Hội thảo trực tuyến: Ứng dụng than sinh học trong phát triển nông nghiệp bền vững

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trân trọng kính mời: Quý đại biểu

Tham dự “Hội thảo trực tuyến: Ứng dụng than sinh học trong phát triển nông nghiệp bền vững” do Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tổ chức.

Hội thảo này được tổ chức nhằm hướng đến mục tiêu “Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020” đã được đề ra trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022.

  1. Mục tiêu hội thảo:

– Nâng cao nhận thức về lợi ích và tiềm năng ứng dụng của than sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp.

– Kết nối và hợp tác để thúc đẩy ứng dụng và thương mại hóa công nghệ nhiệt phân tại Việt Nam trong chuyển đổi chất thải nông nghiệp (vỏ trấu, vỏ cà phê) thành nguồn năng lượng sạch và than sinh học giá trị.

  1. Thời gian: 14h00 – 16h00, thứ Năm, ngày 28/04/2022
  2. Đầu cầu chính: Phòng 101 B6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số 2 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội.
  3. Chủ trì: Lãnh đạo Vụ HTQT và đại diện UNIDO
  4. Hình thức:

– Trực tiếp tại đầu cầu chính: Đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, đại diện UNIDO

– Trực tuyến: Lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và PTNT, các doanh nghiệp, hiệp hội, hội, hợp tác xã, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; các cơ quan truyền thông, báo chí.Quý đại biểu tham dự Hội thảo xin đăng ký tham dự trước ngày 27/04/2022 theo đường link sau: https://forms.gle/q2K1yeHjLQDtsgxo6.

Thông tin về phòng họp trực tuyến, ID và mật khẩu sẽ được gửi đến Quý đại biểu tham dự trực tuyến sau khi nhận được đăng ký. Chi tiết liên hệ với Văn phòng ISG, Vụ Hợp tác quốc tế (Đ/c Nhung: Tel: 024.3771.1736/0392.992.235; [email protected])

VNCPC

Tín dụng xanh: Làm sao để tiếp cận?

Vào ngày 30/3 và 1/4, chương trình tập huấn “Các nguồn vốn ưu đãi cho sản xuất bền vững và lập hồ sơ vay vốn” đã được Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), phối hợp với chuyên gia tài chính tổ chức theo hình thức trực tuyến. Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của hàng trăm doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau.

Chương trình tập huấn là hoạt động thuộc khuôn khổ dự án “Xúc tiến cung cầu cho các sản phẩm chế biến nông sản sinh thái – công bằng tại Việt Nam” – (Ecofair). Dự án do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ cho các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ (SMEs) tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản thuộc 6 tiểu ngành: Chế biến gạo; Chế biến hạt điều; Chế biến rau, củ; Chế biến trái cây; Chế biến thịt và Thủy sản.

Các nguồn vốn/cơ chế tài chính hiện có

Theo PGS.TS. Lê Thu Hoa (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân): Hiện có những nguồn có khả năng cấp vốn đầu tư cho dự án của các doanh nghiệp SMEs đó là: Quỹ nội bộ; Vốn cổ phần; Các quỹ/ngân hàng phát triển, Các ngân hàng thương mại; Nhà cung cấp thiết bị/các công ty tài chính; Các chương trình của chính phủ; Các nguồn khác…

Đại diện VNCPC và PGS. TS. Lê Thu Hoa (ngồi giữa) trong chương trình tập huấn.

Cụ thể, Quỹ bảo vệ Môi trường Việt Nam đang hướng tới đối tượng là các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình có công trình bảo vệ môi trường; xử lý chất thải; sản xuất sạch hơn; công nghệ và sản phẩm thân thiện với môi trường; sản phẩm từ hoạt động tái chế; xử lý chất thải… Với vốn đối ứng tối thiểu 30%, các doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu sẽ được vay với lãi suất ưu đãi 2,6%, trong thời gian cấp vốn 7 năm. Hiện quỹ đã có mặt tại 46 tỉnh/thành trên khắp cả nước.

Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa với cơ chế tài trợ lãi suất ngắn hạn là 2,16%/năm, trung và dài hạn là 4%/năm. Thời gian cấp vốn 7 năm…

Ngoài ra còn có hình thức cho thuê tài chính trong nước là phương thức cấp tín dụng trung và dài hạn cho dự án đầu tư mua sắm máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất, phương tiện vận chuyển của doanh nghiệp.

