyên gia và các bên liên quan cho hai bản dự thảo được xây dựng trong khuôn khổ dự án, bao gồm: 1) Báo cáo đánh giá thực trạng rò rỉ nhựa tại thành phố Hà Nội và 2) Hướng dẫn kỹ thuật về phòng chống rò rỉ nhựa và mảnh nhựa từ các nhà máy và khu vực tái chế không chính thức trong khu vực ASEAN.

Thời gian: 8.00 – 16.00, thứ Ba, ngày 28 tháng 3 năm 2023
Địa điểm tổ chức: Khách sạn Adonis, số 55 Quang Trung, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Ngôn ngữ: Tiếng Anh và tiếng Việt

Khách mời tham dự là các chuyên gia, cán bộ đến từ các Uỷ Ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, các sở, ngành liên quan như: Sở Xây Dựng, Sở Tài nguyên và Môi Trường…, doanh nghiệp, giảng viên các trường đại học, đại diện Hiệp hội Tái tế nhựa, các chuyên gia tư vấn, đại diện các tổ chức phi chính phủ, đại diện ERIA-RKCMPD …. cùng các bên liên quan.

Quý vị vui lòng đăng ký tham gia hội thảo trước ngày 25/03/2023 bằng cách truy cập đường liên kết sau: https://vncpc.org/consultation-workshop-on-preventing-plastic-leakage/

Rất hân hạnh được đón tiếp quý vị tại hội thảo!

VNCPC

Phương pháp đặc biệt biến nhựa thành nhiên liệu chỉ trong 1 giờ

Chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ, phương pháp mới phát triển bởi các nhà khoa học tại Đại học bang Washington (WSU) có thể biến nhựa trở thành các thành phần nhiên liệu máy bay.

Một phương pháp xử lý hóa học mới được phát triển bởi các nhà khoa học tại Đại học bang Washington (WSU) có thể giúp giải quyết những khó khăn xung quanh việc biến vật liệu thành các khối xây dựng hữu ích cho sản phẩm khác. Theo đó, từ phương pháp này, nhựa có thể trở thành các thành phần trong nhiên liệu giành cho máy bay.

Để hiện thực hóa ý tưởng kể trên, các nhà khoa học đã lấy vật liệu và kết hợp với chất xúc tác dưới nhiệt độ cao. Nhựa có thể được khử thành các hợp chất hữu cơ gọi là hydrocacbon. Chúng được tạo thành từ hydro và carbon, đóng vai trò như các khối xây dựng cho những loại nhiên liệu khác nhau.

Các nhà nghiên cứu đã tạo ra nền tảng mới ở nhiệt độ vừa và khung thời gian ngắn cần thiết để thực hiện quá trình này. Nhóm nghiên cứu của WSU đã thử nghiệm với các chất xúc tác và điều kiện cần thiết để chuyển đổi nhựa polyethylene thành hydrocacbon.

Các nhà khoa học đã sử dụng chất xúc tác làm từ carbon và ruthenium kim loại màu trắng bạc, cùng một số dung môi. Trong một giờ, nhóm nghiên cứu đã chuyển khoảng 90% nhựa thành các thành phần cho nhiên liệu máy bay và hydrocacbon khác. Quá trình diễn ra ở khoảng 220 độ C và hiệu quả hơn về mặt kinh tế.

“Trước khi thử nghiệm, chúng tôi chỉ suy đoán nhưng không biết liệu phương pháp có hiệu quả hay không. Tuy nhiên, kết quả thực tế rất tốt”, tác giả nghiên cứu Chuhua Jia cho biết.


Phương pháp mới có thể biến nhựa trở thành các thành phần nhiên liệu máy bay.

Thông qua thử nghiệm, nhóm nghiên cứu nhận thấy, quy trình này có thể được điều chỉnh để tạo ra các khối xây dựng cho những sản phẩm có giá trị cao khác. Điều này chỉ liên quan đến việc thay đổi nhiệt độ, lượng chất xúc tác được sử dụng hoặc khung thời gian để thay đổi kết quả cuối cùng.

“Tùy thuộc vào thị trường, có thể điều chỉnh sản phẩm mình muốn tạo ra một cách linh hoạt. Việc áp dụng quy trình hiệu quả này có thể cung cấp một cách tiếp cận đầy hứa hẹn để sản xuất có chọn lọc các sản phẩm giá trị cao từ polyetylen phế thải”, đồng tác giả nghiên cứu Hongfei Lin cho biết.

