Biến nước ô nhiễm thành nước sạch bằng dầu đậu nành

Sử dụng loại graphene đặc biệt từ dầu đậu nành có tên “graphiar”, các nhà khoa học Australia đã tạo ra một bộ lọc nước rẻ tiền, thuận tiện, dễ dàng biến nước ô nhiễm thành nước sạch có thể uống được.

Theo ANTĐ, công nghệ mới của nhóm nghiên cứu ở Australia do Tiến sĩ Han Dong Seo đứng đầu đã sử dụng loại graphene đặc biệt từ dầu đậu nành được phát triển bởi các nhà khoa học thuộc Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp của khối thịnh vượng chung (CSIRO). Graphene là một lớp nguyên tử carbon được sắp xếp thành một mạng hình tổ ong, được đánh giá là một loại siêu vật liệu với đặc tính vật lý siêu bền và siêu nhẹ, tuy nhiên chi phí để tạo ra được graphene tương đối đắt đỏ.

Nhưng ngược lại, đối với graphiar thì chi phí lại rất rẻ và phương thức sản xuất lại dễ dàng hơn graphene truyền thống, trong khi vẫn giữ được các đặc tính hữu ích nhất của graphene như kỵ nước.

Tận dụng đặc tính này, các nhà nghiên cứu đã phát triển một màng graphiar với kênh nano cực nhỏ, cho phép nước có thể đi qua, nhưng các chất bẩn, ô nhiễm và các phân tử lớn đều bị cản lại. Tiếp sau đó, màng graphair được đưa vào trong bộ lọc của những chiếc máy lọc hiện nay để kiểm tra lại hoạt động của nó.


Tiến sĩ Han Dong Seo và cốc nước đã được lọc sạch lấy mẫu từ Cảng Sydney.

Kết quả kiểm tra cho thấy, tốc độ lọc nước của bộ lọc đã giảm ½ khi không có màng graphair. Lý giải về điều này, các nhà khoa học cho biết, do các phân tử lớn và các chất ô nhiễm đã ngăn cản dòng nước chảy qua đó.

Còn nếu graphair được lắp thêm vào bộ lọc nước thì không chỉ tốc độ lọc nhanh hơn so với những chiếc máy lọc nước thông thường hiện nay, mà còn cho kết quả tới 99% chất ô nhiễm trong nước bị loại bỏ sau khi lọc. Trước đó, một công trình nghiên cứu khác cũng cho thấy bộ lọc có sử dụng graphene có thể cho các phân tử nước đi qua, nhưng các phân tử muối thì không qua được.

Tạo ra nước sạch chỉ bằng 1 bước đơn giản

Tiến sĩ Han Dong Seo, người đứng đầu công trình nghiên cứu, cho biết: “Công nghệ của chúng tôi có thể tạo ra nước sạch. Tất cả những gì cần thiết chỉ có nhiệt độ, graphene, một màng lọc, và một máy bơm nước nhỏ. Chúng tôi hy vọng, công nghệ mới này sẽ bắt đầu được thử nghiệm thực địa trong năm 2018, sau đó nhân rộng ra toàn thế giới, nơi có khoảng hơn 2 tỷ người đang phải sử dụng nước ô nhiễm hoặc thiếu nguồn nước sạch”.

Các phương pháp lọc nước hiện đại rất tốn kém và mất nhiều thời gian. Nhưng đối với phương pháp 1 bước lọc đơn giản dùng màng graphair của các nhà khoa học Australia sẽ không chỉ tiết kiệm tiền cho người dân mà còn cho chất lượng nước tốt nhất. Chi phí lại vô cùng rẻ bởi graphair được làm ra từ thành phần chính là nguyên liệu từ dầu đậu nành tái tạo.

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay trên thế giới có khoảng 2,1 tỷ người đang sử dụng nguồn nước ô nhiễm và nếu tiếp tục sử dụng sẽ gây ra nguy cơ lây truyền dịch bệnh tiêu chảy, kiết lỵ, tả, sốt rét, số xuất huyết… “Gần 1/3 dân số thế giới, tương đương 2,1 tỷ người đang không có nước uống. Do đó, hàng triệu người sẽ tử vong do các bệnh liên quan đến thiếu nước sạch, trong đó đa phần là trẻ em”, Tiến sĩ Han cho biết.

