Phương pháp đặc biệt biến nhựa thành nhiên liệu chỉ trong 1 giờ

Chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ, phương pháp mới phát triển bởi các nhà khoa học tại Đại học bang Washington (WSU) có thể biến nhựa trở thành các thành phần nhiên liệu máy bay.

Một phương pháp xử lý hóa học mới được phát triển bởi các nhà khoa học tại Đại học bang Washington (WSU) có thể giúp giải quyết những khó khăn xung quanh việc biến vật liệu thành các khối xây dựng hữu ích cho sản phẩm khác. Theo đó, từ phương pháp này, nhựa có thể trở thành các thành phần trong nhiên liệu giành cho máy bay.

Để hiện thực hóa ý tưởng kể trên, các nhà khoa học đã lấy vật liệu và kết hợp với chất xúc tác dưới nhiệt độ cao. Nhựa có thể được khử thành các hợp chất hữu cơ gọi là hydrocacbon. Chúng được tạo thành từ hydro và carbon, đóng vai trò như các khối xây dựng cho những loại nhiên liệu khác nhau.

Các nhà nghiên cứu đã tạo ra nền tảng mới ở nhiệt độ vừa và khung thời gian ngắn cần thiết để thực hiện quá trình này. Nhóm nghiên cứu của WSU đã thử nghiệm với các chất xúc tác và điều kiện cần thiết để chuyển đổi nhựa polyethylene thành hydrocacbon.

Các nhà khoa học đã sử dụng chất xúc tác làm từ carbon và ruthenium kim loại màu trắng bạc, cùng một số dung môi. Trong một giờ, nhóm nghiên cứu đã chuyển khoảng 90% nhựa thành các thành phần cho nhiên liệu máy bay và hydrocacbon khác. Quá trình diễn ra ở khoảng 220 độ C và hiệu quả hơn về mặt kinh tế.

“Trước khi thử nghiệm, chúng tôi chỉ suy đoán nhưng không biết liệu phương pháp có hiệu quả hay không. Tuy nhiên, kết quả thực tế rất tốt”, tác giả nghiên cứu Chuhua Jia cho biết.


Phương pháp mới có thể biến nhựa trở thành các thành phần nhiên liệu máy bay.

Thông qua thử nghiệm, nhóm nghiên cứu nhận thấy, quy trình này có thể được điều chỉnh để tạo ra các khối xây dựng cho những sản phẩm có giá trị cao khác. Điều này chỉ liên quan đến việc thay đổi nhiệt độ, lượng chất xúc tác được sử dụng hoặc khung thời gian để thay đổi kết quả cuối cùng.

“Tùy thuộc vào thị trường, có thể điều chỉnh sản phẩm mình muốn tạo ra một cách linh hoạt. Việc áp dụng quy trình hiệu quả này có thể cung cấp một cách tiếp cận đầy hứa hẹn để sản xuất có chọn lọc các sản phẩm giá trị cao từ polyetylen phế thải”, đồng tác giả nghiên cứu Hongfei Lin cho biết.

Các nhà nghiên cứu đang nỗ lực làm việc để mở rộng quy trình này với mục tiêu thương mại hóa công nghệ. Họ đồng thời bày tỏ hy vọng có thể điều chỉnh để giải quyết các dạng rác thải nhựa khác.

“Trong ngành công nghiệp tái chế, chi phí là yếu tố then chốt. Công việc này là một cột mốc quan trọng để chúng tôi đưa công nghệ mới vào thương mại hóa”, nhà nghiên cứu Lin nhấn mạnh.

Bảo Lâm
http://vietq.vn/phuong-phap-dac-biet-bien-nhua-thanh-nhien-lieu-chi-trong-1-gio-d187298.html

G7 nhất trí ngừng cung cấp tài chính quốc tế cho các dự án than

Reuters 22/5/2021 đưa tin ngày Thứ Sáu, 21/5 các nước G7 đã nhất trí ngừng cung cấp tài chính quốc tế cho các dự án than vào cuối năm 2021 và đưa ra lộ trình tiến tới chấm dứt tài chính cho tất cả các dự án nhiên liệu hóa thạch, đáp ứng các mục tiêu biến đổi khí hậu đã được nhất trí toàn cầu.

