Posts

Turbine điện gió đạt kỷ lục “khủng” về chuyển hóa năng lượng

Một nguyên mẫu turbine gió của Siemens Gamesa đã thiết lập kỷ lục năng lượng là 359 Megawatt giờ (MWh) trong 24 giờ, đủ cung cấp năng lượng hàng ngày cho trung bình 12.414 ngôi nhà ở Mỹ.


SG 14-222 DD dự kiến được triển khai ngoài khơi tại các vùng biển có gió mạnh.

Turbine nói trên có tên gọi Siemens Gamesa SG 14-222 DD – là một trong những turbine gió lớn nhất thế giới, với công suất danh nghĩa là 14 MWh. Công suất này tương tự turbine Haliade-X lớn nhất của GE và chỉ xếp sau turbine Vestas (15 MWh) và nhà vô địch toàn cầu MingYang (16 MWh).

Siemens Gamesa SG 14-222 DD sử dụng 3 cánh quạt khổng lồ dài 108 mét, tạo ra một vòng tròn quét rộng 39.000 mét vuông. Và mặc dù được đánh giá trên danh nghĩa ở công suất 14 MWh, nhưng nó có thể khởi động chức năng “tăng sức mạnh” để có thể sản xuất mức năng lượng lên đến 15 MWh.

Turbine điện gió đạt kỷ lục

Theo Peter Esmann, Giám đốc Sản phẩm cấp cao của Siemens Gamesa, chức năng tăng cường công suất này sẽ theo dõi các điều kiện cụ thể của địa điểm và luôn hoạt động khoảng 98% thời gian. Tính năng chỉ tắt khi có gió bão hoặc nhiễu động quá mức, tại thời điểm đó công suất của turbine giảm trở lại là 14 MWh.

Mặc dù được thiết kế để triển khai ở ngoài biển, nhưng nguyên mẫu này được chế tạo trên đất liền vào cuối năm 2021 tại Østerild, Đan Mạch. Và đó cũng chính là nơi nó mà đạt được kỷ lục sản xuất năng lượng.


Nguyên mẫu được triển khai trên đất liền tại Østerild, Đan Mạch.

Con số được báo cáo chỉ thấp hơn 1 MWh so với lý thuyết tối đa là 360 MWh mà turbine này sẽ thu được nếu nó chạy ở công suất cao nhất trong 24 giờ liên tục. Và để so sánh, công suất 359 MWh mà turbine này tạo ra đủ cung cấp năng lượng hàng ngày cho trung bình 12.414 ngôi nhà ở Mỹ. Trong khi vòng đời sử dụng của mỗi turbine gió này có thể lên tới hàng chục năm nếu được bảo dưỡng tốt.

Theo Siemens Gamesa, mọi thế hệ mới của công nghệ turbine truyền động trực tiếp ngoài khơi của hãng sử dụng ít bộ phận chuyển động hơn turbine giảm tốc – những cải tiến về thành phần đã cho phép hiệu suất cao hơn trong khi vẫn duy trì độ tin cậy. Siemens Gamesa cũng cho biết, turbine này được lên kế hoạch sản xuất hàng loạt vào năm 2024.

Có thể thấy, những chiếc turbine được chế tạo ngày một lớn dần lên, bởi càng lớn chúng dường như càng hoạt động càng tốt và ít dự án lắp đặt tốn kém hơn cần được thực hiện để tạo ra cùng một lượng công suất.

Theo một báo cáo của Renew Economy, việc mở rộng quy mô ngành công nghiệp với những turbine khổng lồ này là lý do chính khiến các chuyên gia trong ngành dự đoán rằng chi phí điện gió ngoài khơi sẽ giảm từ 37 đến 49% vào năm 2050.

H.T

https://petrotimes.vn/turbine-dien-gio-dat-ky-luc-khung-ve-chuyen-hoa-nang-luong-668511.html

Phát triển thành công “lá nhân tạo” có khả năng tạo ra năng lượng sạch

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge đã phát triển thành công “lá nhân tạo” có khả năng tạo ra nhiên liệu sạch từ ánh sáng mặt trời và nước.

