Posts

Kinh tế tuần hoàn: Hướng đi giúp DN dệt may tối ưu hóa lợi nhuận

Dệt may là một trong những ngành sản xuất gia công có nhiều thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, ngành dệt may đang sử dụng rất nhiều nguồn lực lao động và tài nguyên… Vì vậy, chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp DN dệt may tối ưu hóa chi phí và lợi nhuận.

Ngành dệt may và mục tiêu xanh hóa

Mới đây, EU, thị trường nhập khẩu trên 4 tỷ USD/năm hàng dệt may Việt Nam, đã đề xuất áp dụng một số quy định sinh thái mới đối với hàng dệt may tiêu thụ tại 27 nước thành viên. Theo đó, hàng dệt may vào EU phải có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng và tái chế được. Tất cả những thông tin trên phải được nhà sản xuất cung cấp cho người tiêu dùng thông qua việc gắn hộ chiếu kỹ thuật số cho từng sản phẩm.

Nhằm đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đã đặt ra mục tiêu “xanh hóa” với kế hoạch đến năm 2023, giảm 15% tiêu thụ năng lượng, 20% tiêu thụ nước. Đến năm 2030, chuyển đổi “xanh hóa” ngành dệt may Việt Nam, đồng thời xây dựng được 30 thương hiệu mang tầm quốc tế.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho rằng đây là hướng đi mới nhưng đòi hỏi cần có sự đầu tư bài bản, nguồn lực lớn. Lãnh đạo Vinatex cho biết sẽ tập trung phấn đấu giảm 30% lượng nước thải sau nhuộm bằng công nghệ mới; sử dụng lại 30% nước thải sau xử lý cho các công đoạn giặt, rửa, vệ sinh. Đối với ngành sợi, sẽ sử dụng ít nhất 20% xơ polyester tái chế, 15% bông organic để giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đầu tư điện mặt trời tại các nhà máy đủ điều kiện tự nhiên để phấn đấu 10% lượng điện sử dụng có nguồn gốc từ năng lượng tái tạo…

Tán đồng với quan điểm trên, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, cho biết doanh nghiệp cũng bị áp lực bởi chính những khách hàng nhập khẩu, khi họ yêu cầu những tiêu chuẩn về nhà máy xanh, môi trường làm việc cho người lao động, giảm khí thải ô nhiễm, giảm chất thải độc hại. “Hiện nay, toàn bộ hệ thống nhà máy của May 10 về xuất khẩu đều đảm bảo được yêu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, rất nhiều khách hàng yêu cầu May 10 phải sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, nguyên liệu tái chế và tự phân hủy sau 5 – 10 năm… Đó cũng chính là mục tiêu May 10 đang tập trung triển khai”, ông Việt nhấn mạnh.

H&M – nhà sản xuất hàng may mặc toàn cầu có 31 nhà cung cấp tại Việt Nam cũng cam kết phát triển chuỗi cung ứng trung hòa các-bon cho các nhà máy chế tạo và chế biến thuộc sở hữu của họ hoặc qua ký hợp đồng thầu phụ với các nhà cung cấp vải, chế biến vải, sản xuất sợi, thuộc da vào năm 2030. Nhãn hàng Nike đã công bố các kế hoạch tương tự, có ảnh hưởng đến trên 100 nhà cung cấp của Nike tại Việt Nam…

Ngành dệt may và những lợi ích khi triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS): Tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam trong ba tháng đầu năm 2022 đạt hơn 10,6 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ. Ngành dệt may đang lấy lại đà tăng trưởng, với kịch bản tích cực nhất, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam sẽ đạt khoảng 42 – 43,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, muốn tận dụng tốt các cơ hội xuất khẩu, nhiều chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần phải tự chủ được nguồn cung nguyên phụ liệu, đáp ứng yêu cầu của các Hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA).

Đặc biệt, ngành dệt may Việt Nam cần phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”, hoàn toàn không giống với cách nhìn của nền kinh tế tuyến tính truyền thống với nguyên lý “khai thác, sản xuất và thải bỏ sau tiêu thụ”, đang làm cạn kiệt tài nguyên và tạo ra một lượng lớn chất thải.

Về cơ bản, nền kinh tế tuần hoàn thúc đẩy sử dụng hiệu quả tài nguyên, tái sử dụng và khép kín chu trình sản xuất nhằm mục đích giảm nguyên liệu và năng lượng đầu vào, kéo dài vòng đời sản phẩm, giảm thiểu phát sinh chất thải và giảm tác động xấu đến môi trường. Nền kinh tế tuần hoàn nhất quán với các nguyên tắc 3R: Giảm thiểu, Tái sử dụng và Tái chế.

Như vậy, triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, các DN dệt may sẽ có nhiều lợi ích và cơ hội, đó là: Giảm thiểu việc sử dụng các nguồn tài nguyên không tái tạo như nước, năng lượng, nhiên liệu hóa thạch và nguyên liệu thô; Giảm sự phụ thuộc vào các nước khác, sự phụ thuộc này có thể dẫn tới những căng thẳng về chính trị toàn cầu; Giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính, giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực thông qua thiết kế ưu việt của vật liệu, sản phẩm, hệ thống và mô hình; Gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, tiết kiệm cho người tiêu dùng; Tạo ra các cơ hội kinh tế; Tạo việc làm mới (trong lĩnh vực đổi mới, thiết kế, tái chế và sáng tạo).

Mặc dù có nhiều lợi ích và tiềm năng, song theo các chuyên gia việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn không phải là một quá trình đơn giản, đặc biệt đối với ngành có chuỗi cung ứng phức tạp và rộng khắp trên thế giới như ngành dệt may.

Theo https://vinatex.com.vn/san-xuat-va-tieu-thu-hang-det-may-trong-nen-kinh-te-tuan-hoan; https://vneconomy.vn/doanh-nghiep-det-may-xanh-hoa-hay-se-bi-tut-lai-phia-sau.htm