Ra mắt gạch lát xuyên nước thân thiện môi trường

Sản phẩm gạch lát xuyên nước là loại vật liệu thân thiện với môi trường giúp giảm thiểu hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, giảm thiểu tình trạng ngập úng, dưỡng ẩm duy trì phát triển hệ sinh thái tự nhiên như cây xanh, thảm cỏ.

Những năm gần đây, quá trình bê tông hóa đô thị diễn nhanh chóng gây ra không ít hệ lụy cho môi trường tự nhiên và xã hội như: hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, ngập úng, ô nhiễm, sụt giảm nguồn nước ngầm, sụt lún nền đất đô thị, tiêu diệt sinh vật tự nhiên trong lòng đất – TS Nguyễn Quang Cung – Phó Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam, cho biết khi trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng.

Gạch lát xuyên nước bổ sung lượng nước ngầm tại các khu đô thị, dưỡng ẩm duy trì phát triển hệ sinh thái tự nhiên như cây xanh, thảm cỏ.

Để khắc phục vấn đề này, một số quốc gia phát triển tại Tây Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đã áp dụng sản phẩm gạch lát xuyên nước dùng làm đường giao thông, bãi đỗ xe, vỉa hè, sân công cộng và các công trình ngoài trời khác.

Theo TS Nguyễn Quang Cung, đây là loại vật liệu thân thiện với môi trường, đáp ứng được yêu cầu chịu tải trọng trong khi cho phép nước mưa xuyên qua, thẩm thấu xuống lòng đất tự nhiên, một mặt giúp giảm thiểu hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, giảm thiểu tình trạng ngập úng, duy trì nguồn nước ngầm, bảo vệ sự sống của sinh vật trong lòng đất…

Những tính năng nổi trội của gạch lát xuyên nước thế hệ mới.

“Hầu hết hệ thống thoát nước của các thành phố và đô thị lớn đều sử dụng vật liệu truyền thống như bê tông cho cống thoát nước, gạch block cho vỉa hè, bãi đỗ xe, là những loại vật liệu không giải quyết được vấn đề ngập úng trong mùa mưa do cấu trúc đặc chắc nên nước không thoát qua”, TS Nguyễn Quang Cung cho biết và đánh giá cao sản phẩm gạch lát xuyên nước mà Cty CP Gạch Khang Minh vừa giới thiệu ra thị trường mới đây.

Việc ứng dụng gạch lát xuyên nước sẽ góp phần giải quyết hàng loạt vấn đề đặt ra trong phát triển đô thị tại Việt Nam. Sau một thời gian nghiên cứu và đầu tư dây chuyền sản xuất, Cty CP Gạch Khang Minh đã sản xuất thành công sản phẩm gạch lát xuyên nước theo tiêu chuẩn quốc tế.

Đa dạng sản phẩm cho nhiều công trình trong thi công xây dựng.

Cùng với việc thực hiện đầu tư nhà máy thứ 2 với công suất 180 triệu viên gạch xây không nung, nâng gấp đôi năng suất hiện tại, Cty CP Gạch Khang Minh cũng dự phóng đầu tư thêm dây chuyền sản xuất gạch lát xuyên nước với quy mô lớn. Khang Minh đang thực hiện chiến lược phát triển trở thành nhà sản xuất Vật liệu xây dựng xanh hàng đầu Việt Nam.

Theo moitruong.com.vn

Thiết bị thông minh giúp tạo ra nước uống từ không khí 

Các nhà nghiên cứu đã chứng minh, bạn hoàn toàn có thể tạo ra nước uống sạch ngay từ trong không khí nhờ thiết bị thông minh, thậm chí ở vùng sa mạc khô cằn nhất.

Ngay cả ở những nơi khô cằn nhất trên Trái đất thì phương pháp chiết xuất từ độ ẩm ít ỏi trong không khí là cách duy nhất để tồn tại trong hoàn cảnh thiếu nước trầm trọng. Và hiện nay, các nhà nghiên cứu tại MIT đã chứng minh rằng có một hệ thống có thể có tác dụng.

Thiết bị mới, dựa trên một nền tảng mà nhóm nghiên cứu đề xuất lần đầu tiên vào năm ngoái, đã được thử nghiệm trên thực tế trong điều kiện không khí khô khan tại thành phố Tempe, Arizona, khẳng định tiềm năng của phương pháp mới này. Mặc dù vậy, thiết bị vẫn còn nhiều chỗ cần phải cải thiện và nâng cấp.

