Posts

“Thoát lỗ” hơn 2 tỷ đồng nhờ Hệ thống nhiệt phân PPV 300

Đó là chia sẻ của chị Triệu Thị Châu – Giám đốc Hợp tác xã Bình Minh (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) tại Hội thảo “Chuyển đổi chất thải nông nghiệp thành nguồn năng lượng sạch và than sinh học bằng công nghệ nhiệt phân” diễn ra vào ngày 25/02/2022, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Theo lời kể của chị Châu, từ năm 2014, khi tham gia khóa học về trồng cà phê bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu, chị Châu đã được một giáo viên người Đức giới thiệu về công nghệ nhiệt phân nên chị rất tò mò và háo hức tiếp cận công nghệ ấy. Sau đó, hợp tác xã (HTX) Bình Minh đã có may mắn được biết tới Công ty TNHH MTV Vina Viết Hiền và được tiếp cận với Hệ thống nhiệt phân PPV 300 mà theo đánh giá của chị và nhiều thành viên khác là rất “khổng lồ” và tuyệt vời này.

Các đại biểu đi thăm quan công nghệ nhiệt phân

Không được phơi sấy, thương lái trừ tới 60% vì cà phê chất lượng kém

“Vào thời điểm HTX mới được tiếp quản Hệ thống nhiệt phân là vụ thu hoạch cà phê năm 2016 – 2017. Khi ấy đang thu hoạch thì trời mưa liên tục, cà phê không phơi được nên bị mốc, người dân khi bán bị thương lái trừ tới 60% do chất lượng cà phê không đảm bảo (bán 1 tấn cà phê mà chỉ thu được tiền của 400 kg).  Nhưng may mắn đối với HTX là nhờ có Hệ thống nhiệt phân mà chúng tôi đã sấy được 30 tấn cà phê, tránh được khoản lỗ lên tới hơn 2 tỷ đồng. Các thành viên trong HTX đều rất vui vì đã quyết định đầu tư đúng hướng”, giọng chị Châu vẫn đầy cảm xúc khi nhớ lại chuyện xưa.

Biochar giúp vườn tốt tươi, chuồng trại hết mùi

Cũng theo chia sẻ của chị Châu, ngoài tác dụng sấy cà phê, Hệ thống nhiệt phân PPV 300 còn tạo ra than sinh học (biochar) và một thứ nước đen mà sau này khi tiếp xúc với các nhà khoa học ở Tp. HCM chị mới biết đó chính là “vàng đen”, bởi khi được pha với tỷ lệ hợp lý, dung dịch này trở thành “thần dược” đối với cây trồng nhờ khả năng xua đuổi các loại côn trùng và sâu bệnh.

Chị Triệu Thị Châu (mặc áo khoác đứng cạnh người đội mũ lưỡi chai)

“Về biochar, cha tôi là khách hàng đầu tiên từ năm 2017, với giá mua là 5.000 đồng/kg. Ông đã dùng biochar để bón cho đất và chỉ một thời gian sau đó, vườn cà phê và vườn tiêu của ông đã trở thành khu vườn xanh tươi và đẹp nhất trong vùng. Khi nhiều hộ xung quanh, cây tiêu, cây cà phê bị sâu bệnh, rụng lá, vườn của ông vẫn rất tốt tươi.

Chị Châu còn cho biết thêm: Nhà chị có chuồng nuôi gần 30 con dê và một chuồng nuôi gà, trước đây thỉnh thoảng gia đình chị vẫn bị hàng xóm phàn nàn vì tình trạng mùi hôi từ chuồng trại bay theo hướng gió. Nhưng từ ngày chị dùng biochar để dải lót nền thì tình hình trên đã thay đổi hoàn toàn. Thậm chí, còn được hàng xóm khen: Chuồng trại nhà Châu giờ không còn thấy mùi hôi nữa!.

Sự chân thành của chị Châu – một phụ nữ người dân tộc Dao cùng những trải nghiệm thực tế của mình đối với Hệ thống nhiệt phân PPV 300 đã thực sự thu hút sự chú ý của các đại biểu tham dự đến từ các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu… cùng những người quan tâm.

