Hà Nội đẩy mạnh hỗ trợ cho 60 sản phẩm công nghiệp chủ lực

Nhằm nâng cao sức cạnh tranh và mở rộng tiêu thụ những sản phẩm có chất lượng cao, thành phố Hà Nội đã công nhận 60 sản phẩm của 49 doanh nghiệp là sản phẩm công nghiệp chủ lực.

30320156

Làng nghề đúc đồng Ngũ Xã, làng nghề có lịch sử gần 500 năm tuổi của Thủ đô Hà Nội.(Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Các loại sản phẩm được công nhận đó là sản xuất chế biến nông nghiệp, công nghệ cao, công nghệ sạch, may mặc, sản phẩm làng nghề. Đi kèm với việc công nhận, thành phố Hà Nội luôn có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng đối tác, tạo thêm nhiều mối quan hệ, nhiều bạn hàng ở trong và ngoài nước.

Thành phố cũng tổ chức cho 10 cơ sở làng nghề, doanh nghiệp tham gia hội chợ tại Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất với mục đích xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp, cơ sở làng nghề.

Nhiều cơ sở, doanh nghiệp và nghệ nhân các ngành nghề mây tre đan, điêu khắc gỗ, kim hoàn, dệt lụa cũng được tham gia chương trình liên kết phát triển nghề, vùng nguyên liệu làng nghề Hà Nội tại tỉnh Lâm Đồng và một số tỉnh Tây Nguyên; tham gia các kỳ hội chợ thương mại Festival Huế; Hội chợ “Tự hào hàng Việt Nam chất lượng cao và sản phẩm truyền thống”.

Hà Nội cũng đã tổ chức các cuộc triển lãm, hội nghị giao thương sản phẩm công nghiệp hỗ trợ với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn. Tư vấn cho 31 cơ sở trong chương trình thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nhằm hỗ trợ các làng nghề trong việc thiết kế mẫu mã mới, đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu.

Thành phố có chiến lược tổ chức luân phiên các đoàn doanh nghiệp tham gia hội chợ tại các tỉnh, các vùng miền; tổ chức các chương trình quảng bá thương hiệu đặc sản vùng miền Hà Nội, tạo các hoạt động kết nối giữa “Nhà sản xuất-Nhà phân phối-Người tiêu dùng”.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành Hà Nội cho biết, Hà Nội cũng đã lên phương án, chương trình cho các đoàn khảo sát xúc tiến xuất khẩu nước ngoài; xúc tiến thương mại cho các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; các sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ xuất khẩu gồm chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP).

Thành phố còn hỗ trợ xây dựng thương hiệu, hỗ trợ hoạt động truyền thông marketing, quảng bá thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức các lớp tập huấn về xây dựng và quản lý thương hiệu cho doanh nghiệp.

Năm 2015, Hà Nội tiếp tục hỗ trợ, vay vốn và tiếp tục giảm, gia hạn các khoản thu về đất, gia hạn nộp tiền sử dụng đất cho một số doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh./.

Theo Vietnamplus

 

 

Hải Phòng: Tiết kiệm năng lượng để hướng tới nền kinh tế xanh

Tăng trưởng xanh, phát triển nền kinh tế xanh là đích đến của TP.Hải Phòng. Vì vậy, trong bối cảnh nhu cầu sử dụng năng lượng tăng cao trong khi khả năng cung ứng còn hạn chế, TP. đang nỗ lực tiết kiệm năng lượng bằng các giải pháp xanh.

nangluongmattroihaiphong

Lắp đặt tấm thu năng lượng mặt trời tại một hộ gia đình ở Hải Phòng

Theo Phó giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Hải Phòng Bùi Xuân Tuấn, năng lượng ngày càng khan hiếm, nhất là các loại năng lượng hoá thạch như dầu khí và than đá. Mặt khác, việc sử dụng quá nhiều nguồn năng lượng hóa thạch – nguồn năng lượng không tái sinh, để lại hậu quả về môi trường rất lớn. Trong khi đó, theo đánh giá của Liên hợp quốc, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Vì vậy, năng lượng tái tạo là giải pháp khả thi nhằm cân bằng giữa phát triển kinh tế, khan hiếm năng lượng và ô nhiễm môi trường. Theo đó, những nguồn năng lượng tái tạo có thể khai thác và sử dụng trong thực tế gồm thủy triều, gió, sinh khối, khí sinh học, nhiên liệu sinh học, từ nguồn rác thải sinh hoạt, mặt trời và địa nhiệt.