Nghiên cứu mới được công bố ngày 22/3 trên tạp chí Nature Communications bao gồm một số cải tiến đáng kể so với khái niệm ban đầu mà đã được mô tả vào năm ngoái trong một bài báo trên tạp chí Science.

Các nhà nghiên cứu tại MIT đã phát triển một thiết bị mới có khả năng hút ẩm từ không khí rất khô. Ảnh: Theo Science Daily

Evelyn Wang, giáo sư Gail E. Kendall thuộc Bộ Cơ khí, tác giả cấp cao của cả hai bài báo, ông Sameer Rao thuộc MIT và cựu nghiên cứu sinh Hyunho Kim, là những tác giả chính của bài báo mới nhất, cùng với bốn người khác ở MIT và Đại học California tại Berkeley.

Bà Wang nói rằng bài báo năm ngoái đã thu hút rất nhiều sự chú ý. “Có khá nhiều ý kiến cường điệu và một số lời chỉ trích. Bây giờ, tất cả các câu hỏi được đặt ra từ thời gian qua đến nay đã được minh chứng rõ ràng trong bài báo này.”

Các nhà nghiên cứu cho biết, hệ thống, dựa trên các vật liệu công nghệ cao mới có tên là MOFs, có thể chiết xuất nước uống từ những vùng khô cằn nhất trong không khí sa mạc, với độ ẩm tương đối thấp tới 10%.

Các phương pháp chiết xuất nước từ không khí đòi hỏi mức độ cao hơn nhiều – độ ẩm 100% đối với phương pháp thu hái sương, và trên 50% đối với hệ thống làm lạnh nước thu hoạch từ sương, đòi hỏi phải có một lượng lớn năng lượng để làm mát. Vì vậy, hệ thống mới có khả năng đáp ứng nhu cầu về nước ngay cả ở những khu vực khô hạn nhất thế giới.

Bà Wang còn cho biết, nhóm nghiên cứu đang thử nghiệm thực địa tại một nơi đại diện cho những khu vực khô cằn nhất và kết quả cho thấy rằng chúng ta có thể thu hoạch được nước, ngay cả ở các điểm sương mù dưới đáy biển.

Các nhà nghiên cứu cho biết thiết bị kiểm tra chỉ được cung cấp năng lượng bởi ánh sáng Mặt trời, và mặc dù nó là một thiết bị thử nghiệm, nếu tăng sản lượng thì sẽ tương đương với hơn một phần tư lít nước mỗi ngày.

Theo ông Hyunho Kim, với sự lựa chọn vật liệu tối ưu, sản lượng có thể gấp 3 lần so với phiên bản hiện tại. Bà Wang nói: “Không giống bất kỳ phương pháp nào khác để chiết xuất nước từ không khí với độ ẩm thấp, với cách tiếp cận này, bạn thực sự có thể làm được, ngay cả trong những điều kiện khắc nghiệt.”

Nhưng những hệ thống này khiến máy bơm và máy nén có thể bị mòn, trong khi không có bộ phận chuyển động, nó có thể được vận hành một cách hoàn toàn thụ động ở những nơi có độ ẩm thấp nhưng lượng ánh sáng mặt trời lớn.

Trong khi nhóm nghiên cứu trước đây mô tả khả năng vận hành hệ thống một cách thụ động, ông Rao nói, “bây giờ chúng tôi đã chứng minh được rằng điều này thực sự có thể”. Phiên bản hiện tại chỉ có thể hoạt động trong một chu kỳ đêm và có ánh sáng Mặt trời, nhưng cũng có thể hoạt động liên tục bằng cách sử dụng các nguồn nhiệt độ thấp như sinh khối và nhiệt thải.

Ông Rao cho biết thêm: “Chúng tôi hy vọng sẽ có một thiết bị có khả năng sản xuất ra hàng lít nước”. Những hệ thống kiểm tra nhỏ ban đầu này chỉ được thiết kế để tạo ra một vài mililit. Hiện nay, ý tưởng là sản xuất các đơn vị đủ cung cấp nước cho các hộ gia đình cá nhân”.

Nhóm nghiên cứu kiểm tra nước từ thiết bị sản xuất và không tìm thấy dấu vết tạp chất. Thử nghiệm quang phổ khối cho thấy “không có gì khác lạ từ thiết bị rớt vào trong nước”, bà Wang nói. “Nó cho thấy thiết bị vận hành thực sự là rất ổn định, và chúng ta hoàn toàn có thể có được loại nước chất lượng cao.”

