Công ty Tuyển than Hòn Gai: Gắn sản xuất với bảo vệ môi trường

Công ty Tuyển than Hòn Gai có nhiệm vụ quan trọng là vận chuyển và sàng tuyển chế biến hầu như toàn bộ than của các đơn vị khai thác than vùng Hòn Gai của TKV. Bên cạnh việc chủ động trong điều hành, đổi mới công nghệ sàng tuyển hiện đại đạt năng suất năm sau cao hơn năm trước và đảm bảo tốt công tác môi trường “Xanh – Sạch – Đẹp”, đời sống của công nhân cán bộ công ty không ngừng được cải thiện, nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần.

 Không ai nhận ra dấu tích của một bến than sơ sài lạc hậu thời thuộc Pháp ngự giữa lòng thị xã Hòn Gai, thay vào đó là một nhà máy sàng tuyển than hiện đại được đầu tư bằng công nghệ của Australia vừa thân thiện với môi trường, vừa mang lại hiệu quả cao trong sản xuất.Bằng nguồn vốn của công ty và sự hỗ trợ của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Cảng Nam Cầu Trắng được đầu tư mở rộng, đưa công suất rót than qua cảng từ 700.000 tấn/năm lên 3,5 triệu tấn/năm. Nhờ đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng chục triệu tấn than thương phẩm từ Tuyển than Hòn Gai đã có mặt khắp các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Nếu như năm 2013 doanh thu của đơn vị đạt trên 2.400 tỷ đồng, thì năm 2014 đã tăng lên 2.800 tỷ đồng. Năm 2015, mặc dù ngành than phải gánh chịu hậu quả nặng nề của trận mưa lũ lịch sử vào cuối tháng 7 đầu tháng 8, nhưng với quyết tâm của toàn thể cán bộ, công nhân viên, Tuyển than Hòn Gai vẫn nêu quyết tâm phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao, giữ vững nhịp độ tăng trưởng, đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động.

Ông Bùi Hữu Lý, Phó giám đốc công ty cho biết: Năm 2015 Tuyển than Hòn Gai đã dùng toàn bộ tàu vận tải bằng đường sắt để đưa than từ mỏ về nhà máy sàng tuyển; đầu tư hệ thống phun nước tạo ẩm bề mắt cho tàu không bị bụi khi vận chuyển. Ngoài ra công ty cũng đã lắp đặt toàn bộ hệ thống phun sương giảm bụi, lắp đặt hệ thống phun nước, rửa sạch cho các toa xe khi ra vào mỏ để không tạo bui, ô nhiễm môi trường khi tàu vận hành.

Năm 2015, Tuyển than Hòn Gai đã chi phí thường xuyên cho công tác bảo vệ môi trường sinh thái trên 2 tỷ đồng để duy trì chế độ kiểm tra thường xuyên, và phối hợp với các tổ dân phố đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn. Ngoài ra công ty còn phối hợp với Công ty Môi trường mỏ đầu tư hơn 3 tỷ đồng làm bao cứng cho 115 toa xe kéo than từ mỏ về nhà máy.

Năm 2015, công ty được Tập đoàn duyệt kế hoạch đầu tư 9 công trình, với tổng số vốn gần 69 tỷ đồng. Trong đó các dự án chính như: Thiết bị duy trì sản xuất; Hệ thống băng tải vận chuyển than và rót than tại cảng; Nâng cao năng lực thiết bị vận tải đường sắt; Cải tạo hệ thống sàng khử cám mịn; Hệ thống xử lý bụi than nguyên khai. Tất cả các dự án nói trên đã được đơn vị triển khai đúng tiến độ và bước đầu mang lại hiệu quả cao.

