5 sự thật thú vị ít người biết về năng lượng tái tạo

Đã có rất nhiều thành phố và quốc gia cam kết chuyển sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo; Năng lượng tái tạo có liên quan đến nền tảng công nghệ blockchain; Xe điện sẽ chiếm đến 1/3 lượng xe chạy trên đường phố. Đó là những thực tế ít người biết về năng lượng tái tạo.

Trong nhiều năm qua, các chuyên gia năng lượng cho rằng năng lượng tái tạo đã bắt đầu chạm đến mọi ngóc ngách của cuộc sống con người – biểu hiện rõ nhất là khi các tấm năng lượng mặt trời được lắp trên mái nhà chúng ta và các loại xe điện chạy nhan nhản trên đường phố. Thực tế, ngày đó vẫn chưa đến, nhưng nhờ việc đạt được những bước tiến dài trong việc làm giảm chi phí, ngàng công nghiệp năng lượng thay thế hiện nay đang chiếm một vị trí nổi bật trong chiến lược an ninh năng lượng của các quốc gia.

Dù năng lượng hóa thạch vẫn giữ một vị trí chủ đạo, nhưng với nhu cầu và lợi ích về nguồn năng lượng tái tạo đang ngày càng cao thì dầu mỏ và khí gas sẽ dần mất vai trò của mình. Đây là cơ sở để tin rằng năng lượng tái tạo sẽ ngày càng phổ biến trong cuộc sống con người.

Khai thác năng lượng gió

Nhu cầu trên toàn thế giới về ethanol đang ngày càng tăng

Phá kỷ lục 1,2 tỷ gallon (hơn 4,5 tỷ lít) năm 2011, Mỹ đã xuất khẩu 1,4 tỷ gallon ethanol năm 2017, theo Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA). Phần lớn nhu cầu về ethanol là từ Brazil, lượng ethanol nhập khẩu vào quốc gia này đã tăng trong 4 năm liên tục, đạt 450 tỷ gallon trong năm 2017, chiếm khoản 1/3 tổng lượng ethanol xuất khẩu của Mỹ.

Mỹ không còn tham gia vào Hiệp định Paris về Khí hậu, nhưng họ vẫn có thể tự hào về thành phố Minneapolis và 64 thành phố khác

Mặc dù Mỹ không còn tham gia vào Hiệp định Paris về Khí hậu, nhưng các nhà chính trị ở Mỹ đang thể hiện cam kết của mình với vấn đề năng lượng tái tạo. Điển hình như hồi cuối tháng 4, Minneapolis trở thành thành phố thứ 65 tuyên bố chiến lược chuyển sang sử dụng 100% năng lượng sạch, và quyết tâm hoàn thành việc chuyển sang sử dụng năng lượng sạch trước năm 2030. Theo tổ chức môi trường Sierra Club, có năm thành phố bao gồm Aspen, Colorado, Burlington, Vermont đã đạt được mục tiêu chuyển sang sử dụng hoàn toàn 100% năng lượng tái tạo.

Bên cạnh rất nhiều thành phố ở Mỹ thể hiện quyết tâm chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng gió và các loại năng lượng tái tạo khác, thì hiện cũng có 9 quốc gia và một bang của Mỹ (Hawaii) đã cam kết chuyển sang sử dụng 100% năng lượng sạch.

Xu thế phát triển các loại xe điện vẫn sẽ tiếp diễn và tốc độ nhanh hơn

Hiện nay bạn có thể chưa thường xuyên bắt gặp hình ảnh các loại xe điện (EV) lưu thông trên đường, nhưng cảnh tượng đó sẽ sớm xuất hiện trong tương lai. Theo một báo cáo gần đây của Bloomberg New Energy Finance, thì tổng số xe điện tiêu thụ trên toàn cầu sẽ tăng từ 1,1 triệu chiếc năm 2017 lên 11 triệu chiếc năm 2025 và lên đến 30 triệu chiếc vào năm 2030. Hơn nữa, dự báo này cũng khẳng định “đến 2040, 55% tổng số xe mới được bán ra thì có 33% số đó là xe điện”.

