Rác thải hạt nhân: “Quả bom nổ chậm” trong tương lai

Thị trấn Eurajoki nằm trên đảo Olkiluoto, cách thủ đô Helsinki của Phần Lan 30 phút chạy xe, đang là nơi được triển khai xây dựng “nghĩa địa hạt nhân”.

Đến Eurajoki, người ta có cảm giác như đang lạc vào một khu bảo tồn sinh thái tự nhiên. Nhưng trong lòng đất nơi yên bình đó, “nghĩa địa hạt nhân” khổng lồ đầu tiên trên thế giới có tên gọi Onkalo đang được xây dựng.

Onkalo được khởi công xây dựng vào đầu năm 2017 ở độ sâu 400-450m dưới lòng đất. Theo thiết kế, các đường hầm trong Onkalo dài tổng cộng 60km. Theo các chuyên gia địa chất Phần Lan, nền đá granit ở vùng này có niên đại gần 2 tỷ năm, trải qua vài thời kỳ băng hà, xung chấn gần như bằng 0, nên là khu vực địa chất ổn định, lý tưởng để chôn các container chứa rác thải hạt nhân. Tuy nhiên, Posiva – cơ quan quản lý rác thải hạt nhân của 2 nhà máy điện nguyên tử Olkiluoto và Loviisa, đang xây Onkalo – mới được chính phủ Phần Lan cấp phép xây dựng đường hầm chứ chưa có giấy phép chôn lấp rác thải hạt nhân.

Nếu được cấp phép chôn lấp, Onkalo sẽ là nơi chứa 5.500 tấn rác thải hạt nhân có nồng độ phóng xạ cao, từ giữa những năm 2020 đến khoảng năm 2100. Onkalo được thiết kế để tồn tại nguyên vẹn trong vòng ít nhất 100.000 năm, tương đương với thời gian sống của 4.000 thế hệ con người hay nhiều gấp 25 lần độ tuổi của các kim tự tháp Ai Cập cổ đại. Theo tính toán của các chuyên gia, thời gian đó đủ lâu để các chất phóng xạ trở nên vô hại.

Tuy nhiên, các nhà bảo vệ môi trường lại có cách nghĩ khác. Theo tổ chức Hòa Bình Xanh, tất cả công đoạn sản xuất điện nguyên tử đều thải chất phóng xạ độc hại: uranium (95%) và plutonium (1%) có thể tái sử dụng, 4% chất thải hạt nhân còn lại là không thể tái sử dụng. Ngay cả quá trình xử lý rác thải hạt nhân để tái sử dụng cũng gây ô nhiễm nặng. Việc sản xuất điện nguyên tử là ngành công nghiệp gây ô nhiễm nặng nề nhất và để lại cho nhiều thế hệ tương lai một loại rác thải nguy hiểm vô cùng và khó xử lý.

Xây dựng “nghĩa địa hạt nhân” tại Onkalo.

Nhiều thập niên nghiên cứu và những khoản đầu tư khổng lồ vẫn chưa mang lại cho con người một giải pháp xử lý rác thải hạt nhân triệt để. Việc chuyển đổi các chất phóng xạ tồn tại lâu dài trong tự nhiên thành chất phóng xạ dễ phân rã trong tự nhiên cho tới nay vẫn chỉ là mơ ước của các chuyên gia hạt nhân, do khả năng trở thành hiện thực rất xa vời và chi phí không hề nhỏ.

Tại nhiều nước khác, rác thải hạt nhân tại Pháp được lưu trữ tạm thời ngay trong các nhà máy điện hạt nhân. Ngoài ra, 10.000 tấn nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng cũng được chứa tạm thời trong trung tâm xử lý rác thải hạt nhân Le Hague, cơ sở xử lý rác thải hạt nhân lớn nhất châu Âu và thuộc hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, trong năm 2017, điều tra của Hòa Bình Xanh cho thấy các bể làm nguội thanh nhiên liệu đã qua sử dụng tại các nhà máy điện hạt nhân cũng như ở nhà máy xử lý chất thải hạt nhân Le Hague không được đảm bảo an toàn chặt chẽ như các lò phản ứng, chẳng hạn dễ bị nguy cơ tấn công khủng bố. Thêm vào đó, trung tâm Le Hague chỉ được khai thác đến năm 2030. Thông thường, một cơ sở như La Hague chỉ được sử dụng trong vòng 40 năm. Còn sau đó phải làm thế nào?

