Xăng sinh học E5: Người tiêu dùng hiểu sao cho đúng?

Bán ra thị trường vào năm 2018 với mục đích thay thế xăng A92, xăng E5 hiện nay đang có tỷ trọng tiêu thụ ngày càng giảm do chênh lệch giá bán giữa xăng A95 và xăng E5 không lớn, trong khi người tiêu dùng lại chưa thực sự hiểu đúng về sản phẩm này.

Theo Saigon Petro, tỷ trọng tiêu thụ xăng E5 đã ngày càng giảm, từ 30,06% (2018) giảm còn 22,65% (2019), và bảy tháng đầu năm 2020 chỉ còn 16,95%.

Vậy xăng A92 và A95 (xăng khoáng thông thường, gọi tắt là xăng thường) so với E5, E10 (xăng sinh học) có gì khiến người tiêu dùng vẫn còn mặn mà đến vậy?


Dù nhiều ưu điểm nhưng xăng sinh học E5 vẫn chật vật tìm chỗ đứng trên thị trường.

Trước hết, 92 hay 95 là trị số Octan trong xăng, được dùng để đánh giá tính chống kích nổ của xăng. Sử dụng xăng trị số Octan cao không hề giúp động cơ khỏe hay tiết kiệm xăng hơn mà chỉ đơn giản là phù hợp với tỷ số nén của động cơ. Thông thường, xe số sẽ sử dụng xăng A92 còn xe ga sẽ đổ xăng A95.

Còn xăng sinh học là hỗn hợp của xăng truyền thống và cồn sinh học (bioethanol) được sử dụng cho các loại động cơ xăng đốt trong như xe ô tô và xe gắn máy. Theo kết quả nghiên cứu, việc sử dụng xăng sinh học giúp giảm phát thải khí nhà kính (carbon monoxide) khoảng 20-30% so với xăng thông thường, việc sản xuất ethanol dùng trong xăng sinh học cũng rất thân thiện với môi trường.

Việt Nam hiện nay chủ yếu sản xuất ethanol thu mua từ nguồn sắn lát của người nông dân. Sau đó, các nhà máy ethanol sẽ sản xuất ra xăng sinh học bằng cách pha trộn bằng máy móc giữa ethanol với xăng khoáng thông thường theo tỷ lệ 5% (E5), 10% (E10) hay lên tới 85% (E85).

Trên thế giới, hơn 50 nước đã sử dụng xăng sinh học, dẫn đầu là Mỹ từ năm 2012 (trên 90% ethanol nhiên liệu được pha xăng E10) và Brazil từ năm 2003 (bắt buộc sử dụng E22 đến E25), Úc từ năm 2008 (E10), Đức từ năm 2010 (E5, E10), Thái Lan bắt buộc sử dụng E5, E10 và đã giới thiệu E85 từ năm 2008…

Việc sử dụng xăng sinh học ngoài mục đích bảo vệ môi trường còn giúp giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, trong bối cảnh dầu mỏ có nguy cơ cạn kiệt vì khai thác mạnh trong vòng 10 năm qua.

Hiện tại với xăng E5 thì việc sử dụng xen kẽ xăng sinh học và xăng thường không có ảnh hưởng gì đến động cơ, theo PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Cơ khí Động lực, Trưởng phòng thí nghiệm Động cơ đốt trong, trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Dù vậy, xăng E5 vẫn gây hại cho động cơ xe máy có tuổi đời cao, linh kiện bên trong đã cũ hoặc kém chất lượng. Với các dòng xe sản xuất từ năm 1993 trở lại đây thì tính axit của xăng E5 không có ảnh hưởng gì đến động cơ.

Ngoài ra, một nhược điểm chính của xăng sinh học là tính ngậm nước, do đó quá trình từ lúc nhập xăng đến đổ xăng E5 phải hết sức cẩn trọng với nước. Tương tự, nếu xe không được dùng trong vòng 3 tháng gần nhất trước khi đổ thì không nên dùng E5 ngay do thời tiết nóng ẩm ở Việt Nam dễ làm tích tụ nước trong bình xăng.

