Phát hiện kim loại có khả năng tự phục hồi vết nứt

Gần đây, các nhà khoa học đã quan sát một kim loại có thể tự “chữa lành vết thương”. Nếu quá trình này có thể được hiểu và kiểm soát đầy đủ sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành kỹ thuật.

Từ gốm sứ, lớp phủ ô tô đến bê tông và thậm chí là nhựa sinh học, cộng đồng khoa học đã tạo ra các vật liệu có thể tự sửa chữa sau khi hư hỏng, một đặc tính được gọi là khả năng tự phục hồi. Nhưng khi nói đến kim loại, khả năng tự phục hồi từ những vết nứt nhỏ do thời gian gây ra vẫn còn khó nắm bắt.

Nhóm nghiên cứu đến từ Phòng thí nghiệm quốc gia Sandia và Đại học Texas A&M kiểm tra độ bền của kim loại, sử dụng kỹ thuật hiển vi điện tử truyền qua chuyên dụng để kéo hai đầu kim loại 200 lần mỗi giây. Sau đó, họ quan sát khả năng tự vá lành ở quy mô siêu nhỏ trên miếng bạch kim dày 40 nanomet treo trong buồng chân không.

Vết nứt gây ra bởi lực căng mô tả ở trên gọi là phá hủy do mỏi. Đó là áp lực và chuyển động lặp lại gây ra nứt vỡ vi mô, cuối cùng khiến máy móc hoặc công trình rạn nứt. Sau khoảng 40 phút quan sát, các nhà nghiên cứu nhận thấy vết nứt ở bạch kim bắt đầu liền lại và tự sửa chữa trước khi bắt đầu bị hư hỏng theo hướng khác. Họ công bố phát hiện hôm 19/7 trên tạp chí Nature.

“Chúng tôi không ngờ tới điều này. Những gì chúng tôi có thể xác nhận là kim loại có khả năng tự vá lành, ít nhất trong trường hợp phá hủy do mỏi ở cấp độ nano”, nhà khoa học vật liệu Brad Boyce ở Phòng thí nghiệm quốc gia Sandia.


Mô phỏng máy tính này cho thấy khối bạch kim được kéo qua các mũi tên màu đỏ, khu vực màu xanh lá cây đại diện cho một vết nứt đã tự lành.

Dù nhóm nghiên cứu chưa rõ quá trình xảy ra như thế nào hay cách sử dụng nó, chắc chắn kim loại tự vá lành sẽ tạo ra khác biệt to lớn trong việc sửa chữa mọi thứ từ cầu đường tới điện thoại động.

Năm 2013, nhà khoa học vật liệu Michael Demkowicz ở Đại học Texas A&M làm việc trong nghiên cứu dự đoán quá trình vá lành vết nứt nano có thể xảy ra, do những hạt tinh thể nhỏ xíu bên trong kim loại dịch chuyển ranh giới nhằm phản ứng với áp lực. Demkowicz cũng tham gia nghiên cứu mới, sử dụng mô hình máy tính cập nhật để chứng minh giả thuyết trước đây của ông về hành vi tự vá lành của kim loại ở cấp nano phù hợp với những gì xảy ra trong thí nghiệm.

Quá trình sửa chữa tự động đó xảy ra ở nhiệt độ phòng là một khía cạnh hứa hẹn khác của nghiên cứu. Kim loại thường đòi hỏi nhiều nhiệt để thay đổi hình dạng, nhưng thí nghiệm diễn ra trong môi trường chân không. Các nhà nghiên cứu cần xem xét quá trình tương tự có xảy ra ở kim loại thông thường trong môi trường thường ngày hay không.

Một giả thuyết khả thi bao gồm quá trình hàn lạnh, xảy ra khi các bề mặt kim loại ở đủ gần để nguyên tử của chúng mắc vào nhau. Thông thường, lớp không khí mỏng hoặc chất gây ô nhiễm can thiệp vào quá trình. Ở môi trường như chân không vũ trụ, kim loại nguyên chất có thể bị ép sát vào nhau đủ gần để dính chặt.

