Ủy ban châu Âu đạt được thỏa thuận về kiểm soát xuất khẩu chất thải

Ủy ban châu Âu (EC) đã đạt được thỏa thuận chính trị về kiểm soát các chuyến hàng hóa có chứa chất thải. Các quy định trong thỏa thuận trên cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái sử dụng chất thải làm nguồn tài nguyên, giảm ô nhiễm và thúc đảy sự phát triển nền kinh tế tuần hoàn.

Việc xuất khẩu chất thải nhựa từ Liên minh châu Âu (EU) sang các nước không thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD ) sẽ bị cấm. Từng quốc gia cần đảm bảo các điều kiện môi trường nghiêm ngặt trong vòng 5 năm kể từ khi các quy định mới trong thỏa thuận có hiệu lực sẽ được nhập khẩu rác thải từ EU để xử lý. Đồng thời, việc vận chuyển chất thải tái chế trong EU sẽ dễ dàng hơn nhờ các quy trình số hóa hiện đại và Liên minh châu Âu sẽ hợp tác mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống tội phạm buôn bán chất thải.

Thỏa thuận kiểm soát xuất khẩu chất thải có thể giải quyết lượng rác thải nhựa không ngừng tăng cao vànhững thách thức trong việc quản lý. Với biện pháp này, các nhà lập pháp tại Liên minh châu Âu hi vọng có thể ngăn chặn hiệu quả tình trạng suy thoái và ô nhiễm môi trường ở các nước thứ ba do rác thải nhựa tạo ra ở EU.

Khai thác tiềm năng của thị trường rác thải tại EU để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn

Việc lưu thông chất thải để tái chế và tái sử dụng giữa các quốc gia thành viên là chìa khóa cho quá trình chuyển đổi của EU sang nền kinh tế tuần hoàn và đảm bảo an ninh cung cấp nguyên liệu thô.

EU sẽ sớm hiện đại hóa các thủ tục hiện hành để nhanh chóng ứng dụng vào việc vận chuyển chất thải. Thủ tục theo dõi nhanh đối với một số điều kiện do các quốc gia thành viên chỉ định cũng sẽ được thực thi dễ dàng và hiệu quả hơn. Từ đó, các chất thải tái nhập khẩu vào nền kinh tế tuần hoàn trên toàn EU sẽ thuận lợi hơn mà không làm giảm mức độ kiểm soát cần thiết đối với các lô hàng đó.

Ủy ban châu Âu (EC) đã đạt được thỏa thuận chính trị về kiểm soát các chuyến hàng hóa có chứa chất thải. Ảnh minh họa

Xử lý nạn buôn bán rác thải

Buôn bán chất thải là một trong những tội phạm môi trường nghiêm trọng nhất hiện nay, gây hại nghiêm trọng đối với môi trường. Hơn nữa, nhiều chuyên gia đã tìm ra mối liên hệ rõ ràng giữa buôn bán chất thải và tội phạm có tổ chức. Có tới 1/3 số lượng vận chuyển chất thải được cho là bất hợp pháp, tạo ra lợi nhuận bất hợp pháp đáng kể hàng năm.

Để tăng cường phản ứng của EU đối với nạn buôn bán rác thải, sẽ có sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa các quốc gia thành viên EU. Từ đó, đề ra nhiều biện pháp trừng phạt răn đe phù hợp đối với tội phạm liên quan đến buôn bán rác thải bất hợp pháp. Ủy ban châu Âu có thể hành động thực tế để hỗ trợ điều tra của các quốc gia thành viên về tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến buôn bán chất thải, với sự tham gia trực tiếp của Văn phòng Chống Lừa đảo Liên minh Châu Âu (OLAF).

Những bước tiếp theo

Nghị viện và Hội đồng Châu Âu giờ đây sẽ phải chính thức áp dụng quy định phù hợp với thỏa thuận chính trị đã đạt được. Sau khi được thông qua chính thức, quy định này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 20 kể từ khi được công bố chính thức.