Nhờ các thiết bị có chi phí thấp, tự vận hành và đủ nhẹ để nổi trên mặt nước, những chiếc lá nhân tạo có thể được sử dụng để tạo ra giải pháp thay thế bền vững cho xăng mà không chiếm không gian trên đất liền. Các cuộc thử nghiệm ngoài trời đối với những chiếc lá nhẹ trên sông Cambridge cho thấy chúng có thể chuyển đổi ánh sáng mặt trời thành nhiên liệu hiệu quả như cách lá cây thực hiện. Sông Cambridge là con sông chính chảy qua Cambridge ở miền Đông nước Anh.

Đây là lần đầu tiên nhiên liệu sạch được tạo ra trên mặt nước. Nếu được mở rộng quy mô, lá cây nhân tạo có thể được sử dụng trên các tuyến đường thủy bị ô nhiễm, tại các cảng, thậm chí trên biển và có thể giúp giảm sự phụ thuộc của ngành vận tải biển toàn cầu vào nhiên liệu hóa thạch.

Các công nghệ năng lượng tái tạo, chẳng hạn như khai thác gió và mặt trời đã trở nên rẻ hơn đáng kể và sẵn có hơn trong những năm gần đây. Tuy nhiên, đối với các ngành công nghiệp như vận chuyển, việc khử carbon có chi phí lớn hơn nhiều.

Khoảng 80% thương mại toàn cầu được vận chuyển bằng các tàu chở hàng chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, tuy nhiên lĩnh vực này lại ít được chú ý trong các cuộc thảo luận liên quan đến khủng hoảng khí hậu.

Vài năm gần đây, nhóm nghiên cứu của Giáo sư Erwin Reisner ở Cambridge đã làm việc để giải quyết vấn đề này bằng cách phát triển các giải pháp bền vững tạo ra xăng dầu dựa trên nguyên tắc quang hợp. Năm 2019, họ đã phát triển loại lá nhân tạo, có thể tạo ra khí tổng hợp (syngas) từ ánh sáng mặt trời, carbon dioxide và nước. Khí tổng hợp là chất trung gian quan trọng trong sản xuất nhiều hóa chất và dược phẩm.

Nguyên mẫu trước đó sản xuất nhiên liệu bằng cách kết hợp 2 chất hấp thụ ánh sáng với chất xúc tác thích hợp để tạo ra nhiên liệu. Tuy nhiên, do nó kết hợp đế thủy tinh dày và lớp phủ chống ẩm, khiến thiết bị này trở nên cồng kềnh. Đồng tác giả – Tiến sĩ Virgil Andrei từ Khoa Hóa học Yusuf Hamied của Đại học Cambridge cho biết, lá nhân tạo có thể hạ thấp đáng kể chi phí sản xuất nhiên liệu bền vững, nhưng vì chúng vừa nặng nề vừa dễ vỡ, nên rất khó sản xuất ở quy mô lớn và vận chuyển.


Tiến sĩ Virgil Andrei và công trình nghiên cứu.

Theo người đứng đầu nghiên cứu, Giáo sư Reisner, các nhà khoa học muốn xem có thể cắt giảm vật liệu sử dụng trong các thiết bị này đến mức nào để không ảnh hưởng hiệu suất của chúng. Nếu có thể cắt giảm đến mức giúp chúng đủ nhẹ để trôi trên mặt nước, họ sẽ mở ra những cách hoàn toàn mới bằng cách sử dụng những chiếc lá nhân tạo này.

Đối với phiên bản mới của lá nhân tạo, các nhà khoa học lấy cảm hứng từ ngành công nghiệp điện tử. Các kỹ thuật thu nhỏ dẫn đến việc tạo ra điện thoại thông minh và màn hình linh hoạt – mang lại sự cách mạng hóa trong lĩnh vực này.

Thách thức đối với nhóm nghiên cứu của Đại học Cambridge là làm thế nào để đặt các chất hấp thụ ánh sáng vào chất nền nhẹ và bảo vệ chúng khỏi sự xâm nhập của nước. Để vượt qua thách thức này, các nhà nghiên cứu đã sử dụng oxit kim loại màng mỏng và vật liệu được gọi là perovskites, có thể được phủ lên nhựa dẻo và lá kim loại. Các thiết bị được bao phủ bởi các lớp carbon không thấm nước, mỏng cỡ micromet để ngăn chặn sự suy giảm độ ẩm. Kết quả cho ra một thiết bị không chỉ hoạt động được, mà còn trông giống như chiếc lá thật.

