Posts

Màn hình tinh thể lỏng và những nguy cơ rò rỉ hóa chất độc hại

Theo nghiên cứu mới đây nhất tại Mỹ cho thấy, các màn hình tinh thể lỏng đã rò rỉ hóa chất ra môi trường sau quá trình sử dụng.

Nghiên cứu trên được công bố trên tạp chí Kỷ yếu Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Hoa kỳ mới đây đã khẳng định, chưa biết đây có phải là vấn đề rắc rối không, nhưng chúng tôi biết rằng mọi người đang bị phơi nhiễm (với các hóa chất rò rỉ – PV), và những hóa chất này có khả năng gây hại.

Trong nghiên cứu này, nhóm khoa học đã thu thập các mẫu bụi tại 7 tòa nhà tại Trung Quốc gồm quán ăn tự phục vụ, ký túc xá sinh viên, lớp học, khách sạn, nhà, phòng thí nghiệm và một cửa hàng sửa chữa đồ điện tử.


Màn hình tinh thể lỏng có thể gây rò rỉ hóa chất độc hại gây hại sức khỏe con người. Ảnh minh họa

Gần một nửa trong số 53 mẫu bụi kiểm tra cho kết quả dương tính với các hạt tinh thể lỏng, vốn là phần phải được bịt kín hoàn toàn bên trong màn hình sau khi sản xuất. Các hạt tinh thể lỏng thậm chí còn được tìm thấy trong cả những mẫu bụi thu thập ở những nơi mà tại thời điểm thu thập không có các thiết bị LCD.

Nhóm nghiên cứu quốc tế đã phân tích 362 loại vật liệu hóa chất được sử dụng trong công nghệ sản xuất màn hình tinh thể lỏng và nhận thấy gần 100 loại có khả năng là chất độc hại. Những hạt này không phân rã nhanh và có khả năng di chuyển linh động trong môi trường.

Cũng theo nghiên cứu, khi hít phải hay ăn vào, các hạt tinh thể này có thể tích tụ lại theo thời gian trong cơ thể, gây hại cho sức khỏe, tiềm ẩn khả năng gây ra các bệnh về tiêu hóa cũng như những trục trặc sức khỏe khác.

Thông tin thêm về vụ nghiên cứu, ông John Giesy – chủ trì nghiên cứu, chuyên gia về lĩnh vực chất độc hại trong môi trường của Đại học Saskatchewan (Canada) – cho biết: “Những hóa chất này là loại bán dung dịch, có thể xâm nhập môi trường tại bất cứ thời điểm nào trong quá trình sản xuất, tái chế. Chúng cũng sẽ bốc hơi khi bị đốt nóng”.

Bản thân nghiên cứu này chưa thể đánh giá chi tiết những hậu quả tiêu cực cụ thể với sức khỏe con người ở tình huống các tinh thể lỏng tích tụ lại bên trong cơ thể theo thời gian. Họ chỉ mới dừng ở kết luận trên thực tế, các tinh thể lỏng đã rò rỉ từ những thiết bị sử dụng công nghệ LCD ngay trong điều kiện sử dụng bình thường và các thành phần hóa chất bị rò rỉ đó có khả năng gây hại cho sức khỏe con người.

Các kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã chứng minh các chất độc hại có trong điện thoại cũng tương tự như chất chống cháy. Đây là những chất đã được chứng minh là độc hại với cơ thể sống, gây trục trặc hệ tiêu hóa của động vật và ngăn cản hấp thụ dinh dưỡng. Chúng cũng gây rối loạn hoạt động của túi mật và tuyến giáp.

Vì lẽ đó, theo tác giả chủ trì nghiên cứu Giesy, nhiệm vụ đặt ra tiếp theo với họ là hiểu và làm rõ ảnh hưởng của những hóa chất rò rỉ từ màn hình LCD với sức khỏe con người, vật nuôi và môi trường.