Kết thúc năm 2015 các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đều đạt và vượt kế hoạch năm. Cụ thể: doanh thu bán than đạt trên 4.200 tỷ đồng đạt 110% kế hoạch năm, than tiêu thụ đạt gần 3 triệu tấn đạt 110% kế hoạch năm, đời sống việc làm của gần 1.500 cán bộ công nhân viên ổn định, với mức thu nhập bình quân trên 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Theo sxsh.vn

Cần Thơ: Đẩy mạnh tiết kiệm điện

Thay thế thiết bị cũ tiêu hao nhiều năng lượng, thực hiện quy trình, giải pháp nâng cao hiệu suất sử dụng thiết bị, cải tiến hệ thống chiếu sáng trong nhà xưởng, cơ sở kinh doanh… là những giải pháp tiết kiệm điện (TKĐ) đem lại hiệu quả cao trong các doanh nghiệp khu vực miền Nam.

Tiết kiệm điện ít tốn chi phí

Công ty CP chế biến thực phẩm Sông Hậu là doanh nghiệp (DN) chế biến thủy, hải sản. Điện năng cho hệ thống làm lạnh phục vụ sản xuất và dự trữ chiếm khoảng 70% tổng năng lượng tiêu thụ của doanh nghiệp. Công ty đã từng bước thay thế thiết bị cũ, lạc hậu, tiêu tốn điện năng bằng thiết bị mới TKĐ. Đối với hệ thống chiếu sáng, DN ưu tiên sử dụng hệ thống đèn Led tại các dây chuyền sản xuất, nhà kho, nhà xưởng… DN cũng đã ứng dụng hệ thống điều hòa trung tâm, thường xuyên kiểm tra các thiết bị vận hành trong quy trình sản xuất và kịp thời xử lý nhanh chóng các sự cố gây tổn thất điện năng. Thực hiện tuyên truyền cán bộ, công nhân viên thực hành các biện pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng điện hợp lý… Nhờ vậy đã giúp DN tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh.

Công ty Nguyên liệu thuốc lá miền Nam trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng đã thay hệ thống chiếu sáng bằng cách lắp đặt tôn chiếu sáng nhà xưởng sản xuất, thay thế ánh sáng điện, mỗi tháng tiết kiệm hàng chục triệu đồng.

Nhiều đơn vị sản xuất công nghiệp, kinh doanh trên địa bàn 21 tỉnh, thành phố phía Nam đã và đang chủ động cải thiện hệ thống chiếu sáng, lắp đặt biến tần cho động cơ, thay thế máy nén lạnh… trong quy trình sản xuất.

Ông Dương Nghĩa Hiệp – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ kiêm Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Cần Thơ (ECC Cần Thơ) – cho biết: Thời gian qua, ECC Cần Thơ thực hiện kiểm toán năng lượng và tư vấn lắp đặt, đổi mới công nghệ cho nhiều DN trong lĩnh vực chế biến thủy sản, nông sản, nước giải khát… trên địa bàn thành phố. Kết quả kiểm toán tại các DN đã giảm được từ 15 -25% mức năng lượng tiêu thụ, góp phần hỗ trợ DN sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hơn.

Hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng năng lượng hiệu quả

Thời gian qua, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã phối hợp với các sở Công Thương trên địa bàn tổ chức nhiều lớp tập huấn triển khai các giải pháp an toàn và tiết kiệm năng lượng trong nhà máy cho công nhân, cán bộ quản lý, cung cấp những kiến thức, giải pháp sử dụng TKNL trong hệ thống lò hơi, kỹ thuật vận hành các dây chuyền sản xuất, hệ thống lạnh công nghiệp và kiểm tra sử dụng điện tại các DN sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn thành phố.

TP. Cần Thơ cũng đã triển khai Dự án “Chuyển hóa carbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng” hỗ trợ cho các DN thuộc ngành công nghiệp chế biến thủy sản tiếp cận vốn vay ưu đãi, kiểm toán năng lượng… Tuy nhiên, do thiếu vốn, thiếu đội ngũ cán bộ quản lý năng lượng nên hiệu quả TKNL ở các DN còn hạn chế…

Để hỗ trợ DN, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và EVNSPC đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp hỗ trợ dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo mô hình ESCO” cho nhiều DN trên địa bàn và các tỉnh trong khu vực. Mô hình ESCO là giải pháp hữu ích nhằm TKNL, giúp DN quản lý rủi ro, giám sát và quản lý hiệu quả tiết kiệm điện năng…