Hiện nay, do thiếu giải pháp, chôn lấp vĩnh viễn thật sâu trong lòng đất rác thải hạt nhân có nồng độ phóng xạ cao dường như được coi là phương pháp xử lý rác thải hạt nhân tối ưu và được nhiều quốc gia hướng tới. Giới nghiên cứu hiện đang tập trung vào 3 phương pháp chôn lấp: trong lòng lớp đá granit (Phần Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc), trong môi trường trầm tích, nhất là đất sét (Bỉ, Thụy Sĩ) hoặc lưu trữ bằng muối, chẳng hạn trong các mỏ muối (Hoa Kỳ, Đức).

Theo Saigondautu.com.vn

Trái đất đang ở giới hạn chịu đựng cuối cùng?

Những hoạt động của nhân loại đã phá hoại nghiêm trọng môi trường và những tài nguyên trọng yếu, mà kiểu phá hoại này thường là không thể khôi phục lại.

Nếu không kiểm điểm lại thì rất nhiều hoạt động của chúng ta sẽ đặt xã hội nhân loại và các loài động thực vật vào tình thế cực kỳ nguy hiểm.

Hơn nữa có thể còn khiến cả thế giới đầy sinh cơ này trở thành nơi không thể duy trì bất kỳ phương thức sự sống nào mà chúng ta biết. Nhằm tránh những xung đột sắp tới, việc cải biến về bản chất (những hoạt động của con người) đã vô cùng cấp bách.

Hơn 2 thập kỷ đã trôi qua, liệu tình hình đã thay đổi gì hay chưa? Có, nhưng theo chiều hướng xấu đi, và xấu đi rất nhiều!

Theo dự báo, trong 540 triệu năm qua, đây là lần thứ 6 các sinh vật sống có thể bị hủy diệt hoặc ít nhất sẽ bị tuyệt chủng vào cuối thế kỷ này.

Tháng 11/2017, các nhà khoa học lại tiếp tục đưa ra lời kêu gọi khẩn thiết lần thứ 2 với danh sách chữ ký lên đến 15.372. Đây có thể được coi là bài viết khoa học chính thống có được sự hậu thuẫn lớn nhất từ giới khoa học.

Dưới tựa đề rất nghiêm túc: “Lời cảnh báo của các nhà khoa học thế giới đối với nhân loại: Cảnh báo lần 2”, các tác giả viết:

25 năm sau lời kêu gọi thứ nhất, chúng tôi nhìn lại và đánh giá phản ứng của con người với những dữ liệu có được. Từ năm 1992, ngoài việc làm ổn định tầng ôzôn bình lưu, nhân loại đã không làm đủ những gì cần thiết để giải quyết các vấn đề môi trường cơ bản đã được báo trước.

Đáng báo động là hầu hết những vấn đề ấy đang trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều. Đặc biệt rắc rối là xu hướng biến đổi khí hậu do con người gây ra và khí thải nhà kính ngày càng tăng do việc đốt nhiên liệu hóa thạch, phá rừng, và sản xuất nông nghiệp, nhất là việc chăn nuôi các động vật nhai lại để lấy thịt.

Hơn nữa chúng ta còn gây ra sự tuyệt chủng hàng loạt. Trong 540 triệu năm qua, đây là lần thứ 6 các sinh vật sống có thể bị hủy diệt hoặc ít nhất sẽ bị tuyệt chủng vào cuối thế kỷ này.”

Nói tóm lại: Trái Đất đang chết, và nhân loại có thể sẽ chịu chung số phận đó. Chúng ta có thể làm gì? Con người đã rất cố gắng dùng khoa học và pháp luật để bảo vệ môi trường vật chất và kiềm chế hành vi của những người khác. Nhưng kết quả mấy chục năm bảo vệ môi trường đã cho thấy rõ cách làm này hoàn toàn vô dụng.

