Posts

RWE thử nghiệm năng lượng mặt trời nổi

Công ty năng lượng khổng lồ RWE của Đức sẽ đầu tư vào một dự án thử nghiệm phục vụ việc triển khai công nghệ năng lượng mặt trời nổi ở Biển Bắc, như một phần của sự hợp tác rộng lớn hơn tập trung vào việc phát triển “công viên năng lượng mặt trời nổi”.

Công nghệ của SolarDuck có thể được triển khai trên biển. Ảnh minh họa: SolarDuck.

Mô hình thí điểm được lắp đặt ở vùng biển ngoài khơi Ostend (Bỉ) có tên là Merganser, sẽ có công suất tối đa 0,5 megawatt. Trong một tuyên bố vào đầu tuần qua, RWE cho biết Merganser sẽ là thử nghiệm ngoài khơi đầu tiên của SolarDuck (Hà Lan-Na Uy).

Theo RWE, Merganser sẽ giúp cho cả tập đoàn này và SolarDuck “kinh nghiệm trực tiếp quan trọng tại một trong những môi trường ngoài khơi đầy thách thức nhất trên thế giới”.

Nghiên cứu thu thập được từ dự án sẽ cho phép thương mại hóa công nghệ nhanh hơn từ năm 2023, RWE nói thêm.

RWE mô tả hệ thống của SolarDuck dựa trên một thiết kế cho phép các tấm pin mặt trời “nổi” hàng mét trên mặt nước và cưỡi sóng “như một tấm thảm”.

Mục tiêu dài hạn của sự hợp tác là để công nghệ của SolarDuck được sử dụng trong một dự án lớn hơn tại trang trại điện gió ngoài khơi Hollandse Kust West mà RWE hiện đang đấu thầu.

Trong tuyên bố của mình, RWE cho biết việc “tích hợp năng lượng mặt trời nổi ngoài khơi vào một trang trại điện gió ngoài khơi” là “việc sử dụng hiệu quả hơn không gian đại dương để sản xuất năng lượng”.

Kết hợp gió và mặt trời không phải là ý tưởng duy nhất của RWE. Trang trại gió Hollandse Kust sẽ nằm ở Biển Bắc, cũng đang có kế hoạch triển khai một cuộc trình diễn công nghệ năng lượng mặt trời nổi. CrossWind, tập đoàn hợp tác với Hollandse Kust, là một liên doanh giữa Eneco và Shell.

Năng lượng mặt trời nổi đang là một lĩnh vực thu hút sự quan tâm của các ông lớn năng lượng châu Âu.

Đầu tháng 7/2022, EDP – công ty năng lượng Bồ Đào Nha cũng đã khánh thành “công viên năng lượng mặt trời nổi” 5 MW trên mặt nước của đập Alqueva, miền Nam nước này. Công viên được mô tả bao gồm gần 12.000 tấm quang điện và là dự án năng lượng mặt trời nổi “lớn nhất ở châu Âu trong một hồ chứa”.

Theo EDP, dự án sẽ cho phép kết hợp năng lượng mặt trời và năng lượng thủy điện từ đập Alqueva. Ngoài ra công ty còn có kế hoạch lắp đặt hệ thống lưu trữ pin.

Tất cả các dự án trên đều dựa vào ý tưởng “lai tạo”, theo đó các công nghệ và hệ thống năng lượng tái tạo khác nhau được kết hợp trên một địa điểm.

Giám đốc EDP phụ trách dự án năng lượng mặt trời nói rằng “đặt cược vào việc lai tạo, bằng cách kết hợp điện năng được sản xuất từ ​​nước, mặt trời, gió và lưu trữ” đại diện cho một “con đường tăng trưởng hợp lý”.

EDP ​​sẽ tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực lai tạo vì nó tối ưu hóa nguồn lực và cho phép công ty sản xuất năng lượng rẻ hơn.

Theo Petrptimes

https://petrotimes.vn/rwe-thu-nghiem-nang-luong-mat-troi-noi-660988.html

Australia cần 9 tỷ USD đầu tư vào lưới điện để chuyển đổi năng lượng

Australia cần gấp khoảng 9 tỷ USD đầu tư vào hệ thống truyền tải để bắt đầu chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, đây là một phần trong kế hoạch dài hạn được theo dõi chặt chẽ cho lưới điện.