Nhiều năm qua, EVNSPC đã phối hợp với các đơn vị điện lực và các sở, ngành ở nhiều tỉnh, thành phố phía Nam tiến hành tư vấn và triển khai thực hiện các giải pháp TKNL cho doanh nghiệp. Hợp tác với các công ty có năng lực và kinh nghiệm trong việc triển khai mô hình ESCO để đưa ra các giải pháp tư vấn, kỹ thuật… Đồng thời, hỗ trợ kinh phí, giúp DN triển khai thực hiện mô hình.

Theo baocongthuong.com.vn

Hải Phòng: Cơ hội đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng tới từ dự án JCM

Công ty xi- măng Chin fon đang được Công ty Amita (Nhật Bản) tư vấn, hỗ trợ việc tận dụng chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu sản xuất xi-măng. Việc tận dụng nhiệt năng từ đốt cháy các chất thải thay thế tiết kiệm khoảng 20-25% lượng nhiên liệu cho quá trình đốt, các chất thải này sẽ là thành phần cho phụ gia, góp phần tiết kiệm 5-10% nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất xi-măng. Đây là lợi ích bước đầu doanh nghiệp khi tham gia dự án JCM.

 Đoàn chuyên gia của thành phố Kytakyushu (Nhật Bản) vừa có cuộc khảo sát, nghiên cứu khả năng phát triển các dự án JCM tại Hải Phòng. Nhà máy xi-măng Chinfon là một trong 3 DN đăng ký tham gia khảo sát và thực hiện dự án. Đây là DN có mức tiêu thụ năng lượng nhiều nhất trên địa bàn thành phố. DN thực hiện nhiều biện pháp tiết kiệm năng lượng như lắp thiết bị phát điện bằng nhiệt thừa, lắp inverter (công nghệ tự động biến tần thiết bị điện) vào các động cơ; tận dụng chất thải,…. Tuy nhiên, việc tận dụng chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu sản xuất hiệu quả thấp, do DN chưa thu thập đủ số liệu. Để tháo gỡ vướng mắc cho DN, Nhật Bản giới thiệu DN với Công ty Amita (Nhật Bản) xem xét, hỗ trợ việc chuyển chất thải thành nguyên liệu, nhiện liệu.

Cùng đợt khảo sát, còn có  khách sạn Harbour View, siêu thị Big C cũng được chuyên gia Nhật Bản thu thập các số liệu. Sau khi khảo sát, đánh giá việc tiết kiệm năng lượng của DN, các chuyên gia Nhật Bản tư vấn, hỗ trợ DN thực hành các biện pháp tiết kiệm năng lượng. khách sạn Harbour View được giới thiệu với Toto, nhà sản xuất hàng đầu Nhật Bản về thiết bị sứ vệ sinh và thiết bị dẫn nước kim loại về việc lắp thiết bị tiết kiệm nước. Siêu thị Big C là một trong những DN có nhiều giải pháp hay tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, đối tác Nhật Bản chỉ ra khả năng tiết kiệm năng lượng hơn nữa, nếu DN lắp bản pin mặt trời và lắp điều hòa tiết kiệm điện. Đây là những hỗ trợ bước đầu đối với những DN tham gia dự án JCM. Tại cuộc làm việc với lãnh đạo thành phố về việc thực hiện dự án JCM, chuyên gia Nhật Bản chia sẻ: đây mới là khởi động bước đầu, về lâu dài, khi chính thức tham gia dự án JCM, phía đối tác, công ty Nhật Bản đó sẽ đứng ra đăng ký với Chính phủ Nhật Bản để tìm nguồn hỗ trợ cho dự án. Việc tham gia JCM mở ra cơ hội tiếp cận công nghệ tiết kiệm năng lượng cho DN.