Chúng ta hãy thử suy ngẫm xem, nền văn minh của nhân loại đã xuất hiện và tồn tại trong yên ổn được vài ngàn năm, vậy vì sao mà chỉ trong khoảng 100 năm qua, các vấn đề môi trường lần lượt xuất hiện và đe dọa tới chính sự tồn vong của loài người? Chúng ta đã rẽ lối sai ở đâu mà đi tới kết cục như ngày hôm nay?

Theo moitruong.com.vn

Australia thử nghiệm hệ thống tạo nước uống từ không khí

Cơ quan Năng lượng tái tạo Australia (ARENA) vừa công bố kế hoạch thử nghiệm hệ thống sản xuất nước uống đầu tiên có thể chiết xuất nước trực tiếp từ không khí và sử dụng năng lượng mặt trời.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, ARENA sẽ thay mặt Chính phủ Australia cấp 420.000 AUD (hơn 315.000 USD) cho công ty khởi nghiệp Zezo Mass Water có trụ sở tại Mỹ để triển khai 150 hệ thống tấm nước có tên SOURCE tạo nước uống từ năng lượng mặt trời tại nhiều khu vực trên khắp Australia.

Đây là một sản phẩm chế biến nước uống sạch từ không khí, dùng năng lượng tái tạo và không cần nhà máy hạ tầng, nguồn điện hoặc nước để vận hành.

Thay vì dùng mạng lưới lọc và phân phối nước, hệ thống này sẽ sản xuất nước sạch bằng năng lượng mặt trời và độ ẩm từ không khí.

Hệ thống tấm nước SOURCE có thể tạo ra 5 lít nước uống trong một ngày, tùy thuộc vào đặc trưng khí hậu. Theo ước tính, một hệ thống SOURCE có thể tạo ra một lượng nước đủ để thay thế hơn 20.000 chai nhựa trong vòng 15 năm.

Hệ thống tấm nước SOURCE có thể tạo ra 5 lít nước uống trong một ngày, tùy thuộc vào đặc trưng khí hậu.

Tại Australia, đây là lần đầu tiên công nghệ này được thử nghiệm, lắp đặt ở 150 địa điểm khác nhau trên khắp Australia bao gồm Sydney, Adelaide, Perth cũng như các vùng xa xôi. Các vị trí đặt thử nghiệm rất đa dạng bao gồm sân bay, quán cà phê, trung tâm sinh hoạt cộng đồng, trung tâm thương mại…

Dự án này nhằm giảm sự phụ thuộc vào việc sử dụng chai nhựa đồng thời cung cấp nước uống cho các khu vực vùng sâu vùng xa gặp khó khăn trong triển khai hệ thống điện và nước uống hoặc trong thời kỳ khô hạn.

Các nơi thử nghiệm của dự án cũng phối hợp đồng thời với một nghiên cứu khác nhằm đánh giá tác động môi trường của nước đóng chai ở Australia.

Giám đốc điều hành ARENA Ivor Frischknecht cho biết SOURCE là một cách thức độc đáo trong thúc đẩy đổi mới sử dụng năng lượng mặt trời ở Australia.

Ông nêu rõ dự án này sẽ tạo ra một sản phẩm mang lại phương thức sử dụng mới cho ngành công nghiệp năng lượng mặt trời ở Australia.

Cùng với việc sử dụng công nghệ năng lượng mặt trời, SOURCE có thể tạo ra nguồn nước uống sạch, như một giải pháp chủ động cung cấp nước sạch.

Lợi ích tiềm năng của công nghệ này với môi trường là rất quan trọng. Dân cư sinh sống ở các vùng xa xôi hoặc trong thời kỳ khô hạn vẫn có thể tiếp cận nguồn nước sạch, trong khi giảm đáng kể số lượng chai nhựa thải ra môi trường.

Theo VietnamPlus

Ô nhiễm ánh sáng gia tăng trên toàn cầu

Nghiên cứu cho thấy ô nhiễm ánh sáng đã gia tăng trên toàn thế giới do sự xuất hiện của các loại đèn LED siêu tiết kiệm điện.

Nhưng vấn đề lại không nằm ở những chiếc đèn LED. Trên thực tế, thế giới đang ngày một sáng hơn nhờ hệ thống đèn LED chiếu sáng ở những nơi mà trước đó chưa có ánh sáng.

