Hội thảo tham vấn chuyên gia về phòng chống rò rỉ nhựa: Chung tay bảo vệ môi trường

Ngày 28/3, tại Hà Nội, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) đã phối hợp cùng đối tác tổ chức hội thảo Tham vấn Kỹ thuật và Lấy ý kiến Chuyên gia về Phòng chống rò rỉ nhựa”. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của các đại diện đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, trường đại học, các viện nghiên cứu và các tổ chức có liên quan.

Khi không có những biện pháp can thiệp phù hợp, nhựa thải hằng năm vào đại dương được dự đoán sẽ tăng gần gấp ba từ mức 11 triệu tấn hiện nay lên 29 triệu tấn vào năm 2040.

Trước thực trạng sản xuất và tiêu thụ nhựa liên tục gia tăng ở cả phạm vị quốc gia và trên toàn cầu, kéo theo đó là tình trạng môi trường đất, nước, không khí ngày càng bị ô nhiễm do rác thải nhựa, dự án “Xây dựng và phổ biến hướng dẫn kỹ thuật về phòng chống rò rỉ nhựa và mảnh nhựa từ các nhà máy và khu vực tái chế phi chính thức trong khối ASEAN” đã ra đời.

Đây là dự án được tài trợ bời Trung tâm Giáo dục Khu vực về chất thải nhựa đại dương (RKC-MPD) thuộc Viện nghiên cứu Kinh tế ASEAN (ERIA). Kể từ khi dự án được triển khai, Trung tâm Tài nguyên Khu vực châu Á và Thái Bình Dương thuộc Viện Công nghệ Châu Á (AIT RRCAP) đã phối hợp với các đối tác để triển khai tại 6 thành phố bao gồm: Manila và Iloilo (Philippines), Viên Chăn (Lào), Pattaya và Nothaburi (Thái Lan) và thủ đô Hà Nội.

Tại Việt Nam, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) đã được lựa chọn là đối tác của dự án. Thời gian qua, hai bên đã phối hợp triển khai các hoạt động như: Tham vấn các bên liên quan, xây dựng báo cáo đánh giá thực trạng, tham quan trực tiếp tại các cơ sở tái chế nhựa để tìm hiểu về tình trạng rò rỉ nhựa từ các nhà máy tái chế chính thức và phi chính thức tại Hà Nội.

Theo đó, hội thảo “Tham vấn Kỹ thuật và Lấy ý kiến Chuyên gia về Phòng chống rò rỉ nhựa” được tổ chức có mục đích tham vấn kỹ thuật và lấy ý kiến chuyên gia và các bên liên quan cho hai bản dự thảo được xây dựng trong khuôn khổ dự án, bao gồm: 1) Báo cáo đánh giá thực trạng rò rỉ nhựa tại thành phố Hà Nội và 2) Hướng dẫn kỹ thuật về phòng chống rò rỉ nhựa và mảnh nhựa từ các nhà máy và khu vực tái chế không chính thức trong khối ASEAN.

Tại hội thảo các địa biểu đã đồng tình về những hạn chế, bất cập về các quy định trong phòng chống rác thải nhựa tại Việt Nam. Không chỉ có vậy, quá trình thu gom nhựa đã qua sử dụng còn có nhiều khó khăn do người dân chưa có ý thức cao trong việc phân loại tại nguồn cũng như thói quen sử dụng túi nylon và sản phẩm nhựa dùng một lần đang rất phổ biến. Các cơ sở tái chế phi chính thức vẫn trong tình trạng manh mún, công nghệ lạc hậu, chưa đáp ứng được với nhu cầu.

Do đó, theo ông Phạm Hồng Hiệp Viện nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương – Bộ Công Thương cho rằng các hướng dẫn kỹ thuật đối với các cơ sở tái chế phi chính thức cần dựa trên thực tế, chi phí đầu tư phù hợp để dễ triển khai bên cạnh các hướng dẫn mang tính khuyến khích.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã có chuyến đi khảo sát thực tế tại làng tái chế nhựa Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội).

