Posts

Nhật Bản phát triển thành công nhựa sinh học có thể hòa tan trong nước biển

Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã phát triển thành công loại nhựa sinh học mới không chỉ bền mà còn có khả năng phân hủy nhanh chóng trong nước biển và có thể sản xuất hàng loạt trong tương lai.

Tạp chí khoa học ACS Bền vững Hóa học và Kỹ thuật Mỹ công bố, các nhà khoa học tại Đại học Kobe (Nhật Bản) và một số tổ chức khác đã thành công trong việc tạo ra loại nhựa sinh học mới được làm từ axit polylactic, một loại polyester có nguồn gốc từ các loại tinh bột như mía và ngô.

Axit polylactic còn được biết đến là polylactide có thể làm vật liệu thay thế cho nhựa từ dầu mỏ. Tuy nhiên, vật liệu này khá giòn và khó tạo hình, đồng thời không dễ phân hủy. Để giải quyết vấn đề này, nhóm nghiên cứu đã phát triển một loại polylactide có khả năng phân hủy, được gọi là LAHB, nhưng khó sản xuất hàng loạt.


Nhựa sinh học có thể tan trong nước biển. (Ảnh: Kyodo)

Để vượt qua những hạn chế này, nhóm đã sử dụng một loại vi khuẩn được gọi là dehydrogenase lactate để sản xuất nhựa, thông qua việc biến đổi gene, họ đã thành công trong việc sản xuất hàng loạt LAHB. Kết quả là một loại nhựa sinh học mới, trong suốt và có khả năng phân hủy nhanh chóng trong môi trường nước biển.

Giáo sư Seiichi Taguchi thuộc Đại học Kobe, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, sự phát triển của nhựa sinh học mới “sẽ giúp ngăn chặn nóng lên toàn cầu và đã đưa sáng kiến ​​sản xuất sinh học của chính phủ lên cấp độ công nghiệp.

Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Kobe mang lại hy vọng một ngày nào đó các đại dương trên thế giới có thể sẽ không còn rác thải nhựa.

Chính phủ Nhật Bản hy vọng sẽ tăng mức sử dụng nhựa sinh học của nước này lên khoảng 2 triệu tấn vào năm 2030. Đồng thời đặt mục tiêu giảm 25% lượng rác thải nhựa có thể phân hủy và đến năm 2035, tái chế hoặc tái sử dụng 100% các loại rác thải nhựa, bao gồm rác thải nhựa sinh hoạt và rác thải nhựa công nghiệp.

Theo Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), với hơn 400 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm và chỉ khoảng 10% được tái chế, việc phát triển nhựa sinh học có thể là một bước quan trọng trong việc giảm ô nhiễm nhựa toàn cầu. Mức độ phát thải khí nhà kính từ sản phẩm nhựa được dự báo sẽ tăng lên 19% của ngân sách carbon toàn cầu vào năm 2040, nhưng với những nỗ lực như nghiên cứu này, chúng ta có thể hướng tới một tương lai sạch hơn và bền vững hơn.

Duy Trinh (t/h)
https://vietq.vn/nhat-ban-phat-trien-thanh-cong-nhua-sinh-hoc-co-the-hoa-tan-trong-nuoc-bien-d220389.html

Hội thảo tham vấn chuyên gia về phòng chống rò rỉ nhựa: Chung tay bảo vệ môi trường

Ngày 28/3, tại Hà Nội, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) đã phối hợp cùng đối tác tổ chức hội thảo Tham vấn Kỹ thuật và Lấy ý kiến Chuyên gia về Phòng chống rò rỉ nhựa”. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của các đại diện đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, trường đại học, các viện nghiên cứu và các tổ chức có liên quan.

Khi không có những biện pháp can thiệp phù hợp, nhựa thải hằng năm vào đại dương được dự đoán sẽ tăng gần gấp ba từ mức 11 triệu tấn hiện nay lên 29 triệu tấn vào năm 2040.

Trước thực trạng sản xuất và tiêu thụ nhựa liên tục gia tăng ở cả phạm vị quốc gia và trên toàn cầu, kéo theo đó là tình trạng môi trường đất, nước, không khí ngày càng bị ô nhiễm do rác thải nhựa, dự án “Xây dựng và phổ biến hướng dẫn kỹ thuật về phòng chống rò rỉ nhựa và mảnh nhựa từ các nhà máy và khu vực tái chế phi chính thức trong khối ASEAN” đã ra đời.