Theo kết quả khảo sát  của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, trên địa bàn thành phố hiện có 716 DN, cơ sở sản xuất công nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực chế biến thực phẩm – thủy sản, dệt may, nhựa và cao su, gang thép…; đây là những ngành tiêu tốn nhiều năng lượng và có nguy cơ phát thải các chất gây ô nhiễm môi trường cao. Tuy nhiên, mới chỉ có 57% số DN áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, song chủ yếu áp dụng các giải pháp đơn giản như lắp bóng đèn tiết kiệm điện, lắp biến tần cho động cơ, bố trí thời gian sản xuất vào giờ thấp điểm, tối ưu hóa hệ thống nén khí…Ví dụ khách sạn, văn phòng Harbour View khai trương năm 1998 với 122 phòng ở, buồng và căn hộ. Tuy nhiên, DN này chưa thực hiện biện pháp nào khác để tiết kiệm năng lượng. Trong khi đó, DN này có thể tiết kiệm năng lượng nhiều hơn nữa, như lắp đèn Led; lắp thiết bị tiết kiệm nước, điều hòa tiết kiệm điện. Bên cạnh đó, một số DN quan tâm tiết kiệm năng lượng, nhưng kết quả thu được chưa tương xứng tiềm năng.

Tuy nhiên, để tiết kiệm năng lượng hiệu quả, DN phải đổi mới công nghệ, thiết bị. Việc đầu tư, đổi mới công nghệ đòi hỏi chi phí không nhỏ. Theo tính toán, tiền mua sắm thiết bị tiết kiệm điện chiếm hơn 70% tổng mức đầu tư. Trong khi đó, phần lớn DN trên địa bàn thành phố là DN vừa và nhỏ, khả năng tài chính có hạn. Việc tham gia dự án JCM mở ra hy vọng cho DN đổi mới công nghệ theo hướng phát thải CO2 thấp, góp phần tái cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững.

Theo sxsh.vn 

Ecotech VietNam 2016: Mở ra thị trường công nghệ thân thiện môi trường

Triển lãm Quốc tế Thân thiện Môi trường Việt Nam 2016 – “Ecotech VietNam 2016” diễn ra từ ngày 5- 7/5 tại SECC – 799 Đại lộ Nguyễn Văn Linh, Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh.

 Triển lãm Quốc tế Thân thiện Môi trường Việt Nam 2016 – “Ecotech VietNam 2016” diễn ra từ ngày 5- 7/5 tại SECC – 799 Đại lộ Nguyễn Văn Linh, Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh sẽ mở ra một thị trường công nghệ thân thiện môi trường ứng dụng trong công nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng.

Theo Ban tổ chức, sự kiện có sự chủ trì của Bộ Khoa học và Công nghệ và có sự ủng hộ của Bộ Công Thương. Đơn vị tổ chức Triển lãm là Cục Công tác phía Nam Bộ Khoa học và Công nghệ (Trung tâm Ứng dụng và Dịch vụ Khoa học Công nghệ) phối hợp cùng Công ty Cổ phần Quảng cáo và Hội chợ Thương mại VINEXAD (trực thuộc Bộ Công Thương).

Sự kiện thương mại quan trọng này đáp ứng tích cực chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh.

Các lĩnh vực được giới thiệu tại Triển lãm gồm: công nghệ môi trường; nông nghiệp, chế biến thực phẩm; công nghiệp; xây dựng; giao thông – vận tải; năng lượng…

Tính tới tháng 2, triển lãm đã thu hút 30 công ty Việt Nam và 70 công ty nước ngoài đăng ký tham gia trưng bày, đại diện cho các nền công nghiệp phát triển như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Cộng hòa Séc, Đài Loan (Trung Quốc) … Dự kiến các hội nghị, hội thảo chuyên ngành đồng thời được tổ chức trong thời gian triển lãm.

Với tiềm năng tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 6%/năm, mức sống người dân được cải thiện đáng kể và cơ cấu kinh tế đang dần chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa; bằng các biện pháp bảo vệ môi trường vì sức khỏe cộng đồng, Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ (KHCN) cũng như tiếp nhận chuyển giao công nghệ của các nước tiên tiến.