Các hình thức cho thuê tài chính khác gồm: Cho thuê tài chính nhập khẩu; Cho thuê tài chính mua và cho thuê lại; Cho thuê vận hành: Khách hàng sử dụng tài sản (máy móc, thiết bị…) của công ty cho thuê tài chính trong một thời gian nhất định và hoàn trả lại tài sản đó cho bên thuê khi kết thúc thời hạn thuê tài sản.

Bên cạnh đó, còn có mô hình dịch vụ năng lượng (ESCO) cung cấp các dịch vụ năng lượng và/hoặc các biện pháp cải thiện hiệu quả năng lượng tại doanh nghiệp dưới  dạng các hợp đồng (EPC).

Quy trình vay vốn

Về quy trình vay vốn và phê duyệt các khoản vay, GS. Hoa cho biết: Khi muốn tiếp cận nguồn tài chính tiềm năng, các doanh nghiệp cần: Thu thập thông tin về những phương cách cho vay/tài trợ trong các năm trước của các nguồn tài chính tiềm năng. Xem xét động cơ thúc đẩy việc cho vay của nguồn cấp vốn khi chuẩn bị đơn xin vay vốn. Dự đoán trước các yêu cầu thông tin cần cung cấp cho các nguồn cấp vốn.

Theo đó, quy trình chung vay vốn và phê duyệt khoản vay sẽ trải qua 11 bước đó là: Tìm kiếm và tiếp cận các nguồn cấp vốn; Thảo luận sơ bộ chính thức với cán bộ tín dụng; Điền đơn xin vay vốn và thu thập các thông tin cần thiết; Nộp đơn xin vay vốn và các tài liệu liên quan cho Ngân hàng/Tổ chức tín dụng; Ngân hàng/tổ chức tín dụng thẩm định hồ sơ; Thỏa thuận các điều khoản cụ thể về khoản vay; Ngân hàng/Tổ chức tín dụng gửi thư cam kết; Ngân hàng/Tổ chức tín dụng gửi bản điều khoản xác định các điều khoản cho vay cụ thể; Ký hợp đồng vay vốn; Giải ngân và nhận vốn; Thực hiện dự án.

Lập hồ sơ vay vốn: Làm sao để nhận được sự hỗ trợ từ chuyên gia?

Bà Tô Hải Yến – Giám đốc dự án Eco-fair chia sẻ: Nằm trong chuỗi các hoạt động của dự án Eco-fair, tiếp sau hoạt động tập huấn này, dự án sẽ dành nguồn lực kỹ thuật tư vấn trực tiếp miễn phí với các doanh nghiệp thuộc 6 tiểu ngành chế biến nông sản nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hồ sơ tiếp cận nguồn vốn cho 20 dự án đầu tư theo hướng sản xuất bền vững.

Mong rằng thông qua các buổi tập huấn, các doanh nghiệp sẽ nắm bắt được các thông hữu ích và đăng ký tham gia các phiên tư vấn trực tiếp về lập hồ sơ vay vốn phù hợp với các nhu cầu đầu tư xanh hiện có.

Thông tin về dự án vui lòng liên hệ:

Ms Hằng: 0912.467.692;  Email: [email protected]

Ms Nhung: 0905.674.739; Email: [email protected]

VNCPC

RECP “chìa khóa” giúp doanh nghiệp chống lạm phát

Khi giá nhiên liệu cùng nhiều nguyên vật liệu liên tục tăng cao, doanh nghiệp đẩy phần khó sang cho khách hàng bằng cách tăng giá bán sẽ không phải là giải pháp lâu dài. Trong bối cảnh này, chỉ có RECP mới thực sự là cách lâu bền giúp doanh nghiệp chống lại lạm phát.

Lạm phát và nỗi lo của doanh nghiệp

Khi lạm phát, chi phí đầu vào của doanh nghiệp sẽ tăng theo. Nếu điều chỉnh tăng giá bán sẽ khó giữ chân được người tiêu dùng vì không chỉ giảm lượng mua mà họ còn có thể tìm sản phẩm thay thế khác. Vì vậy, đây thực sự là bài toán nan giải đối với hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ do nguồn vốn hạn chế.

 

 

Hình minh họa.

