Kiểm kê khí nhà kính: Lộ trình thực hiện

Kiểm kê khí thải nhà kính được xem là đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi và hiện thực hoá mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) của Việt Nam vào năm 2050. Theo đó, từ năm 2025, doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện kiểm kê khí thải nhà kính theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.

Kiểm kê khí nhà kính là gì?

Kiểm kê khí nhà kính là quá trình rà soát, tính toán các nguồn phát thải và hấp thụ khí nhà kính trong phạm vi ranh giới xác định theo hướng dẫn đã được ban hành của Uỷ ban liên Chính phủ năm 2006 và các hướng dẫn hiện hành mới nhất được công bố. Việc kiểm kê phát thải khí nhà kính chính là bước đi đầu tiên và tạo nền tảng để doanh nghiệp biết được vị trí trong bản đồ giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia, từ đó đưa ra những kế hoạch cắt giảm khí thải nhà kính hợp lý.

Doanh nghiệp nào phải kiểm kê khí nhà kính và lộ trình thực hiện?

Theo Luật Bảo vệ môi trường ban hành năm 2020, có hiệu lực từ 01/01/2022, quy định cơ sở phát thải khí nhà kính thuộc danh mục phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính có trách nhiệm sau đây:

  • Tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng và duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu phát thải khí nhà kính và gửi kết quả kiểm kê khí nhà kính định kỳ 02 năm một lần đến Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 01/12 của kỳ báo cáo để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
  • Xây dựng, thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hằng năm; thực hiện lồng ghép hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chương trình quản lý chất lượng, chương trình sản xuất sạch hơn, chương trình bảo vệ môi trường của cơ sở;
  • Hằng năm, lập báo cáo mức giảm phát thải khí nhà kính để thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của cơ sở theo hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan trước ngày 31/12 của kỳ báo cáo.

Còn theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn và Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, các đơn vị có mức phát thải khi nhà kính từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên, thuộc 6 lĩnh vực sau phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính: (i) năng lượng; (ii) giao thông vận tải; (iii) xây dựng; (iv) các quá trình công nghiệp; (v) nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất; và (vi) chất thải.

Cụ thể, 1.912 cơ sở phát thải theo danh sách chỉ định phải:

  • Cung cấp số liệu hoạt động, thông tin liên quan phục vụ kiểm kê khí nhà kính của cơ sở của năm trước kỳ báo cáo theo hướng dẫn của bộ quản lý lĩnh vực trước ngày 31/3 kể từ năm 2023;
  • Tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở định kỳ hai năm một lần cho năm 2024 trở đi và gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước ngày 31/3 kể từ năm 2025 để thẩm định;
  • Hoàn thiện báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, gửi bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 01/12 của kỳ báo cáo bắt đầu từ năm 2025.

Quy trình thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở thuộc ngành Công Thương

Theo Thông tư số 38/2023/TT-BCT của Bộ Công Thương có hiệu lực kể từ ngày 11/2/2024, quy trình kỹ thuật kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở thuộc ngành Công Thương được thực hiện theo 8 bước sau:

  1. Xác định phạm vi kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở
  2. Thu thập số liệu hoạt động kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở
  3. Lựa chọn hệ số phát thải khí nhà kính cấp cơ sở
  4. Xác định phương pháp kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở
  5. Thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở
  6. Đánh giá độ không chắc chắn kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở
  7. Tính toán lại kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở
  8. Xây dựng Báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

VNCPC

Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính: Doanh nghiệp có trách nhiệm gì?

Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực thi hành từ 01/01/2022 đã quy định vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Cụ thể, Điều 91 nêu rõ:

Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, cập nhật 02 năm một lần trên cơ sở tỷ trọng phát thải khí nhà kính trên tổng phát thải khí nhà kính quốc gia; điều kiện và tình hình phát triển kinh tế-xã hội; tiêu thụ nhiên liệu, năng lượng trên đơn vị sản phẩm, dịch vụ đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Hình minh họa.

Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

  • Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; ban hành hệ thống quốc gia kiểm kê khí nhà kính; hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính;
  • Định kỳ xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp quốc gia 02 năm một lần;
  • Hướng dẫn, tổ chức thực hiện thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính và kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đối với lĩnh vực, cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Bộ quản lý lĩnh vực thuộc đối tượng phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính có trách nhiệm sau đây:

  • Tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính và gửi kết quả kiểm kê khí nhà kính định kỳ 02 năm một lần đến Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31/01 của kỳ báo cáo tiếp theo để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
  • Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hằng năm trong lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải, các quá trình công nghiệp;
  • Hướng dẫn quy trình, quy định kỹ thuật về đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực;
  • Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hằng năm trong phạm vi quản lý đến Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15/01 của kỳ báo cáo tiếp theo để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
  • Hướng dẫn việc lựa chọn, áp dụng biện pháp công nghệ và quản lý để giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với quy mô và ngành, nghề thuộc lĩnh vực quản lý.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu phục vụ kiểm kê khí nhà kính cấp quốc gia, cấp ngành gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan; kiểm tra việc thực hiện hoạt động có liên quan đến giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong phạm vi quản lý.

Cơ sở phát thải khí nhà kính thuộc danh mục phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính có trách nhiệm sau:

  • Tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng và duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu phát thải khí nhà kính và gửi kết quả kiểm kê khí nhà kính định kỳ 02 năm một lần đến Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 01/12 của kỳ báo cáo để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
  • Xây dựng, thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hằng năm; thực hiện lồng ghép hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chương trình quản lý chất lượng, chương trình sản xuất sạch hơn, chương trình bảo vệ môi trường của cơ sở;
  • Hằng năm, lập báo cáo mức giảm phát thải khí nhà kính để thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của cơ sở theo hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan trước ngày 31/12 của kỳ báo cáo.

VNCPC

Đột phá về công nghệ – Pin thể rắn cho khả năng sạc đầy trong 10 phút

Các nhà nghiên cứu từ Trường Kỹ thuật và Khoa học Ứng dụng John A. Paulson (SEAS) của Harvard đã phát triển một loại pin thể rắn có thể sạc và xả ít nhất 6.000 lần và có thể được sạc lại trong khoảng thời gian ngắn.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Materials mô tả một phương pháp mới để chế tạo pin thể rắn với cực dương kim loại Lithium. Ông Xin Li, Phó Giáo sư Khoa học Vật liệu tại SEAS và là tác giả chính của bài báo, cho biết “Pin cực dương kim loại Lithium được coi là “chén thánh” của pin vì chúng có công suất gấp 10 lần cực dương than chì thương mại và có thể tăng đáng kể quãng đường lái xe của xe điện. Nghiên cứu của chúng tôi là một bước quan trọng hướng tới pin thể rắn thực tế hơn cho các ứng dụng công nghiệp và thương mại”.

Pin thể rắn có thể sẽ thay thế pin Lithium trong tương lai gần. Ảnh minh họa

Một trong những thách thức lớn nhất khi thiết kế pin thể rắn là sự hình thành các sợi nhánh trên bề mặt cực dương, gây nguy cơ chập hoặc cháy pin. Các sợi nhánh này xuất hiện khi ion Lithium di chuyển qua từ cực âm sang cực dương trong quá trình sạc, tạo ra một bề mặt không đồng đều và không đồng nhất, thuận lợi cho sự hình thành sợi nhánh bén rễ.

Trước đó, nghiên cứu đã thiết kế pin nhiều lớp để ngăn chặn sự xâm nhập của sợi nhánh, nhưng không ngăn chặn chúng hoàn toàn. Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất này đã đạt được thành công khi ngăn chặn sự hình thành sợi nhánh bằng cách sử dụng các hạt silicon có kích thước micron ở cực dương.

Trong thiết kế này, các hạt silicon giữ vai trò quan trọng trong việc hạn chế phản ứng kết dính và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình mạ đồng nhất một lớp kim loại Lithium dày. Ông Xin Li giải thích: “Trong thiết kế của chúng tôi, kim loại Lithium được bao quanh hạt silicon, giống như lớp vỏ sô cô la cứng bao quanh lõi hạt dẻ trong kẹo sô cô la”.

Đặc biệt, nhờ vào quá trình mạ và bóc vỏ nhanh chóng trên bề mặt bằng phẳng, pin có thể sạc lại chỉ trong khoảng 10 phút. Phiên bản pin dạng túi, kích thước bằng tem bưu chính, đã được chế tạo với công nghệ này, vượt trội với việc giữ lại 80% công suất sau 6.000 chu kỳ sạc, khiến chúng trở nên ưu việt so với các pin dạng túi hiện tại trên thị trường.