Việc ngừng cấp tài chính quốc tế cho các dự án nhiên liệu hóa thạch được coi là một bước đi quan trọng trên thế giới nhằm hạn chế việc tăng nhiệt độ trái đất lên thêm 1.5 độ C, mức trên giai đoạn tiền công nghiệp và tránh những hậu quả tàn phá do biến đổi khí hậu.

Việc đưa được Nhật Bản vào nhóm các nước ngừng cung cấp tài chính cho các dự án than trong một thời gian ngắn có nghĩa là những nước như Trung Quốc, vẫn đang ủng hộ than, ngày càng cảm thấy bị cô lập và có thể chịu nhiều áp lực hơn để ngừng tài trợ dự án than.

Việc khai thác than tại một mỏ than ở New Castle, Pennsylvania, Mỹ. Ảnh: Reuters/Dane Rhys/Tư liệu.

Trong Thông cáo báo chí chung mà Reuters được đọc, các nước G7 (Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, và EU) cho biết, “đầu tư quốc tế vào than cần phải chấm dứt ngay bây giờ”; “Chúng tôi cam kết thực hiện những bước đi cụ thể tiến tới việc chấm dứt hoàn toàn ủng hộ mới, trực tiếp của chính phủ đối với nhà máy nhiệt điện quốc tế vào cuối năm 2021, bao gồm cả thông qua ODA, tài chính xuất khẩu, đầu tư và thúc đẩy tài chính và thương mại”. Đây là một trong những hoạt động chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao G7 sẽ diễn ra tại Cornwall, Anh từ ngày 11-13/6/2021.

Chủ tịch COP26 Alok Sharma đã coi việc ngừng cung cấp tài chính quốc tế cho các dự án than là “một ưu tiên cá nhân” để giúp chấm dứt việc thế giới dựa vào nhiên liệu hóa thạch”, coi Hội nghị cấp cao COP26 là một Hội nghị “đưa than vào lịch sử”; kêu gọi Trung Quốc đưa ra những chính sách trong tương lai gần giúp đạt những mục tiêu dài hạn và Trung Quốc cần phải triển khai những gì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề ra.

Các nhóm Xanh đề nghị mục tiêu phải cụ thể hơn

Mặc dù không đưa ra thời điểm cụ thể, các nước G7 nhất trí “làm việc cùng các đối tác toàn cầu để đẩy nhanh triển khai các cỗ máy cân bằng carbon” “mạnh mẽ phi các-bon khu vực năng lượng vào những năm 2030 và dịch chuyển ra khỏi hoạt động tài chính quốc tế cho nhiên liệu hóa thạch”.

G7 tái khẳng định các cam kết của mình đối với thỏa thuận Paris 2015 và cam kết của các nước phát triển đối với mục tiêu tài chính huy động 100 tỷ USD hàng năm, từ năm 2020 đến năm 2050. Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry thúc giục 20 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) có các biện pháp phù hợp với mục tiêu.

Một số nhóm Xanh hoan nghênh các bước đi của các nước G7, nhưng cho rằng G7 cần phải đưa ra một thời gian biểu chặt chẽ hơn. Trưởng nhóm chính trị của tổ chức Greenpeace UK nói “Có quá nhiều các cam kết vẫn còn mơ hồ khi chúng ta cần các cam kết cụ thể hơn và thời gian biểu cho hành động”.

Đầu tuần qua, IEA đã đưa ra cảnh báo các nhà đầu tư không nên đầu tư vào các dự án mới cung cấp dầu, khí ga và than đá nếu như thế giới muốn đạt cân bằng carbon vào năm 2050. Số nước cam kết đạt cân bằng carbon đang tăng lên nhưng dù các cam kết này được thực hiện đầy đủ, nhưng vẫn còn 22 tỷ tấn CO2 toàn cầu vào năm 2050, và khiến cho nhiệt độ trái đất tăng lên 2.1 độ C vào năm 2100, theo báo cáo của IEA trong “Cân bằng carbon vào năm 2050”./.

Thanh Bình
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/g7-nhat-tri-ngung-cung-cap-tai-chinh-quoc-te-cho-cac-du-an-than-611880.html

SK Innovation hợp tác với Ford sản xuất pin xe điện tại Mỹ

SK Innovation đã và đang xây dựng một nhà máy sản xuất pin trị giá 2,6 tỷ USD ở Georgia, nơi sẽ cung cấp pin cho những chiếc xe F-150 EV của Ford.