Ủy ban châu Âu đã chuẩn bị cho việc triển khai nhanh chóng các quy trình kỹ thuật số đúng thời hạn. Sau đó, EU sẽ tiếp cận thông qua các diễn đàn đa phương cũng như song phương để cung cấp và hỗ trợ cho các quốc gia đối tác đang nỗ lực đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu mới. Điều này cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các hoạt động quản lý chất thải tốt hơn và áp dụng các mô hình tuần hoàn hiệu quả trong nền kinh tế các nước đối tác của EU.

Những quy định mới có trong thỏa thuận kiểm soát chất thải trở thành cam kết chính của Thỏa thuận Xanh Châu Âu. Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn mới và Kế hoạch hành động không gây ô nhiễm cũng như Chiến lược mới của EU nhằm giải quyết tội phạm có tổ chức giai đoạn 2021-2025.

Chất thải có thể là một nguồn tài nguyên có giá trị nhưng nó phải được sử dụng cẩn thận. Khi chất thải được vận chuyển xuyên biên giới không được kiểm soát đúng cách và quản lý bền vững ở các quốc gia nhập khẩu, nó có thể gây hại cho sức khỏe con người và môi trường. Mặt khác, các chất thải này nếu được xử lý đúng cách có thể mang lại nhiều giá trị kinh tế tích cực và nhiều lợi ích đối với môi trường. Đây là trường hợp chất thải được tái chế và sử dụng làm vật liệu thứ cấp thay thế vật liệu thô và góp phần tạo ra nền kinh tế tuần hoàn hơn.

Thương mại quốc tế về chất thải đang không ngừng gia tăng và EU đóng một vai trò quan trọng trong đó. Quy định về vận chuyển chất thải hiện có hiệu lực từ năm 2006. Kể từ khi được thông qua, việc xuất khẩu chất thải từ EU sang các nước thứ ba đã tăng lên đáng kể, đặc biệt là sang các nước không phải là thành viên của OECD. Việc thiếu các điều khoản chi tiết để đảm bảo chất thải được quản lý bền vững ở các quốc gia tiếp nhận rác thải đã dẫn đến những thách thức về thực thi yếu kém cũng như môi trường và sức khỏe cộng đồng ở các quốc gia đó.

Khánh Mai (Theo: European Commission)
https://vietq.vn/uy-ban-chau-au-dat-duoc-thoa-thuan-ve-kiem-soat-xuat-khau-chat-thai-d217941.html

Quy định tái chế nhiều sản phẩm bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2024

Theo Luật Bảo vệ Môi trường 2020, các nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm tái chế săm lốp, pin ắc quy, dầu nhớt, các sản phẩm có bao bì bắt đầu từ ngày 1/1/2024.

Cùng với xu thế tất yếu của thế giới, Việt Nam đang từng bước phát triển kinh tế tuần hoàn, hướng tới sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, tái chế chất thải.

Một trong những “giải pháp xanh” cho nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững chính là tái chế chất thải hiệu quả. Định hình được nhân tố này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hàng loạt các văn bản nhằm tăng cường quản lý chất thải, tái sử dụng, tái chế, trong đó, phải kể đến Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

Đặc biệt, với mục tiêu hoàn thiện chế định quản lý chất thải rắn theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đưa ra quy định Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility – EPR) với hai trách nhiệm là trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải và trách nhiệm tái chế bao bì, sản phẩm của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Cụ thể, nhà sản xuất, nhập khẩu sẽ có thêm 2 trách nhiệm: tái chế sản phẩm, bao bì và thu gom, xử lý chất thải. Trong đó, doanh nghiệp sẽ thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì theo lộ trình: một số sản phẩm, bao bì sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2024; một số sản phẩm thực hiện từ đầu năm 2025 và từ đầu năm 2027. Nhà sản xuất, nhập khẩu có quyền lựa chọn một trong hai phương án: hoặc tổ chức tái chế, hoặc đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế.

Với trách nhiệm thu gom, tái chế chất thải, doanh nghiệp phải thực hiện ngay từ ngày 1/1/2022 – thời điểm Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực. Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu phải đóng góp tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động thu gom, xử lý chất thải. Đây là khoản đóng góp bắt buộc đối với nhà sản xuất, nhập khẩu.


