Posts

Nghiên cứu tạo ra thiết bị có thể thu thập nước trong khí quyển để làm mát tấm pin mặt trời

Do các tấm pin mặt trời cần phải lắp thêm hệ thống làm mát chạy bằng nguồn điện nên rất tốn kém. Vì vậy các nhà nghiên cứu tại Saudi Arabia đã tạo ra một thiết bị mới có thể thu thập nước trong khí quyển để làm mát tấm pin mặt trời.

Các nhà nghiên cứu tại Saudi Arabia đã tạo ra một thiết bị mới có thể thu thập nước trong khí quyển để làm mát các tấm pin mặt trời mà không cần sử dụng điện. Công nghệ mới giảm chi phí vận hành, tăng gấp đôi tỷ lệ thu thập nước ở các vùng khô cằn.

Năng lượng mặt trời hiện chiếm hơn 80% sản lượng năng lượng tái tạo của Saudi Arabia. Quốc gia này còn xuất khẩu năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, có một nghịch lý là các tấm pin mặt trời có nguy cơ nóng, cháy nổ do hoạt động mạnh. Do đó, các tấm pin mặt trời cần phải lắp thêm hệ thống làm mát chạy bằng nguồn điện.

Một nhóm nghiên cứu quốc tế, do Giáo sư Qiaoqiang Gan đứng đầu, đã thiết kế một giải pháp tiềm năng. Thiết bị mới không cần điện, chỉ sử dụng trọng lực để chiết xuất nước từ không khí và dựa vào các vật liệu rẻ tiền, sẵn có.

Ngoài việc giữ cho các tấm pin mặt trời và các công nghệ bán dẫn khác mát mẻ, nước có thể được tái sử dụng để tưới tiêu, giặt giũ, làm mát các tòa nhà lắp đặt tấm pin mặt trời và các ứng dụng khác. Các nhà khoa học ước tính, khí quyển chứa lượng nước nhiều gấp 6 lần so với tổng lượng nước ngọt trong các con sông cộng lại.

Giáo sư Gan cho biết, có thể thu thập lượng nước từ khí quyển. Tại quốc gia khô cằn như Saudi Arabia, cần có thêm nguồn điện để chạy thiết bị thu thập nước. Đây là rào cản ở những khu vực nông thôn, thiếu điện, những tấm pin mặt trời khó có thể hoạt động được.

Giáo sư Dan Daniel và Shakeel Ahmad trong nhóm của Gan, phát hiện rằng bằng cách thêm lớp phủ bôi trơn là hỗn hợp của polyme và dầu silicon, họ có thể thu thập được nhiều nước hơn dựa vào trọng lực.


Thiết bị mới không cần điện, chỉ sử dụng trọng lực để chiết xuất nước từ không khí và dựa vào các vật liệu rẻ tiền, sẵn có để làm mát tấm pin điện mặt trời. Ảnh minh họa

Giáo sư Ahmad cho hay, các giọt nước trong khí quyển có xu hướng bám chặt vào bề mặt, do đó phải thu thập nhưng tụ chủ động. Lớp phủ của nhóm nghiên cứu đã loại bỏ tình trạng bám chặt, thu thập nước thụ động. Hệ thống này hoạt động hoàn toàn dựa trên cơ chế làm mát bức xạ thụ động nên không tiêu thụ bất kỳ điện năng nào.

Thiết bị mới đã được thử nghiệm 6 lần trong khoảng thời gian một năm trong điều kiện tự nhiên tại thị trấn Thuwal, cách Jeddah khoảng 100km về phía Bắc và có thể thu được gần gấp đôi nước so với các công nghệ khác.

Theo các chuyên gia, hệ thống không tiêu thụ bất kỳ điện năng nào, giúp tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, hệ thống không phụ thuộc vào bất kỳ bộ phận cơ học nào như máy nén hoặc quạt, giúp giảm chi phí bảo trì so với các hệ thống truyền thống, giúp tiết kiệm hơn nữa.