Cũng theo chị Châu, với giá thành hiện nay của Hệ thống nhiệt phân có lẽ là cao đối với nhiều HTX. Tuy nhiên, nếu xem xét một cách thấu đáo thì công nghệ này không chỉ giúp người trồng trọt chủ động sấy nông sản vào mùa thu hoạch mà còn góp phần giảm thải khí CO2,  bảo vệ môi trường nên xứng đáng để đầu tư.

Một vài hình ảnh tại hộ

Thông tin về công nghệ nhiệt phân

Trong giai đoạn từ 2016 – 2019, công nghệ nhiệt phân (pyrolysis) đã được Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) chuyển giao thành công từ Thụy Sỹ về Việt Nam, có tiềm năng chuyển đổi chất thải nông nghiệp (vỏ trấu, vỏ cà phê) thành năng lượng nhiệt và than sinh học. Công nghệ này làm tăng giá trị chất thải hữu cơ và phế phẩm nông nghiệp, đồng thời mang lại cơ hội kinh tế cho người nông dân và người chế biến nông sản. Công nghệ lò đốt nhiệt phân cho phép cung cấp năng lượng sinh khối tại chỗ và kịp thời mà vẫn đáp ứng được những tiêu chuẩn khí thải khắt khe. Công ty TNHH MTV Vina Viết Hiền là đơn vị đã nhận được sự hỗ trợ và chế tạo thành công Hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ (PPV300) để thí điểm cho mô hình HTX tại Việt Nam.

Với sự tiếp tục tài trợ từ Cục Kinh tế Liên Bang Thụy Sỹ (SECO), trong giai đoạn 2020 – 2022, UNIDO ưu tiên tập trung vào việc nhân rộng mô hình công nghệ nhiệt phân giữa các nhóm áp dụng tiềm năng và thúc đẩy thương mại hóa công nghệ xanh này tại Việt Nam.

Nhằm nâng cao nhận thức của người thụ hưởng về công nghệ nhiệt phân, đồng thời chia sẻ kiến thức, kết nối thị trường nhằm thúc đẩy thương mại hóa công nghệ này tại Việt Nam, ngày 25/02/2022 tại thành phố Buôn Ma Thuột – tỉnh Đắk Lắk, UNIDO và liên danh thực hiện dự án bao gồm Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), Công ty tư vấn Sofies SA (Thụy Sỹ), Tổ chức Oekozentrum (Thụy Sỹ), Husk Ventures S.L (Tây Ban Nha) cùng Công ty TNHH Cơ khí Viết Hiền đã tổ chức hội thảo “Chuyển đổi chất thải nông nghiệp thành nguồn năng lượng sạch và than sinh học bằng công nghệ nhiệt phân. Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy mô hình kinh doanh hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ tại Việt Nam”, với 3 mục tiêu chính gồm:  (1) Nhận diện “công nghệ xanh” và nâng cao nhận thức về công nghệ nhiệt phân; (2) Nghiên cứu khả thi và xây dựng các mô hình kinh doanh; và (3) Thúc đẩy thị trường than sinh học.

VNCPC

30 GW năng lượng sạch đã được các công ty lớn mua trong năm 2021

Theo báo cáo của công ty nghiên cứu BloombergNEF (BNEF), các tập đoàn lớn đã mua kỷ lục 31,1 GW năng lượng sạch thông qua các thỏa thuận mua bán điện (PPA) vào năm 2021, tăng gần 24% so với mức kỷ lục 25,1 GW của năm trước.

Hoạt động này được thúc đẩy bởi Hoa Kỳ, nơi 2/3 số vụ mua sắm đã diễn ra. Tổng cộng, các tập đoàn của Mỹ đã mua 17 GW vào năm 2021. Tuy nhiên, theo báo cáo Triển vọng thị trường năng lượng doanh nghiệp 1H 2022 của BNEF thì có hơn 137 công ty ở 32 quốc gia khác nhau đã ký hợp đồng PPA vào năm ngoái.

Các công ty công nghệ lớn nhất đã ký kết hơn một nửa số thỏa thuận. Trong năm thứ hai liên tiếp, Amazon là công ty mua năng lượng sạch nhiều nhất trên toàn cầu. Công ty của tỷ phú Jeff Bezoz đã công bố 44 PPA ngoại vi ở chín quốc gia, tổng trị giá 6,2 GW. Điều đó nâng tổng công suất PPA năng lượng sạch của Amazon lên 13,9 GW, làm cho danh mục năng lượng sạch của công ty trở thành danh mục năng lượng sạch lớn thứ 12 trên toàn cầu trong số tất cả các công ty.