Kế hoạch kéo dài 2 năm sẽ được triển khai ngay khi Australia thoát khỏi cuộc khủng hoảng điện trong bối cảnh một số vụ ngừng sản xuất than và giá than và khí đốt tăng cao, dẫn đến thiếu điện.

Các khoản đầu tư vào mạng lưới điện trị giá 9 tỷ USD mà Nhà điều hành Thị trường Năng lượng Australia (AEMO) cho biết là cần thiết trong thời gian tới chỉ chiếm 7% tổng vốn đầu tư ước tính cần thiết cho việc phát điện, lưu trữ và truyền tải vào năm 2050.

“Thông điệp rõ ràng từ các bên liên quan của chúng tôi và các sự kiện thị trường gần đây là quá trình chuyển đổi hệ thống năng lượng của chúng tôi đang tăng tốc và không thể đảo ngược”, Giám đốc AEMO Daniel Westerman cho biết trong Kế hoạch hệ thống tích hợp.

Kế hoạch này dựa trên kịch bản lượng điện tiêu thụ hàng năm sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050 khi các quy trình vận tải, sưởi ấm, nấu ăn và công nghiệp được điện khí hóa, đồng thời 60% công suất nhiệt điện than sẽ ngừng hoạt động vào năm 2030.

AEMO cho biết, kế hoạch mới nhất phù hợp với cam kết của chính phủ Công đảng mới về việc cắt giảm 43% lượng khí thải carbon của Australia so với mức năm 2005 vào năm 2030.

Trong 6 tháng kể từ khi dự thảo được công bố, các nhà cung cấp điện hàng đầu AGL Energy và Origin Energy đã đẩy nhanh kế hoạch đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than của họ, tập trung tăng tốc xây dựng hệ thống truyền tải điện để xử lý thêm công suất năng lượng tái tạo.

“Đầu tư vào năng lượng tái tạo chi phí thấp, củng cố tài nguyên và truyền tải thiết yếu vẫn là chiến lược tốt nhất để cung cấp năng lượng giá cả phải chăng và đáng tin cậy, được bảo vệ trước những cú sốc thị trường quốc tế”, Westerman nói.

Năm dự án truyền dẫn quan trọng sẽ tăng cường kết nối giữa các bang New South Wales, Victoria, Nam Australia và Tasmania. Đại diện AEMO cũng cho biết những dự án này hiện dự kiến ​​sẽ được hoàn thành trong khoảng thời gian từ tháng 7/2026 đến tháng 7/2031. Tuy nhiên, AEMO cũng cảnh báo rằng “những hạn chế của chuỗi cung ứng và các yếu tố khác đang đe dọa tiến độ giao hàng theo kế hoạch của một số dự án truyền tải”.

PV
https://petrotimes.vn/australia-can-9-ty-usd-dau-tu-vao-luoi-dien-de-chuyen-doi-nang-luong-658008.html

Bản tin Năng lượng Xanh: EU nỗ lực thúc đẩy năng lượng tái tạo

Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo; Công ty phát triển hệ thống năng lượng Sesame Solar của Mỹ mới đây đã ra mắt loại lưới điện siêu nhỏ sử dụng 100% năng lượng tái tạo…

EU thúc đẩy năng lượng tái tạo

Tại cuộc họp hôm 27/6 ở Luxembourg, Bộ trưởng Năng lượng 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về các mục tiêu ràng buộc nhằm giảm tiêu thụ năng lượng ở liên minh và đẩy nhanh sự phát triển của năng lượng tái tạo.

Đòn bẩy hành động đầu tiên liên quan đến tỷ trọng của năng lượng tái tạo với mục tiêu phải chiếm 40% tổng năng lượng của châu Âu vào năm 2030, so với mức hiện tại là 32%. Mục tiêu 45% do EC đề xuất hồi tháng 5 không được chấp thuận vì “quá ngắn”.