Theo moitruong.com.vn

Giải pháp mới giúp giảm thiểu ô nhiễm plastic

Các công ty trên thế giới đã phát triển loại cốc có thể phân hủy và tái chế được làm từ vật liệu tự nhiên cũng như sử dụng giải pháp dùng chất dẻo sinh học, thân thiện hơn với môi trường.

Loại cốc có thể phân hủy và tái chế được làm từ vật liệu tự nhiên

Công ty Biome Bioplastics đã phát triển loại cốc có thể phân hủy và tái chế được làm từ vật liệu tự nhiên như tinh bột khoai tây, tinh bột ngô và cellulose (thành phần chính của thành tế bào thực vật). Đây là lần đầu tiên một loại nhựa sinh học được tạo ra để sản xuất cốc (cùng với nắp đậy) dùng một lần có thể đựng nước nóng nhưng vẫn phân hủy và tái chế được hoàn toàn.

Paul Mines, Giám đốc điều hành của công ty Biome Bioplastics, nói: “Nhiều người tiêu dùng mua cốc với ý nghĩ rằng chúng có thể được tái chế. Nhưng hầu hết sản phẩm đều có cả thành phần giấy và nhựa, khiến chúng khó tái chế. Phần nắp thường được làm bằng polystyrene, hiện nay không được tái chế ở Anh.”

Giải pháp dùng chất dẻo sinh học, thân thiện hơn với môi trường

Nhiều công ty và các viện nghiên cứu khác, chẳng hạn như Full Cycle Bioplastics, Elk Packaging và Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật VTT của Phần Lan cũng đang nghiên cứu các giải pháp dùng chất dẻo sinh học, thân thiện hơn với môi trường nhưng vẫn có chức năng như plastic thông thường.

Công ty MacBebur của Toby McCartney đã phát triển các viên nhựa tái chế để làm nhựa đường. McCartney chia sẻ: “Những gì chúng tôi đang làm là giải quyết hai vấn đề trên thế giới bằng một giải pháp đơn giản – vấn đề về chất thải nhựa và những con đường bị hư hỏng.”

Tập trung vào việc xử lý các túi nhựa và bao bì

Ở San Jose, California, Jeanny Yao và Miranda Wang đang tập trung vào việc xử lý các túi nhựa và bao bì sản phẩm vốn không dễ để tái chế. “Các loại nhựa như vậy không thể tái chế ngay cả bằng những hệ thống hiện đại nhất”, Wang giải thích. Start-up của họ, BioCellection phân hủy chất dẻo không thể tái chế thành các hóa chất có thể được dùng làm nguyên liệu cho nhiều loại sản phẩm, từ áo khoác trượt tuyết đến bộ phận xe hơi.

Cô cho biết: “Chúng tôi đã xác định được một chất xúc tác làm cắt và làm mở chuỗi polymer để kích hoạt một phản ứng dây chuyền thông minh. Một khi chuỗi polymer (vốn gồm rất nhiều nguyên tử carbon) được chia thành các mảnh có ít hơn 10 nguyên tử carbon, oxy từ không khí sẽ bổ sung vào chuỗi và hình thành các axit hữu cơ, chúng được thu lại, tinh chế và sử dụng để tạo ra những sản phẩm khác.”

Theo moitruong.com.vn

Kêu gọi ngừng cung cấp tài chính cho các dự án nhiệt điện gây ô nhiễm tại Việt Nam

Tổ chức CHANGE cùng các liên minh quốc tế kêu gọi các ngân hàng của Singapore ngừng cung cấp tài chính cho các dự án nhiệt điện gây ô nhiễm tại Việt Nam.

