Posts

Sẽ tối ưu phát triển năng lượng sạch?

Thông tin từ Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, việc bổ sung điện gió vào Quy hoạch điện VIII sẽ được dựa trên những tính toán hợp lý nhất, kèm theo các điều kiện về lưới điện liên kết, cam kết của Việt Nam về giảm phát thải tại COP26.

Thực trạng phát triển nóng năng lượng tái tạo (NLTT) trong những năm vừa qua là chưa phù hợp với hạ tầng truyền tải của Việt Nam. Với hàng loạt đề xuất phát triển điện mặt trời, điện gió ngoài khơi tại các địa phương đang đặt ra cho Bộ Công Thương những thách thức lớn trong việc tính toán để NLTT phát triển bền vững, không để ảnh hưởng tiêu cực đến các nguồn điện còn lại.

Sẽ tối ưu phát triển năng lượng sạch?

Các địa phương đang để xuất phát triển 11.000 MW công suất điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Đánh giá về hiện trạng nguồn điện hiện nay, ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và NLTT – cho biết, công suất năm 2020 đạt khoảng 69,3 GW, hệ thống điện cơ bản đáp ứng nhu cầu phụ tải. Tốc độ tăng trưởng bình quân nguồn điện giai đoạn 2011-2020 tương đương 12,9%/năm, so với tốc độ tăng trưởng phụ tải bình quân gần 10%/năm.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn Anh cũng chỉ ra các tồn tại và thách thức đối với việc phát triển nguồn điện trong thời gian qua chưa phù hợp với sự phân bố và phát triển phụ tải. Miền Bắc dự phòng giảm dần do tốc độ tăng trưởng phụ tải ở mức cao tương đương 9%/năm, nhưng tăng trưởng nguồn điện chỉ đạt 4,7%/năm, dự phòng giảm xuống 31% năm 2020.

Ở miền Trung và miền Nam, tăng trưởng nguồn điện nhanh hơn nhiều tăng trưởng phụ tải, dự phòng tăng cao 237% tại miền Trung, 87% tại miền Nam. Do đó, dẫn tới tình trạng nghẽn mạch trên lưới truyền tải và cắt giảm công suất nguồn điện gió, điện mặt trời, do thời điểm điện mặt trời phát cao công suất truyền ngược ra phía Bắc gây quá tải liên kết Bắc – Trung.

Dự báo nhu cầu điện trong những năm tới, Cục Điện lực và NLTT thông tin, theo các chỉ tiêu dự báo phụ tải trong dự thảo Quy hoạch điện VIII đã bám sát và phù hợp với các chỉ tiêu chính của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, tốc độ tăng trưởng GDP trong kịch bản trung bình là 6,8% giai đoạn 2021-2025, 6,4% giai đoạn 2026-2030 và giảm dần về 5,5% giai đoạn 2041-2045.

Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Anh, định hướng phát triển nguồn điện theo quan điểm phát triển sau Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã có những thay đổi, cụ thể, sẽ được xem xét lại việc phát triển nhiệt điện than; Tập trung phát triển điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi (ĐGNK). Đồng thời, tính toán cân đối nguồn – tải theo vùng miền, hạn chế truyền tải điện đi xa. Đảm bảo dự phòng từng miền ở mức độ hợp lý, đặc biệt là ở miền Bắc.

Theo đó, quy mô công suất phát triển ĐGNK vào năm 2030 là 5.000 MW và năm 2045 là 41.000 MW. Để ĐGNK trở thành một cột trụ quan trọng trong công cuộc chuyển dịch năng lượng quốc gia, việc nhanh chóng phát triển nguồn điện này là hết sức cấp thiết nhằm hướng đến phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Do đó, việc cần làm hiện nay là xây dựng chính sách phát triển ĐGNK. Xây dựng lộ trình phát triển ĐGNK đến 2045. Đặc biệt, cần xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho ĐGNK.