Theo moitruong.com.vn

Thiết bị phát hiện mức độ ô nhiễm không khí

Plume Labs là một trong những Công ty khởi nghiệp luôn quan tâm đến chủ đề nhức nhối là ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn. Công ty này đã xây dựng một hệ sinh thái riêng gồm 1 thiết bị đo, 1 bộ API và một ứng dụng mạng xã hội.

Thiết bị đo chất lượng không khí chỉ là một chiếc máy cầm tay nhỏ gọn, với giao diện người dùng đơn giản là 12 bóng đèn LED nhỏ. Nếu đèn phát sáng màu đỏ, nghĩa là không khí xung quanh bạn đang bị ô nhiễm trầm trọng.

Thiết bị được kết nối với các ứng dụng di động thông qua Bluetooth (Ảnh: Plume)

Kết quả đo cụ thể sẽ được gửi đến điện thoại người dùng qua Bluetooth, từ đó có thể biết được nhiều thông tin cụ thể hơn về chất lượng không khí đang hít thở. Xa hơn, ứng dụng này tạo nên một mạng lưới người dùng, qua đó biết được chất lượng không khí trong cả TP hoặc những khu vực khác trên thế giới.

Thiết bị đo đặc biệt hữu ích với những người sống trong các TP phát triển công nghiệp ồ ạt. Chiếc máy này có thể đo được những hạt bụi siêu nhỏ (PM 2.5), khí nito dioxit, ozon, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs), nhiệt độ và độ ẩm không khí. Vì kích thước nhỏ gọn, bạn có thể nhét nó vào túi hoặc treo ở ba lô, xe đạp như một phụ kiện trang sức.

Được giới thiệu tại triển lãm CES năm 2017, nhưng Công ty vẫn chưa thương mại hóa sản phẩm mà chỉ cho người dùng đặt trước và nhận hàng theo từng đợt. Giá cho một chiếc máy đo khoảng 199 USD. Dự kiến, sản phẩm sẽ được bày bán rộng rãi từ tháng 6/2018.

Theo tapchimoitruong.vn

Giáo sư Nhật Bản phát triển cao su có thể tạo và trữ điện

Kunio Shimada, giáo sư chuyên về cơ học thủy khí và kỹ thuật năng lượng của đại học Fukushima (Nhật Bản), đã phát triển được một loại cao su có thể tạo ra điện từ năng lượng mặt trời và động năng, rồi sau đó dự trữ chúng.

Vị giáo sư 53 tuổi này khẳng định đây là loại cao su có tính năng như vậy đầu tiên trên thế giới. Ông đang cố gắng đăng ký bằng sáng chế với phát minh này tại Nhật Bản. Cao su tạo và trữ được điện này có thể được dùng làm da nhân tạo cho người máy, hoặc những tấm pin mặt trời chống sốc.

Shimada đã có thời gian nghiên cứu lâu năm về chất liệu cao su dẫn điện (conductive rubber). Năm 2001, ông đã phát triển Hợp chất chất lỏng có từ tính (Magnetic Compound Fluid), một chất lỏng có chứa nam châm nóng chảy.

Giáo sư Kunio Shimada, người phát minh ra cao su có khả năng tạo và trữ điện – Ảnh: The Japan Times

Và trong lần này, ông pha với cao su tự nhiên để biến hợp chất này từ dạng lỏng thành cao su đặc, phương pháp thông thường là làm nóng nó bằng cách trộn lưu huỳnh vào, nhưng Shimada lại quyết định tiến hành truyền điện. Như vậy, Shimada đã tạo ra được loại vật liệu cao su có khả năng dẫn điện cực cao.

Không những vậy, trong khi pin năng lượng mặt trời hiện tại rất cứng và dễ vỡ khi có lực tác động, cao su dẫn điện khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, những cú sốc hay rung lắc có thể giãn nở, co lại và tạo ra điện từ những tác động này.

Trong nghiên cứu cao su dẫn điện, Shimada được truyền cảm hứng bởi Hideki Shirakawa, giáo sư danh dự của đại học Tsukuba, người có được Nobel hóa học năm 2.000 bằng phát minh polymer dẫn điện, qua đó phá bỏ quan niệm truyền thống cho rằng các chất nhựa dẻo không dẫn điện.