Tiến sĩ Andrei cho biết, nghiên cứu này chứng minh rằng, lá nhân tạo tương thích với các kỹ thuật chế tạo hiện đại, đại diện cho một bước khởi đầu hướng tới tự động hóa và mở rộng quy mô sản xuất nhiên liệu từ năng lượng mặt trời. Theo ông Andrei, những chiếc lá này kết hợp những ưu điểm của hầu hết công nghệ nhiên liệu năng lượng mặt trời vì chúng có trọng lượng thấp và hiệu suất cao.

Các thử nghiệm về lá nhân tạo mới đã chứng minh chúng có thể tách nước thành hydro và oxy, hoặc giảm CO2 thành khí tổng hợp. Mặc dù cần có những cải tiến bổ sung trước khi chúng sẵn sàng cho ứng dụng thương mại, các nhà khoa học tin rằng, sự phát triển này mở ra con đường hoàn toàn mới trong công việc của họ.

Tiến sĩ Andrei nhận định, trang trại năng lượng mặt trời đã trở nên phổ biến để sản xuất điện. Các nhà khoa học đang xem xét để có được những trang trại tương tự để tạo ra nhiên liệu. Chúng có thể cung cấp năng lượng cho các khu định cư ven biển, các hòn đảo xa xôi, che phủ ao nuôi công nghiệp hoặc tránh sự bốc hơi nước từ các kênh tưới tiêu.

Bảo Lâm
https://vietq.vn/phat-trien-thanh-cong-la-nhan-tao-co-kha-nang-tao-ra-nang-luong-sach-d204395.html

Thị trường hydro xanh toàn cầu sẽ tăng hơn 6.000% vào năm 2031

Theo nghiên cứu từ công ty Nghiên cứu Thị trường Minh bạch (TMR), lĩnh vực hydro xanh sẽ tăng trưởng khoảng 51,6% sau mỗi năm.

Cụ thể, thị trường hydro xanh toàn cầu sẽ mở rộng từ 2,14 tỷ USD năm ngoái lên 135,73 tỷ USD vào năm 2031 với một tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) “phi thường” là 51,6%. Trong khoảng thời gian 10 năm, con số này thể hiện mức tăng trưởng của lĩnh vực này là 6.243%.

Đồng quan điểm với báo cáo của TMR, công ty Guidehouse Insights của Mỹ cũng dự báo mức tăng trưởng tương tự vào tháng 4, theo đó việc sản xuất máy điện giải toàn cầu – loại máy sản xuất hydro xanh từ điện tái tạo – sẽ tăng gần 8.000% từ cuối năm nay đến năm 2031.


Dự báo thị trường hydro xanh toàn cầu sẽ tăng hơn 6.000% vào năm 2031

Báo cáo của TMR cho thấy “ngày càng nhiều quy định của chính phủ nhằm sản xuất năng lượng tái tạo ​​sẽ dự kiến khiến thị trường hydro xanh toàn cầu tăng trưởng đáng kể trong giai đoạn dự báo. Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách đang coi hydro xanh là một lựa chọn để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 (net-zero) mà các chính phủ trên toàn thế giới đặt ra”.

Nghiên cứu cho biết thêm rằng năng lượng mặt trời sẽ là nguồn cung cấp năng lượng hàng đầu cho hydro xanh trong giai đoạn dự báo, với công nghệ PEM thống trị thị trường điện phân.

Công ty TMR đăng ký tại Pune, Ấn Độ, có trụ sở chính ở Wilmington, Delaware, Hoa Kỳ. Hiện TMR, có hơn 300 nhân viên, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ năng lượng đến chăm sóc sức khỏe, thực phẩm và quốc phòng.

Theo PV
https://petrotimes.vn/thi-truong-hydro-xanh-toan-cau-se-tang-hon-6000-vao-nam-2031-661963.html

Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về chuyển đổi sang năng lượng sạch

Theo nhận định của tờ Te Economist, Việt Nam là quốc gia đang dẫn đầu Đông Nam Á về chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Theo bài viết của The Economist, trong 4 năm tính đến năm 2021, tỉ trọng điện lượng mặt trời tại Việt Nam đã tăng từ mức thực tế gần như bằng 0 lên gần 11%. Đây không chỉ là tốc độ tăng nhanh hơn hầu hết mọi nơi trên thế giới, mà tỉ trọng này còn cao hơn so với các nền kinh tế lớn như Pháp hay Nhật Bản.

