Xây dựng cơ chế, bố trí nguồn lực bảo vệ môi trường
Để có nguồn vốn thực hiện các dự án, công trình khắc phục ô nhiễm môi trường do quá trình khai thác khoáng sản trước đây để lại và xử lý, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường mới phát sinh, TKV đã thành lập Quỹ môi trường tập trung bằng 1% – 1,5% chi phí sản xuất, đồng thời cho phép các đơn vị thành viên trực tiếp chi 0,3% – 0,5% chi phí sản xuất cho các hoạt động bảo vệ môi trường thường xuyên.
TKV cũng đã xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường trong nội bộ (gồm: Quy chế bảo vệ môi trường, quy chế sử dụng quỹ môi trường tập trung, cơ chế ưu tiên sử dụng dịch vụ của các đơn vị làm công tác bảo vệ môi trường trong TKV…) làm cơ sở pháp lý cho các hoạt động bảo vệ môi trường, tạo điều kiện để chuyên môn hóa, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong toàn TKV.
Hệ thống chỉ đạo, quản lý công tác môi trường trong TKV được xây dựng và phát triển. Cấp Tập đoàn có Ban Môi trường; tại các đơn vị thành viên có bộ phận môi trường chuyên trách và đều phân công 1 đồng chí lãnh đạo phụ trách công tác bảo vệ môi trường. Để có lực lượng chuyên nghiệp nắm vững thực tế sản xuất làm nòng cốt thực hiện các công tác bảo vệ môi trường, TKV đã thành lập các đơn vị chuyên ngành làm công tác bảo vệ môi trường (Công ty Cổ phần Tin học, Công nghệ, Môi trường; Công ty TNHH MTV Môi trường; Công ty Cổ phần Xây lắp môi trường Nhân Cơ).
Hàng năm, nguồn kinh phí của TKV dành cho công tác bảo vệ môi trường tương đối lớn. Tổng chi phí cho công tác bảo vệ môi trường hàng năm của TKV đến nay gần 1.000 tỷ đồng, trong đó 70% dành cho đầu tư các công trình bảo vệ môi trường, 30% dành cho các công việc bảo vệ môi trường thường xuyên.
Song song với đó, TKV thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao hiểu biết, nhận thức về bảo vệ môi trường cho cán bộ quản lý và cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường. TKV cũng đã triển khai hợp tác trong và ngoài nước nghiên cứu công nghệ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, như: Rame (Đức), Mireco (Hàn Quốc) và Jogmec (Nhật Bản).
Triển khai các biện pháp khắc phục, ngăn ngừa ô nhiễm
Trong những năm qua, TKV đã cải tạo, phục hồi môi trường được trên 800 ha bãi thải, khai trường đã kết thúc khai thác và phấn đấu đến năm 2020 sẽ cơ bản hoàn thành việc cải tạo, phục hồi môi trường, cảnh quan các khu vực bãi thải gần khu dân cư, đô thị. Đối với những bãi thải đang hoạt động, TKV chỉ đạo các đơn vị thực hiện đổ thải tầng thấp theo đúng thiết kế để ngăn ngừa nguy cơ sạt lở bãi thải, giảm phát sinh bụi, giảm chi phí cải tạo, phục hồi môi trường sau này. Ngoài ra, TKV cũng đã xây dựng 12 đập chắn đất, đá lớn tại các vị trí tụ nước chân các bãi thải để chống trôi, sạt đảm bảo an toàn cho dân cư.
Đến hết năm 2014, TKV đã hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành 40 trạm xử lý nước thải mỏ than và khoáng sản. Hiện đang tiếp tục triển khai xây dựng tiếp 12 trạm, để đến hết năm 2015 sẽ có khoảng 52 trạm xử lý nước thải mỏ, đảm bảo nước sau khi được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường, được tái sử dụng tối đa cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt.
Trước những khó khăn trong việc xử lý các chất thải rắn, đặc biệt là chất thải nguy hại, TKV đã đầu tư 1 nhà máy xử lý tại Cẩm Phả và đang tiếp tục nghiên cứu, đầu tư giai đoạn 2 của nhà máy để xử lý các chất thải khó phân hủy, như: cao su, polyme… Hiện nay, toàn bộ chất thải nguy hại phát sinh trong sản xuất của TKV tại Quảng Ninh được thu gom, xử lý, tái chế tập trung đảm bảo tiêu chuẩn môi trường; sản phẩm sau xử lý được thu hồi tối đa phục vụ cho sản xuất và cung cấp cho các ngành kinh tế khác. Những chất thải rắn thông thường khác được thu gom, đổ thải theo đúng quy hoạch, thiết kế và đúng quy định.