Theo Luật Bảo vệ Môi trường các nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm tái chế săm lốp, pin ắc quy, dầu nhớt, các sản phẩm có bao bì bắt đầu từ ngày 1/1/2024. Ảnh minh họa

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Phan Tuấn Hùng cho hay, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì theo tỷ lệ tái chế bắt buộc trên tổng khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất được doanh nghiệp đưa ra thị trường hoặc nhập khẩu.

Tỷ lệ tái chế bắt buộc cho 3 năm đầu tiên đối với săm lốp là 5%; các loại pin sử dụng cho phương tiện giao thông (như Li, NiMH) và pin sử dụng cho các thiết bị điện-điện tử là 8%; tỷ lệ tái chế bắt buộc đối với ắcquy từ 8-12%, tùy từng loại (trong đó ắcquy chì 12%, ắcquy các loại khác 8%).

Tỷ lệ tái chế bắt buộc đối với bao bì là từ 10-22%, tùy từng loại (như giấy carton là 20%, bao bì giấy hỗn hợp 15%, bao bì nhôm 22%, bao bì nhựa PET là 22%, bao bì sắt và kim loại khác 20%); chai, lọ, hộp thủy tinh 15%…

Theo quy định, đối tượng thực hiện trách nhiệm tái chế bao bì là các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm: Thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, ximăng, chất tẩy rửa và chế phẩm dùng trong gia dụng, nông nghiệp, y tế. “Riêng các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu có tổng doanh thu từ bán hàng, cung cấp dịch vụ của năm trước dưới 30 tỷ đồng hoặc có tổng giá trị nhập khẩu (tính theo trị giá hải quan) của năm trước dưới 20 tỷ đồng thì không phải thực hiện trách nhiệm tái chế bao bì,” ông Hùng thông tin.

Về quy cách tái chế bắt buộc, ông Hùng cho hay theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu có thể lựa chọn nhiều giải pháp tái chế.

Đơn cử như đối với săm lốp, doanh nghiệp có thể áp dụng các giải pháp tái chế như làm lốp dán công nghệ cao hoặc cắt, thu hồi bột cao su làm cốt liệu hoặc chưng phân đoạn thành dầu. Đối với pin sạc, doanh nghiệp có thể áp dụng giải pháp tái chế như sản xuất kim loại dạng phôi hoặc hóa chất công nghiệp; sản xuất hạt nhựa tái sinh hoặc các sản phẩm phụ từ nhựa như hóa chất thương phẩm, dầu nặng, khí tổng hợp làm nguyên, nhiên liệu sản xuất cho các ngành công nghiệp…

Đối với dầu nhớt, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu có thể áp dụng các giải pháp tái chế như chưng thu hồi dầu gốc hay loại dầu khác, hoặc chưng thu hồi dầu các phân đoạn. Với bao bì, doanh nghiệp có thể áp dụng các giải pháp tái chế khác nhau tùy thuộc loại bao bì (như bao bì giấy, giấy carton có pháp tái chế là sản xuất bột giấy thương phẩm hoặc các sản phẩm giấy như giấy vệ sinh, giấy bìa, hộp giấy).

Với bao bì nhôm, các doanh nghiệp có thể áp dụng giải pháp tái chế là sản xuất phôi nhôm hoặc sản xuất các sản phẩm khác; bao bì nhựa có thể tái chế sản xuất hạt nhựa tái sinh, sản xuất sản phẩm khác như dầu, xơ sợi…

Theo nhiều chuyên gia, EPR là chính sách đột phá trong quản lý chất thải, đưa ra giải pháp hiệu quả về tài chính cho xử lý vấn đề chất thải, đồng thời, EPR thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp tái chế.

Khánh Mai (t/h)
https://vietq.vn/thuc-hien-chinh-sach-tai-che-doi-voi–cac-nha-san-xuat-va-nhap-khau-trong-nam-2024-d217868.html

QCVN về quy trình thiết lập bộ dữ liệu lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 25/2023/TT-BTNMT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy trình thiết lập bộ dữ liệu lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính sử dụng dữ liệu viễn thám quang học. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy trình thiết lập bộ dữ liệu lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính sử dụng dữ liệu viễn thám quang học (QCVN 78:2023/BTNMT) do Cục Viễn thám quốc gia biên soạn, Vụ Khoa học và Công nghệ trình duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này quy định về quy trình thiết lập bộ dữ liệu lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính sử dụng dữ liệu viễn thám quang học; Quy chuẩn kỹ thuật này áp dụng đối với các cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thiết lập và áp dụng bộ dữ liệu lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính sử dụng dữ liệu viễn thám quang học.