Khó khăn chính trong tiêu thụ E5 trên thị trường hiện nay là các nhà sản xuất phải đầu tư dây chuyền nhà máy hiện đại trong khi đầu ra chưa hấp dẫn người tiêu dùng như đã nói ở trên. Dẫn đến hệ quả là cả nước có 7 nhà máy nhưng chỉ hoạt động cầm chừng cũng đã đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đến nay, Chính phủ đã ban hành văn bản với các quy chuẩn cho việc phân phối xăng sinh học E10 tại các cửa hàng xăng dầu, tiến tới sử dụng trong các phương tiện cơ giới đường bộ. Trên thế giới, loại xăng phổ biến được dùng là E10, có nước đã thử nghiệm E85 dù vẫn còn rất hạn chế do cần động cơ chuẩn FFV để vận hành.

Sử dụng nhiên liệu thay thế không chỉ là xu hướng thế giới, nó còn giúp bảo vệ môi trường, tạo dư địa cho phát triển nông nghiệp, giảm phát thải khí nhà kính. Qua đó cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ trong việc giảm 5% lượng tiêu thụ xăng trong giao thông vận tải so với dự báo nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu của ngành đến năm 2030.

Theo bà Ngô Thị Ngọc Hà, Phó viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam hiện có gần 2.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực xăng dầu, trong đó tiêu chuẩn ISO có 636 tiêu chuẩn, tiêu chuẩn ASTM có 821 tiêu chuẩn và tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) hiện có 325 tiêu chuẩn với mức hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế đạt 55%.

GS. TS Đinh Thị Ngọ, Giảng viên cao cấp trường Đại học Bách khoa Hà Nội – Trưởng Ban kỹ thuật TCVN/28 – sản phẩm dầu mỏ và chất bôi trơn cho biết, đến nay Việt Nam đã xây dựng được tiêu chuẩn cho nhiên liệu sinh học E5 và xăng E10, cũng như nhiên liệu Đi-ê-zen đã có B5 và chuẩn bị có B10. “Đây là những tiêu chuẩn tiên tiến phù hợp với các nước trên thế giới. Các sản phẩm đạt các tiêu chuẩn này đảm bảo sạch và không ô nhiễm môi trường, đồng thời đáp ứng được tiêu chuẩn ít nhất là Euro 4 trở lên”, bà Ngọ cho biết.

Thanh Hà
http://vietq.vn/xang-e5-nguoi-tieu-dung-hieu-sao-cho-dung-d178924.html

Airbus tiết lộ 3 mẫu máy bay chạy bằng hydro

Ngày 21/9, Airbus đã tiết lộ 3 mẫu máy bay chạy bằng khí hydro và đặt mục tiêu đưa một chiếc vào khai thác thương mại vào năm 2035.

Bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng Covid-19 và là đối tượng chính của phong trào “flygskam” (xấu hổ khi bay) vì lượng khí thải CO2 chiếm từ 2 – 3% lượng khí thải toàn cầu, ngành hàng không thế giới đang nỗ lực để tiến tới quá trình khử cacbon trong vận tải hàng không.

Chủ tịch điều hành Airbus Faury Guillaume cho biết: “Đây là một thời khắc lịch sử đối với toàn bộ lĩnh vực hàng không thương mại và chúng tôi dự định sẽ đóng vai trò dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi quan trọng nhất mà ngành của chúng tôi từng biết đến”. Đối với Bộ trưởng Giao thông vận tải Pháp Jean-Baptiste Djebbari: “Đây là phản ứng tốt nhất đối với những hoạt động phản đối ngành hàng không đã được quan sát trong vài tháng qua”.

Nhà sản xuất máy bay Airbus đang nghiên cứu 3 mẫu thiết bị, tất cả đều chạy bằng hydro và được chỉ định dưới tên mã “ZEROe” (không phát thải). Động cơ hydro không gây ô nhiễm vì nó chỉ tạo ra hơi nước. Nhưng để làm được điều này yêu cầu bản thân hydro là “sạch”, nghĩa là được sản xuất bằng cách điện phân nước sử dụng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo hoặc ít phát thải carbon.

Mô hình đầu tiên là động cơ phản lực có hình dáng cổ điển nhưng hơi dài. Chở từ 120 – 200 hành khách, hoặc tương đương với A220 hoặc A320 và phạm vi hoạt động trên 3.500 km, mẫu máy bay này sẽ được lắp một tuabin khí chạy bằng hydro, được chứa trong các bồn chứa đặt ở phần sau của thân máy bay.