Được biết, hiện nhiều địa phương trong cả nước đang đề xuất phát triển ĐGNK với Bộ Công Thương và Chính phủ, với tổng công suất lên tới hơn 110.000 MW. Chia sẻ về các tiêu chí lựa chọn dự án, ông Tuấn Anh cho hay, sẽ dựa vào mô hình tính toán cực tiểu, chi phí và kèm theo các ràng buộc như về lưới điện liên kết, cam kết của Việt Nam về giảm phát thải.

Cụ thể, tại mỗi vùng miền sẽ đưa ra cơ cấu nguồn điện trong từng giai đoạn. Trên cơ sở tính toán, quy mô có thể sẽ nhỏ hơn so với nhu cầu của một khu vực, nhưng đó là kết quả mô hình tính toán tối ưu mà quy hoạch đưa ra làm cơ sở lựa chọn.

P.V
https://petrotimes.vn/se-toi-uu-phat-trien-nang-luong-sach-637171.html

Năng lượng địa nhiệt: năng lượng của tương lai

Năng lượng địa nhiệt có thể là một giải pháp tiềm năng trong số các các công nghệ carbon thấp? Câu hỏi được đặt ra khi các nguồn năng lượng gió và mặt trời có chi phí cạnh tranh đang phát triển mạnh mẽ, đóng góp phần lớn vào tốc độ tăng trưởng nguồn cung điện năng cho quá trình điện khí hóa toàn cầu đến năm 2050.

Sử dụng năng lượng địa nhiệt đã được chứng minh là có ít rủi ro hơn so với các công nghệ phát thải carbon thấp khác là hydro và công nghệ thu gom, lưu trữ carbon (CCS), vốn có chi phí tương đối cao và còn nhiều vấn đề về mặt kỹ thuật cần chứng minh. Hãng phân tích Wood Mackenzie mới đây đã có bài phân tích về triển vọng của năng lượng địa nhiệt trong tiến trình giảm phát thải carbon toàn cầu.

Theo giám đốc dịch vụ chuyển tiếp năng lượng của Wood Mackenzie Prakash Sharma, các nguồn năng lượng địa nhiệt sẽ góp phần tăng cường an ninh năng lượng ở khu vực địa phương. Thế giới hiện đã phát triển các giải pháp mới, tiên tiến để có thể khai thác năng lượng địa nhiệt, trở thành trung tâm trong xu hướng không phát ròng carbon toàn cầu.

Giàn khoan thử nghiệm Thor tại Hverahlid, Iceland. Nguồn: Iceland Drilling.

Năng lượng địa nhiệt: năng lượng của tương lai

Thứ nhất, năng lượng mặt trời và năng lượng gió không thể tự vận hành hoàn toàn. Khả năng gián đoạn, thay đổi theo thời tiết là một rủi ro lớn. Trong hệ thống điện năng tương lai, các dự án điện gió, điện mặt trời cần được bổ sung hệ thống pin lưu trữ năng lượng để đáp ứng nhu cầu điện lúc cao điểm và giảm tải công suất cho hệ thống lưới điện. Đây là lý do mà năng lượng địa nhiệt thu hút sự quan tâm của dư luận khi địa nhiệt là nguồn năng lượng 24/7 và có khả năng linh hoạt.

Thứ hai, năng lượng địa nhiệt đã được biết đến và đưa vào sử dụng từ lâu. Theo dữ liệu của Wood Mackenzie Lens tại 38.000 mỏ dầu và khí đốt, nguồn năng lượng này sử dụng nhiệt năng tự nhiên của Trái Đất, tỏa ra từ vùng lõi – nơi có nhiệt độ 5.500 độ C. Tính từ mặt đất trở xuống, nhiệt độ tăng trung bình khoảng 30 độ C/km. Năng lượng địa nhiệt bề mặt hoặc gần bề mặt đã được con người sử dụng cung cấp nhiệt và điện năng trong nhiều thập kỷ qua. Máy bơm nhiệt từ lòng đất đã được sử dụng rộng rãi và phổ biến trên thị trường đại chúng. Trong chương trình “Fit for 55” của Liên minh châu Âu (EU), máy bơm nhiệt được coi là công cụ trung tâm nhằm sử dụng nguồn địa nhiệt thay thế khí và dầu cho mục đích sưởi ấm trong sinh hoạt và thương mại.