Mặc dù Tesla luôn là cái tên đầu tiên được nhắc đến khi nói về vấn đề chuyển xe thông thường sang sử dụng EV, nhưng hiện cũng có rất nhiều nhà sản xuất ô tô tên tuổi đang quan tâm đến vấn đề này. Điển hình như General Motors hồi tháng 10 năm ngoái đã công bố kế hoạch bán ra ít nhất là 20 mẫu xe hoàn toàn chạy điện mới vào năm 2023 nhằm hướng đến tương lai chỉ sản xuất những loại xe hoàn toàn không xả ra khí thải, chỉ sử dụng điện. Hơn nữa, Volkswagen AG cũng đang rất khao khát sản xuất xe điện để đáp ứng nhu cầu rất lớn của loại xe này; tập đoàn này đang lên kết hoạch bán đến tay người dùng các phiên bản xe chạy hoàn toàn bằng điện trong các sản phẩm của họ đến năm 2030.

Là “người mới đến” với công nghệ blockchain

Công nghệ blockchain có nguồn gốc từ lĩnh vực tài chính, nhưng rất nhiều ngành khác – trong đó có cả ngành năng lượng tái tạo – cũng đang tìm cách chen chân vào công nghệ nền tảng phân tán này. Ví dụ, công ty tư nhân Conjule đang sử dụng nền tảng blockchain để thực hiện giao dịch thương mại ngang hàng nguồn năng lượng dư thừa do các tấm pin mặt trời tạo ra mà các hộ gia đình sử dụng không hết. Ở quy mô lớn hơn, nhiều công ty và tổ chức cũng đang tìm cách sử dụng các giải pháp trên nền tảng blockchain, từ giao dịch buôn bán năng lượng cho đến sạc các loại xe EV. Trung tâm nghiên cứu Navigant Research dự đoán rằng tổng chi tiêu của các công ty cho các nền tảng công nghệ blockchain sẽ đạt 3,7 tỷ USD vào năm 2026.

Lợi thế cạnh tranh đang nghiêng về năng lượng sạch

Coca-Cola và Burlington Northern Santa Fe là hai dự án đầu tư nổi tiếng nhất của tỷ phú Warren Buffett, nhưng “Nhà tiên tri xứ Omaha” (Biệt danh của ông Warrant Buffett) cũng là một trong những người vận động ủng hộ sử dụng năng lượng tái tạo nổi tiếng nhất. MidAmerican Energy Company, một công ty con của tập đoàn Berkshire Hathaway đặt ra mục tiêu dài hạn là cung cấp 100% năng lượng tái tạo cho các khách hàng của họ.

Để minh họa cho sự tiên phong của họ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, MidAmerican đã đăng trên website của mình rằng “không một tổ chức có điều chỉnh tốc độ nào khác ở Mỹ có năng lực sản xuất điện gió lớn hơn chúng tôi”. Và công ty năng lượng này cũng chưa cho thấy bất cứ dấu hiệu này thể hiện họ sẽ giảm các cam kết của mình: MidAmerican hiện đang thực hiện một dự án điện gió 2.000 megawatt có tên Wind XI, dự án này dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2019.

Việc sử dụng năng lượng sạch hiện nay đa dạng hơn rất nhiều so với thời những người Ai Cập cổ đại, những người đã biết tận dụng sức gió để cho thuyền đi lại trên sông Nile. Mặc dù rất nhiều nhà đầu tư thừa nhận rằng các khoản đầu tư vào năng lượng sạch giúp tạo ra nhiều cơ hội đã xuất hiện gần đây, nhưng có rất nhiều khả năng những cơ hội này sẽ tiếp tục tăng lên khi nguồn năng lượng thay thế chiếm một tỷ lệ lớn hơn nhiều trong bức tranh tổng quan về năng lượng.

Theo VietTimes

Sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất: Giải pháp để phát triển bền vững

Chú trọng vào nghiên cứu và nhân rộng mô hình năng lượng tái tạo là giải pháp quan trọng cho quá trình phát triển bền vững cho bất cứ tổ chức nào.

Năng lượng tái tạo là gì?