Để giảm thiểu công tác phát tán bụi trong quá trình vận chuyển than, TKV tập trung xây dựng các tuyến đường vận chuyển chuyên dùng. Từ năm 2008, TKV đã chấm dứt vận chuyển than trên các tuyến quốc lộ, từ năm 2013 chỉ vận chuyển than ra cảng bằng ô tô vào ban ngày. Cùng với đó, TKV đã đầu tư 06 tuyến băng tải thay thế ô tô vận chuyển than ra các cảng và đến các nhà máy nhiệt điện. Cùng với đó, TKV cũng đã đầu tư các hệ thống phun sương dập bụi, tường chắn, từng bước kiên cố hóa nền các bãi khu vực sàng tuyển, kho chứa than; xây dựng thử nghiệm 02 trạm rửa xe ô tô, 04 trạm rửa toa xe; thu dọn vật liệu rơi vãi, tưới nước chống bụi bằng ô tô, phủ bạt trên các phương tiện vận chuyển.
Một trong những những việc làm thiết thực, được cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh ghi nhận, đó là ngành than đã chủ động quy hoạch, sắp xếp lại các công trình sản xuất, di dời các nhà máy ra khỏi khu vực đô thị, đông dân cư, như: di dời nhà máy cơ khí Hòn Gai, cơ khí Cẩm Phả, nhà máy tuyển than Hòn Gai, kho than I, II, III tại TP Hạ Long, cảng xuất than Hòn Gai, đường sắt Hà Lầm – Hòn Gai, đường sắt Cột 8 – Hòn Gai…
Hướng đến mục tiêu thành ngành sản xuất “sạch”
Với mục tiêu sản xuất sạch hơn, dự kiến trong giai đoạn 2015 – 2020, TKV sẽ dành từ 1.130 – 1.370 tỷ đồng cho công tác bảo vệ môi trường hàng năm, tăng gấp đôi so với nguồn kinh phí mà ngành than đã bỏ ra trong năm 2010. Như vậy, ngành than đã biết chú trọng hơn trong công tác bảo vệ môi trường, phát triển sản xuất một cách bền vững.
Dự kiến trong giai đoạn tới, bên cạnh đẩy mạnh áp dụng công nghệ khai thác cơ giới hóa như: cột chống thủy lực, dàn chống thủy lực, máy khấu… trong khai thác mỏ than hầm lò; đổi mới đồng bộ thiết bị khai thác than lộ thiên theo hướng hiện đại, công suất lớn, góp phần tăng năng suất, tiết kiệm năng lượng tiêu hao, ngành than tiếp tục đầu tư xây dựng đập chắn đất đá tại chân các bãi thải mỏ; nạo vét, cải tạo hệ thống suối thoát nước; tăng cường phủ xanh các vùng đất trống nhằm hạn chế xói mòn.
Ngành than cũng sẽ tiếp tục đầu tư các tuyến băng tải, phấn đấu đến năm 2020 sẽ thay thế hoàn toàn việc vận chuyển than ngoài mỏ đến các cảng và nhà máy nhiệt điện trên địa bàn tỉnh nhằm hạn chế phát sinh bụi, tiếng ồn, khí thải ra môi trường. TKV đầu tư mở rộng, nâng cấp, đổi mới công nghệ các trạm xử lý nước thải mỏ, nhà máy xử lý chất thải nguy hại và các công trình bảo vệ môi trường khác theo yêu cầu phát triển sản xuất; đầu tư thiết bị lọc ép bùn công suất lớn tại các nhà máy sàng tuyển để tăng tỷ lệ thu hồi khoáng sản, tăng lượng nước sử dụng tuần hoàn, giảm xả thải ra môi trường.
Với những nỗ lực của mình, TKV đang từng bước hướng đến mục tiêu trở thành ngành sản xuất “sạch”, phát triển hài hòa, thân thiện với môi trường và cộng đồng, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Quảng Ninh trên chặng đường dài phía trước.