Đề cập tới lĩnh vực điện mặt trời, những năm gần đây, Việt Nam chú trọng triển khai và đạt được kết quả bước đầu, đóng góp quan trọng vào đảm bảo an ninh năng lượng và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến việc phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), trong đó có chính sách phát triển năng lượng mặt trời. Nghị quyết Đại hội IX của Đảng xác định: “Ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng mới và NLTT như điện mặt trời, thủy điện… Nghiên cứu phát triển các dạng năng lượng mới và tái tạo, đáp ứng cho nhu cầu sử dụng năng lượng, đặc biệt đối với hải đảo, vùng sâu, vùng xa”.

Chính phủ có chủ trương phát triển năng lượng sạch, NLTT để bổ sung năng lượng quốc gia; đồng thời, hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực khai thác và sử dụng NLTT, lồng ghép chương trình phát triển NLTT với các chương trình phát triển kinh tế – xã hội khác.

Để đưa chính sách vào cuộc sống, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản về phát triển nguồn năng lượng điện mặt trời, trong đó điển hình như: Quyết định số 2068/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chiến lược này khuyến khích phát triển và sử dụng năng lượng mới, có cơ chế hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu sản xuất thử nghiệm và xây dựng mô hình thí điểm NLTT, miễn giảm thuế nhập khẩu, thuế sản xuất và lưu thông máy móc, thiết bị, phụ tùng phục vụ phát triển NLTT. Đồng thời, Chiến lược nêu quan điểm phát triển đồng bộ và hợp lý hệ thống năng lượng bao gồm điện, dầu, khí, than năng lượng mới và tái tạo; trong đó quan tâm phát triển năng lượng sạch, năng lượng mới và tái tạo.

Mặc dù, NLTT trong đó có điện mặt trời ở Việt Nam đã phát triển khá nhanh, nhưng một số ý kiến cho rằng, quy mô điện mặt trời ở nước ta chưa phản ánh hết tiềm năng, lợi thế từ thiên nhiên. Để tận dụng lợi thế, tiềm năng đó, cần có nhiều cơ chế và chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời.

Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực điện mặt trời

Tính đến hết năm 2019 có khoảng 1000 tiêu chuẩn trong lĩnh vực điện và điện tử, trong đó có 19 tiêu chuẩn về hệ thống điện mặt trời. Các tiêu chuẩn quốc gia về điện mặt trời phần lớn được xây dựng trên cơ sở chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế IEC (Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà quản lý, tổ chức thử nghiệm, tổ chức chứng nhận có thể thừa nhận lẫn nhau kết quả thử nghiệm cũng như chứng chỉ chứng nhận.

Việc biên soạn các tiêu chuẩn này được thực hiện chính bởi Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/E13 Năng lượng Tái tạo. Tiêu chuẩn quốc gia về tấm pin mặt trời hiện nay đã có bộ tiêu chuẩn về an toàn điện của tấm pin TCVN 12232 được xây dựng trên cơ sở chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế IEC 61730, bộ tiêu chuẩn về đánh giá chất lượng thiết kế của tấm pin TCVN 6781 được xây dựng trên cơ sở chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế IEC 61215.

Bên cạnh đó còn có các tiêu chuẩn đối với thành phần của hệ thống pin mặt trời như bộ TCVN 12231 về an toàn của bộ nghịch lưu inverter được xây dựng trên cơ sở chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế IEC 62109 và các TCVN cho hộp kết nối, cáp điện, v.v…

Ngoài các tiêu chuẩn quốc gia đã được công bố nêu trên, vẫn cần thiết phải bổ sung thêm các tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng và tái chế pin mặt trời cũng như có các biện pháp quản lý chất lượng, nâng cao năng lực thử nghiệm, chứng nhận, công nhận nhằm đảm bảo các yêu cầu quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.

