Posts

IEA & Kịch bản phát triển bền vững

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) khuyến cáo: Tăng cường tiết kiệm năng lượng, giảm phụ thuộc vào dầu mỏ, phát triển năng lượng tái tạo – hệ thống năng lượng toàn cầu phải nhanh chóng và đồng loạt thực hiện những điều đó để hạn chế biến đổi khí hậu.

Fatih Birol, Giám đốc điều hành IEA, khẳng định trong báo cáo thường niên ngày 13-11-2019: “Thế giới cần khẩn trương tập trung vào việc giảm khí thải toàn cầu. Điều này đòi hỏi một sự đoàn kết to lớn từ các chính phủ, giới đầu tư, doanh nghiệp và tất cả những người cam kết giải quyết biến đổi khí hậu”.

Fatih Birol, Giám đốc điều hành IEA.

Năm 2018, nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng đáng kể, kéo theo lượng khí thải CO2 tăng theo, xu hướng này có thể sẽ tiếp tục trong năm 2019.

Như mọi năm, IEA công bố một số kịch bản: Kịch bản thứ nhất ngoại suy về các chính sách năng lượng hiện có. Kịch bản thứ hai tính đến những thay đổi do các mục tiêu chính trị đưa ra trong tương lai, nhưng vẫn chưa đủ. Chỉ có kịch bản thứ ba cho thấy những gì nên được thực hiện để hạn chế lượng khí thải theo các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, nhằm ngăn chặn trái đất nóng lên không quá 2 độ C so với các mức của thời kỳ tiền công nghiệp. “Kịch bản phát triển bền vững này đòi hỏi những thay đổi nhanh chóng và rộng khắp trong toàn bộ hệ thống năng lượng, không có giải pháp đơn lẻ hay đơn giản nào để chuyển đổi các hệ thống năng lượng toàn cầu”, ông Fatih Birol nhấn mạnh.

Giả định rằng nhu cầu năng lượng vào năm 2040 thấp hơn so với hiện nay thông qua các nỗ lực tăng hiệu quả năng lượng. Nhưng việc tăng hiệu quả năng lượng không tiến triển đủ nhanh, IEA đã cảnh báo trong một báo cáo được công bố vào đầu tháng 11-2019. Theo đó, mức tăng của hiệu quả năng lượng chưa bao giờ chậm như năm 2018: Chỉ tăng 1,2%, thấp hơn mức 3% cần thiết.

Theo IEA, để đạt được các mục tiêu khí hậu đòi hỏi giảm sử dụng dầu mỏ và than, trong khi khí đốt phải tăng nhẹ trước khi bắt đầu giảm. Nhu cầu dầu mỏ phải giảm xuống còn 65 triệu thùng/ngày vào năm 2040, so với 97 triệu thùng/ngày vào năm 2018.

Mặt khác, điện phải phát triển và chiếm vị trí quan trọng nhất trong việc tiêu thụ năng lượng cuối cùng, để thay thế cho dầu mỏ vào năm 2040. Công suất điện lắp đặt mới chỉ nên dành cho các dự án năng lượng tái tạo – điện gió và điện mặt trời.

“Đưa hệ thống điện vào một con đường phát triển bền vững sẽ đòi hỏi nhiều hơn là chỉ lắp đặt thêm các nguồn năng lượng tái tạo”, IEA cảnh báo. IEA nhấn mạnh, trong năm 2019, các nguồn phát thải trong hệ thống năng lượng hiện tại, cụ thể là than, gây ô nhiễm cao, cần được tập trung giải quyết. Các nhà máy nhiệt điện than rất nhiều và chủ yếu mới mọc lên ở châu Á, có khả năng tiếp tục phát thải trong một thời gian dài.