Trong thông cáo phát đi ngày 08/02/2017, CHANGE cùng một liên minh lớn bao gồm những tổ chức môi trường quốc tế hàng đầu đại diện cho 896.341 người dân từ nhiều quốc gia đã ký vào một thư ngỏ kêu gọi những ngân hàng chủ chốt của Singapore bao gồm ngân hàng DBS, OCBC và UOB chấm dứt cung cấp tài chính cho những nhà máy nhiệt điện than gây ô nhiễm cao tại khu vực Đông Nam Á và cùng hành động vì khí hậu. Liên minh này bao gồm Greenpeace, Walhi, Friends of the Earth, CHANGE, Market Forces, BankTrack và GreenID.

Vào ngày 26/01, Ngân hàng DBS (Singapore) đã kín đáo đưa ra một chính sách về khí hậu mới, hoàn toàn không loại trừ bất kỳ nhà máy nhiệt điện than nào trong danh sách “Unlucky 7” mà DBS có kế hoạch tài trợ ở Indonesia và Việt Nam.

Chính sách này cũng sẽ cho phép ngân hàng DBS tiếp tục hỗ trợ 7 nhà máy nhiệt điện than tiềm năng tại Việt Nam và Indonesia. Dự báo phát thải của những dự ántrên là khoảng 1,5 tỉ tấn CO2 trong toàn bộ quá trình hoạt động, tương đương với lượng phát thải của cả đất nước Singapore trong 30 năm.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo. Đó mới là tương lai của chúng ta, chứ không phải là những nguồn năng lượng gây ô nhiễm cũ rích đã bị phần còn lại của thế giới chối bỏ.

Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới người dân sinh sống tại hai quốc gia này, bao gồm những tổn hại tới sức khoẻ và sinh kế, thậm chí mạng sống. Theo một nghiên cứu của trường Đại học Harvard về tử vong sớm do ô nhiễm than đá, tới năm 2030, Indonesia sẽ có 24.400 ca tử vong và Việt Nam sẽ có 19.220 ca.

Sự tham gia của DBS trong việc mở rộng ngành công nhiệp năng lượng than đá cũng ảnh hưởng tới nỗ lực của các quốc gia trên toàn cầu trong việc giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C.

Như Chủ tịch Ngân hàng Thế giới – Kim Yong Jim đã phát biểu trong năm 2016: “Nếu Việt Nam tiếp tục sản xuất 40GW điện từ nhiên liệu hoá thạch, nếu toàn bộ khu vực Đông Á tiếp tục triển khai các kế hoạch phát triển nhiệt điện than như hiện nay, tôi nghĩ chúng ta “xong đời”. Ngân hàng DBS, với việc hỗ trợ tài chính cho nhiệt điện than với tổng công suất 9,4GW sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình tới kết cục bi thảm này.

Bình luận về thông tin này, bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc CHANGE nói: “Có vẻ như ngân hàng DBS nghĩ rằng chỉ có người dân Châu Âu thì mới xứng đáng được hưởng không khí và năng lượng sạch, trong khi người dân ở Việt Nam và Indonesia thì phải chịu ô nhiễm và những công nghệ sử dụng nhiên liệu hoá thạch đã lỗi thời. Cái lối suy nghĩ theo tiêu chuẩn kép thế này thật sự là một điều xúc phạm đối với chúng tôi, những người mong muốn có cơ hội được phát triển sạch và tránh những sai lầm mà thế giới phương Tây đã mắc phải khi phải dùng năng lượng bẩn.”

“Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo. Đó mới là tương lai của chúng ta, chứ không phải là những nguồn năng lượng gây ô nhiễm cũ rích đã bị phần còn lại của thế giới chối bỏ”

Hindun Mulaika, Trưởng nhóm Chiến Dịch Khí hậu và Năng Lượng, Greenpeace Đông Nam Á – Indonesia nói: “DBS đã hỗ trợ tài chính cho một số dự án năng lượng gây ô nhiễm và tranh cãi tại Indonesia, trong đó có thể kể đến nhà máy nhiệt điện Paiton 3 và Trung Java (ở Batang), và đang tìm kiếm thêm những thoả thuận tương tự trong tương lai. Những dự án này là thảm hoạ cho khí hậu, cho ô nhiễm và cho danh tiếng của DBS. Để xứng với cái danh là một ngân hàng cam kết đóng góp cho một tương lai lành mạnh cho khu vực, họ cần phải dừng việc cấp tài chính cho ngành than đá, cũng như hỗ trợ chúng ta bằng cách đầu tư vào năng lượng sạch.”