Nói tới màn hình tinh thể lỏng, các nhà nghiên cứu cho biết, công nghệ màn hình tinh thể lỏng (LCD) đã và đang được ứng dụng rất phổ biến trong các thiết bị như điện thoại thông minh, tivi, máy tính bảng và thậm chí là các tấm thu điện mặt trời.

LCD là một loại vật chất phản xạ ánh sáng khi điện thế thay đổi. Nó hoạt động dựa trên nguyên tắc ánh sáng nền (Back Light). Nó bao gồm một lớp chất lỏng nằm giữa 2 lớp kiếng phân cực ánh sáng.

Bình thường, khi không có điện áp, các tinh thể này được xếp thẳng hàng giữa hai lớp cho phép ánh sáng truyền qua theo hình xoắn ốc. Hai bộ lọc phân cực, 2 bộ lọc màu và 2 bộ cân chỉnh sẽ xác định cường độ ánh sáng đi qua và màu nào được tạo ra trên một pixel. Khi có điện áp cấp vào, lớp canh chỉnh sẽ tạo một vùng điện tích, canh chỉnh lại các tinh thể lỏng đó. Nó không cho phép ánh sáng đi qua để hiện thị lên hình ảnh tại vị trí điểm ảnh đó. Các điểm ảnh trong màn hình LCD là một transistor cực nhỏ ở 1 trong 2 chế độ cho phép ánh sáng đi qua hoặc không. Điểm ảnh bao gồm 3 yếu tố màu: đỏ, xanh lá, xanh dương.

Các màn hình LCD trước đây thường tiêu thụ điện năng nhiều, độ tương phản thấp cho đến khi các nhà khoa học người Anh tìm ra “Biphenyl” – vật liệu chính của tinh thể lỏng, thì LCD mới thực sự phổ biến. LCD xuất hiện đầu tiên trong các máy tính cầm tay, trò chơi điện tử cầm tay, đồng hồ điện tử, … LCD ngày nay được thiết kế nhỏ gọn, nhẹ, chiếm ít không gian, chất lượng hình ảnh tốt, tiêu thụ ít năng lượng và đang thay thế dần màn hình CRT truyền thống.

An Dương (T/h)
http://vietq.vn/man-hinh-tinh-the-long-va-nhung-nguy-co-ro-ri-hoa-chat-doc-hai-d168146.html

Các nguyên tắc an toàn cần nhớ khi tiếp xúc với hóa chất

Hầu hết các ngành sản xuất đều có sử dụng hóa chất. Vì vậy, để đảm bảo an toàn khi tiếp xúc với hóa chất, bạn chớ bỏ qua các nguyên tắc dưới đây.

Vì sao phải đảm bảo an toàn khi tiếp xúc với hóa chất?

Làm việc với hóa chất dù là trực tiếp hay gián tiếp đều khó tránh khỏi tình trạng bị nhiễm độc mạn tính. Tức là nhiễm độc sẽ xảy ra từ từ, mỗi ngày một ít, nhưng đến một lúc nào đó, lượng chất độc tích tụ vượt quá khả năng tự đào thải của cơ thể sẽ sinh bệnh, có thể dẫn đến suy giảm chức năng hô hấp, chức năng gan, viêm và thoái hóa da, thậm chí ung thư… Đặc biệt là khi tiếp xúc với một số sản phẩm hóa chất dễ cháy như cồn công nghiệp, cồn dược phẩm…

Trường hợp khác có thể xảy ra những rủi ro hay tai nạn khi bị chất độc hại bắn vào da, vào mặt, vào mắt trong khi làm việc. Để hạn chế những rủi ro không đáng có, khi làm việc với hóa chất như cân, đong, nghiền trộn, đóng gói, làm thí nghiệm, xét nghiệm… phải thận trọng và tuân thủ tuyệt đối theo những nguyên tắc nhất định như: mặc bảo hộ lao động để tránh hóa chất bắn vào người hoặc quần áo.

Làm việc với hóa chất luôn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn.

Nguyên tắc an toàn khi làm việc với hóa chất

Hóa chất trong các ngành công nghiệp khác nhau đều có tính độc hại khác nhau. Do đó, người lao động cần nắm vững những nguyên tắc an toàn lao động khi làm việc với hóa chất, đặc biệt là những hóa chất dễ cháy nổ, độc hại nằm trong danh mục của nhà nước.