Theo sxsh.vn

Chế biến thủy sản đông lạnh: Cải tạo, đổi mới công nghệ cho hệ thống quản lý năng lượng và hệ thống chiếu sáng

Ngày nay, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế Quốc tế, nâng cao hình ảnh, nâng cao năng lực cạnh tranh là yếu tố quan trọng của doanh nghiệp. Nhằm góp phần vào mục tiêu hỗ trợ Doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng Tp.HCM (ECC) sẽ giới thiệu đến Quý doanh nghiệp loạt bài viết về các giải pháp nhằm cải tiến, đổi mới công nghệ trong chế biến thủy sản đông lạnh. Các giải pháp này được đưa ra trên cơ sở khảo sát và tư vấn cho doanh nghiệp trong suốt 10 năm qua của ECC và đã được các chuyên gia, các doanh nghiệp đánh giá, góp ý.
Trong loạt bài này chúng tôi sẽ giúp doanh nghiệp hệ thống lại tất cả những giải pháp, công nghệ có thể cải tiến, đổi mới trong ngành chế biến thủy sản đông lạnh như: hệ thống quản lý năng lượng, hệ thống điện, hệ thống chiếu sáng, hệ thống lò hơi và phân phối hơi, hệ thống điều hòa không khí và lạnh công nghiệp, hệ thống máy nén khí và phân phối khí nén, hệ thống bơm quạt…và cuối cùng là tính toán chi phí, lợi ích cho một số giải pháp tiết kiệm năng lượng thường gặp.Cải tiến, đổi mới công nghệ hệ thống quản lý năng lượng 

Nhóm giải pháp cải tạo cho Hệ thống quản lý năng lượng

Nhóm giải pháp cải tạo đòi hỏi doanh nghiệp dành nhiều thơi gian hơn trong việc quản lý, giám sát, đánh giá việc sử dụng năng lượng tại doanh nghiệp để có biện pháp quản lý, xử lý kịp thời, hiệu quả. Ưu điểm của nhóm giải pháp này là chi phí đầu tư thấp nhưng mang đến hiệu quả lớn và có tính bền vững. Sau đây là 05 giải pháp chính trong nhóm giải pháp cải tạo:

–         Thành lập Ban quản lý năng lượng với sự tham gia của hầu hết các phòng ban trong công ty;

–         Vận hành các hệ thống, công cụ giúp nâng cao năng suất, tiết kiệm năng lượng như: Kiểm toán năng lượng, áp dụng ISO 50001, áp dụng ISO 9001, áp dụng các hệ thống, công cụ khác như: Sản xuất sạch hơn, thực hành 5S, 6Sigma (cải tiến quy trình), GMP (thực hành sản xuất tốt), KPI (Đo lượng hiệu suất), TPM (duy trì năng suất toàn diện) và TQM (quản lý chất lượng toàn diện)…

–         Xây dựng hệ thống đo lường các chỉ số, chỉ tiêu quản lý năng lượng và theo dõi đánh giá thường xuyên. Một số chỉ tiêu cần được xây dựng như: Chi phí năng lượng/doanh thu hay lợi nhuận; Suất tiêu hao năng lượng/đơn vị sản phẩm, thời gian chạy máy/thời gian được lập theo kế hoạch, sản phẩm đạt chất lượng/tổng sản phẩm… Việc này sẽ giúp cho doanh nghiệp biết được cơ cấu chi phí năng lượng trong giá thành sản phẩm, hiệu suất tiêu thụ năng lượng tổng thể và của từng thiết bị…

–         Đề ra mục tiêu tiết kiệm năng lượng trong từng giai đoạn

–         Phát động phong trào tiết kiệm năng lượng nhầm nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng cho toàn bộ công nhân viên.

Nhóm giải pháp đổi mới công nghệ cho Hệ thống quản lý năng lượng 

Hiện nay, hệ thống thu thập dữ liệu và điều khiển giám sát SCADA và hệ thống giám sát điện năng PMS là những công nghệ mới được ứng dụng cho hệ thống quản lý năng lượng tại doanh nghiệp.