Đây là dự án được tài trợ bời Trung tâm Giáo dục Khu vực về chất thải nhựa đại dương (RKC-MPD) thuộc Viện nghiên cứu Kinh tế ASEAN (ERIA). Kể từ khi dự án được triển khai, Trung tâm Tài nguyên Khu vực châu Á và Thái Bình Dương thuộc Viện Công nghệ Châu Á (AIT RRCAP) đã phối hợp với các đối tác để triển khai tại 6 thành phố bao gồm: Manila và Iloilo (Philippines), Viên Chăn (Lào), Pattaya và Nothaburi (Thái Lan) và thủ đô Hà Nội.

Tại Việt Nam, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) đã được lựa chọn là đối tác của dự án. Thời gian qua, hai bên đã phối hợp triển khai các hoạt động như: Tham vấn các bên liên quan, xây dựng báo cáo đánh giá thực trạng, tham quan trực tiếp tại các cơ sở tái chế nhựa để tìm hiểu về tình trạng rò rỉ nhựa từ các nhà máy tái chế chính thức và phi chính thức tại Hà Nội.

Theo đó, hội thảo “Tham vấn Kỹ thuật và Lấy ý kiến Chuyên gia về Phòng chống rò rỉ nhựa” được tổ chức có mục đích tham vấn kỹ thuật và lấy ý kiến chuyên gia và các bên liên quan cho hai bản dự thảo được xây dựng trong khuôn khổ dự án, bao gồm: 1) Báo cáo đánh giá thực trạng rò rỉ nhựa tại thành phố Hà Nội và 2) Hướng dẫn kỹ thuật về phòng chống rò rỉ nhựa và mảnh nhựa từ các nhà máy và khu vực tái chế không chính thức trong khối ASEAN.

Tại hội thảo các địa biểu đã đồng tình về những hạn chế, bất cập về các quy định trong phòng chống rác thải nhựa tại Việt Nam. Không chỉ có vậy, quá trình thu gom nhựa đã qua sử dụng còn có nhiều khó khăn do người dân chưa có ý thức cao trong việc phân loại tại nguồn cũng như thói quen sử dụng túi nylon và sản phẩm nhựa dùng một lần đang rất phổ biến. Các cơ sở tái chế phi chính thức vẫn trong tình trạng manh mún, công nghệ lạc hậu, chưa đáp ứng được với nhu cầu.

Do đó, theo ông Phạm Hồng Hiệp Viện nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương – Bộ Công Thương cho rằng các hướng dẫn kỹ thuật đối với các cơ sở tái chế phi chính thức cần dựa trên thực tế, chi phí đầu tư phù hợp để dễ triển khai bên cạnh các hướng dẫn mang tính khuyến khích.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã có chuyến đi khảo sát thực tế tại làng tái chế nhựa Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội).

Một số hình ảnh về hội thảo:

Và chuyến khảo sát thực tế tại làng tái chế nhựa Triều Khúc:

VNCPC

Thư mời tham gia Hội thảo tham vấn kỹ thuật và lấy ý kiến chuyên gia về phòng chống rò rỉ nhựa

Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) cùng đối tác trân trọng kính mời quý vị đăng ký tham gia hội thảo Tham vấn kỹ thuật và lấy ý kiến chuyên gia về phòng chống rò rỉ nhựa”.

Trung tâm Tài nguyên Khu vực châu Á và Thái Bình Dương trực thuộc Viện Công nghệ Châu Á (AIT RRCAP), được thành lập từ năm 1989 với phạm vi hoạt động tại khu vực ASEAN. Trong những thập kỷ qua, RRC.AP luôn đi đầu trong việc thúc đẩy phát triển các chính sách, thực hành quản lý tài nguyên và chất thải bền vững trong khối ASEAN thông qua mô hình 3R, nền kinh tế tuần hoàn, quản lý chất thải, khoa học công nghệ, v.v.

Hiện tại, AIT RRCAP đang phối hợp với các đối tác tại khu vực ASEAN thực hiện dự án “Xây dựng và phổ biến hướng dẫn kỹ thuật về phòng chống rò rỉ nhựa và mảnh nhựa từ các nhà máy và khu vực tái chế phi chính thức trong khu vực ASEAN”. Dự án được tài trợ bởi Trung tâm Kiến thức Khu vực về Rác thải Nhựa Biển (RKCMPD) trực thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA).