Báo cáo công bố ngày 13-11-2019 của IEA tập trung vào vấn đề đó và xác định một số giải pháp. Đầu tiên là trang bị cho các nhà máy nhiệt điện than khả năng thu hồi và hấp thụ carbon. Nhưng công nghệ hiện tại làm được điều này vô cùng đắt đỏ, với 1 tỉ euro/gigawatt (GW). Thứ hai, các nhà máy nhiệt điện than chỉ nên giữ vai trò sản xuất bổ trợ để bảo đảm tính linh hoạt của hệ thống điện. Triệt để hơn là đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than sớm hơn dự kiến.

Trong kịch bản bền vững, hầu hết 2.080 GW công suất điện than hiện tại của thế giới sẽ phải tuân thủ một trong những giải pháp trên, đó là cảnh báo của IEA.

Theo IEA, để đạt được các mục tiêu khí hậu đòi hỏi giảm sử dụng dầu mỏ và than, trong khi khí đốt phải tăng nhẹ trước khi bắt đầu giảm. Nhu cầu dầu mỏ phải giảm xuống còn 65 triệu thùng/ngày vào năm 2040, so với 97 triệu thùng/ngày vào năm 2018.

Theo S.P

https://nangluongquocte.petrotimes.vn/iea-kich-ban-phat-trien-ben-vung-556029.html

Thấy gì trong chính sách điện gió, mặt trời thay thế thủy điện ở Campuchia?

Trong khi Lào muốn trở thành trung tâm năng lượng ở Đông Nam Á với việc đẩy mạnh xây dựng đập thủy điện, thì Campuchia lại chú trọng phát triển năng lượng tái tạo (gió, mặt trời). Theo đó, quốc gia này chủ trương không xây dựng thêm nhà máy thủy điện dọc sông Mê Kông.

Nhu cầu điện tại Campuchia đang tăng mạnh đến mức “không thể đáp ứng nổi”. Năm 2019, lượng điện tiêu thụ quốc gia này đạt mức cao nhất trong lịch sử (tăng 32% so với mức tăng 16% của năm ngoái).

Tổng giám đốc Công ty Điện lực Campuchia (EDC) Keo Rattanak cho biết: Campuchia sẽ tăng đầu tư cho điện mặt trời thêm 12% vào cuối năm 2020 và tăng 20% tổng đầu tư cho ngành này trong ba năm tới.

Đa dạng hóa nguồn năng lượng

Trong mấy năm trở lại đây, đầu tư cho năng lượng mặt trời liên tục tăng tại Campuchia nhờ đầu tư nước ngoài và các ngân hàng quốc tế cho vay phát triển các trang trại điện mặt trời.

Giữa năm nay, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã thông qua khoản cho vay 7,64 triệu USD để hỗ trợ xây dựng công viên điện mặt trời có công suất 100 MW tại Campuchia.

ADB tin tưởng rằng, động thái trên sẽ giúp Campuchia phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đa dạng hóa nguồn năng lượng, cũng như cải thiện tính cạnh tranh của nền kinh tế.

Dự án Công viên Mặt trời Quốc gia sẽ nhận 11 triệu USD vốn vay và 3 triệu USD tài trợ từ Quỹ chiến lược khí hậu, đặc biệt thông qua Chương trình thúc đẩy năng lượng tái tạo.

Nguồn năng lượng tái tạo dồi dào

Trong báo cáo mới công bố, chuyên gia về biến đổi khí hậu hàng đầu của ADB Pradeep Tharakan cho biết: Phát triển nguồn năng lượng bền vững, giá thành đầu tư vừa phải và dồi dào như năng lượng mặt trời là vấn đề sống còn đối với tăng trưởng kinh tế của Campuchia.

Tuy vậy, sản lượng điện mặt trời mới chỉ đạt 10 MW, so với mức công suất 1.330 MW từ thủy điện, chiếm 62% nguồn cung điện tại Campuchia.

Quy định mới về điện mặt trời được EDC công bố đầu năm nay là đòn bẩy tích cực đối với phát triển điện mặt trời trong tương lai. Trong khi thủy điện sẽ gặp khó bởi lượng nước tại các đập xuống thấp vì hạn hán kéo dài.