Hà My
https://vietq.vn/phat-hien-kim-loai-co-kha-nang-tu-phuc-hoi-vet-nut-d212572.html

Cảnh báo nguy cơ sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà

Mặc dù việc lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà được ưu tiên phát triển nhưng nếu không kiểm soát chặt sẽ có nguy cơ cháy nổ cao.

Những sự việc cháy nổ các thiết bị năng lượng điện mặt trời mái nhà gần đây liên tục xảy ra, khiến nhiều người không khỏi hoang mang về độ an toàn.

Trước đó, vào ngày 23/9/2020, 120m2 pin năng lượng mặt trời áp mái đang trong quá trình kinh doanh của Công ty Cổ phần Điện Gia Lai tại Khu công nghiệp Diên Phú (Pleiku, Gia Lai) bỗng dưng bốc cháy. Đám cháy đã làm hư hỏng 60 tấm pin mặt trời, 450m cáp điện, ước tính thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Nguyên nhân được xác định do lỗi hệ thống, thiết bị điện. Lỗi này xảy ra trong quá trình lắp đặt và thiết bị không đảm bảo chất lượng.

Cũng tại địa phương này, ngày 13/12, người dân làng Ia Tong, (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, Gia Lai) phát hiện lửa bốc lên từ khu vực máng điện ở hệ thống điện mặt trời áp mái của Công ty TNHH Phú Lợi Hưng. Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Gia Lai) đã phải cử 20 cán bộ, chiến sỹ cùng 2 xe chữa cháy tới hiện trường làm công tác chữa cháy. Sau 40 phút, lực lượng chức năng mới dập được lửa.


Nhiều rủi ro khi sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời cần kiểm soát chặt. Ảnh: Trương Trường

Một vụ việc nghiêm trọng hơn có thể kể đến như vụ cháy xảy ra tại TP Đà Nẵng cuối năm 2022. Theo đó một khu nhà xưởng rộng 1.000 m2 của Công ty nhựa ABC (tổng diện tích khoảng 6.000 m2) bất ngờ bốc cháy. Nguyên nhân được xác định là do hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái của nhà xưởng bị sự cố dẫn đến chập cháy. Ngọn lửa tiếp tục cháy mạnh khi tiếp xúc các hạt nhựa chứa trong kho khiến cả kho chứa hàng rộng 1.000 m2 bị phát hỏa.

Gần đây nhất, vào ngày 20/6/2023, gia đình chị Nguyễn Thị Hoa Mỹ ở số 6, đường Sen Hồ, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đang ngủ thì nghe thấy nhiều tiếng nổ lớn liên tiếp, khói đen tỏa ra từ tầng 3. Nhanh chóng chạy lên kiểm tra, vợ chồng chị Mỹ phát hiện thiết bị lưu trữ điện năng lượng mặt trời bị cháy nổ, khí độc lan xuống các tầng và sang nhà bên cạnh.

Cần tuân thủ nghiêm biện pháp an toàn phòng cháy chữa cháy khi lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời

Thiếu tá Nguyễn Văn Hùng, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an huyện Việt Yên) phân tích, thiết bị lưu trữ điện gồm nhiều ắc quy, trong đó chứa hỗn hợp các loại hóa chất. Khi xảy ra sự cố, quá trình cháy sản sinh ra các loại khói, khí độc (nhiều nhất là CO). Khí này vào cơ thể sẽ tiêu diệt các hồng cầu trong máu. Người hít phải sẽ bị hoa mắt, chóng mặt, lịm dần đi, thậm chí dẫn đến tử vong. Vì thế, nếu không may sự cố xảy ra vào ban đêm (khi mọi người ngủ say) thì khói, khí độc sẽ gây nguy hiểm.