Các nhà nghiên cứu đang nỗ lực làm việc để mở rộng quy trình này với mục tiêu thương mại hóa công nghệ. Họ đồng thời bày tỏ hy vọng có thể điều chỉnh để giải quyết các dạng rác thải nhựa khác.

“Trong ngành công nghiệp tái chế, chi phí là yếu tố then chốt. Công việc này là một cột mốc quan trọng để chúng tôi đưa công nghệ mới vào thương mại hóa”, nhà nghiên cứu Lin nhấn mạnh.

Bảo Lâm
http://vietq.vn/phuong-phap-dac-biet-bien-nhua-thanh-nhien-lieu-chi-trong-1-gio-d187298.html

Tái chế hóa học: Giải pháp tối ưu cho vấn đề ô nhiễm nhựa

Hiện nay, ô nhiễm nhựa đang là vấn đề lớn của thế giới. Giải pháp tối ưu cho vấn đề quan trọng liên quan đến môi trường này là sử dụng phương pháp tái chế hóa học.

Cho đến nay có 8.700 triệu tấn nhựa đã được sản xuất trên thế giới và 60% các sản phẩm nhựa này không còn được sử dụng. Chính vì điều này, nhựa tái chế cũng đã bị trở lại bãi rác tại một số nơi.

Trong thời điểm này, một số vấn đề gặp phải chính là hệ thống tái chế, hầu hết các loại nhựa không thể tái chế được trong hệ thống hiện tại, bên cạnh đó các loại nhựa không phải là một sản phẩm có thể biến đổi mãi mãi do cấu trúc nhựa của nó.


Ảnh minh họa. (Nguồn somagnews)

Tái chế cơ học là không đủ

Trong phương pháp truyền thống tái chế nhựa cơ học được sử dụng ngày nay, chất thải được nghiền thành những mảnh rất nhỏ. Sau đó, những mảnh này được xử lý và biến thành các sản phẩm nhựa cấp thấp hơn.

Tuy nhiên, trong tái chế hóa học, nhựa bị phá vỡ ở cấp độ và nền tảng phân tử. Sau đó những phân tử này được sử dụng để sản xuất các hóa chất khác.

Mặc dù, tái chế hóa học đang chỉ là ý tưởng để bắt đầu, nhưng nó đã cung cấp nhiều lựa chọn thay thế khác nhau trong tái chế nhựa ở tương lai. Tại thời điểm này, cần hiểu rõ hơn về cấu trúc của nhựa.

Nhựa được bao phủ trên phạm vi rộng giữa các vật liệu được gọi là polymer. Những cấu trúc này bao gồm các polymer nhỏ hơn, trong đó monome (hợp chất có khối lượng phân tử thấp, dùng để tổng hợp polymer) chủ yếu bao gồm carbon và hydro. Với các kỹ thuật phù hợp, nhựa có thể được chia thành mức này với mức độ ít lãng phí nhất.

Về cơ bản năng lượng là những gì cần thiết cho sự phân hủy các monome trong các cấu trúc khác nhau. Vì nhựa là vật liệu ổn định, nó cần rất nhiều năng lượng trong quá trình tan rã. Có thể hướng đến quá trình chính xác hơn bằng cách sử dụng các chất xúc tác phù hợp.

Các kỹ thuật mới

Nhiều nhà nghiên cứu trên toàn cầu tiếp tục nghiên cứu kỹ thuật tách và tái chế nhựa mới. Điển hình trong đó, chai dầu ăn cũ là một loại polymer tự nhiên có thể biến thành “một bức tranh” phân hủy sinh học cho máy in 3D. Các vật liệu thải khác cũng có thể được sử dụng trong sản xuất graphene. Ngoài ra còn có các kỹ thuật cho phép chuyển đổi nhanh chóng của nhựa sinh học.

Tái chế hóa học sẽ hỗ trợ tái chế cơ học, đặc biệt là trong các sản phẩm như phim và microplastic. Việc biến đổi các vật liệu như vậy, làm gián đoạn các quá trình sẽ gặp nhiều vấn đề hơn với các phương pháp hóa học.

Trong khi nhiều nghiên cứu khoa học tập trung vào vấn đề này, các công ty khác nhau cũng cố gắng đưa các sản phẩm nhựa vào tái chế hóa học. Quá trình này, đòi hỏi thời gian, chuyên môn và tiền bạc. Hầu hết các công nghệ đang được phát triển đến một mức độ có thể được thương mại hóa.