Công ty Năng lượng Tái tạo Cleantech Solar, có trụ sở tại Singapore, hồi đầu năm nay đã thử nghiệm dự án năng lượng mặt trời tại Campuchia với công suất 9,8 MW, trong đó các tấm pin nổi trên mặt nước có công suất 2,8 MW sẽ sớm cấp điện cho Nhà máy ximăng Chip Mong Insee Cement Corp (CMIC) của Campuchia.

Theo CMIC, dự án năng lượng mặt trời nổi này có thể giảm chi phí vận hành đồng thời giảm tình trạng bay hơi nước.

Năng lượng từ gió cũng là giải pháp được Campuchia tính đến. Tuy nhiên, điện gió ở đây mới chỉ trong giai đoạn khởi đầu và chỉ có một công ty tham gia – đó là Blue Circle Pte Ltd có trụ sở tại Singapore.

Tháng 11/2019, Blue Circle đã bàn thảo với Chính phủ Campuchia về kế hoạch xây dựng một trang trại điện gió tại tỉnh Kampot, miền Nam nước này.

Blue Circle gần đây cũng đã hoàn thành nghiên cứu khả thi dự án điện gió ở tỉnh Mondulkiri, phía Đông Campuchia.

Với kế hoạch lắp đặt ít nhất 10 tua bin gió trên núi Bokor thuộc tỉnh Kampot, dự án này dự kiến đạt công suất 80 MW.

Trả lời tờ Capital Cambodia, Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (thuộc Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchia) Victor Jona cho biết: Trong cuộc gặp giữa Bộ này và The Blue Circle ngày 19/11 vừa qua, dự án của The Blue Circle tại Kampot đã được thông qua.

Hiện Công ty này đang xác định ngày đàm phán với EDC về giá bán điện. Dự án khi đi vào khai thác sẽ cung cấp điện cho khoảng 180.000 hộ gia đình ở Kampot.

The Blue Circle tính toán rằng, họ có thể phát triển điện gió tại Campuchia với công suất hơn 250 MW trong thời gian ngắn nhất có thể trước khi hướng tới mục tiêu tăng thêm 500 MW trong những năm tới.

Tại Việt Nam, dự án điện gió của The Blue Circle – Nhà máy điện gió Đầm Nại tại thôn Láng Me, xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận phải mất ba năm – từ lúc lên khung tới hoàn tất xây dựng.

Thủy điện bộc lộ nhiều điểm yếu?

Một trong những thiệt hại lớn nhất do các dự án thủy điện dọc sông Mê kông gây ra là tác động tới hệ sinh thái, môi trường, kéo theo đó là ảnh hưởng tới sinh kế của người dân và nền văn hóa dọc con sông này.

Theo The Isaan Record, một tổ chức truyền thông ở Đông Bắc Thái Lan, người dân sống dọc sông Mê Kông phụ thuộc vào nghề đánh bắt để mưu sinh và đây là một phần văn hóa của họ từ thời xa xưa.

Nguồn cá dồi dào ở lưu vực sông Mê Kông từng là nguồn thức ăn, đồng thời mang lại thu nhập tốt cho người Lào và người Thái Lan sống hai bên bờ con sông này.

Tuy nhiên, với việc xây dựng các đập thủy điện và tình hình hạn hán kéo dài hiện nay, người dân sống bằng nghề đánh bắt cá tại đây lâm vào cảnh khó khăn.

Ủy ban Sông Mê Kông (MRC) cho biết, giao thông đường thủy trên sông này đang bị ảnh hưởng do mực nước thấp, khiến nhiều tàu bè phải thay đổi lộ trình.

MRC tiếp tục kêu gọi các nước có dự án đập thủy điện trên sông Mê Kông tính toán lại quy hoạch và dự án thủy điện.

Trong bối cảnh thủy điện bộc lộ nhiều yếu điểm như vậy, các chuyên gia nhận định, việc Campuchia chuyển hướng sang đa dạng hóa nguồn điện từ năng lượng tái sinh và không xây thêm đập thủy điện dọc sông Mê Kông là bước đi vô cùng hợp lý, giúp bảo vệ môi trường sinh thái và gìn giữ nền văn hóa gắn liền với dòng sông này của người dân.

