Posts

Mời đăng ký tham gia Khóa đào tạo trực tuyến miễn phí về Khu công nghiệp sinh thái

UNIDO và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức khóa đào tạo nhằm nâng cao nhận thức về mô hình KCNST, chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm, kiến thức liên quan đến triển khai và thực hiện chính sách về KCNST, xác định và áp dụng các cơ hội sinh thái công nghiệp, v.v. dựa trên nguồn tài liệu hiện có của UNIDO, Ngân hàng thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ).

Khóa đào tạo sẽ được giảng dạy theo hình thức trực tuyến bởi các chuyên gia trong nước và quốc tế, bao gồm 06 mô-đun với thời lượng 2 giờ cho từng mô-đun (tổng cộng 12 giờ). Mỗi mô-đun đào tạo được thực hiện hai lần, do đó học viên có thể lựa chọn thời gian phù hợp nhất.

Tài liệu đào tạo bao gồm các chủ đề về KCNST và phương pháp tiếp cận, các công cụ cơ bản cũng như các phương pháp sử dụng Hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP) để phổ biến mô hình KCNST phù hợp với cơ chế chính sách cấp quốc gia và địa phương, đồng thời cung cấp các dịch vụ hỗ trợ về KCNST cho các KCN ở Việt Nam. Chương trình đào tạo bao gồm các chủ đề về KCNST nhằm tăng cường năng lực và đáp ứng nhu cầu của các nhà hoạch định chính sách cũng như các bên cung cấp dịch vụ KCNST, với sự cân đối giữa bài giảng lý thuyết, ví dụ thực tiễn và bài tập tương tác.

Tham gia chương trình đào tạo, học viên có cơ hội được kết nối mạng lưới chuyên gia và chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau trong quá trình xây dựng và cung cấp các dịch vụ về KCNST với chất lượng và giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu của các DN và các tổ chức tại Việt Nam.

Để biết thêm thông tin chi tiết về khóa đào tạo, xin vui lòng xem chi tiết tại (Flyer Policy-makers) hoặc (Flyer Practisioners).

Các ứng viên quan tâm tham dự khóa đào tạo được mời nộp đơn đăng ký tham dự bằng cách truy cập đường liên kết (Call for application for policymakers) và (Call for Application for Practisioners) trước ngày 20 tháng 8 năm 2023.

Theo http://khucongnghiepsinhthai-vietnam.vn/event/39

Đoàn công tác của Bộ Công Thương Lào đến thăm và làm việc tại VNCPC

Ngày 13/3/2023, Đoàn công tác của Bộ Công Thương nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào do Thứ trưởng Bountheung Duangsavanh làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC).

Tham gia buổi làm việc còn có Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp và Thủ công mỹ nghệ, Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch hơn Lào và đại diện các Vụ, Cục, Tham tán Thương mại – Đại sứ quán Lào tại Việt Nam, đại diện Bộ Công Thương Việt Nam.

Thứ trưởng Bountheung Duangsavanh trao danh thiếp cho ông Lê Xuân Thịnh- Giám đốc VNCPC

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện VNCPC

Đón tiếp đoàn ông Lê Xuân Thịnh – Giám đốc VNCPC và bà Nguyễn Lê Hằng – Phó giám đốc đã khái quát quá trình hình thành và phát triển của VNCPC trong 25 năm qua, từ lúc còn là dự án thành lập Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam cho đến khi chuyển đổi thành doanh nghiệp khoa học công nghệ thuộc hệ thống BK-Holdings (Đại học Bách Khoa Hà Nội).

VNCPC cũng đã giới thiệu với đoàn công tác về các hoạt động của mình cũng như các dự án triển khai thành công trong thời gian qua như: Xây dựng tài liệu giảng dạy về Sản xuất sạch hơn cho các trường đại học; Xây dựng đội ngũ chuyên gia SXSH; Tư vấn cho hơn 1000 doanh nghiệp về Hiệu quả tài nguyên – Sản xuất sạch hơn (RE-CP), Sử dụng năng lượng hiệu quả (EE), Đổi mới sản phẩm bền vững (D4S) và gần đây là mô hình cộng sinh công nghiệp (IS) và khu công nghiệp sinh thái (EIP).

Buổi làm việc tại văn phòng VNCPC chiều 13/03/2023

Đoàn công tác của Bộ Công Thương Lào cũng đã chia sẻ những hoạt động của Trung tâm Sản xuất sạch hơn Lào, cũng như các chương trình hỗ trợ của Chính phủ Lào trong phát triển công nghiệp hướng tới bền vững. Trong đó, Đoàn công tác rất quan tâm tới việc xây dựng các chính sách phù hợp cho phát triển các khu công nghiệp xanh, sạch tại Lào.

Trên tinh thần trao đổi cởi mở và chân thành, các bên cam kết sẽ tiếp tục hợp tác chia sẻ kinh nghiêm trong thời gian tới, đặc biệt là giữa VNCPC và Trung tâm Sản xuất sạch hơn Lào để duy trì hợp tác bền vững trong tương lai.

VNCPC