Posts

IEEFA: Năng lượng tái tạo trở thành yếu tố quyết định tương lai kinh tế Việt Nam

Theo một báo cáo mới công bố của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA), nền kinh tế Việt Nam với độ mở và sự phụ thuộc rất lớn vào các tập đoàn đa quốc gia và thị trường tiêu dùng toàn cầu đòi hỏi Chính phủ phải hoạch định một chiến lược phát triển năng lượng sạch tương thích với với các cam kết giảm phát thải carbon của các tập đoàn toàn cầu.

Báo cáo ước tính rằng các tập đoàn đa quốc gia với đóng góp khoảng 150 tỷ USD vào doanh thu xuất khẩu hàng năm của Việt Nam hiện đã đưa ra các cam kết cụ thể về trung hòa carbon hoặc giảm phát thải carbon ở các phạm vi và lộ trình khác nhau. Do vậy, hành trình hướng tới phát triển bền vững của các thương hiệu toàn cầu này là cơ hội mà Việt Nam không thể bỏ qua hay để tuột mất.


Chỉ có tăng cường điện gió để đạt mới giúp Việt Nam đạt mục tiêu net-zero.

Việt Nam hiện là quốc gia có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa lớn nhất trong số các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Nam Á. Với gần 60% doanh thu xuất khẩu đến từ các mặt hàng gia công sản xuất cho các nhãn hàng lớn quốc tế, vị thế ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu đi kèm với đòi hỏi phải thích ứng linh hoạt với các mối quan tâm và ưu tiên của các tập đoàn này.

Báo cáo nhận định, điện gió và điện mặt trời không còn đơn thuần là giải pháp về nguồn cung điện bổ sung, mà còn đóng vai trò như một chính sách bảo đảm việc làm cho hàng triệu lao động, về nguồn thu ngoại tệ, tăng trưởng kinh tế, và sẽ là chìa khoá giúp khơi thông dòng vốn đầu tư phát triển bền vững. Khác với thập kỷ vừa qua, dòng tiền của thập kỷ tới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng cung ứng điện sạch tới các nhà máy sản xuất và khu công nghiệp. Một kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo quyết đoán và rõ ràng sẽ có tác động lan tỏa vĩ mô tới toàn bộ nền kinh tế.

Cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26) về việc Việt Nam hướng tới nền kinh tế phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 được đưa ra ở thời điểm rất nhiều các tập đoàn toàn cầu coi việc giảm phát thải trong chuỗi cung ứng là mối ưu tiên trọng tâm và hàng đầu của chiến lược phi carbon hóa của họ. Rất nhiều trong số các doanh nghiệp này có chuỗi cung ứng sâu rộng và lâu năm tại Việt Nam.

Các tập đoàn lớn như Nike và Apple đã và đang là những tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ cho một kế hoạch phát triển năng lượng sạch táo bạo tại Việt Nam. Cụ thể, các doanh nghiệp này đã kiến nghị Chính phủ cho phép các nhà máy trong chuỗi cung ứng của họ được tiếp cận với các nguồn điện sạch. Đối với các tập đoàn này, tiêu thụ điện sạch không chỉ nhằm mục đích tiết giảm chi phí trước mắt mà đây là một phần trong nỗ lực tổng thể và cấp bách về giảm phát thải carbon mà nếu chậm trễ triển khai sẽ có thể ảnh hưởng tiêu cực tới lợi nhuận, khả năng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp, và danh tiếng của họ.

Một minh chứng rõ ràng cho nhu cầu điện sạch cấp bách của ngành sản xuất thể hiện ở sự tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian vừa qua của các giải pháp năng lượng tái tạo phân tán, ví dụ như điện mặt trời áp mái khu công nghiệp và thương mại (CN&TM), với sự ủng hộ của Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

“Các hệ thống này hỗ trợ đáp ứng nhu cầu phụ tải cho sản xuất, giúp giảm áp lực cho lưới điện, cũng như giảm gánh nặng huy động vốn và phát triển thêm công suất nguồn cho EVN,” báo cáo cho biết.