Song lạm phát có tính chu kỳ và là vấn đề thường xuyên phải đối mặt của hầu hết các nền kinh tế. Do đó, các doanh nghiệp đều phải chủ động trong việc tìm ra các giải pháp đối phó. Trên thực tế có không ít doanh nghiệp đã đầu tư cho việc cải tiến thay đổi mẫu mã của sản phẩm, thay thế nguyên liệu, đóng gói, cho đến đặc tính của sản phẩm. Chẳng hạn như một số sản phẩm vẫn giữ nguyên giá nhưng lại giảm trọng lượng, khiến cho người tiêu dùng thấy giá không đổi nhưng thực ra là giá đã tăng. Bên cạnh đó, việc thay đổi nhà cung cấp với danh tiếng thấp hơn cũng là cách mà nhiều doanh nghiệp giảm bớt chi phí đầu vào.

Trong cái “rủi” có cái “may”

Trên thực tế, các doanh nghiệp chỉ có thể thích ứng với lạm phát vì việc kiểm soát lạm phát phụ thuộc vào các chính sách vĩ mô của ngân hàng trung ương và của chính phủ. Mỗi khi lạm phát tăng cao cũng là một đợt sàng lọc các doanh nghiệp yếu kém, chính vì vậy chỉ những doanh nghiệp có sự thay đổi để thích ứng nhanh hay đã có những chuẩn bị từ trước mới có thể trụ vững và đón nhận thành quả từ chu kỳ kinh tế kế tiếp.

Hình minh họa.

Trong bối cảnh này, sử dụng hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP) đang được xem là “chìa khóa” không thể thiếu đối với tất cả các doanh nghiệp ở mọi quy mô hoạt động.

RECP là gì?

Theo định nghĩa của UNEP (Chương trình Môi trường của Liên hiệp quốc): RECP là việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường.

Đối với quá trình sản xuất: RECP bao gồm bảo toàn nguyên liệu và năng lượng, loại trừ các nguyên liệu độc hại và giảm lượng và tính độc hại của tất cả các chất thải ngay tại nguồn thải.

Đối với sản phẩm: RECP bao gồm việc giảm các ảnh hưởng tiêu cực trong suốt chu kỳ sống của sản phẩm, từ khâu thiết kế đến thải bỏ.

Đối với dịch vụ: RECP hơn đưa các yếu tố về môi trường vào trong thiết kế và phát triển các dịch vụ.

Làm sao để được tư vấn áp dụng RECP vào sản xuất?

Tin vui cho các doanh nghiệp nhỏ vừa và siêu nhỏ trong lĩnh chế biến nông sản tại Việt Nam khi tham gia vào dự án “Xúc tiến cung cầu cho các sản phẩm chế biến nông sản đạt chứng nhận sinh thái – công bằng tại Việt Nam” (Eco-fair) sẽ được hỗ trợ triển khai RECP vào trong quá trình sản xuất miễn phí, Đây là dự án được liên minh châu Âu tài trợ, hướng tới hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành chế biến nông sản, chế biến thịt gia súc, gia cầm và thủy sản thực hiện các thực hành sinh thái – công bằng để nâng cao lợi thế khi tham gia các thị trường xuất khẩu tiềm năng, tăng cơ hội kết nối với khách hàng, thị trường.

Với mục tiêu này, một trong những hợp phần quan trọng của dự án là tư vấn trực tiếp áp dụng RECP tại doanh nghiệp. Hoạt động tư vấn này sẽ do Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) thuộc trường Đại học Bách Khoa thực hiện, giúp doanh nghiệp đánh giá, rà soát và nhận diện được các lãng phí về năng lượng, nước, vật liệu đang tồn tại trong hoạt động sản xuất hằng ngày để tìm ra các giải pháp khắc phục nhằm tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận cũng như đáp ứng các yêu cầu sản xuất bền vững từ khách hàng.

Doanh nghiệp có nhu cầu hỗ trợ tư vấn miễn phí, vui lòng liên hệ Ms Nhung 0905.674.739; Email [email protected] để được hướng dẫn.

VNCPC

Biochar giúp cải tạo đất, nâng cao chất lượng nông sản

Với giá thành thấp hơn đáng kể so với phân bón hóa học, song ưu điểm nổi trội của biochar (than sinh học) không chỉ là cải tạo đất, nâng cao chất lượng nông sản mà còn giúp duy trì hiệu quả trong thời gian dài.