Về quy định quản lý, chứng nhận hợp quy sản phẩm theo Phương thức 1 “Thử nghiệm mẫu điển hình” quy định tại Phụ lục II Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.


Ảnh minh họa.

Quy định về công bố hợp quy, sản phẩm bộ dữ liệu lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính sử dụng dữ liệu viễn thám quang học phải được công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận được chỉ định. Kết quả đo kiểm/thử nghiệm phục vụ công bố hợp quy phải thực hiện tại tổ chức chứng nhận được chỉ định theo quy định của pháp luật.

Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi thiết lập bộ dữ liệu lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính sử dụng dữ liệu viễn thám quang học có trách nhiệm công bố hợp quy đối với sản phẩm phù hợp với quy định nêu tại Điều 16 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.

Việc công bố hợp quy thực hiện theo các văn bản sau: Thông tư số 06/2020/TT-BKHCN ngày 10 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008, Nghị định số 74/2018/NĐ- CP ngày 15 tháng 5 năm 2018, Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2018 và Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ; Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

An Hạ

https://vietq.vn/qcvn-ve-quy-trinh-thiet-lap-bo-du-lieu-lop-phu-mat-dat-phuc-vu-tinh-toan-phat-thai-khi-nha-kinh-su-dung-du-lieu-vien-tham-quang-hoc-d217880.html

Quy trình 8 bước thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở lĩnh vực quản lý chất thải

Theo Thông tư số 17/2022/BTNMT có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy trình thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở trong lĩnh vực quản lý chất thải được thực hiện qua 08 bước cơ bản như sau:

1. Xác định ranh giới hoạt động và phương pháp kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

Xác định ranh giới hoạt động của cơ sở được thực hiện theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14064-1:2011, Phần 1: Quy định kỹ thuật và hướng dẫn để định lượng và báo cáo các phát thải và loại bỏ khí nhà kính ở cấp độ tổ chức, bao gồm:
a) Xác định các hoạt động phát thải khí nhà kính;
b) Phân loại các nguồn phát thải khí nhà kính thành nguồn phát thải trực tiếp và nguồn phát thải gián tiếp.

Phương pháp kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở được thực hiện theo quy định tại Phụ lục II.1 Thông tư này.

2. Lựa chọn hệ số phát thải khí nhà kính cấp cơ sở

Hệ số phát thải được sử dụng để kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở được áp dụng theo danh mục hệ số phát thải do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố.

3. Lựa chọn và thu thập số liệu hoạt động kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

Số liệu hoạt động cho từng nguồn phát thải khí nhà kính cấp cơ sở được lựa chọn và thu thập theo quy định tại Phụ lục II.2 Thông tư này.

4. Tính toán phát thải khí nhà kính cấp cơ sở

Việc tính toán phát thải khí nhà kính cấp cơ sở được căn cứ vào các phương pháp kiểm kê khí nhà kính đã lựa chọn theo quy định tại Điều 16 Thông tư này. Kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở được tính toán dựa vào các biểu mẫu bao gồm các bảng tính về số liệu đầu vào, số liệu hoạt động, hệ số phát thải, lượng phát thải, hệ số làm nóng lên toàn cầu cho tất cả các hoạt động phát thải khí nhà kính của cơ sở.

5. Kiểm soát chất lượng kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

Quy trình kiểm soát chất lượng kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở được thực hiện theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14064-1:2011, Phần 1: Quy định kỹ thuật và hướng dẫn để định lượng và báo cáo các phát thải và loại bỏ khí nhà kính ở cấp độ cơ sở, bao gồm các bước sau:

1. Xác định và kiểm tra về trách nhiệm, quyền hạn của những người có trách nhiệm triển khai kiểm kê khí nhà kính.
2. Xác định, áp dụng và kiểm tra việc đào tạo tương ứng cho các thành viên thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
3. Xác định và kiểm tra các ranh giới hoạt động của cơ sở.
4. Xác định và kiểm tra các nguồn phát thải khí nhà kính.
5. Lựa chọn và kiểm tra các phương pháp luận định lượng, gồm cả các số liệu hoạt động khí nhà kính và các hệ số phát thải khí nhà kính.
6. Kiểm tra việc áp dụng các phương pháp kiểm kê khí nhà kính để đảm bảo sự nhất quán trong nhiều cơ sở.
7. Sử dụng, bảo dưỡng và kiểm định thiết bị đo.
8. Xây dựng và bảo trì hệ thống thu thập số liệu.
9. Định kỳ kiểm tra độ chính xác của các phương tiện đo.
10. Đánh giá nội bộ và tiến hành kiểm tra kỹ thuật định kỳ.

6. Đánh giá độ không chắc chắn của kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

Việc đánh giá độ không chắc chắn của kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở được thực hiện theo quy định tại Phụ lục II.3 Thông tư này.

7. Tính toán lại kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

1. Việc tính toán lại kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở được thực hiện trong các trường hợp sau:
a) Có thay đổi về ranh giới hoạt động dẫn tới thay đổi về nguồn phát thải và số liệu hoạt động của cơ sở;
b) Có thay đổi về nguồn phát thải khí nhà kính do thay đổi quyền sở hữu, vận hành cơ sở;
c) Có sai sót trong sử dụng phương pháp tính toán lượng phát thải khí nhà kính và áp dụng hệ số phát thải;
d) Phát hiện sai sót trong thu thập, xử lý số liệu hoạt động của cơ sở dẫn tới kết quả tính toán lượng phát thải khí nhà kính thay đổi trên 10% so với kết quả do cơ sở đã báo cáo.
2. Nội dung tính toán lại kết quả kiểm kê khí nhà kính được trình bày trong báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở của kỳ báo cáo tiếp theo.

8. Xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

1. Báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở được xây dựng theo Mẫu 06, Phụ lục II Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, gửi cơ quan thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định theo quy định.
2. Kết quả kiểm kê khí nhà kính của cấp cơ sở sau khi thẩm định được gửi cho Bộ Tài nguyên và Môi trường qua hệ thống cơ sở dữ liệu trực tuyến về kiểm kê khí nhà kính.

Quý doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu kiểm kê khí nhà kính vui lòng tham khảo tại đây.

VNCPC

Các nguyên tắc thực hiện kiểm kê khí nhà kính ngành Công Thương

Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 38/2023/TT-BCT quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, kiểm kê khí nhà kính ngành Công Thương.

Thông tư này có hiệu lực từ 11/02/2024.

Cụ thể, việc kiểm kê khí nhà kính, đo đạc, báo cáo giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

Tính đầy đủ: Việc kiểm kê khí nhà kính, đo đạc, báo cáo giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phải thực hiện đối với tất cả các nguồn phát thải khí nhà kính, các nguồn hấp thụ khí nhà kính. Số liệu được thu thập liên tục, không bị gián đoạn;

Tính nhất quán: Việc kiểm kê khí nhà kính, đo đạc, báo cáo giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đảm bảo thống nhất về phương án giám sát, số liệu tính toán, phương pháp kiểm kê khí nhà kính, phương pháp tính toán kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính;

Tính minh bạch: Các tài liệu, dữ liệu, giả định, số liệu hoạt động, hệ số áp dụng, phương pháp tính toán được giải thích rõ ràng, trích dẫn nguồn, được lưu giữ để đảm bảo độ tin cậy, tính chính xác cao;

Tính chính xác: Tính toán kiểm kê khí nhà kính, đo đạc, báo cáo giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đảm bảo độ tin cậy theo phương pháp luận lựa chọn và giảm tối đa các sai lệch;

Tính so sánh được: Kết quả kiểm kê khí nhà kính, đo đạc, báo cáo giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của một cơ sở, lĩnh vực đảm bảo các điều kiện về số liệu, phương pháp luận có tính tương đồng để có thể so sánh được.

Thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cần tuân thủ các nguyên tắc:

Tính độc lập: Duy trì tính độc lập với các bên liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, khách quan trong quá trình đánh giá;

Tính công bằng: Đảm bảo sự trung thực, chính xác, khách quan và không thiên lệch.