Nghiên cứu này là một bước quan trọng hướng tới việc phát triển pin thể rắn thực tế hơn, có ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp và thương mại, đồng thời mở đường cho sự tiến bộ trong lĩnh vực pin xe điện.

Duy Trinh (T/h)
https://vietq.vn/dot-pha-ve-cong-nghe—pin-the-ran-cho-kha-nang-sac-day-trong-10-phut-d218254.html

Vật liệu cách âm từ rơm có khả năng hạn chế cháy nổ, thấm nước

Nhóm nhà khoa học Việt Nam đã có một bước tiến lớn trong lĩnh vực vật liệu sau khi nghiên cứu thử nghiệm thành công tường cách âm từ rơm có khả năng hạn chế cháy nổ, thấm nước.

Cháy nổ trở thành một vấn đề lớn được sự quan tâm của xã hội. Xử lý vấn đề này sẽ giúp sản phẩm dễ được chấp thuận hơn trong xây dựng. Với độ ẩm cao của khí hậu nhiệt đới như ở Việt Nam, sản phẩm không bị nước thấm sẽ có tuổi thọ lâu hơn. Với nghiên cứu tách sợi xenlulose rỗng từ rơm, TS Vũ Việt Dũng (35 tuổi, quê Nam Định) cùng cộng sự tạo tấm tường cách âm đạt các tiêu chuẩn cho công trình xây dựng.

Theo TS Vũ Việt Dũng, trong nước có một số đơn vị làm tường cách âm bằng rơm nhưng, “các sản phẩm chủ yếu sử dụng chất phụ gia như xi măng, keo… làm chất kết dính, không hoàn toàn tự nhiên”. Sản phẩm của nhóm đã được kiểm định các chỉ số về độ cách âm, cách nhiệt và tiêu âm đạt tiêu chuẩn cho công trình xây dựng. Sản phẩm phù hợp cách âm ở tần số thấp (âm thanh trầm) như các quán bar, phòng ngủ, khách sạn… hoặc cách nhiệt trong mái nhà xưởng, vách…

Về vấn đề vật liệu chế tạo từ rơm nên có nhiều lo ngại về nguy cơ cháy nổ. TS Dũng lý giải, tường từ rơm vẫn có thể bắt lửa nhưng đặc tính chậm cháy lan vì cấu trúc liền khối khiến ngọn lửa âm ỉ bên trong, tốc độ cháy không bằng các vật liệu bằng mút xốp, nhựa…

Vật liệu cách âm từ rơm có khả năng hạn chế. (Ảnh chụp màn hình)

Từ khi sản phẩm ra mắt lần đầu tiên năm 2022, ông Dũng cho biết, nhận được nhiều đóng góp nhằm cải tiến sản phẩm. Ghi nhận các ý kiến này, ông đã nghiên cứu nâng cấp một số tính chất sản phẩm, bao gồm khả năng kháng ẩm và cháy nổ ở mức độ tiêu chuẩn. Theo thử nghiệm từ TS Vũ Việt Dũng, nước không còn ngấm vào tấm cách âm từ rơm. Khi tiếp xúc với ngọn lửa cao từ bình khò lửa, vật liệu không dễ cháy, không bị cháy lan ra sang bên khi ngọn lửa tắt.

Sau những cải tiến về mặt tính chất sản phẩm, một số mẫu sản phẩm mới từ rơm đã được hình thành với kích thước 600 x 600 mm. Các sản phẩm đều sử dụng lõi rơm ép chặt giảm độ rỗng có bổ sung các mặt cứng hai bên làm tăng khả năng cách âm và cách nhiệt. Với trọng lượng nhẹ, dễ di chuyển, cắt gọt và lắp đặt tới mọi công trình khi thi công.

Tận dụng đặc tính hút ẩm của sản phẩm với những sợi cenlulose rỗng bên trong, âm thanh sẽ đi vào trong, năng lượng âm thanh bị tổn thất và giữ lại trước khi đi ra ngoài. Với độ rỗng lớn, khả năng hấp thụ âm có thể lên tới 90%. Vật liệu tiêu âm phù hợp sử dụng rộng rãi trong các không gian có kích thước lớn như nhà hát, hội trường, sân khấu hay trong các phòng hòa nhạc. Một lợi ích khác là các sản phẩm tự nhiên, không hóa chất sẽ đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng hơn.