Hệ thống SCADA cho phép thu thập tất cả các thông số về trạng thái hoạt động của thiết bị, chẳng hạn như: trạng thái mở/tắt, công suất điện tức thời, điện năng tiêu thụ trong một khoảng thời gian,…các thông số này được lưu lại để có thể truy suất khi cần thiết. Đồng thời hệ thống SCADA cũng cho phép điều khiểu thiết bị từ xa, cho phép tắt mở thiết bị theo thời gian thực hiện đã thiết lập sẵn. SCADA là một hệ thống quản lý giám sát tối ưu cho nhà máy, tuy nhiên chi phí đầu tư cho hệ thống này là khá cao.

Hệ thống giám sát điện năng PMS (Power Management System), với chi phí đầu tư thấp hơn, các doanh nghiệp có thể sử dụng phần thu thập dữ liệu về các thông số điện (P,U,I Cosphi). Hệ thống này giúp doanh nghiệp hiểu rõ biểu đồ phụ tải, theo dõi trực tuyến tiêu thụ điện, hỗ trợ đội ngũ vận hành và lắp đặt, tìm cách tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí. Một số đặc tính nổi bậc của hệ thống PMS như sau:

–         Xác định rõ chi phí điện cho từng ca, bộ phận, phân xưởng, sản phẩm;

–         Xác định tính hợp lý của các giải pháp cải tiến, giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư;

–         Chuẩn đoán và giảm thời gian dừng máy sự cố một cách tích cực;

–         Xác định chính xác loại sự cố chất lượng điện năng, thời gian, vị trí của sự cố;

–         Gửi các cảnh báo để đề phòng trước sự cố xảy ra;

–         Phân tích nguyên nhân, hỗ trợ xác định nguyên nhân sự cố nhanh và xử lý triệt để

–         Xác định nguyên nhân sự cố là do thiết bị hay do nguồn điện.

Cải tạo, đổi mới công nghệ cho hệ thống chiếu sáng 

Nhóm giải pháp cải tạo

Đối với hệ thống chiếu sáng, giải pháp tăng cường tận dụng chiếu sáng tự nhiên được xem là giải pháp cơ bản và tối thiểu được chi phí năng lượng. Một số giải pháp thường được sử dụng để cải tạo hệ thống chiếu sáng là: Thiết kế chiếu sáng tối ưu, đảm bảo tốt công tác bảo trì bảo dưỡng, sử dụng ballast điện tử thay cho ballast điện từ hay sử dụng chóa phản quang…Trong thiết kế chiếu sáng tối ưu, các chuyên gia kỹ thuật sẽ xem xét các yếu tố như độ sáng theo tiêu chuẩn, chiều cao treo đèn hợp lý, sự che chắn, chế độ điều khiển đèn linh hoạt, kết hợp điều khiển tập trung và điều khiển cục bộ, điều khiển bằng tay và điều khiển tự động…Nhóm giải pháp này giúp tiết kiệm từ 10-20% điện năng tiêu thụ của hệ thống chiếu sáng.

Nhóm giải pháp đổi mới công nghệ

Đối với nhóm giải pháp này đòi hỏi doanh nghiệp phải sử dụng các loại đèn công nghệ mới, có hiệu suất chiếu sáng cao và độ suy giảm quang thông thấp như đèn Led, Huỳnh Quang T5, Compact, Metal Halide…thay thế cho các bóng đèn có hiệu suất chiếu sáng thấp như đèn Huỳnh Quang T10, Dây tóc, Thủy ngân cao áp…Theo chuyên gia chiếu sáng, giải pháp đèn Led sẽ giúp tiết kiệm hơn từ 37%-55% điện năng tiêu thụ so với đèn Huỳnh Quang T5, T10.

Theo sxsh.vn

Doanh nghiệp Bình Dương trước bài toán tiết kiệm năng lượng

Điều 33 của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bắt buộc các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm doanh nghiệp (DN) phải kiểm toán năng lượng (KTNL) 3 năm một lần. Vậy KTNL là gì? Các DN ở Bình Dương đã thực hiện quy trình này ra sao? Và ngành chức năng có giải pháp gì để thúc đẩy chương trình này?