Theo Viện Năng lượng Việt Nam, năng lượng tái tạo hay năng lượng tái sinh là năng lượng từ những nguồn liên tục mà theo chuẩn mực của con người là vô hạn. Những nguồn năng lượng tái tạo có thể khai thác và sử dụng trong thực tế bao gồm: thủy điện nhỏ, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, năng lượng khí sinh học, nhiên liệu sinh học, năng lượng từ nguồn rác thải sinh hoạt, năng lượng mặt trời, và năng lượng địa nhiệt.

Năng lượng tái tạo giữ vai trò quan trọng trong cán cân năng lượng và bảo vệ môi trường. Đây cũng là nguồn cung ứng lâu dài cho hoạt động của con người. So với năng lượng nhiên liệu hóa thạch, năng lượng tái tạo ít rủi ro hơn, giúp giảm phát thải khí nhà kính, giảm phụ thuộc vào than nhập khẩu và góp phần đảm bảo nguồn cung năng lượng. Vì thế các nước phát triển đang chuyển dịch mạnh mẽ sang giải pháp này.

Vỏ trấu được sử dụng làm nhiên liệu thay cho hóa thạch tại một số nhà máy Ajinomoto.

Để phát triển năng lượng tái tạo, nhiều nước đã đặt ra mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng nhu cầu năng lượng. EU đặt mục tiêu đến 2020, năng lượng tái tạo chiếm 20% tổng nhu cầu năng lượng. Con số này tại Anh và Trung Quốc là 15%, còn Thụy Điển là  49%. Thậm chí New Zeland mong muốn sử dụng 90% năng lượng tái tạo vào 2025.

Áp dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất

Sử dụng năng lượng tái tạo từ nhiên liệu sinh học thay cho nhiên liệu hóa thạch là giải pháp được các doanh nghiệp chú trọng phát triển bền vững áp dụng. Đơn cử như Tập đoàn Ajinomoto, đơn vi chủ động áp dụng mô hình năng lượng sinh học cho nhiều nhà máy của mình trên khắp thế giới.

Tại Ayutthaya Thái Lan, nhà máy Ajinomoto không dùng than để đốt lò, mà sử dụng lò hơi sinh học với nguồn nhiệt từ vỏ trấu. Nhờ vậy, nhà máy giảm thiểu gần 59.000 tấn khí thải CO2 hàng năm, đồng thời tiết kiệm chi phí hơn khi không phải mua điện từ bên ngoài.

Nhằm đảm bảo việc triển khai hệ thống năng lượng sinh học diễn ra đúng chuẩn, công ty Ajinomoto Thái Lan kiểm soát chặt chẽ từng công đoạn sản xuất nhiên liệu của công ty, từ khâu thu mua vỏ trấu cho đến tân dụng hiệu quả lượng tro trấu thu được sau khi đốt.

Tương tự, công ty Ajinomoto ở Brazil cũng sử dụng lò hơi sinh học chạy bằng nhiên liệu từ vỏ trấu và giảm lượng phát thải CO2 đến 41%, đưa xuống mức xấp xỉ 0%. Các lò hơi sinh học đáp ứng trên 80% nhu cầu của sản xuất công nghiệp với chi phí thấp hơn so với nhiên liệu hóa thạch.

Cho đến nay, lò hơi sinh học đã được đưa vào sử dụng tại 10 nhà máy trong số các nhà máy của Ajinomoto trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Dự tính đến năm 2030, tập đoàn đạt tỷ lệ năng lượng tái tạo ở mức 50% trong toàn bộ các hoạt động vận hành, bao gồm 108 nhà máy.

Theo Vietnamnet

Việt Nam tiếp nhận công nghệ xử lý rác thải nông nghiệp 

Ngày 31/5/2018, Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng chuyên ngành khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức ký kết chuyển giao công nghệ xử lý rác thải nông nghiệp Carbolosic. Công nghệ được phát triển bởi các tiến sĩ ở Trường Đại học Central Florida (Mỹ).

Nhà sáng chế Walsh Joseph John, đồng tác giả công nghệ cho biết, công nghệ này dùng các phụ phẩm nông nghiệp là nguyên liệu đầu vào để sản xuất thành đường, phân bón, ethanol. Ethanol là loại nhiên liệu được sản xuất rộng rãi nhất nhưng có nhiều nhược điểm: có hàm lượng năng lượng thấp, tính ưa nước và tinh bột hoặc có nguồn gốc đường. Vì thế Carbolosic đề xuất kết hợp cellulose đã được cấp bằng sáng chế với công nghệ đường (CTS) với quá trình lên men và xử lý hóa học tiêu chuẩn để thu lại một loại nhiên liệu sinh học dùng cho hàng không.

