Chuỗi sự kiện Ngày hội bền vững cùng GetGreen Việt Nam

Chuỗi sự kiện Ngày hội bền vững cùng dự án GetGreen Việt Nam giai đoạn 2 sẽ diễn ra trong tháng 3,4/2015 tại 4 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

ngay-hoi-ben-vung-800x320

Đay là chuỗi sự kiện kết nối các cá nhân, tổ chức đã tham gia vào tập huấn Tiêu dùng bền vững từ tháng 10/2014 đến tháng 01/2015. Chuỗi sự kiện đánh dấu dấu mốc hoàn thành mục tiêu đào tạo 1000 “Hạt giống Thay đổi” hướng tới phong cách sống và làm việc bền vững tại Việt Nam và mang ý nghĩa quan trọng đối với nỗ lực của Liên minh châu Âu và chương trình SWITCH – Asia trong việc hỗ trợ Việt Nam trên lộ trình phát triển bền vững.

Tại sự kiện, các Hạt giống Thay đổi xuất sắc sẽ chia sẻ những thay đổi tích cực của bản thân hướng tới Tiêu dùng bền vững và sức lan tỏa tới cộng đồng sau khi hoàn thành tập huấn trong giai đoạn 2 của dự án.

Trước đó,  tại 4 thành phố Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, GetGreen Việt Nam đã triển khai tập huấn cho 26 nhóm tiêu dùng thuộc đối tượng Sinh viên, Nhân viên văn phòng và Cộng đồng bằng phương pháp tập huấn mới mẻ kết hợp với Đồng sáng tạo. Với 8 chủ đề tập huấn gồm 75 chỉ dẫn Sống Xanh gắn liền với công việc và sinh hoạt đời thường, hoạt động tập huấn tập trung vào thúc đẩy người tiêu dùng thay đổi hành vi để sống, học tập và làm việc thông minh hơn và thân thiện với môi trường.

Kết thúc giai đoạn tập huấn thứ 2, 516 cá nhân tại 4 thành phố được trao chứng chỉ “Hạt giống Thay đổi” của dự án. Các Hạt giống sẽ tiếp tục thuyết phục, thay đổi những người thân, bạn bè, đồng nghiệp xung quanh để cùng hình thành cộng đồng tiêu dùng bền vững.

Bà Tạ Hương Thu – Điều phối viên quốc gia dự án GetGreen Việt Nam chia sẻ: “Mục tiêu cuối cùng của GetGreen Việt Nam là thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Sau ba năm nghiên cứu và triển khai, dự án đã đào tạo 1099 Hạt giống Thay đổi hướng tới phong cách sống Bền vững tại 4 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ; và chính những Hạt giống này đang tiếp tục sứ mệnh của dự án lan tỏa, thuyết phục nhiều người hơn nữa cùng nhau thay đổi để sống thân thiện hơn với môi trường, hơn thế nữa là giữ gìn những điều tốt lành cho thế hệ mai sau.

NGÀY HỘI BỀN VỮNG

 Thành phố Thời gian Địa điểm
Hà Nội Sáng 14/03/2015 Khách sạn Fortuna
Cần Thơ Sáng 22/03/2015 Khách sạn Vạn Phát -Fortuneland
Đà Nẵng Sáng 29/03/2015 Khách sạn Grand Mercure Đà Nẵng
TP.HCM Sáng 05/04/2015 Khách sạn Vissai Sài Gòn

Thông tin liên hệ

Nguyễn Thị Phương Nhung (Ms.)
Phụ trách truyền thông

M: +84 978 479 415
T: +84-4-38684849 – ext 33 | F: +84-4-36231294
E: [email protected]

 Theo Admin GetGreen

 

Sinh viên hiến kế phát triển hệ thống rau sạch

Trong chuỗi hoạt động của GetGreen Việt Nam – dự án được đồng tài trợ bởi chương trình SWITCH-Asia của Liên minh châu Âu, sinh viên trường ĐH Đông Á đã tham gia chuyến đi thực tế và đồng sáng tạo với doanh nghiệp trồng rau hữu cơ tại làng Trà Quế, Hội An.

du an song xanh 6

35 sinh viên thuộc Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn và Công nghệ thực phẩm đã tham gia hành trình khám phá làng nghề Trà Quế (TP. Hội An, Quảng Nam). Tại đây, nhóm sinh viên đã được anh Trần Quốc Tuấn – thành viên Hợp tác xã Trà Quế giới thiệu mô hình trồng rau tổng hợp của gia đình, tìm hiểu lịch sử văn hóa của làng rau và mô hình trồng rau sạch đang tạo nên giá trị cho thương hiệu rau Trà Quế, Hội An.

du an song xanh 7

Nhóm sinh viên tỏ ra rất thích thú trước những thông tin mà anh Quốc Tuấn cung cấp. Trong đó, quy trình làm rau sạch từ khâu làm đất đến chọn giống, bón phân, thậm chí cách tạo phân bón từ những thành phần có sẵn trong tự nhiên được anh Quốc Tuấn hướng dẫn tận tình. Một chi tiết thú vị khiến nhóm GetGreen bất ngờ là nhiều nông dân trong làng rau đã ứng dụng công nghệ vi sinh phân hủy rơm rạ để làm phân bón, sử dụng rong làm phân bón từ gốc, sản xuất rau sạch theo quy trình khép kín,.. nhờ vậy mà không ảnh hưởng đến môi trường và an toàn cho người sử dụng.