Vân Thảo (T/h)
https://vietq.vn/nghien-cuu-tao-ra-thiet-bi-moi-co-the-thu-thap-nuoc-trong-khi-quyen-de-lam-mat-tam-pin-mat-troi-d226169.html

Nghiên cứu đột phá công nghệ tạo ra điện Mặt Trời vào ban đêm

Nghiên cứu từ Đại học UNSW (Australia) cho thấy, nhiệt hồng ngoại bức xạ của Trái Đất có thể được sử dụng để tạo ra điện, ngay cả sau khi Mặt Trời lặn.

Nghiên cứu từ Đại học UNSW (Australia) cho thấy, nhiệt hồng ngoại bức xạ của Trái Đất có thể được sử dụng để tạo ra điện, ngay cả sau khi Mặt Trời lặn, theo cách tương tự như Trái Đất nguội đi bằng cách bức xạ vào không gian lúc ban đêm.

Mặc dù lượng điện được tạo ra ở giai đoạn này rất nhỏ, ít hơn khoảng 100.000 lần so với lượng điện do tấm pin Mặt Trời, nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng kết quả có thể được cải thiện trong tương lai.

Phó Giáo sư Ned Ekins-Daukes cho biết, năng lượng chiếu xuống Trái Đất vào ban ngày dưới dạng ánh sáng Mặt Trời và làm ấm hành tinh. Vào ban đêm, cùng mức năng lượng này bức xạ trở lại vào không gian dưới dạng ánh sáng hồng ngoại và có thể tạo ra điện bằng cách tận dụng quá trình này.

Theo Tiến sĩ Phoebe Pearce, khi có dòng năng lượng, có thể chuyển đổi thành các dạng khác nhau. Quá trình chuyển đổi trực tiếp ánh sáng Mặt Trời thành điện, do con người phát triển để chuyển đổi năng lượng mặt trời thành điện năng. Quá trình nhiệt bức xạ cũng tương tự, chuyển năng lượng trong tia hồng ngoại từ Trái Đất ấm vào vũ trụ lạnh.


Nghiên cứu sử dụng nhiệt hồng ngoại bức xạ của Trái Đất để tạo ra điện ngay cả sau khi Mặt Trời lặn. Ảnh minh họa

Nhóm nghiên cứu tin rằng, công nghệ mới có thể có nhiều ứng dụng trong tương lai, giúp sản xuất điện theo những cách hiện không thể thực hiện được.

Theo Tiến sĩ Michael Nielsen, từ nghiên cứu tới thương mại hoá vẫn còn chặng đường dài, tuy nhiên mở ra giải pháp tạo ra điện từ Mặt Trời ban đêm.

Liên quan tới tấm pin điện Mặt Trời, trước đó nhóm nghiên cứu tại Đại học Stanford (Mỹ) chế tạo pin Mặt Trời với khả năng thu năng lượng từ môi trường cả ngày lẫn đêm, giúp loại bỏ nhu cầu sử dụng thêm bộ lưu trữ điện.

Ban đêm, pin Mặt Trời tỏa nhiệt ra không gian và nhiệt độ bề mặt pin sẽ mát hơn vài độ so với không khí xung quanh. Thiết bị mới sử dụng một module nhiệt điện để tạo ra điện áp và dòng điện từ sự chênh lệch nhiệt độ giữa pin mặt trời và không khí. Quá trình này phụ thuộc vào cấu trúc nhiệt của hệ thống, bao gồm một bên nóng và một bên lạnh.

“Module nhiệt điện cần tiếp xúc tốt với cả bên lạnh (pin Mặt Trời ) lẫn bên nóng (môi trường xung quanh). Nếu không đảm bảo điều đó, bạn sẽ không thu được nhiều năng lượng”, Sid Assawaworrarit, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.

Nhóm chuyên gia đã chứng minh khả năng phát điện của thiết bị mới vào ban ngày, khi thiết bị hoạt động theo chiều ngược lại và đóng góp thêm năng lượng cho pin Mặt Trời truyền thống, cũng như vào ban đêm.