Do đó, phân khúc điện mặt trời áp mái CN&TM hiện đang âm thầm dẫn dắt đà tăng trưởng công suất trong bối cảnh nhà nước tạm thời đóng băng chính sách phát triển loại hình điện mặt trời quy mô trang trại. Trong thời gian qua, các doanh nghiệp phát triển dự án điện mặt trời áp mái CN&TM và các đối tác cho vay đã nhanh chóng cập mật mô hình kinh doanh để không còn lệ thuộc vào trợ cấp nhà nước (ví dụ EVN thanh toán cho phần điện dư phát lên lưới theo giá mua cố định) và đang tích cực tiếp cận các khu công nghiệp nhộn nhịp với số lượng gia tăng không ngừng tại Việt Nam.


Các tập đoàn lớn trên thế giới mong muốn tiếp cận nguồn năng lượng sạch của Việt Nam.

Một số nhà đầu tư lớn đã gia nhập thị trường, ví dụ như Tập đoàn Điện lực Pháp EDF hay tập đoàn kinh tế SK Group của Hàn Quốc. Các doanh nghiệp này liên doanh với các đối tác trong nước, và cam kết đầu tư hàng trăm triệu USD vào thị trường điện mặt trời áp mái CN&TM tại Việt Nam trong vài năm tới.

Bên cạnh đó, các khu công nghiệp sinh thái cũng đang tạo ra một xu hướng mới tại Việt Nam, với các chủ đầu tư chủ động tìm kiếm và cung cấp các giải pháp tạo ra nguồn điện sạch cho lưới điện nội bộ, nhằm thu hút các khách hàng chú trọng tới các yếu tố môi trường, xã hội, và quản trị doanh nghiệp (ESG). Mới đây, Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore mở rộng ở Bình Dương, với chủ đầu tư là tập đoàn Sembcorp, thông báo họ sẽ xây dựng một nhà máy điện mặt trời quy mô lớn tại chỗ để giúp các khách hàng lớn, như nhà máy sản xuất đồ chơi Lego, đạt được mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong tương lai.

Chính phủ đang tiến hành công tác chuẩn bị về mặt pháp lý và kỹ thuật để thí điểm cơ chế mua bán điện tái tạo trực tiếp cho doanh nghiệp, còn gọi là cơ chế DPPA. Đây là một chính sách được các doanh nghiệp nóng lòng chờ đợi, đặc biệt là các bên tiêu thụ điện lớn, có mục tiêu giảm phát thải tham vọng, nhưng lại không có đủ nguồn năng lượng sạch tại chỗ.

Cơ chế DPPA dự kiến triển khai thí điểm từ năm 2023-2024 với giới hạn công suất ban đầu là 1GW. Ưu điểm của DPPA là giúp giảm áp lực cân đối chi phí mua bán điện cho EVN, do việc đàm phán giá điện sẽ là vấn đề riêng giữa doanh nghiệp mua điện và nhà máy điện tái tạo.

Báo cáo lưu ý rằng thị trường mua bán điện tái tạo trực tiếp cho doanh nghiệp tại khu vực châu Á Thái Bình Dương đang tăng trưởng nhanh chóng, với Ấn Độ, một nền kinh tế sản xuất cạnh tranh với Việt Nam, hiện dẫn đầu khu vực với tổng công suất tích luỹ là 5,2GW. Do đó, việc triển khai cơ chế DPPA nhanh chóng và ở quy mô lớn hơn sẽ giúp Việt Nam củng cố vị thế của mình, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu và tài nguyên thiên nhiên dồi dào hiện nay.

PV
https://petrotimes.vn/ieefa-nang-luong-tai-tao-tro-thanh-yeu-to-quyet-dinh-tuong-lai-kinh-te-viet-nam-650847.html

Lần đầu tiên năng lượng tái tạo ở Hoa Kỳ tạo ra nhiều điện hơn hạt nhân

Theo báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), các nguồn năng lượng tái tạo tạo ra nhiều điện hơn năng lượng hạt nhân ở Hoa Kỳ vào năm 2021.

