Mỹ đang mất phương hướng và tụt hậu trong phát triển năng lượng tái tạo?

Vào cuối tháng 9/2020, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố Trung Quốc sẽ giảm mức tối đa lượng khí thải vào năm 2030 và trung hòa carbon trước năm 2060.

Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc sẽ phải mở rộng thị trường nội địa cho các công nghệ năng lượng sạch, trong đó nhiều công nghệ được Trung Quốc tự sản xuất. Trung Quốc cũng hy vọng sẽ thúc đẩy các quốc gia khác tích cực hơn trong việc giảm phát thải, kêu gọi tham gia “Green Revolution”. Chính những quốc gia này cũng có thể là thị trường tốt cho công nghệ Trung Quốc. Nhờ những sáng kiến này, Trung Quốc hiện đang giành chiến thắng trong cuộc đua toàn cầu nhằm phát minh và sản xuất các công nghệ cho một thế giới low-carbon mới.

Với lĩnh vực công nghệ cao phát triển mạnh mẽ và lượng đầu tư tư nhân dồi dào, Mỹ có vị thế tốt để cạnh tranh, nhưng lại có nguy cơ tụt hậu. Hiện tại, Mỹ vẫn đang dựa vào sự bùng nổ năng lượng trên cơ sở cách mạng dầu đá phiến và dựa trên cách tiếp cận truyền thống để đổi mới năng lượng.

Hệ thống năng lượng của thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Thập kỷ qua đã chứng kiến ​​sự tăng trưởng theo cấp số nhân trong việc sử dụng năng lượng gió và năng lượng mặt trời để sản xuất điện. Một số mốc quan trọng của quá trình chuyển đổi này đã được biết đến như vào năm 2019, mức tiêu thụ từ các nguồn năng lượng tái tạo đã vượt qua việc sử dụng than ở Hoa Kỳ lần đầu tiên sau hơn 130 năm.


Biểu đồ 1: So sánh tiêu dùng nhiên liệu than và năng lượng tái tạo của Mỹ từ năm 1776 – 2019.

Ở Anh và Tây Ban Nha, nhiệt điện than gần như bị loại bỏ, trong khi các nguồn năng lượng tái tạo đã vượt mức tiêu thụ điện năng của Đức. Tuy quá trình chuyển đổi này vẫn chưa diễn ra ở khắp mọi nơi, nhưng nó đang diễn ra nhanh chóng và ngày càng lan rộng. Mặc dù vậy, so với những thách thức to lớn của việc đối phó với biến đổi khí hậu thì quá trình chuyển đổi này diễn ra khá chậm chạp.

Trung Quốc đã nổi lên là nhà cung cấp hàng đầu của quá trình chuyển đổi này. Vào năm 2018, các công ty Trung Quốc chiếm hơn 1/3 thị phần sản xuất tuabin gió trên thế giới. Năm 2019, Trung Quốc đã xây dựng hơn 70% công suất quang điện mặt trời trên thế giới. Trong lĩnh vực xe điện, ảnh hưởng của Trung Quốc thậm chí còn lớn hơn với sở hữu 3/4 năng lực sản xuất tế bào pin lithium ion trên thế giới và thậm chí còn kiểm soát chuỗi cung ứng trước khi lắp ráp cuối cùng. Trong số 3 công nghệ năng lượng xanh lớn đang phát triển trên khắp thế giới, 2 công nghệ phần lớn được sản xuất tại Trung Quốc.

Châu Âu cũng đang chú ý đến thị trường đang phát triển này. Các nước châu Âu phụ thuộc vào năng lượng mặt trời và năng lượng gió nhiều hơn hết các nước khác trên thế giới và các nhà sản xuất châu Âu nổi bật về năng lượng gió. Liên minh châu Âu đã công bố Chiến lược pin nhằm tạo ra một chuỗi giá trị sản xuất cạnh tranh ở châu Âu cho các công nghệ pin bền vững, và Europe’s Green Deal rõ ràng không chỉ là một chiến lược môi trường mà còn là một chiến lược công nghiệp. Ngoài việc khử carbon trong hệ thống năng lượng của lục địa, Green Deal hướng tới việc phát triển các ngành công nghiệp cần thiết. Để làm như vậy, cần đặc biệt tập trung vào hydro, một trong những mục tiêu lớn của EU và là lĩnh vực kỳ vọng sẽ được EU dẫn đầu.