Mặc dù trong tương lai chưa biết tái chế hóa học sẽ mang lại những gì, nhưng rõ ràng nếu ô nhiễm nhựa tiếp tục, môi trường sẽ bị đe dọa và ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hà My (Theo somagnews)
http://vietq.vn/tai-che-hoa-hoc-giai-phap-toi-uu-cho-van-de-o-nhiem-nhua-d173209.html

Tìm giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế nhựa tại Việt Nam

Để nâng cao hiệu quả và phát triển hoạt động tái chế nhựa tại Việt Nam, cần phải thực thi đồng bộ nhiều giải pháp cả về pháp lý và kinh tế, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng.

Ngành công nghiệp tái chế của Việt Nam hiện có tiềm năng rất lớn, nhu cầu cho nguyên liệu phế liệu gia tăng hằng năm từ 15-20%. Mặc dù có nhiều tiềm năng song ngành công nghiệp tái chế nhựa của Việt Nam còn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Để nâng cao hiệu quả và phát triển hoạt động tái chế nhựa tại Việt Nam, cần thực thi đồng bộ các giải pháp mang tính pháp lý, kinh tế và nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi thói quen tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa.

Hiện trạng tiêu thụ và tái chế

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ, mỗi năm con người thải ra lượng rác nhựa đủ để bao quanh Trái Đất 4 lần.

Nếu không thay đổi thói quen, đến năm 2050, con người sẽ phải chung sống với 12 tỷ tấn rác thải nhựa. Hiện có 192 quốc gia bị ô nhiễm rác thải nhựa trên biển, trong đó một số nước châu Á như Trung Quốc, Indonesia, Philippines và Việt Nam là nặng nề nhất.

Vì vậy, việc tái chế sẽ làm giảm lượng chất thải nhựa cần xử lý, giảm áp lực đối với vật liệu nhựa nguyên sinh, giảm sự tiêu thụ năng lượng và nước cũng như giảm phát thải các loại khí và hóa chất độc hại trong quá trình sản xuất vật liệu nguyên sinh…

Uớc tính việc tái chế 1 tấn nhựa sẽ giúp tiết kiệm 3,8 thùng dầu thô sẽ tạo ra những lợi ích kinh tế-môi trường đáng kể.

Trên quy mô toàn cầu, chỉ có 9% rác thải nhựa được tái chế. Riêng ở Mỹ, tỷ lệ tái chế chai nhựa chỉ đạt khoảng 30%, ở Anh từ 20 đến 45%.

Hiện nay, châu Âu đang đi đầu trong các giải pháp xử lý rác thải. Na Uy hiện là quốc gia đi đầu trong phong trào tái chế chất thải nhựa, với 97% chai nhựa đước tái chế. Một chai nhựa ở Na Uy có thể trải qua hơn 50 lần tái chế.

Năm 1991, Thụy Điển là một trong những quốc gia đầu tiên đánh thuế trên các nguồn năng lượng hóa thạch. Sau nhiều năm liền đi đầu về tái chế, hiện nay, Thụy Điển thậm chí phải nhập khẩu rác từ những nước khác để các nhà máy tái chế trong nước có thể tiếp tục hoạt động.

Nhiều nước trên thế giới đã đạt được một số thành tựu trong việc nghiên cứu tái chế rác thải nhựa và ứng dụng thành công vào thực tiễn, giải quyết thách thức về quản lý chất thải rắn, đặc biệt là rác thải nhựa.

Các biện pháp tận dụng, tái chế rác nhựa không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn có ý nghĩa về phát triển bền vững, mục tiêu mà mọi quốc gia đều hướng đến.

Chuyên gia Nguyễn Đình Đáp, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết tại Việt Nam, nguồn phế liệu nhựa thải ra tới gần 18.000 tấn/ngày, giá phế liệu rất thấp. Do đó, hạt nhựa tái chế từ chất thải nhựa sinh hoạt có giá thấp hơn nhiều so với hạt nhựa nguyên sinh. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa theo thống kê tăng trung bình 20%/năm.

Điều này cho thấy tiềm năng phát triển ngành nhựa tái chế là rất lớn, đồng thời kinh doanh tái chế chất thải nhựa cũng mang lại nhiều lợi ích như tiết kiệm năng lượng cho sản xuất nhựa nguyên sinh, giúp tiết kiệm tài nguyên không thể tái tạo là dầu mỏ; giải quyết hàng loạt các vấn đề môi trường như mất mỹ quan đô thị, tắc nghẽn cống rãnh, suy thoái đất…

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hàng năm có tới 16.000 tấn chất thải phát sinh, bao gồm cả rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp và rác thải y tế.

50-70% lượng rác thải chứa những hợp chất có thể tái chế và tạo ra nguồn năng lượng mới, song chỉ có gần 10% được tái chế sử dụng.