Mỗi khu vực kinh tế được giao một mục tiêu phát triển tái tạo. Đối với lĩnh vực giao thông vận tải, mỗi quốc gia phải giảm 13% cường độ phát thải khí nhà kính, hoặc đạt được ít nhất 29% năng lượng tái tạo.

Sesame Solar ra mắt lưới điện siêu nhỏ

Công ty phát triển hệ thống năng lượng Sesame Solar ở bang Michigan, Mỹ mới đây đã công bố sản phẩm lưới điện siêu nhỏ sử dụng 100% năng lượng tái tạo đầu tiên trên thế giới.

Hoạt động nhờ hệ thống pin mặt trời ở hai cánh và hydro, lưới điện siêu nhỏ dạng module có thể được chuyển tới những khu vực mất điện khẩn cấp, cung cấp điện trong nhiều tuần.

Sesame phát triển lưới điện này như một giải pháp sạch hơn thay thế nhiên liệu hóa thạch. Với chiều dài từ 3 – 12 m, lưới điện mini của Sesame được thiết kế với hình dáng giống rơmoóc hai cầu hoặc container tiêu chuẩn ISO, sẵn sàng vận chuyển bằng tàu thủy, máy bay chở hàng, xe tải, trực thăng, tàu hỏa…

Điện tạo ra qua lưới điện siêu nhỏ của Sesame có thể dùng để vận hành thiết bị y tế khẩn cấp, lọc nước, chạy hệ thống liên lạc, hoặc sạc xe điện ở khu vực không thể tiếp cận bằng xe ôtô và xe tải. Mỗi lưới điện có công suất pin 15 – 150 kWh và 3 – 20 kW sạc bằng pin mặt trời.

Trang trại điện gió Trung Quốc sản xuất 2,4 tỷ KWh

Rudong được xem là dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên của châu Á sử dụng công nghệ truyền tải điện một chiều linh hoạt. Sản lượng điện tích lũy từ Rudong đã vượt mốc 1 tỷ KWh kể từ khi chính thức hoạt động hồi tháng 12/2021.

Dự án Rudong có thể hỗ trợ công suất phản kháng – công nghệ then chốt ngày nay để kết nối lưới điện mới và cân bằng lưới điện.

Để chuyển điện gió thành điện một chiều và truyền vào bờ ở khoảng cách 100 km, trang trại sử dụng một bộ chuyển đổi nặng 22.000 tấn, công suất truyền tải là 1.100 MW.

Khi vận hành với 100% công suất, Rudong có thể sản xuất 2,4 tỷ KWh điện hàng năm, theo Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc.

Bình An
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/ban-tin-nang-luong-xanh-eu-no-luc-thuc-day-nang-luong-tai-tao-657836.html

Châu Phi lập quỹ phát triển năng lượng tái tạo

Thiếu vốn đầu tư là một trong những trở ngại chính đối với việc thực hiện một quá trình chuyển đổi năng lượng năng động ở châu Phi.

Harith General Partners, một công ty ở châu Phi đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, đã hợp tác với Anergi Group, một nhà cung cấp năng lượng ở châu Phi, nhằm tạo ra một quỹ năng lượng tái tạo toàn châu Phi. Hai bên giải thích rằng công cụ này sẽ thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo trên lục địa này.

Trị giá 300 triệu đô la, quỹ này đặc biệt nhằm mục đích thu hẹp khoảng cách tiếp cận năng lượng trên lục địa, đồng thời hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng và có trách nhiệm với xã hội, theo một tuyên bố từ Harith General Partners.

“Than, dầu và sinh khối tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng năng lượng của châu Phi và châu lục này vẫn cực kỳ dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Quỹ mang tên PAREF sẽ hướng tới mục tiêu đưa nguồn cung cấp năng lượng tới châu Phi vào thế kỷ 21 để có thể chuyển đổi sang một tương lai các-bon thấp”, Giám đốc điều hành Harith Sipho Makhubela cho biết.