Mục tiêu chung của dự án nhằm góp phần ngăn chặn rò rỉ nhựa và mảnh nhựa từ các hoạt động tái chế nhựa chính thức và phi chính thức ra đại dương thông qua việc thúc đẩy áp dụng các hướng dẫn kỹ thuật và thực hành tốt nhất phù hợp tại các nhà máy sản xuất và cơ sở tái chế nhựa phi chính thức ở các quốc gia thành viên ASEAN. Dự án đang được triển khai tại 6 thành phố trong khu vực ASEAN bao gồm: thành phố Manila và Iloilo (Philippines), Viên Chăn (Lào), Hà Nội (Việt Nam) và thành phố Pattaya và Nothaburi (Thái Lan).

Với mục đích tham vấn kỹ thuật và lấy ý kiến từ chuyên gia và các bên liên quan cho hai bản dự thảo được xây dựng trong khuôn khổ dự án, bao gồm: 1) Báo cáo đánh giá thực trạng rò rỉ nhựa tại thành phố Hà Nội và 2) Hướng dẫn kỹ thuật về phòng chống rò rỉ nhựa và mảnh nhựa từ các nhà máy và khu vực tái chế không chính thức trong khu vực ASEAN.

Thời gian: 8.00 – 16.00, thứ Ba, ngày 28 tháng 3 năm 2023
Địa điểm tổ chức: Khách sạn Adonis, số 55 Quang Trung, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Ngôn ngữ: Tiếng Anh và tiếng Việt

Khách mời tham dự là các chuyên gia, cán bộ đến từ các Uỷ Ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, các sở, ngành liên quan như: Sở Xây Dựng, Sở Tài nguyên và Môi Trường…, doanh nghiệp, giảng viên các trường đại học, đại diện Hiệp hội Tái tế nhựa, các chuyên gia tư vấn, đại diện các tổ chức phi chính phủ, đại diện ERIA-RKCMPD …. cùng các bên liên quan.

Quý vị vui lòng đăng ký tham gia hội thảo trước ngày 25/03/2023 bằng cách truy cập đường liên kết sau: https://vncpc.org/consultation-workshop-on-preventing-plastic-leakage/

Rất hân hạnh được đón tiếp quý vị tại hội thảo!

VNCPC

Lò phản ứng năng lượng mặt trời biến CO2 và rác thải nhựa thành sản phẩm hữu ích

Khí nhà kính và rác thải nhựa là hai trong số những vấn đề môi trường lớn nhất mà thế giới phải đối mặt hiện nay. Một lò phản ứng mới của Cambridge được thiết kế để xử lý cả hai vấn đề này cùng một lúc, chuyển đổi CO2 và chai nhựa đã qua sử dụng thành vật liệu hữu ích, cung cấp năng lượng hoàn toàn bằng ánh sáng mặt trời.

Khí CO2 trong khí quyển đang ở mức cao nhất trong hàng thiên niên kỷ, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về khí hậu. Trong khi đó, sự phụ thuộc của chúng ta vào nhựa đang gây ra sự tích tụ rất lớn ở các con sông, đại dương và mọi nơi từ cực này sang cực khác. Nghiên cứu trong cả hai lĩnh vực này đã dẫn đến việc nhà khoa học thiết kế các lò phản ứng chuyển đổi CO2 thu được hoặc chất thải nhựa thành dầu, nhiên liệu cũng như các hóa chất và vật liệu hữu ích khác.

Nhưng giờ đây các nhà khoa học tại Cambridge đã thiết kế lò phản ứng đầu tiên có thể xử lý cả hai chất ô nhiễm cùng một lúc. Thiết bị được tạo thành từ hai ngăn riêng biệt, một ngăn chứa nhựa và một ngăn chứa CO2, cũng như thiết bị trong mỗi ngăn hấp thụ năng lượng từ ánh sáng và sử dụng năng lượng đó để kích hoạt chất xúc tác chuyển đổi nguyên liệu thành thứ gì đó hữu ích hơn. Chất hấp thụ ánh sáng là perovskite – một vật liệu đầy hứa hẹn cho pin mặt trời, trong khi chất xúc tác có thể thay đổi tùy thuộc vào sản phẩm cuối cùng mong muốn.

Lò phản ứng năng lượng mặt trời mới của Cambridge có thể chuyển đổi đồng thời cả rác thải nhựa và CO2 thành các sản phẩm hữu ích. 