Hiện ở Thành phố Hồ Chí Minh có tới 50.000 tấn chất thải nhựa đang chôn lấp, nếu số chất thải này được tái chế, Thành phố Hồ Chí Minh có thể tiết kiệm được khoảng 15 tỷ đồng mỗi năm.

Dựa trên tốc độ tiêu thụ nhựa bình quân hiện tại, sự phát triển kinh tế, dân số tăng nhanh, ước tính đến năm 2020, lượng tiêu thụ, chất thải nhựa phát sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh vào khoảng 400.000 tấn/năm. Điều này cho thấy cơ hội phát triển cho ngành tái chế nhựa là rất lớn.

Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho rằng nếu sử dụng được nguồn nguyên liệu nhựa tái chế ở mức 35-50%/năm, các doanh nghiệp có thể giảm chi phí sản xuất hơn 15%.

Trong khi đó, theo Quỹ Tái chế chất thải Thành phố Hồ Chí Minh, rác thải nhựa chiếm tỷ trong cao, chỉ sau rác thực phẩm trong chất thải rắn đô thị.

Những giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế

Tại Việt Nam, số lượng các công ty xử lý rác của Việt Nam còn quá ít, dẫn tới sự lãng phí “tài nguyên rác” như hiện nay. Với hơn 90 triệu dân, mỗi năm lượng rác thải gia tăng thêm 10%, đồng nghĩa với hàng trăm nghìn tấn rác bị lãng phí.

Các chuyên gia môi trường cho rằng có 2 nguyên nhân chính: việc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn chưa được triển khai đồng bộ và hiệu quả; chưa có những chính sách ưu đãi đầu tư cần thiết và phù hợp để doanh nghiệp mạnh dạn tham gia đầu tư vào tái chế rác thải.

Theo phó giáo sư-tiến sỹ Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, các cơ quan chức năng liên quan cần thực hiện hiệu quả hoạt động phân loại rác tại nguồn. Muốn tái chế và phát triển ngành tái chế để hạn chế rác thải nhựa ra môi trường, đưa rác thải quay lại phục vụ đời sống, phải làm tốt phân loại rác thải tại nguồn, khâu này là quan trọng nhất.

Tuy vậy, hiện trạng của Việt Nam là nhựa phế liệu tuy có, nhưng phần lớn đều trộn lẫn với rác thải sinh hoạt và xử lý bằng biện pháp chôn lấp, số ít thu gom được từ hoạt động ve chai, nhưng không đáng kể.

Từ năm 2016, Thành phố Hồ Chí Minh đã có hướng chuyển đổi xử lý rác thải thành đốt phát điện. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia, nếu không có chủ trương khuyến khích, phân loại rác thải tái chế, việc chuyển đổi cũng gặp nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư.

Mặt khác, tỷ lệ rác thải có khả năng tái chế được tận dụng cũng sẽ không cao.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, với các phân tích về tỷ trọng, thành phần chất thải rắn, có thể thấy rằng việc đốt hỗn hợp chất thải rắn sinh hoạt để sinh nhiệt và tạo năng lượng không mang lại giá trị kinh tế, trừ khi các chất có nhiệt trị cao hơn và có độ ẩm thấp hơn, như thành phần nhựa, gỗ, vải, giấy, cao su, da… được tách riêng để đốt.

Ở góc độ khác, nhiều doanh nghiệp cho rằng rào cản gặp phải hiện nay là định kiến của lãnh đạo địa phương đối với đầu tư lĩnh vực này, đồng thời vấp phải sự phản ứng tiêu cực từ phía cộng đồng do gây ảnh hưởng chung chất lượng sống của người dân.

Chuyên gia Nguyễn Đình Đáp cho rằng một trong những giải pháp hiệu quả là biến rác thải nhựa thành nguyên liệu cho các nhà máy công nghiệp.

Thu gom rác thải nhựa trên vùng biển xóm Nhà Rầm, phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Các ngành công nghiệp như ximăng, sắt thép và ngành điện đang phải tiêu thụ một lượng than khổng lồ. Rác thải nhựa không thể tái chế có thể được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy bằng phương pháp đồng xử lý. Từ đó, các nhà máy sẽ cắt giảm được lượng than tiêu thụ nhờ thu hồi năng lượng từ việc đốt rác thải nhựa không thể tái chế. Hiệu quả năng lượng sẽ cao hơn nhiều so với các nhà máy chuyển đổi rác thải thành năng lượng thông thường.

