Loại bỏ dự án xi măng không khả thi, không đóng cửa với các dự án mới

Sau khi loại bỏ các dự án xi măng không hiệu quả, Bộ Xây dựng vẫn phải bổ sung những dự án tiềm năng vào để xem xét.

Trao đổi với VOV.VN, ông Lê Văn Tới – Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Việc loại bỏ khỏi qui hoạch 9 dự án xi măng và Bộ Xây dựng đang tiếp tục rà soát đưa khỏi qui hoạch không có nghĩa là không còn cơ hội cho các nhà đầu tư có năng lực, nguyện vọng muốn đầu tư vào lĩnh vực này.

“Nếu DN có những vị trí tốt, khi làm có lợi cho cả xã hội thì không có lý do gì Bộ Xây dựng lại không đi xem xét. Nhà nước thì nhỏ mà xã hội thì lớn nên sự phát hiện cũng như nghiên cứu của xã hội bao giờ cũng đa dạng hơn. Sau đây chúng ta vẫn phải bổ sung những dự án tiềm năng vào để xem xét”.

vov

PV: Xin ông cho biết, các loại dự án nào sẽ bị loại bỏ khỏi qui hoạch? Có ý kiến cho rằng, thực tế thì còn nhiều dự án đang vấp phải khó khăn không thể triển khai được nhưng chưa bị “rờ đến”?

Ông Lê Văn Tới: Cuối năm 2012, Bộ Xây dựng đã rà soát các dự án xi măng dự kiến đưa vào hoạt động trong giai đoạn 2012 đến 2015. Qua rà soát, Bộ Xây dựng đã đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa 9 dự án xi măng ra khỏi Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 1488 ngày 29/8/2011 (gọi tắt là Quy hoạch 1488).

Từ giai đoạn 2005- 2010, nhằm tạo điều kiện cho các chủ đầu tư xi măng lò đứng chuyển đổi công nghệ, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đưa vào Quy hoạch phát triển xi măng một số dự án lò quay có công suất nhỏ (dưới 2500 tấn clanke/ngày). Trong số đó có nhiều dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng trước năm 2012, phát huy được hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho số lao động đang hiện hữu của doanh nghiệp.

Một số dự án do chủ đầu tư không đủ năng lực về tài chính, không thuận lợi về sản xuất và tiêu thụ, hoặc do các lý do chủ quan khách quan khác, không được triển khai như kế hoạch. Do sự chậm trễ, kéo dài nhiều năm, trong khi công nghệ xi măng trên thế giới và Việt Nam không ngừng phát triển, các dự án với công suất dưới 2.500 tấn clanke/ngày đến nay đã lạc hậu về các chỉ tiêu, như tiêu hao năng lượng và suất đầu tư cao, các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường không đảm bảo. Đó là 9 dự án đã được đưa ra khỏi Quy hoạch 1488. 9 dự án này cũng có điểm giống nhau là chủ đầu tư chưa chuyển tiền, hoặc đặt cọc tiền mua thiết bị.

Hiện nay, Bộ Xây dựng cũng đang rà soát các dự án có kế hoạch triển khai trong giai đoạn 2016- 2020. Qua đó có thể loại bớt một số dự án không đủ điều kiện triển khai ra khỏi Quy hoạch và đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tiến độ cụ thể một số dự án.

PV: Với việc loại bỏ khỏi qui hoạch một số dự án xi măng, nhiều người lo ngại sẽ xảy ra khủng hoảng thiếu xi măng. Quan điểm của Bộ Xây dựng về vấn đề này?

Ông Lê Văn Tới: Cả nước hiện nay có 71 dây chuyền xi măng lò quay đang sản xuất với tổng công suất là 73,45 triệu tấn. Theo kế hoạch, khoảng giữa và cuối năm 2014 sẽ có 04 nhà máy xi măng mới được dưa vào hoạt động (Công Thanh, Đồng Lâm, Thạch Mỹ, Trung Sơn) với tổng công suất là 7,5 triệu tấn. Như vậy vào năm 2015 dự kiến công suất các nhà máy xi măng trên cả nước sẽ vào khoảng 81 triệu tấn. Nguồn cung này cũng sẽ không thay đổi cho tới cuối năm 2016, cũng có thể là cuối năm 2017 (khi nhà máy xi măng Xuân Thành 2 đi vào sản xuất).