Đó là nhận xét chung của các thành viên tham dự buổi tập huấn về “Ứng dụng than sinh trong cải tạo đất trồng” diễn ra vào ngày 19/3, tại xã Cư Suê huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk.

Các thành viên tham gia buổi tập huấn chụp ảnh lưu niệm.

Theo bà Heloise Buckland- Giám đốc điều hành và là nhà đồng sáng lập Tổ chức HUSK (Tây Ban Nha): Biochar là sản phẩm đã được sử dụng từ hàng nghìn năm trước tại khu vực Amazon và những năm gần đây đã được các nước ở châu Á, Đông Nam Á sử dụng để cải tạo độ PH trong đất.

Biochar theo nghiên cứu của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) có thể giữ hàm lượng carbon trong đất lên tới cả trăm năm.  Chỉ 1 gam biochar có thể sử dụng để cải tạo cho 120 m2 đất. Còn với phân bón vi sinh được bà con nông dân làm theo cách truyền thống thường không giữ được carbon trong đất do dễ dàng bị nước mưa rửa trôi trong thời gian ngắn.

Bà Heloise Buckland- Giám đốc điều hành và là nhà đồng sáng lập Tổ chức HUSK (Tây Ban Nha) giải thích về cơ chế biochar giúp cải tạo đất.

Trong khi đó, cây trồng cần hàm lượng carbon trong đất lên tới 60% để duy trì bộ rễ phát triển khỏe mạnh. Nhưng theo ước tính, trên toàn cầu hiện có tới 30% diện tích đất nông nghiệp đã bị thoái hóa do quá trình canh tác thiếu bền vững. Vì vậy, biochar chính là “chìa khóa” giúp giải quyết vấn đề một cách triệt để. Khi được trộn vào đất, biochar sẽ giúp cải thiện cấu trúc của đất, giúp đất giữ được nước và các chất dinh dưỡng nhờ đó mà các hệ vi sinh phát triển, tạo sự cân bằng sinh thái trong đất. Cũng nhờ những ưu điểm này mà người dân không cần phải bón than sinh học liên tục như cách làm hiện nay đối với phân bón hóa học.

Bà Heloise hướng dẫn sử dụng biochar đối với cây trồng.

“Nhờ sử dụng biochar, tôi đã giảm được ½ lượng phân bón hóa học mỗi năm. Điều này không chỉ giúp tiết giảm chi phí mà đất vườn của tôi cũng tơi xốp hơn, cây cối xanh mướt, ít sâu bệnh, chất lượng nông sản tốt hơn nên giá bán cũng cao hơn”, Bà Đặng Thị Cúc –  xã viên Hợp tác xã Bình Minh chia sẻ.

Còn theo bà Triệu Thị Châu – Giám đốc Hợp tác xã Bình Minh: Ưu điểm nổi trội  của hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ PPV300 đó là ngoài tạo ra than sinh học từ phế phẩm và phụ phẩm nông nghiệp, còn giúp người nông dân sấy nông sản như cà phê khi vào mùa thu hoạch gặp mưa trái mùa. Đặc biệt, nhờ quá trình đốt yếm khí không xả thải CO2 nên vấn đề môi trường cũng được xử lý một cách hiệu quả.

Thông tin về công nghệ nhiệt phân

Trong giai đoạn từ 2016 – 2019, công nghệ nhiệt phân (pyrolysis) đã được Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) chuyển giao thành công từ Thụy Sỹ về Việt Nam, có tiềm năng chuyển đổi chất thải nông nghiệp (vỏ trấu, vỏ cà phê) thành năng lượng nhiệt và than sinh học. Công nghệ này làm tăng giá trị chất thải hữu cơ và phế phẩm nông nghiệp, đồng thời mang lại cơ hội kinh tế cho người nông dân và người chế biến nông sản. Công nghệ lò đốt nhiệt phân cho phép cung cấp năng lượng sinh khối tại chỗ và kịp thời mà vẫn đáp ứng được những tiêu chuẩn khí thải khắt khe. Công ty TNHH MTV Vina Viết Hiền là đơn vị đã nhận được sự hỗ trợ và chế tạo thành công Hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ (PPV300) để thí điểm cho mô hình HTX tại Việt Nam.