Tiến sĩ Motiar Rahaman, đồng tác giả đầu tiên của nghiên cứu cho biết: “Nói chung, quá trình chuyển đổi CO2 cần rất nhiều năng lượng, nhưng với hệ thống của chúng tôi, về cơ bản, bạn chỉ cần chiếu sáng vào nó và nó bắt đầu chuyển đổi sản phẩm có hại thành thứ gì đó hữu ích và bền vững. Trước khi có hệ thống này, chúng tôi không có bất cứ thứ gì có thể tạo ra các sản phẩm có giá trị cao một cách chọn lọc và hiệu quả”.

Trong các thử nghiệm, nhóm đã chứng minh rằng lò phản ứng có thể hoạt động hiệu quả trong điều kiện nhiệt độ và áp suất bình thường, chỉ sử dụng ánh sáng mặt trời để làm năng lượng. Chất xúc tác hợp kim đồng palađi có thể chuyển đổi chai nhựa PET thành axit glycolic, một hóa chất được sử dụng trong ngành mỹ phẩm. CO2 được chuyển đổi thành carbon monoxide bằng cách sử dụng hợp chất coban, khí tổng hợp sử dụng hợp kim đồng-indi và tạo thành bằng cách sử dụng một loại enzyme cụ thể.

Hơn nữa, lò phản ứng hoạt động rất hiệu quả. Nhóm nghiên cứu cho biết tốc độ sản xuất của nó hiệu quả hơn tới 100 lần so với các thiết bị sử dụng chất xúc tác chạy bằng năng lượng mặt trời khác. Các bước tiếp theo là phát triển lò phản ứng hơn nữa trong 5 năm tới để tạo ra các phân tử phức tạp hơn.

An Hạ
https://vietq.vn/lo-phan-ung-nang-luong-mat-troi-bien-ca-co2-va-rac-thai-nhua-thanh-cac-san-pham-huu-ich-d207184.html

Công nghệ tái chế rác thải nhựa trên xe cũ thành bộ phận nâng cao cho xe mới

Các nhà hóa học đã tập trung tận dụng rác thải nhựa từ những chiếc xe hết hạn sử dụng thành vật liệu graphene và tái tạo bọt thành graphene một lần nữa.

Không phải mọi chiếc xe cũ đều được chuyển đến nơi phế thải, mà trong đó một phần được biến thành graphene có thể trở lại như một bộ phận nâng cao cho chiếc ô tô mới, trong một quy trình được gọi là tái chế vòng tròn. Các nhà hóa học đã tập trung tận dụng rác thải nhựa từ chiếc xe hết hạn sử dụng thành vật liệu graphene và tái tạo bọt thành graphene một lần nữa. Dự án do nhà hóa học James Tour và nghiên cứu sinh Kevin Wyss tại Đại học Rice của Mỹ dẫn đầu.

Các bài kiểm tra chi tiết cho thấy bọt polyurethane được gia cố bằng graphene có độ bền kéo cải thiện 34% và khả năng hấp thụ tiếng ồn tần số thấp cao hơn 25%. Tất cả những ưu điểm này có được chỉ với sự khác biệt 0,1% về trọng lượng của graphene.

“Ford gửi cho chúng tôi 4,5 kg chất thải nhựa hỗn hợp từ một cơ sở nghiền nhỏ xe cũ. Chúng tôi đã biến đổi nhựa thành graphene thông qua quy trình đốt nóng nhanh bằng dòng điện cao và chuyển chúng trở lại Ford. Họ đưa graphene vào vật liệu tổng hợp bọt polyurethane mới, sau đó gửi cho chúng tôi để biến chúng trở lại thành graphene một lần nữa. Đó là ví dụ tuyệt vời về tái chế vòng tròn”, Tour nhấn mạnh.


Một người đàn ông cầm graphene, khối nhựa (trái) và một bãi rác nhựa (phải).

Trong thí nghiệm này, Tour cùng các cộng sự đã đốt nóng hỗn hợp nhựa lên gần 5.000°F, tương đương 2.760°C, làm bốc hơi mọi thứ trừ graphene. Quá trình đốt nóng nhanh bằng dòng điện cao cũng thân thiện với môi trường, vì nó không sử dụng dung môi mà chỉ cần lượng năng lượng tương đối nhỏ để tạo ra graphene. Các tính toán cho thấy phương pháp mới có thể giúp Ford giảm 25,5% khối lượng nhựa thải.