Nhóm nhà khoa học đặt mục tiêu tối ưu hóa khả năng cách nhiệt và các thành phần nhiệt điện của thiết bị. Họ cũng đang tìm cách cải tiến pin mặt trời để tăng hiệu quả tỏa nhiệt mà không ảnh hưởng đến khả năng thu năng lượng Mặt Trời.

Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực điện mặt trời

Nhằm mục đích đẩy mạnh khai thác và sử dụng tối đa, có hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo trong nước, từng bước gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng quốc gia để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, cải thiện cơ cấu ngành năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế – xã hội bền vững, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo ở nước ta trong đó có điện Mặt Trời. Các cơ chế cũng đã tạo điều kiện cho hàng nghìn nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia thị trường từ nghiên cứu, sản xuất, phân phối, lắp đặt, dịch vụ, đến tài chính, bảo hiểm…, góp phần hình thành thị trường điện năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Song song với đó, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia cũng đang hoàn thiện để có được các tiêu chuẩn kỹ thuật kiểm soát an toàn, chất lượng của hệ thống điện Mặt Trời. Tính đến hết năm 2019 có khoảng 1000 TCVN trong lĩnh vực điện và điện tử, trong đó có 19 TCVN về hệ thống điện Mặt Trời. Các tiêu chuẩn quốc gia TCVN về điện Mặt Trời phần lớn được xây dựng trên cơ sở chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế IEC (Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà quản lý, tổ chức thử nghiệm, tổ chức chứng nhận có thể thừa nhận lẫn nhau kết quả thử nghiệm cũng như chứng chỉ chứng nhận.

Việc biên soạn các TCVN này được thực hiện chính bởi Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/E13 Năng lượng Tái tạo. Tiêu chuẩn quốc gia về tấm pin Mặt Trời hiện nay đã có bộ tiêu chuẩn về an toàn điện của tấm pin TCVN 12232 được xây dựng trên cơ sở chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế IEC 61730, bộ tiêu chuẩn về đánh giá chất lượng thiết kế của tấm pin TCVN 6781 được xây dựng trên cơ sở chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế IEC 61215. Bên cạnh đó còn có các tiêu chuẩn đối với thành phần của hệ thống pin mặt trời như bộ TCVN 12231 về an toàn của bộ nghịch lưu inverter được xây dựng trên cơ sở chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế IEC 62109 và các TCVN cho hộp kết nối, cáp điện, v.v…

An Dương (T/h)

https://vietq.vn/australia-nghien-cuu-dot-pha-cong-nghe-tao-ra-dien-mat-troi-vao-ban-dem-d225631.html

Phó thủ tướng yêu cầu xử nghiêm sai phạm phát triển điện gió, mặt trời

Phó thủ tướng yêu cầu xử nghiêm sai phạm trong quy hoạch, đầu tư, xây dựng điện mặt trời, gió tại Quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh, không để thất thoát tài sản Nhà nước.

Chỉ đạo này nêu tại thông báo của Văn phòng Chính phủ mới đây, truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Lê Minh Khái về kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về phát triển, đầu tư điện gió, mặt trời.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện các nội dung báo cáo, số liệu, kiến nghị nêu tại kết luận thanh tra. “Cần bảo đảm chính xác, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định và không để thất thoát tài sản Nhà nước”, Phó thủ tướng nêu quan điểm.


Phó thủ tướng yêu cầu xử nghiêm sai phạm phát triển điện gió, mặt trời.

Theo kết luận thanh tra hồi tháng 4, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều vi phạm trong phê duyệt bổ sung các dự án điện mặt trời vào quy hoạch, dẫn tới mất cân đối nguồn và lưới. Việc này gây khó cho quản lý vận hành, lãng phí nguồn lực.

Cụ thể, Quy hoạch điện VII điều chỉnh đưa ra kế hoạch lắp đặt 850 MW điện mặt trời vào năm 2020, và tăng lên 4.000 MW vào 2025, nhưng thực tế công suất được bổ sung quy hoạch vượt nhiều lần.