Quy trình công nghệ gồm tám bước: Giảm kích thước; phản ứng cellulose thành đường (CTS); làm nổi; ly tâm; lên men; chưng cất; tách nước và xử lý hóa học. Với việc thiết kế tách rời từng module, có thể di chuyển hệ thống tới các vùng đang thu hoạch nông nghiệp để xử lý tại chỗ, hạn chế chi phí. Để xử lý một kilogram rác thải giá chỉ 0,5 cent (chưa đến 200 đồng).

Các phụ phẩm nông nghiệp sẽ là nguyên liệu đầu vào của công nghệ xử lý rác.

Theo nhiều chuyên gia, công nghệ này phù hợp để giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường. Thay vì bà con phải đốt, chôn lấp phụ phẩm nông nghiệp mỗi vụ thu hoạch, công nghệ sẽ giúp tận dụng được nguồn phế thải để chế biến thành sản phẩm có ích. Được biết, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên nhận chuyển giao công nghệ này vào tháng 7 tới.

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, mỗi năm cả nước thải ra 34 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp. 70% trong số đó có thể thành tài nguyên cho sản xuất và đời sống nếu được tái chế sử dụng. Từ trước tới nay, chất thải nông nghiệp ít được sử dụng mà thường bị đốt bỏ ngay trên đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường.

Theo tapchimoitruong

Phân hủy rác thải nhựa tạo ra dầu diesel và xăng

Để giải quyết vấn đề rác thải nhựa, giải pháp được đưa ra là sử dụng chất xúc tác hóa học để phân giải polymers giúp các nhà khoa học thay đổi được cấu trúc của polyethylene thành dầu diesel, hay thậm chí là tạo ra xăng.

Polyethylene là loại nhựa phổ biến nhất trên thế giới, tạo ra gần như tất cả mọi thứ từ bao bì thực phẩm, chai nhựa, màng chất dẻo cho đến túi nylon. Trung bình mỗi năm có khoảng 100 triệu tấn nhựa polyethylene được sản xuất.

Về mặt lý thuyết, polyethylene được làm từ các loại nhiên liệu hóa thạch và có thể chuyển đổi trở lại thành dầu, nhiên liệu diesel. Tuy nhiên, điều này không đơn giản bởi nhựa là hợp chất rất bền vững.

Một ưu điểm đáng kể của phương pháp này là nhiệt độ cần để phân hủy nhựa chỉ là 175 độ C.

Năm 2016, Zhibin Guan, nhà hóa học người Trung Quốc từ ĐH California, đã kết hợp cùng Viện hóa học hữu cơ Thượng Hải (Trung Quốc) tìm ra lời giải cho vấn đề này. Giải pháp được đưa ra là sử dụng chất xúc tác hóa học để phân giải polymers. Chất này tách nguyên tử hydro trong hợp chất, khiến các nguyên tử carbon buộc phải liên kết với nhau.

Nhưng ngay khi liên kết, chất xúc tác lại bẻ gãy nó, khiến carbon lại liên kết với hydro. Quá trình này lặp lại liên tục, giúp các nhà khoa học thay đổi được cấu trúc của polyethylene thành dầu diesel, hay thậm chí là tạo ra xăng.

Một ưu điểm đáng kể của phương pháp này là nhiệt độ cần để phân hủy nhựa chỉ là 175 độ C, thấp hơn nhiều so với hầu hết các phương pháp khác từ 400 độ C trở lên.

Thời gian phân hủy kéo dài tới vài ngày cùng với giá chất xúc tác cao vẫn là những hạn chế khiến cho công nghệ này chưa được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên đây cũng là một giải pháp được kỳ vọng trở thành lời giải cho vấn đề xử lý chất thải nhựa.

Theo moitruong.com.vn

Ưu đãi đối với doanh nghiệp trong khu công nghiệp sinh thái

Theo Nghị định số 82/2018/NĐ-CP Quy định về Quản lý Khu công nghiệp và Khu Kinh tế vừa được Chính phủ ban hành, doanh nghiệp trong khu công nghiệp sinh thái sẽ nhận được rất nhiều ưu đãi.