So sánh tiết kiệm chi phí của các loại hình năng lượng: than, hydrogen và địa nhiệt. Nguồn: Wood Mackenzie

Các hệ thống năng lượng địa nhiệt thông thường khai thác nguồn nước nóng, hơi nước ở độ sâu lên đến 200 m, cung cấp cho tuabin sản xuất điện. Những dự án địa nhiệt thông thường vận hành tại các địa điểm như Iceland và khu vực Vành đai lửa Thái Bình Dương. Khả năng mở rộng quy mô, khai thác nguồn nhiệt sâu hơn đối với năng lượng địa nhiệt là rất triển vọng. Hệ thống địa nhiệt tiên tiến (EGS/AGS) có thể khai thác nguồn nhiệt than ở độ sâu lên tới 3 km và hơn thế nữa. Trong các hệ thống phức tạp, các nhà điều hành có thể xây dựng thêm giếng khoan ngang, kết nối hai giếng thẳng đứng, tạo hình chữ “U” khép kín. Nước trên bề mặt sẽ được bơm vào hệ thống giếng chữ “U” mang theo nguồn nhiệt năng cung cấp cho tuabin sản xuất điện và tiếp tục tuần hoàn. Hệ thống phức tạp này phụ thuộc vào các kỹ thuật khoan và hoàn thiện giếng tiên tiến, vốn được sử dụng phổ biến trong ngành dầu khí. Sự chênh lệch nhiệt độ có thể tính toán được, qua đó thiết kế được quy mô dự án, phục vụ các trung tâm tiêu thụ năng lượng lớn.

Thứ ba là chi phí khai thác năng lượng địa nhiệt đang giảm. Bản thân nguồn năng lượng này là vô tận, miễn phí và chi phí chuyển đổi năng lượng thấp. Phần chi tiêu vốn chủ yếu tập trung vào công tác khoan và hoàn thiện giếng để khai thác nhiệt năng. Mặc dù công tác khoan hệ thống giếng phức tạp và tốn kém, nhưng lợi ích thu được khi giếng đi vào vận hành là rất kể: nguồn năng lượng phát thải carbon thấp và sử dụng được trong nhiều thập kỷ. Theo Wood Mackenzie, chi phí năng lượng (LCOE) của các dự án địa nhiệt thử nghiệm hiện nay vào khoảng 180 USD/MWh. Wood Mackenzie kỳ vọng với sự hỗ trợ từ các chính phủ, tiến bộ khoa học công nghệ trong kỹ thuật khoan và tăng trưởng đầu tư trong lĩnh vực này sẽ giúp LCOE giảm đáng kể như những gì đã trải qua đối với năng lượng gió và mặt trời.

Theo quan điểm của Wood Mackenzie, LCOE của năng lượng địa nhiệt có thể giảm xuống 75 USD/MWh vào năm 2030 và 55 USD/MWh vào năm 2050, giúp loại hình này hoàn toàn cạnh tranh với các điện than, điện khí mới áp dụng công nghệ CCS hoặc với các lò phản ứng hạt nhân module nhỏ (SMR). Ngoài ra, các nhà đầu tư có thể kết hợp khai thác nguồn nước ngầm giàu lithium để phục vụ cho sản xuất pin điện, pin nhiên liệu hydro, góp phần cải thiện kinh tế hơn nữa của dự án.

Hiện nay, các tập đoàn Chevron, BP, EnBW và Mitsui đang hợp tác với các công ty chuyên ngành về năng lượng địa nhiệt như EavorLoop, Greenfire và Causeway GT trong các dự án khai thác nước nóng ở New Zealand, Canada (Alberta), Mỹ (California, Utah, Nevada), Đức, Iceland, Nhật Bản và Vương quốc Anh.