Đến cuối năm 2020 – thời điểm hết hạn giá FIT ưu đãi 9,35 cent một kWh theo Quyết định 11/2017, 129 dự án đã vận hành thương mại, công suất 8.581 MW, cao hơn 10 lần công suất phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh (850 MW).

Ngoài ra, điện mặt trời mái nhà cũng phát triển nhanh, nâng tổng công suất nguồn điện mặt trời lên 16.506 MW, cao gấp hơn 19 lần công suất phê duyệt Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Việc này dẫn tới cơ cấu công suất nguồn điện mặt trời tăng 1,4% lên 23,8%.

Về việc chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương và chuyển hồ sơ, tài liệu các vụ việc sang Bộ Công an, Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao Thanh tra Chính phủ thực hiện theo thẩm quyền.

Bộ Công Thương, các bộ, ngành và UBND các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Long An, Bình Phước, Đăk Lăk, Đăk Nông, Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện các kiến nghị tại kết luận thanh tra và báo cáo kết quả trong tháng 3/2024.

Lãnh đạo Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ công khai kết luận, chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra thực hiện kết luận và báo cáo Thủ tướng trong tháng 4/2024.

Phương Nam
https://vietq.vn/pho-thu-tuong-yeu-cau-xu-nghiem-sai-pham-phat-trien-dien-gio-mat-troi-d217419.html

Đầu tư vào năng lượng sạch dự kiến tăng đến 2 nghìn tỷ USD vào năm 2030

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), các chính sách mới tại các thị trường năng lượng lớn sẽ góp phần đẩy nhanh đầu tư vào năng lượng sạch lên 2 nghìn tỷ USD vào năm 2030 trong kịch bản chính sách của các bang (STEPS).

Trong báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới hàng đầu, IEA dự kiến ​​đầu tư vào năng lượng sạch sẽ tăng 50% nhờ các chính sách như Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), dự kiến ​​sẽ là động lực chính để Mỹ tăng cường bổ sung công suất năng lượng mặt trời và gió, tăng 2,5 lần vào năm 2030 so với mức hiện nay.

Kịch bản STEPS cung cấp một tiêu chuẩn thận trọng hơn, đại diện cho lộ trình dựa trên các biện pháp năng lượng và khí hậu mà các chính phủ đã áp dụng cho đến nay, cũng như các chính sách đang được phát triển.


Công suất bổ sung hàng năm cho điện mặt trời sẽ tăng hơn gấp 4 lần vào năm 2030 lên 650GW, theo kịch bản NZE của IEA

Trong vòng 10 năm tới, nếu các quốc gia thực hiện các hành động cần thiết để thực hiện các cam kết về khí hậu của họ, 370GW công suất năng lượng mặt trời có thể được triển khai trên toàn cầu, trong đó điện mặt trời trở thành công nghệ hàng đầu ở Mỹ và Ấn Độ.

Sự gia tăng nhanh chóng của điện mặt trời và tỷ trọng điện gió trong tổng sản lượng điện sẽ định hình lại hệ thống điện và đòi hỏi nhu cầu ngày càng cao về tính linh hoạt của hệ thống điện, với hệ thống pin rất phổ biến ở các vùng có tỷ trọng điện mặt trời vượt xa gió.

Hơn nữa, năng lượng mặt trời cung cấp hơn 3% sản lượng điện toàn cầu vào năm 2021 với công suất năng lượng mặt trời bổ sung hàng năm đạt 174GW. Công nghệ mô-đun silicon tinh thể chiếm 95% trong số đó, và phần còn lại là công nghệ quang điện màng mỏng.

Công suất bổ sung hàng năm cho điện mặt trời sẽ tăng hơn gấp 4 lần vào năm 2030, lên 650GW theo kịch bản không phát thải ròng (NZE) vào năm 2050, phù hợp với việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C.