Quyết định 1488 của Thủ tướng Chính phủ, dự báo nhu cầu xi măng năm 2015 là 75- 76 triệu tấn. So sánh giữa nguồn cung thực tế hiện nay và dự báo năm 2011 cho thấy trong vài năm tới không lo thiếu xi măng. Hơn nữa nhu cầu trong nước vào năm 2015, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế trong 3 năm vừa qua cũng đã bị sụt giảm.

Năm 2013 cả nước tiêu thụ 61 triệu tấn sản phẩm xi măng; trong đó 16 triệu tấn xuất khẩu, chiếm 26,2%. Trong 5 tháng đầu năm 2014 cả nước tiêu thụ 27,27 triệu tấn sản phẩm xi măng; trong đó xuất khẩu 6,85 triệu tấn, chiếm 25%.

Nếu nhu cầu trong nước có tăng cao đột ngột, thì một lượng xi măng xuất khẩu sẽ ngay lập tức trở lại phục vụ nhu cầu trong nước. Có thể khẳng định, doanh nghiệp sản xuất xi măng nào cũng quan tâm đến thị trường trong nước. Hầu hết các doanh nghiệp xem thị phần của họ trên thị trường nội địa là ưu tiên hàng đầu.

Thêm nữa, theo kinh nghiệm, khi thị trường ấm, tiêu thụ tốt lên, năng lực sản xuất xi măng hiện hữu của chúng ta có thể khai thác được 100% công suất hoặc trên nữa.

PV: Về việc đầu tư cho công nghệ sản xuất xi măng sẽ đặt ra như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Văn Tới: Trong quy hoạch đã có lộ trình từng bước xóa bỏ công nghệ lạc hậu dự kiến đến năm 2015 không còn sản xuất xi măng lò đứng (đến nay các nhà máy xi măng lò đứng cơ bản đã chuyển sang các trạm nghiền xi măng hoặc chuyển đổi sang sản xuất các loại sản phẩm VLXD khác cho phù hợp).

Quy hoạch 1488 yêu cầu đối với các dự án đầu tư mới phải có công suất tối thiểu 2.500 tấn clanhke/ngày trở lên (Quy hoạch 108 không quy định). Tuy nhiên đối với các dự án ở vùng sâu, và các dự án chuyển đổi công nghệ có thể áp dụng quy mô công suất phù hợp.

Việc kiểm soát ô nhiễm môi trường của các nhà máy xi măng ngày càng được quy định chặt chẽ hơn và yêu cầu về nồng độ bụi phát thải nhỏ hơn so với Quy hoạch 108 để đáp ứng được các quy định về môi trường.

Quy hoạch 1488 quy định: “Sau năm 2005 sẽ dừng sản xuất clanhke xi măng công nghệ lạc hậu”.

PV: Việc rà soát lại qui hoạch xi măng có ưu tiên cho việc xuất khẩu hay không, thưa ông?

Ông Lê Văn Tới: Quan điểm của Bộ Xây dựng là không ưu tiên hay ưu đãi cho việc xuất khẩu. Nhưng đây là vấn đề mà Bộ Xây dựng rất quan tâm. Trong cân đối cung cầu Bộ Xây dựng cũng dự kiến khoảng 10- 15% sản lượng cho việc xuất khẩu. Nhiều nước sản xuất xi măng trong khu vực và trên thế giới cũng sử dụng phương án xuất khẩu là một giải pháp tối ưu để cân đối cung cầu trong nước, ví dụ Trung Quốc có kế hoạch xuất trong năm nay khoảng 13 triệu tấn, Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 10 triệu tấn, Hàn Quốc và Nhật Bản mỗi nước khoảng 9 triệu tấn v.v…