Theo giáo sư Shimada, một trong những thách thức trong phát triển người máy là việc cung cấp năng lượng cho chúng. Trong thời điểm hiện tại, người máy vẫn phải cần đến dây dẫn và pin. Ngoài người máy, công nghệ này còn có thể ứng dụng cho máy bay không người lái, ô tô và tay chân giả.


Phát minh cao su tạo và trữ điện có thể được ứng dụng trong phát triển người máy ­- Ảnh: The Verge

Một quan chức phụ trách công tác phát triển người máy của chính quyền tỉnh Fukushima đánh giá công nghệ mà giáo sư Shimada vừa phát minh có thể làm thay đổi hoàn toàn thiết kế và chi tiết kỹ thuật của người máy.

Giới chức Fukushima có kế hoạch phát triển người máy tại một cơ sở thử nghiệm đặt tại thành phố Minamisoma, bắt đầu từ tháng 4, và họ hy vọng nghiên cứu của ông Shimada có thể thúc đẩy nhiều sáng kiến hơn nữa trong lĩnh vực này.

Theo The Japan Times

Nhiên liệu cho phương tiện giao thông từ dầu ăn đã sử dụng

Theo tin từ Rome, các tàu buýt đường thủy ở “thành phố nổi” Venice của Italia sẽ sớm được sử dụng loại nhiên liệu thân thiện với môi trường được làm từ dầu ăn đã qua sử dụng.

Loại nhiên liệu này, có thể tái chế ở mức khoảng 15%, sẽ được sản xuất tại một nhà máy ở Venice. Nguyên liệu thô để sản xuất loại nhiên liệu này là dầu ăn đã qua sử dụng của các hộ gia đình địa phương.

Bước đầu, chính quyền thành phố sẽ cho dùng thử nghiệm loại nhiên liệu này trong 7 tháng, từ tháng 4 – 10/2018, sau đó sẽ ký một thỏa thuận với Công ty dầu khí quốc doanh Eni, doanh nghiệp vận tải Avm và Công ty dịch vụ công cộng Veritas.

Dầu ăn qua sử dụng trở thành nhiên liệu cho các phương tiện giao thông thực sự là một giải pháp hữu ích cho việc bảo vệ môi trường.

Nhà chức trách sẽ giám sát mức khí thải trong suốt quá trình thử nghiệm để đi đến quyết định liệu có tiếp tục dùng loại nhiên liệu này về lâu dài hay không.

Công ty Veritas, vốn chịu trách nhiệm thu gom và xử lý chất thải ở Venice, sẽ chuyển các loại dầu ăn đã qua sử dụng đến nhà máy tinh chế nhiên liệu sinh học của Eni – nơi các nguyên liệu thô như mỡ và dầu ăn có thể được sản xuất thành một loại nhiên liệu sinh học gọi là dầu “Eni Diesel+.”

Loại nhiên liệu “Eni Diesel+” hiện cũng đã được thử nghiệm cho các xe buýt ở TP. Turin, miền Bắc Italia.

Cuối năm 2016, Venice cũng đã đưa vào sử dụng các loại xe buýt đường thủy chạy điện nhằm hướng tới một ngành vận tải công cộng thân thiện hơn với môi trường.

Tháng 7/2017, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Italia Graziano Delrio cũng đã tuyên bố sẽ sớm cấm các tàu cỡ lớn vào trung tâm lịch sử của Venice.

Theo tapchimoitruong.vn

Tạo điện năng từ dao động nhiệt độ ngày và đêm

Theo nhóm nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, bộ cộng hưởng nhiệt mới có thể cung cấp năng lượng cho các cảm biến từ xa hay bất kỳ thiết bị không nối lưới nào trong nhiều năm liền – chỉ bằng cách sử dụng các dao động nhiệt độ.

Nhiệt độ xung quanh chúng ta thay đổi liên tục trong mọi lúc và dựa vào đây các nhà khoa học đã nảy ra một ý tưởng tuyệt vời. Họ đã tạo ra một thiết bị có thể chuyển đổi những dao động này thành điện để cung cấp cho các cảm biến, thiết bị truyền thông.

Việc thu thập năng lượng được thực hiện thông qua một thiết bị gọi là bộ cộng hưởng nhiệt. Đây là một chiếc máy có khả năng hút nhiệt ở một bên và phát nhiệt ra mặt bên kia. Khi cả hai mặt đạt được sự cân bằng, chúng có thể hút năng lượng dựa vào quy trình nhiệt điện.

