Hội thảo “Đổi mới sáng tạo cho kỹ thuật hóa học trong môi trường bền vững”

Trường ĐHBK Hà Nội phối hợp với Hội đồng Anh, Trường Đại học Newcastle (Vương quốc Anh) tổ chức Hội thảo liên kết các nhà khoa học Việt Nam và Vương quốc Anh về “Đổi mới sáng tạo cho kỹ thuật hóa học trong môi trường bền vững” – ICESE 2015.

1514595_935860723126098_6564594181021332219_n

Hội thảo hướng tới 3 chủ đề chính:

  • Xử lý chất thải công nghiệp;
  • Chuyển đổi năng lượng xanh từ các quá trình hóa học;
  • Hóa học xanh và các quá trình điện hóa.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học sẽ tập trung trình bày và thảo luận kết quả nghiên cứu về các lĩnh vực: công nghệ mới nhằm xử lý nước thải và tái chế kim loại (một trong những vấn đề rất được quan tâm tại Việt Nam và Anh; các hoạt động đổi mới khác nhau trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng xanh; các công nghệ hóa học xanh mới phát triển. Đặc biệt, những vấn đề kết quả nghiên cứu của các lĩnh vực này được kỳ vọng sẽ góp phần đảm bảo quá trình sản xuất bền vững qua việc giảm thiểu khí thải cácbon, tái lập việc chiết xuất và khai thác vật liệu có ích từ các sản phẩm thiên nhiên.

Ngoài ra, các nhà khoa học Việt Nam và Vương quốc Anh sẽ có cơ hội tham gia vào chuyến đi thực địa để kiểm tra hệ thống xử lý nước lãng phí tại Việt Nam và thảo luận về các giải pháp hữu ích cho vấn đề môi trường.

Thời gian: từ 14h00 ngày 09/03 đến ngày 10/03/2015.

Địa điểm: Phòng 702, Tòa nhà Thư viện Tạ Quang Bửu, Trường ĐHBK Hà Nội.

Ban tổ chức trân trọng kính mời các các nhà khoa học trẻ, các thầy cô có mối quan tâm đến công nghệ xử lý chất thải công nghiệp và hóa học xanh tham gia đóng góp cho Hội thảo ICESE 2015.

Thông tin chi tiết về chương trình Hội thảo xem tại: http://www.britishcouncil.vn

Theo hust.edu.vn

Dự án BK-Ebike: Năng lượng xanh, giao thông sạch

Đó là thông điệp mà dự án thí điểm sử dụng xe đạp, xe máy điện và năng lượng điện mặt trời kết hợp mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế cho người nghèo và khuyết tật tại Hà Nội (gọi tắt là dự án BK-Ebike) muốn gửi đến cộng đồng Việt Nam.

Dự án BK-Ebike do Caritas Thuỵ Sỹ và Đối tác năng lượng tái tạo và sử dụng hiệu quả năng lượng (REEEP) tài trợ, triển khai từ năm 2015 – 2019. Chủ dự án là Công ty TNHH Một Thành Viên Đầu tư và Phát triển Công nghệ Bách Khoa Hà Nội (BK-Holdings). Đơn vị chủ quản dự án là Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Dự án được thực hiện dưới sự phối hợp của các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội như: Sở Ngoại Vụ, Sở Giáo dục – Đào tạo; Sở Công thương; Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội…
Cổng B8 Ký túc xá Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là địa điểm mà Trung tâm dịch vụ xe điện Bách khoa cho thuê xe điện và dịch vụ sửa chữa xe điện

Mục đích của dự án là: Cung cấp dịch vụ cho thuê xe đạp điện với tính chất năng lượng xanh, giao thông sạch; thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí CO2 và nâng cao nhận thức về năng lượng tái tạo, giải pháp giao thông sạch và bảo vệ môi trường cho cộng đồng; xây dựng mô hình doanh nghiệp xã hội hoạt động bền vững.

Cổng B8 Ký túc xá Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là địa điểm mà Trung tâm dịch vụ xe điện Bách khoa cho thuê xe điện và dịch vụ sửa chữa xe điện. Theo dự án thì số lượng xe cho thuê sẽ là 180 chiếc, tuy nhiên do Trung tâm mới thành lập từ ngày 12/2 và địa điểm tại Ký túc xá của trường còn nhỏ nên số lượng xe tính đến thời điểm hiện tại là 60 xe. Ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc dự án BK-Ebike cho biết, trong thời gian tới sẽ triển khai dịch vụ cho thuê xe đạp điện, xe máy điện tại một số địa điểm khác để tạo điều kiện cho sinh viên cũng như nhiều du khách thuận lợi trong việc thuê xe.

Ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc dự án BK-Ebike giới thiệu tới phóng viên các loại xe đạp điện và xe máy điện sử dụng pin năng lượng mặt trời
Theo ông Phạm Tuấn Hiệp thì đây là lần đầu tiên dự án sử dụng năng lượng mặt trời cho giao thông được thực hiện tại Việt Nam. “Nếu mô hình thí điểm này thành công sẽ làm giảm đáng kể lượng khí thải. Qua mô hình này, tôi mong muốn truyền tải thông điệp “Năng lượng xanh, giao thông sạch” tới cộng đồng để từ đó mọi người có thể quan sát, tiếp nhận, học tập và nhân rộng mô hình ra. Đồng thời, hi vọng rằng, trong tương lai không xa xe chạy điện sẽ dần thay thế được xe xăng để hạn chế ô nhiễm môi trường từ khí thải do các phương tiện như ô tô, xe máy thải ra”, Giám đốc dự án BK-Ebike chia sẻ.

Xe đạp điện đang được sạc pin năng lượng mặt trời, loại pin tiết kiệm năng lượng

Vẫn theo ông Phạm Tuấn Hiệp thì bên cạnh những lợi ích mang đến cho xã hội như giảm lượng phát thải khí CO2 gây ô nhiễm môi trường, tạo thêm việc làm cho người nghèo, người tàn tật cũng là mục đích mà Trung tâm dịch vụ xe điện Bách khoa mong muốn đạt được qua dự án. Hiện tại, Trung tâm có 11 nhân viên, trong đó có 4 nhân viên túc trực tại địa điểm cho thuê xe.

Chi tiết xem tại: http://www.ebikehanoi.com/

 Theo tainguyenmoitruong.com.vn

Châu Âu cải cách thị trường carbon vào cuối năm 2018

Sau cuộc bỏ phiếu vào đầu tuần này của Nghị viện châu Âu, các nghị sĩ đã đồng ý thực hiện cải cách kế hoạch kinh doanh khí thải vào cuối năm 2018 nhằm đẩy giá carbon. Nhiều ý kiến cho rằng, chương trình này nên diễn ra sớm hơn.

Hàn Quốc, Trung Quốc và một số bang tại Mỹ đang áp dụng kế hoạch kinh doanh khí thải mới. (Ảnh: econews.com.au)

Hàn Quốc, Trung Quốc và một số bang tại Mỹ đang áp dụng kế hoạch kinh doanh khí thải mới. (Ảnh: econews.com.au)

Thị trường carbon được cho là đang cản trở châu Âu tiến tới nền năng lượng sạch. Hiện nay, giá carbon trung bình trên thế giới là khoảng 8 USD/tấn. Mức giá này còn quá thấp để khuyến khích các tập đoàn năng lượng cắt giảm sản lượng nhiên liệu hóa thạch.

Trên thực tế, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số bang tại Mỹ đang áp dụng kế hoạch kinh doanh khí thải mới. Giá carbon ở Mỹ là 13 USD/tấn, ở Trung Quốc là 6 USD/tấn, ở Hàn Quốc là 9 USD/tấn.

Liên hiệp châu Âu hy vọng thị trường carbon sẽ đóng một vai trò quan trọng trong các nỗ lực của quốc tế nhằm cắt giảm khí thải. Reuters Thomson Point Carbon ước tính rằng, chương trình cải cách sẽ đẩy giá carbon lên tới mức 22 USD/tấn.

Theo đề xuất mới, khoảng 1,6 tỷ USD tín dụng thặng dư sẽ được đưa ra khỏi thị trường carbon và gửi vào kho dự trữ hai năm trước khi châu Âu thực hiện cải cách.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ The Guardian, ông Seb Dance, một nghị sĩ của Nghị viện châu Âu cho biết: “Chương trình cải cách đánh dấu một bước tiến quan trọng khi đưa ra mốc thời gian thực hiện cụ thể. Tuy nhiên, nó nên diễn ra càng sớm càng tốt”.