Nghị định chính thức có hiệu lực từ ngày 10/7/2018.

Vậy Khu công nghiệp sinh thái cần phải thỏa mãn những điều kiện gì?

Điều 42. Tiêu chí xác định khu công nghiệp sinh thái

1. Nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp nghiêm túc tuân thủ các quy định pháp luật về sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường và lao động; khuyến khích nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp áp dụng hệ thống quản lý sản xuất và môi trường theo các tiêu chuẩn của Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) phù hợp.

2. Nhà đầu tư phát triển hạ tầng kết cấu khu công nghiệp cung cấp đầy đủ các dịch vụ cơ bản trong khu công nghiệp theo quy định pháp luật, bao gồm: Dịch vụ hạ tầng thiết yếu (điện, nước, thông tin, phòng cháy, chữa cháy…) và các dịch vụ liên quan.

3. Tối thiểu 90% doanh nghiệp trong khu công nghiệp có nhận thức về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn và tối thiểu 20% doanh nghiệp trong khu công nghiệp áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, đổi mới, cải tiến phương pháp quản lý và công nghệ sản xuất để giảm chất thải, chất gây ô nhiễm, tái sử dụng chất thải và phế liệu.

4. Dành tối thiểu 25% diện tích đất khu công nghiệp cho các công trình cây xanh, giao thông, các hạ tầng dịch vụ dùng chung theo quy chuẩn xây dựng của Bộ Xây dựng.

KCN sinh thái phải có tối thiểu 90% doanh nghiệp trong khu công nghiệp có nhận thức về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn.

5. Thực hiện ít nhất 01 liên kết cộng sinh công nghiệp và ít nhất 10% tổng số doanh nghiệp trong khu công nghiệp có kế hoạch tham gia các liên kết cộng sinh công nghiệp.

6. Có giải pháp đảm bảo nhà ở và các công trình xã hội, văn hóa và thể thao cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp.

7. Nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp có cơ chế phối hợp thực hiện giám sát đầu vào và đầu ra của khu công nghiệp về sử dụng năng lượng, nước, các vật liệu sản xuất thiết yếu, quản lý hóa chất độc hại; lập báo cáo định kỳ hàng năm về các kết quả đạt được trong hoạt động hiệu quả tài nguyên và giám sát phát thải của khu công nghiệp, báo cáo Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế của địa phương.

8. Hàng năm, nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp thực hiện công bố báo cáo thực hiện bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội và các đóng góp cho cộng đồng xung quanh khu công nghiệp tới Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế của địa phương và đăng trên website của doanh nghiệp.

Điều 43. Ưu đãi đối với doanh nghiệp trong khu công nghiệp sinh thái

1. Khu công nghiệp đáp ứng các tiêu chí tại Điều 42 Nghị định này được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có khu công nghiệp chứng nhận là khu công nghiệp sinh thái sau khi lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng.

2. Doanh nghiệp trong khu công nghiệp sinh thái tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên và hoạt động cộng sinh công nghiệp được Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế chứng nhận là doanh nghiệp sinh thái trong khu công nghiệp.

Doanh nghiệp phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp sinh thái và doanh nghiệp sinh thái được ưu tiên vay vốn ưu đãi.

3. Doanh nghiệp phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp sinh thái và doanh nghiệp sinh thái được ưu tiên vay vốn ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các quỹ, tổ chức tài chính, nhà tài trợ trong nước và quốc tế để xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, thực hiện các biện pháp sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên và các giải pháp cộng sinh công nghiệp.

4. Doanh nghiệp phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp sinh thái và doanh nghiệp sinh thái được ưu tiên tham gia các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, chương trình xúc tiến đầu tư do các cơ quan nhà nước tổ chức, quản lý.

5. Doanh nghiệp trong khu công nghiệp sinh thái được ưu tiên cung cấp thông tin liên quan về thị trường công nghệ, khả năng hợp tác để thực hiện cộng sinh công nghiệp trong lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

VNCPC

Người Việt đang lãng phí tiền tỷ vì “bỏ qua” tài nguyên rác

Ở Việt Nam, rác thải được xử lý lâu nay chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp, hoặc đốt thủ công tiêu tốn mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng.