Cơ quan chức năng khuyến cáo các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời phục vụ cấp điện sinh hoạt, sản xuất cần tuân thủ nghiêm biện pháp an toàn phòng cháy. Thiết bị phải được cơ sở có uy tín sản xuất, lắp đặt theo đúng thiết kế, chấp hành yêu cầu an toàn phòng cháy; kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên. Khi sử dụng, chủ hộ, cơ quan, đơn vị cần có nội quy, quy định bảo đảm an toàn phòng cháy; được tập huấn việc sử dụng cũng như nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do các sự cố cháy, nổ gây ra.

Trước sự phát triển ồ ạt của điện năng lượng mặt trời áp mái kéo theo nhiều nhà cung cấp thiết bị, vật tư cho loại hình này nở rộ. Vì thế, việc kiểm soát chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo các yếu tố về phòng chống cháy nổ gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc xây dựng, lắp đặt hệ thống này còn nhiều lỗ hổng khiến nguy cơ xảy ra cháy nổ đối với loại hình này rất cao.

Theo thông tin trường Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy – Bộ Công an, cháy nổ đối với hệ thống điện năng lượng mặt trời có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân và nhiều vị trí.

Đơn cử có thể kể đến như lỗi tại dòng điện một chiều DC bắt nguồn từ việc tấm pin năng lượng trong hệ thống điện năng lượng mặt trời được cung cấp với chất lượng kém, không đạt chất lượng như trên tem mác của nhà sản xuất; hay trường hợp tấm pin mặt trời bị vỡ thì hơi ẩm sẽ xâm nhập vào bên trong và làm hư hại tấm pin năng lượng mặt trời, trong trường hợp xấu nhất thì sẽ gây hiện tượng cháy, nổ.

Lỗi dòng điện một chiều còn bắt nguồn từ lỗi cắm ngược cực âm – dương, lỗi hồ quang điện DC, lỗi tiếp địa DC, lỗi chạm đất DC,… Ngoài ra, còn lỗi ở hệ thống xoay chiều AC, xảy ra khi người dùng đấu nhầm pha với nhau thì gây nên hiện tượng đoản mạch hay nghiêm trọng hơn là gây hư hỏng inverter; kéo xước dây: xước dây AC, gây ra hiện tượng hở mạch, nguy hiểm cho hệ thống, gây chập điện và cháy nổ,…

Cùng với đó, tấm pin và inverter phải được bố trí tại khu vực có diện tích rộng lớn cách xa các hạng mục khác của nhà máy. Các central-inverter phải trang bị hệ thống báo cháy tự động để kịp thời phát hiện sự cố cháy, nổ. Cho phép sử dụng báo cháy tích hợp với hệ thống điều khiển và giám sát công nghệ (SCADA) khi phòng điều khiển hệ thống này có người thường trực 24/24.

Không lắp đặt tấm pin mặt trời phía trên các gian phòng thuộc hạng nguy hiểm cháy nổ A, B cũng như các gian phòng khác mà trong quá trình hoạt động có khả năng tích tụ khí, bụi cháy; hạn chế việc bố trí tấm pin trên các gian phòng làm kho hoặc các gian phòng lưu trữ khối lượng lớn chất cháy.

Việc bố trí tấm pin để không ảnh hưởng đến hoạt động của thiết bị hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống kỹ thuật khác trên mái (chẳng hạn phòng bơm chữa cháy trên mái, hệ thống quạt tang áp, hút khói, hệ thống thang máy,…) theo quy định của QCVN 06:2021/BXD.

Hệ thống điện mặt trời phải được trang bị các thiết bị ngắt khẩn cấp; thiết bị này cần được bố trí cả ở vị trí inverter và vị trí tủ đóng cắt. Tại các vị trí này phải niêm yết hướng dẫn, quy trình vận hành. Tại khu vực gần lối lên mái phải bố trí các sơ đồ bố trí tấm pin trên mái và sơ đồ đấu nối hệ thống để phục vụ việc ngắt kết nối các tấm pin trên mái khi có sự cố và phục vụ công tác chữa cháy.

Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực điện mặt trời

Nhằm mục đích đẩy mạnh khai thác và sử dụng tối đa, có hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo trong nước, từng bước gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng quốc gia để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, cải thiện cơ cấu ngành năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế – xã hội bền vững, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo ở nước ta trong đó có điện mặt trời. Các cơ chế cũng đã tạo điều kiện cho hàng nghìn nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia thị trường từ nghiên cứu, sản xuất, phân phối, lắp đặt, dịch vụ, đến tài chính, bảo hiểm…, góp phần hình thành thị trường điện năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia cũng đang hoàn thiện để có được các tiêu chuẩn kỹ thuật kiểm soát an toàn, chất lượng của hệ thống điện mặt trời. Tính đến hết năm 2019 có khoảng 1000 TCVN trong lĩnh vực điện và điện tử, trong đó có 19 TCVN về hệ thống điện mặt trời. Các tiêu chuẩn quốc gia TCVN về điện mặt trời phần lớn được xây dựng trên cơ sở chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế IEC (Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà quản lý, tổ chức thử nghiệm, tổ chức chứng nhận có thể thừa nhận lẫn nhau kết quả thử nghiệm cũng như chứng chỉ chứng nhận.

Việc biên soạn các TCVN này được thực hiện chính bởi Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/E13 Năng lượng Tái tạo. Tiêu chuẩn quốc gia về tấm pin mặt trời hiện nay đã có bộ tiêu chuẩn về an toàn điện của tấm pin TCVN 12232 được xây dựng trên cơ sở chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế IEC 61730, bộ tiêu chuẩn về đánh giá chất lượng thiết kế của tấm pin TCVN 6781 được xây dựng trên cơ sở chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế IEC 61215. Bên cạnh đó còn có các tiêu chuẩn đối với thành phần của hệ thống pin mặt trời như bộ TCVN 12231 về an toàn của bộ nghịch lưu inverter được xây dựng trên cơ sở chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế IEC 62109 và các TCVN cho hộp kết nối, cáp điện, v.v…

Tấm pin mặt trời có cấu tạo từ các tế bào quang điện (cell). Nếu sử dụng các tế bào quang điện (cell) kém chất lượng và ghép thành tấm pin kém chất lượng với giá thành rẻ. Những tế bào quang điện này khi đo vẫn ra điện, nhưng bên trong sau khi chụp quang (EL test) sẽ thấy những đường nứt gãy, sau một thời gian sử dụng với sức nóng của mặt trời các vết nứt này rộng ra và tế bào đó bị đứt mạch, giảm hiệu suất hoặc hỏng hoàn toàn cả tấm pin. Ngoài ra chất lượng tấm pin quang điện còn được thể hiện ở hiệu suất phát điện của chúng. Với cùng diện tích 1m2 tấm pin dùng cell loại A hiệu suất 17-18% có thể cho ra hơn 160 đến 170W điện, trong khi cũng diện tích này nếu dùng Cell thải hiệu suất 10-12% thì chỉ cho ra 100-110W điện. Bên cạnh đó, vấn đề về rác thải pin mặt trời cũng là một vấn đề nóng hiện nay khi các tấm pin mặt trời đã hết hạn sử dụng.

Do vậy, ngoài các tiêu chuẩn quốc gia đã được công bố nêu trên, vẫn cần thiết phải bổ sung thêm các tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng và tái chế pin mặt trời cũng như có các biện pháp quản lý chất lượng, nâng cao năng lực thử nghiệm, chứng nhận, công nhận nhằm đảm bảo các yêu cầu quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/nhieu-rui-ro-khi-su-dung-he-thong-nang-luong-mat-troi-mai-nha-neu-khong-kiem-soat-chat-d212400.html

Phát triển thành công nhựa sinh học từ bùn thải

Nhóm nhà khoa học Đại học Sài Gòn phân lập hai chủng vi sinh vật có trong bùn thải nhà máy giấy để tạo nhựa sinh học.