KTNL là tổng hợp các hoạt động khảo sát, thu thập và phân tích năng lượng tiêu thụ của DN, tòa nhà, quy trình sản xuất hay một hệ thống… Mục tiêu của KTNL là xác định những khu vực sử dụng năng lượng lãng phí và các cơ hội tiết kiệm năng lượng, từ đó xây dựng các giải pháp để sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, nhằm tránh lãng phí tài nguyên năng lượng quốc gia, giúp DN tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh, tăng hiệu quả cạnh tranh của DN.
Tại Bình Dương, Trung tâm Khuyến công đã tích cực hưởng ứng chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo Nghị định số 102/2003/NĐ-CP ngày 3-9-2003. Trung tâm đã triển khai đến DN các quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (ngày 17-6-2010); Nghị định số 21/2011/NĐ-CP (ngày 29-3-2011) của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Thông tư số 09/2012/ TT-BCT (ngày 20-4-2012) của Bộ Công thương quy định về việc lập kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thực hiện KTNL đến các DN trên địa bàn tỉnh. Tuy triển khai các quy định pháp luật đã hơn 10 năm, triển khai chương trình mục tiêu quốc gia được gần 5 năm, song đến nay, vẫn còn nhiều DN trên địa bàn vẫn chưa thực hiện KTNL.
Hiệu quả từ tiết kiệm năng lượng của một DN
Trong số hàng chục DN thực hiện KTNL tại Bình Dương, Công ty TNHH MTV Triệu Phú Lộc là một đơn vị chuyên sản xuất gia công đồ gỗ trang trí nội thất, điêu khắc, tiện đã tham gia phối hợp với Trung tâm Khuyến công trong việc KTNL và bước đầu đạt hiệu quả. Ngành chức năng đã tổ chức thực hiện việc khảo sát đánh giá, đo đạc và tính toán chi tiết cho các khu vực của nhà máy của công ty, để tìm ra những vị trí sử dụng năng lượng chưa thực sự tiết kiệm, từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục hiệu quả để nhà máy triển khai thực hiện. Sau khi thu thập số liệu, khảo sát và tiến hành đo đạc thực tế tại khu vực nhà máy, các giải pháp đưa ra tập trung ở các hệ thống tụ bù, hệ thống máy nén khí và hệ thống quạt hút gió.
Đối với hệ thống tụ bù, do nhà máy không lắp tụ bù tại các tủ phân phối các máy công cụ nên hệ số công suất trung bình tại các máy công cụ của xưởng khá thấp (khoảng 0,45 – 0,75). Chiều dài từ trạm biến áp đến các máy công cụ của xưởng là khá dài đến 90m nên gây tổn hao công suất và tổn hao điện áp, làm giảm điện áp ở cuối đường dây. Nếu di chuyển các tụ bù tổng từ trạm biến áp đến tủ điện gần khu vực bố trí các máy công cụ công suất lớn của xưởng thì tổng điện năng tiết kiệm được là 5.472 kWh/năm.
Đối với hệ thống máy nén khí, cho phép toàn hệ thống sau khi khắc phục rò rỉ tối ưu là 10%. Nâng cao nhận thức sự dụng khí nén của công nhân. Quy hoạch, tối ưu hóa hệ thống đường ống cung cấp khí nén, giúp giảm thiểu tổn thất áp suất trên đường ống. Định kỳ kiểm tra năng suất máy nén khí và rò rỉ khí nén trên hệ thống phân phối khí nén. Thường xuyên kiểm tra, thay thế các khớp nối đã cũ, rò rỉ khí bằng các khớp nối mới.