Quỹ PAREF sẽ tìm cách chuyển đổi các nguồn cung cấp điện các-bon cao sang các giải pháp ít sử dụng các-bon hơn, đồng thời đẩy nhanh việc áp dụng các công nghệ sản xuất và lưu trữ điện, dựa trên chuyên môn của Anergi và tổng công suất năng lượng tái tạo được lắp đặt là 1.413 MW cung cấp cho 23 triệu khách hàng ở Ghana, Kenya, Nigeria và Nam Phi.

Về vấn đề này, Giám đốc điều hành tạm thời của Tập đoàn Anergi, Neil Hopkins, cho biết: “Mục tiêu của quỹ hoàn toàn phù hợp với chiến lược và nhiệm vụ của Anergi, đó là trở thành người đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng ở Châu Phi. Chúng tôi hoàn toàn cam kết sử dụng kinh nghiệm phát triển dự án, chuyên môn và nguồn lực của mình để cung cấp các nguồn năng lượng an toàn, giá cả phải chăng và ít carbon cho các hộ gia đình và cho các ngành công nghiệp trên lục địa Châu Phi”.

Hai tổ chức tài chính cũng đã ký kết hợp tác để cung cấp vốn cho lĩnh vực năng lượng của châu Phi, đặc biệt là trong lĩnh vực thủy điện.

Những khoản đầu tư này khá thức thời cho châu lục, nơi thu hút ít hơn 5% đầu tư năng lượng toàn cầu và cũng phải đối mặt với thách thức cung cấp điện cho hàng trăm triệu người không có điều kiện tiếp cận.

Nh.Thạch/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/chau-phi-lap-quy-phat-trien-nang-luong-tai-tao-657476.html

Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về chuyển đổi sang năng lượng sạch

Theo nhận định của tờ Te Economist, Việt Nam là quốc gia đang dẫn đầu Đông Nam Á về chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Theo bài viết của The Economist, trong 4 năm tính đến năm 2021, tỉ trọng điện lượng mặt trời tại Việt Nam đã tăng từ mức thực tế gần như bằng 0 lên gần 11%. Đây không chỉ là tốc độ tăng nhanh hơn hầu hết mọi nơi trên thế giới, mà tỉ trọng này còn cao hơn so với các nền kinh tế lớn như Pháp hay Nhật Bản.

Đến năm ngoái Việt Nam đã trở thành nhà sản xuất điện mặt trời lớn thứ 10 thế giới. Nhấn mạnh cam kết đối với quá trình chuyển đổi năng lượng, Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi tháng 11/2021 đã tuyên bố sẽ ngừng xây dựng các nhà máy điện than mới và giảm lượng khí thải ròng của Việt Nam về mức bằng 0 vào năm 2050.

Các quốc gia Đông Nam Á khác muốn nâng cao cuộc chơi của mình có thể rút ra một vài kinh nghiệm từ Việt Nam. Theo đó, Việt Nam đã tăng gấp 4 lần công suất điện gió và điện mặt trời so với năm 2019.


Ảnh minh hoạ

Bài viết khẳng định “thành tích phi thường” này chủ yếu nhờ ý chí chính trị và các động lực thị trường. Năm 2017, Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu trả cho các nhà cung cấp năng lượng mặt trời với giá cố định lên tới 9,35 cent cho mỗi kilowatt giờ cung cấp cho lưới điện. Mức giá này là khá hào phóng vì chi phí cho mỗi kilowatt giờ thường dao động từ 5-7 cent.

Kết quả là 100.000 tấm pin mặt trời trên mái đã được lắp đặt trong năm 2019 và 2020, nâng công suất năng lượng mặt trời của Việt Nam lên 16GW. Nhiều quốc gia Đông Nam Á khác đã thử áp dụng mức giá bán cho lưới điện, nhưng không đủ hấp dẫn.

Cải cách giúp các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng kinh doanh tại Việt Nam hơn cũng đã giúp ích. Tuy nhiên, theo bài viết, nếu hy vọng đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Theo công ty tư vấn Dezan Shira, nhu cầu năng lượng ở Việt Nam đã tăng khoảng 10% mỗi năm trong thập kỷ qua và lượng nhu cầu này đang được đáp ứng phần nhiều bởi điện than.