Các công ty dẫn dầu trong việc mua năng lượng sạch

Microsoft và Meta có số lượng PPA đứng ở những vị trí tiếp theo lần lượt là 8,9GW và 8GW. Trước đây, Google là doanh nghiệp dẫn đầu, nhưng gã khổng lồ tìm kiếm đã bắt đầu tìm nguồn cung cấp năng lượng tái tạo thông qua các phương pháp khác ngoài PPA.

Kyle Harrison, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Bền vững tại BNEF, cho biết: “ Hoạt động mua sắm năng lượng sạch của doanh nghiệp không còn là vấn đề tăng trưởng mỗi năm mà là tăng trưởng bao nhiêu”.

Mặt khác, AES đã bán năng lượng sạch cho các tập đoàn nhiều hơn bất kỳ nhà phát triển nào khác trên toàn cầu, với gần 3 GW. Hai phần ba việc bán năng lượng sạch diễn ra ở Hoa Kỳ, ngoài ra còn các thị trường khác bao gồm Brazil, Panama và Chile.

Engie đã ký hơn 2,1 GW PPA, bao gồm cả thỏa thuận 350 MW với Amazon cho năng lượng do Trang trại gió ngoài khơi Dundee ở Vương quốc Anh sản xuất. Cả AES và Engie đều có lợi thế về cơ sở hạ tầng. Điều này dẫn đến các dự án như Orsted (1,3 GW), Vattenfall (0,8 GW) và NextEra (0,7GW) đều có thành công lớn vào năm 2021.

BNEF trích dẫn các cam kết bền vững là động lực đằng sau việc mua năng lượng sạch kỷ lục. Khoảng 67 công ty đặt mục tiêu vào năm 2021, cam kết bù đắp tất cả nhu cầu điện của họ bằng năng lượng sạch, và mở rộng số lượng công ty cam kết lên 355 công ty trên 25 quốc gia.

BNEF ước tính rằng 355 công ty này sẽ cần mua thêm 246 TWh điện sạch vào năm 2030 để đạt được mục tiêu của họ. Số lượng này thấp hơn so với dự báo trước đó, phần lớn là do số lượng mua phá kỷ lục.

P.V
https://petrotimes.vn/30-gw-nang-luong-sach-da-duoc-cac-cong-ty-lon-mua-trong-nam-2021-640833.html

Đức đầu tư 1 tỷ USD vào Hydro xanh

Bộ Kinh tế Đức thông báo rằng nước này sẽ đầu tư 900 triệu euro vào một chương trình tài trợ để hỗ trợ hydro xanh.

Cụ thể, Đức đang lập dự án H2Global để thúc đẩy sự gia tăng của thị trường hydro xanh. Dự án này cho phép mua hydro và các dẫn xuất của nó với giá cạnh tranh trước khi bán lại cho người trả giá cao nhất trong EU.

Robert Habeck, Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức, nhấn mạnh tầm quan trọng của hydro tái tạo. Ông khẳng định rằng năng lượng này rất quan trọng trong nhiệm vụ khử carbon của đất nước.

Thật vậy, ông giải thích trong một thông cáo báo chí rằng dự kiến ​​sẽ có “nhu cầu mạnh mẽ về hydro xanh”. Vì vậy, để đáp ứng điều này cần phải sản xuất, nhưng cũng phải dựa vào nhập khẩu.

H2Global trở thành công cụ của “sự gia tăng quyền lực (của) nền kinh tế hydro quốc tế”. Do đó, Đức đang tạo ra một chuỗi “giá trị và cung ứng” dài hạn để đáp ứng các nhu cầu trong tương lai.

Dự án do HINT.CO quản lý sẽ dẫn đến thua lỗ trong ngắn hạn do giá hydro xanh vẫn còn cao. Các quỹ của chính phủ sẽ bù đắp điều này trong thời gian tối đa là mười năm.