Để sử dựng được nguồn năng lượng tái tạo, Hải Phòng đã ứng dụng giải pháp đun nóng nước bằng máy nước nóng năng lượng mặt trời quy mô công nghiệp ở gia đình, doanh nghiệp, công sở…Bên cạnh đó, một giải pháp khác là sử dụng thiết bị chưng cất nước ngọt dùng năng lượng mặt trời. Nước biển, nước lợ, các nguồn nước không uống được có thể biến thành nước ngọt, sạch và sử dụng được ngay chỉ trong thời gian ngắn. Đây là nghiên cứu mới của các nhà khoa học thuộc Viện Thủy điện và năng lượng tái tạo Việt Nam. Thạc sĩ Lê Việt Hùng, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: “Sau khi cấp nước vào bể chứa, nước được năng lượng mặt trời đun nóng, bốc hơi và ngưng tụ trên bề mặt trong của tấm kính và chảy về một bể chứa nước sạch”.  Đáng chú ý, thiết bị có các gờ chung quanh trên mặt tấm kính hứng nắng, nên có thể hứng được lượng nước mưa trên bề mặt kính khi trời mưa. Đặc điểm này rất thích hợp cho các địa phương vùng biển, để kết hợp vừa lọc nước ngọt, vừa tích nước mưa cho sinh hoạt. Sau khi thử nghiệm ở Hải Phòng và Khánh Hòa, nước sau chưng cất rất sạch, trong, uống được, không mặn hay lợ. Mẫu nước ngọt thu được  đạt tiêu chuẩn y tế về nước sinh hoạt.

Cùng với việc ứng dụng công nghệ trong nghiên cứu, chế tạo thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo, thành phố còn triển khai nhiều hoạt động tiết kiệm năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh. Theo Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn Hải Phòng Đào Sĩ Thanh, Trung tâm phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố và Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng phát động gia đình thực hiện tiết kiệm điện. Theo đó, 250 nghìn gia đình tích cực tham gia chương trình, sản lượng điện tiết kiệm được khoảng 5,2 triệu kWh, tương ứng với số tiền là 7,518 tỷ đồng. Qua trọng hơn, qua hoạt động này góp phần thay đổi nhận thức, thói quen của người dân trong công tác sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả, giảm thiểu sự cố điện lưới của thành phố.

Mặt khác, Trung tâm đẩy mạnh công tác kiểm toán năng lượng và mở rộng hoạt động ra một số tỉnh miền Duyên hải. Vừa qua, Trung tâm kiểm toán năng lượng chi tiết cho 37 doanh nghiệp, 15 cơ quan hành chính và 10 tòa nhà thương mại, hoàn thành báo cáo kiểm toán và đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tế hoạt động của doanh nghiệp. Theo đó, hàng năm có thể tiết kiệm được hơn 50 nghìn KWH điện trị giá hơn 64 tỷ đồng, giảm phát thải  hơn 42 nghìn tấn CO2 ra môi trường.

Trung tâm còn xây dựng đề xuất Dự án đầu tư hệ thống cung cấp điện bằng năng lượng gió, mặt trời kết hợp với phát điện diesel tại đảo Bạch Long Vỹ; triển khai đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng sản xuất viên đốt sinh khối từ phụ phẩm nông nghiệp, góp phần ứng dụng công nghệ tái chế vào sản xuất và đời sống, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải nông nghiệp gây ra.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường

Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ

  1. Tên dự án

“Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ”

“Fostering innovation through Research, Science, and Technology” (FIRST)

logoF

  1. Cơ quan chủ quản/chủ dự án

Bộ Khoa học và Công nghệ

Địa chỉ: 113 Trần Duy Hưng, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội

Tel: 043-9435376

Fax: 043-9439987

  1. Cơ quan thực hiện

Ban Quản lý Dự án FIRST (CPMU) do Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN) thành lập làm đầu mối triển khai Dự án, thường trực giúp Bộ thực hiện chức năng chủ đầu tư.