Đây là mức tăng trưởng tương tự trong quá khứ, khi công suất điện mặt trời tăng gấp 4 lần từ 37GW năm 2013 lên 174GW vào năm 2021.

Tuy nhiên, để duy trì hoặc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng triển khai năng lượng tái tạo sẽ cần có các chính sách hỗ trợ không chỉ từ các thị trường hàng đầu, đồng thời cần có các chính sách mạnh mẽ hơn để giảm rủi ro về giá năng lượng tăng và biến động.

Trong trường hợp điện mặt trời, áp dụng các chính sách là cần thiết để giải quyết các rào cản của địa phương đối với việc tiếp nhận, bao gồm các rào cản liên quan đến thu hồi đất, cấp phép, cung cấp kết nối lưới điện kịp thời và tích hợp an toàn nguồn tài nguyên biến đổi vào hệ thống điện.

Ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành IEA, cho biết: “Hành trình đến một hệ thống năng lượng bền vững và an toàn hơn có thể không suôn sẻ. Nhưng cuộc khủng hoảng ngày nay đã làm rõ lý do tại sao chúng ta cần phải thúc đẩy trước”.

Về mặt sản xuất, nếu kế hoạch mở rộng điện mặt trời được công bố, công suất sản xuất sẽ vượt 75% mức triển khai vào năm 2030 trong kịch bản cam kết đã công bố của các quốc gia (APS). Trong đó vạch ra một con đường không phát thải ròng (NZE). Các cam kết được các chính phủ công bố cho đến nay được thực hiện kịp thời và đầy đủ, và mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2100 được giữ ở mức khoảng 2,1°C.

Với việc Trung Quốc thống trị thị trường sản xuất toàn cầu với 80% thị phần trên tất cả các bước của chuỗi cung ứng và có thể tăng hơn nữa lên 95% đối với sản xuất polysilicon, phôi và wafer, IEA cảnh báo về sự cần thiết phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng của điện mặt trời đối với một quá trình chuyển đổi an toàn sang không phát thải ròng.

Hơn nữa, nhu cầu về khoáng sản, trong đó đồng là mức tăng lớn nhất về khối lượng tuyệt đối – với nhu cầu hiện tại là 6 triệu tấn mỗi năm có thể tăng lên đến 16 triệu tấn vào năm 2030. Cùng với đó, bạc và silic có tốc độ tăng nhu cầu nhanh hơn đối với điện mặt trời.

PV
https://petrotimes.vn/dau-tu-vao-nang-luong-sach-du-kien-tang-den-2-nghin-ty-usd-vao-nam-2030-669822.html

5 quốc gia châu Á góp mặt trong bảng xếp hạng điện mặt trời toàn cầu

Các quốc gia châu Á hiện chiếm 5 trong số 10 nền kinh tế sử dụng năng lượng mặt trời hàng đầu. Một thập kỷ tăng trưởng đã giúp một số nền kinh tế lớn nhất châu Á mở rộng đáng kể công suất năng lượng mặt trời của họ. Việt Nam hiện đứng thứ 10 trong danh sách này.

Một thập kỷ trước, chỉ có 2 quốc gia ở châu Á lọt vào danh sách này, trong khi các quốc gia châu Âu thống trị vị trí đầu bảng xếp hạng năng lượng mặt trời.

Danh sách này được đưa ra trong một phân tích mới đây của tổ chức tư vấn điện lực Ember, đơn vị này đã thực hiện nghiên cứu tổng công suất điện mặt trời đã thay đổi như thế nào trong 10 năm qua ở các quốc gia trên thế giới.

Phân tích nêu rõ công suất năng lượng mặt trời đã thay đổi như thế nào trong 11 năm qua, với các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và Hàn Quốc đã lọt vào top 10 toàn cầu. Vào năm 2010, Ấn Độ đứng thứ 22 toàn cầu trong khi Việt Nam đứng thứ 196.


Bảng xếp hạng các quốc gia dẫn đầu về điện mặt trời qua 10 năm.