Bộ Kinh tế Đức cho rằng “tổn thất sẽ được giảm bớt khi mức độ sẵn sàng chi trả cho các nguồn năng lượng bền vững tăng lên”.

Nh.Thạch/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/duc-dau-tu-1-ty-usd-vao-hydro-xanh-637353.html

Năng lượng địa nhiệt: năng lượng của tương lai

Năng lượng địa nhiệt có thể là một giải pháp tiềm năng trong số các các công nghệ carbon thấp? Câu hỏi được đặt ra khi các nguồn năng lượng gió và mặt trời có chi phí cạnh tranh đang phát triển mạnh mẽ, đóng góp phần lớn vào tốc độ tăng trưởng nguồn cung điện năng cho quá trình điện khí hóa toàn cầu đến năm 2050.

Sử dụng năng lượng địa nhiệt đã được chứng minh là có ít rủi ro hơn so với các công nghệ phát thải carbon thấp khác là hydro và công nghệ thu gom, lưu trữ carbon (CCS), vốn có chi phí tương đối cao và còn nhiều vấn đề về mặt kỹ thuật cần chứng minh. Hãng phân tích Wood Mackenzie mới đây đã có bài phân tích về triển vọng của năng lượng địa nhiệt trong tiến trình giảm phát thải carbon toàn cầu.

Theo giám đốc dịch vụ chuyển tiếp năng lượng của Wood Mackenzie Prakash Sharma, các nguồn năng lượng địa nhiệt sẽ góp phần tăng cường an ninh năng lượng ở khu vực địa phương. Thế giới hiện đã phát triển các giải pháp mới, tiên tiến để có thể khai thác năng lượng địa nhiệt, trở thành trung tâm trong xu hướng không phát ròng carbon toàn cầu.

Giàn khoan thử nghiệm Thor tại Hverahlid, Iceland. Nguồn: Iceland Drilling.

Năng lượng địa nhiệt: năng lượng của tương lai

Thứ nhất, năng lượng mặt trời và năng lượng gió không thể tự vận hành hoàn toàn. Khả năng gián đoạn, thay đổi theo thời tiết là một rủi ro lớn. Trong hệ thống điện năng tương lai, các dự án điện gió, điện mặt trời cần được bổ sung hệ thống pin lưu trữ năng lượng để đáp ứng nhu cầu điện lúc cao điểm và giảm tải công suất cho hệ thống lưới điện. Đây là lý do mà năng lượng địa nhiệt thu hút sự quan tâm của dư luận khi địa nhiệt là nguồn năng lượng 24/7 và có khả năng linh hoạt.

Thứ hai, năng lượng địa nhiệt đã được biết đến và đưa vào sử dụng từ lâu. Theo dữ liệu của Wood Mackenzie Lens tại 38.000 mỏ dầu và khí đốt, nguồn năng lượng này sử dụng nhiệt năng tự nhiên của Trái Đất, tỏa ra từ vùng lõi – nơi có nhiệt độ 5.500 độ C. Tính từ mặt đất trở xuống, nhiệt độ tăng trung bình khoảng 30 độ C/km. Năng lượng địa nhiệt bề mặt hoặc gần bề mặt đã được con người sử dụng cung cấp nhiệt và điện năng trong nhiều thập kỷ qua. Máy bơm nhiệt từ lòng đất đã được sử dụng rộng rãi và phổ biến trên thị trường đại chúng. Trong chương trình “Fit for 55” của Liên minh châu Âu (EU), máy bơm nhiệt được coi là công cụ trung tâm nhằm sử dụng nguồn địa nhiệt thay thế khí và dầu cho mục đích sưởi ấm trong sinh hoạt và thương mại.

So sánh tiết kiệm chi phí của các loại hình năng lượng: than, hydrogen và địa nhiệt. Nguồn: Wood Mackenzie