  • Cục Thông tin KHCN và truyền thông – Bộ KH&CN, Các tổ chức KH&CN công lập, các nhà nghiên cứu giỏi nước ngoài và NVNONN, các doanh nghiệp sẽ được lựa chọn để thực hiện các Tiểu dự án. Tùy từng trường hợp cụ thể, các đơn vị này sẽ thành lập các ban quản lý tiểu dự án (SPMU) hoặc ban điều phối để thực hiện các tiểu dự án. Mức độ phần quyền quản lý tài chính và quản lý đấu thầu đối với các SPMU và ban điều phối sẽ căn cứ vào kết quả đánh giá của Bộ KH&CN và Ngân hàng thế giới về năng lực của những đơn vị thực hiện tiểu dự án theo các tiêu chí đánh giá của Bộ KH&CN và WB.
  1. Thời gian thực hiện dự án: 60 tháng
  • Bắt đầu từ             23/10/2013
  • Kết thúc vào 30/06/2019
  1. Địa điểm thực hiện dự án
  • Bộ KH&CN và một số tỉnh/thành phố có đơn vị thụ hưởng được lựa chọn
  • Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
  1. Tổng vốn của dự án
  • Tổng mức đầu tư của dự án: 110. 000. 000 USD trong đó
  • Vốn vay ưu đãi của IDA: 100. 000. 000 USD
  • Vốn đối ứng của Việt Nam: 10. 000. 000 USD (tương đương 200 tỷ VND)

Nguồn vốn:

  • Vốn ODA dự kiến: 100. 000. 000 USD
  • Vốn đối ứng                                   200 tỷ VND (tương đương 10 triệu USD)

o   từ ngân sách Trung ương:    60 tỷ VND

o   từ nguồn đóng góp của các đơn vị thụ hưởng: 140 tỷ VND

  1. Tổng vốn của dự án

a.      Mục tiêu tổng quát

Mục tiêu dài hạn của Dự án“Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ”(FIRST) là góp phần hỗ trợ nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam thông qua việc tăng cường hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động sáng tạo, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp để tạo thêm giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

b.      Mục tiêu cụ thể

Hỗ trợ phát triển KH&CN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo công nghệ thông qua (i) xây dựng và thí điểm triển khai một số chính sách mới góp phần hoàn thiện khung chính sách quốc gia khuyến khích phát triển KH&CN; (ii) nâng cao năng lực của các tổ chức KH&CN theo hướng chủ động gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của thị trường và các doanh nghiệp; (iii) đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp, thúc đẩy sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp KH&CN.

Theo first-most.vn

Điện Quang với việc sản xuất sạch hơn – xu thế của ngành công nghiệp hiện đại

Công ty Điện Quang đang tích cực áp dụng sản xuất sạch để giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.

Story

Áp dụng sản xuất sạch hơn sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và nâng cao hình ảnh trên thị trường.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, sản xuất sạch hơn (SXSH) đã trở thành một trong những xu thế của ngành công nghiệp hiện đại. Theo xu hướng này, hiện nay, Điện Quang hoàn toàn sử dụng thuỷ tinh không chì trong sản phẩm, đồng thời loại trừ dần chì ra khỏi các công đoạn sản xuất có dùng chì, hay thay thế Hg dạng lỏng sang Hg dạng hạt nhằm hạn chế khuếch tán Hg vào môi trường.

Theo Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP), sản xuất sạch hơn là việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ, nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường.

Đối với sản xuất, sản xuất sạch hơn (SXSH) gồm quá trình bảo toàn nguyên liệu và năng lượng, loại trừ các nguyên liệu độc hại, giảm lượng và tính độc hại của tất cả các chất thải ngay tại nguồn thải. Đối với sản phẩm, SXSH làm giảm các ảnh hưởng tiêu cực trong suốt vòng đời của sản phẩm, từ khâu thiết kế đến thải bỏ. Còn với dịch vụ, SXSH đưa các yếu tố về môi trường vào trong thiết kế và phát triển các dịch vụ.