Nhà sản xuất pin Hàn Quốc SK Innovation Co. và nhà sản xuất ôtô Mỹ Ford Motor Co. chuẩn bị công bố một liên doanh sản xuất pin tại Mỹ nhằm đảm bảo nguồn cung cấp ổn định cho xe điện, các nguồn tin ngành công nghiệp ngày 20/5 cho biết.

Hai công ty có kế hoạch công bố biên bản ghi nhớ về liên doanh này vào cuối ngày 20/5, trong bối cảnh Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington trong tuần này để thảo luận về các vấn đề song phương, bao gồm hợp tác trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô điện (EV).

Logo của SK Innovation. (Nguồn: Reuters)

SK Innovation, doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ khai khoáng đến sản xuất pin, trực thuộc SK Group – tập đoàn lớn thứ 3 của Hàn Quốc đang xây dựng một nhà máy sản xuất pin trị giá 2,6 tỷ USD ở Georgia, nơi sẽ cung cấp pin cho những chiếc xe F-150 EV của Ford.

SK Innovation đặt mục tiêu nâng công suất sản xuất pin toàn cầu lên 85 GWh đến năm 2023 và hơn 125 GWh tới năm 2025, mà có thể cung cấp năng lượng cho khoảng 1,8 triệu xe EV và Ford đã công bố kế hoạch đầu tư 22 tỷ USD đến năm 2025 để tăng tốc quá trình chuyển đổi xe EV.

Thỏa thuận liên doanh sản xuất pin này được dự báo sẽ càng thắt chặt quan hệ song phương tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Hàn bởi Tổng thống Biden đã coi việc thúc đẩy sản xuất xe điện trở thành ưu tiên hàng đầu cho kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 2.000 tỷ USD của mình.

Trước đó, Ford Motor tuyên bố sẽ tạm ngừng sản xuất hoặc cắt giảm sản lượng tại 8 nhà máy ở Bắc Mỹ trong các khoảng thời gian khác nhau từ nay cho đến tháng Sáu, do ảnh hưởng xấu bởi tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn trên toàn cầu.

Theo Ford, việc tạm ngừng hoạt động của một loạt nhà máy sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất của nhiều mẫu ôtô Ford, từ mẫu Mustang và Escape đến mẫu bán tải có lợi nhuận cao F-150 và xe thể thao đa dụng (SUV) Bronco Sport.

Ford dự báo sản lượng ôtô sẽ giảm 50% trong quý 2/2021 bởi tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn.

Thông báo trên của Ford được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Joe Biden đến thăm nhà máy Ford ở Dearborn, Michigan, và nhấn mạnh chính quyền Mỹ sẽ hỗ trợ việc sản xuất chip bán dẫn trong nước nhiều hơn để tránh tình trạng thiếu hụt như hiện nay.

Việc cắt giảm sản xuất của Ford diễn ra sau vài tuần Giám đốc điều hành Jim Farley cảnh báo các nhà đầu tư rằng hãng dự kiến sẽ giảm khoảng 50% sản lượng trong quý 2 này, so với mức hơn 17% so với quý 1 trước đó.

Ford dự báo tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn sẽ khiến thu nhập năm nay dự kiến giảm khoảng 2,5 tỷ USD./.

Vân Anh-Q.Chung (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/sk-innovation-hop-tac-voi-ford-san-xuat-pin-xe-dien-tai-my/714144.vnp

Tái chế rác thải điện tử đóng vai trò quan trọng với an ninh châu Âu

Các nguyên liệu thô quan trọng trong nhiều đồ điện tử có thể được tái chế và tái sử dụng, giúp bảo vệ nguồn cung nguyên liệu cho các ngành công nghiệp tiêu dùng và quốc phòng của châu Âu.

Một báo cáo do Liên minh châu Âu (EU) hậu thuẫn nghiên cứu cho hay việc thu hồi các nguyên vật liệu hiếm từ rác thải điện tử là một yêu cầu về an ninh đối với châu Âu và cần được luật hóa.

Theo báo cáo CEWASTE do EU tài trợ, các nguyên liệu thô quan trọng – bao gồm vàng, bạc và coban trong nhiều đồ điện tử có thể được tái chế và tái sử dụng. Điều này sẽ bảo vệ nguồn cung nguyên liệu cho thiết bị điện tử tiêu dùng, thậm chí cả ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu.