Nguồn: TTXVN
http://nangluongvietnam.vn/news/vn/nhan-dinh-phan-bien-kien-nghi/thay-gi-trong-chinh-sach-dien-gio-mat-troi-thay-the-thuy-dien-o-campuchia.html

Sử dụng năng lượng mặt trời có nhược điểm không?

Năng lượng mặt trời mang lại rất nhiều lợi ích cho sinh hoạt, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh, song không ít người vẫn đặt câu hỏi: năng lượng mặt trời có nhược điểm không?

Trên thực tế, năng lượng mặt trời cũng có những nhược điểm đang cần được khắc phục.

  1. Sử dụng năng lượng mặt trời: Chi phí cao

Đây có lẽ là vấn đề gây tranh cãi nhất trong việc sử dụng nguồn năng lượng mặt trời. Việc lưu trữ năng lượng mặt trời tại các hộ gia đình đòi hỏi khoản chi phí khá cao ở giai đoạn ban đầu. Vì vậy, trên thế giới nhiều quốc gia đã khuyến khích việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch bằng cách cho vay tín dụng để thực hiện hoặc cho thuê pin mặt trời với những điều khoản có lợi cho người thuê.

Bên cạnh đó, hiện giá của ắc quy tích trữ điện mặt trời còn khá cao so với khả năng chi trả của đại đa số người dân. Do đó, ở thời điểm hiện tại, năng lượng mặt trời chưa có khả năng trở thành nguồn điện duy nhất của các hộ gia đình mà chỉ có thể là nguồn bổ sung cho điện lưới và các nguồn năng lượng khác.

  1. Năng lượng mặt trời không ổn định

Vào ban đêm hay những ngày nhiều mây và mưa, khi không có ánh sáng mặt trời, nguồn năng lượng mặt trời sẽ không được ổn định. Song, so với điện gió, năng lượng mặt trời vẫn là một lựa chọn có nhiều ưu thế.

  1. Điện mặt trời vẫn gây ảnh hưởng tới môi trường

So với các loại năng lượng khác, năng lượng mặt trời vẫn thân thiện với môi trường hơn, nhưng một số quy trình công nghệ để chế tạo các tấm pin mặt trời vẫn phát thải các loại khí nhà kính, hexaflorua lưu huỳnh và nitơ trifluoride. Ở quy mô lớn, việc lắp đặt những cánh đồng pin mặt trời cũng cần những diện tích đất nhẽ ra được dành cho cây cối và thảm thực vật nói chung.

  1. Sử dụng nhiều nguyên liệu quý hiếm và đắt tiền

Ngày nay, việc sản xuất các tấm pin mặt trời đòi hỏi phải sử dụng cadmium telluride (CdTe) hoặc gallium selenide indi (CIGS) – những nguyên liệu rất quý hiếm và đắt tiền, điều này dẫn đến sự gia tăng chi phí.

  1. Mật độ năng lượng không cao

Một trong những thông số quan trọng của nguồn điện mặt trời là mật độ công suất trung bình, được đo bằng W/m2 và được mô tả bằng lượng điện năng có thể thu được từ một đơn vị diện tích nguồn năng lượng. Chỉ số này đối với điện mặt trời là 170 W/m2 – nhiều hơn các nguồn năng lượng tái tạo khác, nhưng thấp hơn dầu, khí, than và điện hạt nhân. Vì lý do này, để tạo ra 1kW điện từ nhiệt năng mặt trời đòi hỏi một diện tích khá lớn của các tấm pin mặt trời.

VNCPC

Năng lượng mặt trời: Những điều cần biết

Năng lượng mặt trời cung cấp nguồn điện sạch phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong thế kỷ 21, khi nguồn nhiên liệu hóa thạch và dầu mỏ ngày càng cạn kiệt. Dưới đây chính là những điều cần biết về năng lượng mặt trời.