Quy trình kỹ thuật kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực

Quy trình kỹ thuật kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực bao gồm:

  1. Xác định phạm vi kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực.
  2. Thu thập số liệu hoạt động phục vụ kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực.
  3. Lựa chọn hệ số phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực.
  4. Xác định phương pháp kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực.
  5. Thực hiện kiểm soát chất lượng và đảm bảo chất lượng kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực.
  6. Đánh giá độ không chắc chắn kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực.
  7. Tính toán lại kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực.
  8. Xây dựng Báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực.

Phạm vi kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực

Theo Thông tư trên, kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực năng lượng, các quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm thuộc ngành Công Thương bao gồm:

Kiểm kê khí nhà kính cho lĩnh vực năng lượng:

 Phát thải khí nhà kính từ các hoạt động đốt nhiên liệu trong quá trình sản xuất điện và tiêu thụ năng lượng trong các ngành công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương;

Phát thải khí nhà kính từ các hoạt động phát tán từ khai thác khoáng sản.

Kiểm kê khí nhà kính cho lĩnh vực các quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm:

Phát thải khí nhà kính trong các quá trình hóa học, vật lý không tiêu thụ năng lượng thuộc các ngành công nghiệp hóa chất, luyện kim;

Phát thải khí nhà kính là các dung môi chất lạnh từ thiết bị và quá trình sản xuất, kinh doanh dung môi chất lạnh.

VNCPC

Đơn vị nào phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính?

Các đơn vị có mức phát thải khi nhà kính từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên hoặc thuộc một trong các trường hơp sau phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Nhà máy nhiệt điện theo quy định phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, các đơn vị đó là:

  • Nhà máy nhiệt điện và cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng phát thải khí nhà kính hằng năm từ 1.000 tấn dầu tường đương TOE trở lên;
  • Công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng lượng tiêu thụ nhiên liệu hàng năm từ 1.000 TOE trở lên;
  • Đối với tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên;
  • Các cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên.

Ngoài ra, doanh nghiệp thuộc 06 lĩnh vực dưới đây sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, bao gồm:

1. Năng lượng: Công nghiệp sản xuất năng lượng, tiêu thụ năng lượng trong công nghiệp, thương mại, dịch vụ và dân dụng; khai thác than, dầu, khí tự nhiên
2. Giao thông vận tải: Tiêu thụ năng lượng trong giao thông vận tải
3. Xây dựng: Tiêu thụ năng lượng trong ngành xây dựng; các quá trình công nghiệp trong sản xuất vật liệu xây dựng
4. Các quá trình công nghiệp: Sản xuất hóa chất; luyện kim; công nghiệp điện tử; sử dụng sản phẩm thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ô-zôn; sản xuất và sử dụng các sản phẩm công nghiệp khác
5. Nông nghiệp, lâm nghiệp, sử dụng đất: Chăn nuôi; lâm nghiệp và thay đổi sử dụng đất; trồng trọt; tiêu thụ năng lượng trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; các nguồn phát thải khác trong nông nghiệp.
6. Chất thải: Bãi chôn lấp chất thải rắn; xử lý chất thải rắn bằng phương pháp sinh học; thiêu đốt và đốt lộ thiên chất thải; xử lý và xả thải nước thải.

Lộ trình thực hiện kiểm kê khí nhà kính

Dựa trên thực tế và luật đã được thông qua lộ trình kiểm kê khí nhà kính cơ bản được triển khai như sau:

  • Xây dựng, thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính giai đoạn 2023-2025;
  • Năm 2023: cung cấp thông tin, số liệu, xây dựng kế hoạch kiểm kê khí nhà kính;
  • Năm 2024: kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, xây dựng báo cáo kiểm kê 02 năm/1 lần;
  • Năm 2025: hoàn thiện báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở; trước thời điểm 31/12/2025: phê duyệt kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính từ 2026-2030, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ quản lý lĩnh vực và cơ quan chuyên môn có liên quan trực thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh trước ngày.
  • Giai đoạn 2026-2030: giảm phát thải, trao đổi tín chỉ cacbon.

Doanh nghiệp có nhu cầu kiểm kê khí nhà kính vui lòng tham khảo tại đây.

VNCPC