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo VOV Online

Việt Nam hướng tới nền công nghiệp điện tử an toàn, bền vững

​​Ngày 14/7, tại Hà Nội, Hội thảo về hệ thống quản lý chất thải điện tử quốc tế lần thứ 4 năm 2014 đã diễn ra.
ewaste
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến, những năm gần đây, ngành công nghiệp công nghệ thông tin ở Việt Nam đã có những bước tăng trưởng mạnh. Số liệu thống kê cho thấy tổng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin năm 2012 đạt mức 25,5 tỷ USD, tăng trưởng 86,3%; xuất khẩu sản phẩm công nghệ thông tin đạt 20 tỷ USD, tăng 82% so với năm 2011 và chiếm 17,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Cùng với tốc độ phát triển trên, tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất trong lĩnh vực công nghệ thông tin thời gian qua là thách thức không nhỏ đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Chất thải điện tử tại Việt Nam đang được xử lý theo hướng tái sử dụng, nếu không sử dụng được nữa mới đưa ra bãi chôn lấp. Tuy vậy, công nghệ tái chế của Việt Nam còn quá lạc hậu. Các kim loại và linh kiện điện tử còn hữu dụng được bóc tách và đem bán hoặc sửa chữa, phần còn lại chủ yếu được đốt hoặc nghiền rồi pha thêm hóa chất để tạo ra sản phẩm mới, vốn là các sản phẩm đơn giản như chai lọ, túi nilon với số lượng còn hạn chế.

Nhằm phát triển một nền công nghiệp điện tử an toàn, bền vững, ngày 9/8/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 50/2013 quy định về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ. Quyết định này quy định về trách nhiệm, quyền lợi, hoạt động thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ trên lãnh thổ Việt Nam. Quyết định này áp dụng đối với doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ trên lãnh thổ Việt Nam.

Các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thải bỏ có trách nhiệm thiết lập các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ; thỏa thuận với người tiêu dùng về cách thức chuyển giao và tiếp nhận sản phẩm thải bỏ tại điểm thu hồi, vận chuyển đến cơ sở xử lý; đồng thời phải thông báo bằng văn bản đến Bộ Tài nguyên và Môi trường về các điểm thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ và công khai thông tin liên quan trên Cổng thông tin điện tử của doanh nghiệp và của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hàng năm, doanh nghiệp báo cáo lượng sản phẩm được sản xuất hoặc nhập khẩu đã bán ra thị trường Việt Nam; kết quả thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Từ đầu năm 2015, các sản phẩm thải bỏ như ắcquy và pin, thiết bị điện tử, điện dân dụng và công nghiệp, hóa chất sử dụng trong công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản và thuốc sử dụng cho người, dầu nhớt, mỡ bôi trơn… sẽ bị thu hồi và xử lý. Sang đầu năm 2016, những loại máy photocopy, tivi, tủ lạnh, máy điều hòa không khí, máy giặt, săm lốp các loại thải bỏ phải bị thu hồi. Đến đầu năm 2018, các loại phương tiện giao thông như xe môtô, xe gắn máy, xe ôtô loại thải sẽ bị thu hồi và xử lý bởi cơ quan chức năng.

Trong khuôn khổ hội thảo, đại biểu các nước đã cùng nhau trao đổi về tình hình mới nhất trong công tác quản lý chất thải điện tử tại các quốc gia và khu vực, nhằm tìm ra những kinh nghiệm và hướng đi đúng đắn nhất trong việc quản lý và xử lý chất thải điện tử, giúp bảo vệ môi trường toàn cầu./.

Theo TTXVN

Thêm bằng chứng về tình trạng tăng nhiệt toàn cầu

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, NASA, Đài Thiên văn Mauna của Mỹ đã nêu thêm bằng chứng khoa học về tình trạng tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu.

Ảnh minh họa: solutionsweneednow.com

Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong tháng 4, tháng 5 và tháng 6/2014 là cao nhất kể từ khi dữ liệu chính thức được ghi lại vào năm 1891.
Dữ liệu của cơ quan này cho biết nhiệt độ quý II/2014 ấm hơn mức trung bình của toàn bộ thế kỷ 20 khoảng 0,68 độ C.

Trong khi đó, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sử dụng một phương pháp khác để tính toán nhiệt độ trung bình và cũng cho kết quả gần như vậy.

Còn Đài Thiên văn Mauna Loa thuộc Cục Khí quyển và Đại dương Mỹ cho biết mức carbon dioxide (CO2) trung bình hàng tháng trong bầu khí quyển của trái đất đã đạt tới 400 phần triệu trong quý II/2014, là mức cao nhất trong 800.000 năm qua.