Theo các kịch bản năng lượng 1,5 độ C và 2 độ C (AET-1,5 và AET-2) của Wood Mackenzie, nhu cầu điện năng toàn cầu sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050. Trong đó, công suất lắp đặt điện mặt trời và điện gió sẽ chiếm phần lớn mức tăng trưởng 10.000 GW đến năm 2050, còn năng lượng địa nhiệt được dự báo sẽ đạt 100 GW. Yếu tố quyết định đến triển vọng của loại hình năng lượng mới này sẽ là LCOE. Wood Mackenzie kỳ vọng, LCOE địa nhiệt sẽ tiếp tục giảm, giúp nâng tổng công suất năng lượng địa nhiệt toàn cầu lên 1.000 GW vào năm 2050, vượt qua công suất hạt nhân và thủy điện toàn cầu.

Tiến Thắng
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/nang-luong-dia-nhiet-nang-luong-cua-tuong-lai-626941.html

Vị vua mới trong ngành điện: Năng lượng mặt trời

Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) đã công bố một số kịch bản phát triển năng lượng trong báo cáo Triển vọng năng lượng thế giới thường niên của mình. Theo kịch bản Chính sách (STEPS), nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi trở lại mức trước khủng hoảng vào năm 2023.

Trong kịch bản phục hồi chậm (DRS), ngành năng lượng toàn cầu sẽ phục hồi về mức trước khủng hoảng vào năm 2025. Theo kịch bản Phát triển bền vững (SDS), các mục tiêu của Thỏa thuận khí hậu Paris sẽ đạt được đúng thời hạn. Báo cáo cũng bổ sung kịch bản không phát thải ròng carbon vào năm 2050, trong đó hầu hết các quốc gia và công ty sẽ đạt được trung hòa carbon.

Trang trại năng lượng mặt trời Solucar tại Tây Ban Nha. Ảnh: Michael Melford/National Geographic Society/Corbis.

Giá năng lượng mặt trời tiếp tục xu hướng giảm

Theo các chuyên gia của hãng tư vấn Wood Mackenzie, xu hướng trên thị trường năng lượng năm 2021 là giá điện mặt trời tiếp tục giảm. Trong 5 dự án điện mặt trời có giá trúng thầu thấp nhất, 4 dự án nằm ở khu vực Trung Đông. Khu vực này có điều kiện thuận lợi để sản xuất điện mặt trời giá rẻ. Đặc biệt là giá vốn thấp, doanh thu đảm bảo và nhiều bức xạ mặt trời. Wood Mackenzie cho rằng, hiện có hai quốc gia có thể chiếm vị trí nhà sản xuất năng lượng mặt trời rẻ nhất thế giới của UAE là Tây Ban Nha và Chile. Cả hai quốc gia này đều đã thiết lập các thị trường bán buôn điện, có thể kích hoạt đấu thầu tích cực đối với các nhà phát triển năng lượng. Theo Wood Mackenzie, các chủ sở hữu tài sản điện mặt trời đang ngày càng tinh vi hơn, sẵn sàng từ bỏ doanh thu theo hợp đồng, chấp nhận đòn bẩy thương mại một phần hoặc toàn bộ để giảm chi phí điện mặt trời và gia tăng thời gian hoạt động của dự án.

Mặt trái của sự phát triển

Khối lượng chất thải từ năng lượng mặt trời hiện nay vẫn còn thấp do lĩnh vực này còn mới và thời gian bảo hành các module thường từ 25 năm trở lên. Về vấn đề này, chất thải từ các nhà máy điện mặt trời chưa phải là một vấn đề toàn cầu vì khối lượng của chúng rất nhỏ, chỉ chiếm 1% chất thải điện tử toàn cầu mỗi năm.


Trung tâm năng lượng mặt trời Mohammed bin Rashid Al Maktoum tại Du năng lượng mặt trời bai, UAE. Ảnh: Gulf News.