Biểu đồ 2: Điện gió và điện mặt trời của các nước trên thế giới năm 2019.

Trung Quốc trong bối cảnh này đương nhiên sẽ trở thành đối tác được lựa chọn của bất kỳ quốc gia nào muốn giảm phát thải khí nhà kính. Bên đặt hàng sẽ không quan tâm nhiều đến việc nguyên liệu có nguồn gốc như thế nào hoặc liệu việc khai thác chúng có ảnh hưởng thế nào đến hệ thống chính trị. Trung Quốc cũng sẽ có thể kiểm soát các chuỗi cung ứng và can thiệp vào chuỗi cung ứng khi thuận tiện về mặt chính trị. Mỹ có thể sẽ phải đứng ngoài chuỗi hoạt động này nếu không thực sự xắn tay tham gia trực tiếp vào quá trình này.

Đối với Mỹ, thách thức công nghệ xanh thường được coi là nhu cầu đổi mới nhiều hơn. Tính theo tỷ trọng GDP, Mỹ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển ít hơn so với các đối thủ cạnh tranh như Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy vốn tư nhân cũng đã tham gia vào quá trình, nhưng sự chuyển dịch tiền R&D (nghiên cứu và phát triển) từ chính phủ sang các công ty tư nhân cũng đồng nghĩa với sự thay đổi về trọng tâm (hẹp hơn) và tham vọng (ngắn hạn hơn).

Trong lĩnh vực năng lượng, chi tiêu cho R&D của Mỹ vẫn ở trên mức trung bình so với các nền kinh tế tiên tiến khác, ở mức vừa đủ: Trong số 27 quốc gia được Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) so sánh chi tiêu so với GDP, Mỹ xếp thứ 10 trong năm 2018. Trung Quốc đã đầu tư nhiều hơn. Ở những lĩnh vực mà Mỹ dẫn đầu về công nghệ như chăm sóc sức khỏe và quốc phòng, mức chi lớn hơn nhiều. Ví dụ R&D của Mỹ dành cho chăm sóc sức khỏe chiếm khoảng 1% tổng chi tiêu cho y tế, lớn hơn 4 lần so với đầu tư vào năng lượng, một lĩnh vực đòi hỏi nhiều chi phí hơn.

Một tương lai carbon thấp sẽ hiệu quả hơn và được điện khí hóa, nó dựa trên một số nền tảng công nghệ lưu trữ và cấp năng lượng cho các lĩnh vực khó điện khí hóa như ngành công nghiệp, vận tải hàng hóa, hàng không và liên quan đến loại bỏ carbon dioxide trong khí quyển. Tuy nhiên, nếu chỉ đầu tư nghiên cứu thì chưa đủ, để đi đầu trong lĩnh vực công nghệ xanh thì nghiên cứu phải kết hợp với triển khai sản xuất. Năm 2009, Mỹ có công suất điện gió cao gấp đôi Trung Quốc và gấp 5 lần công suất năng lượng mặt trời. Đến năm 2019, Trung Quốc đã dẫn đầu và triển khai lượng gió nhiều gấp đôi và gấp 3 lần năng lượng mặt trời so với Mỹ. Trong lĩnh vực xe chạy điện, sự đảo ngược diễn ra nhanh hơn: Mỹ có số lượng xe điện nhiều gấp 5 lần Trung Quốc vào năm 2013, nhưng hiện nay Trung Quốc đã gấp đôi Mỹ, nhờ sự hỗ trợ của chính phủ. Vào cuối những năm 1990, Mỹ có 30% thị phần trong sản xuất quang điện mặt trời, hiện tại chỉ còn 1%.