Theo Chinhphu.vn

Đắk Lắk sản xuất cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu

Tỉnh Đắk Lắk đã hướng các nông hộ, các doanh nghiệp xây dựng hệ thống kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh cà phê để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm hạn chế rủi ro, thiệt hại cho người sản xuất.

ca phe 03

 Thu hoạch cà phê (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Nhu cầu nước tưới cho cây cà phê mùa khô là rất lớn khi 1ha cà phê cần lượng nước từ 1.600 đến 1.700m3. Trong khi vài năm trở lại đây, biến đổi khí hậu ở Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng ngày càng xảy ra rõ nét làm cho nguồn nước mặt, nước ngầm suy giảm nghiêm trọng. Chỉ tính riêng 5 năm trở lại đây, cứ đến mùa khô, tỉnh Đắk Lắk thường xuyên bị hạn hán làm cho hàng chục nghìn hécta cà phê bị khô hạn, làm chết cây hoặc giảm năng suất, có năm mất từ 30 đến 50% năng suất, gây thiệt hại lớn cho các nông hộ.

Trước thực trạng này, tỉnh Đắk Lắk đã quy hoạch lại diện tích cà phê, hướng dẫn các nông hộ chuyển diện tích cà phê ở những vùng không chủ động nguồn nước, ở vùng đất dốc từ 15 độ trở lên sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Tỉnh cũng hướng dẫn các nông hộ, các doanh nghiệp xác định được thời điểm tưới nước lần đầu tốt nhất và thực hiện theo đúng quy trình tưới nước tiết kiệm với lượng nước cần đủ cho cây cà phê từ 400 đến 600 lít nước/cây/1 lần tưới.

Đắk Lắk cũng khuyến cáo các nông hộ, các doanh nghiệp ứng dụng tốt hơn nữa kỹ thuật bón phân theo độ phì của đất để tiết kiệm chi phí bón phân từ 8 đến 10% (tương đương 700.000 đến 1 triệu đồng/ha), sử dụng các giống cà phê mới năng suất cao, chịu hạn đưa vào trồng và áp dụng kỹ thuật trồng âm, trồng cây đai rừng, che bóng, tủ gốc giữ ẩm, tạo hình, làm bồn ép tàn dư thực vật để cây cà phê chống chịu với khô hạn.

Đặc biệt, tỉnh Đắk Lắk đã nhân rộng các mô hình đa dạng hóa cây trồng trong vườn cà phê bằng cách trồng xen các loại cây hàng hóa lâu năm như bơ, sầu riêng, tiêu, mít… Ngay mùa mưa năm nay, các nông hộ, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê đã trồng xen mới trên 1.000ha.

Thực tế, việc trồng cà phê xen các loại cây hàng hóa lâu năm tại các nông hộ ở các huyện Cư M’gar, Krông Búk, Krông Năng, Krông Pắk, Cư Kuin không những giúp người trồng tăng thêm thu nhập từ 20 đến 50% so với trồng thuần cà phê mà còn có tác dụng cải thiện điều kiện khí hậu trong vườn cây, nâng cao độ phì nhiêu của đất, hạn chế tình trạng xói mòn, rửa trôi, hàm lượng chất hữu cơ trong đất tăng thêm từ 24 đến 26%.

Cũng theo các nhà khoa học, việc đa dạng hóa cây trồng trong các vườn cà phê còn góp phần duy trì sự phát triển bền vững. Các loại cây trồng xen còn có tác dụng như cây che bóng, chắn gió nên đã hạn chế sự phát triển, lây lan các đối tượng sâu bệnh hại, giảm bớt áp lực nước tưới trong mùa khô đối với các vườn càphê.

Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có trên 200.000ha càphê, trong đó có trên 195.000ha cà phê kinh doanh cho thu hoạch sản phẩm với sản lượng mỗi năm đạt từ 430.000 tấn càphê nhân trở lên. Tuy nhiên, diện tích cà phê có trồng cây che bóng, cây trồng xen trên địa bàn tỉnh còn rất thấp, chỉ mới có 32% diện tích cà phê./.

Theo vietnamplus.vn

WB hỗ trợ 270 triệu USD cho ngành điện và ứng phó BĐKH

 Ban Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) vừa phê duyệt khoản vay 200 triệu USD và khoản tín dụng 70 triệu USD giúp Chính phủ Việt Nam cải cách ngành điện, tăng sức đề kháng trước biến đổi khí hậu và phát triển ít các-bon hơn.

Ảnh minh họa: Nhân Dân

Ảnh minh họa: Báo Nhân Dân

Ngày 2/7, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những nước chịu nhiều rủi ro về biến đổi khí hậu nhất. Thiên tai và nước biển dâng đã gây tổn thất lớn về kinh tế và tính mạng con người, trong đó chỉ riêng thiên tai đã gây thiệt hại lên tới 1,5% GDP hàng năm.