Một số hình ảnh về hội thảo:

Và chuyến khảo sát thực tế tại làng tái chế nhựa Triều Khúc:

VNCPC

Phát triển lúa mì chỉnh sửa gen giúp giảm lượng hợp chất có thể gây ung thư

Chính phủ Anh trong tháng này được dự báo sẽ phê chuẩn việc phát triển lúa mì chỉnh sửa gen giúp giảm đáng kể lượng hợp chất có thể gây ung thư.

Sở dĩ Chính phủ Anh có thể có bước đi này là vì các nhà khoa học Anh cho hay, họ đã thành công trong việc chỉnh sửa gen lúa mì, khiến giảm được đáng kể lượng hợp chất có thể gây nguy cơ ung thư.

Tại cánh đồng lúa mì mới ở thời kỳ đầu phát triển ở hạt Hertfordshire, nước Anh, các nhà khoa học của Viện nghiên cứu nông nghiệp Rothamsted đang sử dụng lúa mì để tạo ra một sản phẩm lúa mì khác bằng cách chỉnh sửa gen. Mục đích là ngăn lúa mì tạo ra một hợp chất có tên là asparagine. Khi bột mì được nướng thành bánh, asparagine chuyển hóa thành một hợp chất khác được gọi là acrylamide. Hấp thụ rất nhiều acrylamide thì có nguy cơ ung thư.

Giáo sư Nigel Halford – Viện nghiên cứu nông nghiệp Rothamsted, Anh cho biết: “Chúng tôi cố gắng giảm lượng asparagine trong hạt lúa mì để giảm lượng acrylamide sinh ra trong bánh mì khi bánh được nướng lên, kể cả trong các sản phẩm khác làm từ bột mì như sản phẩm ăn sáng, bánh quy”…

 Phát triển lúa mì chỉnh sửa gen giúp giảm lượng hợp chất có thể gây ung thư. Ảnh minh họa

Cho đến nay, các nghiên cứu cho thấy hợp chất acrylamide có liên quan đến các hậu quả tiêu cực như ung thư mới chỉ được tiến hành ở động vật. Và các nghiên cứu này cũng sử dụng lượng acrylamide lớn hơn rất nhiều, và trong khoảng thời gian dung nạp ngắn hơn rất nhiều, so với mức chúng ta hấp thụ qua việc ăn các sản phẩm bột mì nướng. Vậy nên, các nhà khoa học Anh chỉ đang nỗ lực giảm tối đa nguy cơ đối với con người.

Hiện tại, thực phẩm biến đổi gen vẫn chưa được cho phép sử dụng ở Liên minh châu Âu và Anh, nhưng do nguy cơ từ hợp chất acrylamide nên quy định này đang được xem xét điều chỉnh. Và các nhà khoa học cũng còn phải thuyết phục được cả người nông dân về sản lượng và chất lượng của loại lúa mì chỉnh sửa gen.

“Giảm được asparagine 50%, giảm được acrylamide 50% trong bột mì nướng là kết quả rất đáng mừng, tích cực, nhưng mới chỉ thử nghiệm được 1 năm. Chúng tôi còn phải xem loại lúa mì này sẽ cho sản lượng và hàm lượng protein ra sao trong mấy năm tới thì rồi mới chuyển giao cho người trồng”, Giáo sư Nigel Halford nói.

Được biết acrylamide là một hợp chất được biết đến với khả năng gây ung thư ở động vật. Đối với bánh mì nướng, bánh mì cháy càng đen thì nguy cơ ung thư sẽ càng cao, nhưng acrylamide sẽ luôn được tạo ra cho dù bánh mì có bị nướng cháy hay không. Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng acrylamide có thể gây ung thư ở người và Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm (FSA) khuyến nghị hạn chế tiêu thụ hợp chất này.