Nhựa được sử dụng trong các phương tiện giao thông đã tăng 75% chỉ trong 6 năm qua. Một chiếc SUV trung bình chứa tới 350 kg nhựa và nếu không được tái chế, chúng sẽ bị bỏ lại trong các bãi rác hàng thế kỷ.

Với khoảng 10 triệu phương tiện bị vứt bỏ mỗi năm, quy trình tái chế vòng tròn do nhóm của Tour phát triển có thể giảm đáng kể tác động của các phương tiện giao thông lên môi trường.

An Hạ
https://vietq.vn/cong-nghe-tai-che-rac-thai-nhua-tren-xe-cu-tro-thanh-mot-bo-phan-nang-cao-cho-xe-moi-d203451.html

OECD: Chỉ 9% rác thải nhựa được tái chế trên toàn thế giới trong 2021

Trong năm 2021, thế giới thải ra 353 triệu tấn rác thải nhựa nhưng lượng rác được tái chế chỉ đạt 9%, 19% được tiêu hủy và gần 50% được chôn lấp tại các hố rác đủ tiêu chuẩn.

Ngày 22/2, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố báo cáo cho biết chưa đến 10% rác thải nhựa được tái chế trên toàn thế giới, do vậy cần thiết lập các giải pháp mang tính toàn cầu trước thềm các cuộc đàm phán về một hiệp ước quốc tế đối với vấn đề này.

Theo báo cáo của OECD, trong năm ngoái, thế giới đã sử dụng 460 triệu tấn nhựa, gần gấp đôi so với con số ghi nhận năm 2000. Cùng với đó, lượng rác thải nhựa cũng đã tăng hơn gấp đôi, lên 353 triệu tấn.

Rác thải nhựa tại New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, lượng rác thải nhựa được tái chế chỉ đạt 9%, 19% được tiêu hủy và gần 50% được chôn lấp tại các hố rác đủ tiêu chuẩn. Vẫn còn 22% lượng rác thải nhựa được xử lý tại những bãi rác không đúng quy định, đốt cháy tại các bãi rác lộ thiên hoặc rò rỉ ra môi trường.

Đại dịch COVID-19 đã chứng kiến việc sử dụng sản phẩm nhựa trong năm 2020 giảm 2,2% so với năm trước đó. Tuy nhiên, việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần lại tăng lên và việc sử dụng đồ nhựa nói chung dự kiến cũng sẽ tăng trở lại khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.

Báo cáo của OECD cho rằng nhựa góp phần sản sinh ra 3,4% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu trong năm 2019, trong đó 90% là từ hoạt động sản xuất nhựa từ nhiên liệu hóa thạch.

Trước bối cảnh tình trạng ô nhiễm và ấm lên toàn cầu ngày càng trầm trọng, Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann kêu gọi các nước trên thế giới cần phối hợp để có những giải pháp mang tính toàn cầu nhằm ứng phó với thách thức này.

OECD đã đề xuất một loạt biện pháp giúp giải quyết vấn đề trên, trong đó có phát triển thị trường nhựa tái chế vốn chỉ chiếm 6% hiện nay vì phần lớn các sản phẩm từ nhựa tái chế thường có giá thành cao hơn.

Trong khi đó, các công nghệ mới liên quan đến việc giảm ô nhiễm môi trường của nhựa cũng chỉ chiếm 1,2% tất cả những công nghệ liên quan đến nhựa.

OECD kêu gọi thiết lập những chính sách hạn chế việc sử dụng nhựa nói chung, đồng thời đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng quản lý rác thải cơ bản, trong đó cần đầu tư 25 tỷ euro mỗi năm vào những nỗ lực ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình.

Báo cáo trên của OECD được đưa ra trước thềm một hội nghị về môi trường của Liên hợp quốc dự kiến bắt đầu vào ngày 28/2 tới tại Nairobi (Kenya), trong đó các bên tham gia có thể thảo luận một hiệp ước về sử dụng sản phẩm nhựa trong tương lai.

Theo kết quả cuộc khảo sát do công ty Ipsos thực hiện ở 28 quốc gia và công bố ngày 22/2, trung bình 88% số người được hỏi cho rằng cần có một hiệp ước quốc tế về chống ô nhiễm nhựa./.

Trần Quyên (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/oecd-chi-9-rac-thai-nhua-duoc-tai-che-tren-toan-the-gioi-trong-2021/774401.vnp