Báo cáo kêu gọi xây dựng những yêu cầu pháp lý để tái chế và tái sử dụng các nguyên liệu thô quan trọng. (Nguồn: voanews.com)

Thậm chí, các nguyên vật liệu hiếm này cũng là yếu tố cần thiết cho các tuabin gió và ô tô điện. Do đó, chúng đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp các quốc gia đáp ứng những mục tiêu về bảo vệ khí hậu và đảm bảo khả năng cạnh tranh trong ngành chế tạo.

Tuy nhiên, báo cáo lưu ý rằng mặc dù nguồn cung những nguyên vật liệu thiết yếu này dễ bị tổn thương do các biến động địa chính trị, châu Âu vẫn quá phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài với tỷ lệ tái chế “gần bằng 0.”

Theo báo cáo, mức giá thấp và không ổn định của nhiều loại nguyên liệu thô này khiến việc tái chế chúng thường bị coi là quá tốn kém đối với các doanh nghiệp.

Báo cáo kêu gọi xây dựng những yêu cầu pháp lý để tái chế và tái sử dụng các nguyên liệu thô quan trọng, khuyến khích tài chính để hỗ trợ ngành công nghiệp này cũng như tăng cường kiểm soát đối với lượng rác thải điện tử xuất đi khỏi EU.

Báo cáo nhấn mạnh một số loại rác thải điện tử có lượng nguyên vật liệu thô đủ lớn để thu hồi. Chúng bao gồm các vật liệu trong bảng mạch in từ các thiết bị điện bị loại bỏ; pin từ rác thải điện tử và xe phế liệu; nam châm neodymium sắt boron từ ổ đĩa cứng và động cơ của xe đạp điện, xe tay ga và xe phế liệu; và bột huỳnh quang từ đèn và ống tia âm cực trong máy thu hình (TV) và màn hình hiển thị.

CEWASTE nói rằng những nguyên vật liệu này thường có mặt với số lượng rất nhỏ trong từng hạng mục riêng lẻ nên chúng thường bị bỏ qua.

Ví dụ, báo cáo ước tính rằng tới năm 2025, lượng bóng đèn huỳnh quang bị loại ở châu Âu sẽ chứa 92 tấn nguyên liệu thô quan trọng, trong khi các bảng mạch in trong rác thải điện tử của khu vực này có thể chứa tới 41 tấn bạc và 10 tấn vàng. Báo cáo cho biết số lượng nguyên liệu trên sẽ tương đương với mức được sử dụng để sản xuất các mặt hàng mới.

Một báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ) đưa ra số liệu cho thấy thế giới đã thải ra hơn 50 triệu tấn rác thải điện tử vào năm 2019. Phần lớn trong số này bị đưa vào bãi chôn lấp và bãi phế liệu.

Với ước tính chỉ 17% số sản phẩm điện tử được tái chế, LHQ cho hay lượng vật liệu trị giá hơn 55 tỷ USD đang bị lãng phí mỗi năm trong khi thế giới phải khai thác nhiều nguyên liệu hơn để tạo ra các sản phẩm mới./.

H.Thủy (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/tai-che-rac-thai-dien-tu-dong-vai-tro-quan-trong-voi-an-ninh-chau-au/711860.vnp

Ngành năng lượng mặt trời Mỹ hy vọng sự phục hồi thời gian tới

CNBC ngày 6/5/2021 đưa tin, theo báo cáo của Hiệp hội ngành năng lượng mặt trời, Hội đồng Năng lượng tái tạo giữa các bang, Quỹ Năng lượng Mặt trời được xuất bản hôm Thứ Năm, ngành năng lượng mặt trời Mỹ thu hút hơn 231.000 công nhân, giảm 6,7% so với năm 2019. Tuy giảm số lượng công việc, trong năm 2020, năng lượng mặt trời đạt mức kỷ lục 19.2 GW, năng suất lao động tăng 32% trong khuôn khổ công việc nhà máy, tăng 19% trong công việc hộ gia đình. Công việc lắp đặt và xây dựng chiếm 67% việc làm trong ngành năng lượng mặt trời.