Tuy nhiên, cả IRENA và IEA có công bố các báo cáo về quản lý cuối vòng đời đối với các tấm pin mặt trời, công nghệ tái chế pin mặt trời, theo đó cho rằng, thế giới sẽ sản sinh ra 1,7-8 triệu tấn chất thải quang điện vào năm 2030, tùy thuộc vào các kịch bản được xem xét. Lượng rác thải từ các tấm pin mặt trời này tương ứng với 3-16% lượng rác thải điện tử hàng năm. Đến năm 2050, khối lượng pin mặt trời hết thời hạn sử dụng sẽ tăng lên từ 60-78 triệu tấn. Hiện nay có một số nhà sản xuất đã cung cấp dịch vụ tái chế module năng lượng mặt trời của mình, đồng thời thiết lập các cơ sở tái chế chuyên dụng. Ví dụ như nhà sản xuất First Solar đã triển khai chương trình toàn cầu về thu thập và tái chế module năng lượng mặt trời vào năm 2005. Công nghệ của hãng cho phép tái sử dụng 90% vật liệu bán dẫn và thủy tinh.

Module năng lượng mặt trời thường được làm bằng thủy tinh, nhôm, đồng và các vật liệu bán dẫn có thể thu hồi và tái sử dụng. Tấm silicon tinh thể thông thường bao gồm 76% khối lượng thủy tinh, 10% vật liệu polymer, 8% nhôm, 5% chất bán dẫn silicon, 1% đồng, dưới 0,1% bạc và các loại kim loại khác bao gồm thiếc và chì. Trong các loại module màng mỏng, tỷ lệ thủy tinh còn lên đến 89-97%. Đến năm 2050, thị trường tái chế module mặt trời sẽ có quy mô 15 tỷ USD/năm và khối lượng chất thải tích lũy có thể sản xuất 2 tỷ module mặt trời, tương đương với 630 GW. Do đó, việc tổ chức hợp lý, tái chế chất thải từ các nhà máy điện mặt trời có thể mang lại lợi ích lớn mà không cần các biện pháp bổ sung./.

Tiến Thắng
https://petrotimes.vn/vi-vua-moi-trong-nganh-dien-nang-luong-mat-troi-618179.html

Tỉ trọng nhiên liệu hóa thạch hiện nay ra sao?

Tỷ trọng nhiên liệu hóa thạch trong tiêu thụ năng lượng toàn cầu cao như cách đây mười năm, khi năng lượng tái tạo chỉ tăng nhẹ, mạng lưới REN21 nhấn mạnh trong một báo cáo được công bố cuối tuần này.

Nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí đốt), nguồn gây ra phần lớn sự nóng lên toàn cầu, vẫn chiếm 80,2% mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng vào năm 2019, so với mức 80,3% vào năm 2009, mạng lưới REN21 chuyên về năng lượng tái tạo cho biết.

Đồng thời, tỷ trọng năng lượng tái tạo (tăng khoảng 5% hàng năm) đã tăng từ 8,7% lên 11,2% trong bối cảnh nhu cầu năng lượng toàn cầu ngày càng tăng, báo cáo cho biết.

Trong nhóm G20, bốn quốc gia cộng với EU, vào năm 2020 đã đặt ra các mục tiêu triển khai năng lượng tái tạo trong tất cả các mục đích sử dụng và lĩnh vực (điện, giao thông, sưởi ấm, làm mát, công nghiệp). Chỉ hai trong số 4 nước Đức, Ý, Pháp và Anh, trật vật mới đạt được mục tiêu đề ra.

Báo cáo nhấn mạnh: “Chúng ta còn một chặng đường dài nữa mới có thể thay đổi mô hình cần thiết cho một tương lai năng lượng sạch, lành mạnh và công bằng hơn”.

Giám đốc REN21, Rana Adib, cho biết: “Với khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch đạt 550 tỷ USD vào năm 2019 – gần gấp đôi đầu tư vào năng lượng tái tạo – những lời hứa về hành động khí hậu trong thập kỷ qua hầu như chỉ là lời nói suông”. Ông Rana Adib nhấn mạnh: “Năm 2020 đáng lý là một năm thay đổi cuộc chơi, nhưng các kế hoạch kích thích hậu Covid cho phép đầu tư vào hóa thạch nhiều hơn sáu lần so với năng lượng tái tạo”.

Mặt khác, ngành điện đã có những “tiến bộ đáng kể”. Ngày nay, hầu hết tất cả các hệ thống sản xuất điện mới đều là tái tạo và hơn 256 gigawatt (GW) đã được bổ sung vào năm 2020, đánh bại kỷ lục trước đó gần 30%.