Chỉnh sửa gen giúp tăng tốc một cách hiệu quả quá trình nhân giống tự nhiên, tạo ra những lợi ích nổi bật cho sức khỏe con người hoặc môi trường, chẳng hạn như cà chua chỉnh sửa gen được bán tại Nhật Bản đã được xử lý để tăng mức vitamin D. Kỹ thuật này khác với kỹ thuật biến đổi gen khi gen chèn thêm có thể có nguồn gốc từ các loại cây trồng khác.

Hiện tại, cả thực phẩm chỉnh sửa gen và biến đổi gen đều được quy định giống nhau theo luật của Vương quốc Anh. Tuy nhiên, chính phủ nước này đang thúc đẩy Dự luật Công nghệ Di truyền (Chọn tạo giống Chính xác), cho phép thực phẩm chỉnh sửa gen được thương mại hoá. Dự kiến, dự luật sẽ thông qua phê duyệt của hoàng gia vào tháng tới.

Có thể sẽ mất nhiều năm để bánh mì có hàm lượng acrylamide thấp hơn được bày bán thị trường. Các công ty thực phẩm sẽ cần phát triển chủng loại lúa mì đã thử nghiệm tại Rothamsted trên quy mô lớn, các siêu thị sẽ cần dự trữ sản phẩm này và người tiêu dùng có lẽ phải sẵn sàng mua với giá cao hơn một chút nhưng đó vẫn là một tin tốt, cho thấy chỉnh sửa gen là một công cụ hiệu quả như thế nào.

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/phat-trien-lua-mi-chinh-sua-gen-giup-giam-luong-hop-chat-co-the-gay-ung-thu-d209096.html

Chế độ ăn muối dưới mức tiêu chuẩn có thể gây tử vong cho bệnh nhân suy tim

Theo khuyến cáo của FDA, những người có chế độ ăn ít hơn 2,5 gram muối mỗi ngày có nguy cơ tử vong cao hơn 80%.

Đối với những người bị suy tim, việc hạn chế lượng natri trong chế độ ăn uống dưới mức tiêu chuẩn là 2,3 gram mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ tử vong, theo phát hiện từ 9 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng diễn ra từ năm 2008 đến năm 2022 được trình bày tại Phiên khoa học hàng năm của Đại học Tim mạch Mỹ cùng với Đại hội Tim mạch Thế giới.

Suy tim, trong đó cơ tim trở nên quá yếu hoặc cứng để bơm máu hiệu quả, là tình trạng mạn tính ảnh hưởng đến hơn 6 triệu người trưởng thành ở Mỹ.

Trong nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã phân tích 9 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng đánh giá các mức độ hạn chế natri khác nhau đối với những người bị suy tim, bao gồm dữ liệu về tỷ lệ tử vong và nhập viện. Hầu hết nghiên cứu được thực hiện trong khoảng thời gian 2008-2022. Các thử nghiệm này đã thu nhận tổng cộng gần 3.500 bệnh nhân suy tim.


Việc hạn chế lượng natri trong chế độ ăn uống dưới mức tiêu chuẩn là 2,3 gram mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ tử vong. Ảnh minh họa

Phân tích kết quả trên tất cả nghiên cứu, các nhà nghiên cứu phát hiện ra những bệnh nhân theo chế độ ăn kiêng với lượng natri dưới 2,5 gram mỗi ngày có nguy cơ tử vong cao hơn 80% so với những người theo chế độ bổ sung trên 2,5 gram natri mỗi ngày.

Tiến sĩ Anirudh Palicherla, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Hạn chế natri vẫn là cách giúp kiểm soát bệnh suy tim, nhưng mức độ hạn chế vẫn còn gây tranh cãi. Nghiên cứu này cho thấy nên tập trung vào việc thiết lập mức tiêu thụ natri an toàn thay vì hạn chế natri quá mức”.

Hiện tại, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, bệnh lý tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới, nhiều hơn cả bệnh lý ung thư, dù là ở các nước đã hay đang phát triển. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong. Đặc biệt tần suất mắc bệnh tim mạch ngày càng trẻ hóa do những thói quen thiếu lành mạnh trong sinh hoạt hàng ngày.