Julien Vincent, Giám Đốc Điều Hành của Market Forces nói: “Kế hoạch tài chính cho ngành than đá của DBS là một rủi ro khi nó đúng như một lời nhạo báng đối với tuyên bố mới đây của Chính phủ Singapore rằng 2018 là “Năm Hành Động vì Khí Hậu. Thực tế là DBS đang chuẩn bị cung cấp tài chính cho một nhà máy nhiệt điện than gây ô nhiễm lớn ở Việt Nam, nhà máy nhiệt điện than Nghi Sơn 2, chỉ vài tuần sau khi ban hành chính sách này, cho thấy chính sách đó đã không đạt kết quả mong muốn.”

Cùng với việc gửi thư ngỏ, liên minh trên cũng tiến hành nhiều hoạt động khác để vận động cộng đồng quốc tế cùng lên tiếng phản đối những dự án gây ô nhiễm của các ngân hàng Singapore tại các nước đang phát triển tại khu vực Đông Nam Á, bao gồm các hoạt động truyền thông, và công bố một nghiên cứu về hoạt động cung cấp tài chính cho ngành than đá của các ngân hàng Singapore.

Theo nghiên cứu này, từ năm 2012, các ngân hàng này đã cung cấp 2,29 tỉ đô la Mỹ cho các dự án nhà máy nhiệt điện, cảng chở than và mỏ khai thác than trên toàn cầu và sắp tới sẽ còn cung cấp cho nhiều dự án nữa. Riêng ở Việt Nam và Indonesia, chỉ riêng ngân hang DBS đã cho vay và tư vấn tài chính cho các nhà máy nhiệt điện với tổng công suất 8,8 GW.

“Liên minh này cũng đã tới gặp làm việc với ngân hàng DBS, để chuyển tiếng nói của cộng đồng quốc tế, cũng như của chính những người dân sinh sống tại Việt Nam và Indonesia tới lãnh đạo của ngân hàng này. Tôi nghĩ, cộng đồng quốc tế mà còn quan tâm tới sức khoẻ và môi trường của Việt Nam như vậy, thì chúng ta không có lý gì để đứng ngoài chiến dịch này. Tôi hy vọng mọi người sẽ cùng tham gia với chúng tôi trong việc kêu gọi ngân hàng DBS đầu tư vào năng lượng sạch cho Việt Nam thay vì đầu tư vào các dự án gây ô nhiễm”, bà Hoàng Thị Minh Hồng chia sẻ.

Hoạt động lần này nằm trong khuôn khổ chiến lược dài hạn của CHANGE liên quan đến việc phản đối xây mới và cung cấp tài chính cho các nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam.

Trong thời gian sắp tới, CHANGE sẽ tiếp tục thực hiện hàng loạt các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức công chúng về nhiệt điện than và các tác động của nhiệt điện than, bao gồm: truyền thông mạng xã hội, sản xuất phim tài liệu và ấn phẩm truyền thông, tổ chức các cuộc thi vẽ tranh tường, tổ chức hội thảo, tổ chức tập huấn cho nhà báo và giới trẻ.

Theo moitruong.com.vn

Hàng trăm dự án điện mặt trời đầu tư vào Việt Nam

Theo số liệu thống kê cho thấy, tính đến hết tháng 7/2017 đã có hàng trăm dự án điện mặt trời đăng ký đầu tư vào Việt Nam với công suất nguồn lên tới 17.000 MW. Việt Nam muốn theo đuổi năng lượng xanh để bảo vệ môi trường.