“Trái tim của các động cơ máy bay là một tuabin khí, trong đó kerosen được đốt cháy”, Tổng giám đốc Hàng không Dân dụng Pháp (DGAC) Patrick Gandil giải thích. “Đốt cháy hydro trong turbin khí sẽ chỉ cần chỉnh sửa đôi chút. Thiết bị này cũng sẽ được trang bị một pin nhiên liệu, tự cung cấp năng lượng bằng hydro, sẽ cung cấp năng lượng (điện) bổ sung cho động cơ khi cần thiết”, Jean-Brice Dumont, giám đốc kỹ thuật của Airbus, cho biết.

Mẫu thứ hai là một máy bay động cơ phản lực cánh quạt có khả năng chở tới 100 hành khách với tầm bay trên 1.800 km.

Mẫu thứ ba là một máy bay có công suất và tầm hoạt động tương tự như mẫu về động cơ phản lực.

“Thân máy bay đặc biệt rộng cung cấp nhiều khả năng lưu trữ và phân phối hydro, cũng như bố trí cabin”, Airbus giải thích.

Khó khăn của hydro nằm ở việc bảo quản và vận chuyển nó trên máy bay, Grazia Vittadini, giám đốc công nghệ của Airbus, cho biết.

Patrick Gandil giải thích rằng bể chứa hydro đông lạnh phải có hình trụ hoặc hình cầu để chịu được áp lực, vì vậy “chúng ta không thể lắp chúng ở mọi nơi trong cánh như hiện nay”. Điều này mở đường cho nhiều thay đổi có thể xảy ra trong hình dạng của máy bay.

Airbus, nhà sản xuất động cơ Safran, liên doanh Arianegroup và Onera, kể từ đầu năm nay đã cùng nghiên cứu về việc sử dụng hydro cho hàng không. Theo Guillaume Faury, việc lựa chọn và hoàn thiện công nghệ sẽ mất 5 năm và sau đó là 2 năm đối với các nhà cung cấp. “Vì vậy, chương trình sẽ được thực hiện vào khoảng năm 2028. Tham vọng của chúng tôi là trở thành nhà sản xuất máy bay đầu tiên đưa một thiết bị như vậy vào hoạt động vào năm 2035”. Theo ông, sẽ cần phải dành cho chương trình này “vài chục tỷ euro”.

Lịch trình này tương ứng với mục tiêu một “máy bay không phát thải carbon”, được chính phủ Pháp đặt ra vào đầu tháng 6, đã có kế hoạch dành 1,5 tỷ euro cho nó vào năm 2022 như một phần trong kế hoạch hỗ trợ cho lĩnh vực hàng không. Các quốc gia đã coi hydro là một trục phát triển chính: Đức có kế hoạch chi 9 tỷ euro để phát triển các ứng dụng hydro, Pháp 7 tỷ euro.

Nh.Thạch theo AFP
https://petrotimes.vn/airbus-tiet-lo-3-mau-may-bay-chay-bang-hydro-579035.html

Việt Nam có nên gia hạn biểu giá điện gió?

Hiệp hội Điện gió toàn cầu vừa gửi đề xuất tới Chính phủ – Bộ Công Thương Việt Nam đề nghị gia hạn biểu giá điện gió.

Liên minh của ngành công nghiệp điện gió thế giới đứng đầu là Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC) đã chính thức đề nghị Chính phủ Việt Nam khẩn trương gia hạn Biểu giá FiT áp dụng cho điện gió.


Điện gió ngoài khơi là tiềm năng lớn phát triển nền kinh tế xanh của Việt Nam.

Theo đó, GWEC phân tích ngành điện gió của Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng giảm đà đầu tư trong năm 2020 do sự không chắc chắn xung quanh khuôn khổ đầu tư, trong đó sự chậm trễ gia hạn biểu giá FiT sẽ cản trở sự phát triển của chuỗi cung ứng và gây trở ngại cho việc giảm chi phí tại thị trường điện gió mới hình thành này. Và kết quả là sẽ đẩy lùi mục tiêu của Việt Nam về một tương lai có được nguồn điện sạch, đáng tin cậy và giá cả phải chăng.

Việt Nam là thị trường điện gió phát triển nhanh nhất trong khu vực, với công suất khoảng 500 MW trên bờ và ngoài khơi đang được lắp đặt và ít nhất 4 GW dự kiến sẽ được đưa vào vận hành vào năm 2025. Tuy nhiên, sự quan tâm của các nhà đầu tư đến phát triển dự án điện gió ở Việt Nam đã chậm lại đáng kể trong năm 2020, vì các dự án điện gió trên bờ thường yêu cầu 2 năm để phát triển trong khi đó biểu giá điện FiT hiện tại chỉ áp dụng cho các dự án hoàn thành trước tháng 11/2021.