Áp dụng SXSH sẽ mang lại cho doanh nghiệp rất nhiều lợi ích: Cải thiện hiệu suất sản xuất; sử dụng nguyên liệu, nước, năng lượng có hiệu quả hơn; tái sử dụng phần bán thành phẩm có giá trị; giảm ô nhiễm; giảm chi phí xử lý và thải bỏ các chất thải rắn, nước thải, khí thải; tạo nên hình ảnh về một doanh nghiệp xanh; cải thiện sức khoẻ nghề nghiệp và và an toàn.

Năm 1995, khái niệm “SXSH” lần đầu tiên được giới thiệu vào Việt Nam. Từ đó đến nay, các cơ quan chức năng đã không ngừng tuyên truyền, quảng bá rộng rãi khái niệm và các giải pháp về SXSH đến các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất.

Đặc biệt, tháng 9/2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2020” và đến năm 2013, Bộ Công Thương cũng phê duyệt các Đề án thực hiện Chiến lược SXSH.

Đề án đặt ra mục tiêu: Đến năm 2015, 25% cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng SXSH, các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng SXSH tiết kiệm được từ 5 – 8% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu trên đơn vị sản phẩm; giai đoạn 2016 – 2020, 50% cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng SXSH; các cơ sở sản suất công nghiệp áp dụng SXSH tiết kiệm được từ 8 – 13% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu trên đơn vị sản phẩm.

Tuy nhiên, theo đánh giá, đến nay nhận thức và áp dụng SXSH tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trên cả nước vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Tính đến đầu năm 2014, mới có khoảng 11% doanh nghiệp áp dụng SXSH.

Rào cản lớn nhất đối với SXSH ở Việt Nam chính là do các doanh nghiệp chưa nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH vào sản xuất kinh doanh, trong khi đó, thực hiện SXSH cần một chi phí khá lớn đầu tư ban đầu, nên đa số các doanh nghiệp còn ngại ngần…

Để các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm hơn đến SXSH, nhằm nâng cao vị thế, chất lượng sản phẩm khi ra thị trường thế giới, các chuyên gia cho rằng, cần có một khung pháp lý để cưỡng chế các doanh nghiệp tham gia vào SXSH. Đặc biệt, nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi để các doanh nghiệp tham gia vào SXSH.

Theo anhsangonline.vn

Ngành xi măng: Đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất

Tập trung đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh là một trong những định hướng đầu tư của ngành xi măng theo Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2020-2030.

263201511

 Nghiên cứu chuyển đổi công nghệ nâng cao chất lượng xi măng

Cụ thể, ngành xi măng sẽ phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với công nghệ tiên tiến, sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, tiết kiệm nhiên liệu và tiêu hao năng lượng thấp, bảo vệ môi trường.

Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) khẳng định, trong quy hoạch đã có lộ trình từng bước xóa bỏ công nghệ lạc hậu, đầu tư mở rộng các dự án có điều kiện về công nghệ, tài chính với công suất lớn, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng xi măng.

Để từng bước đổi mới công nghệ, khẳng định vị trí top đầu thị trường xi măng phía Nam, Tổng công ty Xi măng FiCO đã tập trung xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008, xây dựng phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn (TCVN 17025:2005) Vilas 270 và sản phẩm xi măng FiCO PCB 40 đạt tiêu chuẩn TCVN 6260:2009, đảm bảo chất lượng ổn định, giá thành cạnh tranh. Ông Nguyễn Quang Trung – Tổng giám đốc Tổng công ty FiCO cho biết: “Trong thời gian tới (2016-2020), bên cạnh công tác sản xuất và tiêu thụ, FICO sẽ triển khai dự án đầu tư dây chuyền 2 có công suất thiết kế 1,24 triệu tấn clinker, dây chuyền nghiền xi măng công suất 1,6 triệu tấn xi măng, tổng vốn đầu tư khoảng 3.200 tỷ đồng. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào giữa năm 2018”.

Bên cạnh đó, Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch (Vicem Hoàng Thạch) cũng là một điển hình trong việc tập trung đổi mới công nghệ khi nghiên cứu, áp dụng thành công kỹ thuật giảm tiêu hao năng lượng nghiền liệu, nhờ đó lò 3 của nhà máy chạy ổn định và vượt công suất thiết kế với 336 ngày, đạt kỷ lục thế giới (thông thường theo tiêu chuẩn thiết kế mỗi lò chạy hết công suất khoảng từ 250-325 ngày); chi phí cho tiêu thụ sản phẩm chỉ có 70.000 đồng/tấn xi măng, trong khi đơn vị khác là 150.000-200.000 đồng/tấn.