Theo nhóm nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, bộ cộng hưởng nhiệt mới này có thể cung cấp năng lượng cho các cảm biến từ xa hay bất kỳ thiết bị không nối lưới nào trong nhiều năm liền – chỉ bằng cách sử dụng các dao động nhiệt độ. Cơ chế này giống như sự lên xuống nhiệt độ giữa ngày và đêm.


Thiết bị tạo ra năng lượng từ không khí (Ảnh: MIT)

Ông Michael Strano – một trong những nhà nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi đã nghĩ ra một ý tưởng dường như không tưởng. Đó là tạo ra bộ cộng hưởng nhiệt đầu tiên. Đây là thiết bị mà chúng ta có thể ngồi lên và lấy năng lượng từ thinh không. Trong suốt thời gian này, các biến động về nhiệt độ với tất cả các tần số khác nhau luôn bao quanh chúng ta”.

Trước đây nhiều nhà khoa học đã cố gắng tạo ra năng lượng từ sự thay đổi nhiệt độ thông qua nhiều kỹ thuật khác nhau như hỏa điện. Nhưng phát minh mới này hiệu quả hơn những thiết bị trước ở chỗ: nó có thể được điều chỉnh để thích nghi với các giai đoạn biến đổi nhiệt độ.

Nhóm nhà khoa học đã thật sự tạo được một bước tiến khi kết hợp các vật liệu để sử dụng cho máy cộng hưởng nhiệt: bọt kim loại, graphene và một loại sáp đặc biệt gọi là octadecane. Chất này có khả năng biến đổi thành chất rắn hoặc chất lỏng khi nhiệt độ tăng hay giảm (một cách chính xác thì đây là vật liệu thay đổi theo pha).

Điều này có thể giúp thiết bị mới tiết kiệm năng lượng một cách tối ưu. Nó có sự kết hợp giữa tính dẫn nhiệt (tốc độ mà nhiệt truyền qua vật liệu) và công suất nhiệt (lượng nhiệt có thể được chứa trong vật liệu). Thông thường, các vật liệu có khả năng dẫn nhiệt cao thì lại có sức chứa thấp và ngược lại.


Các nhà khoa học thử nghiệm thiết bị mới (Ảnh: MIT)

Các nhà khoa học đã tiến hành kiểm tra thiết bị với sự chênh lệch nhiệt độ giữa ban ngày với ban đêm là 10 độ C. Và họ nhận thấy chỉ một mẫu vật liệu nhỏ có thể tạo ra hiệu điện thế là 350 millivolts và công suất điện năng là 1,3 miliwatt. Nguồn năng lượng này đủ để cho các cảm biến nhỏ hoặc các hệ thống truyền thông hoạt động mà không cần pin hay bất kì nguồn năng lượng nào khác.

Hơn nữa, bộ cộng hưởng nhiệt có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, thậm chí trong bóng mát, miễn là có những thay đổi về nhiệt độ xung quanh. Nó thậm chí có thể được lắp đặt bên dưới các tấm pin mặt trời để thu nhiệt – các nhà sản xuất cho biết.

Bước tiếp theo, nhóm nghiên cứu muốn thử nghiệm nó trên các loại dao động nhiệt độ khác: ví dụ như chu trình bật tắt của chiếc tủ lạnh hay máy móc trong các nhà máy công nghiệp. Một ứng dụng tiềm năng nữa của nó đó là làm hệ thống dự phòng để phát điện khi nguồn năng lượng chính dừng hoạt động.

Thậm chí, loại công nghệ mới này còn có thể sử dụng cho các tên lửa hành trình, và chúng sẽ được nạp pin thường xuyên dựa vào chu trình giữa ngày và đêm. Tuy thiết bị không sản sinh ra nhiều năng lượng như các loại pin và lưới điện hiện hành nhưng nó có thể được ứng dụng trong nhiều tình huống khác nhau.

Nhờ nghiên cứu mới này chúng ta mới biết một thứ tưởng chừng quá đỗi quen thuộc như không khí xung quanh có thể tạo ra năng lượng. Dựa vào đây, các nhà khoa học cũng có thể tiến hành thêm nhiều nghiên cứu về những địa điểm có sự dao động nhiệt độ tối ưu. Nghiên cứu này đã được xuất bản trong tạp chí Nature Communications.

Theo moitruong.com.vn