Cơ chế khuyến khích tiêu dùng năng lượng tái tạo khá đơn giản, tuy nhiên phụ thuộc nhiều vào tham vọng được đặt ra. Ở một khía cạnh nào đó, có thể khuyến khích người tiêu dùng chuyển từ thiết bị này sang thiết bị khác, thúc đẩy họ cắt giảm việc sử dụng năng lượng cá nhân; đưa ra các khoản tín dụng thuế và các gói hỗ trợ/chính sách mua xe điện hoặc trang bị thiết bị dân dụng, khuyến khích mua một lượng năng lượng tái tạo nhất định hoặc chế tạo ô tô đáp ứng tiêu chuẩn quãng đường nhất định. Ở khía cạnh khác, nhà nước đóng vai trò trung tâm trong việc tạo ra thị trường để thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ. Phần lớn, đây là một thách thức chính trị, không phải chính sách hay kỹ thuật.

Dù sao, việc triển khai không thể tách rời khỏi sản xuất. Từ quan điểm khí hậu, một tấm pin mặt trời là một tấm pin mặt trời cho dù nó được sản xuất ở đâu. Nhưng từ góc độ kinh tế và an ninh quốc gia, vấn đề sản xuất có ý nghĩa đặc biệt. Ở góc nhìn từ nhà phân tích Mỹ, người ta lưu ý đến nơi được đầu tư xây dựng sản xuất và cần đặt ra câu hỏi về lý do tại sao các công ty sản xuất có xu hướng đặt nhà máy ở nước ngoài và đặt ra câu hỏi về vai trò của Mỹ không chỉ trong khâu tiêu thụ hay đầu tư, mà trong khâu tham gia chuỗi cung ứng.

Việc tăng gấp đôi R&D và khuyến khích triển khai công nghệ xanh sẽ đánh dấu sự đảo ngược các chính sách của Mỹ trong vài năm qua. Quốc gia này luôn đấu tranh để thực hiện chiến lược năng lượng xanh. Nhưng chính quyền Trump đã tiến xa hơn trong việc giảm gấp đôi nhiên liệu hóa thạch, đi ngược lại với xu thế, ưu tiên xuất khẩu hydrocarbon, cơ sở hạ tầng và kích thích tiêu dùng. Khi đường ống dẫn dầu khí gặp trục trặc, chính quyền có rất nhiều điều để nói, nhưng việc cho phép thực hiện một dự án điện gió ngoài khơi là điều không thể thực hiện được. Chính quyền đang cố gắng nới lỏng các tiêu chuẩn ô tô thay vì hợp tác với các nhà sản xuất để tạo ra chiếc ô tô của tương lai. Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang đã khiến việc triển khai năng lượng tái tạo trở nên khó khăn hơn bằng việc gây nghi ngờ về quyền hỗ trợ các ngành công nghiệp mới của một bang.

Dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá sẽ cạnh tranh trong một thế giới với những hạn chế chặt chẽ hơn về môi trường đối với việc sản xuất và sử dụng chúng. Các công ty năng lượng truyền thống, nếu không chuẩn bị cho tương lai, sẽ gặp bất lợi trong bối cảnh cạnh tranh mới. Chính sách của Mỹ trong thời gian qua thể hiện ý muốn làm bá chủ thế giới về xuất khẩu dầu khí, xong mong muốn này đang vượt quá xa thực tế. Hiện sản lượng dầu và khí đốt của Mỹ đã tăng đến mức kỷ lục, khó có thể nhìn xa hơn trong ngắn hạn khả năng khai thác bền vững có thể nằm ở đâu đó ngoài quốc gia này. Tương lai Mỹ có thể tụt hậu trong khai thác dầu khí có thể sẽ đến sớm.