Ưu điểm của năng lượng mặt trời

  1. Có khả năng tái tạo

Năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo. Theo tính toán của NASA, mặt trời còn có thể cung cấp năng lượng cho chúng ta trong khoảng 6,5 tỉ năm nữa.

  1. Luôn dồi dào

Tiềm năng của năng lượng mặt trời là rất lớn – mỗi ngày, bề mặt trái đất được hưởng 120.000 terawatts (TW) của ánh sáng mặt trời, cao gấp 20.000 lần so với nhu cầu của con người trên toàn thế giới (1TW = 1.000 tỉ W).

  1. Nguồn cung bền vững và vô tận

Năng lượng mặt trời là vô tận, dư thừa để đáp ứng nhu cầu về năng lượng của nhân loại, đủ dùng cho rất nhiều thế hệ về sau.

  1. Tính khả dụng cao

Năng lượng mặt trời có thể được tiếp nhận và sử dụng ở mọi nơi trên thế giới – không chỉ ở vùng gần xích đạo mà còn ở các nơi có vĩ độ cao thuộc phía bắc và phía nam bán cầu. Hiện nay, Đức là quốc gia chiếm vị trí hàng đầu thế giới về việc sử dụng năng lượng mặt trời và đang có kế hoạch tận dụng tối đa nguồn năng lượng dồi dào này.

  1. Bảo vệ môi trường

Việc sản xuất, vận chuyển, lắp đặt và vận hành các nhà máy điện mặt trời về cơ bản không phát thải các loại khí độc hại vào khí quyển. Ngay cả khi có phát thải một lượng nhỏ thì so sánh với các nguồn năng lượng truyền thống, lượng khí này là không đáng kể.

  1. Không gây tiếng ồn

Khi sản xuất năng lượng mặt trời không sử dụng các loại động cơ như trong máy phát điện, vì vậy việc tạo ra điện không làm phát sinh tiếng ồn.

  1. Hiệu quả cao, chi phí hoạt động thấp

Chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời, các hộ gia đình sẽ có được một khoản tiết kiệm đáng kể. Việc bảo trì, duy tu hệ thống cung cấp năng lượng mặt trời cho hộ gia đình trong một năm cần chi phí rất thấp. Theo đó, bạn chỉ cần một vài lần lau chùi sạch các tấm pin năng lượng mặt trời và chúng luôn được các nhà sản xuất bảo hành trong khoảng thời gian lên tới 20-25 năm.

  1. Áp dụng rộng rãi

Năng lượng mặt trời có thể cung cấp điện tại các khu vực không có kết nối với lưới điện quốc gia (ngay cả ở những quốc gia đã phát triển như Mỹ, Nga, Pháp… hiện cũng vẫn có những nơi được gọi là “điểm mù về điện” ở vùng sâu, vùng xa). Năng lượng mặt trời còn được dùng để khử muối trong nước biển ở nhiều quốc gia châu Phi khan hiếm nước ngọt. Thậm chí, các vệ tinh trên quỹ đạo trái đất cũng được sử dụng bằng nguồn năng lượng mặt trời.

Gần đây, điện mặt trời còn được gọi là “năng lượng toàn dân” nhờ sự đơn giản của việc tích hợp điện mặt trời vào hệ thống cung cấp điện dân dụng, song song với điện lưới hoặc điện từ các nguồn cung khác.

  1. Công nghệ liên tục được cải tiến

Công nghệ sản xuất pin mặt trời mỗi ngày một tiến bộ hơn – mô-đun màng mỏng được đưa trực tiếp vào vật liệu ngay từ giai đoạn sơ chế ban đầu. Một tập đoàn lớn của Nhật Bản cũng là một nhà sản xuất pin mặt trời, vừa giới thiệu một hệ thống sáng tạo các yếu tố lưu trữ năng lượng cho kính cửa sổ. Những thành tựu mới nhất trong lĩnh vực công nghệ nano và vật lý lượng tử cũng cho phép chúng ta kỳ vọng về khả năng tăng công suất của các tấm pin mặt trời lên gấp 3 lần so với hiện nay.

VNCPC