Năng lượng tái tạo, bao gồm điện gió, thủy điện, năng lượng mặt trời, sinh khối và địa nhiệt, đã tạo ra 795 triệu MWh điện vào năm 2021, trong khi năng lượng hạt nhân tạo ra sản lượng điện là 778 triệu MWh.

Năng lượng mặt trời và gió ở quy mô tiện ích mới góp phần tăng công suất phát điện cho năng lượng tái tạo. Dữ liệu do EIA công bố cũng không tính bất kỳ hoạt động phát điện mặt trời quy mô nhỏ hoặc phân tán nào.

Khí đốt tự nhiên vẫn là nguồn phát điện phổ biến nhất ở Hoa Kỳ với 1.474 MWh vào năm 2021. Sản lượng điện từ than tăng lần đầu tiên kể từ năm 2014 và tạo ra nhiều điện hơn cả năng lượng tái tạo và hạt nhân.

Năng lượng gió đã tăng 12% vào năm ngoái trong khi năng lượng mặt trời quy mô tiện ích tăng 28%. Cũng trong năm 2021, sản lượng điện từ thủy điện đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015 do điều kiện hạn hán ở miền Tây ảnh hưởng đến sản xuất.

PV
https://petrotimes.vn/lan-dau-tien-nang-luong-tai-tao-o-hoa-ky-tao-ra-nhieu-dien-hon-hat-nhan-649447.html

Châu Á dẫn đầu thế giới về năng lượng tái tạo

Các đập thủy điện, năng lượng địa nhiệt, và hơn hết là năng lượng mặt trời và năng lượng gió… năng lượng tái tạo đã chứng kiến ​​năng lực sản xuất toàn cầu tăng 9,1% vào năm 2021, đặc biệt là ở châu Á, khác xa so với khối lượng cần thiết để khử carbon trên thế giới, Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) cho biết hôm 11/4.


Đến cuối năm 2021, công suất phát điện tái tạo toàn cầu ở mức 3.064 gigawatt (GW), theo báo cáo thống kê hàng năm của IRENA.

Thủy điện vẫn ở vị trí đầu tiên (1.230 GW), và vào năm 2021 một số dự án thủy điện lớn đã được đưa vào vận hành. Nhưng quang điện và năng lượng gió đang phát triển nhanh nhất và chiếm 88% trong số các công trình năng lượng tái tạo vào năm ngoái.

Công suất sản xuất năng lượng mặt trời đã tăng 19%. Năng lượng gió ở mức + 13% (+93 GW vào năm 2021, so với +111 GW vào năm 2020).

Khoảng 60% công suất mới liên quan đến châu Á và trên hết là Trung Quốc (với 121 GW được bổ sung). Châu lục này hiện sở hữu gần một nửa công suất tái tạo trên thế giới (48%).

Vào năm 2021, Châu Âu và Bắc Mỹ đứng ở vị trí thứ hai và thứ ba về các dự án mới, với mức bổ sung tương ứng là 39 và 38 GW.

Công suất địa nhiệt còn kém xa, nhưng đã ghi nhận mức tăng trưởng đặc biệt vào năm 2021, với + 1,6 GW.

Trong bối cảnh toàn cầu khó khăn, “sự tăng trưởng bền vững này là minh chứng thêm cho khả năng phục hồi của năng lượng tái tạo”, Francesco La Camera, Tổng giám đốc IRENA cho biết. Tuy nhiên, ông cho biết thêm, công bố của IRENA cho thấy quá trình chuyển đổi năng lượng còn lâu mới đủ nhanh hoặc đủ tổng thể để tránh những hậu quả tai hại của biến đổi khí hậu.

Nhìn chung, năng lượng tái tạo chiếm hơn 80% công suất điện mới vào năm 2021, nhưng than đá nói riêng cũng tăng trưởng.