Nếu không từ bỏ ý định bá chủ về nhiên liệu hóa thạch trong tương lai gần và bắt đầu đuổi theo xu hướng, Mỹ có thể sẽ bị tụt hậu trong cuộc đua năng lượng mới mà EU và Trung Quốc đã bắt đầu.

HTM
https://petrotimes.vn/my-dang-mat-phuong-huong-va-tut-hau-trong-phat-trien-nang-luong-tai-tao-583301.html

Brazil phát triển dự án điện gió trên bờ bằng công nghệ chuyên biệt

Tập đoàn Statkraft của Na Uy thông báo rằng họ đã “sẵn sàng khởi công” việc xây dựng một trang trại điện gió rất lớn trên bờ ở đông bắc Brazil.

Dự án trang trại điện gió của Statkraft có tên là Ventos de Santa Eugenia, dự kiến đặt tại bang Bahia, 91 tuabin gió được phân bổ trong 10 khu vực gần nhau. Các tuabin gió này với công suất mỗi chiếc là 5,7 MW, do nhà sản xuất Nordex của Đức cung cấp. Statkraft cho biết đường kính cánh quạt là 163 m, diện tích tương đương gần 3 sân bóng đá.

Một dự án điện gió trên bờ của Statkraft.

Theo nhà điều hành, dự án điện gió trong tương lai với tổng công suất 519 MW có thể sản xuất gần 2,3 TWh mỗi năm, với hệ số phụ tải hơn 50%, rất cao đối với một dự án điện gió trên bờ (trên thế giới, hệ số tải trung bình của các trang trại điện gió được GWEC ước tính là 23% đối với các cơ sở trên bờ và 40% đối với các cơ sở trên biển).

Theo Statkraft, dự án Ventos de Santa Eugenia sẽ khác biệt bởi một công nghệ chuyên biệt được thiết kế để tận hưởng “gió mậu dịch” ở đông bắc Brazil rất ổn định và mạnh mẽ. Tập đoàn của Na Uy chỉ rõ rằng dự án có khả năng đáp ứng nhu cầu điện hàng năm cho 1,17 triệu hộ gia đình Brazil.

Các khoản đầu tư vào Ventos de Santa Eugenia lên tới tổng cộng khoảng 380 triệu euro. Việc xây dựng dự án dự kiến ​​sẽ bắt đầu vào tháng 1/2021 và hoàn thành vào tháng 6/2023. Tuabin gió đầu tiên sẽ được đưa vào hoạt động vào tháng 9/2022.

Một phần điện từ các tuabin gió của Statkraft đã được bán thông qua các hợp đồng 25 năm với giá cố định thông qua các cuộc đấu thầu công khai. Giá bán điện và chi phí sản xuất không được Statkraft thông báo, tuy nhiên công ty cho rằng dự án này “rất có lãi”, dựa trên hệ số phụ tải đã công bố. Tập đoàn của Na Uy cho biết, dự án cũng được hưởng lợi “một phần từ nguồn vốn nhà nước Brazil”.

Lưu ý rằng, gần 63,8% sản lượng điện của Brazil đến từ ngành thủy điện chỉ tính riêng trong năm 2019. Điện gió chiếm 8,9% tổng sản lượng điện quốc gia trong cùng năm, ít hơn một chút so với khí tự nhiên (9,4%).

Nh.Thạch theo AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/brazil-phat-trien-du-an-dien-gio-tren-bo-bang-cong-nghe-chuyen-biet-581192.html

Tại sao Pháp tái khởi động nhiều nhà máy điện than?

Mặc dù đã cam kết đóng cửa tất cả các nhà máy nhiệt điện than vào năm 2022, tuy nhiên Pháp đã mở cửa trở lại một số nhà máy điện than kể từ tháng 9. Một cuộc điều tra của tuần báo LCI cho thấy nhiều lò phản ứng hạt nhân đang được bảo trì, trong khi tình trạng thiếu gió ở châu Âu đang ảnh hưởng đến hiệu quả của các tuabin gió. Do đó, Pháp vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Việc đóng cửa vào tháng 6 hai lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fessenheim đã đáp ứng nhu cầu giảm tỷ trọng điện hạt nhân trong sản xuất năng lượng ở Pháp. Tuy nhiên, một số nhà máy nhiệt điện than đã phải mở cửa trở lại kể từ tháng 9 để bù đắp cho lượng sản xuất thiếu hụt này. Tuần báo LCI đã tiến hành cuộc điều tra để cố gắng tìm ra lý do.