Thiết kế rỗng cho khả năng hấp thụ âm tốt. (Ảnh: NVCC)

Thử nghiệm cho thấy vật liệu này đạt hệ số cách âm (Transmission loss [dB]) 65 dB ở tần số thấp dưới 1.000 Hz. Đây là dải tần số thường gặp trong đời sống hàng ngày từ tiếng ồn quán karaoke, phương tiện giao thông, máy móc nhà xưởng hay các công trình xây dựng.

Theo ông Dũng, sản phẩm cách âm cách nhiệt từ sợi rơm đã bổ sung các đặc tính tốt về kháng nước, chống cháy lan, có thể là sự lựa chọn phù hợp để lắp đặt cho các công trình tiêu âm (hội trường, giảng đường…) và cách âm cho nhà ở, khách sạn…

Nghiên cứu về việc tách sợi xenlulose rỗng từ rơm của TS Vũ Việt Dũng và nhóm đã tạo ra một sản phẩm cách âm và cách nhiệt bền vững, không chỉ giải quyết vấn đề cháy nổ mà còn đáp ứng các yêu cầu cao cấp của công trình xây dựng hiện đại. Đây không chỉ là một đóng góp quan trọng cho lĩnh vực nghiên cứu mà còn là một lựa chọn tích cực cho ngành công nghiệp xây dựng và bảo vệ môi trường.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7839 : 2007 (ISO 11546 : 1995) về Âm học – Xác định hiệu quả cách âm của vỏ cách âm

TCVN 7839 : 2007 do Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn TCVN/ TC 43 ” Âm học” biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

– TCVN 7839 – 1 : 2007 (ISO 11546 – 2 :1995) Phần 1: Phép đo ở điều kiện phòng thí nghiệm (để công bố kết quả).

– TCVN 7839 – 2 : 2007 (ISO 11546 – 2 :1995) Phần 2: Phép đo tại hiện trường (cho mục đích công nhận và kiểm định).

Về phạm vi áp dụng: Tiêu chuẩn này được áp dụng không hạn chế với vỏ cách âm đứng cách biệt có thể tích nhỏ hơn 2m3. Trong trường hợp sử dụng nguồn âm thực để xác định hiệu quả cách âm của vỏ cách âm có thể tích vượt quá 2m3 thì các yêu cầu liên quan đến thể tích tối đa cho phép phải đáp ứng đầy đủ trong tiêu chuẩn được sử dụng. Phương pháp nguồn âm thực của thiết bị có thể áp dụng cho bất kỳ loại vỏ cách âm nào, ví dụ như vỏ cách âm gắn cố định vào máy.

Khi sử dụng phương pháp hoán vị hoặc phương pháp nguồn âm nhân tạo, thể tích tối đa của vỏ cách âm là 2 m3. Phương pháp này không áp dụng cho loại vỏ cách âm vừa sát.

Duy Trinh (t/h)
https://vietq.vn/vat-lieu-cach-am-tu-rom-co-kha-nang-han-che-chay-no-tham-nuoc-d218136.html

Phát triển pin nhiên liệu vi sinh lấy năng lượng hoàn toàn bằng đất

Một nhóm nghiên cứu của Đại học Northwestern đã chứng minh phương pháp mới đáng chú ý để tạo ra điện, với thiết bị có kích thước bằng bìa mềm đặt trong đất và thu năng lượng được tạo ra khi vi khuẩn phân hủy chất bẩn.

Pin nhiên liệu vi sinh đã tồn tại hơn 100 năm. Chúng hoạt động hơi giống một cục pin, với cực dương, cực âm và chất điện phân – nhưng thay vì lấy điện từ các nguồn hóa học, chúng hoạt động với vi khuẩn cung cấp điện một cách tự nhiên cho các dây dẫn gần đó khi chúng ăn vào đất.

Vấn đề cho đến nay là cung cấp nước và oxy cho chúng trong khi bị chôn vùi trong đất. Cựu sinh viên UNW và trưởng dự án Bill Yen cho biết: “Mặc dù pin nhiên liệu vi sinh vật đã tồn tại như một khái niệm trong hơn một thế kỷ, nhưng hiệu suất không đáng tin cậy và công suất đầu ra thấp đã cản trở nỗ lực sử dụng chúng trong thực tế, đặc biệt là trong điều kiện độ ẩm thấp”.

Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã bắt đầu tạo ra một số thiết kế mới nhằm cung cấp cho các tế bào khả năng tiếp cận liên tục với oxy, nước và đã thành công với thiết kế có hình dạng giống như một hộp mực đặt thẳng đứng trên một đĩa nằm ngang. Cực dương bằng nỉ carbon hình đĩa nằm ngang ở đáy thiết bị, chôn sâu trong đất nơi nó có thể thu giữ các electron khi vi khuẩn tiêu hóa chất bẩn.


Pin nhiên liệu vi sinh vật được chôn trong đất và tạo ra năng lượng.

Trong khi đó, cực âm kim loại dẫn điện nằm thẳng đứng trên đỉnh cực dương. Do đó, phần dưới cùng nằm đủ sâu để có thể tiếp cận hơi ẩm từ lớp đất sâu, trong khi phần trên nằm ngang với bề mặt. Một khe hở không khí trong lành chạy dọc theo chiều dài điện cực, một nắp bảo vệ phía trên ngăn bụi bẩn, mảnh vụn rơi vào và cắt đứt khả năng tiếp cận oxy của cực âm. Một phần của cực âm cũng được phủ lớp vật liệu chống thấm để khi bị ngập nước, vẫn còn một phần kỵ nước của cực âm tiếp xúc với oxy để duy trì hoạt động của pin nhiên liệu.

Trong thử nghiệm, thiết kế này hoạt động ổn định ở các mức độ ẩm khác nhau của đất, từ hoàn toàn ở dưới nước đến “hơi khô” với chỉ 41% nước theo thể tích trong đất. Trung bình nó tạo ra lượng điện năng gấp 68 lần mức cần thiết để vận hành các hệ thống phát hiện cảm ứng và độ ẩm trên tàu, đồng thời truyền dữ liệu qua một ăng-ten nhỏ đến trạm gốc gần đó.

Theo trưởng dự án Bill Yen: “Với hàng nghìn tỷ loại pin như hiện nay, chúng ta không thể chế tạo từng thiết bị bằng lithium, kim loại nặng và chất độc nguy hiểm cho môi trường. Chúng ta cần tìm giải pháp thay thế cung cấp lượng năng lượng thấp cho mạng lưới thiết bị phi tập trung. Để tìm kiếm giải pháp, chúng tôi đã xem xét các pin nhiên liệu vi sinh vật trong đất, sử dụng vi khuẩn đặc biệt để phân hủy đất và sử dụng lượng năng lượng thấp đó để cung cấp năng lượng cho các cảm biến. Miễn là có carbon hữu cơ trong đất để vi khuẩn phân hủy, pin nhiên liệu có thể tồn tại mãi mãi”.

Do đó, cảm biến như thế này có thể rất hữu ích cho những người nông dân muốn theo dõi các yếu tố khác nhau của đất như độ ẩm, chất dinh dưỡng, chất gây ô nhiễm,… và áp dụng phương pháp tiếp cận nông nghiệp chính xác dựa trên công nghệ.

Theo nhóm nghiên cứu, có lẽ phần thú vị nhất ở đây là tất cả thành phần của thiết kế đều có thể được mua sẵn tại một cửa hàng đồ kim khí. Vì vậy, không có vấn đề gì về chuỗi cung ứng hoặc nguyên liệu giữa nghiên cứu này và thương mại hóa rộng rãi.

Hà My
https://vietq.vn/phat-trien-pin-nhien-lieu-vi-sinh-lay-nang-luong-hoan-toan-bang-dat-s18-d218137.html

Kiểm kê khí nhà kính: Cơ hội hay thách thức đối với doanh nghiệp?

Khi thực hiện kiểm kê khí nhà kính doanh nghiệp không chỉ tuân thủ theo các quy định của pháp luật mà việc làm này còn mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp.

Tại hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra ở Vương quốc Anh năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net zero) vào năm 2050.