Ở nhiều quốc gia, nhu cầu về năng lượng đang tăng nhanh hơn so với năng lượng xanh. Do đó, IRENA kêu gọi tăng cường hợp tác, đặc biệt ủng hộ khu vực châu Phi và Trung Mỹ-Caribe: vào năm 2021, năng lực sản xuất năng lượng tái tạo ở các khu vực này chỉ tăng lần lượt là 3,9% và 3,3%.

Nh.Thạch/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/chau-a-dan-dau-the-gioi-ve-nang-luong-tai-tao-647731.html

Việt Nam ưu tiên dự án năng lượng sạch phù hợp quy hoạch chung

Đó là một trong những nội dung chính trong buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên với ông Alok Kumar Sharma Bộ trưởng, Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc lần thứ 26 (COP 26) ngày 14/2.

Thông tin về những nỗ lực tích cực của ngành năng lượng trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, tổng vốn đầu tư nguồn và lưới điện của phương án tháng 12/2021 là 135,9 tỷ USD giai đoạn 2021-2030 (121,79 tỷ USD cho nguồn; 14,12 tỷ USD cho lưới). Với phương án điều hành tháng 12/2021, ngành năng lượng đã tiết kiệm được khoảng 28,9 tỷ USD vốn đầu tư trong giai đoạn 2021-2030 so với phương án điều hành tháng 3/2021.

Với mục tiêu lâu dài đến năm 2030, ngành năng lượng phấn đấu đạt quy mô điện than là 38,8 GW, tăng so với hiện nay 18GW và gần như không tăng thêm đến năm 2045.

Giai đoạn 2031-2045, tổng vốn đầu tư nguồn và lưới điện của phương án tháng 12/2021 là 241,51 tỷ USD (230,07 tỷ USD cho nguồn; 11,44 tỷ USD cho lưới). Như vậy phương án điều hành tháng 12/2021 đã tiết kiệm được khoảng 4,2 tỷ USD vốn đầu tư trong giai đoạn 2031-2045 so với phương án điều hành tháng 3/2021.

Nói về những nỗ lực phát triển năng lượng sạch, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, ngay sau Hội nghị COP 26, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng phương án cập nhật lại dự thảo Quy hoạch điện VIII.


Nhà máy điện gió Đông Hải 1 (Đông Hải, Duyên Hải, Trà Vinh) với tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, công suất 100 MW vừa khánh thành ngày 16/1.

Trong đó chú trọng phát triển nguồn điện theo hướng: Đánh giá lại tính khả thi các nguồn nhiệt điện than để tiếp tục giảm điện than; phát triển mạnh điện khí, nhất là điện khí LNG để đảm bảo an ninh năng lượng và tăng khả năng hấp thụ nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo quy mô lớn; phát triển mạnh mẽ nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, nhất là điện gió và điện mặt trời; bố trí nguồn điện đảm bảo cân đối vùng miền, tránh truyền tải xa và đảm bảo dự phòng hợp lý ở từng miền.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương vẫn tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và hoàn thiện dự thảo Quy hoạch điện VIII để phù hợp với các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26 như mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và Tuyên bố chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng nhấn mạnh, Việt Nam cần sự hỗ trợ của quốc tế về nguồn vốn ưu đãi để đảm bảo thực hiện có hiệu quả các giải pháp vừa đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia vừa đóng góp có hiệu quả mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Bộ Công Thương luôn ưu tiên hỗ trợ trên cơ sở đảm bảo hiệu quả kinh tế, xã hội, phù hợp quy hoạch chung, tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.

https://petrotimes.vn/viet-nam-uu-tien-du-an-nang-luong-sach-phu-hop-quy-hoach-chung-641974.html

Bỉ phá kỷ lục về năng lượng tái tạo trong năm 2021

Việc sản xuất năng lượng tái tạo đã phá kỷ lục ở Bỉ vào năm 2021, trong khi hạt nhân vẫn chiếm một nửa cơ cấu năng lượng, theo số liệu hàng năm do Elia, công ty quản lý lưới điện cao thế công bố.