Đối với hệ thống quạt hút gió, cần khắc phục ngay các điểm rò rỉ tại các cửa hút, các điểm nối giữa đoạn ống cứng bằng tôn kẽm và ống ruột gà. Thay cơ cấu truyền động bằng puly hiện nay bằng cách truyền động trực tiếp. Nhắc nhở công nhân sau khi tắt máy phải đóng kín các cửa gió đồng thời hạ thấp các cửa gió vừa tầm với của công nhân để thuận tiện cho việc đóng mở các cửa gió. Với các giải pháp đưa ra, tổng chi phí đầu tư là 50 triệu đồng, nhà máy có thể tiết kiệm được 53.208kWh/năm, tương đương tiết kiệm được 94,14 triệu VNĐ/năm, đồng thời giảm thải CO2 ra môi trường là 22,88 tấn/năm. Qua số liệu thống kê, cho thấy điện năng tiêu thụ trong giờ cao điểm chiếm 22,54%, chi phí tiền điện chiếm 36,81%. Do đó việc quản lý vận hành tốt các phụ tải tránh giờ cao điểm sẽ giúp giảm chi phí điện năng đáng kể.
Bên cạnh công tác KTNL tại công ty, Trung tâm Khuyến công còn đưa ra các lưu ý về một số khó khăn có thể xảy ra trong quá trình triển khai như lựa chọn nhà cung cấp thiết bị đáng tin cậy, cần làm báo cáo đầu tư cho các giải pháp đầu tư. Ngoài ra, để duy trì hiệu quả của hoạt động tiết kiệm năng lượng, nhà máy nên thành lập Ban quản lý năng lượng. Nhà máy có thể phối hợp các tổ chức tài chính cho vay đầu tư giải pháp tiết kiệm năng lượng như Ngân hàng Vietinbank, các Công ty ESCO.
Đầu tư để tiết kiệm năng lượng, cơ hội cho DN
Bên cạnh việc thực hiện KTNL cho DN, Trung tâm Khuyến công còn tổ chức Hội thảo Chương trình hỗ trợ đầu tư Xanh (GIF) cho các vừa và nhỏ (VVN) tại Bình Dương. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi hội thảo được tổ chức tại 10 tỉnh, thành mục tiêu của Dự án LCEE. Dự án LCEE sẽ tiếp tục hỗ trợ Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, với nguồn ngân sách cho Quỹ đầu tư lên tới 110 tỷ đồng.
Trong năm 2015 và 2016, Dự án đặt mục tiêu hỗ trợ từ 100 – 130 DNVVN trong 3 ngành gạch, gốm và chế biến thực phẩm. Tham gia dự án, các DN có cơ hội nhận được khoản vay trị giá từ 400 triệu đến 4 tỷ đồng cho các hoạt động đầu tư vào tiết kiệm năng lượng. Sau 800 giờ vận hành, DN đạt được mức tiết kiệm năng lượng và giảm lượng phát thải khí CO2 theo yêu cầu của dự án LCEE sẽ được trả thưởng từ 10 – 30% giá trị khoản vay.
 Tại hội thảo ở Bình Dương, TS. Nguyễn Xuân Quang, Tư vấn quốc gia dự án, đã trình bày và giải đáp thắc mắc của các DN về chi tiết kỹ thuật và cách thức tính mức năng lượng theo yêu cầu của dự án. Đồng thời, chuyên gia và cán bộ dự án cũng đã hỗ trợ các DN thảo luận, lên ý tưởng cho các dự án tiết kiệm năng lượng tại DN và tính toán mức chi phí đầu tư. Theo số liệu từ Sở Công thương Bình Dương, toàn tỉnh có 430 DNVVN hoạt động trong 3 lĩnh vực gạch, gốm và chế biến thực phẩm. Số lượng DNVVN tại Bình Dương lớn thứ 4 trong danh sách 10 tỉnh mục tiêu của dự án LCEE, chỉ xếp sau Hà Nội, Vĩnh Long và TP.Hồ Chí Minh.
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến công khẳng định: “KTNL quan trọng như kiểm toán tài chính, sử dụng năng lượng kém hiệu quả là sự lãng phí rất lớn. Nên Trung tâm Khuyến công đã và sẽ tích cực đồng hành cùng DN thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần xây dựng tỉnh Bình Dương giàu đẹp, phát triển bền vững”.
Theo tietkiemnangluong.com.vn