Theo bản đồ tiềm năng điện mặt trời do Ngân hàng Thế giới (WB) cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách và các nhà đầu tư, tài nguyên điện mặt trời của Việt Nam khá dồi dào, với nguồn bức xạ nhiệt khoảng 2.056 kW/m2/ năm và kéo dài từ các tỉnh miền Trung đến khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long ( ĐBSCL). Đây được xác định là nguồn năng lượng chính để phát triển năng lượng tái tạo, lĩnh vực đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Chinhphu.vn dẫn lời Đại diện Chương trình Năng lượng của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) cho biết tính đến hết tháng 7/2017 đã có hàng trăm dự án điện mặt trời được đăng ký đầu tư vào Việt Nam với tổng công suất nguồn lên tới 17.000 MW. Điều này chứng tỏ điện mặt trời đã và đang thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo đó tỉnh Ninh Thuận là địa phương có tiềm năng điện mặt trời rất lớn, thu hút khoảng 140 dự án. Tiếp theo là tỉnh Ninh Thuận khoảng 100 dự án, Đắk Lắk 13 dự án và Khánh Hòa 12 dự án…

Trong số này, có nhiều dự án quy mô đầu tư lớn như dự án điện mặt trời công suất hơn 2.000 MW của Tập đoàn Thiên Tân đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận và Quảng Ngãi. Tập đoàn Xuân Cầu đầu tư khoảng 2.000 MW ở Tây Ninh, Tập đoàn TH True-Milk và Công ty Xuân Thiện đầu tư các dự án điện mặt trời tại tỉnh Đắk Lắk với công suất đặt khoảng 3.000 MW.

Tính đến hết tháng 7/2017 đã có hàng trăm dự án điện mặt trời được đăng ký đầu tư vào Việt Nam với tổng công suất nguồn lên tới 17.000 MW.

Về phía ngành điện, hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đang tiến hành đầu tư gần 20 dự án với tổng công suất đặt khoảng 2.000 MW tại các tỉnh Khánh Hòa, Kon Tum, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai…

Tri Thức Trẻ cho biết đến năm 2020, Tập đoàn Thiên Tân sẽ chi 2 tỷ USD để xây dựng 5 nhà máy điện mặt trời lớn ở tỉnh Ninh Thuận với tổng công suất khoảng 1 Gigawatt (GW), tương đương sản lượng của một lò phản ứng hạt nhân. Một nhà máy năng lượng mặt trời 50 MW sẽ bắt đầu hoạt động trong năm nay, tiếp theo là 4 nhà máy, mỗi nhà máy tạo ra 200-300 MW.

Các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cho rằng với tiềm năng to lớn và sự quan tâm của Chính phủ đến nguồn năng lượng này cụ thể là việc ban hành cơ chế giá điện mặt trời tại Quyết định số 11 của Chính phủ vào tháng 6 và có hiệu lực vào tháng 9/2017 thì con số 12.000 MW công suất nguồn điện mặt trời có thể đạt được.

Kỹ thuật điện mặt trời đơn giản là cách chuyển quang năng thành điện năng trực tiếp nhờ các tấm pin mặt trời ghép lại với nhau thành mô đun. Photon đập vào electron làm năng lượng của electron tăng lên và di chuyển tạo thành dòng điện.

Điện năng do pin mặt trời tạo để sử dụng hay để sạc pin. Thời kỳ đầu diện mặt trời chỉ được dùng cho vệ tinh nhân tạo hay phi thuyền nhưng ngày nay công dụng chính của nó là để cấp điện vào lưới điện chung nhờ bộ chuyển đổi từ dòng điện một chiều trong pin sang điện xoay chiều. Còn một phần nhỏ dùng cấp điện cho các ngôi nhà, trạm điện thoại, bộ điều khiển từ xa…

Tấm pin được đặt dưới một lớp gương nhằm ngăn những tác động từ môi trường. Để có lượng điện lớn hơn một mảnh pin riêng lẻ có thể tạo ra người ta gắn kết nhiều mảnh lại thành một tấm lớn là pin mặt trời. Một tấm pin riêng lẻ đủ cấp điện cho một trạm điện thoại công cộng, còn để đủ cấp cho một căn nhà hay một nhà máy điện thì phải cần nhiều tấm ghép lại thành dãy.

Theo moitruong.com.vn

ADB hỗ trợ Việt Nam biến rác thành năng lượng sạch

Ngày 2/2, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã ký một hiệp định vay vốn trị giá 100 triệu USD với Tập đoàn Everbright International Limited (CEIL) để hỗ trợ một loạt nhà máy chuyển hóa rác thành năng lượng (WTE) tại các đô thị loại 1 và 2 ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Sáng kiến này sẽ là dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) đầu tiên trong lĩnh vực chuyển hóa rác thành năng lượng tại các đô thị ở Việt Nam.