Nghiên cứu được TS Hồ Kỳ Quang Minh, giảng viên khoa môi trường cùng 10 cộng sự thực hiện từ năm 2020 với mục tiêu tạo ra nhựa sinh học có khả năng phân hủy trong 30 ngày. Công trình còn hướng đến tái chế chất thải thành nguồn nguyên liệu hữu ích theo mô hình nền kinh tế tuần hoàn.

Theo TS Minh, trong nước thải (bao gồm bùn thải) các nhà máy sản xuất giấy, thủy sản, đường mía… có chứa nhiều chất hữu cơ. Mặc dù môi trường nước thải khá khắc nghiệt, chứa nhiều độc tố nhưng vi sinh vật hoàn toàn có thể thích nghi với cơ chế tổng hợp, tích lũy một dạng polymer (nhựa sinh học) trong cơ thể.

Nhóm nghiên cứu sử dụng mẫu nước và bùn thải của một nhà máy sản xuất giấy tại Tiền Giang, phân tích các chủng vi sinh vật trong môi trường. Bằng các phương pháp phân lập, định danh, loại trừ những vi khuẩn có khả năng lây bệnh, nhóm cho ra kết quả hơn 100 chủng vi sinh vật có khả năng tạo nhựa sinh học.

Phân tích đặc tính sinh học, nhóm đánh giá hai chủng vi khuẩn bacillus pumilus (NMG5) và bacillus megaterium (BP5) cho hiệu suất tạo nhựa tốt nhất. Kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy, hai chủng vi khuẩn này có tỷ lệ 40% khối lượng khô tích lũy là nhựa sinh học.


Thử nghiệm khả năng phân hủy nhựa sinh học (màu trắng) trong môi trường. Ảnh: NVCC

Nhóm nghiên cứu tính toán, về lý thuyết có thể thu được khoảng 40 tấn nhựa sinh học từ vi sinh vật. Tuy nhiên, TS Minh cho rằng, trường hợp khối lượng nhựa sinh học chỉ đạt một nửa so với tính toán lý thuyết cũng là tỷ lệ rất lớn.

Qua phân tích cho thấy, vi sinh vật tồn tại trong bùn thải của nhà máy và sử dụng thức ăn từ chất hữu cơ trong môi trường nên có khả năng làm sạch nước. Theo đó nhóm đề xuất có thể phát triển thành các khối bùn hoạt tính vừa tạo nhựa sinh học vừa xử lý nước với hiệu quả tốt hơn. Để lấy được nhựa sinh học sẽ phải sử dụng các biện pháp hóa học hoặc vật lý để phá vỡ vách tế bào của vi sinh vật thường được cấu tạo bằng polysaccarit. Sau đó sử dụng dung môi lấy kết tủa để thu được nhựa sinh học. Nhựa này khi tồn tại trong môi trường sẽ là nguồn thức ăn của vi sinh vật xung quanh nên sẽ phân hủy rất nhanh.

Bảo Lâm
https://vietq.vn/phat-trien-thanh-cong-nhua-sinh-hoc-tu-bun-thai-d212382.html

Thông báo về việc thay đổi địa chỉ trên đăng ký kinh doanh!

VNCPC xin trân trọng thông báo về việc thay đổi địa chỉ trên đăng ký kinh doanh.
Địa chỉ mới: Số 125 Hoàng Văn Thái, Phường Khương Trung, Quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Các thông tin khác: Tên Công ty, Mã số thuế, Số điện thoại, Liên hệ… của doanh nghiệp không thay đổi.
Xin trân trọng cảm ơn!

Mô hình sản xuất hydro xanh trên biển đầu tiên thế giới

Mới đây, công ty khởi nghiệp Lhyfe, có trụ sở ở thành phố Nantes (Pháp) đã công bố đạt được thành công trong dự án sản xuất “hydro xanh” từ điện được sản xuất từ một tuabin gió nổi ngoài khơi Le Croisic (tỉnh Loire-Atlantique). Đây là lần đầu tiên, thế giới có loại hình dự án này.