Phương pháp đồng xử lý hiệu quả về chi phí và không làm phát sinh các chất tồn dư, trong khi đó, phát thải khí nhà kính sẽ giảm đáng kể so với hình thức chôn lấp và đốt rác thải.

Hiện Việt Nam vẫn phải nhập khẩu tới 80% nguyên liệu phục vụ sản xuất, tổng lượng phế liệu nhựa thu mua chỉ khoảng 10% của tổng chất thải nhựa tồn lưu mỗi năm, bị phát tán vào môi trường.

Để nâng cao hiệu quả và phát triển hoạt động tái chế nhựa tại Việt Nam, cần phải thực thi đồng bộ nhiều giải pháp cả về pháp lý và kinh tế, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi thói quen tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa; cần có cơ chế chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế.

Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nhựa Việt Nam đầu tư hơn về công nghệ để tái chế rác thải nhựa. Điều này có thể giúp hạn chế tình trạng nhập khẩu phế liệu và xử lý tốt nguồn thải nhựa trong nước./.

Hoàng Nam (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/tim-giai-phap-thuc-day-nganh-cong-nghiep-tai-che-nhua-tai-viet-nam/623127.vnp

VNCPC “chung tay” chống rác thải nhựa

Nhằm góp phần giảm thiểu việc sử dụng túi nylon và đồ nhựa dùng một lần, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) đã nhận lời mời của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp Hà Nội (IDC) triển khai các chương trình truyền thông về tác hại của rác thải nhựa tới cộng đồng, tại các địa bàn khác nhau trong thành phố Hà Nội.

Rác thải nhựa đang là hiểm họa môi trường toàn cầu. Cùng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, túi nylon hiện nay rất nghiêm trọng. Chất thải nhựa và túi nylon ở Việt Nam chiếm khoảng 8-12% lượng chất thải rắn sinh hoạt.

Nếu lấy con số trung bình là 10% thì lượng chất thải nhựa và túi nylon bị thải bỏ, không được tái chế ở Việt Nam xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo. Đây thực sự là “gánh nặng” cho môi trường, thậm chí còn dẫn đến nguy cơ các chuyên gia môi trường gọi là “ô nhiễm trắng”.

Theo đó, cán bộ của VNCPC đã liên tục truyền thông tới các cán bộ quản lý nhà nước; tổ trưởng các tổ dân phố, hội phụ nữ phường và các hội viên; chủ các cửa hàng kinh doanh, siêu thị tại phường Quang Trung (quận Hà Đông) và phường Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm) về tác hại của rác thải nhựa khi không được thu gom và tái chế đúng cách.

Nghiêm trọng hơn là vấn đề hạt vi nhựa – những mẫu nhựa có kích thước nhỏ hơn 5 mm – được sinh ra chủ yếu do sự phân hủy rác thải nhựa. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hạt vi nhựa ở trong không khí, đất, sông hồ và cả những vùng biển sâu nhất trên thế giới.

Các hạt vi nhựa cũng được tìm thấy trong nước máy, nước đóng chai, hải sản và bia. Chúng cũng được tìm thấy trong các mẫu phân người lần đầu vào tháng 10/2018 – bằng chứng cho thấy con người đã ăn phải hạt vi nhựa.

Theo PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): Mới đây nhất, các nhà khoa học phát hiện các hạt nhựa siêu nhỏ có thể xâm nhập vào mạch máu, hệ bạch huyết, thậm chí tới gan. Điều đáng nói là cứ một hạt vi nhựa vỡ ra, nó sẽ sản sinh ra rất nhiều chất độc gây nguy hiểm trực tiếp đến sức khỏe con người. Khi đó, chúng ta có thể bị mất cân bằng hormone dẫn đến các căn bệnh về thần kinh, các bệnh hô hấp, ảnh hưởng đến cấu trúc não bộ, gây tăng động, suy yếu và biến đổi hệ miễn dịch cùng hàng loạt những nguy cơ khác.


Các buổi tuyên truyền đã nhận được sự hưởng ứng, cũng như nâng cao nhận thức của người dân trong việc chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, VNCPC cũng đã có các buổi chia sẻ về chủ đề: Giải pháp thúc đẩy kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững trong ngành dệt may và Triển khai mạng lưới kinh doanh xanh trong lĩnh vực phân phối dệt may cho các doanh nghiệp tại Hà Nội.

VNCPC

 

Tham khảo: http://www.monre.gov.vn/Pages/chung-tay-hanh-dong-chong-rac-thai-nhua-vi-mot-viet-nam-xanh.aspx

Portfolio Items