Với nhiều người, rác thải là những thứ thừa thãi, hết tác dụng, bỏ đi… tuy nhiên, trong thực tế rác cũng được coi là một “nguồn tài nguyên” vì nhiều thành phần trong đó có nguồn gốc từ các tài nguyên thiên nhiên nên nhiều nước trên thế giới đã coi việc phân loại và xử lý rác là một ngành công nghiệp mang lại nhiều lợi nhuận.

Ở Việt Nam, rác thải được xử lý lâu nay chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp, hoặc đốt thủ công tiêu tốn mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng. Vì vậy nhiều bãi rác đã và đang gây ra ô nhiễm môi trường rất nặng nề, đồng thời lãng phí một lượng lớn rác có thể tái chế sử dụng do thói quen không phân loại rác của người dân.

Không phân loại rác chính là nguyên nhân dẫn đến việc chúng ta đang lãng phí nguồn tài nguyên rất lớn.

Việc xử lý phổ biến nhất là chôn lấp và đốt thủ công mà chưa qua phân loại, phương pháp này chiếm tới 50%, theo đó các chất như nhựa, kim loại nặng, chất hữu cơ là những thứ lãng phí nhiều nhất.

Nhà máy xử lý rác thải Nam Sơn (Sóc Sơn-Hà Nội) là một trong những nhà máy có công nghệ xử lý rác được đánh giá tốt nhất Việt Nam. Nhưng rác thải túi nylon, chất hữu cơ, dầu thải, bông băng y tế, sắt vụn được thu gom về đây cũng không được tái chế và tái sử dụng mà chủ yếu chôn lấp.

Theo ông Phạm Trọng Thực – Vụ trưởng Vụ Năng lượng tái tạo và Năng lượng mới, Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương), có tới 85% lượng chất thải hiện nay tại Việt Nam được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp, đòi hỏi nhiều quỹ đất, trong đó 80% bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, thế giới đã và đang sử dụng công nghệ tiên tiến để thực hiện việc tái chế rác thải, tận dụng các sản phẩm đó phục vụ vào sản xuất năng lượng. Về công nghệ xử lý rác thải, Việt Nam đang bị tụt hậu khá xa so với thế giới.

Số lượng các công ty xử lý rác của Việt Nam còn quá ít, dẫn tới sự lãng phí “tài nguyên rác” như hiện nay. Với hơn 90 triệu dân, mỗi năm lượng rác thải gia tăng thêm 10%, đồng nghĩa với hàng trăm nghìn tấn rác bị lãng phí. Nếu như số lượng rác này được tái chế và tái sử dụng, Việt Nam có thể tiết kiệm được một lượng tài nguyên không nhỏ.

Các chuyên gia đánh giá, cần phải thay đổi tư duy ngay từ bây giờ, thay vì sử dụng giải pháp chôn lấp rác thải, chúng ta cần tính đến giải pháp sử dụng công nghệ để tái chế rác thải vì một môi trường xanh sạch trong tương lai, vì mục tiêu hướng đến những đô thị văn minh, hiện đại. Việt Nam phải có nhiều các nhà máy đốt rác phát điện để không lãng phí tài nguyên rác, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Và trên thực tế, nhiều DN hiện nay cũng đang bắt đầu đi theo xu hướng này. Vấn đề là các DN cần có được nguồn nguyên liệu ổn định nhưng lại không tìm được ở đâu, trong khi nghịch lý là mỗi ngày cả nước thải ra đến 70.000 tấn rác thải.

Theo ông Trương Việt Anh- đại diện Công ty Fecom, trong khi ở Việt Nam nguồn rác đang bị lãng phí, như nguồn rác Nam Sơn, mỗi ngày có từ 5.000 – 6.000 tấn được chở đi chôn lấp, thì nhiều nhà đầu tư lại “bó tay” vì không tìm được nguồn nguyên liệu để thực hiện tái chế rác thải một cách ổn định. Dường như đây vẫn là một ngịch lý chưa có lời giải đối với bài toán công nghệ tái chế rác thải ở Việt Nam.

Theo Danviet.vn