Lễ cắt băng khánh thành cơ sở sản xuất hydro ngoài khơi có tên SeaLhyfe.

Địa điểm sản xuất hydro ngoài khơi trên có tên SeaLhyfe. Được lắp đặt cách bờ biển 20 km, địa điểm này đã trải qua 8 tháng thử nghiệm trên đất liền trước khi được đưa ra biển vào ngày 18/5. Sau đó, vào tháng 6, nó được kết nối với địa điểm thử nghiệm Sem-Rev. Tại đây, một tuabin gió nổi đã được lắp đặt từ 5 năm trước.

Đơn vị nổi có màu vàng sáng, dài 21m và rộng 14m, chứa một hệ thống điện phân có khả năng biến đổi nước biển, được khử muối tại chỗ, thành khí hydro và oxy, nhờ điện năng được cung cấp từ tuabin gió nổi nằm gần đó.

Theo công ty khởi nghiệp, địa điểm sản xuất thử nghiệm này có khả năng tạo ra 400 kg hydro mỗi ngày. Địa điểm sẽ hoạt động trong 6 tháng đến một năm nhằm thử nghiệm quá trình sản xuất hydro trong các điều kiện khắc nghiệt (nước mặn, thủy triều, bão…).

Ông Matthieu Guesné – người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Lhyfe, giải thích: “Chúng tôi muốn chứng minh rằng, chúng ta có thể sản xuất hydro xanh từ năng lượng gió ngoài khơi. Dự án này cho thấy tiềm năng đáng kể trong việc tiến hành sản xuất ở quy mô đại trà, cũng như giúp nhanh chóng khử carbon khỏi ngành công nghiệp và vận tải”.

SeaLhyfe nhìn từ xa

Cùng với một liên doanh gồm 9 công ty khác, Lhyfe đã trúng thầu vị trí nhà điều phối cho dự án Hope – một địa điểm sản xuất hydro trên một trang trại gió nằm ngoài khơi Ostend (Bỉ). Dự án này sẽ đi vào hoạt động từ năm 2026 và trở thành dự án đầu tiên có đường ống dẫn hydro sản xuất ngoài khơi vào đất liền. Lhyfe đã được dự án trợ cấp 20 triệu euro.

Ông Bertrand Alessandrini – Giám đốc Quỹ Open-C, cho biết: “Ưu điểm của hydro là có thể lưu trữ được, không như điện”. Quỹ Open-C là đơn vị quản lý địa điểm thử nghiệm Sem-Rev.

Ông nói thêm: “Nhiều nhà sản xuất đã liên hệ với chúng tôi về việc đến tham gia và thử nghiệm sản xuất năng lượng từ sóng biển, hải lưu hoặc từ những tấm pin quang điện nổi”.

Vào năm 2021, Lhyfe – một công ty khởi nghiệp được thành lập tại Nantes vào năm 2017, đã khánh thành địa điểm sản xuất hydro đầu tiên của họ tại Bouin (tỉnh Vendée), bên cạnh một trang trại gió trên bờ. Công ty này có khoảng 200 nhân viên, và hiện đang phụ trách xây dựng những địa điểm sản xuất mới ở Pháp (Brittany, Occitanie) và ở châu Âu (Đức, Thụy Điển).

Ngọc Duyên/AFP
https://petrotimes.vn/mo-hinh-san-xuat-hydro-xanh-tren-bien-dau-tien-the-gioi-688400.html

Những thách thức đối với việc xây dựng nền sản xuất thông minh

Mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển sản xuất thông minh nhưng Việt Nam cũng gặp phải không ít những khó khăn, thách thức.