Dưới đây là các nguyên tắc cơ bản để đảm bảo an toàn khi làm việc với hóa chất:

– Luôn luôn mặc đồ bảo hộ và kiểm tra chúng cẩn thận để đảm bảo an toàn trước khi sử dụng. Hãy loại bỏ những bộ đồ bảo hộ đã bị hỏng, rách vì chúng sẽ không đáp ứng được yêu cầu bảo vệ.

– Tuân thủ các quy định đã được ban hành và thực hiện nhiệm vụ như đã được đào tạo.

– Tìm hiểu về các thủ tục và thiết bị khẩn cấp. Sự hiểu biết các thủ tục khẩn cấp có nghĩa là biết cách sơ tán, biết cách báo cáo khẩn cấp và cách để đối phó với hỏa hoạn và sự cố rò rỉ, cũng như biết cách sơ cấp cứu khi đồng nghiệp bị thương trong các sự cố.

– Hãy thận trọng và lên kế hoạch trước. Hãy suy nghĩ về những tình huống xấu có thể xảy ra và chú ý tới những gì đang làm trong quá trình làm việc.

– Lưu trữ tất cả nguyên vật liệu một cách thích hợp, tách riêng những vật liệu dễ kết hợp với nhau gây cháy nổ, và lưu trữ trong khu vực khô, thông thoáng, mát mẻ.

– Đọc kỹ nhãn mác và bảng dữ liệu an toàn của vật liệu (MSDS) trước khi sử dụng bất cứ vật liệu nào để chắc chắn rằng bạn hiểu biết về các nguy cơ và biện pháp phòng ngừa.

– Đảm bảo mọi thùng chứa đã được dán nhãn và hóa chất được chứa trong thùng thích hợp. Đừng sử dụng khi hóa chất không được chứa đựng hay dán nhãn thích hợp. Báo cáo ngay với người quản lý về các thùng chứa bị hỏng hay nhãn trên thùng không đọc được.

– Giữ gìn cơ thể và nơi làm việc sạch sẽ. Sau khi tiếp xúc với bất kỳ hóa chất nào, hãy rửa với xà phòng và nước. Lau chùi bề mặt nơi làm việc ít nhất một lần trong ca làm việc để giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm.

– Sử dụng hóa chất đúng mục đích.

– Không được ăn uống khi đang làm việc với hóa chất và nếu tay của bạn bị dính hóa chất không nên sử dụng mỹ phẩm hay sờ lên mặt, lên mắt.

Các quy định của pháp luật về an toàn hóa chất

Tại Thông tư số 13/2016/TT-BLĐTBXH ngày 16 tháng 6 năm 2016 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội: Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động liên quan tới hóa chất có nếu: Những người trực tiếp sản xuất, sử dụng, bảo quản, vận chuyển hóa chất nguy hiểm, độc hại theo phân loại của Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất phải tham gia huấn luyện ATVSLĐ.

Quy định tại Nghị định 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 cũng nêu rõ:

• Tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất có trách nhiệm tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất hoặc cử các đối tượng được quy định tại Điều 32 của Nghị định này tham gia các khóa huấn luyện của các tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất, định kỳ 02 năm một lần.

• Hoạt động huấn luyện an toàn hóa chất có thể được tổ chức riêng hoặc kết hợp với các hoạt động huấn luyện an toàn khác được pháp luật quy định.

• Người đã được huấn luyện phải được huấn luyện lại trong các trường hợp sau đây: Khi có sự thay đổi chủng loại hóa chất, công nghệ, cơ sở vật chất, phương án sản xuất liên quan đến vị trí làm việc; khi người đã được huấn luyện thay đổi vị trí làm việc; sau 02 lần kiểm tra người đã được huấn luyện không đạt yêu cầu; khi hết thời hạn 02 năm từ kể từ lần huấn luyện trước.

VNCPC (Tổng hợp)