Do chưa có sự rõ ràng về kế hoạch giá FiT từ năm 2022 trở đi nên các nhà đầu tư phải đối mặt với quá nhiều bất trắc khi cam kết đầu tư cho các dự án điện gió mới, điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới lưới điện trong tương lai và dẫn tới cắt giảm việc làm.

Ông Ben Backwell, Giám đốc điều hành của GWEC nhận định: “Việt Nam đã được công nhận rộng rãi là quốc gia dẫn đầu khu vực về năng lượng sạch ở Đông Nam Á và thu hút cam kết đầu tư từ một số doanh nghiệp đẳng cấp thế giới trong lĩnh vực này. Chính phủ Việt Nam cần tránh làm chậm lại các khoản đầu tư thực sự cần thiết cho ngành này bằng cách gia hạn thời gian áp dụng biểu giá FiT, từ đó đảm bảo các khoản đầu tư dài hạn được thực hiện, tạo ra hàng chục nghìn việc làm có tay nghề cao và cung cấp năng lượng sạch, cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam”.

Văn phòng Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đã công nhận tiềm năng to lớn của năng lượng gió trong việc sản xuất điện sạch và tăng trưởng xanh. Vào tháng 6 năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung thêm gần 7 GW từ các dự án điện gió mới vào quy hoạch tổng thể ngành điện của Việt Nam điều chỉnh (PDP 7 Điều chỉnh). Tuy nhiên, thực tế là phần lớn trong số gần 7 GW này có thể không đạt được do không chắc chắn về việc gia hạn biểu giá FiT.

Ông Mark Hutchinson, Chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á của GWEC cho rằng: “Việt Nam đang trên đà đạt được lợi thế về quy mô và giảm chi phí trong ngành điện gió và đà này cần được duy trì nếu muốn tránh chu kỳ phát triển bùng nổ và suy thoái. Do quy định về khuôn khổ thời gian thực hiện dự án nên chậm trễ trong gia hạn biểu giá FIT dẫn tới nguy cơ xảy ra giai đoạn “suy thoái” của ngành, khi đó rất ít dự án được kết nối với lưới điện trong giai đoạn 2022-2023. Về lâu dài, điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu tới nỗ lực giảm chi phí nhờ phát triển chuỗi cung ứng nhất quán, quy mô lớn và kết quả là Việt Nam sẽ có ít năng lượng tái tạo hơn với giá thành cao hơn”.


Giá điện có ảnh hưởng đến toàn dân nên cần xem xét cẩn trọng đến mọi yếu tố.

Thực tế, có ít nhất 1,65 GW từ các dự án điện gió được dự báo sẽ được lắp đặt trước khi giá FiT hiện tại hết hạn vào tháng 11/2021. Năng lượng gió là nguồn năng lượng sạch, sẵn có, đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường an ninh năng lượng của Việt Nam và đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng. Hơn nữa, lĩnh vực năng lượng tái tạo đang phát triển này có thể tạo ra hàng tỷ đô la vốn đầu tư và hàng trăm nghìn việc làm trong dài hạn.

Liên minh Công nghiệp điện gió thế giới cho rằng Chính phủ Việt Nam đang xem xét việc gia hạn giá FiT hiện hành và đưa ra một biểu giá FiT mới phù hợp để giải quyết tình trạng khó khăn, sự quan tâm của các nhà đầu tư bị trì hoãn trong năm 2020 cộng thêm với sự gián đoạn do đại dịch Covid-19.

Do tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng điện gió toàn cầu và tỷ lệ CAPEX (chi phí vốn) kém thuận lợi tại các khu vực dành cho các dự án điện gió mới, đặc biệt là xung quanh Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó bài toán về đầu tư cho các dự án điện gió ở Việt Nam sẽ chịu thách thức đáng kể nếu không có một kế hoạch về biểu giá FiT minh bạch và thỏa đáng được công bố trong thời gian sớm nhất.