REN21 cho rằng tại một số khu vực bao gồm cả Trung Quốc, EU, Ấn Độ và Mỹ, việc xây dựng các trang trại năng lượng gió hoặc quang điện sẽ rẻ hơn so với vận hành các nhà máy nhiệt điện than hiện có.

Bà Adib nhấn mạnh: “Các chính phủ không chỉ nên hỗ trợ năng lượng tái tạo mà còn phải nhanh chóng ngừng hoạt động các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. “Muốn vậy, chúng ta phải làm cho việc sử dụng năng lượng tái tạo trở thành một chỉ số hoạt động chính cho tất cả các hoạt động kinh tế, ngân sách và các hợp đồng công. Do đó, mỗi bộ cần có các mục tiêu và kế hoạch ngắn hạn và dài hạn”.

Nh.Thạch/AFP

https://nangluongquocte.petrotimes.vn/ti-trong-nhien-lieu-hoa-thach-hien-nay-ra-sao-614829.html

Cuộc cách mạng hydro: Những trở ngại lớn

Hydro đóng một vai trò không thể thiếu trong một hệ thống năng lượng tương lai không có carbon. Nhưng các kịch bản cho thấy tỷ trọng của nó trong năng lượng vào năm 2050 khác nhau đáng kể.

Cho dù kết quả cuối cùng có thể là gì, những người theo dõi ngành công nghiệp hiện nay phần lớn đồng ý rằng có 2 lĩnh vực mà chi phí phải giảm xuống để tăng trưởng hydro không có carbon.

Hai lĩnh vực đó là: Chi phí năng lượng tái tạo, vốn là đối tượng giảm đáng kể trong thập kỷ qua, phải tiếp tục giảm. Và chi phí điện phân nước để sản xuất hydro, bao gồm phần cứng cơ bản của hydro xanh, máy điện phân phải đi theo một con đường tương tự cho phí thấp xuống.

Nhiều người thấy cả hai đã sẵn sàng xảy ra. Nhưng trên thực tế, đó là hai mảng có liên quan không thể tách rời, với chi phí vận hành và chi phí vốn được tính vào tổng chi phí vận hành máy điện phân.

Sự sụt giảm của giá điện tái tạo dự kiến ​​sẽ tiếp tục, với việc tăng tốc triển khai năng lượng tái tạo vào lưới điện. Nhưng chi phí vốn cũng phải giảm, với thiết bị điện phân được sản xuất nhanh hơn và ít tốn kém hơn.

Trong khi giá điện mặt trời đã giảm khoảng 90% trong 10 năm qua, nó cần phải giảm thêm nữa và các chính phủ tỏ ra quyết tâm giúp đỡ. Ví dụ, vào tháng 3, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (DOE) đã công bố mục tiêu của mình rằng chi phí năng lượng mặt trời quy mô tiện ích giảm hơn một nửa trong 10 năm, từ mức giá hiện tại là 4,6 cent cho mỗi kilowatt-giờ (kWh) xuống còn 3 cent/kWh vào năm 2025 và 2 cent/kWh vào năm 2030.

DOE đã công bố một loạt các dự án R&D và vốn hạt giống cho quang điện cải tiến (perovskites, màng mỏng) và điện mặt trời tập trung (CSP) để đạt được hiệu suất cao hơn và chi phí thấp hơn.

Chi phí của công nghệ điện phân cũng đang giảm, với những cải tiến về thiết kế để đạt hiệu quả cao hơn. Các đơn vị kiềm cải tiến đang được triển khai ngay cả khi người mua đang ngày càng chuyển sang sử dụng các máy điện phân màng trao đổi proton (PEM) hiệu quả cao hơn. Trong khi đó, công nghệ đang tiến bộ cho các tế bào điện phân oxit rắn (SOEC), hứa hẹn sẽ đạt được hiệu suất rất cao từ nhiệt đầu vào cao, từ các nguồn nhiệt công nghiệp và có khả năng từ các lò phản ứng hạt nhân.

Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu điện phân nước để sản xuất hydro có thể tuân theo đường cong chi phí giảm ngẫu nhiên mà điện mặt trời đã tuân theo trong 10 năm qua hay không?

Điều quan trọng là phải tiếp tục giảm chi phí, vì hydro điện phân sẽ phải cạnh tranh với “hydro xanh” được sản xuất bằng khí tự nhiên và thu giữ carbon, hiện đã ít tốn kém hơn. Thành công sẽ dẫn đến việc người ta hy vọng sẽ áp dụng rộng rãi thứ mà những người ủng hộ gọi là “Chén thánh” của hydro, là hydro điện phân được sản xuất bằng điện tái tạo (tức là hydro “xanh”).

Bảo Vy
https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/cuoc-cach-mang-hydro-nhung-tro-ngai-lon-612770.html

Nezzy – turbine điện gió đặc biệt nhất thế giới

Mùa thu năm 2020, turbine điện gió nổi trên nước mang tên “Nezzy2” đã được thử nghiệm trong 2 tháng rưỡi tại Vịnh Greifswald, biển Baltic. Công trình này có điểm đặc biệt gồm 2 cột buồm và sáu cánh quạt.

Turbine Nezzy2

Một nguyên mẫu dài 18 mét

Cấu trúc turbine gió nổi trên mặt nước “Nezzy2” do nhóm EnBW và Aerodyn (Đức) thiết kế bao gồm 2 turbine gió “được sắp xếp theo hình chữ Y và gắn vào cùng một phao”. Phao sẽ được giữ chìm một phần và được neo vào đáy biển bằng 6 dây xích.

Theo các nhà thiết kế, turbine gió đôi độc đáo này có thể “tự động điều chỉnh theo hướng gió” bằng cách “tăng gấp đôi năng suất trên mặt nước”. Ngoài ra, “điểm tiếp gió của turbine thấp hơn nhiều so với chỉ một turbine lớn duy nhất” – điều này mang lại cho mô hình “tính ổn định cao hơn trên mặt nước”. Nhưng nó cũng không đón được các luồng gió mạnh hơn như các turbine đơn cổ điển ngoài khơi.

Từng chiếc turbine đơn trong bộ đôi turbine gió của nguyên mẫu “Nezzy2” cao 18 mét (tỷ lệ 1:10 so với dự án hoàn thiện) được thử nghiệm ở biển Baltic với một rotor có đường kính 15m. Trong giai đoạn thử nghiệm, cấu trúc turbine được trang bị 180 cảm biến để đo đạc chuyển động của nó khi “tiếp xúc với các hướng và tốc độ gió khác nhau cũng như độ cao và hướng sóng khác nhau”.

Các cuộc thử nghiệm tại Trung Quốc “cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022”

Nhóm EnBW cho biết các cuộc thử nghiệm thực hiện vào mùa xuân 2020 tại biển Baltic đã thành công. Nguyên mẫu turbine được đặt trong điều kiện sóng và gió hoàn toàn khắc nghiệt, đối mặt với một cơn bão lớn vào giữa tháng 10/2020. Nhóm nghiên cứu cho biết : “Quy mô kích thước khi hoàn thiện của Nezzy2 có thể chịu được điều kiện sóng và gió tương đương với một cơn bão cấp 4 đến cấp 5 với những con sóng cao tới 30 mét”.

EnBW và Aerodyn hiện muốn thử nghiệm mô hình Nezzy2 ở mức 15MW. Các cuộc thử nghiệm sắp tới theo lịch trình hiện tại sẽ được lên kế hoạch tại Trung Quốc vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.

Tập đoàn EnBW của Đức thông báo muốn đầu tư 5 tỷ euro vào năng lượng tái tạo từ nay đến năm 2025, đặc biệt dựa vào năng lượng gió ngoài khơi (chủ yếu thông qua công ty con Valeco của Pháp mà tập đoàn mua lại vào năm 2019).

Nh.Thạch/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/nezzy-turbine-dien-gio-dac-biet-nhat-the-gioi-606024.html