Ô nhiễm ánh sáng là gì?

Ô nhiễm ánh sáng (light pollution, photopollution) là sử dụng không đúng hoặc quá mức ánh sáng nhân tạo (anthropogenic light) đặc biệt về đêm. Do đó, ô nhiễm ánh sáng thường là hệ quả của lối sống văn minh, nền công nghiệp hiện đại, quá trình đô thị hóa ào ạt….

Có nhiều loại ánh sáng gây ô nhiễm như: (1) Chói sáng, độ sáng quá mức gây khó chịu thị giác; (2) Quầng sáng (skyglow) vùng sáng của bầu trời đêm trên khu vực có người ở; (3) Tia sáng (light trespas) ánh sáng xuyên vào không chủ định, không cần thiết; và (4) Cụm sáng là các nhóm ánh sáng sáng không có ích.

Ô nhiễm ánh sáng (light pollution, photopollution) là sử dụng không đúng hoặc quá mức ánh sáng nhân tạo (anthropogenic light) đặc biệt về đêm.

Ánh sáng nhân tạo xuất hiện ngày một nhiều

Thế giới đang bị ô nhiễm ánh sáng là bài nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances cho biết ánh sáng nhân tạo đã tăng trưởng với tốc độ 2,2% mỗi năm tính từ năm 2012 đến 2016 – Theo Viettimes.

“Mặc dù có một vài ngoại lệ, nhưng tốc độ tăng trưởng ánh sáng đã diễn ra ở khắp Nam Mỹ, châu Phi và châu Á”. Nghiên cứu của các nhà khoa học đã được thực hiện thông qua các thiết bị đo đặc biệt được gắn trên vệ tinh.

“Ánh sáng đã xuất hiện nhiều hơn, từ những con đường để đạp xe qua công viên, đến những cung đường ngoại vi mà trước đó chưa bao giờ được chiếu sáng”, nhà vật lý và tác giả chính của nghiên cứu, ông Chris Kyba cho biết.

Các nhà nghiên cứu ghi nhận một vài sự sụt giảm ánh sáng hiếm hoi ở các vùng chiến sự như Syria và Yemen, trong khi Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha và Mỹ là những khu vực sáng nhất thế giới.

Việc ánh sáng nhân tạo xuất hiện ngày một nhiều sẽ tác động xấu đến môi trường. Ánh sáng đèn LED ảnh hưởng đến động vật, thực vật và vi sinh vật vào ban đêm, và nó cũng bị nghi ngờ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.

Nghiên cứu trên cho biết: “Ánh sáng ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học của chúng ta, ảnh hưởng tới giấc ngủ. Sự thiếu ngủ sẽ dẫn đến hàng loạt các vấn đề về sức khỏe như tiểu đường, cao huyết áp và trầm cảm”.

Ông Franz Holker, đồng tác giả của nghiên cứu nói rằng rất nhiều người đã sử dụng ánh sáng vào ban đêm mà không biết được tác động xấu của nó. Holker nói rằng nghiên cứu nói trên đã giúp ông thay đổi cách sử dụng ánh sáng vào ban đêm.

Phá vỡ hệ sinh thái

Nhịp sinh học bình thường được hình thành qua sự phối hợp với chu kỳ sáng-tối tự nhiên, do đó sự phá vỡ mô hình này ảnh hưởng đến động sinh thái (ecological dynamics). Do đó, ánh sáng nhân tạo, được dùng để chiếu sáng ban đêm, cũng là nguyên nhân quan trọng gây xáo trộn hệ sinh thái.

Ô nhiễm ánh sáng, sinh thái bị ô nhiễm ánh sáng, gây nhiều rối loạn như các động vật hoang dã về đêm di chuyển nhầm lẫn, khó kiếm được mồi, kiếm bạn tình…; vì sự quá sáng sẽ ức chế phát triển sinh vật phù du ăn tảo bề mặt, tảo sẽ phát triển quá mức gây hiện tượng “tảo nở hoa” giết chết các loài thực vật khác; nhiều loại cây như lúa sẽ không ra hoa trổ hạt vì ánh đèn điện cao áp; các loại hoa ban đêm khó được sâu bướm thụ phấn….