Cho đến nay, thị trường điện gió ở Việt Nam đã được hưởng lợi từ dòng vốn trong nước và nước ngoài ngày càng lớn. 4 GW dự kiến được lắp đặt vào năm 2025 có thể mang lại tới 65.000 việc làm và khoảng 4 tỷ USD vốn đầu tư. Để hiện thực hóa tiềm năng này, Chính phủ – Bộ Công Thương cần hành động ngay để gia hạn thời gian áp dụng giá FiT cho điện gió, tránh tình trạng chậm trễ kéo dài trong đầu tư và lắp đặt năng lượng sạch trong những năm tới. Nhưng ngược lại cũng cần phải tính toán lộ trình giá điện thương phẩm tương ứng trong vòng 5 năm tới để tránh những ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế vĩ mô cũng như sinh hoạt của người dân.

Ngành công nghiệp điện gió dự kiến sẽ mang lại 65.000 việc làm và khoảng 4 tỷ đô la Mỹ đầu tư vào Việt Nam từ nay tới năm 2025, nhờ đó giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu và cải thiện nền kinh tế năng lượng.

Tùng Dương
https://petrotimes.vn/viet-nam-co-nen-gia-han-bieu-gia-dien-gio-579075.html

Cần có cơ sở pháp lý mở đường cho ngành xử lý pin mặt trời hết hạn

Chuyên gia năng lượng Trần Đình Sính cho biết, các tấm pin năng lượng mặt trời hoàn toàn có thể tái chế sau khi hết hạn nhưng cơ quan chức năng cần có cơ sở pháp lý rõ ràng mở đường cho nền công nghiệp tái chế loại pin này.

Theo Quyết định số 2068/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, điện năng sản xuất từ điện mặt trời đến các năm 2030 và 2050 sẽ lần lượt là 35,4 tỷ kWh và 210 tỷ kWh. Với cường độ năng lượng mặt trời ở Việt Nam, để có được các sản lượng điện mặt trời nói trên thì công suất lắp đặt điện mặt trời đến các năm 2030 và 2050 lần lượt vào khoảng 29.000 MWp và 170.000 MWp.

Bên cạnh đó, kể từ khi Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, ngày 6/4/2020 khuyến khích phát triển điện mặt trời, Việt Nam chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của loại hình năng lượng này.

Số liệu vừa được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2020, trên toàn quốc đã lắp đặt 25.706 dự án điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 758,2 MWp. Lũy kế đến nay, đã có gần 50.000 dự án điện mặt trời mái nhà đã đưa vào vận hành với tổng công suất gần 1.200 MWp.

Trung bình một nguồn điện mặt trời công suất 1 MWp sẽ thải ra gần 70 tấn phế thải sau khoảng 20 – 25 năm kể từ ngày bắt đầu phát điện. Như vậy theo dự báo, lượng pin mặt trời phế thải đến năm 2030 và đến năm 2050 lần lượt là khoảng 2 triệu tấn và 12 triệu tấn. Nếu không được quản lý, thu gom, tái chế, chắc chắn với số lượng lớn như vậy của phế thải pin mặt trời sẽ gây ô nhiễm môi trường hết sức trầm trọng và lãng phí rất lớn tài nguyên thiên nhiên.


Hệ thống điện năng lượng mặt trời.

Trao đổi với PV, chuyên gia năng lượng Trần Đình Sính cho biết, trên thế giới đã có công nghệ xử lý pin mặt trời, nhà máy xử lý tấm pin mặt trời đầu tiên ở châu Âu là nhà máy của Tập đoàn xử lý chất thải Veolia đặt ở miền Nam nước Pháp năm 2018. Năm 2018 nhà máy này xử lý khoảng 1.300 tấn và dự kiến xử lý 4.000 tấn cho đến năm 2022.

“Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, giá xử lý 1 tấn tấm pin khoảng 200 euro. Tại Việt Nam cho đến nay chưa có nhà máy nào xử lý tấm pin mặt trời. Nguyên nhân là Việt Nam chưa có chính sách về xử lý pin mặt trời và số lượng tấm pin hết hạn sử dụng chưa nhiều”, ông Sính cho biết.

Theo vị chuyên gia này, điện mặt trời đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam và khoảng 20 – 25 năm nữa số lượng pin hết hạn sử dụng khá lớn. Tuy nhiên, chưa có chủ đầu tư điện mặt trời nào phải đóng phí để xử lý tấm pin khi hết hạn sử dụng.

“Để khỏi bị động trong việc xử lý pin mặt trời, các cơ quan chức năng cần đưa ra một chính sách rõ ràng nhằm có cơ sở pháp lý và chi phí cho vấn đề xử lý tấm pin khi hết hạn sử dụng”, ông Sính nói.