Các hệ thống năng lượng địa nhiệt thông thường khai thác nguồn nước nóng, hơi nước ở độ sâu lên đến 200 m, cung cấp cho tuabin sản xuất điện. Những dự án địa nhiệt thông thường vận hành tại các địa điểm như Iceland và khu vực Vành đai lửa Thái Bình Dương. Khả năng mở rộng quy mô, khai thác nguồn nhiệt sâu hơn đối với năng lượng địa nhiệt là rất triển vọng. Hệ thống địa nhiệt tiên tiến (EGS/AGS) có thể khai thác nguồn nhiệt than ở độ sâu lên tới 3 km và hơn thế nữa. Trong các hệ thống phức tạp, các nhà điều hành có thể xây dựng thêm giếng khoan ngang, kết nối hai giếng thẳng đứng, tạo hình chữ “U” khép kín. Nước trên bề mặt sẽ được bơm vào hệ thống giếng chữ “U” mang theo nguồn nhiệt năng cung cấp cho tuabin sản xuất điện và tiếp tục tuần hoàn. Hệ thống phức tạp này phụ thuộc vào các kỹ thuật khoan và hoàn thiện giếng tiên tiến, vốn được sử dụng phổ biến trong ngành dầu khí. Sự chênh lệch nhiệt độ có thể tính toán được, qua đó thiết kế được quy mô dự án, phục vụ các trung tâm tiêu thụ năng lượng lớn.

Thứ ba là chi phí khai thác năng lượng địa nhiệt đang giảm. Bản thân nguồn năng lượng này là vô tận, miễn phí và chi phí chuyển đổi năng lượng thấp. Phần chi tiêu vốn chủ yếu tập trung vào công tác khoan và hoàn thiện giếng để khai thác nhiệt năng. Mặc dù công tác khoan hệ thống giếng phức tạp và tốn kém, nhưng lợi ích thu được khi giếng đi vào vận hành là rất kể: nguồn năng lượng phát thải carbon thấp và sử dụng được trong nhiều thập kỷ. Theo Wood Mackenzie, chi phí năng lượng (LCOE) của các dự án địa nhiệt thử nghiệm hiện nay vào khoảng 180 USD/MWh. Wood Mackenzie kỳ vọng với sự hỗ trợ từ các chính phủ, tiến bộ khoa học công nghệ trong kỹ thuật khoan và tăng trưởng đầu tư trong lĩnh vực này sẽ giúp LCOE giảm đáng kể như những gì đã trải qua đối với năng lượng gió và mặt trời.

Theo quan điểm của Wood Mackenzie, LCOE của năng lượng địa nhiệt có thể giảm xuống 75 USD/MWh vào năm 2030 và 55 USD/MWh vào năm 2050, giúp loại hình này hoàn toàn cạnh tranh với các điện than, điện khí mới áp dụng công nghệ CCS hoặc với các lò phản ứng hạt nhân module nhỏ (SMR). Ngoài ra, các nhà đầu tư có thể kết hợp khai thác nguồn nước ngầm giàu lithium để phục vụ cho sản xuất pin điện, pin nhiên liệu hydro, góp phần cải thiện kinh tế hơn nữa của dự án.

Hiện nay, các tập đoàn Chevron, BP, EnBW và Mitsui đang hợp tác với các công ty chuyên ngành về năng lượng địa nhiệt như EavorLoop, Greenfire và Causeway GT trong các dự án khai thác nước nóng ở New Zealand, Canada (Alberta), Mỹ (California, Utah, Nevada), Đức, Iceland, Nhật Bản và Vương quốc Anh.

Theo các kịch bản năng lượng 1,5 độ C và 2 độ C (AET-1,5 và AET-2) của Wood Mackenzie, nhu cầu điện năng toàn cầu sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050. Trong đó, công suất lắp đặt điện mặt trời và điện gió sẽ chiếm phần lớn mức tăng trưởng 10.000 GW đến năm 2050, còn năng lượng địa nhiệt được dự báo sẽ đạt 100 GW. Yếu tố quyết định đến triển vọng của loại hình năng lượng mới này sẽ là LCOE. Wood Mackenzie kỳ vọng, LCOE địa nhiệt sẽ tiếp tục giảm, giúp nâng tổng công suất năng lượng địa nhiệt toàn cầu lên 1.000 GW vào năm 2050, vượt qua công suất hạt nhân và thủy điện toàn cầu.

Tiến Thắng
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/nang-luong-dia-nhiet-nang-luong-cua-tuong-lai-626941.html

Vị vua mới trong ngành điện: Năng lượng mặt trời

Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) đã công bố một số kịch bản phát triển năng lượng trong báo cáo Triển vọng năng lượng thế giới thường niên của mình. Theo kịch bản Chính sách (STEPS), nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi trở lại mức trước khủng hoảng vào năm 2023.