Ông Christopher Thieme, Vụ phó Vụ Hoạt động Khu vực Tư nhân của ADB phát biểu: “Hiệp định được ký kết sẽ là một mô hình mới để cải thiện hoạt động quản lý rác thải rắn ở các đô thị, cũng như góp phần hạn chế biến đổi khí hậu thông qua giảm lượng khí mê-tan và tăng sản xuất năng lượng từ các nguồn tái chế”.

Mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 27,8 triệu tấn rác thải cần xử lý.

Việt Nam tạo ra hơn 27,8 triệu tấn rác thải mỗi năm. Hầu hết rác thải thu gom được đổ vào các bãi chôn lấp rác theo cách thức không đảm bảo vệ sinh. Điều này mang lại nguy cơ đáng lo ngại về sức khỏe cho các cộng đồng sinh sống quanh đó, phần lớn là người nghèo đô thị. Một trong những cách thức hiệu quả nhất để xử lý và quản lý lượng rác thải đô thị đang ngày càng gia tăng này là chuyển hóa rác thành năng lượng, giúp giảm khối lượng rác thải tới 90% và loại bỏ việc phát thải khí nhà kính, trong khi tạo ra năng lượng từ nhiệt trong quá trình đốt rác bằng lò đốt.

Hỗ trợ của ADB sẽ giúp xây dựng và vận hành một loạt các nhà máy WTE với các công nghệ sạch tiên tiến tại nhiều đô thị ở Việt Nam. Mỗi nhà máy WTE sẽ xử lý rác thải đô thị và cấp điện vào mạng lưới điện địa phương. CEIL sẽ xây dựng và đầu tư cho nhiều dự án WTE tại Việt Nam để hỗ trợ việc xử lý, giảm thiểu và tái sử dụng rác thải sinh hoạt ở các thành phố mà không gây hại đồng thời sản xuất điện sạch.

Theo tapchicongthuong.vn

Chuẩn bị khởi công dự án điện mặt trời Phước Hữu

Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Vịnh Nha Trang vừa công bố bản báo cáo về dự án Nhà máy điện mặt trời Phước Hữu (dự kiến đặt tại thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận), với tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, sản lượng điện năm đầu tiên của Nhà máy khoảng 104,130 triệu kWh.

Dự kiến dự án sẽ được khởi công vào tháng 3 tới và hoàn thành vào cuối năm 2018.

Dự án Nhà máy điện mặt trời Phước Hữu được thiết kế gồm nhà máy điện mặt trời quang điện nối lưới trực tiếp với công suất lắp đặt 50MW và đấu nối vào hệ thống điện quốc gia qua cấp điện áp 110kV.

Công trình sử dụng công nghệ pin quang điện, inverter trung tâm với công suất lắp đặt khoảng 65MWp – 50MWac. Bao gồm 1 trạm biến áp nâng áp 22/110kV, công suất 1×63MVA. Cùng đường dây 110kV mạch đơn, dài khoảng 7,2km, từ trạm nâng áp 22/110kV của nhà máy đấu nối vào TBA 110kV Ninh Phước hiện có.

Dự án Nhà máy điện mặt trời Phước Hữu được thiết kế gồm nhà máy điện mặt trời quang điện nối lưới trực tiếp với công suất lắp đặt 50MW và đấu nối vào hệ thống điện quốc gia qua cấp điện áp 110kV.

Theo Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Vịnh Nha Trang, vị trí xây dựng dự án có năng lượng bức xạ mặt trời trung bình năm là 2.021kW/m2/năm. Sản lượng điện năm đầu tiên 104,130 triệu kWh. Sản lượng điện đặc trưng của nhà máy 1.603 kWh/kWp/năm.

Dự án có tổng mức đầu tư là khoảng gần 1.500 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chi phí thiết bị (hơn 930 tỷ), còn lại là chi phí xây dựng, đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng.

Theo nangluongvietnam.vn