Khoản vay 200 triệu USD nhằm hỗ trợ cải cách ngành điện, gồm đưa vào vận hành thương mại thị trường sản xuất điện cạnh tranh đầy đủ; sự tham gia của các công ty phát điện mới vào thị trường này; chuyển đổi các công ty phát điện thành những công ty độc lập; và chuyển sang áp dụng một hệ thống giá điện minh bạch hơn và dễ lường hơn.

Trong khi đó, khoản tín dụng 70 triệu USD nhằm giúp Chính phủ giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu bằng việc thông qua các chính sách và tăng cường năng lực thể chế giúp tăng khả năng chống chọi biến đổi khí hậu và phát triển ít các-bon, bao gồm ba lĩnh vực quản lý nước, tiết kiệm năng lượng và phát triển chính sách và thể chế.

Theo báo Nhân Dân

Đan Mạch muốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng xanh ở Việt Nam

​​Năng lượng xanh là lĩnh vực khá mới ở Việt Nam, không có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nên các doanh nghiệp Đan Mạch khó tìm được đối tác kinh doanh.
ttxvn_nmdiengioBacLieu
Trong khi đó, Đan Mạch có rất nhiều công ty về điện gió, năng lượng Mặt Trời và rất quan tâm đến thị trường tiềm năng này.

Hiện Đan Mạch đang tìm giải pháp để đưa việc sản xuất năng lượng xanh vào thị trường Việt Nam thông qua các cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa hai bên.

Đây là chia sẻ của ông John Nielsen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam với báo chí trong khuôn khổ hội thảo về việc tiếp tục triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, do Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức ngày 27/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Lý giải về vấn đề năng lượng xanh ở Việt Nam chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp nước ngoài, ông John Nielsen cho rằng, giá điện ở Việt Nam quá thấp so với mức bình quân thế giới, nhà đầu tư muốn vào thì không thể có một giá điện cạnh tranh được nên các nhà đầu tư không biết định giá điện như thế nào để phù hợp với thị trường.

Vì vậy, muốn có thêm nguồn năng lượng xanh cho hoạt động sản xuất, sinh hoạt, Chính phủ Việt Nam cần mở rộng chính sách và thị trường để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.

Riêng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của Đan Mạch được thực hiện tại Việt Nam từ năm 1997, với nguồn vốn hỗ trợ khoảng 74 triệu USD, chương trình đã hỗ trợ cho 300 dự án thí điểm ở hơn 150 đối tác dài hạn tại Việt Nam.

Đánh giá về kết quả thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua, ông John Nielsen cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia thực hiện thành công chương trình này.

Nhiều đối tác Đan Mạch vẫn đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam sau khi kết thúc hỗ trợ tài chính của Đan Mạch.

Chương trình hỗ trợ tập trung vào nhiều lĩnh vực như năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, nước sạch và vệ sinh môn trường, xử lý chất thải, thực phẩm, chăm sóc sức khoẻ và giáo dục. Vì vậy, trong thời gian tới Đan Mạch sẽ tiếp tục triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tại Việt Nam.

Đan Mạch sẽ viện trợ phát triển chính thức (ODA) 90 triệu USD cho Việt Nam trong giai đoạn 2014-2015. Đồng thời, không giới hạn quỹ ODA cho việc hỗ trợ doanh nghiệp, chỉ cần hai công ty giữa hai nước tìm được dự án khả thi, trung bình mỗi năm Đan Mạch hỗ trợ cho chương trình này từ 5-7 triệu USD.

Nước này cũng sẽ xem xét để hỗ trợ bước thành lập ban đầu, quan trọng vẫn là hoạt động giữa hai bên.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung chia sẻ, thảo luận về vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, bao gồm việc cập nhật cho các doanh nghiệp Đan Mạch và các đối tác Việt Nam về những thay đổi trong chính sách lao động,

Luật Lao động và những quy định liên quan đến vấn đề sức khỏe và an toàn lao động, tác động của môi trường tại nơi làm việc.

Hội thảo được tổ chức nhằm giúp cho doanh nghiệp hai bên có cơ hội trao đổi và tìm kiếm cơ hội hợp tác và có thể thành lập các dự án thuộc Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.

Hiện có khoảng hơn 130 doanh nghiệp Đan Mạch đang đầu tư tại Việt Nam, chủ yếu là lĩnh vực công nghệ thông tin, thực phẩm, dược phẩm…/.

Theo TTXVN