Bài viết cho rằng các nhà hoạch định chính sách của Chính phủ cần tăng cường năng lượng gió và mặt trời, đồng thời xem xét mở rộng và nâng cấp lưới điện để bao phủ toàn quốc nhằm đối phó với tính chất không liên tục của nguồn điện do năng lượng tái tạo cung cấp.

Phong Lâm
https://vietq.vn/viet-nam-dan-dau-dong-nam-a-ve-chuyen-doi-sang-nang-luong-sach-d200974.html

IEEFA: Năng lượng tái tạo trở thành yếu tố quyết định tương lai kinh tế Việt Nam

Theo một báo cáo mới công bố của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA), nền kinh tế Việt Nam với độ mở và sự phụ thuộc rất lớn vào các tập đoàn đa quốc gia và thị trường tiêu dùng toàn cầu đòi hỏi Chính phủ phải hoạch định một chiến lược phát triển năng lượng sạch tương thích với với các cam kết giảm phát thải carbon của các tập đoàn toàn cầu.

Báo cáo ước tính rằng các tập đoàn đa quốc gia với đóng góp khoảng 150 tỷ USD vào doanh thu xuất khẩu hàng năm của Việt Nam hiện đã đưa ra các cam kết cụ thể về trung hòa carbon hoặc giảm phát thải carbon ở các phạm vi và lộ trình khác nhau. Do vậy, hành trình hướng tới phát triển bền vững của các thương hiệu toàn cầu này là cơ hội mà Việt Nam không thể bỏ qua hay để tuột mất.


Chỉ có tăng cường điện gió để đạt mới giúp Việt Nam đạt mục tiêu net-zero.

Việt Nam hiện là quốc gia có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa lớn nhất trong số các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Nam Á. Với gần 60% doanh thu xuất khẩu đến từ các mặt hàng gia công sản xuất cho các nhãn hàng lớn quốc tế, vị thế ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu đi kèm với đòi hỏi phải thích ứng linh hoạt với các mối quan tâm và ưu tiên của các tập đoàn này.

Báo cáo nhận định, điện gió và điện mặt trời không còn đơn thuần là giải pháp về nguồn cung điện bổ sung, mà còn đóng vai trò như một chính sách bảo đảm việc làm cho hàng triệu lao động, về nguồn thu ngoại tệ, tăng trưởng kinh tế, và sẽ là chìa khoá giúp khơi thông dòng vốn đầu tư phát triển bền vững. Khác với thập kỷ vừa qua, dòng tiền của thập kỷ tới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng cung ứng điện sạch tới các nhà máy sản xuất và khu công nghiệp. Một kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo quyết đoán và rõ ràng sẽ có tác động lan tỏa vĩ mô tới toàn bộ nền kinh tế.

Cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26) về việc Việt Nam hướng tới nền kinh tế phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 được đưa ra ở thời điểm rất nhiều các tập đoàn toàn cầu coi việc giảm phát thải trong chuỗi cung ứng là mối ưu tiên trọng tâm và hàng đầu của chiến lược phi carbon hóa của họ. Rất nhiều trong số các doanh nghiệp này có chuỗi cung ứng sâu rộng và lâu năm tại Việt Nam.

Các tập đoàn lớn như Nike và Apple đã và đang là những tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ cho một kế hoạch phát triển năng lượng sạch táo bạo tại Việt Nam. Cụ thể, các doanh nghiệp này đã kiến nghị Chính phủ cho phép các nhà máy trong chuỗi cung ứng của họ được tiếp cận với các nguồn điện sạch. Đối với các tập đoàn này, tiêu thụ điện sạch không chỉ nhằm mục đích tiết giảm chi phí trước mắt mà đây là một phần trong nỗ lực tổng thể và cấp bách về giảm phát thải carbon mà nếu chậm trễ triển khai sẽ có thể ảnh hưởng tiêu cực tới lợi nhuận, khả năng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp, và danh tiếng của họ.