Theo chuyên gia, trong suốt nhiều thập kỷ qua, thế giới đã và đang chứng kiến sự trỗi dậy của châu Á – Thái Bình Dương nhờ vào năng lực sản xuất, tận dụng lợi thế từ lượng nhân công dồi dào, nền kinh tế năng động và các quy định, chính sách linh hoạt. Dù vậy, khu vực được mệnh danh là công xưởng của thế giới nay lại đang đứng trước một bước ngoặt then chốt.

Năng lực sản xuất của châu Á – Thái Bình Dương hiện đang chịu sức ép lớn từ nhu cầu không ngừng biến động của khách hàng, từ yêu cầu rút ngắn thời gian đưa sản phẩm đến với thị trường, kết hợp với không ít thách thức từ việc lạm phát ngày càng gia tăng, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và đơn hàng tồn đọng. Các nhà sản xuất ngày nay không những phải nỗ lực bắt kịp tiến độ của thị trường, mà còn đối diện với thách thức mới nảy sinh từ những đối thủ cạnh tranh mới ra đời, sở hữu trang thiết bị và công nghệ mới nhất.

Việt Nam đang nỗ lực tìm cách vượt khỏi mô hình sản xuất truyền thống. Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới thực hiện tại khu vực Đông Á – Thái Bình Dương cho thấy 70% doanh nghiệp Việt Nam trong ngành chế biến và xử lý hiện vẫn đang sử dụng máy móc do con người điều khiển, 20% chế tạo thủ công, chỉ có 9% sử dụng máy móc được điều khiển bằng máy tính, và chưa đến 1% tận dụng công nghệ hiện đại như robot và sản xuất bồi đắp 3D.

Nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh, một số nhà sản xuất ở Việt Nam kỳ vọng có thể tận dụng những lợi ích của “sản xuất thông minh”, là khái niệm hợp nhất công nghệ, dữ liệu, quy trình và tương tác của con người để cải thiện kết quả sản xuất.


Ảnh minh hoạ

Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản tạo hành lang pháp lý thuận lợi trên nhiều lĩnh vực ngành nghề như Nghị định số 111, Nghị quyết số 115 và Quyết định số 749 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia. Đây có thể coi là những nỗ lực tạo cú hích lớn để phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam cho đến năm 2030.

Dù vậy, sản xuất thông minh vẫn đối diện hai trở ngại lớn. Thứ nhất là nhiều doanh nghiệp và nhà sản xuất cho rằng họ đã đạt được cấp độ sản xuất thông minh qua việc áp dụng và triển khai công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) hoặc phân tích dữ liệu theo hình thức cuốn chiếu, khiến lợi ích của công nghệ bị giới hạn trong phạm vi khu vực sản xuất chứ không kết nối được với chuỗi giá trị kinh doanh ở quy mô lớn. Thứ hai, nhiều đơn vị vẫn còn đắn đo chưa áp dụng công nghệ mới, lo ngại về khả năng tương thích giữa các hệ thống, về vốn đầu tư lớn và không mở rộng được quy mô. Quả thực là có đến hơn ba phần tư số doanh nghiệp vừa và nhỏ, cùng với hai phần ba số doanh nghiệp lớn vẫn còn hoài nghi về lợi ích kinh tế của việc đầu tư vào công nghệ mới.

Thách thức chính yếu góp phần tạo nên hai trở ngại này là khả năng quản lý và tích hợp “dữ liệu” với “quy trình”. Các doanh nghiệp và tổ chức không chỉ phải tiếp thu, bổ sung nhiều công nghệ mới, mà còn phải hiểu được tính kết nối thực sự giữa nhà máy của họ (hay còn là công nghệ vận hành) với doanh nghiệp (hay còn là công nghệ thông tin), quản lý vận hành nhà máy bằng phần mềm, và xem xét đánh giá các hoạt động, ứng dụng và tương tác con người ở cấp độ tổng thể trong bối cảnh kinh doanh rộng hơn.

Bảo Lâm

https://vietq.vn/nhung-thach-thuc-doi-voi-viec-xay-dung-nen-san-xuat-thong-minh-d211808.html