Trong kịch bản phục hồi chậm (DRS), ngành năng lượng toàn cầu sẽ phục hồi về mức trước khủng hoảng vào năm 2025. Theo kịch bản Phát triển bền vững (SDS), các mục tiêu của Thỏa thuận khí hậu Paris sẽ đạt được đúng thời hạn. Báo cáo cũng bổ sung kịch bản không phát thải ròng carbon vào năm 2050, trong đó hầu hết các quốc gia và công ty sẽ đạt được trung hòa carbon.

Trang trại năng lượng mặt trời Solucar tại Tây Ban Nha. Ảnh: Michael Melford/National Geographic Society/Corbis.

Giá năng lượng mặt trời tiếp tục xu hướng giảm

Theo các chuyên gia của hãng tư vấn Wood Mackenzie, xu hướng trên thị trường năng lượng năm 2021 là giá điện mặt trời tiếp tục giảm. Trong 5 dự án điện mặt trời có giá trúng thầu thấp nhất, 4 dự án nằm ở khu vực Trung Đông. Khu vực này có điều kiện thuận lợi để sản xuất điện mặt trời giá rẻ. Đặc biệt là giá vốn thấp, doanh thu đảm bảo và nhiều bức xạ mặt trời. Wood Mackenzie cho rằng, hiện có hai quốc gia có thể chiếm vị trí nhà sản xuất năng lượng mặt trời rẻ nhất thế giới của UAE là Tây Ban Nha và Chile. Cả hai quốc gia này đều đã thiết lập các thị trường bán buôn điện, có thể kích hoạt đấu thầu tích cực đối với các nhà phát triển năng lượng. Theo Wood Mackenzie, các chủ sở hữu tài sản điện mặt trời đang ngày càng tinh vi hơn, sẵn sàng từ bỏ doanh thu theo hợp đồng, chấp nhận đòn bẩy thương mại một phần hoặc toàn bộ để giảm chi phí điện mặt trời và gia tăng thời gian hoạt động của dự án.

Mặt trái của sự phát triển

Khối lượng chất thải từ năng lượng mặt trời hiện nay vẫn còn thấp do lĩnh vực này còn mới và thời gian bảo hành các module thường từ 25 năm trở lên. Về vấn đề này, chất thải từ các nhà máy điện mặt trời chưa phải là một vấn đề toàn cầu vì khối lượng của chúng rất nhỏ, chỉ chiếm 1% chất thải điện tử toàn cầu mỗi năm.


Trung tâm năng lượng mặt trời Mohammed bin Rashid Al Maktoum tại Du năng lượng mặt trời bai, UAE. Ảnh: Gulf News.

Tuy nhiên, cả IRENA và IEA có công bố các báo cáo về quản lý cuối vòng đời đối với các tấm pin mặt trời, công nghệ tái chế pin mặt trời, theo đó cho rằng, thế giới sẽ sản sinh ra 1,7-8 triệu tấn chất thải quang điện vào năm 2030, tùy thuộc vào các kịch bản được xem xét. Lượng rác thải từ các tấm pin mặt trời này tương ứng với 3-16% lượng rác thải điện tử hàng năm. Đến năm 2050, khối lượng pin mặt trời hết thời hạn sử dụng sẽ tăng lên từ 60-78 triệu tấn. Hiện nay có một số nhà sản xuất đã cung cấp dịch vụ tái chế module năng lượng mặt trời của mình, đồng thời thiết lập các cơ sở tái chế chuyên dụng. Ví dụ như nhà sản xuất First Solar đã triển khai chương trình toàn cầu về thu thập và tái chế module năng lượng mặt trời vào năm 2005. Công nghệ của hãng cho phép tái sử dụng 90% vật liệu bán dẫn và thủy tinh.