Một minh chứng rõ ràng cho nhu cầu điện sạch cấp bách của ngành sản xuất thể hiện ở sự tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian vừa qua của các giải pháp năng lượng tái tạo phân tán, ví dụ như điện mặt trời áp mái khu công nghiệp và thương mại (CN&TM), với sự ủng hộ của Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

“Các hệ thống này hỗ trợ đáp ứng nhu cầu phụ tải cho sản xuất, giúp giảm áp lực cho lưới điện, cũng như giảm gánh nặng huy động vốn và phát triển thêm công suất nguồn cho EVN,” báo cáo cho biết.

Do đó, phân khúc điện mặt trời áp mái CN&TM hiện đang âm thầm dẫn dắt đà tăng trưởng công suất trong bối cảnh nhà nước tạm thời đóng băng chính sách phát triển loại hình điện mặt trời quy mô trang trại. Trong thời gian qua, các doanh nghiệp phát triển dự án điện mặt trời áp mái CN&TM và các đối tác cho vay đã nhanh chóng cập mật mô hình kinh doanh để không còn lệ thuộc vào trợ cấp nhà nước (ví dụ EVN thanh toán cho phần điện dư phát lên lưới theo giá mua cố định) và đang tích cực tiếp cận các khu công nghiệp nhộn nhịp với số lượng gia tăng không ngừng tại Việt Nam.


Các tập đoàn lớn trên thế giới mong muốn tiếp cận nguồn năng lượng sạch của Việt Nam.

Một số nhà đầu tư lớn đã gia nhập thị trường, ví dụ như Tập đoàn Điện lực Pháp EDF hay tập đoàn kinh tế SK Group của Hàn Quốc. Các doanh nghiệp này liên doanh với các đối tác trong nước, và cam kết đầu tư hàng trăm triệu USD vào thị trường điện mặt trời áp mái CN&TM tại Việt Nam trong vài năm tới.

Bên cạnh đó, các khu công nghiệp sinh thái cũng đang tạo ra một xu hướng mới tại Việt Nam, với các chủ đầu tư chủ động tìm kiếm và cung cấp các giải pháp tạo ra nguồn điện sạch cho lưới điện nội bộ, nhằm thu hút các khách hàng chú trọng tới các yếu tố môi trường, xã hội, và quản trị doanh nghiệp (ESG). Mới đây, Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore mở rộng ở Bình Dương, với chủ đầu tư là tập đoàn Sembcorp, thông báo họ sẽ xây dựng một nhà máy điện mặt trời quy mô lớn tại chỗ để giúp các khách hàng lớn, như nhà máy sản xuất đồ chơi Lego, đạt được mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong tương lai.

Chính phủ đang tiến hành công tác chuẩn bị về mặt pháp lý và kỹ thuật để thí điểm cơ chế mua bán điện tái tạo trực tiếp cho doanh nghiệp, còn gọi là cơ chế DPPA. Đây là một chính sách được các doanh nghiệp nóng lòng chờ đợi, đặc biệt là các bên tiêu thụ điện lớn, có mục tiêu giảm phát thải tham vọng, nhưng lại không có đủ nguồn năng lượng sạch tại chỗ.

Cơ chế DPPA dự kiến triển khai thí điểm từ năm 2023-2024 với giới hạn công suất ban đầu là 1GW. Ưu điểm của DPPA là giúp giảm áp lực cân đối chi phí mua bán điện cho EVN, do việc đàm phán giá điện sẽ là vấn đề riêng giữa doanh nghiệp mua điện và nhà máy điện tái tạo.

Báo cáo lưu ý rằng thị trường mua bán điện tái tạo trực tiếp cho doanh nghiệp tại khu vực châu Á Thái Bình Dương đang tăng trưởng nhanh chóng, với Ấn Độ, một nền kinh tế sản xuất cạnh tranh với Việt Nam, hiện dẫn đầu khu vực với tổng công suất tích luỹ là 5,2GW. Do đó, việc triển khai cơ chế DPPA nhanh chóng và ở quy mô lớn hơn sẽ giúp Việt Nam củng cố vị thế của mình, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu và tài nguyên thiên nhiên dồi dào hiện nay.

PV
https://petrotimes.vn/ieefa-nang-luong-tai-tao-tro-thanh-yeu-to-quyet-dinh-tuong-lai-kinh-te-viet-nam-650847.html