du an song xanh 8

Sau khi tham quan, các sinh viên đã cùng thảo luận, đưa ra những giải pháp để giúp người tiêu dùng có thêm kiến thức giúp họ thực hiện tiêu dùng bền vững. Cụ thể, từng nhóm đã làm việc theo những câu hỏi cụ thể: Làm thế nào để cung cấp thông tin hữu ích về rau Trà Quế tới người tiêu dùng bằng phương pháp online, offline, giới thiệu trực quan ngay tại làng nghề, tự thực hiện trồng rau hữu cơ ngay tại nhà.

du an song xanh 9

Sau vài phút làm việc tích cực, các nhóm sinh viên đã đưa ra rất nhiều phương án sáng tạo được anh Trần Quốc Tuấn và cán bộ dự án GetGreen ghi nhận. Có thể kể ra như: tạo trang website riêng, tổ chức sự kiện giới thiệu, thành lập chuỗi nhà phân phối rau sạch, thiết kế các tour du lịch trải nghiệm, quảng các trực quan bằng hình ảnh, băng rôn, áp phích, tá điền thành thị,…

Trong hoạt động đồng sáng tạo với doanh nghiệp, sinh viên còn được trải nghiệm cuộc sống của người dân ngay tại làng nghề. Được tận tay chọn rau, đổ bánh xèo, gói tam hữu để tận hưởng hương vị rau sạch Trà Quế.

du an song xanh 10

Ấn tượng với cánh đồng rau xanh mướt, mùi thơm nồng nàn thoang thoảng. Được tiếp cận với quy trình sản xuất rau sạch, an toàn cho cộng đồng, tin rằng sau buổi trải nghiệm thực tế này, 35 sinh viên tham gia dự án GetGreen sẽ trở thành những hạt giống tích cực làm lan tỏa hiệu ứng của GetGreen, đẩy mạnh các giải pháp tiêu dùng bền vững, bảo vệ môi trường.

Theo donga.edu.vn

Sinh viên ĐH Đông Á tham gia dự án GetGreen Việt Nam

Từ ngày 7/12/2014 đến ngày 4/1/2015, sinh viên trường ĐH Đông Á tham gia dự án GetGreen Việt Nam – dự án được đồng tài trợ bởi chương trình SWITCH-Asia của Liên minh châu Âu.

Cụ thể, có 35 sinh viên thuộc Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn và Công nghệ thực phẩm được lựa chọn tham gia dự án GetGreen Việt Nam. Đây là dự án thúc đẩy tiêu dùng bền vững tại Việt Nam, tập trung vào thúc đẩy cách sống và làm việc bền vững của những người có thu nhập trung bình tại khu vực thành thị. Dự án được thực hiện bởi Trung tâm Sản xuất Sạch hơn Việt Nam, và Viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam, Đại học Công nghệ Delft (Hà Lan).

Trong quá trình tham gia dự án, sinh viên được tiếp cận với các phương pháp tiêu dùng bền vững, lựa chọn các thói quen sống hòa hợp với thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống. Đồng thời chính các sinh viên sẽ tự đưa ra những hiện trạng cuộc sống và hiến kế để có hành động thích ứng, tạo hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường.

Trong buổi đầu tiên, các sinh viên thực hành về tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Ngoài ra, dưới sự hướng dẫn của cán bộ dự án, từng nhóm sinh viên thảo luận về hiệu quả trong việc thay đổi thói quen tiêu dùng, những mong muốn và hành động cụ thể của bản thân để thay đổi thực trạng ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay và trong tương lai.

Dự án cũng sẽ có các buổi đi thực tế xen kẽ những buổi thảo luận tại lớp. Trong những buổi này, sinh viên được tiếp cận với các mô hình sản xuất xanh. Thực hành phương pháp tiêu dùng hợp lý, tiết kiệm năng lượng. Đồng hành cùng doanh nghiệp sáng tạo các giải pháp cụ thể để nhân rộng giải pháp tiêu dùng bền vững.

Sau khi kết thúc dự án, 35 sinh viên này sẽ nằm trong nhóm ít nhất 1.000 người tiêu dùng bao gồm Sinh viên, Người Nội trợ, Nhân viên văn phòng trong cả nước sẽ là những hạt giống thay đổi, nhân rộng các phương pháp của dự án vào cộng đồng. Kết nối giữa phía cung và cầu, sáng tạo ra các sản phẩm bền vững có tính khả dụng và đi vào cuộc sống.

Admin getgreen.vn

GCTF tham gia sự kiện “Đổi mới sáng tạo hướng tới người thu nhập thấp”

Ngày 26/11, khách sạn Sheraton Hà Nội, sự kiện được tổ chức nhằm kết nối các đối tác hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển kinh doanh hướng tới người thu nhập thấp của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, diễn dàn được phối hợp thực hiện bởi Ban quản lý dự án VIIP và Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV).