Bộ trưởng Năng lượng Anh, Ed Davey cũng kêu gọi châu Âu triển khai cuộc cải cách sớm hơn một năm. “Hành động càng sớm, châu Âu càng có lợi, có thêm nhiều cơ hội đầu tư, việc làm và phát triển. Cải cách chậm trễ sẽ làm tăng giá kinh doanh và khiến người tiêu dùng phải chi trả cho khí thải thay cho các tập đoàn năng lượng”, ông Ed Davey nói.

Theo Hà Vân/ Nhân Dân

Khởi động dự án xây dựng đề xuất Luật kiểm soát ô nhiễm nước

Ngày 9/2/2015, tại Hà Nội, Liên minh Nước sạch đã tổ chức Hội thảo chuyên gia “Khởi động dự án xây dựng đề xuất Luật Kiểm soát ô nhiễm nước”.

xaydungdexuatluatkiemsoatonhiemnuoc

Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia, nhà quản lý đến từ: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn …và một số tổ chức phi chính phủ khác.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Ngọc Lý – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) cho biết “ Hiện Việt Nam có 12 bộ luật có liên quan đến hoạt động kiểm soát ô nhiễm nước như: Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Hóa Chất, Luật Khoáng sản, Luật Đa dạng sinh học… nhưng không hề có Luật Kiểm soát ô nhiễm nước riêng trong khi các nước trên thế giới phần lớn đều có Luật Kiểm soát ô nhiễm nước như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines, EU…

“Việt Nam là một đất nước có nguồn tài nguyên nước hết sức phong phú với hệ thống sông ngòi, kênh rạch  chằng chịt nên để kiểm soát ô nhiễm nguồn nước thì Việt Nam cần phải xây dựng và ban hành Luật Kiểm soát ô nhiễm nước trong tương lai” – bà Nguyễn Ngọc Lý nhấn mạnh.

Theo đó, công tác xây dựng Hồ sơ sáng kiến Luật Kiểm soát ô nhiễm nước ở Việt Nam sẽ hoàn thành trong năm 2015 và trình Quốc hội xem xét để đưa vào kế hoạch. Giai đoạn 2016-2018 sẽ xây dựng Luật Kiểm soát ô nhiễm nước và trình Quốc hội thông qua.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý đã thống nhất luật phải tập trung vào các vấn đề liên quan đến 3 quy trình kiểm soát ô nhiễm nước: Quy định rõ cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, sự tham gia của cộng đồng , trường đại học trong quy trình theo cách tiếp cận từ dưới đi lên. Đồng thời phải lựa chọn 1 hoặc 2 địa phương để thực hiện thí điểm mô hình, kiểm soát ô nhiễm nước theo mục tiêu quản lý của Luật.

Theo VEN

Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, điểm sáng của ngành công nghiệp Hà Nội

Khu công nghiệp Bắc Thăng Long được xem là điểm sáng của Hà Nội về phát triển ngành công nghiệp cơ điện tử xuất khẩu, bao gồm cả công đoạn sản xuất lắp ráp cũng như sản xuất chế tạo chi tiết linh kiện.

kcn_thang_long

Khu công Nghiệp Thăng Long dưới sự quản lý của Công ty TNHH KCN Thăng Long

Khu công nghiệp Thăng Long có chủ đầu tư là Công ty TNHH KCN Thăng Long (Việt nam – Nhật Bản). Tổng số vốn đầu tư 90,33 triệu USD. Diện tích 274ha. Tỷ lệ lấp đầy hiện nay 98%. Tổng số dự án 87 ( bao gồm 67 DN và 20 Văn phòng đại diện. Giá thuê đất 80USD ( năm 2008).( Theo Trung tâm thông tin và xúc tiến đầu tư Ban Quản lý khu Công nghiệp và chế xuất Hà nội).

Khu CN Thăng Long là khu CN tập trung các DN điện tử lắp ráp lớn như Canon, Panasonic,… Các DN sản xuất thiết bị vệ sinh lớn như Toto; Sản xuất thiết bị y tế như Ashahi,… Nhưng chiếm tỷ lệ đông đảo nhất trong khu CN Thăng Long là các DN công nghiệp hỗ trợ sản xuất linh phụ kiện sản xuất linh phụ kiện rất đa dạng thuộc các ngành điện tử, máy tính, ô tô, xe máy, máy xây dựng, tàu thủy,… Thậm chí đã có DN là Công ty MHI Aerospace thuộc tập đoàn Misubishi đã sản xuất chi tiết cánh máy bay Boing tại khu CN này.