VNCPC

“Thoát lỗ” hơn 2 tỷ đồng nhờ Hệ thống nhiệt phân PPV 300

Đó là chia sẻ của chị Triệu Thị Châu – Giám đốc Hợp tác xã Bình Minh (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) tại Hội thảo “Chuyển đổi chất thải nông nghiệp thành nguồn năng lượng sạch và than sinh học bằng công nghệ nhiệt phân” diễn ra vào ngày 25/02/2022, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Theo lời kể của chị Châu, từ năm 2014, khi tham gia khóa học về trồng cà phê bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu, chị Châu đã được một giáo viên người Đức giới thiệu về công nghệ nhiệt phân nên chị rất tò mò và háo hức tiếp cận công nghệ ấy. Sau đó, hợp tác xã (HTX) Bình Minh đã có may mắn được biết tới Công ty TNHH MTV Vina Viết Hiền và được tiếp cận với Hệ thống nhiệt phân PPV 300 mà theo đánh giá của chị và nhiều thành viên khác là rất “khổng lồ” và tuyệt vời này.

Các đại biểu đi thăm quan công nghệ nhiệt phân

Không được phơi sấy, thương lái trừ tới 60% vì cà phê chất lượng kém

“Vào thời điểm HTX mới được tiếp quản Hệ thống nhiệt phân là vụ thu hoạch cà phê năm 2016 – 2017. Khi ấy đang thu hoạch thì trời mưa liên tục, cà phê không phơi được nên bị mốc, người dân khi bán bị thương lái trừ tới 60% do chất lượng cà phê không đảm bảo (bán 1 tấn cà phê mà chỉ thu được tiền của 400 kg).  Nhưng may mắn đối với HTX là nhờ có Hệ thống nhiệt phân mà chúng tôi đã sấy được 30 tấn cà phê, tránh được khoản lỗ lên tới hơn 2 tỷ đồng. Các thành viên trong HTX đều rất vui vì đã quyết định đầu tư đúng hướng”, giọng chị Châu vẫn đầy cảm xúc khi nhớ lại chuyện xưa.

Biochar giúp vườn tốt tươi, chuồng trại hết mùi

Cũng theo chia sẻ của chị Châu, ngoài tác dụng sấy cà phê, Hệ thống nhiệt phân PPV 300 còn tạo ra than sinh học (biochar) và một thứ nước đen mà sau này khi tiếp xúc với các nhà khoa học ở Tp. HCM chị mới biết đó chính là “vàng đen”, bởi khi được pha với tỷ lệ hợp lý, dung dịch này trở thành “thần dược” đối với cây trồng nhờ khả năng xua đuổi các loại côn trùng và sâu bệnh.

Chị Triệu Thị Châu (mặc áo khoác đứng cạnh người đội mũ lưỡi chai)

“Về biochar, cha tôi là khách hàng đầu tiên từ năm 2017, với giá mua là 5.000 đồng/kg. Ông đã dùng biochar để bón cho đất và chỉ một thời gian sau đó, vườn cà phê và vườn tiêu của ông đã trở thành khu vườn xanh tươi và đẹp nhất trong vùng. Khi nhiều hộ xung quanh, cây tiêu, cây cà phê bị sâu bệnh, rụng lá, vườn của ông vẫn rất tốt tươi.

Chị Châu còn cho biết thêm: Nhà chị có chuồng nuôi gần 30 con dê và một chuồng nuôi gà, trước đây thỉnh thoảng gia đình chị vẫn bị hàng xóm phàn nàn vì tình trạng mùi hôi từ chuồng trại bay theo hướng gió. Nhưng từ ngày chị dùng biochar để dải lót nền thì tình hình trên đã thay đổi hoàn toàn. Thậm chí, còn được hàng xóm khen: Chuồng trại nhà Châu giờ không còn thấy mùi hôi nữa!.

Sự chân thành của chị Châu – một phụ nữ người dân tộc Dao cùng những trải nghiệm thực tế của mình đối với Hệ thống nhiệt phân PPV 300 đã thực sự thu hút sự chú ý của các đại biểu tham dự đến từ các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu… cùng những người quan tâm.

Cũng theo chị Châu, với giá thành hiện nay của Hệ thống nhiệt phân có lẽ là cao đối với nhiều HTX. Tuy nhiên, nếu xem xét một cách thấu đáo thì công nghệ này không chỉ giúp người trồng trọt chủ động sấy nông sản vào mùa thu hoạch mà còn góp phần giảm thải khí CO2,  bảo vệ môi trường nên xứng đáng để đầu tư.