Với 307GW, Trung Quốc là quốc gia có tổng công suất lắp đặt năng lượng mặt trời lớn nhất trên thế giới. Dự kiến, Trung Quốc sẽ đặt mục tiêu lắp đặt 108GW điện mặt trời trong năm nay. Riêng công suất điện mặt trời của Trung Quốc được lắp đặt trong năm nay sẽ tương đương với tổng công suất điện mặt trời được lắp đặt trên toàn nước Mỹ, gấp đôi của Đức và gấp hơn 5 lần tổng công suất điện mặt trời được lắp đặt của Úc.

Việt Nam cũng đã chứng kiến ​​sự mở rộng năng lượng mặt trời nhanh chóng từ năm 2019 đến năm 2020, với mức tăng 234% công suất năng lượng mặt trời chỉ trong một năm.

Theo Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), công suất năng lượng mặt trời toàn cầu lên tới 849GW vào năm 2021, cao hơn 19% so với năm trước. Thế giới đã tạo ra 3,7% điện năng từ năng lượng mặt trời vào năm 2021, với mức trung bình trên toàn châu Á chỉ dưới 3%. Phần lớn sự gia tăng này là nhờ vào sự gia tăng gần đây trên toàn khu vực, nhưng điều này cũng cho thấy năng lượng mặt trời phải phát triển như thế nào trước khi nó có thể thay thế nhiên liệu hóa thạch.


5 quốc gia châu Á góp mặt trong bảng xếp hạng điện mặt trời toàn cầu

Trong khu vực, Trung Quốc và Ấn Độ đã có ​​sự tăng trưởng đáng kinh ngạc của các ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của 2 đất nước đông dân nhất thế giới này, dẫn đến sự thay đổi đáng kể về lượng điện năng được tạo ra từ năng lượng mặt trời mỗi năm. Thị phần năng lượng mặt trời của Trung Quốc đã tăng từ 0,02% năm 2010 lên 3,89% vào năm 2021, trong khi Ấn Độ đã tăng thị phần năng lượng mặt trời từ 0,01% lên hơn 4% vào năm 2021.

Trong khi Nhật Bản vẫn ở vị trí thứ 4 trên toàn cầu, công suất mặt trời của nước này đã tăng từ 3,62GW năm 2010 lên 74,19GW vào năm 2021. Kết quả là, năng lượng mặt trời tạo ra gần 10% sản lượng điện của Nhật Bản vào năm 2021. Năm 2010, năng lượng mặt trời chỉ chiếm 0,3% hỗn hợp năng lượng.

Theo cả Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), để giữ cho biến đổi khí hậu dưới 1,5 độ ấm lên, các nước châu Á nên đặt mục tiêu cung cấp ít nhất 40% lưới điện từ gió và năng lượng mặt trời vào năm 2030. Điều này sẽ đòi hỏi cả đầu tư và đổi mới chính sách quốc gia phù hợp mà còn là hợp tác kinh tế tập thể và công nghệ trên quy mô lớn.

H.A
https://petrotimes.vn/5-quoc-gia-chau-a-gop-mat-trong-bang-xep-hang-dien-mat-troi-toan-cau-659194.html

Sẽ tối ưu phát triển năng lượng sạch?

Thông tin từ Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, việc bổ sung điện gió vào Quy hoạch điện VIII sẽ được dựa trên những tính toán hợp lý nhất, kèm theo các điều kiện về lưới điện liên kết, cam kết của Việt Nam về giảm phát thải tại COP26.

Thực trạng phát triển nóng năng lượng tái tạo (NLTT) trong những năm vừa qua là chưa phù hợp với hạ tầng truyền tải của Việt Nam. Với hàng loạt đề xuất phát triển điện mặt trời, điện gió ngoài khơi tại các địa phương đang đặt ra cho Bộ Công Thương những thách thức lớn trong việc tính toán để NLTT phát triển bền vững, không để ảnh hưởng tiêu cực đến các nguồn điện còn lại.

Sẽ tối ưu phát triển năng lượng sạch?