Nguyên nhân thường gặp của bệnh lý tim mạch ở tuổi trưởng thành và trung niên: Hút thuốc, béo phì, ít vận động, căng thẳng (stress), chế độ ăn nhiều muối, chất béo, rượu bia, tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, đái tháo đường…Bên cạnh đó, béo phì ở trẻ em đã trở thành vấn đề toàn cầu, cứ 10 trẻ lại có một trẻ bị béo phì. Béo phì lại dẫn đến những yếu tố nguy cơ tim mạch khác như tăng cholesterol, đái tháo đường, tăng huyết áp, và hội chứng chuyển hoá. Nếu chúng ta không kiểm soát các yếu tố nguy cơ này sớm thì các bệnh lý tim mạch sẽ xảy ra sớm ở người trẻ. Ngoài ra nhóm bệnh tim bẩm sinh không được phát hiện và điều trị sớm trong những năm đầu sau sinh cũng chiếm tỉ lệ bệnh lý tim mạch không nhỏ ở người trẻ.

Các chuyên gia khuyên mọi người nên hạn chế lượng natri bằng cách ăn trái cây, rau quả tươi, tránh thực phẩm chế biến sẵn và đóng hộp.

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/che-do-an-muoi-duoi-muc-tieu-chuan-co-the-gay-tu-vong-cho-benh-nhan-suy-tim-d209019.html

Thư mời tham gia Hội thảo tham vấn kỹ thuật và lấy ý kiến chuyên gia về phòng chống rò rỉ nhựa

Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) cùng đối tác trân trọng kính mời quý vị đăng ký tham gia hội thảo Tham vấn kỹ thuật và lấy ý kiến chuyên gia về phòng chống rò rỉ nhựa”.

Trung tâm Tài nguyên Khu vực châu Á và Thái Bình Dương trực thuộc Viện Công nghệ Châu Á (AIT RRCAP), được thành lập từ năm 1989 với phạm vi hoạt động tại khu vực ASEAN. Trong những thập kỷ qua, RRC.AP luôn đi đầu trong việc thúc đẩy phát triển các chính sách, thực hành quản lý tài nguyên và chất thải bền vững trong khối ASEAN thông qua mô hình 3R, nền kinh tế tuần hoàn, quản lý chất thải, khoa học công nghệ, v.v.

Hiện tại, AIT RRCAP đang phối hợp với các đối tác tại khu vực ASEAN thực hiện dự án “Xây dựng và phổ biến hướng dẫn kỹ thuật về phòng chống rò rỉ nhựa và mảnh nhựa từ các nhà máy và khu vực tái chế phi chính thức trong khu vực ASEAN”. Dự án được tài trợ bởi Trung tâm Kiến thức Khu vực về Rác thải Nhựa Biển (RKCMPD) trực thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA).

Mục tiêu chung của dự án nhằm góp phần ngăn chặn rò rỉ nhựa và mảnh nhựa từ các hoạt động tái chế nhựa chính thức và phi chính thức ra đại dương thông qua việc thúc đẩy áp dụng các hướng dẫn kỹ thuật và thực hành tốt nhất phù hợp tại các nhà máy sản xuất và cơ sở tái chế nhựa phi chính thức ở các quốc gia thành viên ASEAN. Dự án đang được triển khai tại 6 thành phố trong khu vực ASEAN bao gồm: thành phố Manila và Iloilo (Philippines), Viên Chăn (Lào), Hà Nội (Việt Nam) và thành phố Pattaya và Nothaburi (Thái Lan).

Với mục đích tham vấn kỹ thuật và lấy ý kiến từ chuyên gia và các bên liên quan cho hai bản dự thảo được xây dựng trong khuôn khổ dự án, bao gồm: 1) Báo cáo đánh giá thực trạng rò rỉ nhựa tại thành phố Hà Nội và 2) Hướng dẫn kỹ thuật về phòng chống rò rỉ nhựa và mảnh nhựa từ các nhà máy và khu vực tái chế không chính thức trong khu vực ASEAN.