IMG_8091

Quỹ Ủy Thác Tín Dụng Xanh (GCTF) đã tham dự gian hàng trưng bày nhằm quảng bá Quỹ cũng như các tài liệu chuyên đề về Sản xuất Sạch Hơn – Sử dụng năng lượng hiệu quả tới các doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu, tư vấn và các tổ chức phát triển khác.

Một số thông tin về dự án:

VIIP là dự án Đổi mới Sáng tạo Hướng tới người thu nhập thấp do Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch Đầu tư thực hiện trong giai đoạn 2013 – 2018 với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới (WB). Mục tiêu chung của Dự án là hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức nghiên cứu trong việc tiếp nhận, nâng cấp, ứng dụng và thương mại hóa công nghệ trong các lĩnh vực: nông nghiệp, thủy sản, y dược học cổ truyền, công nghệ thông tin và truyền thông.

Diễn đàn có sự tham gia của một số tổ chức như: Quỹ Thách thức Doanh nghiệp Việt Nam (VBCF), Dự án Đẩy mạnh Đổi mới Sáng tạo thông qua Nghiên cứu, Khoa học và Công nghệ (FIRST), Chương trình Đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD), Chương trình Hỗ trợ Cạnh tranh Toàn cầu (GCF)…

Admin VNCPC

Giới thiệu Trung tâm Sản xuất sạch hơn (VNCPC) – Bản tin Công nghệ và Đời sống – VTV1

Dự án SUPA tham gia Hội chợ Thủy sản VietFish 2014 và Diễn đàn cá tra Việt Nam

Dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam – SUPA” do EU tài trợ với các đối tác thực hiện là Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), WWF-Việt Nam và WWF-Áo thực hiện nhằm góp phần thúc đẩy nền sản xuất cá tra Việt Nam phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.

Trong các ngày từ 6-8/8/2014, dự án SUPA đã tham gia Hội chợ Thủy sản xuất khẩu Việt Nam (VietFish) và có gian hàng ở đây nhằm quảng bá các thông tin về hoạt động và các kết quả của dự án đến với doanh nghiệp. Trước đó, ngày 5/8/2014 dự án SUPA đã tổ chức một đoàn thăm quan thực tế tại nhà máy chế biến của Công ty GODACO nằm ở khu công nghiệp Mỹ Tho (Tiền Giang) và vùng nuôi cá tại Bến Tre. Đoàn thăm quan là các nhà nhập khẩu, nhà bán lẻ ở Châu Âu và các nhà báo trong, ngoài nước, các tổ chức chứng nhận. Ngoài ra, tham gia đoàn thăm quan lần này còn có một số các nhà nhập khẩu lớn của Brazil, Kazakhstan,…

Vietfish 1

Đoàn các nhà nhập khẩu nghe giới thiệu về Công ty

Vietfish 2

Thăm quan thực tế khu vực sản xuất

Sau khi thăm quan thực tế tại doanh nghiệp, các nhà nhập khẩu đã đánh giá rất cao chất lượng và quy mô của sản xuất của Công ty trong việc đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu. Hình ảnh thực tế này khác xa rất nhiều so với thông tin mà các nhà nhập khẩu có được từ một số các phương tiện thông tin đại chúng ở Châu Âu và Nam Mỹ.

Vietfish 3Gian hàng của dự án SUPA tại Hội chợ

Vietfish 4

Ông Hoàng Thành (cán bộ phái đoàn châu Âu tại Việt Nam) và bà Esther Luiten (Giám đốc Kinh doanh thương mại của ASC) thăm gian hàng

Trong Hội chợ lần này, Dự án SUPA đã kết hợp cùng VASEP tổ chức Diễn đàn cá tra Việt Nam với chủ đề: “Phát triển bền vững cá tra tại thị trường Châu Âu” với các tham luận giới thiệu về thị trường cá tra Việt Nam các khó khăn và thách thức từ các diễn giả của Tổng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Dự án SUPA, Công ty ANOVA (Hà Lan) và tổ chức chứng nhận ASC.

Vietfish 5

Các diễn giả tham dự buổi đối thoại

Vietfish 6

Các đại biểu tham dự

Đã có hơn 200 đại biểu quan tâm tham dự diễn đàn, trong đó có gần 100 đại biểu đến từ 80 công ty sản xuất và chế biến cá tra, các đại biểu là đại diện cho các cơ quan quản lý chính sách của địa phương các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các tổ chức chứng nhận, các nhà nhập khẩu Châu Âu, Nam Mỹ, Bắc Mỹ,…Tại diễn đàn cũng đã có rất nhiều câu hỏi trao đổi thông tin về thị trường của các nước nhập khẩu đặc biệt thị trường Châu Âu cũng như các tiêu chuẩn cần thiết đáp ứng nhu cầu.

Sau lần tổ chức thành công lần này, các bên đối tác thực hiện dự án SUPA đã thống nhất tổ chức thường niên Diễn đàn để tạo kênh thông tin trao đổi cho các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách giúp cá tra Việt Nam ngày càng phát triển lớn mạnh và bền vững.

VNCPC admin