Đến năm ngoái Việt Nam đã trở thành nhà sản xuất điện mặt trời lớn thứ 10 thế giới. Nhấn mạnh cam kết đối với quá trình chuyển đổi năng lượng, Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi tháng 11/2021 đã tuyên bố sẽ ngừng xây dựng các nhà máy điện than mới và giảm lượng khí thải ròng của Việt Nam về mức bằng 0 vào năm 2050.

Các quốc gia Đông Nam Á khác muốn nâng cao cuộc chơi của mình có thể rút ra một vài kinh nghiệm từ Việt Nam. Theo đó, Việt Nam đã tăng gấp 4 lần công suất điện gió và điện mặt trời so với năm 2019.


Ảnh minh hoạ

Bài viết khẳng định “thành tích phi thường” này chủ yếu nhờ ý chí chính trị và các động lực thị trường. Năm 2017, Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu trả cho các nhà cung cấp năng lượng mặt trời với giá cố định lên tới 9,35 cent cho mỗi kilowatt giờ cung cấp cho lưới điện. Mức giá này là khá hào phóng vì chi phí cho mỗi kilowatt giờ thường dao động từ 5-7 cent.

Kết quả là 100.000 tấm pin mặt trời trên mái đã được lắp đặt trong năm 2019 và 2020, nâng công suất năng lượng mặt trời của Việt Nam lên 16GW. Nhiều quốc gia Đông Nam Á khác đã thử áp dụng mức giá bán cho lưới điện, nhưng không đủ hấp dẫn.

Cải cách giúp các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng kinh doanh tại Việt Nam hơn cũng đã giúp ích. Tuy nhiên, theo bài viết, nếu hy vọng đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Theo công ty tư vấn Dezan Shira, nhu cầu năng lượng ở Việt Nam đã tăng khoảng 10% mỗi năm trong thập kỷ qua và lượng nhu cầu này đang được đáp ứng phần nhiều bởi điện than.

Bài viết cho rằng các nhà hoạch định chính sách của Chính phủ cần tăng cường năng lượng gió và mặt trời, đồng thời xem xét mở rộng và nâng cấp lưới điện để bao phủ toàn quốc nhằm đối phó với tính chất không liên tục của nguồn điện do năng lượng tái tạo cung cấp.

Phong Lâm
https://vietq.vn/viet-nam-dan-dau-dong-nam-a-ve-chuyen-doi-sang-nang-luong-sach-d200974.html

IEEFA: Năng lượng tái tạo trở thành yếu tố quyết định tương lai kinh tế Việt Nam

Theo một báo cáo mới công bố của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA), nền kinh tế Việt Nam với độ mở và sự phụ thuộc rất lớn vào các tập đoàn đa quốc gia và thị trường tiêu dùng toàn cầu đòi hỏi Chính phủ phải hoạch định một chiến lược phát triển năng lượng sạch tương thích với với các cam kết giảm phát thải carbon của các tập đoàn toàn cầu.

Báo cáo ước tính rằng các tập đoàn đa quốc gia với đóng góp khoảng 150 tỷ USD vào doanh thu xuất khẩu hàng năm của Việt Nam hiện đã đưa ra các cam kết cụ thể về trung hòa carbon hoặc giảm phát thải carbon ở các phạm vi và lộ trình khác nhau. Do vậy, hành trình hướng tới phát triển bền vững của các thương hiệu toàn cầu này là cơ hội mà Việt Nam không thể bỏ qua hay để tuột mất.


Chỉ có tăng cường điện gió để đạt mới giúp Việt Nam đạt mục tiêu net-zero.

Việt Nam hiện là quốc gia có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa lớn nhất trong số các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Nam Á. Với gần 60% doanh thu xuất khẩu đến từ các mặt hàng gia công sản xuất cho các nhãn hàng lớn quốc tế, vị thế ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu đi kèm với đòi hỏi phải thích ứng linh hoạt với các mối quan tâm và ưu tiên của các tập đoàn này.

Báo cáo nhận định, điện gió và điện mặt trời không còn đơn thuần là giải pháp về nguồn cung điện bổ sung, mà còn đóng vai trò như một chính sách bảo đảm việc làm cho hàng triệu lao động, về nguồn thu ngoại tệ, tăng trưởng kinh tế, và sẽ là chìa khoá giúp khơi thông dòng vốn đầu tư phát triển bền vững. Khác với thập kỷ vừa qua, dòng tiền của thập kỷ tới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng cung ứng điện sạch tới các nhà máy sản xuất và khu công nghiệp. Một kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo quyết đoán và rõ ràng sẽ có tác động lan tỏa vĩ mô tới toàn bộ nền kinh tế.

Cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26) về việc Việt Nam hướng tới nền kinh tế phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 được đưa ra ở thời điểm rất nhiều các tập đoàn toàn cầu coi việc giảm phát thải trong chuỗi cung ứng là mối ưu tiên trọng tâm và hàng đầu của chiến lược phi carbon hóa của họ. Rất nhiều trong số các doanh nghiệp này có chuỗi cung ứng sâu rộng và lâu năm tại Việt Nam.

Các tập đoàn lớn như Nike và Apple đã và đang là những tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ cho một kế hoạch phát triển năng lượng sạch táo bạo tại Việt Nam. Cụ thể, các doanh nghiệp này đã kiến nghị Chính phủ cho phép các nhà máy trong chuỗi cung ứng của họ được tiếp cận với các nguồn điện sạch. Đối với các tập đoàn này, tiêu thụ điện sạch không chỉ nhằm mục đích tiết giảm chi phí trước mắt mà đây là một phần trong nỗ lực tổng thể và cấp bách về giảm phát thải carbon mà nếu chậm trễ triển khai sẽ có thể ảnh hưởng tiêu cực tới lợi nhuận, khả năng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp, và danh tiếng của họ.

Một minh chứng rõ ràng cho nhu cầu điện sạch cấp bách của ngành sản xuất thể hiện ở sự tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian vừa qua của các giải pháp năng lượng tái tạo phân tán, ví dụ như điện mặt trời áp mái khu công nghiệp và thương mại (CN&TM), với sự ủng hộ của Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

“Các hệ thống này hỗ trợ đáp ứng nhu cầu phụ tải cho sản xuất, giúp giảm áp lực cho lưới điện, cũng như giảm gánh nặng huy động vốn và phát triển thêm công suất nguồn cho EVN,” báo cáo cho biết.

Do đó, phân khúc điện mặt trời áp mái CN&TM hiện đang âm thầm dẫn dắt đà tăng trưởng công suất trong bối cảnh nhà nước tạm thời đóng băng chính sách phát triển loại hình điện mặt trời quy mô trang trại. Trong thời gian qua, các doanh nghiệp phát triển dự án điện mặt trời áp mái CN&TM và các đối tác cho vay đã nhanh chóng cập mật mô hình kinh doanh để không còn lệ thuộc vào trợ cấp nhà nước (ví dụ EVN thanh toán cho phần điện dư phát lên lưới theo giá mua cố định) và đang tích cực tiếp cận các khu công nghiệp nhộn nhịp với số lượng gia tăng không ngừng tại Việt Nam.


Các tập đoàn lớn trên thế giới mong muốn tiếp cận nguồn năng lượng sạch của Việt Nam.

Một số nhà đầu tư lớn đã gia nhập thị trường, ví dụ như Tập đoàn Điện lực Pháp EDF hay tập đoàn kinh tế SK Group của Hàn Quốc. Các doanh nghiệp này liên doanh với các đối tác trong nước, và cam kết đầu tư hàng trăm triệu USD vào thị trường điện mặt trời áp mái CN&TM tại Việt Nam trong vài năm tới.

Bên cạnh đó, các khu công nghiệp sinh thái cũng đang tạo ra một xu hướng mới tại Việt Nam, với các chủ đầu tư chủ động tìm kiếm và cung cấp các giải pháp tạo ra nguồn điện sạch cho lưới điện nội bộ, nhằm thu hút các khách hàng chú trọng tới các yếu tố môi trường, xã hội, và quản trị doanh nghiệp (ESG). Mới đây, Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore mở rộng ở Bình Dương, với chủ đầu tư là tập đoàn Sembcorp, thông báo họ sẽ xây dựng một nhà máy điện mặt trời quy mô lớn tại chỗ để giúp các khách hàng lớn, như nhà máy sản xuất đồ chơi Lego, đạt được mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong tương lai.