Theo moitruong.com.vn

Trạm BTS giúp giảm 90% khí thải CO2

PowerStar đang được triển khai thử nghiệm tại nhiều quốc gia, trong đó có Nam Phi, Indonesia và Trung Quốc hứa hẹn sẽ giúp hơn 90% các mạng viễn thông toàn cầu giảm mức tiêu thụ năng lượng, góp phần giảm 4,5 triệu chiếc tấn khí thải carbon mỗi năm.

Để đảm bảo hiệu suất mạng và trải nghiệm người dùng tối ưu, các nhà mạng đặt ra các ngưỡng hiệu quả cứng nhắc để tiết kiệm năng lượng, điều này đã làm giảm hiệu quả của việc tiết kiệm năng lượng trên các mạng di động.

Giờ đây, giải pháp PowerStar của Huawei có thể giúp giải quyết vấn đề này. Nó sử dụng các công nghệ tiên tiến dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ khác để điều phối tiết kiệm năng lượng giữa các mạng 2G, 3G và 4G.

Tập đoàn công nghệ Huawei vừa giới thiệu một giải pháp mới nhằm giảm mức tiêu thụ năng lượng của các mạng viễn thông di động đa băng tần, đa phương thức, đó là PowerStar. Với PowerStar trên hệ thống mạng, các trạm phát sóng (BTS) 2G, 3G và 4G điển hình được cho là sẽ giảm mức sử dụng điện năng từ 10 – 15% mỗi năm, giúp giảm bớt khoảng 2 triệu kg CO2 thải ra bầu khí quyển tính trên mỗi 1.000 trạm BTS.

PowerStar đang được triển khai thử nghiệm tại nhiều quốc gia, trong đó có Nam Phi, Indonesia và Trung Quốc.

Với những chiến lược này, thiết bị di động có thể được chuyển sang các băng tần thấp hơn khi tổng lưu lượng truy cập còn thấp để tiết kiệm năng lượng. Bằng cách sử dụng AI để tự học, PowerStar có thể điều chỉnh tham số động để việc tiết kiệm năng lượng được thực hiện mà không làm giảm hiệu suất mạng.

PowerStar đang được triển khai thử nghiệm tại nhiều quốc gia, trong đó có Nam Phi, Indonesia và Trung Quốc. Giải pháp này hứa hẹn sẽ giúp hơn 90% các mạng viễn thông toàn cầu giảm mức tiêu thụ năng lượng, góp phần giảm 4,5 triệu chiếc tấn khí thải carbon mỗi năm.

Trước đó, Tổ chức Thời tiết của Liên Hiệp Quốc đã phát đi cảnh báo, nồng độ CO2 trong khí quyển có tốc độ tăng kỷ lục trong năm 2016 – cao nhất trong 800.000 năm qua. Cụ thể, nồng độ CO2 trong khí quyển trung bình năm 2016 là 403,3 phần triệu (ppm), tăng so với mức 400 ppm của năm 2015.

Lần cuối cùng Trái Đất có nồng độ CO2 tương đương mức “đỉnh” của năm 2016 là cách đây khoảng 3 – 5 triệu năm, khi nhiệt độ ấm hơn 2 – 3 độ C và mực nước biển cao hơn hiện nay 10 – 20m. Chỉ tính trong 70 năm qua, tỉ lệ tăng CO2 trong khí quyển đã cao gấp gần 100 lần so với thời kỳ cuối cùng của kỷ nguyên băng hà.

Erik Solheim, người đứng đầu Tổ chức Môi trường của Liên Hiệp Quốc nói: “Những con số này không biết nói dối. Chúng ta vẫn đang thải khí thải quá nhiều, và điều này cần phải được giải quyết. Trong vài năm gần đây, chúng ta đã sử dụng nhiều năng lượng tái tạo nhưng bây giờ, chúng ta phải tăng gấp đôi, gấp ba nỗ lực ấy”.

Trong khi đó, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo, cần phải nhanh chóng cắt giảm CO2 và các khí nhà kính khác để tránh “sự gia tăng nhiệt độ đến mức nguy hiểm” mà có thể sẽ vượt giới hạn đã đề ra tới năm 2100. “Các thế hệ tương lai sẽ kế thừa một hành tinh khắc nghiệt hơn nhiều”, Tổng thư ký WMO Petteri Taalas nói.