Các địa phương đang để xuất phát triển 11.000 MW công suất điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Đánh giá về hiện trạng nguồn điện hiện nay, ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và NLTT – cho biết, công suất năm 2020 đạt khoảng 69,3 GW, hệ thống điện cơ bản đáp ứng nhu cầu phụ tải. Tốc độ tăng trưởng bình quân nguồn điện giai đoạn 2011-2020 tương đương 12,9%/năm, so với tốc độ tăng trưởng phụ tải bình quân gần 10%/năm.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn Anh cũng chỉ ra các tồn tại và thách thức đối với việc phát triển nguồn điện trong thời gian qua chưa phù hợp với sự phân bố và phát triển phụ tải. Miền Bắc dự phòng giảm dần do tốc độ tăng trưởng phụ tải ở mức cao tương đương 9%/năm, nhưng tăng trưởng nguồn điện chỉ đạt 4,7%/năm, dự phòng giảm xuống 31% năm 2020.

Ở miền Trung và miền Nam, tăng trưởng nguồn điện nhanh hơn nhiều tăng trưởng phụ tải, dự phòng tăng cao 237% tại miền Trung, 87% tại miền Nam. Do đó, dẫn tới tình trạng nghẽn mạch trên lưới truyền tải và cắt giảm công suất nguồn điện gió, điện mặt trời, do thời điểm điện mặt trời phát cao công suất truyền ngược ra phía Bắc gây quá tải liên kết Bắc – Trung.

Dự báo nhu cầu điện trong những năm tới, Cục Điện lực và NLTT thông tin, theo các chỉ tiêu dự báo phụ tải trong dự thảo Quy hoạch điện VIII đã bám sát và phù hợp với các chỉ tiêu chính của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, tốc độ tăng trưởng GDP trong kịch bản trung bình là 6,8% giai đoạn 2021-2025, 6,4% giai đoạn 2026-2030 và giảm dần về 5,5% giai đoạn 2041-2045.

Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Anh, định hướng phát triển nguồn điện theo quan điểm phát triển sau Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã có những thay đổi, cụ thể, sẽ được xem xét lại việc phát triển nhiệt điện than; Tập trung phát triển điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi (ĐGNK). Đồng thời, tính toán cân đối nguồn – tải theo vùng miền, hạn chế truyền tải điện đi xa. Đảm bảo dự phòng từng miền ở mức độ hợp lý, đặc biệt là ở miền Bắc.

Theo đó, quy mô công suất phát triển ĐGNK vào năm 2030 là 5.000 MW và năm 2045 là 41.000 MW. Để ĐGNK trở thành một cột trụ quan trọng trong công cuộc chuyển dịch năng lượng quốc gia, việc nhanh chóng phát triển nguồn điện này là hết sức cấp thiết nhằm hướng đến phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Do đó, việc cần làm hiện nay là xây dựng chính sách phát triển ĐGNK. Xây dựng lộ trình phát triển ĐGNK đến 2045. Đặc biệt, cần xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho ĐGNK.

Được biết, hiện nhiều địa phương trong cả nước đang đề xuất phát triển ĐGNK với Bộ Công Thương và Chính phủ, với tổng công suất lên tới hơn 110.000 MW. Chia sẻ về các tiêu chí lựa chọn dự án, ông Tuấn Anh cho hay, sẽ dựa vào mô hình tính toán cực tiểu, chi phí và kèm theo các ràng buộc như về lưới điện liên kết, cam kết của Việt Nam về giảm phát thải.

Cụ thể, tại mỗi vùng miền sẽ đưa ra cơ cấu nguồn điện trong từng giai đoạn. Trên cơ sở tính toán, quy mô có thể sẽ nhỏ hơn so với nhu cầu của một khu vực, nhưng đó là kết quả mô hình tính toán tối ưu mà quy hoạch đưa ra làm cơ sở lựa chọn.

P.V
https://petrotimes.vn/se-toi-uu-phat-trien-nang-luong-sach-637171.html