Chính phủ đang tiến hành công tác chuẩn bị về mặt pháp lý và kỹ thuật để thí điểm cơ chế mua bán điện tái tạo trực tiếp cho doanh nghiệp, còn gọi là cơ chế DPPA. Đây là một chính sách được các doanh nghiệp nóng lòng chờ đợi, đặc biệt là các bên tiêu thụ điện lớn, có mục tiêu giảm phát thải tham vọng, nhưng lại không có đủ nguồn năng lượng sạch tại chỗ.

Cơ chế DPPA dự kiến triển khai thí điểm từ năm 2023-2024 với giới hạn công suất ban đầu là 1GW. Ưu điểm của DPPA là giúp giảm áp lực cân đối chi phí mua bán điện cho EVN, do việc đàm phán giá điện sẽ là vấn đề riêng giữa doanh nghiệp mua điện và nhà máy điện tái tạo.

Báo cáo lưu ý rằng thị trường mua bán điện tái tạo trực tiếp cho doanh nghiệp tại khu vực châu Á Thái Bình Dương đang tăng trưởng nhanh chóng, với Ấn Độ, một nền kinh tế sản xuất cạnh tranh với Việt Nam, hiện dẫn đầu khu vực với tổng công suất tích luỹ là 5,2GW. Do đó, việc triển khai cơ chế DPPA nhanh chóng và ở quy mô lớn hơn sẽ giúp Việt Nam củng cố vị thế của mình, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu và tài nguyên thiên nhiên dồi dào hiện nay.

PV
https://petrotimes.vn/ieefa-nang-luong-tai-tao-tro-thanh-yeu-to-quyet-dinh-tuong-lai-kinh-te-viet-nam-650847.html

“Thoát lỗ” hơn 2 tỷ đồng nhờ Hệ thống nhiệt phân PPV 300

Đó là chia sẻ của chị Triệu Thị Châu – Giám đốc Hợp tác xã Bình Minh (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) tại Hội thảo “Chuyển đổi chất thải nông nghiệp thành nguồn năng lượng sạch và than sinh học bằng công nghệ nhiệt phân” diễn ra vào ngày 25/02/2022, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Theo lời kể của chị Châu, từ năm 2014, khi tham gia khóa học về trồng cà phê bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu, chị Châu đã được một giáo viên người Đức giới thiệu về công nghệ nhiệt phân nên chị rất tò mò và háo hức tiếp cận công nghệ ấy. Sau đó, hợp tác xã (HTX) Bình Minh đã có may mắn được biết tới Công ty TNHH MTV Vina Viết Hiền và được tiếp cận với Hệ thống nhiệt phân PPV 300 mà theo đánh giá của chị và nhiều thành viên khác là rất “khổng lồ” và tuyệt vời này.

Các đại biểu đi thăm quan công nghệ nhiệt phân

Không được phơi sấy, thương lái trừ tới 60% vì cà phê chất lượng kém

“Vào thời điểm HTX mới được tiếp quản Hệ thống nhiệt phân là vụ thu hoạch cà phê năm 2016 – 2017. Khi ấy đang thu hoạch thì trời mưa liên tục, cà phê không phơi được nên bị mốc, người dân khi bán bị thương lái trừ tới 60% do chất lượng cà phê không đảm bảo (bán 1 tấn cà phê mà chỉ thu được tiền của 400 kg).  Nhưng may mắn đối với HTX là nhờ có Hệ thống nhiệt phân mà chúng tôi đã sấy được 30 tấn cà phê, tránh được khoản lỗ lên tới hơn 2 tỷ đồng. Các thành viên trong HTX đều rất vui vì đã quyết định đầu tư đúng hướng”, giọng chị Châu vẫn đầy cảm xúc khi nhớ lại chuyện xưa.

Biochar giúp vườn tốt tươi, chuồng trại hết mùi

Cũng theo chia sẻ của chị Châu, ngoài tác dụng sấy cà phê, Hệ thống nhiệt phân PPV 300 còn tạo ra than sinh học (biochar) và một thứ nước đen mà sau này khi tiếp xúc với các nhà khoa học ở Tp. HCM chị mới biết đó chính là “vàng đen”, bởi khi được pha với tỷ lệ hợp lý, dung dịch này trở thành “thần dược” đối với cây trồng nhờ khả năng xua đuổi các loại côn trùng và sâu bệnh.