Theo Tập đoàn Điện lực Pháp, EDF, khoảng 22 lò phản ứng trong tổng số 56 lò phản ứng hạt nhân của Pháp đang được bảo trì. Ngoài ra, việc thiếu gió ở châu Âu trong những tuần gần đây đã khiến các tuabin gió bị đình trệ. Giải pháp nhanh nhất là kích hoạt lại một số nhà máy nhiệt điện than, những nhà máy này có hại cả trên quan điểm sinh thái và sức khỏe.

Một nhà máy điện than của Pháp

Đặc biệt ở Saint-Avold, nơi nhà máy điện đã được đưa vào hoạt động trở lại theo yêu cầu của RTE (Mạng lưới truyền tải điện). Ba nhà máy khác ở Le Havre, Cordemais và Gardanne, mặc dù được cho là sẽ đóng cửa dứt điểm vào năm 2022 theo lịch trình của chính phủ, cũng đã được khởi động lại. Bộ trưởng Bộ Sinh thái Pháp cam đoan rằng mục tiêu đóng cửa vẫn được theo đuổi mặc dù các nhà máy trên đã được kích hoạt lại từ tháng 9.

Thiếu các lựa chọn thay thế?

Vẫn theo LCI, Pháp cho đến nay vẫn phụ thuộc vào một số nhà máy nhiệt điện than này. Ví dụ, việc khởi động lại chúng, yêu cầu chưa đầy tám giờ, có thể giúp đối phó với các tình huống khẩn cấp về thiếu điện. Một số khu vực không có lựa chọn nào khác ngoài việc để các nhà máy này tiếp tục chạy.

Đây là trường hợp ở Brittany, nơi vẫn phụ thuộc phần lớn vào nhà máy điện than Cordemais và “rất ít lựa chọn thay thế” hiện có sẵn. Một trang trại gió ngoài khơi và một lò phản ứng thế hệ mới ở Flamanville (Normandy) cuối cùng có thể thay thế, nhưng các công trình trên “đã bị chậm tiến độ”.

Sản xuất điện mặt trời tại Đức lần đầu tiên cao hơn điện khí và điện than trong tháng 7/2020Sản xuất điện mặt trời tại Đức lần đầu tiên cao hơn điện khí và điện than trong tháng 7/2020.

Nh.Thạch/ Theo AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/tai-sao-phap-tai-khoi-dong-nhieu-nha-may-dien-than-581914.html

Các cường quốc dầu khí đầu tư nhiều tỷ đô-la cho năng lượng xanh

Chính phủ Úc ủng hộ dự án năng lượng tái tạo trọng điểm Asian Renewable Energy Hub có mức đầu tư lên tới 36 tỷ USD xây dựng tổ hợp phong điện và điện mặt trời lớn nhất thế giới (diện tích 6.500 km2, bao gồm 1.600 tuabin phong điện và 78 km2 pin mặt trời) trong đó, một phần điện được xuất khẩu sang Singapore, một phần dùng để sản xuất hydro xanh (điện phân) xuất khẩu sang thị trường châu Á.

Ngoài ra, dự án quy mô này nhận được sự hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp lớn như Vestas, Intercontinental Energy, Macquarie Group và CWP Renewables. Bằng cách này, chính phủ Úc đã công nhận vai trò ngày càng tăng của năng lượng tái tạo, thể hiện sự quan tâm đến biến đổi khí hậu và dần giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đang mang lại nguồn doanh thu xuất khẩu 73 tỷ USD. Với quy mô lớn của dự án, nhà đầu tư kỳ vọng đạt được mục tiêu hạ giá thành hydro xanh xuống dưới 2 USD/kg, ngoài sử dụng như nhiên liệu sạch, nó có thể chuyển hóa thành amoniac để dễ dàng lưu trữ và vận chuyển.