Điều tra công việc năng lượng mặt trời quốc gia năm 2020 của Mỹ (the National Solar Jobs Census 2020), tính công nhân năng lượng mặt trời là những người “dành hơn 50% thời gian làm việc liên quan đến các hoạt động này”. Theo phân tích của Hiệp hội, ngành năng lượng mặt trời của Mỹ có thể thu hút hơn 900.000 công nhân trong năm 2035.

Lắp đặt các tấm pin mặt trời trên nóc nhà ở bang California, Mỹ.Ảnh: Adamkaz/Getty Images.

Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh Chính quyền Tổng thống Biden đưa ra Kế hoạch việc làm nước Mỹ trị giá 2.000 tỷ USD và đặt mục tiêu “năng lượng điện 100% không ô nhiễm carbon” vào năm 2035. Tổng thống Biden tuyên bố rằng Kế hoạch việc làm nước Mỹ sẽ dẫn đến “một tiến bộ mang tính chuyển đổi” trong nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh các nước trên thế giới nỗ lực giảm khí thải và thực hiện mục tiêu Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, số lượng công việc trong các ngành năng lượng tái tạo dự kiến tăng đáng kể trong mấy năm tới./.

Thanh Bình
https://petrotimes.vn/nganh-nang-luong-mat-troi-my-hy-vong-su-phuc-hoi-thoi-gian-toi-610115.html

Vai trò của các công ty dầu khí quốc gia trong giảm thải carbon

Một số chuyên gia cao cấp của hãng phân tích Wood Mackenzie mới đây đã có bài phân tích về vai trò của các công ty dầu khí quốc gia (NOCs) đến mục tiêu trung hòa carbon toàn cầu.

Có thể thấy, NOCs đang thống trị không gian dầu khí toàn cầu khi sản xuất 50% nhiên liệu lỏng và 48% khí đốt toàn cầu. Và một khi các công ty dầu khí quốc tế (IOCs) đa dạng hóa danh mục đầu tư và giảm tỷ trọng đầu tư vào dầu khí trong khuôn khổ chiến lược chuyển đổi năng lượng, tỷ trọng của NOCs trong sản xuất dầu khí có khả năng sẽ tăng lên.

Top 20 NOCs thải CO2 từ 1965-2017 (đơn vị Megaton tương đương 1 triệu tấn CO2)

Mức độ sản xuất cao trong lĩnh vực thượng nguồn dẫn đến gia tăng lượng phát thải tuyệt đốt các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Kết quả đo điểm chuẩn phát thải đối với 100 NOCs năm 2021, Wood Mackenzie ghi nhận có gần 10/20 dầu khí công ty khai thác dầu khí hàng đầu gia tăng tuyệt đối phát thải khí. Do đó, NOCs cần phải đóng một vai trò nào đó trong sứ mệnh khử carbon toàn cầu và năm 2021 có thể là một năm cho những sự thay đổi tích cực.

Đối với nhiều NOCs, vai trò chính của họ là tạo ra doanh thu và tối đa hóa việc khai thác các nguồn tài nguyên giàu có cho chính phủ các nước. Thông thường, NOCs được tiếp cận một số nguồn tài nguyên có chất lượng tốt nhất với chi phí thất nhất. NOCs là “động cơ tiền mặt” cho các nền kinh tế phụ thuộc vào nguồn thu dầu mỏ. Theo các chuyên gia của Wood Mackenzie, NOCs sẽ tạo ra trung bình 8,2 USD dòng tiền tự do cho mỗi thùng dầu tương đương (boe) trong năm 2021, cao hơn mức trung bình là 6,6 USD/boe của các công ty dầu khí không thuộc NOCs. Một số chính phủ có mức độ phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ lên tới hơn 90%. Vì vậy, những nỗ lực toàn cầu để giảm lượng khí thải hoặc đánh thuế carbon là mối đe dọa lớn đối với NOCs.

Mặc dù có mức phát thải tuyệt đối cao, 11 NOCs được đề cập trong bộ công cụ đo điểm chuẩn phát thải của Wood Mackenzie lại có cường độ phát thải thấp hơn mức trung bình. Tuy nhiên, không phải tất cả NOCs đều giống nhau. Những công ty có danh mục đầu tư thông thường lớn, tuổi đời cao như Saudi Aramco và Rosneft có cường độ phát thải thấp hơn so với nhiều NOCs khác. Mặt khác, các công ty có tỷ trọng đầu tư lớn vào LNG lại có cường độ phát thải cao.