Nói về việc xử lý các tấm pin hết hạn, chuyên gia Trần Đình Sính khẳng định, các tấm pin năng lượng mặt trời sau khi hết hạn sử dụng hoàn toàn có thể tái chế được và thực tế ở một số nước đang được tái chế.


Chuyên gia năng lượng Trần Đình Sính.

Cũng theo ông Sính, pin mặt trời có 3 loại: mono, poly và loại màng mỏng. Hai loại mono và poly không chứa chất độc. Chỉ trong phần tế bào quang điện của loại màng mỏng chứa một số chất như indium, gallium, selen nium với tỷ lệ 0,2%. Hiện nay các tấm pin mặt trời lắp đặt ở Việt Nam là hai loại mono và poly, không có loại màng mỏng. Trên thế giới cũng chủ yếu sản xuất hai loại mono và poly vì loại màng mỏng gây ô nhiễm trong khi sản xuất và khó xử lý sau khi hết hạn sử dụng nên người dùng ít sử dụng. Tỷ lệ tấm pin màng mỏng trên thế giới khoảng 4%.

Đối với hai loại pin mono và poly, tỷ lệ vật liệu như sau: đồng 1% (dây nối), silicon 5% (tế bào quang điện), nhôm 8% (khung), nhựa 10% (bao bọc), thủy tinh 76% (kính cường lực bảo vệ bề mặt)

Đối với pin màng mỏng tỷ lệ vật liệu gồm: thủy tinh khoảng 89%, nhôm 7%, nhựa khoảng 4%, indium, gallium, selenium, kẽm và các kim loại khác khoảng 0,2%.

“Tấm pin mặt trời sau khi sử dụng có gây ô nhiễm môi trường hay không tùy vào loại tế bào quang điện và hoàn toàn có thể tái chế được chứ không đến nỗi trở thành nguồn rác thải nguy hại vô cùng lớn như đồn thổi”, chuyên gia năng lượng Trần Đình Sính nói.

Xuân Hinh
https://petrotimes.vn/can-co-co-so-phap-ly-mo-duong-cho-nganh-xu-ly-pin-mat-troi-het-han-578213.html

“Gió đang đổi chiều” trong hệ thống năng lượng tại Việt Nam

Năm 2020 là một năm đánh dấu bước ngoặt lớn trong ngành năng lượng của Việt Nam. Đây là năm mà năng lượng sạch có vị trí vững chắc hơn và được coi là ngành có tiềm năng lợi nhuận, định hướng phát triển tốt. Lĩnh vực điện khí cũng đang được chú trọng phát triển.

Vừa qua, Chương trình Phát triển bền vững, Trung tâm Sáng kiến truyền thông và phát triển (MDI) công bố một báo cáo cập nhật về lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam. Theo đó, nhiệt điện than không còn giữ vị trí là lĩnh vực được ưu ái phát triển ở Việt Nam mà thay vào đó là các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng xanh và sạch.

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng hàng đầu phát triển điện gió ngoài khơi.

Từ chỗ chỉ được coi là lĩnh vực thứ yếu, năng lượng sạch – bao gồm điện mặt trời và điện gió – đang có những đóng góp ngày càng quan trọng đối với hệ thống điện quốc gia và trở thành một trong những ưu tiên trong định hướng phát triển năng lượng của đất nước. Nhiệt điện khí, nhất là lĩnh vực điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu, cũng là một lĩnh vực mới có tiềm năng phát triển. Hai kho cảng nhập khẩu khí đầu tiên đang được triển khai xây dựng và hàng loạt các dự án nhà máy điện khí lớn đang được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đề xuất đầu tư.

Trong khi đó, chủ trương hạn chế phát triển nhiệt điện than mới của Đảng và Chính phủ, sự phản đối của các địa phương và những khó khăn trong quá trình thực hiện dự án cho thấy lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch này sẽ không thể có được sự tăng trưởng như trước đây.

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 sửa đổi (Quy hoạch Điện VII sửa đổi) ban hành năm 2016 đặt mục tiêu nâng tỷ trọng nhiệt điện than trong tổng sản lượng điện quốc gia lên 49,3% vào năm 2020, 55% vào năm 2025 và 53.2% vào năm 2030. Tỷ trọng nhiệt điện khí thiên nhiên và khí thiên nhiên hóa lỏng được xác định chiếm dưới 20% tổng sản lượng điện cho đến năm 2030. Trong đó, điện mặt trời và điện gió chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng sản lượng điện của cả nước.