Một vài hình ảnh tại hộ

Thông tin về công nghệ nhiệt phân

Trong giai đoạn từ 2016 – 2019, công nghệ nhiệt phân (pyrolysis) đã được Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) chuyển giao thành công từ Thụy Sỹ về Việt Nam, có tiềm năng chuyển đổi chất thải nông nghiệp (vỏ trấu, vỏ cà phê) thành năng lượng nhiệt và than sinh học. Công nghệ này làm tăng giá trị chất thải hữu cơ và phế phẩm nông nghiệp, đồng thời mang lại cơ hội kinh tế cho người nông dân và người chế biến nông sản. Công nghệ lò đốt nhiệt phân cho phép cung cấp năng lượng sinh khối tại chỗ và kịp thời mà vẫn đáp ứng được những tiêu chuẩn khí thải khắt khe. Công ty TNHH MTV Vina Viết Hiền là đơn vị đã nhận được sự hỗ trợ và chế tạo thành công Hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ (PPV300) để thí điểm cho mô hình HTX tại Việt Nam.

Với sự tiếp tục tài trợ từ Cục Kinh tế Liên Bang Thụy Sỹ (SECO), trong giai đoạn 2020 – 2022, UNIDO ưu tiên tập trung vào việc nhân rộng mô hình công nghệ nhiệt phân giữa các nhóm áp dụng tiềm năng và thúc đẩy thương mại hóa công nghệ xanh này tại Việt Nam.

Nhằm nâng cao nhận thức của người thụ hưởng về công nghệ nhiệt phân, đồng thời chia sẻ kiến thức, kết nối thị trường nhằm thúc đẩy thương mại hóa công nghệ này tại Việt Nam, ngày 25/02/2022 tại thành phố Buôn Ma Thuột – tỉnh Đắk Lắk, UNIDO và liên danh thực hiện dự án bao gồm Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), Công ty tư vấn Sofies SA (Thụy Sỹ), Tổ chức Oekozentrum (Thụy Sỹ), Husk Ventures S.L (Tây Ban Nha) cùng Công ty TNHH Cơ khí Viết Hiền đã tổ chức hội thảo “Chuyển đổi chất thải nông nghiệp thành nguồn năng lượng sạch và than sinh học bằng công nghệ nhiệt phân. Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy mô hình kinh doanh hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ tại Việt Nam”, với 3 mục tiêu chính gồm:  (1) Nhận diện “công nghệ xanh” và nâng cao nhận thức về công nghệ nhiệt phân; (2) Nghiên cứu khả thi và xây dựng các mô hình kinh doanh; và (3) Thúc đẩy thị trường than sinh học.

VNCPC

KCN sinh thái hướng đến sự phát triển bền vững

Đó là nhận định của ông Lê Thành Quân – Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) tại Hội thảo tập huấn trực tuyến “Nâng cao năng lực Hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn và cộng sinh công nghiệp” cho các doanh nghiệp thuộc KCN Amata (Đồng Nai).

Hội thảo do Ban Quản lý Dự án KCN sinh thái tại Việt Nam (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) tổ chức vào ngày 13-14/1/2022.

VNCPC đơn vị đồng tổ chức Hội thảo tập huấn trực tuyến “Nâng cao năng lực Hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn và cộng sinh công nghiệp”

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu”, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện, với nguồn tài trợ từ Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO).

Dự án nhằm đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ các KCN chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái nhằm đem lại lợi ích môi trường, kinh tế cho doanh nghiệp thông qua hàng loạt các hoạt động đào tạo, tập huấn tăng cường năng lực thực hành về hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn (RECP) và cộng sinh công nghiệp.

Hướng tới mức phát thải ròng bằng “0”

Ông Lê Thành Quân – Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế – Giám đốc dự án.

Phát biểu tại lễ khai mạc hội thảo ông Lê Thành Quân – Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế – Giám đốc dự án cho biết: “Quá trình công nghiệp hóa với tốc độ nhanh tại Việt Nam đã và đang đặt ra nhiều thách thức về môi trường. Do đó, nước ta đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển, trong đó có KCN theo hướng bền vững hơn nhằm phù hợp với Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh, cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030 của Liên hợp quốc, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và mới đây nhất là cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị các bên (COP 26) tại Glasgow (Anh) về mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Chính vì vậy, hội thảo là sự kiện quan trọng được tổ chức nhằm phổ biến thông tin về mô hình KCN sinh thái không chỉ trong phạm vi các KCN tham gia thí điểm, mà còn lan tỏa trên khắp cả nước”.