Thời gian: 8.00 – 16.00, thứ Ba, ngày 28 tháng 3 năm 2023
Địa điểm tổ chức: Khách sạn Adonis, số 55 Quang Trung, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Ngôn ngữ: Tiếng Anh và tiếng Việt

Khách mời tham dự là các chuyên gia, cán bộ đến từ các Uỷ Ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, các sở, ngành liên quan như: Sở Xây Dựng, Sở Tài nguyên và Môi Trường…, doanh nghiệp, giảng viên các trường đại học, đại diện Hiệp hội Tái tế nhựa, các chuyên gia tư vấn, đại diện các tổ chức phi chính phủ, đại diện ERIA-RKCMPD …. cùng các bên liên quan.

Quý vị vui lòng đăng ký tham gia hội thảo trước ngày 25/03/2023 bằng cách truy cập đường liên kết sau: https://vncpc.org/consultation-workshop-on-preventing-plastic-leakage/

Rất hân hạnh được đón tiếp quý vị tại hội thảo!

VNCPC

Đoàn công tác của Bộ Công Thương Lào đến thăm và làm việc tại VNCPC

Ngày 13/3/2023, Đoàn công tác của Bộ Công Thương nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào do Thứ trưởng Bountheung Duangsavanh làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC).

Tham gia buổi làm việc còn có Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp và Thủ công mỹ nghệ, Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch hơn Lào và đại diện các Vụ, Cục, Tham tán Thương mại – Đại sứ quán Lào tại Việt Nam, đại diện Bộ Công Thương Việt Nam.

Thứ trưởng Bountheung Duangsavanh trao danh thiếp cho ông Lê Xuân Thịnh- Giám đốc VNCPC

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện VNCPC

Đón tiếp đoàn ông Lê Xuân Thịnh – Giám đốc VNCPC và bà Nguyễn Lê Hằng – Phó giám đốc đã khái quát quá trình hình thành và phát triển của VNCPC trong 25 năm qua, từ lúc còn là dự án thành lập Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam cho đến khi chuyển đổi thành doanh nghiệp khoa học công nghệ thuộc hệ thống BK-Holdings (Đại học Bách Khoa Hà Nội).

VNCPC cũng đã giới thiệu với đoàn công tác về các hoạt động của mình cũng như các dự án triển khai thành công trong thời gian qua như: Xây dựng tài liệu giảng dạy về Sản xuất sạch hơn cho các trường đại học; Xây dựng đội ngũ chuyên gia SXSH; Tư vấn cho hơn 1000 doanh nghiệp về Hiệu quả tài nguyên – Sản xuất sạch hơn (RE-CP), Sử dụng năng lượng hiệu quả (EE), Đổi mới sản phẩm bền vững (D4S) và gần đây là mô hình cộng sinh công nghiệp (IS) và khu công nghiệp sinh thái (EIP).

Buổi làm việc tại văn phòng VNCPC chiều 13/03/2023

Đoàn công tác của Bộ Công Thương Lào cũng đã chia sẻ những hoạt động của Trung tâm Sản xuất sạch hơn Lào, cũng như các chương trình hỗ trợ của Chính phủ Lào trong phát triển công nghiệp hướng tới bền vững. Trong đó, Đoàn công tác rất quan tâm tới việc xây dựng các chính sách phù hợp cho phát triển các khu công nghiệp xanh, sạch tại Lào.

Trên tinh thần trao đổi cởi mở và chân thành, các bên cam kết sẽ tiếp tục hợp tác chia sẻ kinh nghiêm trong thời gian tới, đặc biệt là giữa VNCPC và Trung tâm Sản xuất sạch hơn Lào để duy trì hợp tác bền vững trong tương lai.

VNCPC

Đan Mạch: Khai trương dự án lưu trữ CO2 dưới đáy biển

Ngày 8/3, Đan Mạch đã khai trương dự án lưu trữ khí thải CO2 ở độ sâu 1.800m dưới Biển Bắc, trở thành nước đầu tiên trên thế giới chôn khí thải CO2 nhập khẩu từ nước ngoài.