Module năng lượng mặt trời thường được làm bằng thủy tinh, nhôm, đồng và các vật liệu bán dẫn có thể thu hồi và tái sử dụng. Tấm silicon tinh thể thông thường bao gồm 76% khối lượng thủy tinh, 10% vật liệu polymer, 8% nhôm, 5% chất bán dẫn silicon, 1% đồng, dưới 0,1% bạc và các loại kim loại khác bao gồm thiếc và chì. Trong các loại module màng mỏng, tỷ lệ thủy tinh còn lên đến 89-97%. Đến năm 2050, thị trường tái chế module mặt trời sẽ có quy mô 15 tỷ USD/năm và khối lượng chất thải tích lũy có thể sản xuất 2 tỷ module mặt trời, tương đương với 630 GW. Do đó, việc tổ chức hợp lý, tái chế chất thải từ các nhà máy điện mặt trời có thể mang lại lợi ích lớn mà không cần các biện pháp bổ sung./.

Tiến Thắng
https://petrotimes.vn/vi-vua-moi-trong-nganh-dien-nang-luong-mat-troi-618179.html

LHQ kêu gọi tăng hành động hướng tới mục tiêu về năng lượng sạch

Tổng thư ký Guterres nhấn mạnh nhân loại đang bị bỏ xa trong trong cuộc chạy đua với thời gian để đạt được SDG7 vào năm 2030 và trung hòa khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào giữa thế kỷ này.

Ngày 21/6, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi tất cả các bên liên quan tăng cường hành động hướng tới Mục tiêu Phát triển Bền vững thứ 7 (SDG7) về phát triển năng lượng sạch với chi phí hợp lý.

Phát biểu khai mạc diễn đàn chuyên đề cấp bộ trưởng về Đối thoại cấp cao về năng lượng, ông Guterres nhấn mạnh nhân loại đang bị bỏ xa trong trong cuộc chạy đua với thời gian để đạt được SDG7 vào năm 2030 và trung hòa khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào giữa thế kỷ này.

Tổng thư ký khẳng định: “Đến năm 2030, chúng ta phải cắt giảm 45% lượng khí thải toàn cầu so với năm 2010 và tiếp tục đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, nhân loại cần phải tăng tốc thần kỳ, vì việc tiếp cận được nguồn năng lượng sạch và chi phí hợp lý ở cấp độ toàn cầu là rất quan trọng.”

Cánh đồng pin năng lượng Mặt Trời dưới chân Núi Cấm của Nhà máy điện Mặt Trời Sao Mai – An Giang. (Ảnh: TTXVN)

Tổng thư ký Guterres kêu gọi các quốc gia, thành phố, tổ chức tài chính và doanh nghiệp nâng cao mục tiêu và công bố cam kết trong khuôn khổ Energy Compacts (cơ chế toàn diện nhất của Liên hợp quốc nhằm phối hợp các cam kết tự nguyện về các mục tiêu trong SDG7 để đến năm 2030 đạt được các mục tiêu trong SDG7 và đến năm 2050, thế giới không có khí thải nhà kính).

Để đạt được mục tiêu trên, thế giới cần cấp điện cho 760 triệu người hiện vẫn trong tình trạng không có điện sử dụng; đảm bảo các phương thức nấu ăn sạch đối với 2,6 tỷ người vẫn đang sử dụng các nguồn nhiên liệu gây hại với môi trường; tăng mạnh quy mô, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, đến năm 2040 ngừng sử dụng năng lượng than ở cấp độ toàn cầu, giảm dần trợ giá cho năng lượng hóa thạch và tái định hướng các nguồn vốn đến việc chuyển đối năng lượng một cách công bằng và toàn diện; thúc đẩy cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, tạo ra việc làm trong ngành năng lượng sạch; tăng gấp 3 đầu tư vào năng lượng sạch và đảm bảo sự chuyển đổi năng lượng được công bằng toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh thêm rằng các nước phát triển phải tôn trọng cam kết cung cấp 100 tỷ USD hằng năm cho các hoạt động chống biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển.

Ông nói: “Đối thoại Cấp cao về Năng lượng là cột mốc quan trọng đối với Hội nghị thượng đỉnh các bên tham gia Công ước khí hậu lần thứ 26 (COP26) và khi chúng tôi hướng đến việc phục hồi sau đại dịch COVID-19, chúng tôi có cơ hội để hoạch định một tương lai bền vững”./.

Kiều Trang (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/lhq-keu-goi-tang-hanh-dong-huong-toi-muc-tieu-ve-nang-luong-sach/721674.vnp