Xu hướng thực hiện các chính sách carbon như thuế carbon và các mục tiêu giảm phát thải đang tăng lên. Wood Mackenzie nhận định, rủi ro đối với nhiều NOCs sẽ thấp, ít nhất là đối với các hoạt động trong nước. Hầu hết các chính phủ sẽ không thực hiện các chính sách carbon mà ảnh hưởng đến doanh thu dầu khí trong nước.

Tuy nhiên, sau Hiệp định khí hậu Paris 2015, áp lực toàn cầu ngày càng tăng đối với tất cả các quốc gia trong việc đặt ra mục tiêu và chính sách giảm phát thải. Các cơ chế chính sách đó có thể tác động đến các sản phẩm nhập khẩu cũng như các sản phẩm sản xuất trong nước. Cơ chế đánh thuế carbon xuyên biên giới theo Thỏa thuận xanh châu u là một trong những cơ chế như vậy. Ngoài ra còn có áp lực ngành càng tăng từ các nhà đầu tư đối với các công ty trong việc giảm phát thải.

Sản lượng khai thác cao và lượng khí thải tuyệt đối lớn khiến NOCs có lượng phát thải tuyệt đối cao đối mặt với những rủi ro nếu chính sách thuế carbon được thực hiện. Khoảng 40 tỷ USD giá trị sẽ gặp rủi ro đối với hai NOCs có lượng phát thải carbon hàng đầu nếu mức thuế carbon đối với hoạt động thượng nguồn ở mức 40 USD/tấn. Nói chung, cường độ phát thải thấp hơn và dòng tiền tự do cao có nghĩa là nhiều NOCs có thể phải chịu thuế carbon cao.

Hầu hết NOCs đang nằm ngoài các mục tiêu giảm phát thải ròng về mức 0. Chỉ có ba NOCs đặt tham vọng trung hòa carbon là PetroChina, Petronas và Sinopec. Nhiều công ty có mục tiêu ngắn hạn, ít tham vọng hơn và một số ít như Saudi Aramco và Gazprom thì chưa đặt bất kỳ mục tiêu giảm phát thải nào. Ngoài ra, một số NOCs có các mục tiêu tăng trưởng sản xuất đầy tham vọng. Điều này sẽ khiến cho bất kỳ mục tiêu giảm phát thải tuyệt đối nào cũng trở thành thách thức.

Trong năm 2020, thế giới đã chứng kiến sự thay đổi trọng tâm đối với công ty dầu khí hàng đầu châu Âu. Các công ty này tuyên bố các mục tiêu tham vọng về giảm phát thải tuyệt đối khí gây hiệu ứng nhà kính và đạt trung hòa carbon vào năm 2050. Vậy NOCs có đi theo không? Một số tập trung cho sự thay đổi như vậy. Rủi ro tài chính do định giá carbon không phải là rủi ro chính, nhưng áp lực của các bên liên quan và nhà đầu tư ngày càng tăng; tính thị trường ngày càng tăng của các sản phẩm phát thải carbon thấp và những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu đều là những động lực chính cho NOCs.

Và việc giảm lượng khí thải có thể hình thành những cơ hội kinh doanh hấp dẫn với nhiều NOCs chủ động tận dụng. Các lĩnh vực mới như LNG “xanh”, thu gom và lưu trữ carbon cũng như các công cụ giảm lượng khí thải và tránh phát thải đang được một số NOCs xem xét tích cực.

Các chuyên gia của Wood Mackenzie cho rằng, năm 2021 có thể là một năm bản lề với hội nghị COP 26 ở Glasgow, Ireland vào tháng 11/2021. Hội nghị sẽ hướng tới thông qua các mục tiêu giảm phát thải hơn nữa. Đặt mục tiêu giảm phát thải carbon ròng về 0 có thể không đạt được hoặc không là mong muốn đối với tất cả NOCs nhưng những NOCs chủ động trước có thể gặt hái được những thành quả bền vững. Các nhà hoạch định chính sách của chính phủ có nhiệm vụ khó khăn trong việc cân đối dòng tiền của NOCs để phân bổ cho chi tiêu công, tối đa hóa khai thác tài nguyên, đồng thời giải quyết các rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu.

Viễn Đông
https://petrotimes.vn/vai-tro-cua-cac-cong-ty-dau-khi-quoc-gia-trong-giam-thai-carbon-609148.html