Không chỉ riêng Úc, các quốc gia sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới như Ả rập Saudi và Nga cũng đang muốn tham gia vào thị trường xuất khẩu hydro xanh. Hồi tháng 7 vừa qua, liên doanh dẫn đầu bởi Air Products, ACWA Power và Neom đã công bố kế hoạch xây dựng tổ hợp điện tái tạo – hydro xanh trị giá 5 tỷ USD tại Ả rập Saudi với mục tiêu xuất khẩu amoniac vào năm 2025. Cả Úc, Ả rập Saudi và Nga đều có lợi thế về diện tích đất rộng, mật độ dân thấp, tuy nhiên, Úc được đánh giá là có nguồn tài nguyên năng lượng gió và mặt trời tốt nhất thế giới.

Cuối tháng 9/2020, Aramco đã xuất khẩu lô hydro đầu tiên sang Nhật Bản. Tuy khối lượng không lớn (40 tấn), nhưng đây là bước đi đáng kể của một tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới sang một mô hình kinh tế mới. Với vai trò ngày càng tăng của hydro trong ngành năng lượng toàn cầu, Aramco có kế hoạch chuyển vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực dầu mỏ sang lĩnh vực hydro. Bên cạnh những lợi ích về tài chính, qua đây, Aramco còn có thể nâng cao uy tín của mình trên thị trường chứng khoán quốc tế.

Viễn Đông
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/cac-cuong-quoc-dau-khi-dau-tu-nhieu-ty-do-la-cho-nang-luong-xanh-582109.html

Mỹ chọn điện gió hay điện mặt trời

Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, tiêu thụ năng lượng tái tạo tại Mỹ năm 2019 ghi nhận tăng năm thứ 4 liên tiếp, đạt mức kỷ lục 11,5 triệu tỷ BTU, tương đương 11% tổng tiêu thụ năng lượng tại Mỹ.

Trong số các nguồn năng lượng tái tạo được tiêu thụ, phần lớn năng lượng gió được sử dụng để sản xuất điện, chiếm tỷ trọng 24% trong cơ cấu tiêu thụ các nguồn năng lượng tái tạo của nước này. Các nguồn năng lượng rác và thủy điện chiếm tỷ trọng lần lượt 24% và 22%. Trong khi đó, năng lượng mặt trời chỉ chiếm tỷ trọng 9%, xong ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong số các nguồn năng lượng tái tạo trong năm 2019.

Cũng trong năm 2019, Mỹ ghi nhận tổng mức tiêu thụ năng lượng tăng 1% so với năm 2018, trong đó tiêu thụ than giảm gần 15% do nước này tăng cường sản xuất khí thiên nhiên và phát triển các nhà máy điện khí thay thế cho các nhà máy nhiệt điện than đã cũ. Sản xuất điện từ than đá của Mỹ năm đã giảm đáng kể trong thập kỷ qua và đạt mức thấp nhất trong vòng 42 năm.

Viễn Đông
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/my-chon-dien-gio-hay-mat-troi-581748.html

Tin tặc tạo ra 350.000 chương trình độc hại mỗi ngày trên thế giới

Theo Cục An toàn công nghệ thông tin của Đức, chỉ trong 12 tháng, từ tháng 6/2019-5/2020, đã có 117,4 triệu chương trình mới được tin tặc tạo ra để đánh cắp dữ liệu, mã hóa máy tính.

Theo Cục An toàn công nghệ thông tin của Đức (BSI), mỗi ngày có khoảng 350.000 chương trình độc hại được tạo ra trong môi trường Internet trên thế giới.