Tuy nhiên, qua thực tế 4 năm triển khai thực hiện quy hoạch, nhiệt điện than đã bộc lộ những hạn chế nội tại của nó, làm ảnh hưởng đến triển vọng phát triển của lĩnh vực này.

Báo cáo của MDI đã chỉ ra ít nhất 6 tỉnh trên cả nước đã đề xuất không tiếp tục phát triển các dự án nhiệt điện than trên địa bàn các tỉnh đó do lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường, trong đó có Quảng Ninh – cái nôi của ngành than Việt Nam. Các tỉnh như Bạc Liêu, Long An, Thừa Thiên – Huế, Hà Tĩnh và Tiền Giang mong muốn thay thế các dự án nhiệt điện than trong quy hoạch bằng các dự án sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng.


Điện mặt trời ở Việt Nam đang phát triển với tốc độ cao.

Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định bổ sung gần 7.000 MW điện gió vào quy hoạch do sự chậm trễ trong triển khai xây dựng nhiều dự án điện than lớn.

Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chính thức đưa ra chỉ đạo giảm tỷ trọng điện than một cách hợp lý; ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; xây dựng các cơ chế chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch.

Theo Viện Năng lượng Việt Nam, những quan điểm chỉ đạo đó sẽ được cụ thể hóa trong Quy hoạch Điện VIII mà cơ quan này đang soạn thảo để trình Chính phủ trong tháng 10/2020.

Thực tế, ở Việt Nam hiện không còn những đề xuất dự án nhiệt điện than mới rầm rộ như những năm trước đây. Thay vào đó, hàng loạt dự án nhiệt điện khí và điện gió quy mô lớn và rất lớn đã được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đề xuất với các cơ quan chức năng.

Bà Trần Lệ Thùy, Thạc sĩ chuyên ngành khoa học phát triển, Đại học Oxford, Giám đốc Trung tâm MDI, phát biểu: “Con đường phát triển bền vững mà Việt Nam lựa chọn hiện nay là rất rõ ràng và nhất quán. Việt Nam cũng mới nâng mức đóng góp do quốc gia tự quyết định nhằm chung tay với cộng đồng quốc tế trong nỗ lực giảm tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Những lĩnh vực không có lợi cho xu hướng phát triển đó sẽ bị thay thế bằng những lựa chọn mang tính bền vững hơn”.


Cần đầu tư nhanh và mạnh hơn nữa cho hệ thống truyền tải điện.

Bà Laurence Tubiana, Tổng giám đốc Quỹ Khí hậu châu Âu ECF, cựu Đại sứ về Biến đổi khí hậu của Pháp và Đại diện đặc biệt cho Hội nghị Biến đổi Khí hậu COP21 2015 tại Paris và được công nhận là kiến ​​trúc sư chính của Thỏa thuận Paris, bình luận riêng về Báo cáo Cập nhật năng lượng Việt Nam 2020 của Trung tâm MDI: “Trong năm qua, Việt Nam đã ghi dấu ấn mạnh mẽ với thành công trong lĩnh vực năng lượng sạch. Mặc dù chặng đường phía trước vẫn còn dài, nhưng việc chuyển đổi từ sử dụng than đá sang các năng lượng tái tạo nhanh chóng đã khiến Việt Nam trở thành một trong những đất nước dẫn đầu tại Đông Nam Á và cũng là tấm gương cho các đất nước khác muốn chuyển đổi giữa hai dạng năng lượng này”.

Có thể thấy rằng, Việt Nam đã và đang đạt được nhiều thành tựu, không chỉ có khí hậu trở nên an toàn hơn, không khí trong lành hơn mà bên cạnh đó còn là cơ hội việc làm và những khoản đầu tư. Trên thế giới, năng lượng tái tạo đang chứng tỏ là một lựa chọn sáng suốt hơn, rẻ hơn và việc Việt Nam nắm bắt cơ hội để thay đổi thực sự sẽ truyền cảm hứng cho nhiều nước khác trên thế giới.