Tại hội thảo, các chuyên gia UNIDO và Việt Nam đã chia sẻ nhiều kiến thức và kinh nghiệm để đánh giá KCN sinh thái theo khuôn khổ quốc tế, quản lý KCN sinh thái và các dịch vụ cho các doanh nghiệp trong KCN sinh thái; khái niệm, phương pháp và công cụ chính trong việc nhận diện và thực hiện các giải pháp RECP; khái niệm, phương pháp và công cụ chính liên quan đến phát hiện và thực hiện cộng sinh công nghiệp.

RECP không chỉ mang lại lợi ích về môi trường

Ông Đinh Mạnh Thắng – Chuyên gia cao cấp của VNCPC

Theo ông Đinh Mạnh Thắng – Chuyên gia cao cấp về RECP của VNCPC: Mọi nền công nghiệp, ở bất cứ quy mô và lĩnh vực nào đều có thể tăng cường hiệu quả sản xuất bằng những phương pháp có hệ thống. Tăng cường hiệu quả tài nguyên tại các doanh nghiệp mang lại những lợi ích đáng kể về kinh tế và xã hội, chứ không chỉ đơn thuần là những lợi ích về môi trường. Việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về sản xuất, tiêu thụ nguyên vật liệu, năng lượng, nước và các dạng chất thải tại doanh nghiệp một cách hệ thống, liên tục sẽ là căn cứ quan trọng, quyết định cho sự thành công khi thực hiện RECP. Đây là một chiến lược quan trọng giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh và tiến tới phát triển bền vững.

Về cộng sinh công, ông Dick van Beers – Chuyên gia về KCN sinh thái đến từ UNIDO đã mô tả cộng sinh công nghiệp là sự hợp tác giữa một số cơ sở khác nhau, thường là gần nhau về mặt địa lý, tức là các công ty và nhà máy nằm gần nhau trong các cụm hoặc các KCN trao đổi tài nguyên (ví dụ: vật liệu, năng lượng, nước và các phụ phẩm) có thể được sử dụng để thay thế cho các sản phẩm hoặc nguyên liệu thô, nếu không sẽ được nhập khẩu từ nơi khác hoặc được xử lý như chất thải.

Ông Ankit Kapasi – Chuyên gian về KCN sinh thái của Sofies

Chuyên gia về KCN sinh thái của Sofies – Ankit Kapasi cũng đã dẫn chứng những điển hình về cộng sinh công nghiệp trong một số KCN sinh thái trên thế giới. Cụ thể như, KCN Kalundborg (Đan Mạch) sau khi ứng dụng cộng sinh công nghiệp, đã giảm được sử dụng năng lượng, giảm phát thải khí CO2 lên đến khoảng 250.000 tấn/năm, giảm 30% lượng nước sử dụng và giảm thiểu cả các chất phát thải phải xử lý khác. Đặc biệt, KCN NISP (Anh), trong 7 năm, họ đã tiết kiệm được chi phí 1,3 tỷ bảng Anh, doanh số bán hàng bổ sung tăng 1,3 tỷ bảng Anh, đồng thời giảm tới 39 triệu tấn CO2.

Hội thảo cũng giúp các bên liên quan hiểu rõ hơn về khái niệm, phương pháp tiếp cận, triển khai cộng sinh công nghiệp thông qua những ví dụ điển hình rất cụ thể. Các chuyên gia cho rằng, đây là phương pháp tiếp cận tập hợp các công ty từ tất cả các lĩnh vực kinh doanh với mục đích nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên giữa các ngành thông qua hoạt động kinh doanh thương mại. Đó là những liên kết về: nguyên vật liệu; năng lượng, nước và các tài nguyên khác; chia sẻ nguồn lực vật tư; logistics, dịch vụ; và chuyên môn nhằm mục đích tối đa hóa việc bảo tồn tài nguyên và giảm phát thải thông qua quản lý bền vững chất thải và các sản phẩm phụ giữa các ngành/công ty. Nhờ vậy, sự cộng sinh này giúp hình thành các chuỗi cung ứng khả thi về mặt kinh tế, môi trường và xã hội.

VNCPC