Các quy định liên quan đến phát thải khí nhà kính

Ngoài Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, để thực hiện cam kết tại COP26, vào tháng 01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, bao gồm cả việc tổ chức và phát triển thị trường các-bon; Quyết định 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính…

Các quy định trên đã tạo nền tảng quan trọng cho kế hoạch thực thi Net zero của Việt Nam, bao gồm quy định các lĩnh vực, cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính, mục tiêu, lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Thêm nữa, Chính phủ cũng sẽ tổ chức và phát triển thị trường các-bon trong nước, qua đó các doanh nghiệp có thể trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon để đạt được hạn ngạch phát thải của mình.

Trước đó, ngày 16/11/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 96/2020/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, trong đó có yêu cầu về lập Báo cáo tác động liên quan đến môi trường và xã hội của công ty, bao gồm tổng mức phát thải khí nhà kính (gián tiếp và trực tiếp) cùng các sáng kiến, biện pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Đây được xem là một bước tiến rất quan trọng trong việc luật hóa yêu cầu công bố Báo cáo môi trường, xã hội và quản trị, sau một thời gian dài doanh nghiệp báo cáo theo hình thức tự nguyện.

Như vậy, ngoài yêu cầu từ cơ quan quản lý Nhà nước, việc giảm phát thải trong quá trình hoạt động với các doanh nghiệp còn là đòi hỏi từ chính thị trường, người tiêu dùng, đối tác và cổ đông.

Cơ hội cho doanh nghiệp khi thực hiện kiểm kê khí nhà kính

Trên thực tế, thực hiện kiểm kê khí nhà kính còn mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi ích cụ thể như:

  • Kiểm kê khí nhà kính giúp doanh nghiệp hiểu rõ hoạt động kinh doanh của chính mình qua việc khảo sát, lựa chọn và tập hợp thông tin một cách có hệ thống;
  • Khi doanh nghiệp đánh giá các rủi ro liên quan đến tác động tiêu cực của khí nhà kính sẽ làm lộ diện các “điểm nóng” trong chuỗi giá trị của mình. Từ đó, giúp doanh nghiệp lựa chọn ưu tiên trong nỗ lực giảm phát thải một cách phù hợp với nguồn lực nội bộ;
  • Việc có một cơ sở dữ liệu phát thải khí nhà kính chính xác cũng sẽ làm tăng độ tin cậy của các bên liên quan và là tín hiệu cho thấy việc sử dụng tài nguyên và năng lượng của doanh nghiệp có hiệu quả;
  • Với cơ sở dữ liệu minh bạch sẽ giúp doanh nghiệp có được chứng nhận khí nhà kính là điều kiện cần thiết để đăng ký nhãn sinh thái, giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu;
  • Trường hợp doanh nghiệp đầu tư giảm phát thải hiệu quả, việc trao đổi tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon còn mang lại một nguồn thu nhập đáng kể.

Những thách thức đối với doanh nghiệp

Theo TS Nguyễn Phương Nam – Chuyên gia tư vấn của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu khi trả lời báo chí: “Thực tế, Việt Nam đã làm kiểm kê phát thải khí nhà kính cấp quốc gia từ 20 năm nay, nên năng lực kiểm kê của Việt Nam cơ bản khá tốt so với các nước đang phát triển trên bình diện quốc tế. Tuy nhiên ở cấp độ doanh nghiệp, vấn đề này còn tương đối mới”.

Ngoại trừ một số ít doanh nghiệp đã tiên phong trong kiểm kê khí nhà kính, còn đa phần các doanh nghiệp đều đang đối mặt với các thách thức như:

  • Chưa có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chức năng về kiểm kê khí nhà kính cho tất cả các ngành nghề sản xuất kinh doanh, dịch vụ;
  • Thiếu nhân lực chuyên môn có thể nắm được các quy định, yêu cầu kỹ thuật về kiểm kê khí nhà kính để thiết lập và vận hành hệ thống quản trị khí nhà kính.

Ngoài ra, sự chính xác của kiểm kê khí nhà kính phụ thuộc rất nhiều vào mức độ phức tạp của chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, mức độ minh bạch và trình độ quản trị của doanh nghiệp.

Như vậy, bên cạnh những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính, những lợi ích, cơ hội mà doanh nghiệp thực hiện có được là không nhỏ. Vì vậy các doanh nghiệp cần sớm có kế hoạch để triển khai kiểm kê khí nhà kính để đáp ứng với các yêu cầu cũng như nâng cao vị thế của mình trên thị trường.

VNCPC