Các nguyên tắc an toàn cần nhớ khi tiếp xúc với hóa chất

Hầu hết các ngành sản xuất đều có sử dụng hóa chất. Vì vậy, để đảm bảo an toàn khi tiếp xúc với hóa chất, bạn chớ bỏ qua các nguyên tắc dưới đây.

Vì sao phải đảm bảo an toàn khi tiếp xúc với hóa chất?

Làm việc với hóa chất dù là trực tiếp hay gián tiếp đều khó tránh khỏi tình trạng bị nhiễm độc mạn tính. Tức là nhiễm độc sẽ xảy ra từ từ, mỗi ngày một ít, nhưng đến một lúc nào đó, lượng chất độc tích tụ vượt quá khả năng tự đào thải của cơ thể sẽ sinh bệnh, có thể dẫn đến suy giảm chức năng hô hấp, chức năng gan, viêm và thoái hóa da, thậm chí ung thư… Đặc biệt là khi tiếp xúc với một số sản phẩm hóa chất dễ cháy như cồn công nghiệp, cồn dược phẩm…

Trường hợp khác có thể xảy ra những rủi ro hay tai nạn khi bị chất độc hại bắn vào da, vào mặt, vào mắt trong khi làm việc. Để hạn chế những rủi ro không đáng có, khi làm việc với hóa chất như cân, đong, nghiền trộn, đóng gói, làm thí nghiệm, xét nghiệm… phải thận trọng và tuân thủ tuyệt đối theo những nguyên tắc nhất định như: mặc bảo hộ lao động để tránh hóa chất bắn vào người hoặc quần áo.

Làm việc với hóa chất luôn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn.

Nguyên tắc an toàn khi làm việc với hóa chất

Hóa chất trong các ngành công nghiệp khác nhau đều có tính độc hại khác nhau. Do đó, người lao động cần nắm vững những nguyên tắc an toàn lao động khi làm việc với hóa chất, đặc biệt là những hóa chất dễ cháy nổ, độc hại nằm trong danh mục của nhà nước.

Dưới đây là các nguyên tắc cơ bản để đảm bảo an toàn khi làm việc với hóa chất:

– Luôn luôn mặc đồ bảo hộ và kiểm tra chúng cẩn thận để đảm bảo an toàn trước khi sử dụng. Hãy loại bỏ những bộ đồ bảo hộ đã bị hỏng, rách vì chúng sẽ không đáp ứng được yêu cầu bảo vệ.

– Tuân thủ các quy định đã được ban hành và thực hiện nhiệm vụ như đã được đào tạo.

– Tìm hiểu về các thủ tục và thiết bị khẩn cấp. Sự hiểu biết các thủ tục khẩn cấp có nghĩa là biết cách sơ tán, biết cách báo cáo khẩn cấp và cách để đối phó với hỏa hoạn và sự cố rò rỉ, cũng như biết cách sơ cấp cứu khi đồng nghiệp bị thương trong các sự cố.

– Hãy thận trọng và lên kế hoạch trước. Hãy suy nghĩ về những tình huống xấu có thể xảy ra và chú ý tới những gì đang làm trong quá trình làm việc.

– Lưu trữ tất cả nguyên vật liệu một cách thích hợp, tách riêng những vật liệu dễ kết hợp với nhau gây cháy nổ, và lưu trữ trong khu vực khô, thông thoáng, mát mẻ.

– Đọc kỹ nhãn mác và bảng dữ liệu an toàn của vật liệu (MSDS) trước khi sử dụng bất cứ vật liệu nào để chắc chắn rằng bạn hiểu biết về các nguy cơ và biện pháp phòng ngừa.

– Đảm bảo mọi thùng chứa đã được dán nhãn và hóa chất được chứa trong thùng thích hợp. Đừng sử dụng khi hóa chất không được chứa đựng hay dán nhãn thích hợp. Báo cáo ngay với người quản lý về các thùng chứa bị hỏng hay nhãn trên thùng không đọc được.

– Giữ gìn cơ thể và nơi làm việc sạch sẽ. Sau khi tiếp xúc với bất kỳ hóa chất nào, hãy rửa với xà phòng và nước. Lau chùi bề mặt nơi làm việc ít nhất một lần trong ca làm việc để giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm.

– Sử dụng hóa chất đúng mục đích.

– Không được ăn uống khi đang làm việc với hóa chất và nếu tay của bạn bị dính hóa chất không nên sử dụng mỹ phẩm hay sờ lên mặt, lên mắt.

Các quy định của pháp luật về an toàn hóa chất

Tại Thông tư số 13/2016/TT-BLĐTBXH ngày 16 tháng 6 năm 2016 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội: Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động liên quan tới hóa chất có nếu: Những người trực tiếp sản xuất, sử dụng, bảo quản, vận chuyển hóa chất nguy hiểm, độc hại theo phân loại của Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất phải tham gia huấn luyện ATVSLĐ.

Quy định tại Nghị định 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 cũng nêu rõ:

• Tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất có trách nhiệm tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất hoặc cử các đối tượng được quy định tại Điều 32 của Nghị định này tham gia các khóa huấn luyện của các tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất, định kỳ 02 năm một lần.

• Hoạt động huấn luyện an toàn hóa chất có thể được tổ chức riêng hoặc kết hợp với các hoạt động huấn luyện an toàn khác được pháp luật quy định.

• Người đã được huấn luyện phải được huấn luyện lại trong các trường hợp sau đây: Khi có sự thay đổi chủng loại hóa chất, công nghệ, cơ sở vật chất, phương án sản xuất liên quan đến vị trí làm việc; khi người đã được huấn luyện thay đổi vị trí làm việc; sau 02 lần kiểm tra người đã được huấn luyện không đạt yêu cầu; khi hết thời hạn 02 năm từ kể từ lần huấn luyện trước.

VNCPC (Tổng hợp)