Báo cáo thường niên của BSI công bố ngày 20/10 cho biết chỉ trong 12 tháng, từ tháng 6/2019-5/2020, đã có 117,4 triệu chương trình mới được tin tặc tạo ra để đánh cắp dữ liệu, mã hóa máy tính và đòi tiền chuộc.

Báo cáo của cơ quan phòng thủ mạng của Đức cũng bày tỏ quan ngại về các vụ tấn công của tin tặc nhằm vào các cơ sở hạ tầng thiết yếu như nhà máy điện, bệnh viện hoặc thị trường tài chính.

Trojan Emotet – vốn bị coi là phần mềm độc hại và nguy hiểm nhất 2 năm trước, tiếp tục hoạt động mạnh. (Nguồn: research.checkpoint.com)

Tại Đức đã có 419 vụ tấn công liên quan được báo cáo, tăng mạnh so với mức 145 vụ được ghi nhận 2 năm trước đó.

Tuy nhiên, theo BSI, không phải tất cả các vụ việc đều do các cuộc tấn công gây ra. Trong lĩnh vực y tế, một tỷ lệ lớn các trường hợp sự cố là do “lỗi kỹ thuật.”

BSI khuyến cáo người dùng cảnh giác trước những chiêu thức lừa đảo của tin tặc, dụ người dùng nhấp chuột vào những đường liên kết hoặc tệp tin giả, từ đó đánh cắp dữ liệu truy cập, mã hóa máy tính và đòi tiền chuộc.

Theo các chuyên gia, không nên trả tiền chuộc trong trường hợp như vậy, bởi ngay cả khi đã trả tiền chuộc, không có gì đảm bảo dữ liệu có thể được lấy lại.

Các chuyên gia Đức khuyến cáo cách bảo vệ duy nhất chống lại các cuộc tấn công như vậy là thường xuyên tạo các bản sao lưu để có thể xóa máy tính và khôi phục bản sao lưu nếu bị tin tặc tấn công đòi tiền chuộc.

Hồi tháng 9/2019, tin tặc đã tấn công hệ thống máy tính của chính quyền thành phố Neustadt am Rübenberge ở Niedersachen. Sau khi chiếm quyền truy cập, chúng đã mã hóa máy tính, khiến các chương trình ứng dụng trợ cấp, kế hoạch xây dựng… không thể vận hành đầy đủ cho tới quý 1/2020.

Trong số các chương trình độc hại, Trojan Emotet – vốn bị coi là phần mềm độc hại và nguy hiểm nhất 2 năm trước, tiếp tục hoạt động mạnh.

Theo các chuyên gia Đức, phần mềm này cung cấp cho những kẻ tấn công nhiều tùy chọn tấn công nâng cao. Ngoài ra, ngày càng nhiều dữ liệu không chỉ bị mã hóa mà còn bị tội phạm mạng sao chép, đe dọa bán cho đối thủ cạnh tranh để gia tăng sức ép đòi tiền chuộc.

BSI cũng cảnh báo nguy cơ rò rỉ dữ liệu, dữ liệu bị đánh cắp hoặc bị tiết lộ, chẳng hạn như dữ liệu về khách hàng hay bệnh nhân. Trên toàn thế giới hiện có khoảng 24,3 triệu dữ liệu bệnh nhân có thể truy cập dễ dàng trên Internet, điều cho thấy nguy cơ rò rỉ dữ liệu của bệnh nhân và cần có những biện pháp bảo vệ.

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cũng là một thách thức mới đối với lĩnh vực bảo mật công nghệ thông tin.

Theo BSI, tội phạm mạng đã giả mạo các trang web để xin viện trợ khẩn cấp cho công ty, trong khi thông tin khai báo lại chính là những dữ liệu chúng khai thác được từ các hoạt động tin tặc hoặc từ các dữ liệu bị rò rỉ trên mạng./.

Mạnh Hùng (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/tin-tac-tao-ra-350000-chuong-trinh-doc-hai-moi-ngay-tren-the-gioi/670493.vnp