Chị Triệu Thị Châu (mặc áo khoác đứng cạnh người đội mũ lưỡi chai)

“Về biochar, cha tôi là khách hàng đầu tiên từ năm 2017, với giá mua là 5.000 đồng/kg. Ông đã dùng biochar để bón cho đất và chỉ một thời gian sau đó, vườn cà phê và vườn tiêu của ông đã trở thành khu vườn xanh tươi và đẹp nhất trong vùng. Khi nhiều hộ xung quanh, cây tiêu, cây cà phê bị sâu bệnh, rụng lá, vườn của ông vẫn rất tốt tươi.

Chị Châu còn cho biết thêm: Nhà chị có chuồng nuôi gần 30 con dê và một chuồng nuôi gà, trước đây thỉnh thoảng gia đình chị vẫn bị hàng xóm phàn nàn vì tình trạng mùi hôi từ chuồng trại bay theo hướng gió. Nhưng từ ngày chị dùng biochar để dải lót nền thì tình hình trên đã thay đổi hoàn toàn. Thậm chí, còn được hàng xóm khen: Chuồng trại nhà Châu giờ không còn thấy mùi hôi nữa!.

Sự chân thành của chị Châu – một phụ nữ người dân tộc Dao cùng những trải nghiệm thực tế của mình đối với Hệ thống nhiệt phân PPV 300 đã thực sự thu hút sự chú ý của các đại biểu tham dự đến từ các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu… cùng những người quan tâm.

Cũng theo chị Châu, với giá thành hiện nay của Hệ thống nhiệt phân có lẽ là cao đối với nhiều HTX. Tuy nhiên, nếu xem xét một cách thấu đáo thì công nghệ này không chỉ giúp người trồng trọt chủ động sấy nông sản vào mùa thu hoạch mà còn góp phần giảm thải khí CO2,  bảo vệ môi trường nên xứng đáng để đầu tư.

Một vài hình ảnh tại hộ

Thông tin về công nghệ nhiệt phân

Trong giai đoạn từ 2016 – 2019, công nghệ nhiệt phân (pyrolysis) đã được Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) chuyển giao thành công từ Thụy Sỹ về Việt Nam, có tiềm năng chuyển đổi chất thải nông nghiệp (vỏ trấu, vỏ cà phê) thành năng lượng nhiệt và than sinh học. Công nghệ này làm tăng giá trị chất thải hữu cơ và phế phẩm nông nghiệp, đồng thời mang lại cơ hội kinh tế cho người nông dân và người chế biến nông sản. Công nghệ lò đốt nhiệt phân cho phép cung cấp năng lượng sinh khối tại chỗ và kịp thời mà vẫn đáp ứng được những tiêu chuẩn khí thải khắt khe. Công ty TNHH MTV Vina Viết Hiền là đơn vị đã nhận được sự hỗ trợ và chế tạo thành công Hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ (PPV300) để thí điểm cho mô hình HTX tại Việt Nam.

Với sự tiếp tục tài trợ từ Cục Kinh tế Liên Bang Thụy Sỹ (SECO), trong giai đoạn 2020 – 2022, UNIDO ưu tiên tập trung vào việc nhân rộng mô hình công nghệ nhiệt phân giữa các nhóm áp dụng tiềm năng và thúc đẩy thương mại hóa công nghệ xanh này tại Việt Nam.

Nhằm nâng cao nhận thức của người thụ hưởng về công nghệ nhiệt phân, đồng thời chia sẻ kiến thức, kết nối thị trường nhằm thúc đẩy thương mại hóa công nghệ này tại Việt Nam, ngày 25/02/2022 tại thành phố Buôn Ma Thuột – tỉnh Đắk Lắk, UNIDO và liên danh thực hiện dự án bao gồm Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), Công ty tư vấn Sofies SA (Thụy Sỹ), Tổ chức Oekozentrum (Thụy Sỹ), Husk Ventures S.L (Tây Ban Nha) cùng Công ty TNHH Cơ khí Viết Hiền đã tổ chức hội thảo “Chuyển đổi chất thải nông nghiệp thành nguồn năng lượng sạch và than sinh học bằng công nghệ nhiệt phân. Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy mô hình kinh doanh hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ tại Việt Nam”, với 3 mục tiêu chính gồm:  (1) Nhận diện “công nghệ xanh” và nâng cao nhận thức về công nghệ nhiệt phân; (2) Nghiên cứu khả thi và xây dựng các mô hình kinh doanh; và (3) Thúc đẩy thị trường than sinh học.

VNCPC