Khác biệt của khu CN Thăng Long so với các khu CN khác là đại đa số DN trong khu CN này là các DN vốn đầu tư nước ngoài FDI. Trong đó, phần lớn là các DN trên đến từ Nhật Bản. Bên cạnh các DN có số vốn đầu tư rất lớn đạt quy mô hàng trăm triệu USD như Canon, Panasonic, Yamaha,… thì cũng có cả các DN có quy mô nhỏ như Takase, Kosai, Seiko,… chuyên làm linh kiện chi tiết chính xác nhỏ với số vốn đầu tư chỉ khoảng vài trăm nghìn USD/ DN.

Năm 2013, khu CN Thăng Long có tổng Doanh thu sản xuất khoảng 84 nghìn tỷ đồng. Đây được coi là khu CN có quy mô sản xuất lớn hàng đầu của Việt nam. Giá trị xuất khẩu trên của khu CN này đạt 2 tỷ USD/ năm. Trong đó, các DN như Canon, Panasonic, Hoya, Denso,.. hàng năm đã có kim ngạch xuất khẩu trên 200 triệu USD.

Khu CN này đã thu hút được trên  60 nghìn lao động. Trong đó các DN thu hút nhiều lao động là  Canon, Hoya, Nissei, Panasonic, mỗi DN thu hút tới vài nghìn lao động.

Theo Cổng thông tin điện tử Sở Công Thương Hà Nội

Khai thác than đảm bảo an ninh năng lượng bền vững

Phó Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị khai thác tập trung đầu tư xây dựng cơ bản, chuẩn bị tài nguyên, thúc đẩy công tác tìm kiếm thăm dò.

thanhalam

 Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Trong chuyến công tác tại Quảng Ninh, sáng nay (10/2), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đến thăm và làm việc tại Công ty Cổ phần than Hà Lầm – TKV và Tổng Công ty Đông Bắc thuộc Bộ Quốc Phòng, đây là hai đơn vị sản xuất và khai thác than đứng đầu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Tại Công ty than Hà Lầm, Phó Thủ tướng đã xuống thăm giếng đứng sâu -300 mét so với mặt nước biển. Dự án khai thác than hầm lò mức dưới – 300 được đơn vị triển khai từ tháng 2/2009 với sản lượng 2,4 triệu tấn/năm, thời gian khai thác trên 45 năm.

Đây là dự án khai thác than hầm lò có diện sâu nhất trong ngành than hiện nay, với tiết diện đường lò 24,5m. Dự kiến đầu quý II/2015, dự án than hầm lò ở mức – 300 của công ty sẽ bắt đầu ra than ở khu vực lò chợ với sản lượng 600.000 tấn/năm.

Tại Tổng công ty Đông Bắc, Bộ Quốc Phòng, Phó Thủ tướng nghe lãnh đạo Tổng Công ty báo cáo tình hình khai thác, sản xuất kinh doanh than của đơn vị. Theo báo cáo của Tổng Công ty, hiện nay, đơn vị có 17 Công ty thành viên, 2 phân đội trực thuộc và trên 12.000 công nhân viên chức lao động. Bình quân sản lượng khai thác đạt con số xấp xỉ 5 triệu tấn/năm. Tổng Công ty là đơn vị luôn đứng tốp đầu quốc gia về khai thác than, chiếm 10% sản lượng than của toàn quốc.

Phó Thủ tướng đánh giá cao những lỗ lực của các đơn vị trong thời gian qua thể hiện qua sản lượng than khai thác được ngày một tăng theo thời gian, việc đảm bảo an toàn lao động… Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo, để đảm bảo an ninh năng lượng, khai thác bền vững, thời gian tới các đơn vị cũng cần phải tập trung vào đầu tư xây dựng cơ bản, chuẩn bị tài nguyên, thúc đẩy công tác tìm kiếm thăm dò.

“Đề nghị Tổng Công ty hết sức nỗ lực tập trung đầu tư sức người, sức của để phát triển các dự án trong thời gian tới. Tạo điều kiện cho Đông Bắc có thể phát triển nhanh hơn, mạnh hơn nữa xứng đáng là một đơn vị quân đội làm kinh tế có hiệu quả trong thời gian tới, góp phần trong sự phát triển bền vững của đất nước”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói./.

Theo VOV