Sản lượng điên gió và năng lượng mặt trời đạt 15,2 TWh vào năm 2021, tăng 2% (15 TWh vào năm 2020), nhờ sự gia tăng công suất lắp đặt trên bờ (+11%) và năng lượng mặt trời (+ 17%). Mặt khác, sản lượng gió ngoài khơi vẫn ổn định do công suất không thay đổi.

Theo Elia, vào ngày 21 tháng 5 năm 2021, tổng sản lượng năng lượng mặt trời và gió ở Bỉ đạt mức cao nhất mọi thời đại với sản lượng 6.420 MW.

“Một nửa mức tiêu thụ của Bỉ được cung cấp bởi những nguồn năng lượng này, mặc dù tình trạng này chỉ kéo dài 2% thời gian trong năm 2021”, công ty quản lý của cơ sở hạ tầng điện cao thế của Bỉ cho biết.

Năng lượng mặt trời và năng lượng gió chiếm khoảng 16,7% trong cơ cấu sản xuất điện của Bỉ vào năm 2021. Năng lượng hạt nhân chiếm 52,4% vào năm 2021.

“Việc sử dụng năng lượng hạt nhân trong hỗn hợp điện đã tăng 47% so với năm 2020. Điều này đã dẫn đến số lượng các nhà máy điện chạy bằng khí đốt giảm xuống”, Elia lưu ý. Việc sử dụng khí đốt để phát điện là nguyên nhân dẫn giá khí đốt tăng cao vào năm 2021. Năm 2020, khí đốt chiếm gần 25% tổng sản lượng điện của Bỉ.

Nhà điều hành lưới điện cao áp chỉ ra rằng Bỉ, trong những năm gần đây, đã đi từ nước nhập khẩu ròng trở thành nước xuất khẩu ròng, phá kỷ lục xuất khẩu hàng năm vào năm 2021, với 21,7 TWh xuất khẩu, tức là tăng 59% so với năm 2020.

Nh.Thạch/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/bi-pha-ky-luc-ve-nang-luong-tai-tao-trong-nam-2021-638556.html

Đức đầu tư 1 tỷ USD vào Hydro xanh

Bộ Kinh tế Đức thông báo rằng nước này sẽ đầu tư 900 triệu euro vào một chương trình tài trợ để hỗ trợ hydro xanh.

Cụ thể, Đức đang lập dự án H2Global để thúc đẩy sự gia tăng của thị trường hydro xanh. Dự án này cho phép mua hydro và các dẫn xuất của nó với giá cạnh tranh trước khi bán lại cho người trả giá cao nhất trong EU.

Robert Habeck, Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức, nhấn mạnh tầm quan trọng của hydro tái tạo. Ông khẳng định rằng năng lượng này rất quan trọng trong nhiệm vụ khử carbon của đất nước.

Thật vậy, ông giải thích trong một thông cáo báo chí rằng dự kiến ​​sẽ có “nhu cầu mạnh mẽ về hydro xanh”. Vì vậy, để đáp ứng điều này cần phải sản xuất, nhưng cũng phải dựa vào nhập khẩu.

H2Global trở thành công cụ của “sự gia tăng quyền lực (của) nền kinh tế hydro quốc tế”. Do đó, Đức đang tạo ra một chuỗi “giá trị và cung ứng” dài hạn để đáp ứng các nhu cầu trong tương lai.

Dự án do HINT.CO quản lý sẽ dẫn đến thua lỗ trong ngắn hạn do giá hydro xanh vẫn còn cao. Các quỹ của chính phủ sẽ bù đắp điều này trong thời gian tối đa là mười năm.

Bộ Kinh tế Đức cho rằng “tổn thất sẽ được giảm bớt khi mức độ sẵn sàng chi trả cho các nguồn năng lượng bền vững tăng lên”.

Nh.Thạch/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/duc-dau-tu-1-ty-usd-vao-hydro-xanh-637353.html