Dự án Greensand sử dụng một mỏ dầu đã khai thác do tập đoàn hóa chất Ineos của Anh và tập đoàn dầu mỏ Wintershall Dea của Đức thực hiện, dự kiến đến năm 2030 cất giữ tới 8 triệu tấn khí thải CO2/năm. Hồi tháng 12/2022, dự án này được cấp phép bắt đầu giai đoạn thử nghiệm.

Các dự án thu giữ và lưu trữ khí thải CO2 (CCS) – hiện vẫn còn sơ khai và tốn kém – có mục đích thu giữ và sau đó lưu trữ CO2 để giảm thiểu tình trạng ấm lên toàn cầu. Khoảng 30 dự án hiện đang hoạt động hoặc đang được phát triển tại châu Âu.

Ảnh: INEOS

Không giống các dự án lưu trữ CO2 từ các khu công nghiệp ở gần, dự án Greensand thu giữ CO2 được chuyển đến từ các khu vực ở cách xa.

Với các dự án tương tự, trước tiên CO2 được thu giữ tại nguồn, tiếp đó được hóa lỏng (trong trường hợp Greensand là hóa lỏng tại Bỉ), sau đó được vận chuyển – hiện tại bằng tàu thủy nhưng tiến tới có thể vận chuyển qua đường ống – và lưu trữ trong các bể chứa như các hang địa chất hoặc các mỏ dầu khí đã khai thác cạn.

Tại dự án Greensand, khí thải CO2 được vận chuyển trong những thùng container chuyên dụng đến mỏ Nini West và tại đây sẽ được bơm vào bể chứa ở độ sâu 1,8 km dưới đáy biển. Một khi giai đoạn thử nghiệm hoàn tất, dự án sẽ sử dụng mỏ Siri bên cạnh.

Đan Mạch đặt mục tiêu đạt trung hòa khí thải CO2 vào năm 2045. Nhà chức trách nước này cho biết phương thức trên là công cụ rất cần thiết trong bộ công cụ chống biến đổi khí hậu của nước này.

Gần địa điểm đặt Greensand, Tập đoàn TotalEnergies của Pháp cũng đang nghiên cứu khả năng chôn khí thải CO2 nhằm lưu trữ 5 triệu tấn/năm vào năm 2030.

Ở nước láng giềng Na Uy, các cơ sở thu giữ và lưu trữ khí thải CO2 đã được đưa vào hoạt động để cân bằng phát thải CO2 trong nước, tuy nhiên nước này cũng sẽ nhận nhiều tấn khí thải CO2 hóa lỏng trong thời gian vài năm tới, được vận chuyển từ châu Âu bằng tàu biển.

Là nước sản xuất dầu lớn nhất Tây Âu, Na Uy cũng có tiềm năng lớn nhất về lưu trữ khí thải CO2 trên lục địa, đặc biệt là ở các mỏ dầu đã khai thác cạn kiệt.

Theo Cơ quan môi trường châu Âu (EEA), các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) phát thải 3,7 tỷ tấn khí thải CO2 chỉ riêng trong năm 2020 – năm chứng kiến hoạt động kinh tế giảm do dịch COVID-19.

Lâu nay được xem là giải pháp phức tạp ít được sử dụng, thu giữ khí thải CO2 được Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) và Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IEA) thúc đẩy, coi đây là giải pháp cần thiết.

Tuy nhiên, đây chưa thể là một phương thuốc thần kỳ cho tình trạng ấm lên toàn cầu.

Theo tổ chức nghiên cứu IEEFA của Australia, bản thân quá trình thu giữ và lưu trữ khí thải CO2 cũng phát thải lượng khí CO2 tương đương 21% lượng CO2 thu giữ được. Và công nghệ này không phải là không có rủi ro, theo đó có khả năng rò rỉ có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.

G.Minh (t/h)
https://petrotimes.vn/dan-mach-khai-truong-du-an-luu-tru-co2-duoi-day-bien-680004.html