“CO2 trong khí quyển vẫn còn trong khí quyển và trong các đại dương hàng trăm năm, thậm chí còn lâu hơn nữa. Trên lý thuyết, chúng ta sẽ phải đối mặt với một khí hậu nóng hơn và khắc nghiệt hơn trong tương lai”, ông Petteri Taalas nói thêm.

Theo moitruong.com.vn

Phát hiện enzym “ăn nhựa” có thể làm giảm ô nhiễm môi trường

Các nhà khoa học đã vô tình phát triển một enzym “ăn nhựa’” có thể được sử dụng để chống lại một trong những vấn đề ô nhiễm tồi tệ nhất của thế giới.

Những nhà nghiên cứu từ Đại học Portsmouth của Vương quốc Anh và Phòng thí nghiệm Năng lượng tái tạo Quốc gia (NREL) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ đã khám phá ra cấu trúc của một enzym tự nhiên được tìm thấy tại trung tâm tái chế chất thải vài năm trước đây ở Nhật Bản.

Họ nói rằng enzym Ideonella sakaiensis 201-F6 có thể “ăn” polyethylene terephthalate (PET) – một chất dẻo được sử dụng trong hàng triệu tấn chai nhựa. Mục đích của các nhà nghiên cứu là nghiên cứu cấu trúc của enzym này, nhưng họ lại vô tình tạo ra một enzym tốt hơn, thậm chí có khả năng phá vỡ nhựa PET.

Enzym mới được phát triển có thể tiêu hủy nhựa PET. Ảnh: CNN

Nhà nghiên cứu hàng đầu của NREL, Gregg Beckham cho biết: “Chúng tôi hy vọng sẽ xác định cấu trúc được cấu trúc của enzym Ideonella sakaiensis 201-F6 để hỗ trợ kỹ thuật protein, nhưng chúng tôi đã tiến thêm một bước và vô tình thiết kế ra một enzym với hiệu suất được cải thiện hơn rất nhiều”.

Đại học Portsmouth nói rằng phát hiện này có thể dẫn đến một giải pháp tái chế cho hàng triệu tấn chai nhựa làm từ PET, hiện đã và đang tồn tại hàng trăm năm trong môi trường.

Giáo sư John McGeehan, giám đốc của Viện Khoa học Sinh học thuộc Trường Đại học ở Portsmouth cho hay: “Sự may mắn thường đóng một vai trò quan trọng trong nghiên cứu khoa học cơ bản và khám phá của chúng tôi ở đây cũng không phải ngoại lệ”.

Ước tính, mỗi năm hàng triệu tấn chai nhựa bị thải ra đại dương –  Ảnh: Getty

Enzym này cũng có thể làm suy giảm cấu trúc của polyethylene furandicarboxylate (PEF) – chất thay thế cho nhựa sinh học PET đang được hoan nghênh. Chất dẻo PEF trên thực tế không thể phân huỷ sinh học và vẫn sẽ là chất thải trong các bãi chôn lấp và trong biển, NREL cho biết trong một báo cáo trên trang web của mình.

Theo giáo sư McGeehan: “Mặc dù cải tiến là khiêm tốn, nhưng phát hiện không ngờ này cho thấy có thể cải thiện thêm các enzym này, đưa chúng ta đến gần hơn với giải pháp tái chế lượng lớn nhựa thải ra trong môi trường”.

Các nhà nghiên cứu đang cố gắng cải tiến enzym mới hơn nữa nhằm cho phép nó được sử dụng trong công nghiệp. NREL nhấn mạnh tính cấp bách của công việc, chỉ ra rằng 8 triệu tấn chất thải nhựa, bao gồm chai PET thả vào đại dương mỗi năm, tạo ra những hòn đảo nhân tạo lớn toàn rác thải.

“Các chuyên gia ước tính rằng vào năm 2050, sẽ có nhiều chất thải nhựa trong đại dương tương tự như số lượng cá”, nghiên cứu cho biết.

Theo Đời sống & Pháp luật