Chỉ số sản xuất 2 tháng đầu năm 2015 của ngành xi măng tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2014. Tiêu thụ sản phẩm xi măng trong hai tháng đầu năm đạt 9,01 triệu tấn, bằng 103,9% so cùng kỳ năm 2014 và đạt 12,5% kế hoạch năm 2015. Trong đó, tiêu thụ trong nước vẫn đạt con số 6,76 triệu tấn, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2014.

Ông Đào Ngọc Bình –  Tổng giám đốc Vicem Hoàng Thạch cho biết, để phát triển mạnh theo chiều sâu, Vicem Hoàng Thạch đang chú trọng đào tạo nguồn nhân lực đạt chuẩn quốc tế, đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến hợp lý hóa trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí.

Theo yêu cầu của Chính phủ, năm 2015, đối với những dự án xi măng đầu tư mới phải có công suất tối thiểu 2.500 tấn clinker/ngày trở lên; các dự án ở vùng sâu, dự án chuyển đổi công nghệ có thể áp dụng quy mô, công suất phù hợp. Với sự quan tâm đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật trọng điểm của Chính phủ cùng với đà phục hồi của thị trường bất động sản, các chuyên gia dự đoán rằng mức tiêu thụ sản phẩm xi măng, nhất là tại thị trường nội địa sẽ vẫn giữ được nhịp tăng trưởng như những tháng cuối năm 2014./.

Theo ven.vn

 

 

Mỹ áp đặt quy định khắt khe hơn đối với mặt hàng cá da trơn

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đang bước vào giai đoạn chuẩn bị cuối cùng theo đó sẽ áp đặt các quy định mới nghiêm ngặt hơn đối với mặt hàng cá da trơn (catfish).

ca da tron 1

 Ảnh minh họa: agritrade.com.vn

Quy định mới này được các chuyên gia nhìn nhận không chỉ gây khó khăn cho các mặt hàng cá basa hay cá da trơn của các nước, trong đó có Việt Nam, nhập khẩu vào Mỹ mà còn tác động tới cả các nhà sản xuất mặt hàng thủy sản này của Mỹ.

Ông John Sackton, chuyên gia phân tích trong ngành công nghiệp thủy sản, cho biết, với các quy định sắp áp đặt, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát thường xuyên hơn, thậm chí hàng ngày, trực tiếp tại các nhà máy chế biến thịt và hải sản, so với các cuộc giám sát, kiểm tra ngẫu nhiên mà hiện nay do Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) tiến hành.

Quy định này khi được áp đặt, trước hết các nhà sản xuất cá da trơn ở Mỹ có thể cũng sẽ gặp khó khăn vì phải chi thêm hàng triệu USD để tuân thủ những quy định mới. Ngành sản xuất cá da trơn của Mỹ chủ yếu tập trung ở các bang miền nam như Alabama, Arkansas, Mississippi và Texas.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong vài năm qua, vì nhiều lý do, diện tích nuôi trồng cá da trơn của Mỹ đã bị thu hẹp, từ khoảng 65.000 ha năm 2008 xuống chỉ còn một nửa, khoảng 23.000 ha.

Các nhà sản xuất Mỹ nói rằng họ phải giảm diện tích nuôi trồng vì giá ngô, nguồn thực phẩm chính để nuôi cá, trong vài năm qua tăng giá khá cao. Năm 2008, để bảo vệ ngành sản xuất cá da trơn nội địa, Mỹ đã áp đặt các biện pháp bảo hộ mậu dịch, áp thuế “bán phá giá” đối với mặt hàng cá da trơn nhập khẩu từ một số nước, trong đó có cá tra và cá basa nhập khẩu từ Việt Nam.

Một số nhà lập pháp Mỹ, trong đó có Thượng nghị sỹ John McCain và Thượng nghị sỹ Jeanne Shaheen, từng mô tả kế hoạch chuyển chức năng giám sát cá da trơn từ FDA sang Bộ Nông nghiệp Mỹ là “lãng phí và chỉ nhằm bảo vệ các nhà sản xuất cá da trơn nội địa”./.

Theo VietnamPlus