Tùng Dương
https://petrotimes.vn/gio-dang-doi-chieu-trong-he-thong-nang-luong-tai-viet-nam-578712.html

Năng lượng sạch là xu thế toàn cầu

IEA nhấn mạnh, hydro đóng vai trò lớn và đa dạng trong việc đạt được mục tiêu trung hòa carbon.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa công bố báo cáo “Triển vọng công nghệ năng lượng 2020”, nhấn mạnh hydro sẽ có vai trò quan trọng trong chuyển đổi nhiên liệu đầu vào đối với các ngành công nghiệp phát thải nhiều carbon. Theo IEA, thế giới cần nỗ lực lớn để phát triển và triển khai các công nghệ sạch ở quy mô toàn cầu nhằm đáp ứng các mục tiêu quốc tế về năng lượng và khí hậu, đặc biệt là trong các lĩnh vực ngoài ngành điện như giao thông, xây dựng và công nghiệp. Tiến sĩ Fatih Birol, giám đốc điều hành của IEA cho biết, bất chấp những khó khăn từ đại dịch Covid-19, một số phát triển gần đây cho thấy cơ sở lạc quan về tốc độ chuyển đổi sang năng lượng sạch và đạt được các mục tiêu khí hậu và năng lượng.

Theo kịch bản phát triển bền vững của IEA – lộ trình đạt được các mục tiêu quốc tế về năng lượng và khí hậu, công suất điện phân nước toàn cầu sẽ tăng từ 300 MW hiện nay lên 3.300 GW vào năm 2080. Vào năm 2070, tổng điện năng tiêu thụ cho quá trình điện phân nước sẽ gấp đôi lượng điện năng tiêu thụ của Trung Quốc hiện nay. Cũng theo báo cáo của IEA, các chính phủ cần đóng một vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, hướng tới đáp ứng các mục tiêu quốc tế.

Các tập đoàn dầu khí châu Âu cũng gia tăng tài sản trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi.

Hãng tin Reuters đưa tin, lĩnh vực điện gió ngoài khơi đang có đồ thị phát triển đi lên ấn tượng, góp phần giúp các công ty dầu khí mở rộng quy mô hoạt động. Một số hãng dầu khí thời gian gần đây đã công bố mục tiêu tham vọng về sản xuất điện tái tạo khi nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Equinor và Công ty phát triển điện lực Jera của Nhật Bản (J-Power) đã thành lập liên doanh để tham gia đấu thầu các dự án điện gió ngoài khơi khu vực Akita, phía bắc Nhật Bản.

Shell và Công ty năng lượng Eneco (Hà Lan) đã trúng thầu phát triển dự án điện gió ngoài khơi Hà Lan với công suất 750 MW, dự kiến khởi công vào năm 2023.

Total hợp tác với tập đoàn đầu tư Macquarie’s Green (Anh) phát triển 5 dự án điện gió nổi ngoài khơi quy mô lớn tại Hàn Quốc. Tổng công suất thiết kế của các dự án đạt 2,3 GW. Total dự kiến khởi công xây dựng dự án đầu tiên với công suất 500 MW vào cuối năm 2023. Cũng trong năm nay, Total đã mua lại 51% cổ phần trong dự án điện gió ngoài khơi SSE’s Seagreen tại Anh.

Chính phủ Pháp đã công bố Chiến lược phát triển hydro không carbon quốc gia với tổng kinh phí triển khai đạt 7 tỷ euro đến năm 2030. Mục tiêu tổng quát của chiến lược là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng và xây dựng một khu vực công nghiệp hydro. 3 mục tiêu cụ thể của chiến lược gồm: Lắp đặt đủ số lượng các máy điện phân nước nhằm đóng góp đáng kể vào nền kinh tế khử carbon; Phát triển vận tải sạch, nhất là đối với các phương tiện vận tải hạng nặng; Xây dựng khu vực công nghiệp hydro tại Pháp, đảm bảo các lợi thế công nghệ, góp phần tạo ra từ 50.000 – 150.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp cho người lao động Pháp.

Công suất điện phân nước tại Pháp dự kiến sẽ tăng lên 6,5 GW vào năm 2030, cao hơn so với mục tiêu 5 GW của Đức. Pháp có ngành công nghiệp điện hạt nhân lớn nhất thế giới và nhiều khả năng điện nguyên tử sẽ được dùng để sản xuất hydro không phát thải carbon. Pháp hiện tiêu thụ khoảng 900.000 tấn hydro mỗi năm, chủ yếu trong ngành công nghiệp lọc dầu và hóa chất của nước này, được sản xuất từ các nguồn năng lượng hóa thạch.

Viễn Đông

https://petrotimes.vn/nang-luong-sach-la-xu-the-toan-cau-578456.html